Trong thời kỳ thật giả hỗn độn như ngày nay, việc cân nhắc làm thiện để tích phước sao cho đúng hiệu quả lại càng cần thiết. Đồng thời tránh làm thiện sai (bất chánh thiện thí) dẫn đến uổng phí công sức mà còn hoại phước đức, tạo nghiệp chướng, ác nghiệp dẫn đến nỗi khổ lớn mai sau.
Chúng ta cũng lưu ý thập thiện nghiệp không phải do Đức Phật tự nghĩ ra và bắt buộc mọi người làm, mà đó là quy luật sẵn có của vũ trụ, đã tồn tại dù có hay không có Đức Phật. Người nào làm thuận theo thì sẽ tốt, tiến hóa lên. Còn ngược lại thì tất nhiên sẽ suy hóa.
Cho nên khi làm từ thiện mà thiếu suy xét, không phân biệt được đúng sai, chỉ làm theo phong trào, theo hình thức, theo sự lôi cuốn của đám đông, làm vì tin theo sự kêu gọi của tổ chức hay cá nhân nào đó, thì chính chúng ta sẽ nhận lấy kết quả theo quy luật tự nhiên “gieo nhân nào gặt quả nấy”.
Chánh thiện nghiệp đúng theo Phật Học Nguyên Thủy là bao gồm 10 giọt thiện (thập thiện) chứ không chỉ riêng việc từ thiện giúp đời. Từ thiện chỉ là một phần nhỏ trong thập thiện mà thôi.
Mười nghiệp thiện (giọt thiện) gồm
3 nghiệp thiện của thân:
- Không sát sanh
- Không tước đoạt
- Không tà dâm
4 nghiệp thiện của khẩu:
- Không nói dối
- Không nói thêu dệt
- Không nói hai chiều
- Không nói lời thô ác
3 nghiệp thiện của ý:
- Không tham
- Không sân
- Không si
Muốn có phước đức thật sự, phải thực hành đủ 10 nghiệp thiện nêu trên, đó là thiện ở thân, thiện ở khẩu, thiện ở ý; Kinh Pháp Cú (đoạn 122) gọi đó là người có trí:
Chớ khinh suất điều thiện, nói “nó không đến mình”
Ngay cả từng giọt nhỏ, nhỏ lâu cũng đầy bình
Do vậy người có trí, tích cóp từng “giọt thiện”
Đến khi thiện đầy mình.
Tu có thể hiểu là việc chúng ta tu chỉnh (chỉnh sửa) dần 3 khu vực thân khẩu ý của mình sao cho ngày càng tinh tấn hơn (tiến thiện).
Bảng nhân quả trong pháp tu thập thiện nghiệp:
NHÂN | QUẢ | |
Giữ Thiện | Tiến thiện | |
1. THÂN |
||
Không sát sanh, không phá hoại môi trường | Cứu sanh, chăm sóc môi trường, con người, cây cỏ | Khỏe mạnh, trường thọ |
Không tước đoạt, ngay thẳng | Giúp đỡ, chánh thiện thí | Giàu sang, an ổn |
Không tà dâm, quan hệ bất chính, đa dâm | Tu tập Tinh – Khí – Thần | Xinh đẹp, hạnh phúc |
2. KHẨU |
||
Không nói dối gạt, chân thật | Nói lời chân thật mang đến lợi ích | Uy thế, tiếng tăm |
Không nói xảo ngôn thêu dệt | Nói đúng sự thật, giúp mọi người hiểu được vấn đề | Mọi người kính mến |
Không nói hai chiều, ly gián, nịnh hót | Nói lời hòa hợp, trung thực thẳng thắng | Mọi người kính nể, mang ơn |
Không nói thô tục, ác độc | Nói lời lịch sự, cao đẹp | Mọi người tôn trọng |
3. Ý |
||
Không còn gian tham, bỏn xẻn (tham) | Thí xã, rộng rãi | Vô lượng phước báu |
Không còn nóng nảy thù vặt (sân) | Từ tốn, nhẫn nhịn, nhẫn nại | Vô lượng duyên lành |
Không còn mê muội, thụ động (si) | Học hỏi, trau dồi tri thức, năng động | Vô lượng trí tuệ |
Do đó, không thể có đời sống thực sự có ý nghĩa chỉ bằng việc làm từ thiện, giúp đỡ người khác (hay còn gọi là hành thiện thí nghiệp).
Và cũng không nên lầm tưởng chỉ cần đi làm từ thiện là làm đời sống tu tập được tiến bộ hoặc cho là đã đủ và có phước đức mà quên thực hành đầy đủ 10 giọt thiện nêu trên. Nếu chưa hành được 10 nghiệp thiện, thì chắc chắn tâm đang hành giọt ác. Đáng sợ nhất là giọt sân và nguy hiểm nhất là giọt si. .
Trong kinh pháp củ đức Phật dạy:
Chớ khinh suất điều ác, nói “nó không đến mình”
Ngay cả từng giọt nhỏ, nhỏ lâu cũng đầy bình,
Đừng như người si dại, tích dần từng giọt ác
Đến khi ác đầy mình. (Kinh Pháp Cú đoạn 121)
Chúng ta cũng phải lưu ý 10 Nghiệp ác, nếu không rất dễ vừa làm thiện vừa làm ác cùng lúc thì kết quả cuối cùng cũng không nhiều, nhiều khi còn đi lùi.
10 nghiệp ác (giọt ác) gồm:
3 nghiệp ác của thân:
- Sát sanh
- Tước đoạt
- Tà dâm
4 nghiệp ác của khẩu:
- Nói dối
- Nói thêu dệt
- Nói hai chiều
- Nói lời thô ác
3 nghiệp ác (giọt ác) của ý:
- Tham lam
- Sân hận
- Si mê
Cho nên trong Kinh Pháp Cú đức Phật dạy hể biếng nhác làm lành giờ nào thì tâm liền ưa chuyện ác giờ ấy:
“Hãy gấp rút làm lành (tích 10 giọt thiện)
Chế chỉ tâm tội ác
Hãy gấp rút làm điều lành (thiện)
Ngăn tâm làm điều ác
Ai chậm làm việc lành
Ắt tâm ưa việc ác.”
Trích kinh pháp cú 116
Chánh thiện thí có được công đức hay không?
Khi tổ Đạt Ma sang Trung Quốc truyền giáo và tương kiến vua Lương Vũ Đế. Vua Lương Vũ Đế hỏi tổ Đạt Ma: “Trẫm từ khi lên ngôi đến nay, xây chùa, chép kinh, độ tăng không biết bao nhiêu mà kể. Vậy có công đức gì không?”
Tổ Đạt Ma đáp: “Không có công đức.”
– “Tại sao không công đức”.
– “Bởi vì những việc vua làm là nhân “hữu lậu”, chỉ có những quả nhỏ trong vòng nhân thiên, như ảnh tùy hình, tuy có nhưng không phải thật.”
Vậy công đức chân thật là gì?
Sư đáp: “Trí phải được thanh tịnh hoàn toàn.Thể phải được trống không vắng lặng, như vậy mới là công đức, và công đức này không thể lấy việc thế gian (như xây chùa, chép kinh, độ tăng) mà cầu được.”
trong Kinh TTLMYC Tổ dạy:
“…Lấy những việc làm theo hình tướng mà cho là công đức, tốn kém biết bao nhiêu tiền của; đắp tượng, xây tháp uổng phí sức người; dốc lòng hết sức cũng chỉ tự làm tổn hại bản thân, mê hoặc người khác, chẳng biết là rất đáng hổ thẹn, biết bao giờ được giác ngộ?Thấy pháp hữu vi thì hết lòng đắm chấp, nghe nói đến pháp vô vi thì ngớ ngẩn, mê muội. Chỉ tham những điều lành nhỏ nhoi trước mắt, nào biết được nỗi khổ lớn mai sau? Tu học như thế chỉ tự mình nhọc công phí sức, bỏ chánh theo tà, ai bảo là được phước?
Lời dạy Tổ Huệ Năng:
“Xây chùa, bố thí, cúng dường chỉ là tu phước, không thể lấy phước làm công đức được. Công đức ở tại Pháp thân, không phải ở phước điền. Tự trong pháp tánh đã có công đức. Kiến tánh là công, bình đẳng là đức. Bên trong thấy Phật tánh, bên ngoài tu hành cung kính. Nếu như khinh tất cả mọi người, không cắt đứt được sự chấp ngã, thì tự mình không thể có công đức được. Nếu như tự tánh mình hư vọng, Pháp thân không còn có đức nữa. Nếu trong niệm niệm liên tục có tu hành phước đức và bình đẳng chơn tâm, thì công đức sẽ không nhỏ và hành vi luôn luôn cung kính. Tự tu thân là công, tự tu tâm là đức. Công đức là do tự tâm mà ra, phước và công đức là khác nhau”.
Phước đức hoàn toàn khác với công đức, không nên lầm lẫn với nhau. Khi tự mình thấy được tự tánh thì đó là công, luôn khiêm cung hòa nhã với mọi người thì đó là đức.
Muốn tự tu thân, tu tâm thì chắc chắn phải rèn luyện đời sống mình, chỉnh sửa mình, tâm địa không nghi, không loạn, không si, bởi thế công đức không phải đơn giản chỉ là những việc cho nhận đời thường.
Discussion about this post