NĂM NGÀY Ở TU VIỆN MỘC LAN
(ghi chép)
Hoàng Hưng
Namo Avalokiteshvara… Không lần nào nghe bài tụng hồng danh Quán Thế Âm Bồ Tát của tăng thân Làng Mai mà tôi không rớm lệ. Cả vũ trụ bao la tình bi mẫn. Và sao cứ hiện về hình ảnh lần nghe đầu tiên, các sư em và thiền sinh tu viện Bát Nhã năm nào ngồi xếp bằng tụng ca tên Mẹ trước bầy người hung hãn đợi lệnh xông vào. Gương mặt họ sáng lên một ánh sáng lạ kỳ, còn mình thì cứ chảy nước mắt…
Gần mười năm rồi. Tối nay cũng lại bài tụng ấy mở đầu khóa tu “Tâm an, thế giới an” 5 ngày ở Tu viện Mộc Lan (Magnolia Monastery), bang Mississippi Hoa Kỳ. Lại gặp những gương mặt thuở ấy, nay đã rắn rỏi trong cương vị điều hành hay giáo thọ của một Trung tâm Thiền xa quê hương vạn dặm: Sư cô Hỷ Nghiêm, Sư cô Khải Nghiêm, các thầy Pháp Hội, Pháp Sĩ, Pháp Tịnh…
Vẫn cứ bất ngờ, như đã từng bất ngờ ở Làng Mai bên Pháp năm nào, trước sức thu hút của một sư em Việt nhỏ xíu trẻ măng, với một giọng Mỹ đầy truyền cảm, dẫn dắt gần 200 thiền sinh người nước ngoài từ các bang Hoa Kỳ, cả từ nước khác nhân qua Hoa Kỳ thăm con gặp khóa tu cũng tới dự, với sự dí dỏm khiến những ông Tây bà đầm mái đầu bạc phơ chốc chốc lại cười vui như con trẻ.
Phải, đã là nếp sống của Làng Mai ở bất cứ đâu: đến với Làng, học hay tu, thiền hành hay rửa bát, đều là tiếng cười, đều là thực tập “pháp môn hạnh phúc”.
Thiền đường lớn, quá lộng lẫy trong sự giản dị tối đa của gỗ thông vàng ươm, có sức chứa trên 1000 người. Những công trình xây dựng ở đây đều do cư sĩ người Mỹ được gọi tên thân yêu là Uncle Rick chỉ huy, với bàn tay lao động của sư cô, sư thầy, Phật tử. Thật khó mà tưởng tượng cảnh các cô ngồi trong chiếc thùng được cần cẩu đưa lên cao để tự tay đóng những tấm ván gỗ thông vào trần nhà, như lời kể của anh Lê Văn Trạch ở Memphis, thân phụ của hai sư cô trẻ. Những tiểu phẩm xinh xắn rất Việt Nam như những cây đèn hoa sen, những bài thơ, lời dạy, nét bút mềm như liễu của Thầy khắc trên đá do một sư cô tạo tác. Những hàng mộc lan, tường vi, liễu, trúc, những vườn hồng, cúc, ao sen… do bàn tay tăng thân tạo dựng. Sau hơn 10 năm, 118 acres (gần 40 ha) đất đồi, nguyên là trang trại nuôi bò, do ba gia đình Phật tử người Việt gốc An Bằng (Huế) mua để cúng dường Sư Ông Làng Mai, đã thành một trung tâm thiền tập lớn, tiện nghi và ấm cúng. Dẫn tôi đi thăm quanh khu đồi Tu viện, anh Hồ Thanh Bình, nguyên là huynh trưởng gia đình Phật tử vượt biên sang đây, một thành viên của nhóm thiện nguyện đầu tiên tạo nên cơ sở Mộc Lan, không muốn nói đến số tiền bạc gom góp từ những tháng ngày vất vả kiếm sống trên quê người. Anh kể: “Sau ngày “Đi bộ vì hòa bình” (Peace Walk) năm 2003 ở Memphis có Sư Ông qua dẫn dắt, nhóm đã phát tâm tìm mua đất cúng dường. Năm 2005, Sư Ông cùng tăng thân Làng Mai qua nhận đất, nhưng Sư Ông dạy: ‘Cứ tu tập đi, rồi mọi việc tốt lành sẽ tới’. Anh em vâng lời Thầy, tu tập thành tâm, và từ từ xây cất. Phải đến sau pháp nạn Bát Nhã, tháng 03/2010 có 6 sư cô từ Làng Mai Pháp đến, Làng Mai mới chính thức có chúng xuất sĩ thường trú để bắt đầu hình thành Tu viện Mộc Lan, bảo lãnh quý sư thầy, sư cô từ tu viện Bát Nhã sang tiếp tục tu học.
Tiếp nhận thiền sinh người việt tới dự khóa tu là Sư cô Khải Nghiêm. Sư cô qua Mộc Lan từ 2015. Nguyên là một cô giáo ở Cam Ranh, cô đã lặng lẽ từ chối vào Đảng Cộng Sản để xuất gia. Sau khi cô bị buộc phải rời Bát Nhã về lại chùa ở quê, an ninh tới tận chùa chất vấn: – Cô đi tu là trốn tránh trách nhiệm xã hội, sao cô không tiếp tục làm một cô giáo để cống hiến? Cô trả lời: – Tôi đi tu trước hết để bản thân mình trở thành một con người tốt. Một con người tốt sẽ truyền cái hạnh tốt cho những người khác. Những người ấy lại truyền cái hạnh tốt ra khắp xã hội. Đó chính là đóng góp của những người xuất gia như tôi”.
Nhắc lại những kỷ niệm đau buồn, cô không sao quên được cái lúc đặt chân xuống sân bay Charles de Gaulle khi phải rời Việt Nam, nỗi tủi thân thắt lòng đứa con đang đầy hy vọng đóng góp cho quê hương mà bị thẳng thừng từ chối.
Cô tâm sự: “Sang đây, lại gặp một vùng quê nghèo của nước Mỹ, rất đông con cháu của người nô lệ da đen xưa. Tu viện đã mở cửa đón các cháu sinh hoạt những ngày cuối tuần, đã chia sẻ thực phẩm cho những gia đình nghèo. Nhìn các cháu mà lòng con không nguôi nghĩ về Việt Nam”. Nỗi niềm của cô Khải Nghiêm phần nào được an ủi vì số Phật tử gốc Việt từ khắp nước Mỹ bắt đầu quy tụ về, mỗi năm một đông. Khóa tu 2017 này có 80 người.
Ngày khai mạc khóa tu năm nay (11/10) lại trùng vào Sinh nhật (mà tăng thân gọi là ngày “tiếp nối”) lần thứ 91 của Sư Ông. Sư cô Hỷ Nghiêm vừa từ Trung tâm Làng Mai Quốc tế Thái Lan trở về, báo tin vui là sức khỏe Sư Ông đã tăng tiến nhiều. Cô chia sẻ tấm ảnh chụp Sư Ông ngồi tiếp đại chúng mừng sinh nhật, và truyền lá thư “Ngày tiếp nối của Thầy”, với lời nhắn nhủ đầu tiên: “Con xin buông bỏ hết những bực mình giận ghét người nầy, chê trách những lỗi lầm của người kia. Con xin quay về thủ hộ ý, từ bi và buông nhẹ những đau buồn trách móc”. Nghe, bỗng tự hỏi: Mình có giận ai không nhỉ? Có đấy. Đang giận một người. Phải tìm cách hóa giải. Lạ thật, ở tuổi gần đất xa trời, sức bảo thủ lớn quá chứ, ở nhà vợ con có trách cứ sự gì là lập tức xù lông nhím: – Đến tuổi này chỉ có thế thôi. Đợi kiếp sau sửa nhé! Thế mà sao những lần dự khóa tu của Làng Mai, mình cứ luôn giật mình “tự kiểm” khi có một lời nhắc nhở chung, dù chỉ từ một sư em tuổi con mình? Có lẽ đó cũng là bí quyết thành công của Làng Mai. Chẳng truyền dạy điều gì cao siêu, chỉ nhắc ta tập sống vui, tập lắng nghe, tập buông bỏ, tập trở về chính mình, và quan trọng nhất… tập thở! “Thở vào tâm tĩnh lặng/ Thở ra miệng mỉm cười”. Dễ nhỉ, mà sao khó! Đúng như Sư thầy Pháp Hội nói trong buổi pháp thoại: “Chỉ cần nhắc lại những lời rất quen thuộc của Thầy, nhưng với niềm tin vững vàng, là đã có sức mạnh”.
Buổi sáng, Sư cô Hoa Nghiêm kết thúc bài pháp thoại “Tâm yên” bằng một món quà. Đó là bài hát mà cô phổ thơ của Sư Ông: “Lòng không bận về”. Cô nhờ thầy Pháp Tịnh ca. Một khúc thiền ca hay hiếm có! Giọng hát hay quá! Và nhạc chở được ý thơ, một trong số ít bài thơ thiền hiện đại mà tôi tâm đắc.
Xin chép lại bài thơ ở đây:
Ngồi đây lắng tiếng chim bay
Ba ngàn thế giới không đầy tấc gang
Phương tây vừa khuất quạ vàng
Phương đông thỏ ngọc đã ngang đỉnh đồi
Trước sau có một mình tôi
Nghe như có tiếng đất trời gọi nhau
Xuất thiền lặng lẽ giây lâu
Lá lay cánh liếp bên lầu sáng trăng
Sông xưa giờ đã thuận dòng
Gió đi khắp chốn lòng không bận về
Cùng một cảm xúc vũ trụ của bậc hành giả, nhưng Không Lộ thiền sư mười thế kỷ trước muốn hét lên một tiếng lạnh cả thái hư “nhất khiếu trường thanh hàn thái hư”, còn Nhất Hạnh thiền sư hôm nay lại lặng lẽ nghe tiếng đất trời gọi nhau; người trước gửi chí vào câu thất ngôn tứ tuyệt chữ Hán, người nay trải lòng qua nhịp lục bát Việt dịu mềm.
Buổi chiều lại có duyên tình cờ dự pháp đàm tại cốc giành cho Thầy những khi về đây.
Tấm đá lớn chỉ lối vào, khắc 4 câu thơ:
Về đi lữ khách đường xa lắm
Cát bụi sầu thương vướng đã nhiều
Thanh thản ngủ trong lòng đạo cả
Cho hồn thơ ấu được nâng niu
Một nếp nhà đơn sơ bên sườn đồi còn nguyên rừng cây. Một chiếc bàn lớn nguyên gốc gỗ sồi mà Thầy bảo Thầy đếm từng vân gỗ biết nó đã được 105 tuổi, và vẫn luôn áp bàn tay lên mặt để được tiếp sức từ Mẹ Thiên nhiên. Thầy bảo sư cô Hỷ Nghiêm đặt tên là “Cốc chịu chơi”. Tại sao có tên ấy? Xem hồi sau sẽ rõ.
Năm ngày đêm trôi qua rất nhanh, với những sinh hoạt mà tôi cũng đã quen ở Làng Mai bên Pháp, ở Viện Phật giáo ứng dụng bên Đức: ngồi thiền buổi sớm và buổi tối, thiền hành, pháp thoại, pháp đàm, thiền làm bếp, cả thiền buông thư (ngủ trưa trong lời dẫn và giọng ca của một nhà sư, sướng thật!)…
Tất cả đều dung dị, nhẹ nhàng. Nhưng buổi chót là nghi thức thật trang nghiêm, xúc động, lần đầu tiên tôi tham dự: nghi thức truyền 14 giới Tiếp hiện (Inter-being). Thật ấn tượng cảnh gần 20 người Mỹ, nam và nữ, có người phải chống gậy, nghiêm cẩn trong trang phục nâu sồng chùa Việt truyền thống, thành kính đọc những lời nguyện rất “hôm nay” mà Sư Ông soạn: “Ý thức được những khổ đau do sự cưỡng bức người khác vâng theo cái thấy của mình, con nguyện không ép buộc bất cứ một ai, kể cả trẻ em, đi theo quan điểm của mình, bằng bất cứ cách nào: uy quyền, mua chuộc, dọa nạt, tuyên truyền và giáo dục nhồi sọ. Con nguyện tôn trọng sự khác biệt của kẻ khác và quyền tự do nhận thức của họ. Tuy nhiên con biết con phải sử dụng những phương tiện đối thoại từ bi và ái ngữ để giúp người khác cởi bỏ cuồng tín và cố chấp”, v.v. (chỉ ví dụ Giới thứ Tư, rất gần gũi nghề văn nghề báo của bản thân!)
Bà Bobbie Perkins, vừa nhận pháp danh Tiếp hiện là “Chân Truyền Tâm” (True Transmission of Mind), cho biết: bà biết đến Thầy là từ khi đọc cuốn sách “Miracle of Mindfulness” (Phép lạ của Chánh niệm) vào năm 1976. Những người chịu ảnh hưởng tư tưởng Phật giáo ở Dallas (Texas) dần dà tập họp nhau, lập ra Trung tâm Thiền Dallas (Dallas Meditation Center) mà bà làm giám đốc. Sau khi dự hai khóa tu 2011 và 2013 ở Tu viện Mộc Lan, bà ngày càng tin theo pháp môn Làng Mai, rồi hôm nay trở thành thành viên gia đình Tiếp hiện.
Chuyện kể của một Sư cô
Ghi lại chuyện kể của Sư cô Hỷ Nghiêm, người được Thầy cử sang xây dựng Tu viện Mộc Lan từ những ngày đầu.
Ngay từ chuyến đầu tiên từ Mỹ sang dự khóa tu mùa đông 5 tuần tại Làng Mai bên Pháp năm 1995, cô gái trẻ đã cảm nhận: Đây đúng là nơi mình sẽ đến! Ngay lập tức cô bị thu hút vào một tập thể sống bình dị, vui vẻ yêu thương trong cảnh nghèo như ở một làng quê Việt. Những dòng thơ trào lên trong lòng cô: “… Ôi tuyệt diệu tình thương vô ngã/ Đến với tôi tất cả niềm tin”.
Thực tình trước đó, cô đã có vài lần thổ lộ ước nguyện xuất gia, nhưng lần nào cũng gặp phản ứng bất lợi từ ba mẹ. Cha cô tha thiết: “Cha đã trải qua bao cực khổ, tù đầy, qua đây chỉ gắng sức mong cho con học hành nên người, sao con nỡ bỏ cha mẹ mà đi!” Nhưng khi cô từ Làng Mai trở về, mẹ cô đọc được điều gì trên gương mặt và ánh mắt con, đã thốt lên: “Thôi chuyến này thì nó xuất gia thật rồi, không cản được nó đâu!”
Tháng 6 năm 1996 cô quay lại Làng Mai, xuống tóc.
“Cái duyên với Làng Mai thật ra đã khởi từ lâu”, Sư cô chia sẻ. Năm 1993, khi cô ra phi trường bay qua Mỹ cùng cả nhà, một sư thầy thân quý đã cho cô một tập sách in lậu, với tựa đề “Con đường chuyển hoá” không có tên tác giả, và gần một năm sau có một thầy khác dặn: ‘Muốn hiểu sâu về Đạo thì cứ đọc CĐCH’. Cô hơi gợn thắc mắc: CĐCH là cái gì? Nhưng không kịp hỏi. Mặc dù những ngày tháng bận rộn làm quen với cuộc sống mới, cô vẫn thao thức câu hỏi CĐCH là gì. Mãi đến một ngày gặp cuốn sách tiếng Anh của Thầy Thích Nhất Hạnh “Transformation & Healing”, cô mới Ồ, thì ra trong tay mình bao lâu đã có cuốn tiếng Việt, CĐCH tức là “Con đường chuyển hóa”.
“Chú có biết cái duyên ấy còn tiếp tục đến bây giờ? Chú đợi một chút, Hỷ Nghiêm cho chú xem cái này”. Sư cô đi về “cốc”, lát sau mang ra cho tôi một tập vở dày, ngoài bìa có dòng chữ nhỏ “Bản thảo CON ĐƯỜNG CHUYỂN HÓA…”, bên trong là những trang dày đặc chữ màu xanh, nhiều chỗ sửa chữa, ghi chú…”. Tháng 10/ 2016 vừa rồi về Việt Nam, Hỷ Nghiêm đã được tặng bản thảo hơn 40 năm trước của Thầy”.
“Con đường chuyển hóa” đã là bảo bối giúp sư cô trẻ tuổi vượt qua bao thử thách trên đường tu tập và truyền đạo mười mấy năm qua.
Năm 2001, sư cô được Thầy cử vào nhóm 10 đệ tử lần đầu tiên trở về nước, trong đó có các sư thầy sư cô Tây phương. Thầy nói: “Các con là những hoa trái tốt đẹp mà Thầy chọn dâng lên bàn thờ Tiên Tổ”. Câu nói ấy đã là ánh lửa cho cô trong nhiều lần trở về, dò dẫm trong đêm tối, chuẩn bị cho Thầy về với quê mẹ, rồi cùng các sư chị sư em xây dựng nên Tu viện Bát Nhã lừng danh, cho đến ngày bị xua đuổi.
“Thực lòng sau sự cố đau lòng ấy, Hỷ Nghiêm chỉ muốn được ở lại Làng Mai ‘thanh thản ngủ trong lòng đạo cả, cho hồn thơ ấu được nâng niu’. Nhưng chẳng bao lâu, Sư Ông lại cử qua Mộc Lan để đón nhận các chị em từ Bát Nhã”.
Không quên được ngày đầu tiên đặt chân lên vùng đồi heo hút miền Trung Nam nước Mỹ, thỉnh thoảng văng vẳng câu nói của một sư thầy người Mỹ không giấu được sự lo âu nói với Hỷ Nghiêm trước khi về Mộc Lan: “Tại sao mình lại đặt Tu viện ở một vùng mà sự bảo thủ, kỳ thị chủng tộc, tình trạng bạo lực, sexual abuse [lạm dụng tình dục] vào loại nhất, và cũng nghèo vào hạng nhất nước Mỹ?”
“Hỷ Nghiêm im lặng giây lâu, rồi nhìn vào sư thầy, nói: ‘Chính vì thế mà chúng ta có mặt’. Nhưng quả thực, ngay từ giây phút bước lên khu đất này, Hỷ Nghiêm như nghe thấy tiếng thì thầm: Tổ tiên đất đai ở đây đã sắp đặt cho mình chỗ này. Cảm nhận ấy càng rõ khi ngày đầu tiên ra chợ, những cư dân người da đen quay lại nhìn và hỏi: Cô từ đâu đến, trang phục của cô là theo tôn giáo nào? Hỷ Nghiêm chắp tay xá họ, trả lời với nụ cười trên môi: Tôi là người Việt sống trên đất Mỹ, tôn giáo của tôi là Đạo Bụt Dấn Thân [engaged Buddhism], thì họ cười thân thiện”. Quả nhiên, Tu viện Mộc Lan được sự đón nhận, mở lòng của cư dân và chính quyền địa phương trong suốt quá trình xây dựng và phát triển.
Năm 2011, khóa tu lớn đầu tiên ở Mộc Lan, phải mướn một chiếc lều lớn cho khoảng 1000 thiền sinh về dự. Xong khoá tu, Sư Ông dẫn Hỷ Nghiêm đi chọn chỗ xây thiền đường và gác chuông. Thầy bảo: “Con, mọi chuyện Chư Bụt Tổ đã sắp đặt hết, mình không thể cưỡng lại sự sắp đặt của Tổ Tiên”. Đến năm 2013, khi dựng nếp nhà cho Sư Ông ở, Thầy cười bảo: “Đặt tên là ‘Cốc chịu chơi’. Con có hiểu ‘chịu chơi’ nghĩa là sao không? Chịu chơi nghĩa là khi có khó khăn thì không bỏ cuộc, cứ vững vàng đi tới”. Nước mắt sư cô trẻ tuôn trào. Cô tâm sự: “Thầy đã hiểu hết những khó khăn của đệ tử. Thầy là Thầy nhưng cũng là Người tri kỷ. Cũng như khi đặt pháp danh cho con là Hỷ Nghiêm, Thầy đã muốn con vượt lên bản tính hay lo âu của mình. Thú thật là thời gian đầu lắm lúc Hỷ Nghiêm cũng chùng bước trước những trọng trách lớn lao, muốn… xách va li chạy trốn. Nhưng ngay sau đó thì xác định dứt khoát: chỉ khi nào Mộc Lan thật yên ổn, và thấy lòng mình thật yên ổn thì mới rời chốn này”.
Năm 2013, sau khi thiền đường lớn và tháp chuông xây xong, Sư Ông tiên đoán: “Mộc Lan sẽ là trung tâm quan trọng của Làng Mai ở Tây bán cầu”.
Sau 7 năm, Tu viện Mộc Lan đã định hình với những khóa tu thường kỳ 2 năm một khóa lớn, trại hè mỗi năm cho thanh thiếu niên gia đình Phật tử gốc Việt, với những tăng thân rải rác từ Atlanta, Alabama, Arkansas, New Orleans, Dallas, Houston… Một số trường học quanh vùng như University of Mississippi (Ole Miss University), Southern Mississippi University, Warren Easton High School thường đưa học sinh sinh viên tới thực tập thiền.
15/10 chia tay khóa tu “Tâm an thế giới an” cho thiền sinh, các Sư thầy Sư cô Mộc Lan lại bắt tay chuẩn bị đón một trăm mấy chục xuất sĩ từ các Trung tâm Làng Mai trên đất Mỹ tập trung về tu tập.
Riêng tôi, ngày chia tay Mộc Lan cũng là ngày kết thêm nhiều bạn mới, mà thú vị sao lại là bạn Thơ. Tối qua, trong buổi liên hoan chia tay [Be-in] tôi có đóng góp hai bài thơ viết về Thầy (Bậc Thầy – The Master) và về trải nghiệm tu tập ở Làng Mai (Mười cảnh thiền bất chợt – Ten Zen Scenes caught then and there). Cô thiền sinh rất trẻ Thanh Nhàn giúp tôi đọc bản tiếng Anh. Khá nhiều người Mỹ gặp tôi, cảm ơn, chia sẻ về Thơ. Jim Tillman, thành viên tổ chức Thich Nhat Hanh Foundation cười cười nhắc câu thơ: “Cuckoo, cuckoo…/the practitioner/ wakens” và bình “Yes, it’s zen!”. Vợ chồng Nguyễn Đạt, ông thầy vẫn dạy khí công mỗi sáng cho khóa tu, nhờ thơ mà nhận ra tôi là tác giả những bài viết về Bát Nhã năm nào. Anh Lê Văn Trạch, người đã tham gia tổ chức sự kiện đi bộ vì hòa bình ở Memphis, là cái duyên khởi phát để thành Mộc Lan, tâm đắc với “Bậc Thầy: Thầy vào như hơi gió, Tăng đoàn rạng rỡ tuệ quang…”; anh tình nguyện chở vợ chồng tôi về Memphis, đi thăm nơi Mục sư Luther King bị tên phân biệt chủng tộc ám sát năm 1966. Mục sư chính là người đã kết bạn với chàng tu sĩ trẻ Thích Nhất Hạnh thuở nào qua Mỹ vận động hòa bình. Ồ, tất cả cứ móc với nhau như một cái duyên tiền định.
Cái duyên lành đưa đẩy để hôm nay, văn hóa Việt được truyền bá ra thế giới từ những trung tâm Làng Mai như Mộc Lan ở Mỹ.
Tu viện Mộc Lan 11-15/10/2017
H.H.
Toàn cảnh Tu Viện Mộc Lan (ảnh: Làng Mai)
Cảnh bên trong tu viện (ảnh: internet)
Discussion about this post