Thekchen Chöling, Dharamsala, HP, Ấn Độ – Sáng nay, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã được mời tham gia dự án Thế Giới Mới Dũng Cảm của Lễ hội văn học Jaipur, cùng với người bạn cũ Pico Iyer đàm thoại trực tuyến. Khi quang lâm đến khán phòng tại Dinh thự của mình; Ngài đã rất hoan hỷ khi nhìn thấy khuôn mặt của Pico trên màn hình trước mặt. Ngài mỉm cười, vẫy tay chào và chúc Pico và Sanjoy Roy của Lễ hội văn học Jaipur (JLF) – với lời “Chào buổi sáng!”.
Roy đã thay mặt JLF cung đáp lại lời chào của Ngài. Ông giải thích rằng họ vô cùng vinh dự khi được trình chiếu về cuộc đàm thoại giữa Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma và Pico Iyer về chủ đề “Hạt giống Từ Bi”. Ông đã trân trọng giới thiệu về Ngài là một người đã tự mô tả chính mình chỉ đơn giản là một Tu sĩ Phật giáo; Ngài là một con người của hòa bình; và là người đã nhận được giải thưởng Nobel Hòa bình vì sự ủng hộ kiên định của Ngài về tinh thần bất bạo động.
“Xin chào mừng Ngài và cảm ơn Ngài đã tham gia cùng với chúng con!” Pico đã bắt đầu và kính vấn an Đức Ngài: “Ngài vẫn khoẻ chứ ạ?”
Ngài trả lời: “Hãy kiểm tra khuôn mặt của tôi này! và hãy lắng nghe sức mạnh từ giọng nói của tôi. Sự quan tâm của tôi đối với các truyền thống hàng ngàn năm của Ấn Độ về ‘ahimsa’ (bất bạo động) và ‘karuna’ (lòng từ bi) đã mang lại cho tôi cả sự tự tin và sức mạnh nội tâm.
“Bất cứ nơi nào tôi đến, tôi đều luôn cảm thấy những người mà tôi được gặp gỡ – họ cũng là con người giống như tôi vậy. Các nhà khoa học cũng đã chứng minh cho thấy rằng con người chúng ta là loài sống trong đoàn thể xã hội. Chúng ta có ý thức về cộng đồng. Từ lúc chào đời, chúng ta đã có cùng cảm giác gần gũi với những người xung quanh.
Trong quá khứ, con người thường có mối quan hệ hạn chế với người khác. Nhưng ngày nay – là một phần của nền kinh tế toàn cầu – tất cả chúng ta đều thuộc về một cộng đồng, cho dù chúng ta là người từ phía bắc, nam, đông hay tây. Đồng thời, chúng ta còn phải đối mặt với các vấn đề như – sự nóng lên của toàn cầu đã ảnh hưởng đến tất cả chúng ta. Do đó, chúng ta phải nghĩ rằng, tất cả bảy tỷ người đều là một cộng đồng nhân loại. Đó là lý do vì sao – khi đi đến đâu – tôi cũng luôn nghĩ về những con người mà tôi được gặp gỡ đều như anh chị em của tôi vậy”.
“Thưa Ngài! Ngài thực hành ‘ahimsa’, và ‘karuna’ như thế nào ạ? Đó có phải là điều mà chúng ta có thể thử không ạ? – Pico hỏi.
Ngài nói với Ông ta rằng: “Vì cơn đại dịch này, nên người ta đã yêu cầu tôi không nên gặp mặt trực tiếp mọi người, vì vậy tôi đã có một kỳ nghỉ cho chính mình. Nhưng tôi vẫn hành lễ cầu nguyện hàng ngày và thực hành thiền định 4 tiếng đồng hồ vào mỗi buổi sáng như thường lệ. Ngay từ lúc thức dậy, tôi đã nghĩ về ‘karuna’ (tâm Từ bi), đây là phương pháp thực hành của tôi. Về mặt trí tuệ ‘ahimsa’ (bất bạo động) phản ánh ‘pratityasamutpada’ hay còn gọi là ‘lý Duyên Khởi’ cũng có thể được mô tả như ‘shunyata’ (tánh Không); không có sự tồn tại chắc chắn.
“Giận dữ và ganh tỵ – đó là những cảm xúc tiêu cực; nó đặt nền tảng trên việc chúng ta bám chấp mạnh mẽ vào cái ‘Tôi’ của mình. Vì vậy, phát triển một sự hiểu biết về ‘vô ngã’ sẽ giúp làm giảm đi cảm xúc tiêu cực đang giày xéo lên chúng ta. Các nhà vật lý lượng tử đã thực hiện một quan sát so sánh cho thấy rằng vẻ xuất hiện bề ngoài khác với bản chất thực tế. Dáng vẻ bên ngoài thể hiện rằng mọi thứ tồn tại độc lập, nhưng nếu chúng ta kiểm tra chúng một cách sâu sắc thì chúng sẽ không như vậy. Cảm xúc tiêu cực được dựa trên loại xuất hiện bề ngoài đó. Một khi đã hiểu được rằng – không có gì tồn tại như sự xuất hiện của nó – thì sẽ làm giảm đi sự ảnh hưởng của những cảm xúc tiêu cực đối với chúng ta.
Nhà vật lý hạt nhân Ấn Độ – Raja Ramanan – đã từng nói với tôi rằng, vật lý lượng tử là vấn đề vẫn còn mới mẻ đối với phương Tây, nhưng những cách suy nghĩ tương tự như thuyết vật lý lượng tử thì đã được phát triển từ rất lâu ở Ấn Độ bởi các nhà tư tưởng như Ngài Long Thọ.
Vì vậy, ngay từ lúc thức dậy, tôi thường nhìn xem cái ‘ngã’ của mình ở đâu, nhưng tôi không thể tìm ra nó. Điều này làm mất đi sự bám chấp của những cảm xúc tiêu cực như giận dữ, sợ hãi và ganh tỵ. Mặt khác, những cảm xúc tích cực như ‘karuna’ – lòng từ bi – được dựa trên nền tảng của sự hiểu biết đó và có thể được củng cố mạnh mẽ thông qua lý trí.
Ấn Độ cũng có truyền thống lâu đời đối với việc trưởng dưỡng ‘shamatha’, (tâm hồn định tĩnh) và ‘vipashyana’ (sự hiểu biết sâu sắc); đó chính là những phương pháp hữu ích để rèn luyện tâm thức.
Như tôi đã đề cập, lúc vừa thức dậy, tôi đã tự hỏi mình, “Cái ‘Ngã’ ở đâu? Cái ‘Tôi’ ở đâu? ‘Đạt Lai Lạt Ma’ ở đâu? Khi tôi không thể tìm thấy nó, tôi đã nhận ra rằng đó chỉ là một sự định danh. Đây là những điều mà Đức Phật đã giải thích về vô ngã (anatman). Và nó vô cùng hữu ích khi nó được sử dụng để giải quyết những cảm xúc tiêu cực. Những cảm xúc này là tiêu cực bởi vì nó đã phá hủy sự bình an trong tâm hồn của chúng ta; và theo cách đó – nó đã làm tổn hại sức khỏe của chúng ta.
Mỗi đêm tôi cũng thường ngủ được chín tiếng đồng hồ. Ba hoặc bốn năm trước, khi tôi ở miền đông bắc Ấn Độ và kết bạn với một chính trị gia địa phương đi cùng tôi lúc đó. Vào một buổi sáng, ông ấy đã hỏi tôi ngủ nghỉ như thế nào, vì vậy tôi đã nói với ông ta rằng ‘Tôi thường ngủ rất ngon luôn cả chín tiếng đồng hồ, sau đó thì thực hành thiền định bốn tiếng đồng hồ nữa để giúp cho tâm thức của tôi được sắc bén, để tôi có thể phỉnh gạt người khác dễ dàng hơn.’ Ngay lập tức ông ấy trả lời rằng, “Ồ! tôi chỉ ngủ được có sáu tiếng đồng hồ, vì vậy tôi không thể lừa dối được ai cả!”
Ngài nhận xét rằng, tất cả kiến thức của Ngài đều được bắt nguồn từ Ấn Độ; và vì thế cho nên ngày nay, Ngài đang khuyến khích người Ấn Độ hồi sinh lại di sản cổ xưa của họ. Ngài khẳng định rằng nền giáo dục hiện đại chỉ hướng đến các mục tiêu vật chất mà ít đánh giá cao vai trò của tâm thức và cảm xúc. Tuy nhiên, Ngài tin chắc rằng Ấn Độ có thể tìm ra phương cách để kết hợp nền giáo dục hiện đại với kiến thức cổ xưa, và nếu Ấn Độ làm được điều này, thì có thể giúp ích cho cả nhân loại bằng cách chỉ ra phương pháp trưởng dưỡng thế giới nội tâm của chúng ta. Ngài nhấn mạnh rằng, chúng ta sẽ chỉ có thể đạt được một thế giới hòa bình nếu trước hết chúng ta phát triển được sự an lạc nội tâm trong chính mình.
Pico Iyer lưu ý rằng, Ngài đã đề cập đến việc ‘giáo dục con tim’; và ông hỏi rằng nó liên quan đến điều gì; và có sự khác biệt như thế nào đối với việc ‘giáo dục tâm thức’.
“Nó không thể được thực hiện chỉ bằng cách cầu nguyện; mà chúng ta cần phải sử dụng trí thông minh của mình. Việc chúng ta có được khỏe mạnh hay không đều có liên quan đến việc chúng ta có thường xuyên để ý đến tâm thức của mình hay không. Chúng ta thường nghĩ về tâm thức của mình như một khía cạnh của ý thức, nhưng chúng ta cần phải làm quen tốt hơn đối với ý thức tinh thần của mình. Chúng ta cần phân tích tâm thức, phải sử dụng trí tuệ con người. Chúng ta cần kiểm tra cân nhắc xem những cảm xúc nào hữu ích và những cảm xúc nào có hại. Chúng ta cũng cần nên kiểm tra những nguyên nhân đưa đến những cảm xúc. Hãy tự hỏi xem điều gì đã làm phát sinh sự sân giận trong bạn; và nguồn gốc của tâm từ bi là gì. Đây là điều mà chúng ta cần phải suy tư một cách sâu sắc. Và kết quả là, ta sẽ có thể tăng cường những nguyên nhân của cảm xúc tích cực và loại trừ những nguyên nhân của cảm xúc tiêu cực.
Bộ não con người trong chức năng phân tích của nó thì vô cùng quan trọng so với khía cạnh phi khái niệm của nó. Chúng ta cần sử dụng trí thông minh và khả năng phân tích này để nỗ lực loại trừ những cảm xúc tiêu cực. Tâm lý học Ấn Độ cổ đại có tiềm năng đóng góp cho những tâm thức lành mạnh hơn trên toàn thế giới; điều mà nền văn minh phương Tây vẫn còn thiếu sót. Sự hiểu biết của người Ấn Độ không chỉ bắt nguồn từ đức tin, mà còn biêt cách sử dụng tối ưu trí thông minh của con người trong bối cảnh thế tục.
Ngài đã đề cập rằng, Ngài có bốn điều cam kết. Đầu tiên là liên quan đến việc – Ngài là một trong số bảy tỷ người – có phẩm tính cơ bản là từ bi. Ngài cam kết thúc đẩy sự đánh giá cao của tâm từ bi và tấm lòng ấm áp nhân hậu. Ngài cũng cảm thấy có nhiệm vụ cần phải thúc đẩy sự hòa hợp giữa các tôn giáo. Tất cả các truyền thống tôn giáo đều giảng dạy về tình yêu thương và lòng từ bi; vì vậy sự giết chóc nhân danh tôn giáo là điều không thể tưởng tượng được. Ngài nói rằng, Ấn Độ là một tấm gương điển hình cho thấy rằng sự hòa hợp tôn giáo là điều có thể khả thi. Những truyền thống tôn giáo lớn trên thế giới đã phát sinh ở Ấn Độ – cũng như những truyền thống bắt nguồn từ những nơi khác – đã cùng sống với nhau một cách hài hoà ngay tại nơi này.
Thừa nhận rằng mình là người Tây Tạng – là một người mà nhân dân Tây Tạng đã đặt niềm tin trọn vẹn của họ nơi đó – Ngài giải thích rằng Ngài đã hết trách nhiệm về mặt chính trị vào năm 2001. Ngài nói thêm rằng, cộng đồng tị nạn Tây Tạng tuy nhỏ bé, nhưng đã phát triển một hệ thống dân chủ và đảm bảo hiện nay đang có một vị lãnh đạo do nhân dân bầu chọn. Ngài không những đã chấm dứt vai trò chính trị trước đây của mình, mà còn tuyên bố rằng sẽ không có vị Đạt Lai lạt Ma nào trong tương lai đảm nhận vai trò chính trị ấy nữa.
Liên quan đến vấn đề Tây Tạng – một trong những mối quan tâm chính của Ngài – đó chính là hệ sinh thái. Các con sông lớn của châu Á, như sông Indus, sông Hằng, sông Brahmaputra, sông Mekong, và sông Hoàng Hà đều bắt nguồn từ Tây Tạng và chảy qua lục địa. Chúng là một nguồn nước vô cùng thiết yếu. Sự nóng lên của toàn cầu – và hậu quả là lượng tuyết rơi bị giảm đi – đã đặt ra một mối đe dọa vô cùng nghiêm trọng.
Ngoài các vấn đề về môi trường, điều mà Ngài quan tâm nhất về Tây Tạng là bảo tồn kiến thức của Tây tạng. Vào thế kỷ thứ tám, Hoàng đế Tây Tạng – Trisong Detsen đã nhận ra tầm quan trọng của việc nghiên cứu về những điều mà Đức Phật đã dạy. Ông đã rất có hứng thú muốn biết thêm về truyền thống tiếng Phạn của Ấn Độ – được duy trì bởi các bậc Thầy của Đại học Nalanda. Thế nên từ đó, Hoàng đế đã thỉnh bậc học giả uyên thâm và cũng là nhà logic học vĩ đại – Thiện Hải Tịch Hộ – đến Tây Tạng. Chúng tôi đã thực hành theo những điều mà Ngài ấy đã dạy chúng tôi trong hơn một nghìn năm qua. Chúng tôi đã áp dụng những trí tuệ sắc bén của mình để gìn giữ cho Truyền thống Nalanda được tồn tại.
Việc đào tạo của chúng tôi bắt đầu bằng việc học thuộc lòng các bản văn cổ điển. Bản thân tôi đã bắt đầu học điều này khi tôi được bảy tuổi. Sau đó, chúng tôi lắng nghe từng lời giải thích dựa trên các tác phẩm của các học giả Ấn Độ; và sau này là của các học giả Tây Tạng. Cuối cùng, áp dụng phương pháp logic, chúng tôi xem xét kiểm tra lại những gì mà mình đã hiểu được qua sự tranh biện. Đức Phật đã khuyên rằng:
“Hỡi chư Tăng và các Vị Học Giả!
Cũng như vàng được thử bằng cách đốt nung, cắt chặt và cọ xát,
Lời của ta cũng như thế mà kiểm tra,
Rồi mới chấp nhận chứ đừng chỉ vì lòng sùng mộ!”
Đây là phương pháp mà luôn luôn đặt câu hỏi tại sao? Tại sao? đã được áp dụng tại Nalanda. Và trên cơ sở đó – chúng ta cần phải sử dụng trí thông minh con người của mình một cách triệt để.
Một lập trường hợp lý và logic như vậy chỉ được bảo tồn ở Tây Tạng. Phật tử Trung Quốc đã nhận thức được Truyền thống Nalanda bởi vì Ngài Huyền Trang đã học ở đó, nhưng họ lại thích sự thiền định yên tĩnh hơn là phương pháp hiếu học. Các bản luận giải thật tuyệt vời về logic do Ngài Trần Na và Ngài Pháp Xứng trước tác đã không được dịch sang tiếng Trung Quốc, mặc dù các tác phẩm ấy đã được dịch sang tiếng Tây Tạng.
Sau khi đến Ấn Độ, chúng tôi dần dần tham gia vào các cuộc thảo luận với các nhà khoa học – tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực vũ trụ học, sinh học thần kinh, vật lý và tâm lý học. Khoa học cũng đã chọn phương pháp lý luận, điều tra nghiên cứu đối với kiến thức; và những tương tác của chúng tôi đã mang lại sự lợi ích cho nhau.
Kể từ khi trở thành người tị nạn, tôi rất thích cuộc sống của mình tại Ấn Độ. Đối với chúng tôi đó là một vùng đất vô cùng thiêng liêng. Ở Tây Tạng, chúng tôi đã từng ấp ủ ước mơ rằng mong sao mình có thể được chiêm bái Thánh Địa Bồ Đề Đạo Tràng ít nhất một lần trong đời, giống như một người Hồi giáo hy vọng sẽ thực hiện một cuộc hành hương đến Mecca. Bây giờ, là những người tị nạn, chúng tôi đã có thể hàng năm được chiêm bái Thánh Địa Bồ Đề Đạo Tràng.
Một phần quan trọng khác trong sự hấp dẫn của Ấn Độ – đó chính là sự tự do. Tôi yêu văn hóa Trung Quốc, nhưng ở Trung Quốc không có sự tự do ngôn luận. Vì vậy, trở thành người tị nạn – nhìn từ một quan điểm nào đó – thì đây là điều đáng buồn; nhưng từ một quan điểm khác thì nó lại cho ta rất nhiều cơ hội. Tôi cảm thấy mình thật sự rất may mắn khi được sống trên đất nước này và được tận hưởng sự tự do đến trọn vẹn. Tôi cũng rất vinh dự khi được làm vị khách lâu năm nhất của Chính phủ Ấn Độ.
Iyer kể lại rằng, lần cuối họ gặp nhau ở Nhật Bản vào năm 2018, Ngài đã nói với ông ta rằng thế giới dường như đang trải qua một cuộc khủng hoảng về cảm xúc. Ông hỏi rằng hiện giờ Ngài có còn cảm thấy như vậy nữa không.
Ngài trả lời: “Chúng ta thực sự cần ý thức về sự đồng nhất của toàn thể nhân loại. Nếu chỉ nghĩ về đất nước tôi, dân tộc tôi, tôn giáo tôi – điều ấy đã lỗi thời. Rất nhiều vấn đề rắc rối đã phát sinh khi suy nghĩ của chúng ta bị giới hạn đối với một sự nhận biết thiển cận hẹp hòi hoặc đối với người khác. Nó có thể dẫn đến xung đột, nhưng ngay cả chiến tranh cũng xuất phát từ thái độ phong kiến. Trong quá khứ, các vị vua, hoàng hậu hoặc đôi khi là các nhà lãnh đạo tôn giáo, đã chiến đấu vì lo ngại cho quyền lực của chính họ. Họ đã gợi lên ý thức về ‘chúng ta’ và ‘bọn họ’, và cưỡng bách những người khác phải thay mặt họ để chiến đấu.
Ngày nay, trong thế giới dân chủ hơn của chúng ta, nếu ta hỏi từng người lính rằng, theo quan điểm cá nhân của họ thì họ có sẵn sàng hy sinh vì tổ quốc của mình; hay họ thích sự hòa bình hơn – hầu hết họ sẽ nói rằng họ thích hoà bình. Tuy nhiên, vì họ đã được huấn luyện, trang bị vũ khí và thi hành theo mệnh lệnh, cho nên họ phải đi chiến đấu.
Tôi tin rằng chúng ta có thể đạt được một thế giới hòa bình hơn thông qua hệ thống giáo dục và sử dụng trí thông minh của mình. Nếu chúng ta quan tâm đến toàn bộ nhân loại, thì mỗi cộng đồng tạo nên nhân loại ấy sẽ có được sự lợi ích tối đa.
“Cậu là người bạn cũ của tôi, xin hãy ghi nhớ những cam kết này của tôi! Cam kết thứ tư trong số đó là khuyến khích sự hồi sinh của kiến thức Ấn Độ cổ đại trong bối cảnh Ấn Độ hiện đại. Hệ thống giáo dục do người Anh thiết lập không dành nhiều sự quan tâm cho vấn đề này. Ngay cả Ngài Mahatma Gandhi – theo tôi nghĩ – dường như cũng quan tâm nhiều đến sức mạnh của tinh thần bất bạo động hơn là đối với tâm lý học Ấn Độ cổ đại; và Pandit Nehru thì lại khá Tây hóa. Tuy nhiên, vẫn chưa quá muộn để tìm ra phương pháp kết hợp kiến thức về thế giới nội tâm của chúng ta với nền giáo dục hiện đại. Xin hãy ghi nhớ điều này!”
Iyer hỏi: “Thưa Đức Ngài! Ngài là một người lạc quan và Ngài sắp tròn 85 tuổi. Ngài có cảm thấy thế giới hiện nay tốt hơn so với lúc Ngài còn thơ ấu không ạ?
Ngài trả lời: “Nó đang cải thiện. Tôi rất ngưỡng mộ tinh thần của Liên minh châu Âu! Sau quá nhiều xung đột và bạo lực lên đến đỉnh điểm qua hai cuộc chiến tranh thế giới, đặc biệt là người dân Châu Âu, Pháp và Đức, đã quyết định rằng thế là đã quá lắm rồi! Thay vì để cho sự giết chóc cứ tiếp tục, thì chúng ta nên làm việc cùng nhau sẽ tốt hơn. Mặc dù trong lịch sử đã từng là kẻ thù không đội trời chung của nhau, nhưng Pháp và Đức đã phát triển ý tưởng trở thành khối Liên minh Châu Âu; và kết quả là không có cuộc chiến nào giữa các quốc gia thành viên trong 70 năm qua. Vào đầu thế kỷ 20, đạt được một kết quả như vậy dường như là điều ngoài sức tưởng tượng.
Tuy nhiên, người Anh vẫn suy nghĩ quá nhiều trong vài thế kỷ khi họ cai trị một đế chế. Hiện giờ, Anh chỉ là một hòn đảo nhỏ. Tất nhiên, người Anh có quyền quyết định những gì họ sẽ làm, và đó không phải là vấn để dành cho tôi; nhưng tôi vẫn cảm thấy rằng nếu họ ở lại với Liên minh Châu Âu thì sẽ tốt hơn. Và tôi nghĩ rằng nếu các Liên minh có tinh thần tương tự như thế có thể được thành lập ở Châu Phi, Châu Mỹ Latinh và ở các nơi khác thì sẽ tốt biết dường nào!
Chúng ta nên mở rộng tầm ảnh hưởng của Liên hợp quốc (LHQ) và thống nhất vị thế bình đẳng với tất cả các thành viên. Sự giới hạn quyền lực của quyền phủ quyết đối với một số quyết định đã không còn là dân chủ nữa. Bất cứ nơi nào có vấn đề rắc rối xảy ra trên thế giới thì Liên Hợp Quốc đều bước vào can thiệp. Nó chú ý đến các cuộc khủng hoảng liên quan đến người Rohingya và ở Yemen. Nó cũng quan tâm đến chính những người nghèo khổ và đói khát.
Trên thế giới ngày nay, vẫn còn một khoảng cách rất lớn giữa giàu và nghèo. Nạn đói đang hoành hành khắp nơi. Chúng ta cần phải giảm thiểu khoảng cách này nhờ vào sự ý thức về tính đồng nhất của nhân loại.
“Thế nên, sự cô lập là thiếu thực tế ạ?”
Ngài trả lời: “Đúng vậy! Chúng ta cần phải nghĩ đến tất cả loài người. Nếu chỉ chấp vào đất nước tôi, tôn giáo tôi, cái này của tôi, cái kia của tôi… thì sẽ dẫn đến đánh nhau. Chúng ta cần hướng tới một thế giới phi quân sự; cần phải mở rộng tinh thần ‘ahimsa’ – bất bạo động”.
Pico Iyer đã kết thúc cuộc đàm thoại bằng cách cám ơn Ngài đã chia sẻ về trí tuệ của mình. Sanjoy Roy đã cảm ơn Ngài và Pico Iyer về cuộc trò chuyện của họ – cũng như đã cám ơn khán giả vì đã lắng nghe cuộc đàm thoại của họ. Khi màn hình đang mờ dần, mọi người vẫn còn có thể nghe thấy tiếng của Ngài nói rằng “Xin cảm ơn quý vị! Chào tạm biệt!”
(Bản gốc: dalailama.com)
.
Discussion about this post