LỜI NÓI KHÔNG MẤT TIỀN MUA
Thiện Ý
Theo kinh Phật dạy: Trên thế gian này không có gì là tự nhiên mà có. Chính do nhân duyên nên chúng ta mới gặp người phối ngẫu của mình và sống chung, có con cái với nhau. Nên đừng xem thường mối lương duyên đó mà hãy luôn trân trọng và dưỡng nuôi tình nghĩa vợ chồng, con cái với nhau. Hiện con số thống kê trên xứ Mỹ cho thấy, hễ vợ chồng sống chung hạnh phúc thì sẽ giảm cơ hội ly dị đến 14%, và có khoảng 43% trẻ em lớn lên ở Mỹ không có cha. Với con số như vậy, thử hỏi hạnh phúc hôn nhân và gia đình quan trọng thế nào đối với con cái và vợ chồng. Do vậy, tình nghĩa keo sơn, gắn bó giữa vợ chồng, con cái là chất liệu duy trì hạnh phúc trong gia đình. Và một trong những chất keo kết nối tình nghĩa vợ chồng là lời khen tặng cho nhau.
Trong các gia đình Á châu, nói chung, thường rất kén chọn lời khen thưởng, không như người Tây phương. Thường khi cha mẹ rất nghiêm khắc với con cái và luôn phê bình con mình chưa làm hết trách nhiệm, chưa cố gắng hết sức. Vợ chồng cũng vậy. Ông, bà luôn tiết kiệm lời khen và ít khi khen người phối ngẫu của mình trước mặt mọi người. Nhưng điều oái oăm nhất là ai trong chúng ta cũng đều thích lời khen tặng, cho dù mình có nghe nó đến hàng trăm lần đi nữa! Người chồng sau những giờ làm việc mệt nhọc chỉ muốn về nhà và được vợ cung phụng và chìu chuộng. Người vợ sau những ngày tháng đầu hôn nhân tìm cách chìu chồng để giữ hạnh phúc gia đình. Cô vợ lo nấu nướng giặt giũ, thu xếp nhà cửa cho ngăn nắp. Nhưng vì không được sự khen ngợi của chồng nên dần dà mất đi hứng thú lo nấu nướng thật ngon, hay dọn dẹp nhà cửa sạch sẻ.
Tất nhiên, đời sống hôn nhân kiểu vợ chồng không biết, hay không muốn tỏ lộ tình thương yêu lẫn nhau sẽ dễ dàng dẫn đến tan vỡ. Người chồng đừng bao giờ tiếc lời khen vợ mình. Thử hỏi có ai chán nghe lời khen người khác dành cho mình, dù là nhiều lần trong ngày. Từ thức ăn cho đến sự ăn mặc, người phụ nữ luôn muốn được chồng khen. Có thể bạn cảm thấy rằng khen nhiều quá sẽ khiến mình nói giả dối, không thật. Nhưng hãy nhớ rằng chính những lời khen tặng này là những chất keo sơn gắn liền tình nghĩa vợ chồng và hạnh phúc gia đình. Ngược lại, người vợ cũng nên nói những lời hay đẹp về chồng. Đừng cho rằng chồng mình là kẻ bất tài, không giúp gì cho vợ và gia đình nhiều! những ý nghĩ như vậy sẽ khiến hôn nhân dễ dàng tan vỡ khi gia đình gặp cảnh khó khăn. Người vợ phải hãnh diện vì chồng. Luôn chú ý đến những điều hay và tốt của chồng, giống như những ngày mình đang yêu. Tất nhiên ai cũng có cái dở của họ, luôn cả chính mình. Nhưng nếu chúng ta chỉ chú trọng vào những điểm dở, điểm yếu của người kia và đem lời phê bình chỉ trích thì, không sớm thì muộn, người bị chỉ trích sẽ bỏ cuộc. Trong kinh ‘Thiện sinh – Lạy Sáu Phương’ Phật dạy cách tỏ lòng kính yêu, nhường nhịn giữa vợ chồng:
* Năm phép của chồng thương yêu vợ:
– Đối xử với vợ một cách kính mến.
– Luôn hòa nhã, thanh cao đối với vợ.
– Giữ gìn tín trung với vợ.
– Giữ gìn cho người khác kính nể vợ mình.
– Cung cấp cho vợ các thứ cần dùng.
* Năm phép của vợ yêu thương chồng:
– Trực tiếp lo dọn dẹp gọn gàng trong nhà.
– Niềm nở gia đình và bạn bè của chồng.
– Giữ tín trung với chồng.
– Giữ gìn coi sóc thận trọng của cải trong nhà.
– Siêng năng khéo léo làm tròn bổn phận của mình.
Phật cũng dạy trong Tứ Nhiếp Pháp (4 hạnh lợi tha nhiếp hóa chúng sinh): Ái ngữ đóng một vai trò quan trọng trong đời sống hạnh phúc gia đình. Nếu chồng vợ biết nói lời ái ngữ cho nhau thì con cái của họ sẽ nhìn thấy và học theo. ‘Tục ngữ có câu: “Lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Thật thế, lời nói là một của báu mà mọi người đều có cả, không phân biệt giàu, nghèo, sang, hèn. Nhưng cũng lời nói ấy người nầy sử dụng thì nên công việc, còn người kia sử dụng thì lại tán gia bại sản. Sở dĩ như thế là vì một bên biết lựa lời ăn nói dịu dàng, dễ nghe, còn một bên cộc cằn, thô tục. Nhiều người, tự bào chữa, thường bảo: “Tánh tôi ngay thẳng và có hơi nóng, nên hay ăn to nói lớn, chứ thật ra tôi không có ác ý”. Không có ác ý, nhưng làm cho người chung quanh phải đau khổ, khó chịu vì lời nói khiếm nhã, thô bạo của mình, thì có khác gì người ác?’ (HT. Thiện Hoa – Phật Học Phổ Thông.)
Những lời khen tặng có một giá trị tích cực không ngờ đối với, không chỉ những người trong gia đình, vợ chồng con cái, mà luôn cả người dưng, xa lạ. Giống một chất kích thích, như sâm nhung hay thuốc tăng cường sinh lực, lời khen tặng có thể khiến người khác dốc sức làm việc gấp đôi mà không thấy chán mệt; cũng như có thể làm thay đổi thái độ hay tính tình của một người. Như trong câu chuyện có một vị thiền sư đi ngang qua một ngôi làng. Khi tới đầu làng, ngài bỗng nghe tiếng kêu khóc, than vãn! Thì ra một bé gái đang cơn bệnh nặng mà không thầy thuốc nào trong làng tìm ra cách cứu chữa nên cha mẹ bé gái lo sợ, than khóc. Nghe tin có một thiền sư đi ngang mọi người xin ngài ban phép để trị lành căn bệnh cho bé gái. Vì lòng bi mẫn, ngài bèn đến gần cháu bé để tay ngài trên đỉnh đầu cháu và cầu nguyện. Một người cậu của cháu gái nhìn chăm chú những động tác của vị thiền sư mà trong lòng không chút tin tưởng! Nhưng vì tôn trọng ý kiến gia đình nên sau khi vị thiền sư chú nguyện xong, ông ta bèn lớn tiếng nói rằng: ‘Cháu tôi bị bệnh đến độ uống thuốc men không hết, ông nghĩ rằng chỉ một lời cầu nguyện là trị lành bệnh được sao?’ Ngay lập tức vị thiền sư bèn quát mắng người cậu là một kẻ thiển cận, ngu ngốc! làm sao có thể hiểu được sự mầu nhiệm này! Nghe xong, mặt người cậu đỏ bừng, giận dữ bởi những lời nói nặng nề của vị thiền sư. Ông ta định bước vào tóm lấy nhà sư quăng ra khỏi làng. Nhưng ngay lập tức, vị thiền sư mỉm cười, đổi giọng hiền hòa, bước đến người cậu, nói rằng: ‘Nếu một lời nói của tôi có thể khiến ông đỏ mặt, tía tai như vậy, thì lời cầu nguyện của tôi lại không có hiệu quả hay sao!’ Ngày hôm đó, vị thiền sư trị lành bệnh được hai người chỉ bằng lời nói.
Thế mới thấy rằng lời nói có một sức mạnh thật sự. Nó có thể khiến người khác từ bình tỉnh đến nổi xung thiên, hay từ buồn rầu đến tươi mát cả ngày! Tuy nhiên, có người lại cho rằng nhờ những lời phê bình, chỉ trích sẽ kích động người kia cố gắng hơn lên, và thậm chí, có người đã thành công to lớn trong đời cũng nhờ từ đó, như nhà phát minh nổi tiếng Edison, nhà toán học Einstein, v.v… Tất nhiên, lời phê bình có tính cách xây dựng cũng có giá trị riêng của nó! Nhưng đa số chúng ta ai cũng cần lời khen tặng để vươn lên và sống tốt hơn. Cũng như trong đời sống gia đình và tập thể lời khen tặng cho người khác thêm nguồn sinh khí, và năng lượng đối với họ. Riêng mình, khi thấy người khác tươi vui do những lời khen tặng của mình thì mình cũng thấy vui theo. Rõ ràng, niềm vui và hạnh phúc không phải là thứ dễ mua; nhưng cũng không phải là việc khó làm! Nếu chúng ta biết ‘lựa lời mà nói’ thì cả người lẫn ta đều ‘vừa lòng nhau.’
San Jose, tháng 6, 2014
Thiện Ý
Discussion about this post