Chào các vị bằng hữu!
Chúng ta tiếp tục mối quan hệ tiếp theo ở trong ngũ luân. Chúng ta đã nói về mối quan hệ cha con và mối quan hệ thầy trò, bây giờ tiếp theo là quan hệ vua tôi, cái gọi là: “Quân nhân thần trung”.
“Quân thần”.
Vào thời xưa, “quân” là chỉ quân vương, “thần” là chỉ thần dân, quan hệ vua tôi – quân thần. Bây giờ có còn mối quan hệ quân thần này nữa không? Rất nhiều người nói hiện nay không có Hoàng đế, vậy thì không có mối quan hệ quân thần. Giải nghĩa như vậy thì giải nghĩa theo cách rất hẹp nghĩa. Quan hệ quân thần là chỉ mối quan hệ giữa người lãnh đạo và người bị lãnh đạo, đây đều bao hàm vào trong mối quan hệ. Chúng ta hãy xem những vị quan tốt ngày xưa, họ đảm nhận chức Thái thú hay đảm nhận chức Tuần phủ, dưới họ cũng có rất nhiều những thuộc hạ, những viên chức đều rất trung thành với họ, đây cũng là thuộc về mối quan hệ quân thần.
Các vị bằng hữu, trong xã hội này, còn có những đoàn thể nào cũng thuộc về mối quan hệ quân thần này vậy? Chúng ta hãy suy nghĩ thử xem, ở trong cuộc sống của chúng ta, trong xã hội hiện nay, những cái nào cũng thuộc về quan hệ quân thần? Là thương nghiệp. Chúng ta nói ở trong xí nghiệp có mối quan hệ lãnh đạo và người bị lãnh đạo. Còn gì nữa không? Trong nhà trường thì có hiệu trưởng và giáo viên, thậm chí là giữa những vị viên chức của Cục Giáo dục và giáo viên của trường học, đây cũng thuộc về lãnh đạo và bị lãnh đạo. Trong nhà trường, trong doanh nghiệp và cả trong quân đội cũng có mối quan hệ lãnh đạo và người bị lãnh đạo. Còn nữa hay không? Cơ quan nhà nước của chúng ta. Xí nghiệp cơ quan nào cũng có mối quan hệ lãnh đạo và người bị lãnh đạo.
“Quân nhân”
Trong những mối quan hệ này, xử lý như thế nào cho tốt rất là quan trọng. Vì vậy cần phải có “quân nhân”. Người lãnh đạo thì cần phải nhân từ. Chữ “nhân” này là chữ hội ý, gồm bên trái là chữ “nhân”, bên phải là chữ “nhị”, là hai người nào vậy? Là mình và người khác. Nghĩ đến chính mình thì phải nghĩ đến người khác, vì vậy mọi chỗ đều phải nghĩ thay cho người khác. Vì thế, “quân nhân” thì chữ “nhân” này ý nghĩa chỗ chỗ đều là thay cho cấp dưới mà suy nghĩ. Thậm chí không phải chỉ có nghĩ thay cho cấp dưới mà còn nghĩ cho gia đình của họ, nghĩ cho người nhà của họ. Làm một người lãnh đạo có cái tấm lòng nhân hậu như vậy thì cấp dưới nhất định sẽ rất biết ơn họ, nhất định sẽ thành tâm cống hiến sức lực.
Còn chữ “thần trung”; “trung” là trung với người lãnh đạo, trung với bổn phận, trung với chức trách của chính họ, trung với đoàn thể của chính họ. Cho nên “nhân” và “trung” chính là đức hạnh. Mối quan hệ “quân thần” là đạo, “nhân” và “trung” chính là đức, “quân nhân thần trung”.
Ở trong rất nhiều đoàn thể như vậy đều có mối quan hệ quân thần, mà sự thật ở Trung Quốc thời xưa, ngay cả trong gia đình cũng có mối quan hệ “quân thần”. Ngày trước, mỗi gia đình đều là đại gia tộc, có gia đình có một – hai trăm người cùng chung sống. Bởi vì có đến một – hai trăm người thì có rất nhiều trưởng bối đức cao vọng trọng, và họ chính là “quân” (người lãnh đạo). Quyết sách của cả gia tộc đều phải thông qua quyết định của họ. Hiện tại thì còn những gia tộc như vậy nữa hay không? Rất ít. Có lẽ là vẫn còn.
Vào thời nhà Minh, có một người đọc sách tên là Trịnh Liêm. Nhà của ông tổng cộng có hơn 1.000 người, cả gia tộc bảy đời cùng sống chung. Hiện nay thấy được bốn đời thôi thì cũng khó rồi. Bảy đời sống chung vậy mà gia đình hòa thuận. Hiện nay chỉ có hai vợ chồng với đứa con mà còn không hòa thuận nổi, ba người mà cũng còn không xong. Không cần phải nói ba người, hiện tại ngay cả có hai vợ chồng thôi cũng còn không xong, cũng thường cãi vã lẫn nhau. Cũng có khả năng ngay cả sống có một mình mà cũng không xong, vẫn thường không tự vượt qua nổi chính mình, cũng nổi giận linh đình, giận chính mình làm sao lại làm sự việc ra nông nỗi như vậy. Rõ ràng biết không nên nổi giận mà vẫn cứ nổi giận, biết không nên lười nhác mà vẫn cứ lười nhác, thế là ngay cả bản thân mình đối với chính mình vẫn còn xử lý chưa xong. Cho nên gia đình hơn 1.000 người mà xử lý được tốt, đây thật là một đại học vấn. Vì thế, Minh Thái Tổ vô cùng bội phục Trịnh Liêm, liền thỉnh giáo ông: “Ông vì sao lại có thể quản lý được cả 1.000 người tốt đến như vậy? Là dùng phương pháp gì?”. Trịnh Liêm trả lời ông: “Không nên nghe lời của phụ nữ”.
Không nên sau khi nghe câu nói này mà rất nhiều phụ nữ hôm sau đều không thèm đến nghe nữa, rồi nói thầy Thái lại có thể mắng phụ nữ. Cho nên chúng ta nghe thì phải nghe cho ra cái ý nghĩa thật sự của nó là nằm ở chỗ nào, không nên chỉ nhìn vào ý nghĩa bên ngoài của văn chữ. Vì sao mà Trịnh Liêm lại nói, muốn giữ gìn gia đình 1.000 người thì phải không nghe lời của phụ nữ? Bởi vì một gia đình, một đoàn thể sợ nhất là điều gì? Gièm pha nói xấu, sợ nhất là có những lời gièm pha xích mích gây chia rẽ. Vừa sinh ra thị phi xích mích thì người lãnh đạo nghe được những lời này liền sanh bất bình, liền sẽ ảnh hưởng đến lời nói và những hành động họ làm, cho nên ra tay làm thì người của cả gia tộc liền cảm thấy không công bằng, mà không công bằng thì người của cả gia đình sẽ bắt đầu dao động nhân tâm, bắt đầu ai nhìn thấy ai cũng không vừa ý. Vì thế, một người lãnh đạo thì không thể tin nghe những lời gièm pha, phải có thể đại công vô tư mà làm việc.
Vậy vì sao mà ông nói không nên nghe lời của phụ nữ? Bởi vì người phụ nữ vào thời xưa tương đối ít có được cơ hội tiếp nhận giáo dục. Đã không được tiếp nhận giáo dục thì đối với giáo huấn của cổ Thánh tiên Hiền, đối với đạo lý làm người sẽ không hiểu. Mà đã không hiểu đạo lý làm người thì tầm nhìn sẽ rất ngắn, tâm lượng sẽ rất nhỏ hẹp. Tâm lượng mà nhỏ hẹp thì sẽ đố kỵ, bên này tính toán bên kia. Khi tính toán so bì thì làm cho nhân tâm bắt đầu bất bình, bắt đầu có rất nhiều phân tranh, bắt đầu sanh ra những lời gièm pha bịa đặt. Vì thế mà ông nói không thể nào được tin nghe những lời gièm pha thị phi.
Nếu đã là một người lãnh đạo, họ phải có năng lực xét đoán những lời nào thì không thể nghe. Việc này vẫn là cần phải có trí huệ. Nhưng mà con người cũng lạ, hễ nghe thấy những lời gièm pha thì bắt đầu căng tai ra mà nghe, sau đó liền nói “ai nói vậy, ai nói vậy?”. Chỉ cần nghe nói ai đó thấy bạn không vừa mắt, ai đó nói xấu bạn thì lập tức liền căng tai ra nghe.
Tôi đã từng nghe Giáo sư Thích Tịnh Không giảng đến điểm này. Ngài nói chỉ cần có người nói xấu người nào đó thì Ngài liền ngăn người đó lại, Ngài nói: “Anh đừng nói nữa, hình tượng của người đó ở trong lòng tôi rất tốt, nên anh đừng có hủy báng người ta”, khiến cho mỗi một người ở trong lòng Ngài đều giữ được hình tượng rất tốt đẹp. Đây là rất có trí huệ. Không nghe lời gièm pha, không nghe những lời thị phi gây chia rẽ.
Bởi vì ngày xưa phụ nữ ít được tiếp nhận giáo dục cho nên tương đối không hiểu được những đạo lý này, vì thế nói không nên nghe lời phụ nữ.
Ngày xưa quả thực là có rất nhiều người phụ nữ vô cùng vĩ đại, đã dạy ra được những người con người cháu rất ưu tú. Họ kỳ thực đều nhận được giáo dục. Họ nhận được giáo dục gì vậy? Là giáo dục gia phong của gia đình. Cho nên người như vậy thật sự được giáo dục. Bạn nói xem họ có đi học qua hay không?
Các vị bằng hữu, đi học có thể xem là được giáo dục hay không? Hai việc này không như nhau. Được giáo dục nghĩa là hiểu được cách làm người, làm việc, chứ không phải chỉ đọc sách mà thôi. Hiện tại, rất nhiều sinh viên đại học đã đi học mười mấy năm, tốt nghiệp rồi nhưng có biết làm người như thế nào hay không? Không biết. Đó vẫn chưa được gọi là giáo dục, chỉ nên gọi là truyền thụ kỹ năng tri thức, chưa có thật sự tiếp nhận được giáo dục về xử sự làm người. Cho nên, không chỉ lời của phụ nữ hiện nay nói ra mà những người nam chưa tiếp nhận giáo dục xử sự làm người cũng thường hay tính toán với người này người kia, tâm lượng rất nhỏ hẹp. Lời nói của những người như vậy thì có thể nghe hay không? Không thể nghe. Cho nên chúng ta phải có trí huệ để nhìn cho rõ: Không nghe gièm pha.
“Người nói chuyện thị phi cũng là người thị phi”. Những người dấy động chuyện thị phi có thể họ mới chân thật là người thị phi. Vấn đề là ở chính nơi họ. Vì sao mà họ lại đến chỗ của bạn để khiêu khích gièm pha? Động cơ của họ là muốn khống chế bạn, khiến cho đoàn thể của bạn bất hòa, khiến cho gia đình bạn bất hòa. Cho nên bạn phải có năng lực phán đoán, không nên nghe những lời này. Vì thế, khi mỗi một người phụ nữ trong chúng ta đều được nhận qua sự giáo dục tốt đẹp thì lòng dạ, tầm nhìn sẽ rất rộng rãi. Câu nói này tuyệt đối không phải nói các vị, khi người đàn ông lòng dạ hẹp hòi thì câu này là đang nói người đó. Vì thế, làm người xử sự phải biết mở rộng tâm lượng.
Sau đó, Hoàng Thượng đã ban tặng cho Trịnh Liêm hai quả lê rất tốt, cũng là làm một bài kiểm tra xem ông chia hai quả lê này cho 1.000 người ở nhà như thế nào. Tặng lê cho ông, sau đó phái hai vị Cẩm Y Vệ bám theo sau đến nhà của ông. Kết quả họ nhìn thấy Trịnh Liêm thong thả ung dung đi lấy hai cái lu nước, sau đó đổ đầy nước hai lu, mỗi bên một trái lê dầm nát ra. Sau khi dầm nát ra thì nước của quả lê hòa vào trong lu nước này. Sau đó nói: “Nào đến đây, không phân lớn nhỏ, mỗi người uống một chén”. Trì gia như vậy sẽ được công bằng, mà công bằng thì lòng người sẽ bình. Sau khi bình thì sẽ hòa, là hòa bình. Sau khi bình rồi thì sẽ an, là bình an. Sau khi an thì lòng người sẽ vui, gọi là an lạc. Vì vậy, công bằng chính là một nguyên tắc quan trọng nhất trong việc trì gia.
Giả như không công bằng, đối xử đặc biệt tốt với một đứa con nào đó, vậy sẽ rất phiền phức. Đối với đứa con này rất là tốt, xin hỏi có giúp ích gì được cho nó hay không? Những đứa trẻ được cưng chiều ngày xưa thì có ai được kết quả tốt hay không? Đối xử đặc biệt tốt với nó thì nó sẽ được nuông chiều mà làm tới, nó sẽ chơi bời lêu lổng. Như vậy đứa con phá sản có phải là đứa con từ nhỏ đã bị cha mẹ nghiêm khắc hay không? Đều không phải. Những đứa phá sản đều là những đứa từ nhỏ được cha mẹ nuông chiều. Cho nên, cha mẹ mà không có lý trí chân thật thì con cái sẽ không thể dạy tốt. Vì thế, đối với thế hệ sau, đối với hàng con cháu phải công bằng. Khi bạn nuông chiều chúng thì chúng được nước làm tới. Vả lại những đứa bạn không chú ý, bị bạn thương yêu ít hơn thì những đứa trẻ đó trong tâm sẽ bất bình, thậm chí là chúng còn cảm thấy thật không có tự tin, cảm thấy mình thật vô dụng, bởi vì bạn đã xem nhẹ chúng, bạn đã lơ là với chúng, vì thế những đứa trẻ như vậy từ nhỏ cũng đã mất cân bằng tâm lý, không được khỏe mạnh. Đợi đến khi lớn một chút có thể sẽ tạo ra việc anh em phân tranh, cảm thấy cái gì ba mẹ cũng tốt với anh chị em, sau cùng anh chị em có thể sẽ bắt đầu xung đột. Những ví dụ như vậy vào thời xưa nhiều không kể xiết. Cho nên chúng ta duy trì gia đình, duy trì một gia tộc thì nhất định phải vô tư, phải bình đẳng, như vậy mới là cách làm tốt nhất đối với con cháu đời sau của bạn, là tấm gương tốt nhất. Vì thế, ở trong gia tộc cũng có mối quan hệ quân thần.
Tiếp đến, ở trong công ty xí nghiệp có mối quan hệ quân thần, ở trong rất nhiều đoàn thể cũng có mối quan hệ quân thần. Vậy xin hỏi, ở trong đoàn thể thì có cần bình đẳng hay không? Rất cần thiết.
Giả như bạn đối với nhân viên này đặc biệt tốt, thường thường tăng lương cho người này, lại cho người này một số phần thưởng, thì những nhân viên khác sẽ như thế nào? Sẽ không phục. Những bực dọc đó tích lũy dần dần, đến một lúc nào đó sẽ bộc phát. Cho nên không những trong gia đình phải bình đẳng đối đãi mà đoàn thể cũng phải bình đẳng đối đãi. Vì thế, hiện nay trong doanh nghiệp cần phải có chế độ, những biểu hiện như thế nào thì chúng ta mới cho phần khen thưởng tương xứng. Việc này cũng là phải được xây dựng trên nền tảng công bằng bình đẳng.
Chúng ta xem thử thời xưa, người làm quân vương thì họ làm quân vương như thế nào, họ làm người lãnh đạo như thế nào? Người lãnh đạo quan trọng nhất là chính mình phải lấy thân làm gương. Việc này rất là quan trọng, “lấy thân làm gương”.
Chúng tôi có một vị giáo viên, anh ấy sau khi xem được “Đệ Tử Quy” rất vui mừng, muốn có thể đem quyển sách này để dạy dỗ tốt các học sinh của mình. Vì thế, sau khi trở về anh rất phấn khởi, qua hôm sau thì bắt đầu mỗi ngày đều quan sát rất kỹ: Này không được chạy, “chớ làm vội, vội sai nhiều”, bàn học của em vì sao lại để lộn xộn như vậy, “Nón quần áo, để cố định. Chớ để bừa, tránh dơ bẩn”, thường giống như một cảnh sát đang làm nhiệm vụ canh gác, nhìn thấy học sinh có chỗ nào sai xót thì lập tức phê bình chúng. Kết quả sau khi làm được hơn một tháng thì anh cảm thấy rất vất vả, mệt bở hơi tai. Đúng lúc đó có được cơ hội cùng nhau ngồi ăn cơm với chúng tôi (tôi xem thấy anh rất là mệt mỏi), anh nói: ““Đệ Tử Quy” thật sự là hay, nhưng khi đem triển khai thì tôi lại thật sự rất mệt”. Tôi liền làm rõ với anh, tôi nói: “Một người lãnh đạo, một người thầy giáo việc quan trọng nhất không phải là ra lệnh cho học trò phải làm cho được, mà là chính mình trước tiên phải làm cho được, phải lấy thân làm gương”. Tâm niệm của anh vừa chuyển thì sau khi trở về liền thay đổi cách làm, đều là yêu cầu bản thân mình phải làm được trước tiên. Có một hôm anh tự mình đang ở đó để sắp xếp, dọn dẹp bàn làm việc, đang lau bàn, đột nhiên ngẩng đầu lên nhìn thấy có hai – ba đứa trẻ cũng đang lau bàn theo anh. Kết quả những đứa trẻ học lớp ba tiểu học này hễ nhìn thấy người khác làm thì cũng làm theo, giống như một tổ ong vậy, cả lớp đều bắt đầu lau bàn học. Anh nói vào lúc đó thì trong lòng anh rất cảm động, mới thấy việc lấy thân làm gương có sức mạnh rất to lớn. Đúng lúc vào tuần lễ đó họ cũng đưa học sinh ra một công viên để học quan sát thực tế, và lúc ở trong công viên, anh tự nhiên khom xuống nhặt lên miếng giấy vụn. Nhặt khoảng hai – ba mảnh như vậy, đột nhiên quay đầu nhìn lại thì phát hiện ra mấy mươi học sinh cũng đều đang nhặt rác. Anh nói, vào lúc đó nhìn thấy như vậy anh cũng rơi cả nước mắt. Đương nhiên là anh đã phát hiện ra được một chân lý, làm cha mẹ người khác, làm thầy cô của người khác, làm lãnh đạo người khác quan trọng nhất là phải lấy thân làm gương. Sức mạnh của việc giáo dục này, sức mạnh của việc giáo hóa, sức mạnh của việc cảm hóa là đặc biệt lớn. Sau cùng học sinh còn đi đến lấy cả rác đang cầm trên tay anh. Chúng nói: “Thầy ơi, thầy là người lớn, những việc này để chúng em làm là được rồi”. Vì thế, đích thực là người lãnh đạo nhất định phải lấy thân mình làm gương.
Bởi vì sao Khổng Lão Phu Tử lại tôn sùng các cổ Thánh tiên Vương? Cũng đều là những cổ Thánh tiên Vương này chính bản thân mình chân thật đã làm đến được. Tôi xem trong các sử sách, xem qua các ghi chép có câu chuyện của vua Nghiêu. Một lần vua Nghiêu đi tuần sát ở một vùng quê, đúng lúc nhìn thấy có hai tội phạm bị áp giải đem đi nhốt. Vua Nghiêu nhìn thấy trong lòng hoang mang liền đi đến hỏi cho rõ ràng. Hai người các anh vì sao lại phạm tội vậy? Phạm phải tội gì? Hai người dân này liền nói: “Đã lâu trời hạn hán không mưa, chúng tôi cũng đã không còn gì để ăn, ngay cả cha mẹ ở nhà cũng không có gì để ăn, vì thế tôi đành phải đi trộm đồ của người khác”. Kết quả sau khi vua Nghiêu nghe xong, ông lập tức liền nói với các binh sĩ: “Các vị hãy thả hai người này ra, hãy bắt ta đi”. Mấy vị binh sĩ này nghe thấy đều ngẩn người ra: “Làm sao lại có thể bắt nhốt một vị quân vương kia chứ?”. Thế là vua Nghiêu liền nói: “Ta đã phạm phải hai tội lớn, hai người này vô tội. Thứ nhất, ta không có dạy dỗ tốt thần dân của ta, cho nên để xảy ra việc họ đi trộm đồ của người khác. Thứ hai, bởi vì ta không có đức hạnh cho nên ông trời mới hạn hán không mưa. Vì vậy, hai sự việc này đều là do lỗi của ta”. Vua Nghiêu đã phát khởi ra một sự phản tỉnh chí thành từ trong nội tâm, lập tức cảm động cả trời cao, ngay lúc đó liền có mưa rơi xuống.
Các vị bằng hữu, một quốc gia mà phong điều vũ thuận, quốc thái dân an, quyết định ở lòng người. Làm một người lãnh đạo có được một tấm lòng khí phách như vậy, có được thái độ kiểm điểm chính mình như vậy, họ chính là tấm gương cho tất cả nhân dân. Thái độ và hành động của họ vừa phát xuất ra thì lập tức nhân dân cả nước sẽ lập tức làm theo, cả đất nước của vua Nghiêu vận thế liền thay đổi. Đây cũng là có đạo lý tất nhiên. Một người lãnh đạo phải biết chí thành phản tỉnh, một người lãnh đạo phải luôn có thể suy nghĩ cho nhân dân, đất nước này nhất định sẽ hưng vượng.
Ở trong Tự Thuật Thương Thang có một bài viết nói vua Thang cũng là một vị vua Thánh nhân. Vua Thang nói: “Vạn phương hữu tội, tội tại trẫm cung”. “Vạn phương” là chỉ tất cả mọi sự việc. Tất cả những sự việc lỗi lầm là lỗi của ai? “Trẫm” nghĩa là vua tự xưng mình, đều là lỗi của tôi, đều là do tôi chưa làm tốt. Tất cả các vị vua đều có thái độ tự mình phản tỉnh như vậy thì nhất định có thể khiến cho thần dân của họ vô cùng cảm động.
Những vị vua Thánh nhân này dùng tâm thành của họ để cảm động trời đất, vậy chúng ta có dùng tâm thành để cảm động gia đình của mình hay không? Cho nên từ trên câu chuyện này, chúng ta không phải đi yêu cầu người trong nhà chúng ta phải làm được những gì, mà là tự mình phản tỉnh trước là mình không làm tròn được những bổn phận gì. Khi chúng ta có loại tâm thành này, có cái thái độ phản tỉnh này, ngay cả đất nước cũng có thể thay đổi, huống gì là một gia đình. Rất nhiều người nói: “Ngày xưa những sự việc như lập tức có mưa như vậy có phải là thần thoại hay không?”. Kỳ thực không phải. Vì sao có nhiều người cũng làm ra cảm động như vậy, nhiều kỳ tích như vậy mà người hiện tại chúng ta đều không thấy ai được vậy? Vấn đề ở đâu? Bởi vì chúng ta so với các Thánh vương, so với cổ Thánh tiên Hiền thì chúng ta còn kém họ quá xa.
“Tứ Khố Toàn Thư” có ghi chép, trong các đời vua thời nhà Thanh thì Hoàng đế Khang Hy là một trong những vị Hoàng đế vô cùng có đức hạnh. Khi đất nước gặp phải thiên tai, hạn hán thì Hoàng đế Khang Hy sẽ có một khoảng thời gian ngắn tắm gội chay tịnh, sau đó mới đến Thiên Đàn để cầu mưa. Khi Hoàng đế Khang Hy đi lên Thiên Đàn thì bầu trời trên cao không có một dấu hiệu gì cho thấy sắp mưa. Khi Hoàng đế Khang Hy đi lên Thiên Đàn, bắt đầu dùng tâm chí thành của người để đọc tụng văn tế. Trong lúc Hoàng đế khấn đọc văn tế thì mây đen bắt đầu kéo đến. Đợi cho đến khi văn tế được đọc xong thì mưa bắt đầu rơi xuống. Đây đều là có ghi chép trên lịch sử. Cho nên chúng ta đích thực có thể biết được một chân tướng, tất cả những cảnh giới tốt đẹp là nhờ chân tâm của con người mà cảm ứng. Vì thế, đời người có thể cảm ứng được bao nhiêu hạnh phúc mỹ mãn, bao nhiêu kỳ tích của cuộc sống cũng phải nhờ vào cái chân tâm này của chúng ta. Vì những vị vua Thánh nhân ngày xưa này thường hay nghĩ đến lỗi lầm của chính mình, đức hạnh của họ đều trở thành mẫu mực của cả đất nước.
Cũng như Chu Văn Vương, Chu Vũ Vương triều nhà Chu. Trong lịch đại lịch sử của Trung Quốc, triều nhà Chu là triều đại trị vì lâu dài nhất. Các vị bằng hữu, các vị cảm thấy họ vì sao có thể trị vì đến 800 năm? Có phải họ có ba đầu sáu tay hay không? Không phải. Kỳ thực, những người vĩ đại đều là người đã đem những điều căn bản nhất của việc làm người làm cho được tốt nhất, sau đó thì cảm động nhân dân của cả nước. Chu Văn Vương vô cùng hiếu thuận đối với phụ thân của mình là Vương Quý, chân thật đã làm được điều “Sáng phải thăm, tối phải viếng”. Vì thế các vị bằng hữu, chỉ cần làm cho được “Đệ Tử Quy” thì gia đình nhất định sẽ hưng vượng, đất nước của bạn nhất định sẽ hưng vượng.
Ông mỗi ngày ba lần đi vấn an phụ thân (buổi sáng, buổi chiều và buổi tối). Nhìn thấy sức khỏe của phụ thân rất tốt thì trong tâm ông rất hoan hỷ, nhìn thấy sức khỏe phụ thân không ổn thì liền cảm thấy rất lo buồn. Vả lại, thức ăn ba bữa ăn ông đều đích thân đi xem xét, xem độ nóng nguội của thức ăn. Sợ nóng quá sẽ phỏng, nguội quá thì ăn không nổi. Mỗi ngày ba lần ông đều vấn an phụ thân. Khi một người là quân vương làm như vậy thì người dân của cả nước sẽ như thế nào? Bởi vì hiếu là tánh đức của mỗi một con người, chỉ cần vua làm ra gương hiếu đạo, nhân dân cả nước sẽ dấy khởi lên được một phần bổn thiện của tâm mình, thế là cả nước liền làm theo.
Con của ông là Chu Vũ Vương cũng kế thừa được đức hạnh và chí hướng của phụ thân. Khi Văn Vương bị bệnh thì Chu Vũ Vương mỗi ngày đều ở bên cạnh, ngay cả long mão trên đầu cũng không cởi xuống, cứ phụng dưỡng như vậy trong suốt thời gian phụ thân bệnh. Nếu như phụ thân bữa cơm nào không ăn thì bữa đó ông cũng không ăn, nếu như hôm nay phụ thân ăn được một bữa thì ông cùng phụ thân ăn một bữa, vì thế đích thực niệm niệm đều là vì phụ thân. Ông đã chăm sóc cho phụ thân như vậy được mười hai ngày thì bệnh của phụ thân liền dần hồi phục. Tôi tin rằng ngoài việc thuốc thang tốt, càng quan trọng hơn là tấm lòng hiếu thảo của Chu Vũ Vương khiến cho phụ thân ông thấy vô cùng an ổn. Một gia tộc mà hiếu được như vậy thì sẽ khởi lên hiếu đạo của cả một đất nước.
Trong quyển “Đại Học” có nói đến “Nhất gia nhân”. Gia phong trong một gia đình đều là nhân đức, “nhất gia nhân”, một đất nước sẽ hưng khởi lên nếp sống xã hội nhân đức. “Nhất gia nhân, nhất quốc hưng nhân”. Vì vậy, lãnh đạo một đất nước, lãnh đạo một đoàn thể thì không có phức tạp như đã tưởng tượng, nhất định từ tự mình tu thân, bắt đầu làm từ tề gia sẽ tự nhiên trị quốc bình thiên hạ.
Bạn xem, triều Chu cũng là từ bản thân họ tu thân, từ việc gia đình làm ra tấm gương tốt cho cả nước. Cho nên “nhất gia nhân, nhất quốc hưng nhân”. “Nhất gia nhượng”, người một nhà biết được lễ phép, hiểu được lễ phép thì nhân dân cả nước sẽ hưng nhượng.
Triều Chu khi mới bắt đầu Thái Vương tại vị. Thái Vương là phụ thân của Vương Quý. Con trai của Vương Quý là Văn Vương. Lúc đầu Thái Vương nhìn thấy Văn Vương (cháu của ông), cảm thấy đứa cháu này phẩm chất thiên phú rất tốt, tương lai có thể là một vị vua Thánh nhân, nhưng Vương Quý là con trai thứ ba (ông vẫn còn một người anh cả là Thái Bá và một người anh kế là Trung Dung). Hai vị huynh trưởng này của Vương Quý nhìn thấy phụ thân của mình yêu thương đứa cháu đến như vậy, hiểu được đứa trẻ này về sau nhất định sẽ là vị vua Thánh nhân (chính là cháu của họ sẽ là vị vua Thánh nhân một đời), họ vì không muốn để cho phụ vương của mình khó xử, vì thế hai người này nhân nói muốn giúp cha đi hái một ít thuốc, hai người đi lên núi từ đó về sau không xuống núi nữa. Họ sợ khi phụ thân truyền ngôi cho Vương Quý sẽ khiến cho phụ thân cảm thấy rất khó xử đối với hai người họ, cho nên vì để cho phụ thân dễ dàng hơn mà họ có thể buông bỏ quyền vị. Vì thế, sự lễ nhường của gia đình này đã khiến cho rất nhiều người cảm động. Khi nhường như vậy thì đã thành tựu được tâm hiếu, anh em sẽ không vì quyền vì lợi mà tranh đoạt lẫn nhau, cho nên đích thực là đã làm được Hiếu – Đễ. Đối với cha thì làm được hiếu, đối với huynh đệ là hữu ái, là đễ. Tiếp đến đối với nhân dân thì làm được trung, trung với nhân dân, để cho nhân dân có thể có được một vị vua Thánh nhân. Vừa nhường như vậy thì Khổng Tử nói hai người này là “chí đức”. Người không có đức hạnh chân thật thì sẽ không thể làm ra được những sự việc như vậy, vì vậy mà họ “nhất gia nhượng, nhất quốc hưng nhượng”. Nhà Chu vì sao lại cường thịnh? Chính là đã làm ra được tấm gương vô cùng tốt. Người xưa có thể lưu danh sử xanh, những khí phách này đều không phải là hư vọng.
Vị quân vương ngày xưa có thể làm được như vậy, thế thì con người chúng ta hiện tại có thể làm được hay không?
Có một doanh nghiệp lớn đã từng gặp phải một sự thất bại to lớn, bị lỗ vốn gần 700 – 800 triệu. Một người giả sử doanh nghiệp của bạn bị lỗ vốn 700 – 800 triệu thì bạn sẽ làm thế nào? Có lẽ là sẽ ngủ vùi mà không dám thức dậy. Con người chân thật đối diện với sự thất bại chính là đang khảo nghiệm tính nhẫn chịu của bạn. Người xưa có câu: “Đại nạn không chết”. Chữ “chết” này không phải có nghĩa là bị người ta giết chết. Giải thích nghĩa rộng cho chữ tử này chính là khi bạn thật sự gặp phải một thách thức rất lớn, bạn vẫn có thể cắn chặt răng, sừng sững hiên ngang mà xông qua thì phước về sau sẽ vô cùng vô tận. Bởi vậy, sự thất bại đó ngược lại không có khiến cho doanh nghiệp này nản lòng, họ vẫn không ngừng kiên trì nỗ lực. Về sau đã vực dậy được sự nghiệp, vả lại còn làm ăn rất tốt. Về sau, chúng tôi có đi tìm hiểu thì doanh nghiệp này họ đã huấn luyện công nhân điều gì? Họ đã dùng “Đệ Tử Quy”, dùng “Tam Tự Kinh” để huấn luyện công nhân viên. Chúng tôi đã đi tìm hiểu họ vì sao lại phải dùng “Đệ Tử Quy” để giáo dục công nhân của họ? Họ vì sao không nói với mọi người là các bạn chỉ cần đem hàng của chúng ta bán cho tốt là được rồi, các bạn chỉ cần bán hết được hàng cho công ty thì được rồi, họ cần gì phải dùng đến “Đệ Tử Quy” để dạy công nhân viên của họ? Là vì họ đã đem sự trưởng thành, đem con người của công nhân viên đặt ở trong tâm. Bởi vì họ đã biết được những công nhân viên hiện tại không hiểu được cách làm người. Một người không hiểu được cách làm người thì cuộc đời sẽ lắm sự gai góc, nhất định là sẽ vô cùng lận đận. Bởi vì họ có cái tâm yêu thương công nhân viên này, tự nhiên sẽ được sự yêu quý lại của công nhân viên. Vì vậy “nhất gia nhân”, họ có cái tâm nhân từ yêu thương người cấp dưới. Doanh nghiệp này mỗi năm vào những dịp lễ tết quan trọng, ví dụ như là Tiết Thanh Minh, Tết Nguyên Đán, những dịp lễ quan trọng như vậy thì tất cả con cháu đều phải lạy cha mẹ của mình. Cho nên đây là cả gia đình đều là lấy hiếu để trị gia. Khi người lãnh đạo có được cái tâm hiếu này thì những người cấp dưới sẽ rất cảm động, tiếp đến sẽ noi theo. Khi những công nhân này biết dùng hiếu đạo trị gia thì gia đình của những công nhân này cũng có thể hòa thuận vui vẻ. Mà gia đình của những công nhân viên đã hòa thuận vui vẻ thì tâm thái của họ, nội tâm của họ mới có thể thật bình an, công việc cũng sẽ làm được rất tốt. Vì vậy, họ dùng “Đệ Tử Quy” để dạy công nhân viên của họ làm người, công nhân của họ mới hiểu được tu thân và tề gia. Họ lại cũng hành hiếu đạo để làm tấm gương cho công nhân viên, công nhân viên cũng hiểu được lấy hiếu để mà đôn đốc chính mình, để quản lý gia đình. Vì thế những người lãnh đạo chúng ta không thể chỉ biết nghĩ đến túi tiền của chính mình, vẫn là phải có thể nghĩ đến sự trưởng thành của công nhân viên, gia đình của công nhân viên. Chỉ cần người lãnh đạo có được cái tấm lòng và khí phách đó thì nhất định sẽ có thể dẫn dắt doanh nghiệp rất tốt. Cho nên, một người lãnh đạo thì ngôn ngữ, hành vi, thái độ xử sự đều sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến cấp dưới của bạn.
Vua Thương Trụ là Hoàng đế cuối cùng vào triều nhà Thương. Khi ông ăn cơm, cầm lên một đôi đũa ngà voi. Kỳ thực, bên cạnh vua Thương Trụ có những vị đại thần tốt nhiều hay không? Có vị quan tốt có trí huệ hay không? Có, có rất nhiều. Vậy thì tại vì sao triều nhà Thương vẫn bị bại vong? Bởi vì người lãnh đạo không có thái độ tiếp nhận sự can gián của thần dân và không có tâm độ lượng, thế là tạo thành hậu quả sau cùng là những vị đại thần tốt đều rời bỏ ông mà đi, một số còn bị vua Trụ giết chết. Trong đó có một vị đại thần rất có trí huệ, khi nhìn thấy vua Trụ cầm lấy đôi đũa ngà voi lên thì trong tâm ông nghĩ phiền phức to rồi, đất nước sẽ gặp đại nạn.
Ngày xưa, người đọc sách nhìn thấy một đôi đũa thì có thể biết đất nước sẽ có đại nạn, vì sao vậy? Người chúng ta hiện tại thì có được hay không? Không được. Cho nên thật sự người xưa đọc sách rất có trí huệ. Ông đã nghĩ đến, khi vua Trụ cầm lấy đôi đũa ngà voi lên thì vua Trụ muốn dùng ly trà như thế nào? Phải dùng chiếc ly làm từ sừng của tê giác. Khi dùng đũa ngà voi và ly làm từ sừng tê giác thì phải dùng cái bàn làm từ gì? Phải dùng bàn làm từ vàng. Nếu dùng bàn ăn bằng vàng thì xin hỏi thức ăn phải như thế nào? Bạn không thể nào trên cái bàn bằng vàng như vậy lại để vài miếng đậu hũ được, mà đều là sơn hào hải vị. Khi bạn ăn sơn hào hải vị thì cũng không thể nào ăn mặc sơ sài được, mà phải mặc lĩnh, lụa, đủ hàng tơ lụa (lụa là gấm vóc). Bạn mặc lụa là gấm vóc thì cũng không thể ở trong ngôi nhà ván được, vậy thì phải cất như thế nào? Tất cả những kiến trúc hoàng cung xa hoa lộng lẫy đều xuất hiện. Vậy phải tốn bao nhiêu tiền? Phải tốn cả núi tiền. Xin hỏi phải lấy tiền từ đâu? Thì phải đi vơ vét tất cả tiền mồ hôi nước mắt của lão bá tánh, tiền nuôi dưỡng cha mẹ vợ con của lão bá tánh đều bị họ cướp lấy. Đến sau cùng thì như thế nào? Khởi nghĩa thảo phạt vị vua này. Cho nên “nhất nhân tham lệ, nhất quốc tác loạn”.
Trong quyển “Đại Học” nói: “Nhất gia nhân, nhất quốc hưng nhân, nhất gia nhượng nhất quốc hưng nhượng; nhất nhân tham lệ, nhất quốc tác loạn”. Họ tham như vậy, bạo lực như vậy thì cả nước sẽ khởi dậy chống lại.
Chúng ta vừa mới nhắc đến nước đã cho chúng ta một sự khải thị, trong đó có một câu liên quan với nước, gọi là nước có thể đẩy thuyền cũng có thể lật thuyền. Bậc quân vương, nhân dân có thể bảo hộ để cho đất nước được hưng thịnh, nhưng một khi bạn bạo lực vô đạo thì như nước sẽ có thể nhấn chìm bạn. Cho nên vua Thương Trụ không hiểu được phải được lòng dân, không thể tranh lợi với dân. Vì thế, quân vương chỉ cần tranh lợi với dân, đến sau cùng thì nhất định sẽ bị người thân xa lánh, cô lập hoàn toàn. Cho nên sự hợp tác giúp đỡ của công nhân viên, của cấp dưới đối với chúng ta cũng đều quyết định ở thái độ của chúng ta, cách làm của chúng ta.
Cho nên Mạnh Tử đối với mối quan hệ quân thần có một đoạn giáo huấn rất sâu sắc đối với chúng ta, tôi xin viết ra cho mọi người xem. Mạnh Tử nói: “Quân chi thị thần như thủ túc, tắc thần thị quân như phúc tâm, quân chi thị thần như khuyển mã, tắc thần thị quân như quốc dân; quân chi thị thần như thổ giới, tắc thần thị quân như khấu thù”. Chúng ta hãy xem một chút về Mạnh Phu Tử, một sự giáo huấn quan trọng đối với mối quan hệ quân thần. Người lãnh đạo giả sử đối với đại thần, đối với cấp dưới xem như thủ túc, xem như huynh đệ, vậy cấp dưới sẽ đối lại với họ như thế nào? Sẽ xem họ như những người thân tín. “Quân chi thị thần như khuyển mã”, nếu bạn xem cấp dưới của bạn giống như trâu ngựa đang làm việc cho bạn, cũng không tôn trọng họ thì họ cũng sẽ xem bạn như những người xa lạ thông thường, cũng giống như người ở cùng một nước mà thôi, có tôn trọng với bạn hay không? Cũng không tôn trọng. “Quân chi thị thần như thổ giới”, bạn đối với cấp dưới của mình nghĩ rằng tôi đã bỏ tiền ra thuê thì anh phải chăm chỉ lão thật mà làm, anh phải làm việc ngày đêm cho tôi, không xem người ta như con người, xem như cỏ rác, vậy thì họ xem bạn giống như cái gì? Xem bạn như kẻ cướp, xem bạn như kẻ thù.
Từ chỗ này chúng ta có thể thể hội được thái độ của cấp dưới đối với người lãnh đạo được quyết định bởi thái độ của người lãnh đạo. Cho nên lãnh đạo không tốt một đoàn thể, lãnh đạo không tốt một doanh nghiệp thì ai là người chịu trách nhiệm lớn nhất? Là người lãnh đạo. Vì thế, khi không dẫn dắt tốt tổ chức của mình, không dẫn dắt tốt doanh nghiệp của mình thì không thể trách những người cấp dưới và công nhân, phải phản tỉnh chính mình trước. Phải nghĩ đến câu nói của vua Thang: “Vạn phương hữu tội”, tội ở ai? Tội ở chính mình, “tội tại trẫm cung”. Đây là thái độ của người lãnh đạo đối với cấp dưới, “quân nhân”.
“Thần trung”
Chúng ta vừa mới nói thì trung với cái gì? Trung với bổn phận, trung với chức trách của mình. Các vị bằng hữu, các vị hãy nhìn tôi, không nên nhìn bên đó, chúng ta phải tập trung một chút. Định công của một người lúc nào cũng đều phải luyện.
Thần thì phải trung với bổn phận của họ, trung với người lãnh đạo của họ, trung với công việc của họ. Vậy thần thì có một công việc rất quan trọng đó nhất định phải tận tâm tận lực, nghĩa là khi người lãnh đạo có lỗi lầm thì phải biết khuyên can người lãnh đạo.
Trong “Hiếu Kinh” có một giáo huấn rất quan trọng: “Thiên tử hữu tranh thần thất nhân”. Đấng Thiên tử vào khi đó chỉ cần có bảy vị đại thần chịu khuyên can họ, cho dù là Thiên tử không có đạo đức học vấn tốt thì “tuy vô đạo, bất thất kỳ thiên hạ”, thiên hạ của Thiên tử vẫn có thể duy trì. “Chư hầu hữu tranh thần ngũ nhân”. “Chư hầu” là một đất nước. Ví dụ như nói nước Lỗ, nước Tề, có một đất nước tuy là vô đạo, nhưng mà họ có “tranh thần ngũ nhân”, tuy vô đạo, bất thất kỳ quốc, “Đại phu hữu tranh thần tam nhân” (Đại phu được xem như là một chức quan rất lớn vào ngày xưa), chỉ cần ở bên cạnh họ có ba người chịu khuyên can, tuy rằng bản thân đạo đức học vấn chưa tốt nhưng cũng không mất nhà, không đến nỗi khiến cho gia tộc tiêu tán. Vì thế, bên cạnh chỉ cần có cấp dưới can gián, đối với sự thành bại trong cuộc đời họ có tầm quan trọng rất lớn. Vì thế, ngày xưa có rất nhiều lương thần, trung thần đều rất biết giữ bổn phận, chỉ cần là quân vương có lỗi lầm, họ lập tức khuyên can.
Một người rất nổi tiếng là Ngụy Chủy vào thời nhà Đường. Vậy việc khuyên người khác thì có thể ăn nói thẳng thắn ra hay không? Cũng phải quan sát sắc mặt, xem xét thời thế. Vì vậy mà Ngụy Chủy cũng rất có trí huệ. Vào lúc đó ông phụng sự cho Đường Thái Tông, đã nói với Đường Thái Tông: “Thần muốn làm một lương thần, tuyệt đối không làm một trung thần”. Các vị xem, Ngụy Chủy rất lợi hại, có thể thông qua một số vấn đề mà dẫn dắt Đường Thái Tông phải suy nghĩ, nói rằng “thần muốn làm một lương thần, tuyệt đối không làm trung thần”. Đường Thái Tông rất hiếu kỳ: “Vì sao mà khanh muốn làm lương thần chứ không làm trung thần?”. Ngụy Chủy nói với Đường Thái Tông: “Trung thần đều phải bị chém đầu, có người còn bị moi tim ra nữa, cho nên thần không làm một trung thần, thần muốn làm lương thần”. Vừa nói như vậy xong thì Đường Thái Tông liền cười to, nhưng mà trong lúc cười như vậy Đường Thái Tông cũng suy nghĩ (bởi vì những vị vua này ngày xưa đều là đọc rất nhiều sách, đặc biệt là lịch sử thì đều thuộc làu làu), liền nghĩ đến câu “bạo quân mới dạy ra được trung thần” (bởi vì khi khuyên can những vị quân vương này đều bị họ chém đầu). Vua nghĩ, nếu như ta đem trung thần giết chết thì ta trở thành bạo quân. Cho nên Ngụy Chủy nói như vậy xong, về sau ông không cần phải lo lắng cho sinh mạng của mình nữa, bởi vì Đường Thái Tông sẽ nghĩ rằng ông tuyệt đối không làm bạo quân. Ngôn ngữ và trí huệ của Ngụy Chủy tương đối cao, vì vậy mà việc nói chuyện cũng phải không ngừng mà đề cao cảnh giới.
Về sau, có một lần Ngụy Chủy khuyên Đường Thái Tông, quả thực là đã khuyên rất kịch liệt. Đường Thái Tông nhất thời chưa thể tiếp nhận được liền nổi trận lôi đình, đi một mạch trở về tẩm cung, vừa đi vừa nói: “Thật là tức chết, thật là tức chết, ta nhất định phải chém đầu Ngụy Chủy mới được”. Đúng lúc đó, ông gặp được Hoàng Hậu. Hoàng Hậu nhìn thấy Hoàng Thượng giận như vậy trong tâm nghĩ đến nhất định là do Ngụy Chủy đã khuyên can quá kịch kiệt rồi nên Hoàng Thượng mới tức giận như vậy. Thế nhưng Hoàng Hậu cũng không hỏi Hoàng Thượng là đang giận cái gì, mà lập tức nói: “Chúc mừng Hoàng Thượng, chúc mừng Hoàng Thượng!”. Đường Thái Tông nghe thấy rất lấy làm khó hiểu: “Ta đang giận đây, Hoàng Hậu còn chúc mừng ta cái gì chứ?”. Ông nghĩ không ra. Hoàng Hậu nói: “Bẩm Hoàng Thượng, nhất định là đã có đại thần Thánh nhân xuất hiện rồi!”. Đường Thái Tông nghe xong vốn là giận lắm, nhưng đột nhiên lại hoan hỷ. Vì thế, các vị xem vị Hoàng Hậu này có lời nói và trí huệ rất cao. Cho nên chúng ta có thể từ trong câu chuyện này mà thể hội được, một vị Hoàng đế cũng vậy, một người nào đó cũng vậy, muốn cuộc đời có thể thành công lập nghiệp thì không thể thiếu cái gì? Bên cạnh người đó có được người thật sự có thể khuyên can. Đường Thái Tông không có Ngụy Chủy, không có Hoàng Hậu thì công lao sự nghiệp có thể làm nên không? Rất khó.
Cho nên các vị bằng hữu, bên cạnh bạn có được thân hữu chịu khuyên can bạn thì bạn phải xem như là gì? Xem như là bảo vật vậy. Vì thế ở trong “Hiếu Kinh” nói: “Sĩ hữu tranh hữu”. Một người đọc sách phải có một người bằng hữu chịu khuyên bảo họ thì cuộc đời này của người đó mới không bị thân bại danh liệt. Một người cha nếu có thể khuyên bảo con cái của mình thì chúng mới không làm ra sự việc phạm pháp. “Tắc thân bất hạm ư bất nghĩa”. Vì thế hiện tại mà bạn đang có những người bạn như vậy thì bạn phải biết quý trọng.
Chúng ta hãy xem thử, con người hễ nghe thấy người khác khuyên bảo thì thường phát cáu lên, gọi là “lời thật thì khó nghe”, nhưng mà “lợi ích hiện tiền”. Cho nên một người mà có được tâm lượng có thể tiếp nhận lời khuyên của người khác, nhưng phải bắt đầu xây dựng từ khi nào vậy? Bạn đợi đến khi họ đã quen nghe những lời nịnh nọt xuôi tai, lại nói một con người phải biết tiếp nhận lời khuyên của người khác thì có thể làm được hay không? Làm không được.
Cho nên một thầy giáo họ Lý của chúng tôi ở Thẩm Quyến, thầy dạy bọn trẻ đã dạy đến câu ở trong “Đệ Tử Quy” là: “Nghe khen sợ, nghe lỗi vui”. Nghe thấy người khác khen chúng ta, chúng ta được sủng ái mà lo sợ, phải tự mình cảnh giác ta vẫn còn làm chưa được tốt đến như vậy. Nghe lỗi thì vui. Nghe được người khác chỉ ra khuyết điểm của chúng ta thì chúng ta phải hoan hỷ tiếp nhận và còn phải cảm tạ người khác nữa. “Người hiền lương dần gần gũi”, tất cả những người bạn chịu nói với bạn liền sẽ đến bên cạnh bạn. Đúng lúc thầy Lý dạy đến đoạn này, cũng đúng lúc này tôi cùng thầy Thiệu và một số thầy khác đang giảng ở Hàn Châu. Sau khi trở về Thẩm Quyến, lúc ăn cơm, vị thầy họ Thiệu này liền chỉ ra một hành vi của một học trò (chỉ ra rằng hành vi đó không được tốt cho lắm, cần phải sửa đổi trở lại). Những lời này vừa mới dứt thì cô bé này liền lập tức cúi đầu 90 độ nói: “Cảm ơn thầy Thiệu đã chỉ dạy khuyết điểm cho em!”. Vị thầy họ Thiệu này cảm thấy vô cùng kinh ngạc. Bạn xem, vừa dạy như vậy thì bọn trẻ đã có thể hoan hỷ tiếp nhận. Cho nên từ đó về sau, chúng tôi chỉ ra những khuyết điểm cho bọn trẻ thì chúng không những không có giận mà còn cảm ơn, còn cúi đầu rất sâu đối với chúng tôi. Cho nên, trẻ từ nhỏ đã tạo thành tâm độ lượng, rộng rãi để tiếp nhận lời khuyên bảo của người khác thì sự lợi ích đối với cuộc đời chúng thật sự là không có cách nào tính đếm được.
Tốt rồi, tiết học hôm nay chúng ta chỉ học đến đây thôi. Cảm ơn mọi người!
A Di Đà Phật!
Làm Thế Nào Để Trở Thành Một Người Tốt Chân Thật Đúng Như Pháp (tập 10)
Giảng ngày 20 tháng 11 năm 2004 tại Thành phố Hải Khẩu, Trung tâm Vỡ Lòng Quốc Học Hiếu Liêm
Người giảng: Thầy giáo Thái Lễ Húc
Cẩn dịch: Vọng Tây Cư Sĩ, Viên Đạt Cư Sĩ, Mộ Tịnh Cư Sĩ, Phước Tịnh Cư Sĩ.
Discussion about this post