Bên cạnh sự rộn rịp tại một lễ hội, mà Hòa thượng Brahmapundit, Chủ tịch sáng lập Ủy ban Tổ chức Quốc tế Đại lễ Vesak Liên hợp quốc (ICDV) khẳng định nói rằng đã thành công tốt đẹp, cuộc tranh luận và bình phẩm về sự kiện nhà nước vô thần đem biểu tượng cao nhất của Phật giáo để đứng cùng lãnh tụ của họ, đang xuất hiện khắp mọi nơi, thậm chí khiến nhiều trang tin tức quốc tế cũng ghi nhận.
Tháng 5-2019 tại Việt Nam không chỉ có vậy. Đã có nhiều điều diễn ra quyết liệt ở mọi nơi, tạo nên một bức tranh tổng thể đỏ ngầu và dữ dội hơn cả sự mô tả ông Hồ Chí Minh đứng trong bức tranh Đạo Pháp và Dân Tộc đó. Những bắt bớ liên tục diễn ra, những nhà máy có sự che chở giới lãnh đạo đang phủ đầy ô nhiễm tang tóc trên đất nước này. Những kẻ giàu có, mua chuộc được sự dốt nát và hám lợi của bọn cầm quyền đang bóp nghẽn các dòng sông, đang cày nát núi đồi và rừng xanh…
Lễ hội Vesak 2019 đã thành công đến mức nói về hòa bình thế giới, nói về ô nhiễm trên tầng cao khí quyển hành tinh, nói về hòa hợp các dân tộc nhưng lại làm ngơ những người nông dân, những làng xóm từ Nam chí Bắc luôn nơm nớp vì bị cướp đất, bị cưỡng đoạt.
Lễ hội Vesak 2019 cũng không nói đến sông Hàn bị bóp nghẹt, nói về những cánh rừng mất dần để thế chỗ bằng sân golf hay biệt phủ của giai cấp mới.
Lễ hội Vesak 2019 cũng không nhắc gì đến việc làm sao để Hà Nội ngừng rượt đuổi những người thương phế binh VNCH, làm sao ngừng chặn bắt hay đánh đập những người bất đồng chính kiến. Từ ngày 12-5 đến 14-5, suốt trong đại lễ này không ngớt xuất hiện những cụm từ “từ bi” và “sám hối”, nhưng hàng ngàn tỉ đồng từ mồ hôi nước mắt lao động của người Việt để tạo nên sự hoành tráng của đại lễ, vẫn không hề giúp giác ngộ được bộ máy lãnh đạo vô thần Hà nội.
Trong tuyệt vọng, nhận thức luôn là một lối đi mới, tôi vẫn phải đùa và an ủi người bạn mình. Nụ cười lặng lẽ và đôi mắt nhắm của Đức Thích Ca trước các vở hài kịch nhân gian cũng là một suy niệm đủ cho anh bạn tôi – hay bất kỳ ai – bừng tỉnh. Trong bài diễn văn của ông thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có nhắc rằng “mỗi người chúng ta chính là sứ giả của đức Phật”. Nhiều năm qua, những sứ giả nhân danh Đức Phật có hơi thở nhà cầm quyền, đã không ngừng dạy con người mũ ni che tai trước hiện thực, bài xích tôn giáo khác, thậm chí tạo sự lạc lối, về lịch sử dân tộc.
Trong tiếng vỗ tay và đồng tuyên bố về tình nhân loại và tự do tín ngưỡng từ đại lễ Vesak 2019, cũng đã đồng tình chôn sống sự thật về những ngôi chùa bị san lấp, về những tu sĩ bị sách nhiễu tại Việt Nam. Thậm chí, vị Bồ tát có thật của hành tinh là Đức Đạt Lạt Ma thứ 14 cũng được đại lễ sắp xếp cho lãng quên bằng trò đơn giản như thắp nến hay ca hát.
Mỗi lúc thế giới đang mở ra. Những lời nói dối của thế kỷ 21 luôn tinh xảo hơn ở thế kỷ trước. Nhưng bên cạnh đó, nhận thức của con người trước những sự dối trá giờ đây cũng khác biệt và tinh tế hơn. Sau 1975, khi ông Mai Chí Thọ – giám đốc công an thành phố – đối thoại với những bậc trí giả của Giáo hội Phật giáo Thống Nhất đã đặt vào cuộc trò chuyện là xe tăng và nhà tù. Còn 2019, trên bàn đối thoại với Phật giáo và tín đồ, nhà cầm quyền đặt cược bằng cả chùa lớn và đại lễ. Nhưng dẫu vậy, mắt của Đức Phật qua năm tháng ấy vẫn khép, nụ cười vẫn bí ẩn. Những trò vui có thay hình đổi dạng, vẫn vậy, vẫn vô nghĩa cùng những lời nói dối có hệ thống.
Nên bạn tôi, đừng tuyệt vọng, đừng từ bỏ.
Nhận thức không nhằm để chúng ta tuyệt vọng. Nhận thức để chúng ta có được cái nhìn thông tuệ và xuyên suốt, để luôn mang trong tim mình niềm hy vọng. Nhận thức rõ được sự thật sẽ khiến bạn thấy mình khép mắt lặng im và mỉm cười như Đức Phật. Sự thật ấy sẽ dắt tay anh em qua ngõ tối và sợ hãi. Sự thật rồi cũng sẽ giải thoát dân tộc này qua sự mê muội và muộn phiền.
Vì mỗi con người chỉ có một cuộc đời, nên nếu chúng ta tuyệt vọng và từ bỏ, tức đã tự dâng hiến sự sống duy nhất của mình cho kẻ ác, cho bọn vô thần. Trong nhận thức, ta vẫn đang gieo niềm hy vọng, không chỉ riêng mỗi mình, tôi nói với người bạn, và có thể, ta sẽ còn nhìn thấy Đức Phật bí ẩn mỉm cười.
Discussion about this post