HƯƠNG VỊ THIỀN
TRONG BA BÀI HÁT RU CỦA TRỊNH CÔNG SƠN
Minh Tuệ Đỗ Minh
Trịnh viết khá nhiều bài hát trong tựa đề có chữ “Ru”. Có những bài rõ ràng là ru cho chính mình như Ru Đời Đã Mất, Ru Ta Ngậm Ngùi …nhưng bên cạnh đó nào là Tôi Ru Em Ngủ, Em Hãy Ngủ Đi …. Điều này gây tò mò cho người nghe, phóng viên thắc mắc hỏi và được Ông trả lời:
PV: Anh đã có rất nhiều những bài hát ru: Tôi ru em ngủ, Ru em từng ngón xuân nồng, Ru em, Em hãy ngủ đi… Trong thực tế, có phải anh đã từng ru rất nhiều phụ nữ ngủ…?
TCS: Ru như thế không phải là ru em mà thực chất là tôi tự ru tôi, tự ru để thanh lọc tâm hồn không vương một chút oán hờn nào….
“Thanh lọc tâm” để làm cho tâm mình sạch hơn, trong hơn, để thoát khỏi sự che lấp của Năm Triền Cái, để không bị dính mắc vào vọng tưởng loạn tâm.
Ở đây, xin chọn ba ca khúc nổi tiếng của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn: Em Hãy Ngủ Đi, Ru Ta Ngậm Ngùi và Ru Tình để đi sâu vào từ ngữ và ý nghĩa sâu của hương vị thiền mà Ông muốn gởi gấm một cách khéo léo trong những “tình khúc” của mình.
EM HÃY NGỦ ĐI
1.
Trước khi đi vào bài, thiết nghĩ cũng nên bàn thêm đôi chút về “Tôi”, “Em” và “Ngủ”.
Giả sử chúng ta nói “Tôi không hiểu được mình”, thì rõ ràng có hai cái tôi trong mỗi chúng ta: “Cái tôi” và “Cái mình”. Có thể có nhiều cách nói về hai thực thể này : “Tôi thật” (true self) và “Tôi giả” (false self), “Chân tâm”(real mind) và “Vọng tâm” (false mind).v.v… Và Trịnh đã thể hiện điều này khi viết ““Tôi đã dùng đủ mọi phương cách để tìm một chữ “mình” đã bị thất lạc, đã biến hình đổi dạng, trong muôn hình vạn trạng của cuộc đời. Có những ngày tháng tôi đã bỏ mình vào một cõi tịch lặng vô ngôn để thử nhìn lại rõ mình hơn.”
Hình ảnh của “tôi thật” giống như bầu trời trong không mây, mặt hồ không sóng. Bầu trời, hồ nước trong ấy là sự thuần khiết và chói sáng của tâm “vô nhiễm”, vô ưu”, và sâu nhất, nguyên vẹn nhất là “vô ngã”. Đó là“chân lý tuyệt đối” của đạo, rỗng không và vắng lặng.
Trong Đóa Hoa Vô Thường chúng ta cũng đã gặp cái “tôi thật” này qua hình ảnh của “Em”, một người con gái đẹp có “một bờ môi thơm”, “một hồn giấy mới” hay một “thuyền quyên” với “tấm lòng son” như trong Vườn Xưa .v.v.
Đừng phai nhé một tấm lòng son,
Thuyền nào đã chở mất thuyền quyên
Những ai khát khao “hồi đầu thị ngạn” (quay đầu là bờ) đều rất quen thuộc với câu hỏi “Tôi là ai?” trên con đường về lại với “bản lai diện mục”, cội nguồn tâm của chính mình, mà Trịnh gọi là “một cõi đi về” của Ông.
Tôi là ai mà còn khi giấu lệ?
Tôi là ai mà còn trần gian thế?
(Tôi ơi đừng tuyệt vọng)
Không phải chỉ cái “Tôi thật” hay “Chân tâm” là “em”, “Tôi giả” hay“Vọng tâm” đôi khi cũng được Trịnh gọi là “em” trong những bài hát của mình. Khi “em” là một bóng hồng thì bài hát đương nhiên là một “tình khúc” viết cho một người con gái nào đó đã làm rung động trái tim Ông.
Nhưng nếu “em” là những suy tưởng như Ông đã từng “tiết lộ” về thói quen như “nằm yên và theo dõi những suy tưởng của mình” thì những bài thuộc dạng này phải được gọi là những “khúc tự sự” hay “lời độc thoại” Trịnh ru cho “em” của chính mình. Bằng cách này, Ông có cách riêng để “che chắn” khi muốn bày tỏ nỗi niềm riêng một cách kín đáo. Em Hãy Ngủ Đi là một trong nhiều bài hát như thế.
Khi cảm nhận hơi thở đi ra đi vào trong thân, chuyển động một cách đều đều, êm ả như nhịp võng đong đưa mang tâm về yên tĩnh. Phải chăng sự quan sát thân nằm yên và lắng nghe suy tưởng của mình được Trịnh gọi là khúc hát ru? Trong thiền tập, phương pháp này còn được gọi là lấy “tâm bất biến” nhìn “tâm vạn biến” hay lấy “tĩnh tâm” nhìn “động tâm”, lấy “chánh niệm” nhìn “thân, thọ, tâm, pháp” v.v… Tôi Ru Em Ngủ là một ca khúc nói đến rất nhẹ nhàng chiều kích này.
Nghe nhạc Trịnh, chúng ta không lạ gì với “ngủ”.
Xin ngủ trong vòng nôi,
Xin ngủ dưới vòm cây
(Ru ta ngậm ngùi)
Tôi ru em ngủ Hạ cũng vừa sang
Em hôn lên tay mình để chua xót tình trần
(Tôi ru em ngủ)
Ţhôi ngủ đi em, mưɑ ru em ngủ
Tɑу em kết nụ, nuôi trọn một đời
(Ru mãi ngàn năm)
“Ngủ” ở đây là tần số chậm nhất của sóng Delta trong thiền sâu, không vọng tưởng và cũng là trạng thái của giấc ngủ sâu, không mộng mị. Chỉ khác nhau là có Cái Biết ở trong trạng thái thiền và không có Cái Biết trong trạng thái ngủ sâu.
2.
Rừng đã cháy và rừng đã héo
Em hãy ngủ đi
Rừng đã khô và rừng đã tàn
Em hãy ngủ đi
“Rừng một bên và em một bên” hay “Giấc ngủ giữa rừng” là tên của bức tranh có thể đặt cho đoạn mở đầu của Em Hãy Ngủ Đi. Một bức tranh có sự tương phản giữa hai màu sắc tĩnh động. Một bên là sự khép lại của rừng rậm hoang vu, một bên là sự mở ra của giấc ngủ yên bình.
Hãy nhìn lại rừng chưa cháy, chưa khô lúc Em chưa về ngủ, vẫn còn lạc lõng giữa rừng, sầu muộn, lạnh buốt với mưa bay trên lối về chìm khuất.
Rừng thu lá úa em vẫn chưa về
Rừng đông cuốn gió em đứng bơ vơ
Hay
Rừng thu thay lá mưa bay buồn rầu
Rừng đông buốt giá mưa bay dạt dào.
(Rừng xưa đã khép)
Giấc mơ đi ra khỏi rừng để quay về, quay lưng với rừng đời của “nhân loại đớn đau” là khát vọng suốt một đời của Trịnh, âm ỉ trong Ông về một lẽ sống “đầy cuộc vui” thay vì chỉ thấy “từng ngày hiu quạnh”.
Mùa xuân đã đến em hãy quay về
Rừng xưa đã khép em hãy ra đi
Cũng giống như trong Ru Ta Ngậm Ngùi, hình ảnh của rừng là biểu tượng cho thế gian. Thế gian như khu rừng. Có những con đường khổ vòng quanh, luẩn quẩn trong rừng, khiến ta mỏi mệt. Cũng có con đường vui thoát khỏi rừng, dẫn ta về lại với an lạc, ung dung.
Rậm rạp rừng là những rối rắm, rắc rối của con người ở chốn nhân gian. Người ta thường nói “Khi cánh cửa này đóng lại, cánh cửa khác sẽ mở ra”, khi cửa rừng náo động đóng chặt lại, cửa bình yên tĩnh lặng sẽ mở rộng ra.
Rừng có thể ở bên ngoài và rừng có thể ở bên trong. Hãy thử hình dung khu rừng cuộc đời kia với những cây rừng nhánh khô cành héo, lá úa mù lòa, mỗi ngày mỗi sum suê, chằng chịt. Đời người và người đời bị trói chặt trong rừng, khổ lụy chập chùng là chuyện đương nhiên. Nhân gian từ ngàn xưa đã lạnh và chắc chắn sẽ lạnh hơn đến ngàn sau như chúng ta chứng kiến những gì đang xảy ra trên hành tinh này, mỗi ngày một nóng lên.
Trên đời người trổ nhánh hoang vu
Trên ngày đi mọc cành lá mù
Những tim đời đập lời hoang phế
(Cỏ xót xa đưa)
“Nhắm mắt lại để nhìn thấy rõ hơn”, “ngủ” để thoát ra khỏi mộng “mù”, ngõ cụt “hoang vu” với “lời hoang phế”. Nếu nói theo cách nhìn Tứ diệu đế, bốn sự thật của nhà Phật, thì “rừng” chính là bóng tối vô minh đau khổ của “Khổ đế” như Trịnh đã nói rõ ở đoạn sau.
Đời mãi đêm và ngày mãi buồn
Cường điệu một chút thì “em hãy ngủ đi” là ánh sáng của “Đạo đế” và “Diệt đế”. “Ngủ mà thức”! Trái lại với thức khi còn trong rừng là “thức nhưng mê”.
3.
Ngủ đi em đôi môi lửa cháy
Ngủ đi em mi cong cỏ mượt
Ngủ đi em tay xanh ngà ngọc
Ngủ đi em tóc gió thôi bay
Cùng nhìn thêm một chút về chân dung người yêu “đến từ ngàn xưa” của Trịnh? Người yêu thánh thiện như thiên thần này ai cũng có, nhưng rất hiếm người biết được để yêu “đôi môi” có “miệng ngọt hạt từ tâm”(Ru tình) ấy.Trịnh là một trong những người quý hiếm nhận ra bên đời mình có khuôn mặt của người tình chung thủy ngàn năm này để Ông hát mãi những lời ca ru sống mãi với thời gian.
Môi em là đốm lửa, Cuộc đời đâu biết thế.
(Ru tình)
“Ngủ đi em đôi môi lửa cháy”? Lửa ở đây không còn nghĩa nóng bỏng của “rừng đã cháy” như ở đoạn một, mà là ánh sáng của một ngọn đuốc hồng, xóa tan bóng tối trên bước chân đi. Đôi môi luôn cháy rực như “đốm lửa hồng ngoài phố mùa Đông”, “đôi môi ngon” ngọt ngào “giữa trần gian” luôn có mặt để ủi an, để nương nhờ mỗi khi than thở (Ru đời đi nhé).
Ngọn lửa ấy cho ta điều gì? Vâng, cho rất nhiều. “Em đã cho tôi, cho tôi bầu trời, em đã cho tôi yêu thêm loài người” (Em đã cho tôi bầu trời) là điều tuyệt vời mà “đôi môi lửa cháy” này đã cho.
Đôi môi có lửa cháy nghe rất mạnh mẽ, dữ dội, chắc là muốn nói đến một trái tim, một tâm hồn sẵn sàng thiêu đốt những muộn phiền làm u ám cuộc sống của chúng ta. Cũng có thể là sự ấm áp của lòng từ bi có khả năng hóa giải ganh ghét, hận thù. “Tâm như đất, tâm như nước, tâm như gió, tâm như hư không” mà đôi khi Trịnh nói đến đều có gốc gác từ kinh Phật. “Tâm như gió” nghe giống như “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng Để gió cuốn đi”.
Khi rong chơi trong “khu rừng” của đời sống, “bờ môi thơm” thuần khiết này luôn canh cánh bên Ông .
Em là phấn thơm cho rừng chút hương
(Cho đời chút ơn)
Đôi khi những rung cảm yêu thương với cung bậc của kiếp người làm “mệt lả cơn đau”, “lận đận héo khô” (Ru em) nhưng Ông lúc nào cũng tự nhắc mình nhớ chuyện “Làm hồng chút môi cho em nhờ”, đừng để hương thơm của “môi thiên đường” (Cho đời chút ơn) phai nhạt.
4.
Ngủ đi em đôi môi lửa cháy
Ngủ đi em mi cong cỏ mượt
Ngủ đi em tay xanh ngà ngọc
Ngủ đi em tóc gió thôi bay
Ngoài “đôi môi lửa cháy” nồng nàn, người đẹp trông thật bình yên bên giấc ngủ trong veo, không mộng: hai bờ “mi cong” trên thảm “cỏ mượt”, đôi tay dài cùng những ngón “tay xanh ngà ngọc”. Chân dung này mỗi lúc đậm đà thêm với “đôi vai” cùng tà áo “lụa mát” bao bọc lớp “da thơm” như mùi hoa “quả ngọt” ngào mà ta sẽ ngắm thêm ở đoạn tiếp theo.
Ngủ đi em đôi vai lụa mát
Ngủ đi em da thơm quả ngọt
“Tay xanh ngà ngọc” ? Có phải là ý của “Màu biếc xanh của viên ngọc tâm nằm giữa hoa sen” ? Nghe hao hao như câu chú “Om mani padme hum” (ngọc sáng giữa hoa sen)?
Mở cửa tâm “xanh ngà ngọc” để thấy được bình minh hạnh phúc lóe lên thật lung linh kỳ diệu. Mở xòe được “bàn tay” chưa bị che khuất bởi “nỗi buồn” để ánh sáng này tỏa chiếu hướng đạo cuộc đời ta.
Em mướt xanh như ngọc mà tôi có đâu ngờ
Em líu lo bên đời, dạy tôi biết xa gần
(Hoa xuân ca)
Và có lẽ “tóc gió thôi bay” là ý hay nhất của đoạn này. Gió ngừng thổi, tóc lặng yên. Xin mở rộng bằng hình ảnh “tám ngọn gió đời” (worldly winds) trong Phật giáo: cái được cái mất, lời khen tiếng chê, danh thơm tiếng xấu, niềm vui sướng nỗi khổ đau. Những ngọn gió này thổi qua thổi lại quanh cuộc đời của mỗi con người làm “tóc bay tóc rối” trên con đường “vòng quanh tiều tụy”.
Còn an lạc nào hơn khi “tóc đã thôi bay”! Còn bình yên nào hơn khi “em ơi hãy ngủ”!
5.
Đồi đứng ngóng và đồi thắp nắng
Em hãy ngủ đi
Hãy nhìn những ngọn đồi của Trịnh thuở tìm “Mình hạc xương mai” và gặp được tình yêu “sen hồng một nụ”.
Mùa xuân yêu em đồi núi thênh thang
Hồ nước long lanh ngàn cánh vàng
(Người về bỗng nhớ)
Tình yêu đó đậm nhạt trên bước chân chạy theo “bóng con người” về phía nhân gian tràn mơ đầy mộng. Giữa hoang vu của “đời sống buồn tênh” càng da diết thương mối tình một thời ngây ngất với “đồi núi thênh thang” và mỗi khi nhớ đến, thấy “đồi núi reo ca” vẫn rộn ràng đứng đấy “ngóng” mình trở về.
Nhìn ra quanh đây đồi núi reo ca
Chờ nắng lên thưa rồi hãy về
(Người về bỗng nhớ)
“Đồi đứng ngóng” để mong mình về “ngủ”? “Đồi thắp sáng” vì sợ mình lại “thức” giữa bóng đêm? Phải chăng ánh nắng chiếu sáng ngọn đồi là ánh sáng của “mặt trời nào soi sáng tim tôi” (Cát bụi)?
Đồi tượng trưng cho điều gì? Đồi là những nơi cao phải đi qua trước khi đến núi cao hơn, nơi ngày xưa đã “chở lời kinh” về gởi đó. Hãy nhìn sự tương phản của đồi cao và vực sâu, hai hướng ngược nhau của Đời và Đạo. Một bên mong về, một bên réo gọi ra đi. Giữa hai tiếng gọi ấy là bước chân ngập ngừng của Trịnh.
Người đi một mình, đồi dốc nghiêng xuống
Người đi một mình, vực sâu gọi tên
Còn đây bão lên, còn đây dấu chân
(Người đi hành hương)
Một bên còn dấu chân của những con người thoát tục đã qua được bờ kia, một bên là giông bão mịt mùng của những ai còn vướng lụy bên bờ này. Giấc mơ hành hương về đồi, về núi vẫn âm thầm rung không nghỉ như “Tiếng động nào gõ nhịp khôn nguôi” đã từng tỏ bày kín đáo trong Cát Bụi.
Dù buồn, dù mệt với “vực sâu đá lăn” nhưng giấc mơ trở về quê cũ, được ru mình trong giấc ngủ ngon, bỏ lại sau lưng những viễn vông, vu vơ của đời sống, vẫn không ngừng vang vọng.
Người đi hành hương về đồi núi xa…
Người đi hành hương sợi buồn vấn quanh …
Người đi hành hương hằn sâu vết nhăn…
(Người đi hành hương)
Nhớ “đồi đứng ngóng”, yêu “đồi thắp sáng” và ru thì ru vậy nhưng “ngủ” được chút rồi lại “khăn gói đi xa” (Bên đời hiu quạnh).
6.
Mặt đất im mặt trời cúi nhìn
Em hãy ngủ đi
Khi nói đến Tâm, ta thường gặp nhiều ví dụ :Tâm như chiếc gương, Tâm như bức tường, Tâm như hồ nước. Giờ đây là Tâm như mặt đất, mặt trời.
Khi vắng những lao xao của bóng ảnh thì gương sẽ trong, tường sẽ “trắng lặng câm” (Ru ta ngậm ngùi), hồ nước sẽ “long lanh” và mặt đất trở nên “im” lắng.
Nghe Trịnh, ai cũng thấy thiên nhiên và sự vật lung linh sống động. Nắng gió mưa mây giữa trời xanh nước biếc, cỏ cây hoa lá trên đá lặng đất yên đều lấp lánh những mảnh tâm tình thật đáng yêu.
Ngoài sao trong vậy, Trong sao ngoài vậy là cách nhìn của một thiền gia, một đạo nhân khi cảm được tính Nhất Thể của đời sống, của vạn vật.
“Mặt đất im, mặt trời cúi nhìn”? Mặt đất và mặt trời, hai mặt đất trời trên dưới này hiện diện cả bên ngoài lẫn bên trong. Đất là biểu thị cho bản tánh của tâm. Đất có những đặc tính: không phân biệt, dung chứa và chuyển hoá. Không phân biệt và dung chứa nghĩa là ai bỏ vào đất vật gì đất cũng tiếp nhận. Chuyển hoá nghĩa là ta bỏ vào đất vật xấu như thế nào đất cũng chuyển thành phân bón cho cây cối xanh tươi. Mặt trời tượng trưng cho Cái Biết, còn gọi là Tánh Giác hay Chánh Niệm. Đây là “Con mắt còn lại” mà Bùi Giáng và Trịnh Công Sơn đã nói theo cách riêng của mình về Cái Biết này.
Con mắt còn lại nhìn đời là không
Nhìn em hư vô nhìn em bóng nắng
Con mắt còn lại nhẹ nhàng từ tâm.
Nhìn em ra đi lòng em xa vắng.
Tâm thức có thể “im”, có thể “câm”, chỉ có cái biết thuần khiết, không có suy nghĩ được không? Vâng, có thể. Đây là trạng thái “Tâm bình” và kết quả là “Thế giới bình” hay “Bình thường tâm thị đạo”. Cuộc đời sẽ đẹp hơn khi tâm ta đã đẹp.
“Em ngủ” là đất ngủ, ngủ mà không ngủ vì có mặt trời luôn luôn thức, tỏa sáng “cúi nhìn” tĩnh lặng, bình yên. “Mặt đất im” cũng mang ý nghĩa như “Tóc gió thôi bay” vậy.
7.
Đời đã khép và ngày đã tắt
Em hãy ngủ đi
Đời mãi đêm và ngày mãi buồn
Em hãy ngủ đi.
Đời đã khép nghĩa là Đạo đã mở? Ngày đã tắt nghĩa là thời gian không còn? Để được “ngủ yên” có cần phải nhắm mắt hay không? Ngủ mà thức tỉnh ý nghĩa như thế nào? Đời có tối có sáng, có buồn có vui. Vậy có bi quan yếm thế lắm không khi nói “đời mãi đêm và ngày mãi buồn” ?
Khi đi vào chiều kích của Đạo, của Thiền, chúng ta sẽ gặp và “khó chịu” với những cách nói khó hiểu, lạ ngược, đôi khi nghe “sốc’ vì sự nghịch lý của ngôn từ: Khép là mở, Mở mà khép, Nhắm mắt để thấy rõ hơn, Tắt mà sáng, Tâm đầy là tâm rỗng tuếch, Tâm rỗng không là tâm trọn vẹn, tràn đầy v.v… Ca khúc Em Hãy Ngủ Đi là một trong những bài hát thuộc dạng này của Trịnh.
Khi mặt trăng, mặt trời không bị “bịt mắt” bởi mây che, khi tấm gương không còn “chập chờn” với bóng ảnh, khi biển không còn “buồn bã” bởi sóng xô, khi con đường không còn “thở than” vì quá nhiều xe cộ v.v.. chính là khi “mặt đất im” không còn bị ảnh hưởng bởi những gì có mặt trên nó, như chúng ta đã gặp trong đoạn nhạc trước. Cũng vậy, khi tâm không còn những lao xao với “những hẹn hò” chính là “đời đã khép”.
Khép là khép cửa! Đóng là đóng cổng! Nhà Phật có nói nhiều đến lục môn (sáu cửa), lục trần (sáu cảnh) và lục thức (sáu ý thức khi “lục môn” tiếp nhận ”lục trần”), cũng là một gợi ý để chúng ta hiểu thêm ý “đời đã khép” ở đây.
Trịnh là một người đã sống và kinh nghiệm được “phút giây hiện tại” của “hiện sinh”, nhất là thiền Phật giáo. Khi đi vào được “phút giây hiện tại” (present moment) là thoát ra được thế giới thời gian quy ước của quá khứ tương lai, để thể nhập vào cảnh giới “phi thời gian” (timeless), là bước vào hướng “thiên đường không có tháng ngày trôi” như Ông đã từng nói. Chiều sâu này quả là tuyệt diệu chỉ với ba chữ “ngày đã tắt”.
8.
Ngủ đi em đôi vai lụa mát
Ngủ đi em da thơm quả ngọt
Ngủ đi em tay thôi mời mọc
Ngủ đi em trong tiếng ru êm
Đời mở ra, tay đưa ra, mời mọc. Đời khép lại, tay thu lại, khép theo.
Đời có gì hay mà không ngừng mời mọc tay ta? “Có chén rượu chờ trong quán đêm đêm” (Bay đi thầm lặng) ? Có “mùi hương phấn người” (Chiếc là thu phai)? Có “những má môi xinh”(Bay đi thầm lặng)?
Chuyện gì xảy ra khi “tay mời mọc”? Ta nhớ cuộc đời và cuộc đời nhớ ta, gặp nhau để thỏa lòng nhung nhớ nhưng sau phút chia tay chỉ là sầu muộn, chán ngán, thở than.
Chiều qua bao nhiêu lần môi cười
Cho mình còn nhớ nhau
Chiều qua bao nhiêu lần tay mời
Nghe buồn ghé môi sầu
(Chiều một mình qua phố)
Vẫn biết giấc ngủ bình yên chỉ có được khi trở về bên núi nhưng “Từ vực sâu nghe lời mời đã dậy” (Cát bụi) hay “Tiếng tù và hối thúc trong tim” (Bay đi thầm lặng) cứ văng vẳng réo gọi cuộc chơi, và kết quả là cay, là đắng. Bàn tay mở ra để chào đón tiếng cười của “Từng ngày qua mỏi ngóng tin vui” (Cát bụi) và rồi khi tiếng cười tan thì chỉ còn “Nỗi buồn xin lỗi bàn tay” ở lại. Mở cửa để đi “phiêu linh”, để “rong chơi” rồi bâng khuâng, chìm khuất.
Từ đó lên đường phiêu linh …
Từ đó tôi thề sẽ rong chơi …
Từ đó sớm chiều bâng khuâng …
Từ đó tôi chìm giữa mênh mông …
(Chỉ có ta trong một đời)
Trên bước chân lạc loài “tựa bé không nhà”, trên “đường chạy vòng quanh một vòng tiều tụy” ấy, lòng hướng về núi đồi quê hương vẫn khắc khoải không nguôi tiếng gọi quay về. Đá ngàn năm đứng đợi mà sao sỏi cứ tách ra “làm đá cuội lăn theo gót hài”, không về nằm yên bên đá?
Ngày mai em đi đồi núi nghiêng nghiêng đợi chờ
sỏi đá trông em từng giờ nghe buồn nhịp chân bơ vơ
(Biển nhớ)
Phải chăng khi hiểu được đâu là giá trị ảo, đâu là giá trị thực của kiếp người thì “Ngủ đi em tay thôi mời mọc, ngủ đi em bên tiếng ru êm” là một trong những chọn lựa hay?
9.
Người đã đến và người đã vắng
Em hãy ngủ đi
Ngoài phố kia loài người đã về
Em hãy ngủ đi
Người là ai? Người là chính ta hay người khác có liên hệ với ta? Phải chăng “người” chỉ là bóng của những “cái tôi” cộng lại, hiện lên trên những dòng suy tư, ký ức với cảm xúc yêu ghét đi kèm, giống như những vai diễn tạm thời trên sân khấu? “Cái tôi” là giả nhưng chúng ta tưởng thật nên vương vấn, quyến luyến cùng phiền muộn kéo theo.Trịnh đã nhiều lần muốn ngủ ngon và đã ngủ ngon được, nhờ hiểu thực chất của những bóng ảo này.
Ru từng chiếc bóng lênh đênh vào giấc ngủ ngon
(Ru đời đi nhé)
Dầu là ta hay là ai đi nữa thì cũng chỉ là “hạt bụi” trong bào thai “vươn hình hài lớn dậy”. Mang một cái tên, khoác những vai tuồng theo tuổi đời như con cái, anh chị em, vợ chồng, cha mẹ, bạn bè v.v… và rồi cũng kết thúc sự hiện diện của mình như “vết mực nào xóa bỏ không hay” mà thôi.
Đã là bóng ảo thì phải vô thường thay đổi, đến rồi đi, có rồi mất, hiện rồi biến, ngoài tầm kiểm soát của ta. Công việc của ta có thể làm đối với “bóng con người” này là quan sát sự nổi trôi, có đó mất đó như “mặt trời cúi nhìn” những gì đang nhảy múa trên “mặt đất im”. Không đưa tay đón chào, mời mọc cũng không hất hủi, đuổi xô.
Nghe Trịnh, chúng ta gặp rất nhiều những thao thức muốn được ngủ yên, song song với những tiếng cười vui hợt hời ngoài phố.
Nhiều khi đã vui cười
Nhiều khi đứng riêng ngoài
Nhiều đêm muốn đi về con phố xa
Nhiều đêm muốn quay về ngồi yên dưới mái nhà.
(Lời thiên thu gọi)
“Người đã đến và người đã vắng” là trí tuệ hiểu biết rất sâu về quy luật vô thường và giả tạm của thế gian. Không nhận thức được điều này thì hạnh phúc, bình an thật sự là điều không thể.
Muốn những niềm vui mãi mãi ở lại, muốn những nỗi buồn nhanh chóng qua đi là khao khát của tất cả chúng ta nhưng làm sao có thể như thế được. Muốn được ngủ yên, thoát khỏi vui buồn là phải quay lại với cội nguồn tâm như đất nằm yên bên dưới, là chuyển động trở về với số không (back to zero).
Hãy cùng suy gẫm về những lời minh triết Trịnh viết về “số không” này:
“Hãy biến mình vào hư vô, vào hư vô của chính mình, vào hư vô của sự vật, vì trong hư không đó mình sẽ tìm thấy được mình và sự vật ở vẻ nguyên vẹn của nó.”
“Có những cánh cửa mở vào hư vô và cũng có những cánh cửa mở ra những cảnh đời nhộn nhịp. Ta không khước từ hư vô và cũng không xa lìa cảnh nhộn nhịp của đời.”
“Cánh cửa vào hư vô” như cái nền, như gương trong, như bầu trời bất động. “Cánh cửa mở ra những cảnh đời nhộn nhịp” biến động vô thường nhưng nếu được nhìn với con mắt từ hư vô thì sẽ cảm nhận thế nào là “Ta đã may mắn đi qua những tuyến đường đưa đến hạnh ngộ. Hạnh ngộ trong tình bạn, hạnh ngộ trong tình yêu.”
Tuy chỉ là cát bụi nhưng sẽ là “cát bụi tuyệt vời” khi có “mặt trời soi sáng”. Nếu không thì chỉ là “cát bụi mệt nhoài”, chẳng bao giờ biết được thế nào là sự tĩnh lặng của “em hãy ngủ đi”.
10.
Người đã đến và người đã vắng
Em hãy ngủ đi
Ngoài phố kia loài người đã về
Em hãy ngủ đi
“Người đã đến” nhưng “tay thôi mời mọc” nên “người” đành đứng im lìm bên ngoài vì “em” đang bận “ngủ”, không ai thức để tiếp đón. Cuối cùng là “người đã vắng” và “người đã về” lại “ngoài phố kia”.
Hai tiếng “loài người” ở đây cho ta cảm giác rằng loài này rất đáng sợ? “Em” cũng là loài người tại sao lại sợ đồng loại đến vậy? Đây cũng là một câu nói thật sâu về Đạo của Trịnh, liên quan đến Ngã và Vô Ngã.
Khi tâm thức đạt đến mức độ không còn những suy tưởng được Thiền gọi là trạng thái “vô niệm” (no-thoughts), “vô tâm” (no-mind). Trạng thái này đã từng được Trịnh gọi là “cõi tịch lặng vô ngôn” hay im lắng không lời (wordless silence):
“Tôi đã dùng đủ mọi phương cách để tìm một chữ “mình” đã bị thất lạc, đã biến hình đổi dạng, trong muôn hình vạn trạng của cuộc đời. Có những ngày tháng tôi đã bỏ mình vào một cõi tịch lặng vô ngôn để thử nhìn lại rõ mình hơn….”
“Chữ mình bị thất lạc” đó là sự trống rỗng, không còn cái tôi của bản ngã được biểu hiện qua những suy tư. Khi đi vào được cội nguồn chân tâm, “sự nguyên vẹn” Vô Ngã, Vô Tướng của Tâm sẽ trở lại với thuở ban đầu “hồn nhiên”, “một bờ môi thơm, một hồn giấy mới” của nó, không còn bị che lấp của ngôn ngữ “muôn hình vạn trạng” như “loài người”.
Như vậy khi “em ngủ” thì em và “loài người” hoàn toàn xa lạ với nhau!
Để kết thúc bài tản mạn về ca từ và ý đạo trong Em Hãy Ngủ Đi, xin được trích thêm hai câu kinh Phật để chúng ta hiểu thêm được ảnh hưởng của những lời kinh như thế nào trên con đường nghệ thuật của Trịnh.
“Rừng đã cháy và rừng đã héo” ngay từ đầu bài có thể là hình ảnh “rừng” trong câu Pháp cú sau đây.
Đốn rừng không đốn cây
Từ rừng, sinh sợ hãi
Đốn rừng rậm ái dục
Tỷ kheo, hãy tịch tịnh.
(Pháp cú 283)
Khi “em hãy ngủ đi” hoàn toàn là lúc Tâm đã hoàn toàn vắng bặt những tạp nhạp của nhiễm ô. Đó là tâm đã thấp thoáng thấy được bờ kia, vắng lặng an nhiên, không nhộn nhịp như bờ này, lao xao khuấy động. Cuộc đời này có bao nhiêu người thực sự muốn “ngủ” và biết cách tìm về giấc ngủ?
Ít người giữa nhân loại,
Đến được bờ bên kia
Còn số người còn lại,
Xuôi ngược chạy bờ này.
(Pháp cú 85)
Một lần nữa, hãy nhìn nụ cười của Trịnh tươi nở giữa bờ này, bờ kia.
“Có biết bao nhiêu kẻ đã bị dìm chết giữa giòng để mãi mãi không đến được bờ bên kia. Kẻ đã đến được bờ bên kia rồi, khi quay nhìn lại sẽ thấy rất rõ, sẽ nhận thức được mọi thất vọng, khổ đau đã qua đều là giả tạo, phù phiếm. Và bỗng nhiên một nụ cười thanh thản bỗng nở ra. Một khi đã qua được bờ bên kia rồi tất cả sẽ thấy lòng mình tràn ngập một nỗi hân hoan lạ thường và từ đó cái nguồn cội của khổ đau không còn lừa gạt ta được nữa.”
RU TA NGẬM NGÙI
1.
Môi nào hãy còn thơm, cho ta phơi cuộc tình
Tóc nào hãy còn xanh, cho ta chút hồn nhiên
Tim nào có bình yên, ta rêu rao đời mình
Xin người hãy gọi tên.
Thời gian trôi, cuộc đời trôi ! Quá khứ đi qua, ký ức một thời nhạt dần theo năm tháng, để lại hôm nay nuối tiếc, ngậm ngùi. Đối với Trịnh, mơ ước làm mây bay, làm chim bay về trời lúc nào cũng sôi nóng trong trái tim Ông. “Lực bất tòng tâm”, “cuồng phong cánh mỏi” rồi, giờ chỉ còn biết “ru” thôi, chỉ ngồi đong đưa bên võng buồn “ầu ơ ví dầu” cho cuộc đời mình, cho tình yêu mình.
Cũng giống như Cung Tiến với hoài niệm cũ vẫn còn đó “những đêm dài hồn vẫn mơ hoài một kiếp xa xôi”.
Người ơi, môt chiều nắng tơ vàng hiền hòa hồn có mơ xa
Ngươi ơi, đường xa lắm con đường về làng dìu mấy thuyền đò.
Còn đó tiếng tre êm ru, Còn đó bóng đa hẹn hò,
Còn đó những đêm sao mờ hồn ta mênh mông nghe sáo vi vu
(Hương xưa)
Với Trịnh, thay vì “còn đâu nữa” hay “còn đó” thì Ông hay hỏi “tuổi nào” khi hồi tưởng lại thời thấy được “trời hư vô” của Đạo như trời đất bao la.
Tuổi nào ngồi hát mây bay ngang trời
Tuổi nào ghi dấu chân chim qua trời
Tuổi nào mơ kết mây trong sương mù
(Còn tuổi nào cho em)
Trong Ru Ta Ngậm Ngùi, chúng ta gặp lại “môi thơm” như đã từng gặp trong nhiểu câu hát quen thuộc: “một bờ môi thơm” (Đóa hoa vô thường), “tuổi mười sáu môi hôn lần đầu” (Môi hồng đào), “đôi môi em là đốm lửa hồng” (Ru đời đi nhé). “Bờ môi” ấy có còn tươi thơm màu cũ để ta “phơi cuộc tình” (cuộc sống và tình yêu) ta trên ấy?
Câu tiếp của đoạn nhạc này “Tóc nào hãy còn xanh Cho ta chút hồn nhiên” làm chúng ta nhớ đến “em hồn nhiên rồi em sẽ bình minh” (Tôi ơi đừng tuyệt vọng). Hồn nhiên mà màu xanh tươi mát của Đạo cho ta ngày nào có còn tròn vẹn như xưa hay đã nhạt màu như tóc?
Tóc người như dòng sông xưa ấy đã phai
đã lênh đênh biển khơi
(Có một dòng sông đã qua đời)
Tóc xanh đen vầng trán thơ
(Dấu chân địa đàng)
Mùi thơm của môi, màu xanh của tóc là mùi vị, là màu sắc bình yên của trái tim. Niềm an bình rất “tĩnh” ấy so với “rêu rao đời mình” quá “động”. Bên nào giá trị hơn, bên nào xứng đáng hơn? Câu hỏi ấy mãi mãi là niềm trăn trở suốt sáu mươi năm hiện diện cùng cuộc đời này, cùng chúng ta đây.
“Xin người hãy gọi tên”? Người là ai? Lại gặp Người như trong Phôi Pha. Có phải là “môi thơm”, “tóc xanh” cùng “tim bình yên” nằm tĩnh lặng trong chính mình? Biết Người là cội nguồn của hồn nhiên nhưng ta vẫn xa rời gốc rễ. “Ta rêu rao đời mình” theo sóng lênh đênh, không phơi tình ta trong nắng ấm của Người mà lại phơi ngoài nắng lạnh của nhân gian.
Nhớ đời, thương đời nhưng lúc nào cũng muốn quay về nguồn cội là tâm sự sâu kín của Trịnh. Có phải nỗi trăn trở hai hướng này đã tạo nên một phong thái, một tài năng xuất chúng ở nơi Ông?
2.
Khi tình đã vội quên, tim lăn trên đường mòn
Trên giọt máu cuồng điên, con chim đứng lặng câm
“Khi tình đã vội quên, tim lăn trên đường mòn”? Nhớ cũng nhiều nhưng quên cũng rất nhanh! “Môi thơm” chỉ có một bờ, rất thơm nhưng màu thơm ấy đôi khi bị lấn lướt, bị lãng quên bởi màu hồng của “má môi xinh” ngọt ngào đa hương, đa vị.
Tóc xanh và môi thơm như sen hồng một thuở của chú “mục đồng” mang trái tim bình yên trên lối về quê cũ. Tình trong veo như nhật nguyệt ấy đã nhiều lần mờ nhạt bởi tình nồng làm bâng khuâng dấu “ngựa hồng” trên bước phiêu linh.
Đời vẽ tôi tên mục đồng,
Rồi vẽ thêm con ngựa hồng,
Từ đó lên đường phiêu linh …
Từ đó tôi thề sẽ rong chơi …
(Chỉ có ta trong một đời)
Rồi trên bước rong chơi ấy,
Tôi như người bỗng lênh đênh giữa đời…
Bâng khuâng vì những đôi môi rất hồng
(Ở trọ)
“Tim lăn trên đường mòn” có giống như “hòn đá lăn trên đồi” trong Ngẫu Nhiên? Tại sao con đường hòn đá đang lăn là con đường mòn? Mòn vì có quá nhiều người đi trên con đường đó? Con đường đông vui náo nhiệt “Kìa còn biết bao người dìu dặt tới quanh đây” (Ngẫu nhiên)? Con đường quen thuộc của “Tôi xin làm đá cuội và lăn theo gót hài” (Biết đâu nguồn cội)? Đá cứ lăn và đời cứ vui, cứ buồn như một vòng xoay, vòng xoáy.
Hòn đá lăn trên đồi
Hòn đá rớt xuống cành mai
Rụng cánh hoa mai vàng
Chim chóc hót tiếng qua đời
(Ngẫu nhiên)
Và cũng “trên đường mòn” loanh quanh ấy, nụ cười và giọt lệ, giọt máu hòa lẫn trong nhau.
“Trên giọt máu cuồng điên, con chim đứng lặng câm”? Dù không hót tiếng qua đời giữa giọt máu cuồng điên, “cuồng điên yêu thương cuồng điên nỗi nhớ” (Còn hai con mắt) thì con chim cũng đứng lặng câm không tiếng hót.
3.
Khi về trong mùa đông
Tay rong rêu muộn màng.
Thôi chờ những rạng đông.
Mùa đông, mùa cuối của một chu kỳ 12 tháng, giai đoạn hoàng hôn của một đời người, chuẩn bị “khép lại hẹn hò” một kiếp rong chơi, thấm đẫm khóc cười cùng cơn mơ hò hẹn. Lời hứa “về trong mùa Đông” là tâm nguyện của Trịnh đã được bày trải nhiều lần như “nở hết trong hoàng hôn” trong Đóa Hoa Vô Thường.
Ước mơ này cũng bình thường không lạ nếu chỉ nhìn thoáng qua. Có giống như “điền viên vui tuế nguyệt” sau khi xong nợ “thân thế hẹn tang bồng” của Nguyễn Công Trứ không? Có giống “Một mai một cuốc một cần câu, thơ thẩn dầu ai vui thú nào” của Nguyễn Bỉnh Khiêm hay không?
Dù đá có lăn về “muộn màng” cùng với “rong rêu” bám nhiều trên “đường mòn” ba mùa Xuân Thu Hạ , Ông vẫn ôm ấp “tìm đến chiếc ghế nghỉ ngơi” (Ngẫu nhiên) sau một thời phiêu du “cuồng phong cánh mỏi” (Chiếc lá thu phai) khi mùa Đông về. Bây giờ tại sao chưa về? Hãy nghe lý do.
Vì em đã mang lời khấn nhỏ
Bỏ tôi đứng bên đời kia
(Đêm thấy ta là thác đổ)
Trong truyền thống Phật giáo, những người phát tâm đại bi, muốn cứu độ chúng sinh thường có lời khấn lớn, “đại nguyện”. “Lời khấn nhỏ” chính là cách nói rất riêng của Trịnh thay cho “tiểu nguyện”. Lời nguyện nhỏ của một “cánh chim cô đơn” bay về phía nhân gian khổ đau để hót lên những cung điệu yêu thương của riêng nó. Còn “tôi là ai” hãy “đứng bên đời” đó đợi đi, ngày sau sẽ về gặp lại.
Mùa Đông về “đợi gió vô thường lên” để kết thúc những ngày cuối cùng? Không! Về để “chờ những rạng đông”, chờ thấy được ánh sáng đầu tiên của bình minh nở trên đóa hoa sen trong tâm của chính mình mà một thời Ông từng đã biết, từng đã nếm.
4.
Xin chờ những rạng đông
Đời sao im vắng
Như đồng lúa gặt xong
Như rừng núi bỏ hoang
Người về soi bóng mình.
Giữa tường trắng lặng câm.
Cuối đoạn hai có câu “Thôi chờ những rạng đông”. “Thôi chờ” nghĩa là “đừng chờ nữa”, không hy vọng gì đâu, cũng là một cách hiểu. Nhưng có lẽ “Thôi, chờ những rạng đông” thì hợp lý hơn, nghĩa giống như “Thôi, đừng băn khoăn nghĩ ngợi nữa, hãy về đi, mở lòng ra chào đón ánh sáng của hạnh phúc đang đến”. Ý này rõ hơn khi cùng đi với “xin chờ những rạng đông” ở đầu đoạn ba này.
Trong bài này, xin được dẫn hai câu kinh Phật để mở rộng thêm ý của “rạng đông”.
“Này các Thầy, như cái đi trước và điềm tướng báo trước mặt trời mọc, tức là rạng đông; cũng vậy, này các Thầy, cái đi trước và điềm tướng báo trước Thánh đạo sanh khởi chính là đầy đủ tác ý hướng về cội nguồn tâm”.
(Tương ưng Bộ Kinh V)
Như vậy, nếu đúng như ý của Trịnh thì ta thấy “Chờ những rạng đông” chính là hoài bảo của ẩn sĩ, đạo sĩ, thiền gia! Một lần nữa, ta hãy nhớ lại thêm những suy niệm về con đường tâm linh mà Ông luôn khát khao tìm kiếm.
Tôi đã dùng đủ mọi phương cách để tìm một chữ “mình” đã bị thất lạc, đã biến hình đổi dạng, trong muôn hình vạn trạng của cuộc đời. Có những ngày tháng tôi đã bỏ mình vào một cõi tịch lặng vô ngôn để thử nhìn lại rõ mình hơn, nhưng vô vọng. (Tìm và gặp)
Hay
Hãy biến mình vào hư vô, vào hư vô của chính mình, vào hư vô của sự vật, vì trong hư không đó mình sẽ tìm thấy được mình và sự vật ở vẻ nguyên vẹn của nó.
(Từ Khi Trăng Là Nguyệt).
“Cõi tịch lặng vô ngôn” hay ”hư vô của chính mình” là tâm thức yên tĩnh, trống rỗng của thiền định, không có suy nghĩ, không chữ, không lời, không vọng tưởng. Nghe thêm một lời của Phật.
“Thế nào là một ẩn sĩ tịch tịnh? Khi vọng tưởng không chuyển động, vị ấy được gọi là một ẩn sĩ tịch tịnh”
(Trung Bộ Kinh 140-Kinh Giới phân biệt).
“Vọng tưởng không chuyển động” là cách biểu đạt thuần lý của kinh điển và hình ảnh “đồng lúa gặt xong”, “rừng núi bỏ hoang” đã được Trịnh dùng để nói thay cho những thuật ngữ trực tiếp, cô đọng này.
“Đời sao im vắng” như đồng lúa không còn rộn ràng sau mùa gặt, như cánh rừng yên, gió ngừng cây lặng. “Im vắng” đó chính là sự yên lặng khi trong tâm không có “bóng con người” mà mỗi đêm về Ông thường tự ru mình bằng cách “Ngủ đi em”
Rừng đã cháy và rừng đã héo
Rừng đã khô và rừng đã tàn
(Em hãy ngủ đi)
Phải chăng “em hãy ngủ đi” là hình ảnh ẩn dụ của một tâm thức “tịch lặng vô ngôn” như Ông đã nói?
5.
Đời sao im vắng
Như đồng lúa gặt xong
Như rừng núi bỏ hoang
Người về soi bóng mình
Giưa tường trắng lặng câm
Đoạn ba của Ru Ta Ngậm Ngùi là một đoạn thật khó bình, xin được nói thêm.
“Đời sao im vắng”,”bỏ hoang”,”lặng câm”dễ gây cho ta cảm giác nặng tối, nhưng ý nghĩa thì có thể nói là ngược lại. Đây chính là một đoạn nói lên sự trầm lắng của chiều tâm thức đang vượt lên, thoát khỏi hệ lụy thường tình của thế gian.
“Thế gian như khu rừng rậm” hay “Thế gian như ngôi nhà lửa” là những ví dụ quen thuộc trong kinh Phật. Lửa của tham, sân, si. Rừng của ái dục, sân hận, vô minh. Niết Bàn có nghĩa là “dập tắt lửa” hay “thoát khỏi rừng”. “Rừng đã cháy và rừng đã héo Rừng đã khô và rừng đã tàn” hay “Đời đã khép và ngày đã tắt” là những câu hát tuyệt hay về hình ảnh này. (Sẽ bàn đến trong Em Hãy Ngủ Đi).
Rừng tượng trưng cho nơi có mặt của “cám dỗ”, muốn thấy “thiên đường” thì cách duy nhất là thoát ra khỏi cảnh “rừng thu lá úa”,”rừng đông gió cuốn”(Rừng xưa đã khép) như Trịnh từng diễn tả.
“Rừng thu thay lá mưa bay buồn rầu Rừng đông buốt giá mưa bay dạt dào” (Rừng xưa đã khép) là bản chất vô thường của đời sống, thường đem lại những đau khổ, muộn phiền. Đó là “đường trần đâu có gì” (Phôi pha) khi chỉ toàn mộng ảo, phù du.
“Người về soi bóng mình”? Khi đứng trước tấm gương là chúng ta soi bóng mình trong gương, bóng là giả, chỉ là sự phản chiếu không thật, thay đổi, biến dạng. “Bóng mình” ở đây là những suy tưởng hiện ra trong tâm thức. “Soi” là quan sát những suy tưởng đó.
“Bóng” cũng được Trịnh dùng nhiều như “Ru từng chiếc bóng, lênh đênh vào giấc ngủ ngon” (Ru đời đi nhé) hay “Cây trưa thu bóng dài và tôi thu bóng tôi” (Biết đâu nguồn cội).
Trong bài thơ thiền nổi tiếng của Thần Tú, có câu “Tâm như minh cảnh đài” (Tâm như đài gương sáng) nói về sự quan sát nội tâm mà những người như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã sống và chiêm nghiệm đời sống theo cách này.
“Giữa tường trắng lặng câm”? Thay vì tấm gương, hình ảnh “bức tường” cũng là một cách nói khác của tâm thức. “Cửu niên diện bích” (chín năm đối diện bức tường tâm) cũng là một sự tích của một thiền sư trước khi giác ngộ.
Sáng là bản chất của gương, Trắng là bản chất của tường. “Lặng” (tĩnh lặng) và “câm” (không lời) cũng là thực chất của tâm. Trên nền sáng trắng và yên tĩnh ấy là những suy nghĩ, cảm xúc, cảm giác của chúng ta biến hiện như bóng ảnh, hết tụ rồi tan như mây, hết đến rồi đi như khói.
Khi bóng giả rộn ràng này càng ngày càng ít dần thì tâm trở nên im vắng, bình lặng, đơn sơ ví như “đồng lúa gặt xong” hay “rừng núi bỏ hoang” mà trong đoạn nhạc này ta đã gặp. Đồng lúa chưa được “gặt xong” thì nhộn nhịp tiếng reo tiếng hò của những gánh lúa rung rinh trong hội mùa. Rừng nếu không được “bỏ hoang” thì sẽ đâm chồi nẩy lộc, nảy nở sinh sôi, rậm càng thêm rậm, rối càng rối thêm.
6.
Có đường phố nào vui, cho ta qua một ngày
Có sợi tóc nào bay, trong trí nhớ nhỏ nhoi
Không còn, không còn ai, ta trôi trong cuộc đời
Không chờ, không chờ aị.
Có đường phố nào vui? Một câu hỏi có thể trả lời vừa Có vừa Không! Ý nghĩa của chữ “vui” cũng rất rộng, hiểu sao cũng có lý riêng của nó, tùy góc nhìn, tùy cách cảm. Thơ hay chính ở chỗ này. Thử cùng dừng lại một câu hát của Trịnh về một con đường được gọi là “đường hắt hiu”.
Đường phố nào còn nằm che dấu
Cho tôi đi giữa nhân loại đớn đau
Đường hắt hiu
(Có những con đường)
Đây là con đường bí mật, nằm sẵn đó nhưng bị che dấu. Con đường đó chắp cánh cho ta bay cao, bồi thêm cho ta sức mạnh. Rõ ràng là một con đường đáng đi, thế mà tại sao lại “bị” kết ý bằng “đường hắt hiu” quá lạnh lùng như thế? Vấn đề nằm ở chỗ “hắt hiu”! Tính từ này nếu hiểu theo cách thông thường là “lạnh vắng”, “buồn bã”, “quạnh hiu”, thì khó có thể cảm nhận được độ sâu của nó. Hiu hắt ở đây mang ý nghĩa “vắng vẻ” vì ít người đi, ít người biết đến. Con đường này không dành cho “người khôn” như Nguyễn Bỉnh Khiêm đã nói “Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ Người khôn người đến chốn lao xao”. Và chúng ta cũng dư biết “kẻ dại” thích tìm nơi “hiu hắt” không nhiều “giữa nhân loại đớn đau”. “Đường hắt hiu” phải chăng là “đường phố vui”?
Chúng ta có thể nói vui rằng Trịnh có những “kỹ thuật dấu bài tẩy”quá điêu luyện của một bàn tay phù thủy. Những lá bài tẩy của Ông, những nỗi niềm riêng, những tiếng nói thầm kín, được “che chắn” quá khéo, quá điệu nghệ. Dưới lớp từ đơn sơ, dễ gây hiểu lầm là “bầu tâm sự khó hiểu” của một trái tim yêu. Cách này cũng giống như binh pháp trong chiến tranh “chỗ nguy hiểm nhất là chỗ an toàn nhất” vậy. Và cũng chính điều này làm cho dòng nhạc của Ông trở nên bất tử vì sự hấp dẫn của ca từ, rất quen mà rất lạ, có khả năng khêu gợi tính tò mò bất tận của những ai thích tìm tòi, khám phá.
Thế nào gọi là vui? Vui hời hợt, chóng tàn của những “tin vui” (pleasure)? Vui bền vững, lâu dài của những “niềm vui” (joy)?
Trịnh là người từng trải với việc “mỗi ngày tôi chọn một niềm vui” và đã từng say mê hát “yêu cuộc đời bằng trái tim của tôi”. Vậy mà vẫn luôn dừng lại để tự vấn mình “Có đường phố nào vui”?
Tâm sự trùng trùng giữa “đường xưa” và “đường nay” lúc nào cũng râm ran giữa kiếp đời gian nan của Ông và của tất cả chúng ta.
Đường ngày xưa mang trái tim bình an
Đường giờ đây đã sống bao thăng trầm
Đường phố nào còn in những dấu chân ngoan
Đường phố nào mệt nhoài ngày tháng gian nan
(Có những con đường)
“Có sợi tóc nào bay” “Trong trí nhớ nhỏ nhoi”? Có lẽ không khó để nhận ra hình ảnh của “sợi tóc” “trong trí nhớ nhỏ nhoi” là những suy nghĩ với một người có đời sống hướng nội, lúc nào cũng muốn “giữ một sự tịch lặng cho riêng mình” hay “Nằm yên và nghe mình thở. Nằm yên và theo dõi những suy tưởng của mình trước cuộc đời” như Trịnh.(Đây cũng là ý của “Người về soi bóng mình” ở đoạn trước).
“Tóc” đương nhiên là nét đẹp của một người con gái, dễ thương như “Mây và tóc em bay trong chiều gió lộng, trời làm cơn mưa xanh dưới những hàng me (Tuổi đời mênh mông), rõ ràng như “Tóc em từng sợi nhỏ, rớt xuống đời làm sóng lênh đênh”, “Gió sẽ mừng vì tóc em bay, cho mây hờn ngủ quên trên vai” (Như cánh vạc bay), chung chung như “Trời còn làm mây, mây trôi lang thang, sợi tóc em bồng, trôi nhanh trôi nhanh” (Tuổi đá buồn).
Nhưng nếu chúng ta hiểu thêm được “kỹ thuật” biến người con gái thành hóa thân của Đạo, của chính Tâm mình, thì những câu hát có “tóc” của Ông sẽ bớt phần khó hiểu, như:
“Ôi tóc em dài đêm thần thoại
Vùng tương lai chợt xa xôi
Tuổi xuân ơi sao lạnh dòng máu trong người”
(Gọi tên bốn mùa)
Hay
“Đôi khi nhớ trong tóc em mùi cây trái thơm tho”
(Rồi như đá ngây ngô).
Vẫn thấy bên đời còn có em
Mái nhà năm xưa tóc em còn bay
(Vẫn có em bên đời)
Trong Ru Ta Ngậm Ngùi, sau câu hỏi “Có sợi tóc nào bay” là câu trả lời “không còn không còn ai”, “không chờ không chờ ai”. Đây là tâm trạng cô đơn, buồn chán của một người mà “từng người tình bỏ ta đi như những giòng sông nhỏ”? Hay đây là tâm thức rỗng không, thanh thoát mà những thiền gia, đạo sĩ muốn hướng đến?
7.
Không còn, không còn ai,
Ta trôi trong cuộc đời
Không chờ, không chờ aị
“Không còn, không còn ai” “Ta trôi trong cuộc đời”? Câu này ý cũng rộng.
Ý thứ nhất của “không còn” là trước đây đã có nhưng bây giờ đã biến, đã mất. Cuộc sống sẽ buồn biết bao nếu bên ta không còn người ta yêu ta quý. Cùng nghe lại một đoạn về tâm sự “không còn ai” rất buồn này của Trịnh khi tình yêu cất cánh bay đi.
Không có em buồn vui với ai
Không có em lụa gấm nhạt phai
Ai đã chia người mãi xa người
Ai giết đi tình đang lứa đôi
(Còn ai với ai)
“Ta trôi trong cuộc đời” khi không còn tình yêu đôi lứa thì “trôi” ở đây là trôi dật dờ, trôi vật vờ của lục bình theo con nước, lênh đênh không định hướng, không bến bờ. Buồn trôi! Sầu trôi! Có lẽ đây là lý do tại sao nhiều người mê nhạc Trịnh, trong thăng trầm của đời sống đều có Ông đồng hành trên từng cây số, nhất là những lúc thất vọng, mất mát, cô đơn.
Ý thứ hai của “không còn ai” cũng có thể mang nghĩa tâm linh khi trong đầu óc không “hiện bóng con người” (Một cõi đi về), khi nói lời chia tay để “những hẹn hò từ đây khép lại”, để “tôi chợt nhìn ra tôi” (Như một lời chia tay), một cái tôi hồn nhiên trong vắt. Khi không còn mưa nắng gió mây rộn ràng che khuất thì bầu trời nguyên vẹn của “quê nhà” sẽ được hiển lộ? “Trôi’ như vậy là tự do trôi, hân hoan trôi, ung dung tự tại trôi.
Nếu hiểu theo ý này, thì “Ta trôi trong cuộc đời” là “sông trôi” về biển hay “mây trôi” tĩnh tại, bềnh bồng đón “mặt trời xa đã trôi về gần” (Níu tay nghìn trùng) như Trịnh nhiều lần mơ được như thế. Câu nhạc buồn nhưng ý tưởng thoát tục sáng lên.
Về lại nơi cuối trời
Làm mây trôi
(Phôi pha)
“Không chờ Không chờ ai”? Khi đôi chân còn bám mặt đất thì có rất nhiều “ai” để chờ để đợi. Khi là mây rồi thì không còn ai “réo” ai như đã từng réo gọi lời mời mọc, tiếng hẹn hò của những năm xưa.
Tình réo tình âm thầm,
Sầu réo sầu bên bờ… vực sâu
(Tình xa)
“Không chờ ai” không phải là không có ai để chờ mà là không muốn chờ ai nữa. Ai muốn chờ thì chờ đi, ta như vậy là quá đủ, mệt rồi, “lăn đời đã quá” (Tình xót xa vừa) rồi. Ta muốn buông, ta muốn “từ bỏ cuộc chơi” (Về nơi cuối trời), xin “trả lại từng tin vui cho nhân gian chờ đợi” (Phôi pha)
8.
Em về, hãy về đi, ta phiêu du một đờị
Hương trầm có còn đây, ta thắp nốt chiều nay
Xin ngủ trong vòng nôi, ta ru ta ngậm ngùi,
Xin ngủ dưới vòm cây …
“Em về, hãy về đi, ta phiêu du một đời” là một câu đối thoại hay độc thoại? Cuộc đời, tình yêu hãy trở lại với thế giới hào nhoáng của nhân gian đi, hãy về “thức” cùng mộng đẹp của đêm hồng đi, ta đuối rồi, muốn “ngủ”. Nếu “em là tôi và tôi cũng là em” thì câu này giống như tự nói với mình như đã từng nói trong Phôi Pha “Thôi về đi, đường trần đâu có gì”.
Phiêu du, phiêu lãng, phiêu linh v.v. là những từ quen thuộc của Trịnh. Cánh chim phiêu bồng trong gió, đặc biệt là ngựa, trên cuộc hành trình phiêu rong ấy, “vó ngựa” ấy biết bao lần đã “giật mình” tự vấn mỗi khi “chùng” “mỏi”, “bờm ngựa” đã chột dạ khi nghe mình vẫn “lao xao”.
Ngựa buông vó người đi chùng chân đã bao lần
(Dấu chân địa đàng)
Ngựa hồng đã mỏi vó, chết trên đồi quê hương
(Xin mặt trời ngủ yên)
Gió núi bay qua lao xao bụi bờ lao xao bờm ngựa
(Giọt lệ thiên thu)
Nhưng có lẽ câu “Để người phiêu lãng quên mình lãng du” (Diễm xưa) là câu hay nhất. Phiêu mà nhớ mình đang phiêu thì chắc chắn phiêu không “tới bến”, vì nhận ra phiêu hình như “có vấn đề”, có gì đây không ổn. Chim bay mà vẫn còn “Giấu nỗi buồn trong cánh” thì làm sao tận hưởng được một trăm phần trăm cái bát ngát của trời xanh trong lúc phiêu bay. “Quên mình lãng du” đi để tung vó, tung cánh “maximum” giữa cuộc đời quá đáng yêu này. Mặt trời ơi! xin hãy ngủ yên đi, đừng đánh thức ta nữa. “Bờ môi thơm” đừng hờn trách nữa, đừng nhắc nữa, ta nhớ rồi, lòng ta vẫn ôm nỗi buồn “da du” (da diết trên bước phiêu du). Chờ ta nhé.
Chờ ta da du một chuyến
Ôi môi hờn xin đừng kể lại tích xưa buồn hơn
(Vết lăn trầm)
Nhưng làm sao quên được, và thế là cứ khắc khoải buồn, trăn trở nhớ mùi “hương trầm” cần phải “thắp nốt” ở chốn an bình của quê hương có sen hồng ngàn năm vẫn đợi.
9.
Xin ngủ trong vòng nôi
Ta ru ta ngậm ngùi
Xin ngủ dưới vòm cây.
Hát ru là điệu hát được một người mẹ dùng để vỗ về, dỗ dành đưa con vào giấc ngủ như Ca Dao Mẹ. Với Trịnh, đôi khi Ông tự làm người mẹ để hát ru cho đứa con là chính mình như Ru Đời Đi Nhé, Ru Đời Đã Mất v.v… Trong những khúc hát này, ngậm ngùi là sắc thái chung cho nỗi niềm tâm sự của Ông, đặc biệt là trong Ru Ta Ngậm Ngùi mà chúng ta đang cùng chia sẻ ở đây.
“Ta ru ta ngậm ngùi”? Ngậm ngùi là nỗi buồn thương cảm, xót xa xen lẫn nuối tiếc. Tiếc mùi thơm của tóc đã phai, tiếc màu xanh của tóc đã nhạt, tiếc sự bình yên của tim đã vơi.
Môi nào hãy còn thơm?
Tóc nào hãy còn xanh?
Tim nào có bình yên?
Những câu hỏi “có còn” theo sau những câu trả lời “không còn” là cách Trịnh trải bày niềm tâm sự “nghĩ thân mà lại ngậm ngùi cho thân” (truyện Kiều).
Nếu là ‘ngậm ngùi’ của một người “chiến bại” thì không phức tạp nhiều khi bình, khi luận. Nhưng với Trịnh, khi đi sâu tìm hiểu cái “ngậm ngùi” của một con người vừa “chiến thắng” vừa “chiến bại” như Ông quả thật không dễ dàng. Và cũng chính khó khăn này làm tăng thêm sự hấp dẫn khi ta muốn lý giải một phần nào về Ông, một người vừa “yêu cuộc đời ngào ngạt hương hoa” vừa “yêu một cõi đời đã mất”.
“Ru ta ngậm ngùi” nhưng có tiếc nuối, ân hận không? Có lẽ chỉ riêng mình Ông biết. Vừa thỏa mãn hài lòng với con đường mình chọn nhưng lại vừa bùi ngùi với một hoài bảo chưa tròn! Phải chăng khi nhìn được chiều sâu này sẽ quý Trịnh hơn, nghe nhạc thấy hay hơn nếu có thể hiểu hơn về Trịnh.
“Ngủ trong vòng nôi”? “Ngủ dưới vòm cây”? Nếu hương trầm vẫn còn, tình yêu cho đạo vẫn đầy, thì “xin thắp nốt chiều nay”. Nghe như lời hứa “nở hết trong hoàng hôn” trong Đóa Hoa Vô Thường thuở xưa từng ước hẹn.
Và tuổi già đến, “lau trắng trong tay”, “gió vô thường” đang ngày một gần thổi tới. Hãy ngủ đi, hãy trở về với tâm trong sáng của mình đi, trở về với “vầng trán thơ ngây” thật hồn nhiên như trẻ thơ đang còn nằm “trong vòng nôi” bên lời ru của mẹ.
Trong Một Cõi Đi Về có câu “Lời nào của cây, lời nào cỏ lạ”, người viết đã từng đưa lý giải chủ quan của mình về ý nghĩa của “cây giác ngộ”. Giờ đây, với Ru Ta Ngậm Ngùi, ta gặp lại cây nhưng là “vòm cây”. Có phải “vòm cây” mà Ông “xin ngủ dưới” này cũng là bóng mát của Cội Bồ Đề, bóng mát của Tâm, bóng mát mà Trịnh suốt cuộc đời luôn gởi những ước mơ của mình bên những trang kinh Phật?
oOo
RU TÌNH
1.
Ru em đầu cơn gió, em hong tóc bên hồ
Khi sen hồng mới nở, nụ đời ôi thơm quá
Ru em tình khi nhớ, ru em tình lúc xa
Ru cho bầy lá nhỏ, rụng đầy một mùa Thu.
Làn gió hiu hiu, bên hồ sen nở, nụ hồng ngát thơm, một nàng con gái, hong khô tóc ướt, những lá xanh rơi, giữa mùa Thu vàng, những chiếc lá nhỏ ríu rít như bầy chim non đang hót ca líu lo trong gió. Đây có lẽ là hình ảnh quen thuộc rõ ràng, dễ thấy của một bức tranh thơ. Nàng thiếu nữ ngây thơ ấy còn lung linh hơn với hài nhung, áo lụa, thướt tha với những bước chân dịu dàng trên những đóa hoa sen thuần tịnh. Nhưng nhạc của Trịnh không phải chỉ đơn giản có thế! Một lần nữa, hãy thử đi sâu hơn “phần chìm của tảng băng”, lấp lánh hương vị ý thiền sâu trầm bên dưới.
“Ru em đầu cơn gió, em hong tóc bên hồ Khi sen hồng mới nở, nụ đời ôi thơm quá”? Trong những bài như Ru Ta Ngậm Ngùi, Em Hãy Ngủ Đi, “mái tóc mượt”, “đôi môi thơm”, “bàn tay xanh ngà ngọc”…đã được đề cập đến như những hình ảnh sống động để nói một “tâm hồn đẹp”, một “trái tim”, một “mặt trời” mà ai cũng đều sở hữu giống như Ông.
Trịnh đã thấy được gương mặt của một tình yêu “ngọt hạt từ tâm” như viên ngọc quý nằm ẩn trong từng lớp cánh của đóa hoa tâm trắng ngời, trong khiết. Và Ông cũng từng ước mơ sao cho mọi người nhận ra được điều đơn giản này. “Phật tánh” hay “Bản chất Thượng đế” vẫn hằng có mặt trong tâm thức của mỗi chúng ta.
Người đêm đêm mơ thấy mặt trời
Mọc trong tim trong mắt loài người
(Như tiếng thở dài)
Mở đầu Ru Tình, ta gặp lại một mái tóc đang hong đầu cơn gió nhẹ. Tóc ướt vì mưa cuộc đời làm tóc buồn, tóc lạnh nên cần được làm khô, cho tóc vui trở lại. Hong tóc cũng giống như “phơi cuộc tình trên bờ môi” để thơm nồng được phục hồi sau những lần mỏi mệt vì đường xa ướt mưa (Ru ta ngậm ngùi).
Mặt hồ sẽ không còn sóng lênh đênh khi những chiếc bóng của suy tưởng rối ren được ru êm đềm theo sự chuyển động ra vào của hơi thở (gió), dịu đều như nhịp võng đưa. Gió của hơi thở là gió hiền, gió mát của “quê nhà”, không dữ dội như gió đời, làm run rẩy, lạnh ướt tóc em.
Nghe tiếng em run theo từng ngọn gió bấc sang mùa
(Ru đời đã mất)
Khi hồ lắng yên, khi làn tóc ướt nặng được hong khô, điều kỳ diệu của trái tim sẽ mở ra như hoa sen nở, những nụ sen sẽ tỏa hương thơm từ ái. Đó chính là nơi yên bình của hạnh phúc thật sự dưới mái nhà thật sự bình yên.
Trái tim cho ta nơi về nương náu
Được quên rất nhiều ngày tháng tiêu điều
(Hãy yêu nhau đi)
2.
Ru em tình khi nhớ, ru em tình lúc xa
Ru cho bầy lá nhỏ, rụng đầy một mùa Thu
“Tình khi nhớ, tình lúc xa”, chỉ có nhớ ít, nhớ nhiều, không có chuyện quên! Nhớ nhiều thì tình gần, nhớ ít thì tình xa. Đây là tâm trạng “tình đôi ngập ngừng” của Trịnh mà chúng ta đã nhiều lần chạm tới: Tình đời, tình đạo. Đôi khi nhờ có tâm đạo nên “yêu quá đời này”, nhưng cũng đôi khi quá đậm tình đời thì nhạt phai tình đạo. Chính sự phân đôi vừa tương sinh, vừa tương khắc đã làm nên một phong cách Trịnh độc đáo mà chúng ta đang chiêm ngắm hôm nay.
Tiến thoái lưỡng nan
Đi về lận đận
Tình đôi ngập ngừng
(Tiến thoái lưỡng nan)
Hầu như trong bất cứ bài hát nào, ta cũng thấy được dấu chân đôi ngả lưỡng lự này, vừa nhẹ nhàng với đôi cánh bay cao, vừa nặng nề với vấn vương hệ lụy. Lúc đi về con phố xa thì khó về dưới mái nhà. Khi về ngồi yên ở nhà lại khó cưỡng lại lời mời của cuộc đời vẫy gọi ngoài xa.
Nhiều đêm muốn đi về con phố xa
Nhiều đêm muốn quay về ngồi yên dưới mái nhà
(Lời thiên thu gọi)
Có khi thật rộn ràng sức sống, tràn dâng, hứng khởi.
Và như thế tôi sống vui từng ngày Và như thế tôi đến trong cuộc đời
Đã yêu cuộc đời này bằng trái tim của tôi
(Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui)
Nhưng cũng có lúc tâm đạo, tình đời đều như đôi vai gầy guộc, ốm o.
Rồi tình trong im tiếng Rồi tình ngoài hư hao
(Tình sầu)
“Ru cho bầy lá nhỏ, rụng đầy một mùa thu”? Cụm từ “bầy lá nhỏ” nghe thật dễ thương ! Lá nhỏ, lá xanh rụng đầy như bầy chim non đang líu lo ca hát. Mùa Thu vàng lá khô, cây cành trơ trụi, đang chờ đợi sự sống mới từ lá xanh để được tươi lại, trẻ hơn.
Lá hát từ bàn tay thơm tho
Lá khô vì đợi chờ Cũng như đời người mãi âm u
(Như cánh vạc bay)
Từ ý của “lá” và “mùa Thu”, không biết có “chướng” hay không nhưng cũng xin được mở rộng một vài câu kinh Phật.
Ngày xưa khi Phật còn tại thế hay ví những lời dạy của Ngài về “Khổ và con đường thoát khổ” như “nắm lá trong tay” (handful of leaves), nắm lá này tuy ít ỏi nhưng cũng vừa đủ để những ai “ít bụi trong mắt” (little dust in eyes) có thể nương vào, tự thắp đuốc đi. “Bầy lá nhỏ” rụng đầy “một mùa Thu” trong Ru Tình không biết có điều gì liên hệ với “nắm lá” của Phật khi xưa và cuộc đời “vui ít khổ nhiều” của đời sống hay không?
3.
Ru khi mùa mưa tới Ru em mãi yêu người
Ru em hoài bé dại Một hồn thơm cây trái
Ru khi mùa mưa tới, ru em mãi yêu người?
Mùa mưa tới, cùng với mát mẻ hay lạnh lẽo? Những giọt mưa buồn bã rơi xuống đời người lắm muộn phiền hay những giọt mưa trong lành xoa dịu cảnh nóng bức sau những ngày nắng chói chang?
Nếu là “ru cho mùa mưa tới” hay “ru để mùa mưa tới” thì ý tích cực của mùa mưa sẽ rõ hơn. Nhưng ca từ trong bàn tay của Trịnh đều rất khó thay đổi vì mỗi chữ, mỗi câu đều hàm chứa một ý nghĩa sâu xa nào đó, nên “ru khi mùa mưa tới” ở đây có thể cảm theo cách nào cũng thuận.
“Ru em mãi yêu người”? Ru để “bàn tay em trau chuốt thêm cho ngàn năm”, để “vừa má em hồng … đưa anh đến quê hương vàng son” (Ru em từng ngón xuân nồng)? Ru cho tình yêu sáng như mặt trời đừng bao giờ bị mây đen che phủ? Ru cho ánh trăng rằm vẫn mãi chiếu rọi giữa mịt mùng đêm? Ru để “đôi mắt thương nhìn đời” luôn mở to theo “hạt từ tâm” ngọt mãi?
“Ru em hoài bé dại”? Nghe Trịnh, có lẽ chúng ta không lạ gì với hình ảnh đứa trẻ ngây thơ với nụ cười trong trẻo.
Tôi cười như đứa bé
Mới lớn lên giữa đời sống kia
(Hôm nay tôi nghe)
Ông là một người biết Thiền, hiểu Đạo nên thấm được ý nghĩa của câu nói “những ai có tâm hồn trẻ thơ thì nước trời là của họ” trong Kinh Thánh. Tâm “hồn nhiên” là điều mà ai hành Thiền đều khao khát có được.
Em hồn nhiên rồi em sẽ bình minh
(Tôi ơi đừng tuyệt vọng)
Hạnh phúc an lạc của “bình minh” chỉ đi theo với “hồn nhiên”! Nếu không có một quê hương để trở về thì sẽ lâm vào cảnh ngộ “tìm em tôi tựa bé không nhà” (Còn mãi tìm nhau) hay “Có tối thật đều trong linh hồn nhỏ, có mắt thật chiều dưới trán ngây thơ” (Bay đi thầm lặng). Cũng là bé nhỏ, bé thơ nhưng là bé lạc loài, tội nghiệp, không phải ý nghĩa của “ru em hoài bé dại” trong Ru Tình mà chúng ta đang bàn ở đây.
Có được sự hồn nhiên của “hoài bé dại” thì sẽ thưởng thức được hương ngọt, vị thơm của cây trái, nếm được hương vị thanh cao của tâm hồn khi có được niềm phúc lạc an nhiên từ mùi thơm ngào ngạt của mái tóc đã được hong khô.
Những mắt biếc cỏ non Xanh cây trái địa đàng
(Những con mắt trần gian)
Đôi khi thấy trong tóc ai Mùi cây trái thơm tho
(Rồi như đá ngây ngô)
4.
Ru em chờ em nói Trên môi tình thoát thai
Ru em ngồi yên đấy Ru tình à à ơi
“Trên môi tình thoát thai”? “Môi” là từ để chỉ cho tâm, “thoát thai”66 là sự thay đổi, chuyển hóa. “Thoát thai” thường đi đôi với “hoán cốt” với nghĩa như “thay da đổi thịt”. Nếu hiểu được Chân Tâm và Vọng Tâm thì con đường đạo chính là đường trở về với Chân Tâm, chuyển hóa từ Vọng tâm thành Chân tâm, từ Động tâm thành Tĩnh tâm. Theo cách nói đặc biệt của Trịnh là Dáng (Thực) và Bóng (Giả).
Một lần bóng núi in bên sông dài
Một lần thấy bóng tôi
Một ngày có đoá hoa lan trong vườn
Một ngày thấy dáng em
Một chiều bỗng thấy hoa lan úa tàn
Vườn chiều vừa mất dáng em
(Một lần thoáng có)
Cuộc hành trình tâm linh được “giấu kín” của Ông về lại cội nguồn để “phục bổn hoàn nguyên” hay “hồi đầu thị ngạn” là một quá trình dài của sự thu bóng. Thu lại cái giả tạo, hư ảo của bản ngã mà người đời thường lầm tưởng là thực nên chạy theo, trở thành kẻ nô lệ cho “cái tôi đáng ghét”.
Tôi vui chơi giữa đời ối a biết đâu nguồn cội
Cây trưa thu bóng dài và tôi thu bóng tôi
(Biết đâu nguồn cội)
“Ru em chờ em nói”? Như vậy, chúng ta dễ dàng hiểu tiếng nói của em là tiếng nói của Chân Tâm, tiếng nói vô thanh. Tiếng nói này vốn “vô ngôn” (không lời), vốn “tịch lặng” (không có chuyển động của vọng tưởng, suy tư), khác với tiếng nói của “tâm viên ý mã” bất tận, không ngừng như khỉ, như ngựa không yên. Hình dạng của chân tâm là “một cõi đi về” của Trịnh, hình dạng ấy đã bị biến đổi, bị thất lạc theo cách nói của Ông.
“Tôi đã dùng đủ mọi phương cách để tìm một chữ “mình” đã bị thất lạc, đã biến hình đổi dạng, trong muôn hình vạn trạng của cuộc đời. Có những ngày tháng tôi đã bỏ mình vào một cõi tịch lặng vô ngôn để thử nhìn lại rõ mình hơn”(TCS).
Nói một cách khác là chân tâm đã bị vọng tâm che lấp như trăng bị mây che. “Tình thoát thai” có nghĩa là trăng thoát khỏi mây. Nếu ví “Tâm như nước Phật như trăng” thì “thoát thai” là nước trong trăng hiện, tâm trong Phật hiện. Phật là chân tâm, có sẵn ở đó, nhưng tiếc thay viên ngọc này đối với hầu hết mọi người vẫn là “thạch trung ẩn ngọc”.
Cuộc đời của Trịnh có một con đường độc hành mà Ông “tự mình biết riêng mình”, là con đường tâm linh tìm về “nguyên vẹn hình hài” của chân tâm (Xin cho tôi). Những bài hát ru là nơi trải bày tâm sự này, chúng ta nghe để hiểu và thương thêm “nỗi tuyệt vọng” cùng “một cõi đời tôi đã mất”.
5.
Ru em chờ em nói Trên môi tình thoát thai
Ru em ngồi yên đấy Ru tình à à ơi
“Ru” là tu, là hành thiền! “Ru em ngồi yên” hay “ru tình” là chỉnh sửa cho tâm được ngay ngắn, sáng trong, là “tắm gội” (Chiếc lá thu phai) hay “gội mưa trong”(Đóa hoa vô thường). “Ngồi yên đấy” nghe gần gũi, mộc mạc nhưng lộ rõ ý cương quyết, mạnh mẽ phía sau nếu so với “ngồi yên nhé” có chút dịu yếu, nuông chuộng.
Thân ngồi yên là an tọa, tâm ngồi yên là an tâm! Khi tâm thực sự yên, tâm sẽ có nhiều tên gọi khác nhau: tĩnh tâm, bình tâm, minh tâm, chân tâm, tịnh tâm, diệu tâm, kỳ tâm. Tâm không yên cũng vậy: phóng tâm, vọng tâm, loạn tâm, động tâm, ma tâm…
Thân ngồi yên là thân không cử động. Tâm ngồi yên là tâm không có suy nghĩ vẩn vơ. Khi nói đến tâm không có suy nghĩ mà chỉ có sự nhận biết đơn thuần có thể sẽ khó nhận được sự đồng cảm đối với nhiều người, nhất là những ai chưa có dịp tiếp xúc với Thiền, với Đạo.
Đa số mọi người đều tin rằng “Tôi suy nghĩ nên tôi tồn tại” (I think therefore I am; Je pense donc je suis) theo cách của Descartes, nên xem “tiếng nói vang vang trong đầu” (voice in the head) là chuyện bình thường. Bình thường vì ai cũng bất thường như vậy. Nhưng quan niệm này ngày nay đã được chứng minh là một lý thuyết có nhiều sai lầm nghiêm trọng trong lịch sử tiến hóa tâm thức của loài người.
Trịnh là người nhìn rõ được điều này, hãy cùng đọc tiếp những lời Ông để lại trong tùy bút Tìm Và Gặp:
“Có những ngày tháng tôi đã bỏ mình vào một cõi tịch lặng vô ngôn để thử nhìn lại rõ mình hơn, nhưng vô vọng. Và tôi đã tìm đến với thế giới của im lặng và hội họa. Ở đây tôi đã bắt gặp một mảng đời của mình bấy lâu nay vẫn còn bị che dấu. Chính ở trong cõi màu sắc này, tôi đã chạm vào được cái chìa khóa để mở dần những cánh cửa vô thức của bản thân mình.”
Tâm không có suy nghĩ bằng chữ nghĩa, ngôn từ nói là “một cõi tịch lặng vô ngôn” hay “một mảng đời bị che dấu dưới cánh cửa vô thức”.“Cánh cửa vô thức” không có suy nghĩ đưa tâm trở về với hư vô, vắng lặng, rỗng không. “Cánh cửa ý thức” với suy nghĩ đưa tâm hướng ra sự giao đãi với bên ngoài. Nghe Ông nói tiếp.
“Có những cánh cửa mở vào hư vô và cũng có những cánh cửa mở ra những cánh đời nhộn nhịp. Ta không khước từ hư vô và cũng không xa lìa cảnh nhộn nhịp của đời”.
Có thể nói cuộc đời Trịnh là một điệu múa đẹp giữa hai chiều “hư vô” và “nhộn nhịp”, vừa trở về nguồn cội bên trong, vừa đi ra ngọn nhánh của bên ngoài. Dẫu điệu múa ấy vẫn còn vướng buồn, vương lụy nhưng ai cũng đồng ý rằng rằng hiếm có được một “vũ công” nào như thế ở chốn nhân gian.
Những bài Ru của Trịnh đều mang âm hưởng buồn, nhưng tâm trạng “tình đôi”, “đứng hai bờ” cũng có khi thật vui tươi, nhí nhảnh.
Đời sẽ cho lộc và đời sẽ cho hoa
Em suối kia rất ngọt và tôi đứng hai bờ
(Hoa xuân ca)
Lộc đời, hoa đời, suối ngọt sẽ hiển lộ chỉ khi ta biết “ngồi yên” để nhìn được “Em mát xanh như ngọc”, sự hồn nhiên thuần khiết của một tâm thức vắng lặng suy nghĩ xôn xao.
6.
Ru người ngồi mãi cùng tôi
Ru người ngồi mãi cùng tôi
“Ru người ngồi mãi”? “Ru em hoài bé dại”? Mong cho Tâm đạo với Tuệ nhãn nhìn thế gian và Từ nhãn thương chúng sanh sáng hoài, trong mãi. Trí tuệ và Từ tâm đã “dạy tôi biết xa gần” (Hoa xuân ca) đó là điều cần phải “ru mãi ngàn năm”.
Ru cho “đôi môi thơm”, “tay ngà ngọc” đã “nuôi trọn một đời”, “nuôi một đời người” (Ru em từng ngón xuân nồng) ấy hãy “trôi dài trôi mãi”, đừng bị nhạt phai, gầy guộc theo “bốn mùa thay lá”.
“Ru người ngồi mãi” là một cách nói khác của “ru mãi ngàn năm”. “Ngàn năm”, “thiên thu”, “nghìn thu” là những từ rất quen thuộc của Trịnh, mang đậm triết lý luân hồi của Phật giáo: Vòng sinh tử vô thủy vô chung, không có điểm đầu tiên, không có điểm kết thúc.
Không có đâu em này Không có cái chết đầu tiên
Và có đâu bao giờ Đâu có cái chết sau cùng
(Ngẫu nhiên)
Chìm dưới cơn mưa một ngàn năm trước
Mây qua mây qua môi em hồng nhạt
Chìm dưới cơn mưa một ngàn năm nữa
Mây qua mây qua môi em hồng vừa
(Chìm dưới cơn mưa)
“Ngàn năm trước”, “ngàn năm sau” là “những kiếp trước, những kiếp sau” hay “tiền kiếp, hậu kiếp”. Triết lý này dù Trịnh muốn “giấu kín” nhưng vẫn có những đầu mối để thấy được, dù không nhiều nhưng rất rõ qua một số ca khúc của Ông.
Tử rồi sanh, sanh rồi tử, sẽ tiếp diễn mãi mãi, mỗi chúng sanh trong quá trình lăn trôi “thiên thu” ấy đem theo “nghiệp” và “chân tâm” của mình. Cái “Phật tánh” có được hiển lộ hay không là tùy nơi nghiệp của mỗi chúng sanh. Ví như ai cũng có một con số zero tròn trịa, có những số không bé teo như hạt bụi bị chìm trong bóng đêm chập chùng của vô minh, có những số không to lớn, sáng lên rạng rỡ như ngọn đèn, thậm chí như mặt trăng, mặt trời.
Dù đây không phải là nơi để trình bày những điều này, nhưng cũng xin nói sơ sơ vì chúng ta đang tìm hiểu một người nhạc sĩ tài hoa có ảnh hưởng nhiều bởi Phật giáo. Xin cùng đọc một câu kinh Phật nói đến cái “Minh tâm” này.
“Tâm này là sáng chói. Và tâm này bị ô nhiễm bởi các cấu uế từ ngoài vào. Kẻ phàm phu ít nghe, không như thật rõ biết tâm ấy. Tâm này là sáng chói. Và tâm này được gột sạch các cấu uế từ ngoài vào. Bậc có trí nghe nhiều, như thật rõ biết tâm ấy.” (Kinh Tăng Chi)
Đã có lần Trịnh hát “Tôi không là người u mê khờ dại” cũng đủ cho ta hiểu rằng tự Ông cũng biết mình là người có trí. Dẫu trí tuệ ấy không tròn đầy do dan díu với vui buồn của “bóng con người”, nhưng không phải vì vậy mà trở thành người “khờ dại, u mê”. Chính Ông cũng biết rõ như vậy vì đã chọn lựa như thế và chấp nhận lời thở than “bởi tôi ngốc dại tự làm khô héo tôi đây” (Chiếc lá thu phai). Thái độ “dám chơi dám chịu” cũng là một điều rất độc đáo của Trịnh.
Trên những cung bậc thăng trầm “vui vui buồn buồn” cùng “người người ngợm ngợm” (Giọt lệ thiên thu), dù lúc vơi lúc đầy, vẫn hiện diện một hoài bão “vượt tình tôi chấp cánh”, trở về với “bản lai diện mục” của mình, làm cánh chim tự do, bay cao về cuối trời giải thoát.
7.
Ru em hài nhung gấm, ru em gót sen hồng
Ru bay tà áo rộng, vượt tình tôi chấp cánh
Ru trên đường em đến, xôn xao từng tiếng chim
Ru em là cánh nhạn, miệng ngọt hạt từ tâm
Đọc kinh Phật, sách Thiền, hình ảnh “từng bước nở hoa sen” cũng rất quen thuộc trên những bước chân thoát tục với hài nhung áo gấm, “đạo cốt tiên phong” thật ung dung thanh thản.
Tâm hồn thong dong, tự tại sau khi đã “vượt tình” sẽ như chim “chắp cánh” bay cao, tâm thức mở ra như “tà áo rộng” trong gió lộng giữa hư không. “Vượt tình” trong ý nghĩa sâu nhất là vượt qua “thế giới nhị nguyên” tốt xấu, hay dở, v.v… để thấy được sự nguyên sơ thanh khiết của khu vườn Eden trước khi Adam và Eva ăn “trái cây phân biệt thiện ác”.
Nghe Trịnh, “vườn địa đàng” hay “thiên đường” là những từ ngữ được Ông dùng để nói đến khu vườn lý tưởng này, vốn nằm sẵn, nằm sâu trong tâm hồn của mỗi con người, nhưng không dễ gì mấy ai về lại được.
“Vượt tình” là vượt qua rào cản của những tiếng nói ồn ào trong tâm để cảm nhận được “thế giới của im lặng”, hay thưởng thức được những “tiếng nói vô thanh”, “âm thanh của sự yên lặng” (sound of silence) trên giòng sông tâm thức. Trong thiền, con đường này gọi là “ngôn ngữ đoạn đạo” (con đường cắt đứt ngôn ngữ). Nói như Trịnh, đây là “cánh cửa vô thức” mà Ông đã miệt mài tìm kiếm nhưng “vô vọng”, “bó tay”.
“Xôn xao từng cánh chim”? Ý này trong Ru Tình cũng đã từng xuất hiện ở Môi Hồng Đào.
Một lần tôi đứng ngắm Xôn xao rất nhiều lời
Một loài chim mới đến Vui như nắng ban mai…
Một đàn chim rất trắng Trong sân đứng xinh tươi
(Môi hồng đào)
Cánh chim là ước mơ của những người muốn thoát ra vòng xoáy kềm tỏa của tục lụy, muốn bay lên cao với đôi chân không dấu. Trong kinh Phật, hình ảnh của những con người giải thoát được ví như chim thiên nga rời bỏ ao tù chật hẹp, thấp kém.
Không vô tướng giải thoát
Như chim giữa hư không
Dấu chân thật khó tìm.
(Pháp cú 93)
Như ngỗng trời rời ao
Bỏ sau mọi trú ẩn.
(Pháp cú 91)
Và chính vấn vương với hương hoa trên mặt đất đã níu lại đôi cánh của Ông, dù có bay nhưng mau “cuồng phong cánh mỏi” (Chiếc lá thu phai). Chỉ còn biết giấu kín nỗi ngậm ngùi, hẹn hò lần lữa với giấc mơ “về lại nơi cuối trời làm mây trôi” khi còn mang nỗi buồn trong cánh.
Như là chim xa đàn
Giấu nỗi buồn trong cánh
Hẹn hò với giấc mơ
(Cánh chim cô đơn)
Hay
Như chim mỏi cánh rồi
Như chim xa lìa bầy
Như chim xa lìa trời
Như chim bỏ đường bay
(Tình sầu)
8.
Ru trên đường em đến, xôn xao từng tiếng chim
Ru em là cánh nhạn, miệng ngọt hạt từ tâm
“Ru trên đường em đến”? Như vậy có một con đường đi (đường ra) và một đích đến (điểm thoát). Có thể lấy hình ảnh của những tầng khí quyển để minh họa cho con đường này.
Khi phi thuyền phóng lên khỏi mặt đất là chính thức “đặt chân” vào “con đường” không gian, bắt đầu với tầng đối lưu (cách mặt đất khoảng 20km), sau đó vượt qua tầng bình lưu, tầng trung lưu, tầng nhiệt và cuối cùng là tầng ngoài, trước khi tới khoảng không vũ trụ.
Con đường đạo (đạo lộ) theo Phật giáo là con đường thoát ra khỏi vòng sanh tử luân hồi, không còn bị ảnh hưởng của nghiệp để tái sanh. Con đường đó cũng có nhiều chặng tương tự như tầng khí quyển của trái đất. Mỗi tầng, tùy theo mức độ cao thượng của tâm, đều có những “đàn chim xôn xao cất tiếng”.
Có thể ví von mà không sợ khập khiểng như thế này: Khi còn ở ba tầng đối lưu, bình lưu, trung lưu thì vẫn còn là “phàm phu”, tiếp tục lăn trôi trong vòng sanh tử. Khi đến được “tầng nhiệt” thì gọi là “thánh nhân”, đã vào dòng thánh hay “nhập lưu” (stream-entering). Nhưng thánh cũng có nhiều cấp độ thánh, nếu còn tái sanh tối đa bảy lần thì gọi là “bậc Thất Lai” (stream-winner), một lần “bậc Nhất Lai” (once-returner), không quay lại “bậc Bất Lai” (non-returner) và cuối cùng là “bậc A-La-Hán” (Arahant).
“Khoảng không vũ trụ” có thể ví như “điểm đến cuối cùng”, trong kinh Phật nói là “đã làm những việc cần làm, đã đặt gánh nặng xuống, không còn trở lui cuộc đời này nữa”.
Những người như Phật được Trịnh gọi là “người sống thiên thu”, không còn chết nữa vì người ấy đã đến được “bờ bến thiên thu”.
Chìm dưới cơn mưa một người chết đêm qua
Chìm dưới đất kia một người sống thiên thu
(Chìm dưới cơn mưa)
Bờ bến đó vẫn mãi chìm khuất đối với những ai đôi chân còn bám trên mặt đất. Ngay cả khi tung cánh bay lên nhưng chưa vượt qua được “tầng ngoài”, thì vẫn phải còn chịu lực hấp dẫn của khí quyển trái đất, còn chịu chi phối của quy luật tự nhiên sanh tử luân hồi.
“Ru em là cánh nhạn, miệng ngọt hạt từ tâm”? Cánh nhạn thường đi với mùa xuân, là cánh chim báo tin vui đến cho mọi mái nhà. Hạnh phúc “miệng ngọt hạt từ tâm” này chắc chắn đối nghịch với đau khổ khi “miệng đắng hạt tham sân”.
Mùa xuân trên những mái nhà
Có con chim hót tên là ái-ân
(Đóa hoa vô thường)
Cánh chim nhạn mang trên mình đôi cánh, một Trí Tuệ, hai Từ Bi. Người có Trí Tuệ là người có Từ Bi. Trí Tuệ ví như không gian, còn Từ Bi như ánh sáng. Cặp đôi này luôn luôn song hành với nhau. Trí Tuệ là thấy Đạo, Từ Bi là thấy Đức. Đạo đi trước, Đức theo sau. Đó là hai mặt của một “trái tim cho ta nơi về nương náu” (Hãy yêu nhau đi).
9.
Ru em tình như lá, trăm năm vẫn quay về
Một lần nữa chúng ta gặp lại “quay về”! Đời người trăm năm như lá, tình yêu như lá, trước sau cũng úa vàng để nuối tiếc ngậm ngùi với “Tuổi nào nhìn lá vàng úa chiều nay” (Còn tuổi nào cho em) hay “Giật mình ôi chiếc lá thu phai” (Chiếc lá thu phai)? Hay đây là cách nói gọn của “Lá rụng về cội?
Nhạc của Trịnh, bên dưới những giai điệu thiết tha, nồng nàn với tình yêu và thân phận ngắn ngủi này vẫn là một tâm trạng khắc khoải của một người xa quê và khao khát muốn trở về quê. Quê hương đó là “mái nhà riêng”, như một “tình yêu vô tội”, nằm sâu trong tâm hồn, lúc nào cũng chờ đợi tiếng ru.
Chính với tình yêu quê hương “một cõi đi về” này mà ngôi sao Trịnh đã tỏa rộng ánh sáng trên bầu trời âm nhạc Việt Nam, lay động sâu thẳm trong tâm khảm của những ai không muốn “sống say chết mộng”.
Hãy nghe lại câu nói thật “đứt ruột” của Ông về “mái nhà” này.
“Rứt bỏ mái nhà để ra đi cũng như phụ rẫy một tình yêu. Mái nhà ở lại hoàn toàn vô tội. Mái nhà vẫn chờ cửa để đón người trở về nhưng người ra đi thì không bao giờ kéo được mái nhà về với mình nữa. Có được một mái nhà riêng trong lúc sống là một hạnh phúc. Nhất là mái nhà ấy là hình ảnh của chính mình.”
Trong Lặng Lẽ Nơi Này, có lẽ chúng ta không quên câu “Tình yêu vô tội để lại cho ai buồn như giọt máu”. Chính Ông đôi khi cũng cảm thấy mình như kẻ bạc tình, đã phụ rẫy với “mái nhà vô tội” này.
Ru em phụ rẫy trong ta
Yêu em yêu thêm tình phụ
(Ru em)
Ru em bạc lòng
(Tuổi đá buồn)
Dù “đóa hoa hồng vùi quên trong tay”, dù “tình khi nhớ, tình lúc xa”, nhạc của Trịnh nói chung và những bài hát Ru nói riêng vẫn là những cung bậc “hoài hương” thống thiết của một cánh chim luôn luôn muốn tìm về tổ ấm.
Đêm từng đêm bay về
Quê hương là nỗi nhớ
(Cánh chim cô đơn)
Những câu hát như thế này rất dễ cho chúng ta thấy được bộ mặt thật “quê hương” chính là tâm thức. Tâm chỉ thực sự yên tĩnh một cách trọn vẹn khi đêm về, cách ly mọi lao xao của “đám đông ồn ào, náo nhiệt, không phải là đại diện cho sự sống”.
Trên con đường “loanh quanh cho đời mỏi mệt”, “vòng quanh một vòng tiều tụy” (Một cõi đi về) , “môi em là ánh lửa” vẫn hiện diện với Ông, nhất là những lúc lạnh lẽo, héo buồn.
Ngoài phố mùa Đông Đôi môi em là ánh lửa hồng
Ru đời đi nhé Cho ta nương nhờ lúc thở than
(Ru đời đi nhé)
Và “bờ môi thơm” “cho ta bầu trời” ấy rất nhiều lần buông lời “giận hờn” vì bị “hững hờ”, không được chăm sóc. Nhưng với Trịnh, tình yêu này không bị phụ rẫy hoàn toàn vì trên “màu hồng” thơm tho ấy vẫn không vắng hẳn những “nụ hôn tàn”.
Đóa hoa hồng
Tàn hôn lên môi
(Tuổi đá buồn)
10.
Môi em là đốm lửa, cuộc đời đâu biết thế
“Ngoài phố mùa Đông Đôi môi em là đốm lửa hồng… Đôi môi ngon này giữa trần gian” trong Ru Đời Đi Nhé là những câu thơ gần gũi, trùng cả lời lẫn ý với “môi em là đốm lửa” ở đây.
Có phải “trần gian” vốn lạnh lẽo như “mùa Đông” sẽ ấm áp hơn với đốm lửa của một trái tim thức tỉnh? Trái tim này, như Trịnh từng nói, là “tài sản đẹp” mà mỗi người chúng ta đều sở hữu, là “gia trung hữu bảo”, là hình ảnh của Chúa, Phật vẫn hằng ngự trị bên trong.
“Cuộc đời đâu biết thế” có lẽ là câu lạ nhất trong Ru Tình. Nếu “Môi em là đốm lửa” hiểu theo nghĩa tình yêu đôi lứa, em là ánh sáng của đời anh, hay anh là lẽ sống của đời em, thì vẫn có thể chấp nhận được. Nhưng khi “cuộc đời đâu biết thế” đi tiếp liền phía sau “môi em là đốm lửa” thì cách hiểu này không thể đứng vững, vì “đôi môi” với vị ngọt đời thường kiểu này thì “cuộc đời ai cũng biết” và “mọi người đều biết thế”.
Phải chăng “đốm lửa” ở đây là “ánh sáng của chân tâm”?
Và cũng chính vì ít người biết được kho báu mang tên Chúa, Phật trong nhà mình nên kim cương, vàng ngọc vẫn mãi bị chìm sâu. Có đôi môi nhưng là đôi môi tắt lửa.
Điều này cũng được Trịnh nói một cách khác như “Những đấng tối cao, có lẽ đã ngủ quên cùng với chân lý” (Nỗi lòng của tên tuyệt vọng), hay
Chúa đã bỏ loài người
Phật đã bỏ loài người
(Này em có nhớ)
Để rõ nghĩa hơn, xin thêm chữ “bị” vào để thành “Chúa đã (bị) bỏ quên, Phật đã (bị) bỏ quên” , “những đấng tối cao có lẽ đã (bị) ngủ quên cùng với chân lý”. Sự thật có đó nhưng chưa được đánh thức nên mãi vùi trong giấc ngủ và thân phận “cát bụi mệt nhoài” cuối cùng vẫn chỉ là “hạt cát ngu ngơ nằm chìm dưới chân đi” (Chìm dưới cơn mưa).
Là người hữu duyên với đạo, thấy được “chân lý có sẵn trong mình” nên hơn ai hết, Trịnh hiểu được thế nào là “hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi”, sống bằng đốm lửa của chính mình dầu ánh sáng có đôi lúc nhỏ nhoi.
Đời ta có khi là đốm lửa
Một hôm nhóm trong vườn khuya
(Đêm thấy ta là thác đổ)
Không chỉ có lửa cho riêng mình mà Ông còn ước mơ ai cũng nhận ra ánh lửa đó để được cuộc đời đẹp hơn, “xôn xao nhiều tiếng chim” hơn.
Người đêm đêm mơ thấy mặt trời
Mọc trong tim trong mắt loài người
(Như tiếng thở dài)
11.
Xin em còn đâu đó, cho tôi còn tiếng ru
Ngày xưa khi còn sống, một trong những họa sĩ được Trịnh yêu thích nhất là Pablo Piccaso. Danh họa người Tây Ban Nha này, cho đến nay, vẫn là người có tác phẩm đứng đầu trong những người có tranh cao giá nhất thế giới. Tranh Piccaso rất lạ, phần lớn đều chứa những ẩn số thật quyến rũ những người yêu tranh. Không biết phong cách âm nhạc của Trịnh có phải cũng ảnh hưởng một phần từ Picasso ?
Nhạc của Trịnh có thể nói cũng vậy, rất nhiều điều tàng ẩn. Ai yêu nhạc Ông đều muốn có một sự giải mã, ít nhất cho riêng mình. Thử đặt một câu hỏi : Có phải tình yêu nồng nàn của Trịnh đối với một bóng hồng nào đó trong đời, đã gây cảm hứng đầy sôi nổi, ào ạt như sóng, dạt dào như gió, như mây luôn làm Ông nhớ đến dáng dấp thơm hồng về một tình yêu chung thủy đối với đóa hoa sen hồng thơm của đạo?
Nếu câu hỏi này được xem hợp lý thì xin được nói thêm vui vui là, trong tình yêu, Trịnh “yêu cả hai em cùng một lúc”, một “em thế tục”, một “em tâm linh”.
Yêu em (em đời) yêu thêm tình phụ (em tâm linh bị phụ rẫy)
Yêu em (em đời) lòng chợt từ bi bất ngờ (từ bi là bản chất của em tâm linh)
(Ru em)
Em trước “có tên, có tuổi”, em sau “không tuổi, không tên”. Nhưng không phải ca khúc nào cả hai em cũng song song xuất hiện, có bài thuần túy “em đạo” như Đóa Hoa Vô Thường, có bài chỉ có “em đời” như Diễm Xưa, Xin Trả Nợ Ngừoi. Riêng trong Ru Tình, thì cho tới bây giờ, có lẽ “em tâm linh” đã từ từ hiện ra mỗi lúc một rõ hơn?
Còn em, còn ru! Em còn đó không? Còn đẹp như xưa không? là những câu thỉnh thoảng vẫn được hỏi: “Môi nào hãy còn thơm… Tóc nào hãy còn xanh… Tim nào có bình yên… Hương trầm có còn đây…” (Ru ta ngậm ngùi)?. Và hơn ai hết, Ông biết người tình “ngàn năm” này lúc nào cũng thấp thoáng đâu đó dẫu chỉ “đôi khi”: “Đôi khi thấy trong gió bay …Đôi khi thấy trên lá khô…Đôi khi thấy trong cánh chim…” (Rồi như đá ngây ngô).
“Em tâm linh” “không tên, không tuổi” này được yêu “không cần vội vã”, “yêu như trẻ thơ” (Trong nỗi đau tình cờ) rất khác với cách yêu “vội vàng” như những em “có tuổi, có tên”.
Vội vàng nhưng chóng quên
Rộn ràng nhưng biến nhanh
(Tình sầu)
Những ai đã từng thưởng thức được hương vị thanh thoát, ngọt ngào của “đạo” đều biết rằng khó mà quên được “mùi hương trầm” thanh cao của tình này. Dẫu giòng đời có cuốn ta đi nhưng tiếng gọi trở về hầu như vẫn bên tai, lúc ít lúc nhiều đều vang văng vẳng.
Đôi khi bỗng nghe bước chân về đâu đó của em
(Rồi như đá ngây ngô)
Hãy cùng nghe lại một chút âm thanh rất lạ thường của tiếng chân này.
Dù em khẽ bước không thành tiếng
Cõi đời bao la vẫn ngân dài
(Vẫn thấy bên đời còn có em)
“Bước không thành tiếng” là bước “vô thanh”, “âm thanh của yên lặng”, bạn đồng hành với tiếng nói “vô ngôn” mà nhiều lần chúng ta đã gặp nơi nhạc và những câu nói của Trịnh về một “cõi bao la” “vô lượng, vô biên” của đạo.
12.
Ru em ngồi yên đấy, tôi tìm cuộc tình cho
“Ngồi yên” là một cách biểu đạt khác của “ngủ yên” như trong Em Hãy Ngủ Đi mà chúng ta đã có dịp luận bình. Khi tâm càng yên, cuộc tình sẽ gặp!
(“Cuộc tình” được dùng ở đây cũng là một cách nói đặc biệt của Trịnh, không phải nghĩa hẹp thông thường, mà là cuộc sống và tình yêu mang ý rất rộng. Hãy cùng đọc lại một câu nói quen thuộc của Ông cũng có từ này: “Bờ bến của một cuộc tình cũng không phải hẹp đâu. Có biết bao nhiêu kẻ đã bị dìm chết giữa giòng để mãi mãi không đến được bờ bên kia. Kẻ đã đến được bờ bên kia rồi, khi quay nhìn lại sẽ thấy rất rõ, sẽ nhận thức được mọi thất vọng, khổ đau đã qua đều là giả tạo, phù phiếm. Và bỗng nhiên một nụ cười thanh thản bỗng nở ra. Một khi đã qua được bờ bên kia rồi tất cả sẽ thấy lòng mình tràn ngập một nỗi hân hoan lạ thường và từ đó cái nguồn cội của khổ đau không còn lừa gạt ta được nữa”)
Ánh sáng của sự sống và tình yêu (cuộc tình) thật sự sẽ tự nhiên tỏa chiếu trong ngôi nhà đã hé mở được cánh cửa của sự thật. Cũng giống như cánh bướm hạnh phúc luôn ở ngoài tầm với khi bị đuổi theo, bướm chỉ đáp xuống khi ta ngồi yên lặng
Trên con đường tâm linh trở lại “cõi đi về”, “sự tịch lặng” là một tài sản quý của Trịnh mà Ông luôn cố gắng dưỡng nuôi: “Tôi muốn giữ một sự tịch lặng cho riêng mình và để cho những tiếng nói xung quanh trở thành một sự xao động bình thường của thiên nhiên”.
Tự ru mình về lại với tiếng nói yên tĩnh là một thói quen tâm linh Ông vẫn có mỗi ngày, nhất là khi đêm về cô độc.
Ta biết em đêm đêm đòi lại tiếng nói
Ta biết em đêm đêm đòi lại bóng tối
(Ru đời đã mất)
“Bóng tối” ở đây phải được hiểu theo nghĩa đen của nó như trong một câu nhạc khác.
Nhưng khi về lại thu mình góc tối
Trong tôi rụng đầy bao nhiêu nụ cười
(Bay đi thầm lặng)
“Ru em ngồi yên đấy” chính là khi “tóc gió thôi bay” hay “tay thôi mời mọc” (Em hãy ngủ đi). Đây là lúc trôi đi những mây mờ che phủ bởi “đường chạy vòng quanh”, để thấy được “trên đôi vai ta hai vầng nhật nguyệt”, hay nhìn rõ “môi em là đốm lửa” mà “cuộc đời đâu biết thế”.
Discussion about this post