HOẰNG PHÁP ĐẾN VÙNG SÂU VÙNG XA
HT. Thích Giác Toàn
Đẩy mạnh Phật sự hoằng pháp là nỗ lực không ngừng để quảng bá giáo lý của Đức Phật, truyền bá sâu rộng đạo Phật. Đó là ý nghĩa của từ hoằng
pháp. Cách đây khoảng 2.600 năm, sau khi thành đạo khoảng hơn một năm, khi giáo đoàn Tỳ-kheo đã có 60 vị A-la-hán, Đức Phật dạy, “Này các Tỳ-kheo, hãy đi đi, đi khắp nơi, vì lợi lạc và hạnh phúc của số đông, vì
lòng từ bi đối với đời, vì hạnh phúc của trời và người; chớ đi hai người chung một đường với nhau. Này các Tỳ-kheo, hãy thuyết giảng giáo
pháp cao thượng”. (Mahavagga I, 111). Từ đó, đạo Phật lan truyền khắp Ấn Độ cổ. Các vua Ấn Độ thời Đức Phật và sau Ngài cũng góp công lớn trong việc phát triển đạo Phật, như Tần-bà-sa-la, A-xà- thế, A-dục, Ca-nị-sắc-ca… Đạo Phật được truyền ra nước ngoài, đến các vùng xa xôi, trở thành một trong những tôn giáo cổ nhất và lớn nhất thế giới. Dấu tích của công cuộc phát triển vĩ đại của Phật giáo hiện diện khắp thế giới: kinh sách nhiều nhất, chùa tháp đồ sộ, tượng đài lớn lao, tổ chức Tăng-già vững mạnh… ảnh hưởng đến tư tưởng, tình cảm, và sinh hoạt của loài người. Hoằng pháp là vì lòng từ bi, thương tưởng cho đời như lời Phật dạy. Sự nghiệp hoằng pháp bao gồm việc bố thí cho nguời nghèo khổ, góp công xây dựng cuộc sống an lành, hạnh phúc, phù hợp với giáo lý Đức Phật, xây chùa, dựng thánh tượng, phổ biến kinh sách…nhưng cụ thể, hữu hiệu nhất là sự hiện diện của chư Tỳ-kheo, Tăng Ni, trực tiếp giảng pháp
cho quần chúng.
Cụm từ vùng sâu vùng xa ở đây nhằm chỉ những vùng do hoàn cảnh địa lý đặc biệt chưa được mở mang, đời sống vật chất, tinh thần còn thấp, còn yếu kém về mọi sinh hoạt. Đó là các vùng cao, vùng sâu, vùng biên giới, hải đảo và cả một số vùng ở đồng bằng; nổi bật nhất là các vùng của các dân tộc ít người.
Chủ trương xóa đói giảm nghèo của Đảng và Nhà nước khởi sự mạnh từ năm 1989 khi quyết định thực hiện kinh tế thị trường trong sản xuất và năm 1990 chuyển sang kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Các
Chương trình xóa đói giảm nghèo 134 và nhất là Chương trình 135 đã làm
giảm được tỷ lệ nghèo đói khá rõ. Trang web của Viện Khoa học Xã hội ghi nhận, từ năm 2006 đến năm 2008, tỷ lệ đói nghèo giảm 2,6%. Trang web
vietbao.vn nêu rõ, năm 1993 các hộ nghèo chiếm 58,1%, đến năm 2004 chỉ
còn 19,5%. Thống kê cho biết năm 2011 có 62 huyện nghèo nhất Việt Nam, tập trung ở các tỉnh Cao Bằng, Lào Cai, Yên Bái, Bắc Giang, Phú Thọ, Sơn
La, Lai Châu, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Ninh Thuận, Kon Tum, Lâm Đồng…
Tình cảnh nghèo đói lạc hậu ở các vùng sâu vùng xa là quá rõ. Mức nghèo nhất do Ngân hàng Thế giới ấn định là thu nhập 1USD/người/ngày. Các vùng sâu vùng xa ở Việt Nam, nhất là các vùng dân tộc, tính ra sản lượng tự cung tự cấp cũng chưa đến 2.000VNĐ/người/ngày.
Ở đây muốn nhấn mạnh đến tình hình các dân tộc ít người ở Tây Nguyên và ở các vùng núi phía Bắc, nơi mà Thiên Chúa giáo gồm Công giáo La Mã và Tin Lành hoạt động có hiệu quả và thu hút rất nhiều đồng bào dân tộc theo đạo. Theo các bản tin được Thông tấn xã Việt Nam và trang web Cơ quan đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài truyền lên mạng ngày Chủ nhật
25/3/2012, hiện nay có 800.000 tín hữu Tin Lành ở Việt Nam, trong đó, ở Tây Nguyên có gần 400.000 người. Cũng tại Tây Nguyên, có gần 100 mục sư và 36 chi hội Tin Lành. Dự định in kinh sách Tin Lành bằng các ngôn ngữ Kơ-ho, Ra-đê, Xơ-tiêng, Ba-na… sắp được tiến hành. Trang web của Hội Ân nhân Tỉnh dòng Dòng Chúa Cứu Thế tại Việt Nam nêu hàng năm có 1.000 người Kơ-ho ở Đà Lạt và 1.500 người Raglai, Ba-na ở
Pleiku rửa tội theo Công giáo.
Trong khi đó, những thế lực xấu vẫn không ngừng tìm cách tuyên truyền
để khích động các tín đồ người dân tộc theo Công giáo, Tin Lành gây mất
an ninh, trở ngại cho việc xóa đói giảm nghèo của Nhà nước Việt Nam. Từ những năm đầu thế kỷ 21 đến nay, lực lượng phản động FULRO cũ xúi giục tín đồ Tin Lành ở Tây Nguyên chống Chính phủ, đòi lập nhà nước Dega ở Tây Nguyên. Ở Điện Biên (có ba Hội thánh Tin Lành, hơn 22.000 tín đồ) mới năm ngoái (2011), tín hữu Tin Lành bị xúi giục biểu tình đòi
thành lập Vương quốc H’mông.
Trong lúc Tin Lành, Công giáo phát triển khá vững ở các vùng sâu vùng
xa thì Phật giáo gần như không có dự án phát triển nào ở các vùng này.
Từ Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần III, cố Hòa thượng Thích Thiện Châu đã phát biểu rằng cần phát triển Phật giáo đến vùng sâu vùng xa, đặc biệt là vùng các dân tộc ít người. Phát biểu này được đưa vào nghị quyết của Đại hội. Từ đó đến nay, việc đưa Phật giáo đến các vùng nói trên chỉ được thực hiện rất sơ sài, chưa đáng kể. Lý do là Giáo hội Phật giáo Việt Nam gặp phải không ít các khó khăn. Sau đây là những nguyên nhân chủ yếu:
1. Đạo Phật là đạo trí tuệ, người kém trí khó thông hiểu, khó chấp nhận: Trong khi những người kém trí, trình độ văn hóa thấp, đa số tin vào ông Trời, thờ thần, thờ linh vật… để cầu xin được bình an, được may mắn, được mùa màng bội thu, sản xuất tốt… thì Phật giáo rất khó khiến người ta tin Phật, vị đại trí tuệ với các giáo lý thâm sâu, khúc chiết. Trong khi người ta cầu đảo để xin đấng tối cao giúp thoát bệnh tật, đói nghèo thì Phật giáo khuyên phải tự mình giải thoát cho mình… Người ta dễ
tin vào một Thượng đế, một vị thần quyền năng định đoạt số phận của tất
cả mọi loài. Xem ra, tinh thần Phật giáo Đại thừa với cách hiểu dễ dãi hơn thì có thể gần gũi với đa số người thiếu trí để họ đến với Phật giáo
với điều kiện họ chưa phải là tín đồ của một tôn giáo độc thần!
2. Đạo Phật không chủ trương ép buộc hay dụ dỗ người theo hay cải đạo
sang Phật giáo: Rất nhiều vị đại sư khuyên dặn tín đồ rằng người con Phật không có bổn phận phải khiến cho người ta theo đạo Phật mà hãy cố làm sao giúp người ta sống hiền thiện, phù hợp với giáo lý của Đức Phật.
Chính Đức Phật cũng đã khuyên dạy hãy giữ niềm tin có sẵn của mình và biết suy nghĩ để tiến bộ, không cần phải quy y Phật. Thiên Chúa giáo cả hàng trăm năm đã từng lập Tòa án Dị giáo giết hại những người bị coi là có tư tưởng đi ngược lại lời Chúa, đã làm những cuộc thập tự chinh để tàn sát những người không theo đạo Chúa. Đó là chưa kể rất nhiều tổ chức
tôn giáo chuyên dụ dỗ người dân theo tôn giáo của họ; họ bỏ tiền bạc, công sức giúp đỡ người khốn khó, họ hứa hẹn vật chất, họ vẽ ra vùng đất hứa, họ lợi dụng sự mê tín dị đoan của người kém trí để vẽ vời những phép lạ của Thượng đế… Từ đó, chúng ta không lạ gì số tín đồ của các tôn
giáo ấy ngày một tăng; nhất là khởi từ những người kém trí, lâu ngày thành ra niềm tin, truyền thống tôn giáo, rất khó dứt bỏ.
3. Giáo hội Phật giáo Việt Nam còn nghèo, khó có thể giúp đỡ vật chất
đáng kể cho người dân khó khăn ở vùng sâu vùng xa: Chúng ta chỉ thấy vài phái đoàn từ thiện thỉnh thoảng đến các vùng sâu vùng xa để ủy lạo, cứu trợ. Tặng vật không nhiều và được trao theo từng dịp không đều đặn. Nghèo khổ vật chất khiến người ta chỉ mong được giúp đỡ vật chất. Ai cũng biết câu “có thực mới vực được đạo.” Có cái ăn đã, có cuộc sống vật
chất không quá ngặt nghèo đã. Đạo Phật là đạo từ bi; hạnh bố thí là hạnh đầu và tài thí (hay bố thí tiền bạc, vật chất) là đầu tiên trong các ý nghĩa bố thí. Đất nước mới được phát triển, Phật giáo không có kế hoạch kinh doanh như nhiều tôn giáo khác; sự giúp đỡ vật chất của Phật giáo quả là còn quá ít ỏi so với sự giúp đỡ của vài tôn giáo khác cho các đồng bào vùng sâu vùng xa. Các Phật tử hằng tâm hằng sản lại thường chỉ nghĩ đến việc ủng hộ xây chùa, dựng tượng, đúc chuông, lễ lạt… tại các thành phố hay các nơi họ thường năng lui tới chứ ít người nghĩ đến các vùng sâu vùng xa.
4. Giáo hội Phật giáo Việt Nam chưa có kế hoạch,
phương án cụ thể cho việc đưa Phật giáo đến các vùng sâu vùng xa: Trải qua 6 nhiệm kỳ của Trung ương Giáo hội, không hề có phương án phát triển Phật giáo ở vùng sâu vùng xa. Ban Hoằng pháp cũng ít có báo cáo về việc thuyết pháp ở các nơi này. Chung quy chỉ có báo cáo của Ban Từ thiện xã hội về các đoàn cứu trợ, ủy lạo ở các vùng này. Chùa, Niệm Phật đường hay các cơ sở Phật giáo khác rất hiếm thấy xuất hiện ở đây.
Trong khi đó, ta hãy xem, ở Tây Nguyên với 400.000 tín đồ Tin Lành có
100 mục sư, 36 chi hội Hội thánh như đã nói trên. Công giáo, theo thống
kê trên trang web Wikipedia, gồm 5,7 triệu tín đồ trên toàn quốc, với 3.100 linh mục, 14.400 tu sĩ, 53.000 giáo lý viên. Tính sơ lược, Công giáo có 70.000 người có thể làm công tác xã hội, làm giảng viên giải thích, tuyên thuyết kinh Thánh. Phật giáo có 40 triệu tín đồ và hơn 40.000 Tăng Ni, thử hỏi có bao nhiêu vị có khả năng hoằng pháp, thuyết pháp? Đã có thống kê các chùa, các Tăng Ni hành đạo ở các vùng sâu vùng xa chưa?
Những khó khăn nêu trên vừa mang tính khách quan vừa mang tính chủ quan. Tìm hiểu thật kỹ những khó khăn ấy thì có thể tìm cách gỡ dần để tiến tới việc phát triển Phật giáo ở vùng sâu vùng xa. Bước đầu tiên, chúng ta có thể có một số hoạt động khả dĩ mang lại lợi ích thiết thực về vật chất, tinh thần cho người dân ở các vùng hẻo lánh.
1. Tăng cường các chuyến ủy lạo, cứu trợ: Tăng cường vận động các nhà
hảo tâm tham gia các cuộc ủy lạo, cứu trợ do Phật giáo tổ chức. Hình ảnh Tăng Ni trong các đoàn cứu trợ có thể gây ấn tượng Phật giáo trong quần chúng.
2. Giúp vốn làm ăn, hướng dẫn ngành nghề là cách thiết thực, hữu hiệu
trong việc xóa đói giảm nghèo và ngăn chặn sự tái nghèo đói.
3. Tái thiết hoặc xây dựng hệ thống các chùa làng, các nhà giữ trẻ, lớp mẫu giáo. Đây có thể xem là khởi đầu của việc hoằng pháp vùng sâu vùng xa. Tăng Ni cần được khuyến khích thực hiện Phật sự quan trọng này.
Vận động kinh phí cho nhà giữ trẻ miễn phí, giúp bữa cơm trưa cho cha mẹ lo làm ăn, sản xuất, là những việc không đòi hỏi phí tổn cao mà Giáo
hội hay các Tăng Ni thiện tâm và có điều kiện có thể làm được. Hình ảnh Tăng Ni, tượng Phật tại các cơ sở này sẽ gây ấn tượng tốt cho dân trong vùng.
4. Ban Hoằng pháp cần đẩy mạnh việc đào tạo giảng sư, nội dung giảng dạy cần đề cập đến việc hoằng pháp ở vùng sâu vùng xa. Các giảng sư được khuyến khích làm Phật sự, giảng pháp tại các vùng này. Giáo hội và Ban Hoằng pháp có chương trình gửi các Tăng Ni đi học tiếng dân tộc tại các trường dạy các ngôn ngữ dân tộc do Nhà nước tổ chức. (Hiện có 7.010 trường dạy tiếng dân tộc trên toàn quốc).
5. In tượng Phật, tờ rơi giới thiệu sơ lược Phật giáo viết bằng tiếng
dân tộc. (Hiện có rất nhiều người dân tộc nói và viết thành thạo, có trình độ văn hóa cao). Trước tiên là các tờ rơi in bằng các ngôn ngữ của
vài dân tộc có trên dưới một triệu người như Thái, Mường, Nùng…
Trước khi thực hiện các dự kiến nói trên, chư Tăng Ni hay các vị giảng sư hoằng pháp cần ghi nhận một số điều được xem là căn bản:
– Bố thí tài vật, ủy lạo người nghèo khổ cũng là một hình thức hoằng
pháp nhưng chủ yếu là một hành động phát xuất từ lòng từ bi, sự thương yêu, thông cảm, sẻ chia tinh ròng chứ không vì mục đích truyền bá đạo Phật, khuyến dụ người ta theo đạo Phật. Dứt khoát không giảng giáo lý trong lúc làm việc công ích, từ thiện, ủy lạo. Nếu cần thì chỉ chân thành bảo rằng mình sẽ cầu nguyện Đức Phật phò hộ cho mọi người được bình an, vượt qua được mọi khốn khó.
– Kính trọng các tôn giáo đang cùng hoạt động trên địa bàn với mình. Luôn luôn tỏ ra hài hòa, xây dựng, đoàn kết và hỗ trợ nhau trong việc làm vơi khổ đau cho mọi người.
– Không phê bác tôn giáo, tín ngưỡng, tập tục (dù là hủ tục) của người địa phương. Hãy tin rằng lâu dài về sau, khi giáo lý của Đức Phật được quảng bá, những gì trái với giáo lý sẽ được người ta loại bỏ dần trong các sinh hoạt và trong tư tưởng, tình cảm. Không nóng vội trong việc giảng pháp, hãy giảng pháp bằng thái độ khoan hòa, bằng tình thương yêu, thông cảm.
– Luôn giữ thái độ bình tĩnh, nhẫn nại, chịu đựng gian khổ khó khăn có thể gặp phải: địa bàn hiểm trở, thời tiết khắc nghiệt, phương tiện thiếu thốn, có khi còn gặp sự hiểu lầm, đố kỵ, chống đối…
– Hoàn toàn không nghĩ rằng mình làm Phật sự là đang tạo công đức, mong được thiện quả. Hãy hồi hướng công đức (nếu nghĩ rằng có) cho mọi người trong vùng, cho hết thảy chúng sinh đang đau khổ.
– Luôn luôn tôn trọng pháp luật, theo đúng các quy định của Nhà nước và của chính quyền địa phương.
Hoằng pháp là sự nghiệp lâu dài, hoằng pháp ở vùng sâu vùng xa đòi hỏi nhiều công sức, tài lực. Chúng ta không quên hình ảnh Đức Phật và đoàn Tỳ-kheo trong suốt 45 năm hoằng hóa Phật pháp trong thời Ngài tại
thế; không quên gương sáng Phú-lâu-na đến xứ Du-lãn- na xa xôi khi ấy còn mông muội hiếu động; ngài Mahinda truyền pháp sang đến Sri Lanka; sơ
tổ Bồ-đề-đạt-ma sang Trung Quốc phát triển Thiền tông… Tất cả đều nhằm lý tưởng Phật giáo, giải thoát khổ đau, tạo an lạc cho hết thảy chúng sanh. Chư Tăng Ni Phật tử Việt Nam quyết thực hiện lý tưởng cao vời ấy, một lòng vì Đạo vì Đời, trong đó vị giảng sư hoằng pháp đóng vai trò rất
quan trọng.
Nhà nước và nhân dân đã thực hiện các chương trình xóa đói giảm nghèo, trọng điểm là ở các vùng sâu vùng xa trong suốt hơn 20 năm qua, kể từ 1989. Các chương trình từ thiện, công ích xã hội của Giáo hội Phật
giáo Việt Nam đã là những đóng góp rất đáng kể. Riêng sự nghiệp hoằng pháp ở vùng sâu vùng xa là chưa có những thành tựu xứng đáng. Đây là mục
tiêu phấn đấu của Giáo hội. Chúng ta tin rằng trong thời gian tới, các giảng sư hoằng pháp sẽ có những đóng góp tích cực, hữu hiệu hơn cho công
cuộc hoằng pháp lợi sinh. „
Tạp Chí Văn Hoá Phật Giáo số 153 | THÍCH GIÁC TOÀN
Discussion about this post