LÂM TẾ NGHĨA HUYỀN
tiếng hét vang động trong vô cùng
Như Hùng
Lâm Tế (?
867) người được mệnh xưng hy hữu độc đáo trong Thiền Tông, có một tuyệt chiêu
quái đản, xoáy thẳng vào trọng tâm Giác ngộ của người đối diện. Tiếng hét tựa
như tiếng nổ long trời lở đất, kẻ nào nghe phải đinh tai nhức óc chấn động cả hệ
thần kinh, đẩy thẳng kẻ ấy lên tận mây ngàn chơi vơi giữa khoảng không chẳng
bám vào đâu được, âm ba của nó cuồn cuộn như hải triều quét sạch chướng ngại cuốn
phăng vào lòng đại dương. Lâm Tế xử dụng với những xảo thuật tinh diệu mà không
cần phải lý luận, người tiếp nhận vẫn đạt được giác ngộ trong sự gay cấn, khiếp
đảm, cùng cực nhất.
Lâm Tế đã từng vung những cú đánh làm
người thưởng ngoạn quên đi nỗi đau thân xác, lách mình tìm tới chặng đường trực
giác. Mấy mươi thế kỷ đã đi qua những khởi động ngài tung ra vẫn còn tìm ẩn
trên đỉnh non cao đổ xuống cuộc đời, tắm mát con người chìm lặng trong bể trầm
luân, chơi vơi trong hố thẳm. Đâu đó âm vang như được dịp chọc thủng màng tai,
ngự mãi trong dòng nhân sinh luân chuyển, còn lại khoảng không chứa đầy âm hưởng
của tiếng hét huyền diệu năm xưa bỗng vọng về.
I. LÂM
TẾ VÀ CON ĐƯỜNG TÌM ĐẾN GIÁC NGỘ
Thời gian lững lờ trôi nhanh, như chiếc
lá vàng vừa mới rụng, đã ba năm trôi qua mà Lâm Tế chưa tìm thấy được bản lai
diện mục của mình, dù hằng ngày sống trong không khí bao phủ của Thiền. Mãi đến
khi vị thủ tọa hỏi:
– Ông ở đây bao lâu rồi ?
– Thưa ba năm.
– Ông đã gặp Thầy lần nào chưa ?
– Thưa chưa.
– Tại sao chưa?
– Tại vì tôi không có câu nào để hỏi
Thầy.
Vị thủ tọa bảo: “Đi gặp Thầy và hỏi yếu
chỉ đạo Phật là gì.” Lâm Tế vâng lời và đến gặp Hoàng Bá để hỏi: “Yếu chỉ đạo
Phật là gì?” Câu hỏi vừa xong âm vang của nó chưa kịp tan loãng vào hư không
Lâm Tế bị đánh ba mươi hèo. Đã ba lần như vậy và lần nào cũng đau thấu tâm can
thân xác mỏi mệt vì thấm đòn. Ra về mà lòng vẫn còn hậm hực, thiểu não, Giác ngộ
làm gì? Khi thân xác rã rời tâm tư khép chặt, nỗi đau nói không nên lời, nhưng
Lâm Tế quyết không hề nãn lòng thối chí trước những hung bạo của Huỳnh Bá. Ba
năm trường Lâm Tế đến Huỳnh Bá để tìm cầu sự chứng ngộ, lẽ nào không có một câu
hỏi với sư phụ thì làm sao có thể giải đáp cho mình sự tha thiết cầu mong. Có lẽ
sự yên lặng ấy là giai đoạn Lâm Tế đang tự mình truy cứu bằng những phương thức
để thấy được bổn tâm, và có lẽ chính nhờ tự gõ vào tâm thức ấy mà Lâm Tế cảm thấy
mù mờ mọi ngôn từ không có gì để hỏi Huỳnh Bá, từ đó quá trình tu tập thu ngắn
lại, khi mà vị Thủ tọa biết thời cơ mới khuyên Lâm Tế tìm gặp Sư phụ. Sau đó ba
lần hỏi đều bị ăn đòn, mà con đường giác ngộ vẫn chưa thấy. Lâm Tế quyết định
đi tìm thầy khác. Huỳnh Bá chỉ ngài đến Đại Ngu, khi Lâm Tế đến, Đại Ngu hỏi:
– Ở đâu tới?
– Ở Hoàng Bá
– Hoàng Bá có dậy dỗ những gì ?
– Nghĩa Huyền nầy ba lần hỏi về yếu chỉ
của đạo Phật thì cả ba lần đều lãnh đủ nhiều gậy mà chẳng được dạy gì cả, chẳng
biết tôi có lỗi gì ?
Đại Ngu bảo:
– Chẳng ai có thể tốt bụng hơn gã Hòa
Thượng hủ lậu đó, thế mà ngươi còn muốn biết mình có lỗi ở đâu.
Bị Đại Ngu la rầy quở mắng Lâm Tế mới
chợt thấy được cái dụng của Hoàng Bá chứa đầy sự thương mến trong cung cách tàn
bạo. Ngài bèn thốt lên:
– Thế ra Phật Pháp của Hoàng Bá chẳng
có chi nhiều.
Đại Ngu nắm ngay lấy cổ áo của Lâm Tế
và bảo:
– Phút trước nhà ngươi nói không hiểu
nổi, bây giờ bảo chẳng có chi nhiều, thế nghĩa là gì ?
Lâm Tế không trả lời, lại đánh vào cạnh
sườn Đại Ngu ba thoi. Đại Ngu gỡ ra và bảo: “Thầy ngươi là Hoàng Bá, việc này
chẳng can gì đến ta”.
Khi Lâm Tế trở lại, Hoàng Bá hỏi:
– Sao lại về nhanh thế ?
– Vì thầy quá tử tế như bà nội.
Hoàng Bá nói:
– Đợi khi nào gặp gã Đại Ngu ấy ta cho
gã hai chục gậy.
Lâm Tế đáp: “Khỏi cần gặp, có ngay
đây”.
Vừa nói, vừa
vỗ cho lão hòa thượng một chưởng thật nặng. Lão hòa thượng cười ha hả !
Lâm Tế trải qua những trận đòn hối
thúc đau điếng và cũng chính nhờ những lần đau ấy mà tâm thức trở nên tinh luyện,
chặng đường đi đến tìm gặp Đại Ngu là cơ hội để Lâm Tế suy gẫm thật nhiều cung
cách mà Hoàng Bá đã đối xử với Lâm Tế, và nhờ đó điểm cuối cùng có cơ may bùng
dậy khi nghe những lời trách bảo của Đại Ngu. Lâm Tế dù không hỏi Hoàng Bá trước
đó, bởi khoảng thời gian nầy đang có những cái bất an, bao phủ tâm tư một cách
mù mờ, chưa tìm gặp vị thế hẳn hoi, nhưng không khí Thiền hàng ngày Lâm Tế cảm
nhận vẫn là những trợ duyên vô cùng cần thiết và tác động mãnh liệt trong nội
tâm của ngài, tự mình chìm lặng trong cái ẩn hiện mênh mang của Thiền. Nếu
không gõ cửa thì cửa không bao giờ mở. Lâm Tế chỉ thấy một cách mang máng ở tâm
tư mình nhưng, vẫn chưa xác định sự hiện diện của nó là cái gì, chỉ có dấu hỏi
to tướng nhưng Lâm Tế chẳng biết phải hỏi như thế nào, có cái gì không được an ổn
đang ngự trị, những rối rắm chưa biết
đâu là đầu mối để phăng ra khỏi cái gút, mãi đến khi “Yếu chỉ Phật Pháp là gì
?” Lâm Tế mới bám chặt vào công án nầy, từ đó phăng ra con đường đi đến giác ngộ.
Những mù mờ thấp thoáng trở nên những chất liệu cần thiết để Lâm Tế đủ năng lực
bám thật chặt vào gút ấy, cái ẩn ngăn nầy là những diệu dụng mà Lâm Tế đã huân
tập trong ba năm nhưng, không biết xử dụng nên nó trở thành bàng bạc không rõ.
Nhờ cái ấn nhẹ tay của Đại Ngu, Lâm Tế mới choàng mình thấy được Phật Pháp nơi
Hoàng Bá.
Con đường giác ngộ của Lâm Tế quả cam
go, bù lại để được những lời giải thích thì có những cú đánh thay câu trả lời.
Ngài đủ kiên nhẫn chịu đựng đến lần thứ ba quả cũng vĩ đại rồi. Để rồi sau đó
cuộc đời Lâm Tế xử dụng tiếng hét, cú đánh như trước đó ngài tận hưởng. Chính
nhờ thấu triệt tấm lòng từ của Sư Phụ nên Lâm Tế không ngần ngại áp dụng phương
cách nầy và cũng để biểu lộ, khai thị kẻ đối diện sự thương mến đi kèm với tiếng
hét cú đánh.
II. TIẾNG
HÉT TUYỆT KỶ CỦA LÂM TẾ
Tiếng hét của Lâm Tế đã từng gây rung
chuyển núi đồi chập chùng, làm rúng động thiền môn. Kẻ nào nghe phải khiếp đảm
đầu óc như vỡ tung ngay. Lâm Tế xử dụng nó như một tuyệt tác phi thường, âm ba
tựa muôn ngàn âm thanh quái đản, khủng khiếp trỗi lên cùng lúc đẩy lùi khoảng
không đến tận cùng sự vật.
Lâm Tế chia ra làm 4 loại hét:
– Có tiếng hét như gươm báu vua Kim
Cang
– Có tiếng hét như bốn vó sư tử vàng
trụ bộ trên mặt đất
– Có tiếng hét như cần câu quơ bóng cỏ
– Có tiếng hét không có tác dụng của
tiếng hét.
Trước Lâm Tế có Mã Tổ (709-788) đã xử
dụng tiếng hét khi Bách Trượng (724-814) đến hỏi Thiền. Nhưng đến thời Lâm Tế
khai triển nó trở thành tuyệt chiêu, do cách xử dụng vi diệu và hiệu năng phi
thường của nó, đẩy tung kẻ đối diện bay bổng lên tận trời cao, rơi vào khoảng
không hụt hẫng. Hễ mở miệng ra là bị tiếng hét nầy chun vào đánh phá trong tận
cùng tim phổi, và hễ chuẩn bị mở miệng là bị hét tới tấp, làm cho kẻ đối diện
chùng bước trước những suy luận, không biết phải bám vào đâu, chỉ còn cách phải
trực diện may ra có thể tránh né và tìm điểm tựa. Nhưng hình như Lâm Tế biết điều
này, nên tiếng hét có công năng bao phủ tất cả những lối đi lại của tâm thức, và
ngay lối vào Giác Ngộ nó cũng bao bọc, đầu óc căng ra như quả nổ đang châm
ngòi, nếu được nổ tung lên thì những bao phủ nầy trở thành mây khói tan loãng
ngay. Còn nếu không, những run sợ hoang mang ray rứt cứ thế mà đè nặng lên tâm
tư, không còn kẽ hở để ấn xuống, nhưng vẫn phải chấp nhận đến độ quật ngược
tung mình ra khỏi mọi tương quan. Mục đích những xảo dụng, nhằm đưa ta tìm tới
sự giác ngộ, không cần phải đi qua những lối mòn mà kẻ khác để lại trong những
lần dọ dẫm hụt chân. Tiếng hét giúp ta khơi dậy những gì yên ngủ bấy lâu nay,
do Vô Minh phong tỏa lối về, những bất an lúc nào cũng chờ chực sẵn, xông tới đẩy
chúng ta rơi vào thế đấu tranh trường tồn trên những lo sợ, khổ đau hệ lụy đang
bao phủ suốt đời.
Thiền giúp chúng ta tìm đến sự an vui,
không cần phải dùng đến những lý luận bàn cãi sôi động của ý thức chi phối, những
điều này trước đó đã hơn một lần đưa ta rơi vào thế bí không lối thoát, sự dựng
nên thành trì tri thức không bao lâu lại bị kẻ khác lôi xuống đập phá, thêm vào
đó ý thức mới phù hợp với hiện tình, nhưng rồi sau đó cùng chung số phận như lần
trước. Cuộc đời sao cứ diễn mãi những trò ảo mộng như thế ?
Tiếng hét của Lâm Tế dồn chứa công lực
thâm hậu, khi được xử dụng mạnh như vũ bão, xoáy lốc những chướng ngại đang hiện
diện, tạo thành cơn cuồn phong dữ dội, quét sạch mọi tăm tối đang ngự ẩn trong
kẻ đối diện, hiệu năng này có tác dụng chuyển hóa những quan niệm sai biệt trở
nên diệu dụng và đưa hành giả thoát ra ngoài những biên kiến. Nhiều khi lối xử
dụng nầy nhẹ nhàng uyển chuyển như làn gió hạ hây hẩy thổi nhè nhẹ lùa qua
khung cửa, làm kẻ thưởng ngoạn cảm thấy tâm tư nhẹ nhàng lâng lâng thoát tục.
Lâm Tế xử dụng tiếng hét, thoạt đầu khi nghe nói đến hét con người sẽ hình dung
ra những dữ dằn của hét và nét run sợ của kẻ bị nghe hét, tuy nhiên đây là
phương thức diệu dụng nhằm đưa chúng ta choàng tỉnh sau những tháng năm yên
mình trôi lăn trong phiền trược, đột nhiên một âm vang cao vút dội mạnh vào tâm
tư, bao nhiêu ý nghĩ ngổn ngang hốt nhiên dừng lại, từ đó cho chúng ta thấy
ngay sự hiện diện chính mình trước những đe dọa, để ta có thể tìm phương xô đẩy
sự bao phủ nầy, thoát ra ngoài con đường dẫn đến hố thẳm điên loạn triền miên.
Và xảo thuật này đánh mạnh vào ý lực, nếu chúng ta trước đó đã nhiều lần tra vấn,
chiêm nghiệm bản lai của mình nhưng vẫn chưa tìm thấy mặt mũi của nó, thì may
ra từ sự rung chuyển này đưa ta thoát khỏi cơn thèm khát giác ngộ. Tựa như một
hòn đá khi cuốc đất đụng phải, bay bổng vào bụi tre, gặp phải cây tre phát ra
tiếng vang mà người cuốc đất bỗng nhiên hoát ngộ. Cách xử dụng tiếng hét của
Lâm Tế đạt đến mức chuyên nghiệp đúng thời điểm thì nó mới xuất hiện và chắc chắn
kẻ nào diễm phúc được nghe, cởi bỏ thoát thân một lần. Lâm Tế không biện luận
lôi thôi khi có kẻ tìm gặp, câu trả lời tuyệt diệu là tiếng hét đinh tai đưa đến
trực ngộ.
Ngoài tuyệt kỷ hét này ra Lâm Tế còn xử
dụng lối đánh một cách ngoạn mục nữa, nếu bị hét thì không đánh và ngược lại nếu
đánh thì không hét, và cũng có lúc Lâm Tế xử dụng cả 2 phương cách, nếu dùng đến
thì kẻ đối diện chớp nhoáng có thể tìm thấy bộ mặt thật của mình khi âm vang
chưa tan loãng.
Lâm Tế chia ra làm 8 loại đánh (bát bổng)
– Thưởng bổng
– Phạt bổng
– Tung bổng
– Đoạt bổng
– Ngu si bổng
– Hàng ma bổng
– Tảo tích bổng
– Vô tình bổng
Có một lần Định Thượng Tọa hỏi Lâm Tế:
“Thế nào là đại ý của Pháp Phật”. Lâm Tế bước xuống Thiền sàng, nắm lấy thượng
tọa, xáng cho một bạc tai, rồi xô ra. Định đứng khựng. Ông tăng đứng bên nhắc
“Định thượng tọa sao không lạy Hòa thượng đi”. Định toan lạy thì ngay lúc ấy hốt
nhiên đại ngộ.
III. DIỆU
DỤNG CỦA TIẾNG HÉT TRONG THIỀN
Thiền nhắm đến phát huy và phục hồi
nguyên ủy giác ngộ vốn sẵn có trong mỗi con người, hiệu năng thông đạt mọi dính
mắc của tiếng hét, trở nên một trong những nét độc đáo trong Thiền. Chưa ai có
thể cho chúng ta định nghĩa chắc chắn về Thiền, bởi lẽ Thiền vốn thoát ly ra khỏi
ngôn từ, không lưu lại bóng dáng gì cả và thiền là sự linh năng, tri thức con
người không thể kéo nó xuống để dán vào đó những định lý được. Nếu có điều này,
thì không thể gọi là Thiền, nhưng trong tất cả và trên tất cả đều có nó hiện hữu.
Chính vì không trói buộc trong ngôn từ nên hầu hết những vị Thiền sư rất ít khi
phải biện luận dông dài, đáp lại điều này những tiếng hét, cú đánh, một vài lời
không lúc nào ăn khớp với câu hỏi. Nhưng những điều này nhằm đặt lại vị trí cần
thiết để giác ngộ vụt lên. Biện luận nhiều cũng không thay đổi được tâm thức kẻ
đối diện, vì hầu hết con người hay nương theo và lầm tưởng ngôn ngữ là yếu tố
quan trọng, chấp ngón tay là mặt trăng. Nếu đã rơi vào cửa ngõ chết cứng nầy,
thì làm sao có thể băng mình tìm tới cửa ngõ của rỗng không? Tiếng hét trút ra
tất cả những định lực vốn un đúc sẵn trong Thiền sư đánh mạnh vào tâm thức may
ra tìm thấy được thức giác kẻ đối mặt. Âm vang của nó cao vút lên tận trời
xanh, luồng kình lực nầy đẩy lùi những toan tính đang chận lối rơi vào hố thẳm
của hư vô, phục hồi lại những giá trị mà thời gian không tàn phá vốn có sẵn
trong mỗi con người.
Trong lịch sử Thiền Tông hai vị nổi
danh nhất trong việc dùng tiếng hét để khai thị đó là: Vân Môn Văn Yển (?949)
và Lâm Tế Nghĩa Huyền (?867) Vân Môn thì quát “Quan” còn Lâm Tế thì hét “Ha”.
Hai thán từ nầy khác nhau, nhưng giống nhau nhằm mục đích quát tháo để giác ngộ
bùng lên. Tuyết Đậu (980-1052) ca ngợi về thán từ nầy “Quan”: “Đã mất tiền toi
còn mang tội vạ” Bạch Ẩn (1683-1768) bình rằng “Quả đấm dầu giận mấy, cũng
không đánh vào mặt hoa” Nếu dùng ý niệm tri thức để truy cứu thì sẽ không tìm
thấy được trả lời nào cho chúng ta, lạc lối như Lưu Nguyễn tìm lại động Thiên
Thai.
Những Thiền sư khi vấn đáp với kẻ tìm
đến không nằm trong khuôn phép luận lý nào, vì vậy hé mở cho chúng ta thấy đàng
sau ngôn từ, sự cảm thông để nương theo đó tìm đến giác ngộ vẫn gần hơn, khi phải
co mình trong những luận cứ, lập luận. Cách trả lời này chỉ là trá hình của tiếng
hét hay cú đánh nhưng, bằng ngôn từ nửa thực nửa vô. Tiếng hét của Lâm Tế rất
thịnh hành. Cho đến bây giờ trong thiền môn vẫn còn ngự trị tiềm ẩn, bước vào cổng
tam quan chấn động ngay chữ “Quan” của Vân Môn dù chữ Quan nầy là cửa ải nhưng ở
đây không có cửa nào hết, nếu có thì mở tung cửa để giác ngộ. Tiếng Ha từ trong
tống thẳng ra làm bay bổng lên tận mây trời, nó len lõi vào thời không, ẩn mình
trong tất cả những ngõ ngách, ngay khóm trúc cành hoa cũng có mặt tiếng Ha nầy
ngự tìm, núp ẩn. Nếu không rũ sạch bụi trần thì không thể nào tìm thấy được sự
có mặt vô cùng của nó.
Tiếp nhận sự vi diệu tuyệt vời của tiếng
hét, đòi hỏi kẻ đối diện phải dứt trừ mọi nắm bắt đuổi theo phiền trược, đối diện
với nó như nhìn với tất cả tâm thành tha thiết, bặt hết trần lao, nhưng yếu tố
quan trọng là phải vận dụng xương tủy máu thịt mình, để những tác động của tiếng
hét đánh thức màng vô minh bao trùm, phải tạo khoảng không để tiếng hét nầy tìm
vào thì mới có cơ duyên để giác ngộ trỗi dậy, tìm được con đường đó không phải
là một chuyện ai làm cũng được, hầu hết chúng ta ít chịu tạo cho mình cửa ngõ để
đến tịch nhiên. Phải huân tập thật nhiều ý lực vượt thoát tử sinh và đánh phá
liên tục vào tâm tư thì mới có thể dọn đường cho tiếng hét đến tác động thẳng
trong ấy. Những đột biến do công năng của nó khơi dậy, may ra đó là đường dây để
ta có thể phăng mình tới được đầu mối đích thực trực tiếp với chân lý, không
còn run rẩy với cuộc sống không một chỗ dừng cho tương lai nầy nữa.
Dù rằng hiệu năng của tiếng hét Lâm Tế
bắt tâm của mình phải tìm cách giải quyết một vấn đề không thể giải quyết được.
Thực ra nếu không dồn chúng ta vào thế bí, thì làm sao từ đó có thể thoát ra khỏi
bóng tối, nếu Lâm Tế không đẩy ta vào tận cùng những đe dọa khiếp đảm, thì ta
không có đủ nghị lực để bình an trước những hãi sợ. Những vấn đề mà chúng ta
cho là không giải quyết được, bởi lẽ chưa lần nào ta đem nó lên bàn mổ tâm linh
để chiêm ngưỡng, nếu đã đem lên thì không còn quan trọng nữa, dầu sao cơ hội
tìm lại một cách thật sự trong nội tâm, vẫn có khả năng lãnh hội được những diệu
dụng khi có cơ duyên đối gặp Thiền Sư. Chỉ sợ khi nào chúng ta phó mặc thân phận
mình cứ mặc cho con nước đưa đến đâu thì đến, muôn kiếp khó có thể thông đạt được
mọi lý lẽ tử sinh của cuộc đời.
IV. GIÁ
TRỊ ĐỘC ĐÁO NHỮNG BÀI PHÁP CỦA LÂM TẾ
Lâm Tế có lối nói pháp khiến tóc tai
ta phải dựng đứng, trợn mắt, nhằm cách mạng đập tan hiển lộ nên sự thật, lắm
lúc sự thật nầy phũ phàng như chính cái phũ phàng mà ta đang lặn hụp. Lâm Tế muốn
lột trần cuối cùng tất cả, những giả dối con người đang trang sức phết tô để dệt
nên một thần tượng phi lý, tôn thờ theo chủ nghĩa của lừa lọc. Lâm Tế còn đập vỡ
tung những hình tướng con người qui phục. Vì hình tướng chỉ là lớp sơn bên
ngoài tự nó phải tiêu hủy.
“Bậc đạo nhân chân chánh tuyệt không nắm
Phật, không nắm Bồ Tát La Hán, cũng không nắm ba cõi thù thắng, quyết nhiên
không câu chấp vào ngoại vật, thì trước mắt chánh pháp, vào lửa không phỏng,
vào nước không chìm, vào ba đường địa ngục như dạo vườn cảnh, vào ngạ quỉ súc
sanh mà chẳng thọ báo, vào sắc giới chẳng bị sắc mê hoặc, vào thanh giới chẳng
bị thanh mê hoặc, vào vị giới chẳng bị vị mê hoặc, vào xúc giới chẳng bị xúc mê
hoặc, vào pháp giới chẳng bị pháp mê hoặc”.
Sáu căn của con người khi đối diện với
trần cảnh thường khởi ra những tham đắm nên phải trôi lăn trong tử sinh, nếu
xoay chuyển tất cả cửa ngõ bên ngoài để quán chiếu vào thể tánh thì mới có thể
đi vào đâu nơi đó thành niềm an lạc, nếu điều này không được thực ngộ thì muôn
kiếp làm kẻ sống trong phù vân nổi chìm, không chỗ dừng cho tương lai.
Tìm đến tư tưởng của Lâm Tế phải buông
bỏ tất cả những ý niệm dù ngay hai chữ buông xả, bặt hết mọi ngôn từ, đừng tìm
kiếm tra hỏi những thuật ngữ trong ấy, mà cần nhất thoát ra ngoài dính mắc thì
mới có thể cảm nhận được sự thâm sâu và tấm lòng từ không bờ bến mà ngài để lại
cho chúng ta. Ngài phá tung tất cả để đưa cho ta thấy đàng sau đó còn lại một
cái gì mà trong ngôn từ, trong ý niệm không có.
“Cứ tự nhiên mà động dụng, mặc áo ăn
cơm, cần đi cứ đi, cần ngồi cứ ngồi, đừng mảy may tâm niệm nào cầu Phật quả.
Quí ông cho rằng đạo có tu có chứng, chớ nói nhảm. Đặt ra tu chứng là tạo nghiệp
sanh tử. Ông nói sáu đạo muôn hạnh cùng tu, ta thấy toàn là nghiệp. Cầu Phật, cầu
Pháp là tạo nghiệp địa ngục. Cầu Bồ Tát cũng là tạo nghiệp. Coi kinh coi giáo cũng
là tạo nghiệp. Phật với Tổ Sư đều là người vô sự. Quí ông nói có đạo tu được,
có pháp chứng được. Đạo nào mà tu? Pháp nào mà chứng? Chỗ thọ dụng của ông nay
còn thiếu hụt vật gì chứ? Mà bồi đắp vào đâu chứ?”
Lối nói Pháp này của Lâm Tế làm chúng
ta phải khiếp sợ trước những dụng ngữ không bị giới hạn ở định mức nào. Nhưng
có ai dám bảo nó không tìm ẩn cả sự giải phóng con người ra khỏi triền phược
trong ấy? Chúng ta vốn bị nhốt kín quá nhiều ngay trong quan niệm, trong mọi hệ
lụy không phút nào độc lập tự do một cách toàn triệt, đâu đâu cũng ngăn cách,
lôi kéo, làm sao tìm thấy được con đường thênh thang rộng mở không có mưa phùn
nắng quái. Nếu không nhờ vào phương cách, san bằng tiêu hủy những ngăn ngại vi
tế, dù đó là biểu tượng hình tướng, thì chặng đường nầy hãy còn đong đưa lẩn quẩn.
Lâm Tế từng chặt tan dù đó là Phật là Tổ, với Lâm Tế ngôn từ từng gây khổ đau
cho con người, tạo nên những xung đột phi lý trong nội tại và tạo ý thức chỉ biện
luận so đo. Nếu không vượt ra ngoài những trì trệ ngăn cách này, sẽ phải lạc lối
ngay, khó mà tìm lại được. “Nầy quí ông cầu chân lý ! muốn ngộ vào chánh
tông (Thiền) chớ để thiên hạ phỉnh mình. Trong cũng như ngoài, gặp chướng ngại nào
cứ đạp ngã ngay, gặp Phật giết Phật, gặp Tổ giết Tổ, gặp La Hán hoặc họ hàng
thân thiết giết hết. Chớ ngần ngại, đó là con đường độc nhất để giải thoát. Đừng
để bất cứ ngoại vật nào trói buộc mình, hãy vượt lên, hãy bước qua, hãy tự do.
Tôi thấy suốt trong thiên hạ những vị gọi là cầu đạo, không ông nào đến với tôi
tự do và độc lập hết. Hễ gặp việc tôi đạp nhào hết, không cần biết họ đến với
tôi bằng cách nào. Họ ỷ mạnh tay, tôi chặt đứt tay, họ ỷ giỏi nói, tôi bóp câm
miệng, họ ỷ tinh mắt, tôi đập đui mắt. Quả thật bao năm rồi chưa một ông nào
đơn độc đối diện với tôi, hoàn toàn tự do, hoàn toàn độc lập. Ông nào cũng mắc
phải như nhau những trò lừa dối không đâu của hàng cổ đức. Tôi không có gì để
cho quí vị. Tất cả những gì tôi có thể làm được là tùy bịnh mà cho thuốc, là giải
phóng cho quí vị tất cả triền phược.”
“Này chư vị cầu chân lý, hãy tỏ ra đôc
lập tự cường. Tôi trân trọng đặt vấn đề ấy với quí vị. Suốt năm mười năm gần
đây, tôi chỉ nhờ có vậy mà chưa được gì hết. Người ta đến với tôi toàn là người
ma, những súc sanh cổ quái vất vưởng bờ tre, rừng bụi, đồng hoang cỏ dại, điên
khùng gặp gì cắn nấy, dơ dáy thối tha. Quí vị loài ở hang, sao dám hoang phí của
tín thí? Quí vị đáng gọi là sư sao khi còn vọng tưởng điên đảo như vậy? Tôi nói
cho biết, không Phật, không Pháp, không tu, không chứng ! Quí vị tìm gì ở
nhà láng giềng? Đó là trên đầu ghép thêm một cái đầu mượn ! Quí vị thiếu
gì?”
“Quí vị cầu chân lý, những gì quí vị
thọ dụng hiện giờ đây có khác gì với chư Phật chư Tổ đâu. Nhưng quí vị không
tin tôi mãi đi tìm bên ngoài. Đừng mê tưởng như vậy. Không có gì ở ngoài, mà cả
bên trong vẫn không có gì nắm giữ được. Quí vị chấp theo lời tôi nói, nhưng thà
dứt tuyệt tất cả tham cầu, đừng làm gì hết.”
TỨ LIỆU
GIẢN CỦA LÂM TẾ
Lâm tế được kể như một trong những tay
cự phách trong Thiền Tông. Tứ liệu giản là một minh chứng cụ thể, hay và rõ rệt
nhất, nhờ vào đó hành giả có thể cảm nhận được những đòn bí hiểm mà chặng đường
công án đã vén mở, dù rằng công án không nằm trong một phạm trù, kích thước, chỉ
nhằm quật tung những gì câm nín yên nghĩ bấy lâu. Lối xử dụng và hiệu năng vẫn
còn nằm trong mức độ thể nghiệm chặng đường tra vấn ấy.
Tứ Liệu Giản Lâm Tế đưa ra như sau:
– Có khi đoạt nhân không đoạt cảnh
– Có khi đoạt cảnh không đoạt nhân
– Có khi nhân cảnh đều đoạt
– Có khi nhân cảnh đều không đoạt
(Hữu thời đoạt nhân bất đoạt cảnh
Hữu thời đoạt cảnh bất đoạt nhân
Hữu thời nhân cảnh câu đoạt
Hữu thời nhân cảnh câu bất đoạt)
Lâm Tế hé mở cho chúng ta thấy rằng,
có những lúc phải khước từ, bác bỏ, phản đối, hoặc chấp nhận. Biên giới của nó
tựa như đường tơ kẻ tóc, nhích một cái là muôn trùng xa cách. Nó mênh mang và
thâm sâu, không bám vào đâu được khi phải đối diện với Thiền Sư. Lắm lúc không
chấp nhận người đến tham vấn các Thiền Sư, hoặc không phản đối lời của người ấy.
Hoặc có những lúc cả hai đối tượng đều bắt gặp ở nhau một cái gì, hoặc chẳng
bao giờ tương hợp được theo nghĩa không đoạt.
Lâm Tế giải thích trong ngữ lục của
Sư:
– Có ông tăng hỏi: “Thế nào là đoạt
nhân không đoạt cảnh?”
Sư đáp: Mặt trời ấm hiện phô gấm vóc
Trẻ thơ rũ tóc trắng như tơ
– “Thế nào là đoạt cảnh không đoạt
nhân?”
Sư đáp: Lệnh vua đã ban hành khắp
thiên hạ
Tướng quân ngoài ải dứt khói bụi
– “Thế nào là đoạt cả nhân lẫn cảnh?”
Sư đáp: Tịnh Phần bặt tin tức
Một mình ở một nơi.
“Thế nào là nhân cảnh đều không đoạt?”
Sư đáp: Vua bước lên ngai
Lão quê ca hát.
Lối giải thích của Lâm Tế cũng vẫn còn
bí hiểm như cái bí hiểm độc đáo của tiếng hét. Dù ở đây Lâm Tế còn cho ta một ý
niệm so với tiếng hét cũng là một ý niệm, nhưng tựu thành bằng ngữ ngôn. Đầu mối
để giác ngộ không nằm trong những suy tư khắc khoải, mà phải nằm trong thường
nghiệm trực tiếp với tâm năng. Mức độ cảm nhận ở nội tại là điều tiên quyết để
đạt được nguyên ủy nầy, hay ngược lại bung xuống hố thẳm, hoàn toàn tùy vào cảm
nhận đúng mức hay không. Lâm Tế xử dụng Tứ Liệu Giản là mở thêm một cánh cửa
khác để hành giả có thể dễ dàng hơn trong việc quật khởi tâm linh.
Riêng ở Việt
Lâm Tế đã được truyền vào lần đầu tiên do Thiền Sư Thiên Phong thế kỷ thứ 13.
sau đó phái Lâm Tế truyền vào nước ta một lần nữa Đàng Ngoài do các Thiền Sư
Chuyết Chuyết và Minh Hành, Đàng Trong thì do các Thiền Sư Nguyên Thiều và Minh
Hoằng Tử Dung, Minh Hải Pháp Bảo, Minh Vật Nhứt Trí, Minh Hành Từ Toại và Minh
Giác Kỳ Phương.
Ảnh hưởng của Lâm Tế rộng lớn mạnh như
vũ bão, quét sạch và cuốn phăng đi những trì trệ như tiếng hét của Lâm Tế đã
gây phản ứng khốc liệt trong nội tại. Sự phát triển bành trướng của Tông Lâm Tế
là tạo dựng lại Tông phái một cách rõ rệt truyền đăng cả mấy thế kỷ nay, hầu hết
trong chúng ta đều mang trong mình giòng máu tâm linh của tiếng hét huyền nhiệm
năm xưa, Lâm Tế đã từng tung ra chấn động cả thời gian, để rồi mười mấy thế kỷ
nay nó hãy còn đi vào cuộc đời, chuyển hóa những trạng huống để trở nên một con
người đích thực đã thừa hưởng âm vang của tiếng hét.
Dù qua những biến thiên của trời đất,
của những bão tố bao phủ cho mỗi thời đại, một cách sáng tạo hay đập phá những
di sản tối hậu, cũng đều tùy thuộc vào mức độ chứng nhập được những tinh hoa đã
huân tập, và có lẽ đôi khi chỉ còn lại nhãn hiệu gắn vào mỗi người, nhưng thực
ra trong ấy trống không, theo nghĩa chẳng có gì, chứ không phải trống không
theo nghĩa không dính mắc. Lắm lúc đem nhãn hiệu nầy vung vãi mà không cần kiểm
chứng lại sự có mặt cần thiết hay không.
Làm sao khơi dậy tiếng hét Lâm Tế năm
xưa, để điểm tô cho con người trong sự đe dọa của cuộc sống hôm nay ?
Như Hùng
Từ sách
Thiền Sư và Tư Tưởng Giác Ngộ, xuất bản 1987
Discussion about this post