LIỆU CÓ SỰ SỐNG SAU KHI CHẾT HAY KHÔNG?
(trích buổi vấn đáp với Thiền sư Thích Nhất Hạnh ngày 24/7/2012
tại xóm Thượng, Làng Mai trong khóa tu mùa hè –
được chuyển ngữ từ nguyên bản tiếng Anh)
Câu hỏi : Thưa Thầy, liệu có sự sống sau khi chết hay không ?
Thầy : Sự sống luôn có mặt đồng thời với cái chết, không có trước mà cũng không có sau. Sự sống không thể tách rời khỏi cái chết. Nơi nào có sự sống thì nơi đó có cái chết và
nơi nào có cái chết thì nơi đó có sự sống. Điều này cần phải quán chiếu
kỹ mới có thể hiểu được. Trong đạo Bụt, chúng ta nói về tính tương tức của vạn vật, nghĩa là không ai trong chúng ta có thể tồn tại một cách biệt lập, riêng rẽ. Chúng ta phải tương tức với những thành phần khác. Nó cũng giống như bên trái và bên phải. Nếu bên phải không có đó thì bên
trái cũng không thể có mặt. Nếu không có bên trái thì cũng không có bên
phải. Không thể nào có thể lấy bên trái ra khỏi bên phải hoặc lấy bên phải ra khỏi bên trái.
Giả sử tôi nhờ một bạn mang nửa bên trái đi về xóm Hạ và một bạn khác mang nửa bên phải đi về xóm Mới. Chắc chắn là không thể làm được. Bên phải và bên trái luôn có mặt cùng nhau, bởi vì không có bên này thì bên kia cũng không thể tồn tại. Điều này rất
rõ ràng, cũng giống như bên trên và bên dưới. Vì vậy, trong đạo Bụt gọi
đó là tương tức (Inter-being). Những mặt đối lập luôn đi liền với nhau.
Cũng vì vậy mà khi Thượng Đế truyền lệnh: «Ánh sáng, hãy xuất hiện đi ! » thì ánh sáng thưa rằng : «Con phải
đợi, thưa Thượng Đế ! Con phải đợi ! ». Thượng Đế nghe vậy liền hỏi : « Ngươi còn đợi cái gì nữa ? ». Ánh sáng đáp : « Dạ, con đang đợi bóng tối đến để biểu hiện cùng một lúc ». Bởi vì ánh sáng và bóng tối tương tức với nhau. Khi đó, Thượng Đế mới bảo rằng : « Bóng tối đã xuất hiện rồi! ». Ánh sáng đáp : « Vậy thì con cũng đã có mặt ở đó rồi ! ».
Điều này cũng đúng với các cặp đối lập như : tốt – xấu, trước – sau, ở đây – ở đó, anh – tôi. Tôi không thể nào
có mặt ở đó nếu không có anh. Cũng giống như hoa sen kia không thể nào có mặt nếu không có bùn. Không có bùn thì cũng không có sen. Cũng tương tự như vậy, hạnh phúc sẽ không thể nào có được nếu không có khổ đau, cũng như không thể nào có sự sống nếu không có cái chết.
Các nhà sinh vật học khi quan sát cơ thể con người đã nhận thấy rằng cái sinh và cái diệt diễn ra đồng thời. Trong giây phút này đây, hàng ngàn tế bào trong cơ thể chúng ta đang chết đi. Khi ta gãi trên da như thế này thì nhiều tế bào khô rơi xuống, đó là những tế bào đã chết. Và rất nhiều tế bào chết đi trong từng giây phút của đời sống hàng ngày. Bởi vì chúng ta quá bận rộn nên chúng ta không nhận thấy điều đó thôi. Và nếu những tế bào đó chết cũng có nghĩa là chúng ta đang chết. Chúng ta thường nghĩ rằng chúng ta còn lâu mới chết. Ta nghĩ rằng ta còn năm mươi hay bảy mươi năm nữa mới chết, nhưng điều đó không đúng. Cái chết không phải là một cái gì đang chờ đợi ta ở cuối con đường, mà nó đang diễn ra ngay trong giây phút này, ngay bây giờ và ở đây.
Trong sinh có diệt …
Cái chết đang diễn ra trong mỗi giây, mỗi phút, ngay trong giờ phút hiện tại. Chính vì có những tế bào chết đi
mà có những tế bào mới được sinh ra. Và vì có quá nhiều tế bào được sinh ra trong từng giây từng phút nên chúng ta không thể có thì giờ để tổ chức lễ mừng sinh nhật cho chúng được. Nói một cách khoa học thì chúng ta có thể nhìn thấy cái sinh và cái diệt đang diễn ra trong giờ phút hiện tại, đó là sự thật. Bởi vì có những tế bào chết đi nên những tế bào mới được sinh ra và vì có những tế bào được sinh ra nên mới có những tế bào chết đi. Chúng nương vào nhau để biểu hiện. Do vậy, chúng ta đang kinh nghiệm sự sống và cái chết trong từng giây, từng phút. Đừng
nghĩ rằng chúng ta chỉ được sinh ra từ ngày tháng ghi trong giấy khai sinh, đó không phải là ngày sinh thật sự. Trước ngày giờ đó thì chúng ta
đã có mặt rồi. Trước khi được thụ thai trong bào thai của mẹ thì chúng ta đã có mặt trong cha và mẹ của chúng ta dưới một hình tướng khác. Vì vậy mà có thể nói không có sinh, không có một điểm bắt đầu thực sự, và cũng không có kết thúc.
Khi chúng ta biết sinh và diệt luôn có mặt đồng thời với nhau thì chúng ta không còn sợ hãi cái chết. Bởi vì chính giây phút mà cái chết xảy ra thì sự sống cũng đồng thời sinh khởi.
La vie est avec la mort (Sự sống luôn đi liền với cái chết). Chúng
không thể tách rời. Để chứng nghiệm được điều này đòi hỏi phải có một sự thiền quán rất sâu. Ta không nên chỉ dùng trí năng để thiền quán. Ta phải quan sát sự sống trong từng giây từng phút của đời sống hàng ngày. Ta sẽ thấy rằng sinh và diệt tương tức với nhau, điều này xảy ra đối với
vạn vật, từ cây cỏ, cầm thú, thời tiết, vật chất và năng lượng. Các nhà
khoa học cũng đã tuyên bố rằng không có sinh cũng không có diệt, chỉ có
sự chuyển biến từ hình thái này sang hình thái khác mà thôi. Vì vậy chỉ
có sự chuyển biến là có thật, còn sinh và diệt là những cái không có thật. Những gì mà ta gọi là sinh và diệt thì đó chỉ là sự chuyển biến mà
thôi.
Khi thực hiện một phản ứng hóa học, ta lấy một số chất hóa học cho vào với nhau. Khi các chất hóa học gặp nhau thì sẽ xảy ra phản ứng, một sự biến đổi của các chất. Đôi khi ta nghĩ rằng một chất hóa học nào đó không còn nữa, nó đã biến mất, nhưng sự thật là khi quan sát kỹ, ta sẽ thấy rằng chất hóa học đó vẫn còn tồn tại
nhưng chỉ ở dưới một dạng khác mà thôi.
Khi ta nhìn lên bầu trời và không thấy đám mây mà ta yêu quý đâu nữa, ta nghĩ rằng đám mây đó đã chết, nhưng sự
thực là đám mây đó vẫn đang tiếp tục tồn tại nhưng dưới hình tướng là mưa hay những hình tướng khác mà thôi. Sinh và diệt chỉ là những hiện tượng mà ta nhìn thấy trên bề mặt. Nếu ta nhìn thật sâu thì không có sinh cũng không có diệt, chỉ có sự tiếp nối không ngừng. Khi ta tiếp xúc
được với bản chất không sinh không diệt thì ta không còn lo sợ cái chết. Không chỉ đạo Bụt nói về không sinh không diệt, mà khoa học cũng nói về điều này. Giữa hai bên có thể chia sẻ với nhau những khám phá của
mình, điều này sẽ rất thú vị. Chúng ta cần sống đời sống của mình cho sâu sắc hơn để có thể tiếp xúc được với bản chất không sinh không diệt.
Câu trả lời này của Thầy chỉ là một lời
mời, một lời đề nghị thực tập. Chúng ta cần sống đời sống của mình một cách chánh niệm hơn, với sự định tĩnh để có thể tiếp xúc một cách sâu sắc với những gì đang diễn ra trong ta và xung quanh ta. Và khi đó, chúng ta sẽ có cơ hội tiếp xúc với bản chất chân thực của thực tại, đó là bản chất không sinh không diệt. Đạo Bụt gọi đó là Niết bàn (Nirvana). Niết
bàn chính là bản chất không sinh không diệt. Trong đạo Thiên chúa, ta có thể gọi đó là Thượng Đế. Thượng Đế chính là bản chất không sinh, không diệt của chúng ta. Chúng ta không phải đi tìm Thượng Đế. Thượng Đế
chính là bản tánh chân thật của chúng ta.
Điều này cũng giống như một ngọn sóng tin rằng mình có sinh, có diệt. Mỗi lần con sóng dâng lên cao và khi chuẩn bị xuống thấp, nó cảm thấy lo sợ, nó sợ cái chết. Nhưng nếu con sóng nhận ra rằng nó là nước thì nó sẽ không còn sợ hãi. Trước khi dâng lên cao thì nó đã là nước, trước khi hạ xuống thì nó vẫn là nước và sau khi hạ xuống thấp thì nó vẫn là nước thôi. Không có cái gì chết đi. Vì vậy điều quan trọng là con sóng cần thiền quán để thấy rằng nó là con sóng, nhưng nó cũng đồng thời là nước. Và khi đã biết mình là nước thì con sóng sẽ không còn sợ cái chết nữa. Nó sẽ cảm thấy vô cùng hạnh phúc khi vươn lên cao và cũng hạnh phúc không kém khi hạ xuống thấp. Nó đã vượt thoát mọi sự sợ hãi.
Những đám mây của chúng ta cũng vậy. Chúng không sợ chết, bởi vì chúng biết rằng nếu chúng không phải là một đám mây thì chúng có thể trở thành một cái gì khác cũng đẹp không kém, chẳng hạn như mưa hay tuyết.
Vì vậy trong trường hợp con sóng, nó không đi tìm kiếm nước. Nó không phải đi tìm kiếm làm gì, bởi vì nó chính là nước ngay trong giờ phút hiện tại. Điều này cũng đúng với Thượng Đế. Chúng ta không phải đi tìm Thượng Đế ở đâu hết, chúng ta chính là Thượng Đế. Thượng Đế chính là tự tánh của chúng ta. Chúng ta không phải đi tìm kiếm Niết bàn. Niết bàn chính là nền tảng hiện hữu của
chúng ta. Đó là giáo lý của Bụt. Nhiều người trong chúng ta đã có thể chứng nghiệm được điều đó. Chúng ta biết tận hưởng giây phút hiện tại. Chúng ta biết rằng chúng ta không thể nào chết được.
Trái đất của chúng ta là hành tinh đẹp nhất trong hệ mặt trời. Chúng ta nên biết cách tận hưởng những bước chân
của mình khi đi trên hành tinh xinh đẹp này, đó là đất Mẹ – mẹ của tất cả chư Bụt, chư Bồ tát và các Thánh nhân, mẹ của Mahatma Gandhi, Martin Luther King, Chúa Jesus, các vị Bụt và cũng là mẹ của tất cả chúng ta. Và chúng ta đang hạnh phúc tận hưởng sự có mặt của Mẹ. Mẹ của chúng ta đang có mặt ở bên ngoài và cả bên trong mỗi chúng ta. Khi đi dạo trên đồi, chúng ta có thể tận hưởng từng bước chân của mình, tận hưởng sự có mặt của chính mình và của đất Mẹ, người mẹ vô cùng xinh đẹp. Chúng ta cần đi như thế nào để trong mỗi bước chân, chúng ta có thể tiếp xúc với đất Mẹ một cách sâu sắc. Mỗi bước chân như vậy có thể trị liệu cho chính
chúng ta và cho cả đất Mẹ.
(Làng Mai)
Discussion about this post