HÀNH TRÌNH CHIÊM BÁI PHẬT TÍCH
CỦA DOANH NHÂN
Tác giả: Tạ Thị Ngọc Thảo
Đầu Xuân mới cũng là khi lòng người càng thêm hướng Phật, hướng Thiện và cầu mong một năm mới an lành. Nhân dịp đầu Xuân Tân Mão, mời quý độc giả theo dấu chân nữ doanh nhân Tạ Thị Ngọc Thảo chiêm bái Phật tích Ấn Độ – Nepal.
1
Phần 1: Hành trình chiêm bái Phật tích của doanh nhân
Trong kinh, Đức Phật dạy: “Này các Tỳ Kheo, sau khi ta diệt độ, tất cả Thiện nam, Tín nữ, người mà có lòng tin nơi Phật pháp nên đi đến 4 nơi linh thiêng và ghi nhớ rằng đây là Lumbini, nơi Ta Đản sanh, đây là Bodhgaya nơi Ta Thành đạo, đây là Sarnath nơi Ta Chuyển Pháp luân và đây
là Kushinagar nơi Ta nhập Niết bàn.”.
Trước khi lên đường chiêm bái Phật tích, tôi tập hợp sách của nhà nghiên cứu, giới xuất gia, cư sĩ, nhà báo…, viết về những Thánh tích Phật giáo ở Ấn Độ và Nepal; nhưng rồi tôi quyết định không đọc. Tôi muốn
cảm thụ Phật tích với góc nhìn và cảm xúc của một hài nhi.
Bài này tôi viết cho những người trẻ chưa quy y Tam Bảo và những doanh nhân hiểu về Phật Pháp sơ khai như tôi. Thông qua bài viết này, tôi còn có mong muốn giới thiệu với độc giả sự tương kính, tương thân, tương ái, tương trợ, của từng thành viên trong đoàn với nhau, với xứ Phật và Đức Phật.
Cực trước, lạc sau
Con trai bé xíu của tôi hay nói đùa với má, “Không có việc gì khó / Chỉ sợ tiền không nhiều”, câu nói này có thể hợp với những chuyến đi Tây, đi Mỹ, đi Tàu, nhưng chẳng dính dáng gì đến xứ sở mà đoàn chúng tôi
sẽ đi qua. Như Ni sư lớn tuổi nhất trong đoàn, người có duyên viếng xứ Phật nhiều lần, nói “Cái xứ mà có tiền cũng đành chịu đói vì không có ai
bán và, nếu có bán thì cũng không hợp khẩu vị”.
Có lẽ vì thế mà hành lý của đoàn quá tải. Nào mì chay, cháo chay, miến chay, hủ tiếu chay, bột ngũ cốc, trà tây, trà ta, trà tàu, cà phê, ca cao, sô cô la và các loại thuốc phòng bệnh, trị bệnh, đóng gói. Nào tương, chao, bột nêm, sữa, phô mai, bơ, bánh, kẹo và các loại hạt ăn liền. Đó là chưa kể rong biển, muối mè, phù chúc, đậu hủ và các loại nấm
đã qua chế biến.
Do công chuyện làm ăn, tôi thường phải đi nước này nước khác. Ngại tay xách nách mang, tôi chỉ đem theo một thứ nhẹ nhất, đó là “tiền”. Có lẽ vì vậy nên khi thấy số hành lý của đoàn quá “hoành tráng” tôi vừa thẹn, vừa mắc cười. Nhưng chỉ vài ngày sau tôi vỡ lẽ, nhờ chuẩn bị lương
thực – thực phẩm chu đáo như vậy, đoàn mới đủ phước quay lại quê nhà một cách phổng phao. Và tôi, người èo uột nhất đoàn, nếu không được nuôi
kỹ, khi về đến nhà chắc chắn sẽ được đạo diễn phim “Sao tháng tám” (phim đặc tả nạn đói 1945) mời thủ vai chánh!
Đoàn chiêm bái Phật tích Ấn Độ – Nepal |
Xong phần thủ tục hải quan, ngồi lên được máy bay đồng hồ chỉ 21h5 phút. Đến sân bay Thái Lan đã sắp nửa đêm. Không có chuyến bay trực tiếp
đến Bồ Đề Đạo Tràng, điểm đoàn muốn chiêm bái đầu tiên, chúng tôi đành phải chấp nhận quá cảnh tại Thái Lan cho mãi đến 12h trưa hôm sau mới có
chuyến bay qua Gaya (Ấn Độ). 13 tiếng dật dờ trong sân bay Thái Lan có nhiều chuyện cười ra nước mắt.
Tôi nghĩ rất đơn giản, thuê vài phòng trong sân bay cho đoàn ngủ một đêm là xong. Thế mà lại không xong. Đoàn cử hai người trẻ đi thuê phòng,
khi về, hai vị báo lại “để có nơi cho bảy người nghỉ qua đêm số tiền phải chi là 1.300 USD”. Chỉ mới nghe có vậy, chưa cần biết tiêu chuẩn phòng mấy sao, quý thầy, quý ni lắc đầu quây quẫy, dứt khoát ngủ bụi, không chịu cho tôi thuê. Ừ, thì ngủ bụi.
Chưa có kinh nghiệm ngủ bụi, vì vậy khi thấy dãy ghế inox trên lầu 4 trống người, đoàn chiếm và ngã lưng liền. Mới đầu còn nghĩ, đoàn tuy chậm nhưng có phước vì tìm được chỗ nằm riêng biệt, hoan hỷ lắm; nhưng chỉ mươi phút sau thì thấm lạnh. Lạnh từ lưng lạnh ra vì nằm trên ghế inox, lạnh từ trên lạnh xuống vì nằm áp mái lầu 4, nơi gần máy lạnh nhất. Đã thế, sát dãy ghế đoàn nằm là cái TV lớn, phát hình phát tiếng suốt đêm. Vận dụng hết khả năng kỹ thuật của các thành viên trong đoàn vẫn không sao bắt cái TV này im tiếng. Thôi thì, nằm co ro nhắm mắt nghe
TV vậy.
Nằm khoảng hai tiếng đồng hồ, không ai bảo ai, tất cả đều bật dậy, người này ngó người kia, cười. Có người cất tiếng hỏi “Bộ đoàn mình không ai mang theo mũ, tất, áo lạnh hả?”. Một người trả lời thay, “Ai cũng có đầy đủ nhưng gởi hết theo hành lý rồi”. Huề trớt, có cũng như không!
Lo đoàn bệnh vì cảm lạnh, một lần nữa tôi đặt vấn đề thuê phòng. Tất cả lại lắc đầu dù môi của cả bảy người đã chuyển màu tai tái. Biết mười mấy ngày tới trong cuộc hành trình chiêm bái trên xứ Phật, đoàn sẽ phải dãi dầu nhiều hơn nữa, tôi nói đùa, “Đoàn mình ráng cực trước rồi…khổ sau”. Lại cười.
Cái khó ló cái khôn, một số vị trẻ trong đoàn bỏ vị trí đi thị sát dưới lầu 3. Mừng húm khi thấy có dãy ghế nệm bỏ trống, lại ấm hơn lầu 4 nhiều. Một vị liền ở lại giữ chổ, các vị khác quay về mời đoàn xuống chổ
mới.
Trong đời tôi chưa bao giờ ngủ ở ghế nệm công cộng với tâm trạng thư thái như vậy. Thả mình xuống quất liền ba tiếng đồng hồ, không biết trời
trăng. Mở mắt ra ngó quanh quất, thấy đoàn vẫn say giấc nồng, tôi chập chờn thêm mươi phút, khi bụng réo đói mới tỉnh hẳn.
Sau giấc ngủ bụi mặt ai nấy ngời sáng, tươi tỉnh. Lúc này trong đoàn có một sư cô đưa tờ 1.000 paht ra khoe “Lạnh quá, em đem Y ra đắp. Thức dậy thấy trong tay có tờ 1.000 paht của ai đó cúng dường”. Một Thầy trong đoàn buộc miệng nói vui “Tui lại cắn răng chịu lạnh, không đem Y ra đắp, chừ tiếc quá!”. Mọi người cười òa.
Không cần biết người trùm Y là ai, khách vãng lai ở sân bay Thái Lan chỉ thấy tấm Y vàng là coi như thấy Phật, phát lòng từ tâm, cúng dường. Người cúng vắng lặng, người nhận vắng lặng, của cúng dường vắng lặng; sự
vắng lặng ngát hương sen.
1.000 pahd đó đã ban cho đoàn mỗi người một ly sữa lót dạ buổi sáng trong sân bay Thái Lan. Khi uống, bảy người trong đoàn tĩnh tâm hồi hướng công đức. Ly sữa nóng thơm trong miệng.
Nhà hàng nơi chúng tôi uống sữa không bán thức ăn chay. Tôi lo lắng các thành viên trong đoàn bị đói. Lúc này quý sư cô mới dỡ “bửu bối” ra phân phát mỗi người một ly hủ tiếu ăn liền. Để có nước sôi chế vào ly hủ tiếu là một màn ly kỳ hấp dẫn. Mặc đồ tu, nước được biếu không, mặc đồ thường phải móc 1 USD mới có nước; lại cười. Diễn xong màn nước sôi, mỗi người “ôm” một ly hủ tiếu nóng hôi hổi. Giữa chốn người qua kẻ lại, hơi bị mắc cỡ, nhiều người trong đoàn định nhịn đói. Nhưng vì “sự nghiệp” rong rủi trong mấy ngày tới, đành nín thẹn mà ăn.
Ăn sáng xong, chúng tôi đi dạo, lúc này mới phát hiện cũng ở lầu 3, cách chổ đoàn qua đêm mươi bước, có một nơi nhờ hoa lan bao che cho nên thành khu riêng biệt, bên trong có tám ghế dựa, nếu bật ra thì nằm thoải
mái như ghế vip trên máy bay. Tám ghế này dành cho khách quá cảnh sử dụng, không tốn tiền.
Nhìn đồng hồ thấy còn 5 tiếng nữa mới bay tiếp, thế là một lần nữa đoàn đổi chổ. Để an ủi cho sự dại của mình suốt đêm qua, anh chàng trẻ nhất đoàn nhấn nhá một câu triết lý như cụ non, “Ai nên khôn mà không dại đôi lần”.
Nghe vậy tự nhiên tôi liên tưởng đến Đức Phật. Khi chưa thành chánh quả, Ngài đã trải nghiệm tận cùng sự khổ hạnh, mỗi ngày chỉ ăn một hạt mè, dẫn đến thân kiệt, trí quệ. Bát cháo sữa của nàng Tu Xà Đề dâng cho Ngài lúc này cũng như nước tưới cây khô, nhờ vậy thân tươi, trí rạng. Ngài ngộ ra “cứng quá thì gãy, mềm quá thì cong”, trung đạo là nằm giữa sự “cứng” và sự “mềm” ấy.
Nhưng để nhận ra lằn ranh nằm giữa “cứng” và “mềm” không hề đơn giản.
Người u mê suốt đời chệch choạc; kẻ ngông cuồng thì cho rằng mình là trung tâm. Chỉ có bậc trí tuệ mới làm chủ thân khẩu ý từng sát na để tránh lệch khỏi trung đạo.
Tôi suy nghĩ tiếp, dù không ai muốn nhưng, đôi khi, chúng ta cũng cần
thấu đáo sự “cực”, cả thân lẫn tâm, để cảm nhận chân giá trị của sự “lạc”.
Tiếng loa trong sân bay phát thông báo mời hành khách bay qua Gaya chuẩn bị, cả đoàn lục đục thu xếp hành lý; tôi đành chấm dứt dòng suy luận của mình.
Ngày đầu của đoàn đầy ắp niềm an lạc. Với đoàn, hạnh phúc không chỉ là điểm đến, mà còn là từng giờ từng phút trên đường đi.
2
Con Voi ngái ngủ và thế trận với Sư tử và Cọp
Sân bay Gaya giống như những sân bay cấp tỉnh của
Việt Nam, nhưng dịch vụ và thủ tục thì hoàn toàn khác. Bước xuống cầu thang máy bay nhìn vào nhà ga thấy có mươi người mặc quân phục tay lăm le khẩu súng trường đi qua đi lại. Tôi thót tim, giống Sài Gòn thời Ủy ban Quân quản quá. Bụng nhủ dạ, “Mấy ổng đeo súng mà không biết đã học sử dụng chưa, lỡ xảy tay nổ cái đùng thì mệt”.
Làm thủ tục nhập cảnh chỉ có hai bàn. Tiếp du khách là hai người đàn ông trung niên, khoác trên mình cái áo trắng nhuộm nước tương, gọng kiếng luôn chực rớt xuống cánh mũi, tóc có màu muối nhiều, tiêu ít.
Bàn bên kia làm thủ tục rất chậm, nhưng cũng còn có người lọt được qua cửa nhập cảnh; bàn của đoàn tôi xếp hàng máy tính bị trục trặc, không trôi bộ hồ sơ nào.
Sốt ruột vì mất nhiều tiếng đồng hồ trôi dạt từ nước này qua nước khác, bảy người trong đoàn mong sớm về nơi nghỉ để được làm vệ sinh thân thể. Tôi nói với hai người trẻ trong đoàn, “Xem thử có sửa giúp họ máy tính được không?”. Đúng lúc đó, người của bàn bên kia bỏ vị trí chạy
qua bàn bên này “cứu bồ” (nghĩa là đoàn người xếp hàng của bàn bên kia phải đứng đợi). Cả hai loay hoay khoảng 15 phút, máy thông. Hú hồn!
Tôi còn đang băn khoăn với kiểu cách làm việc ngồ ngộ của hai vị hải quan, chợt nghe loáng thoáng ai đó nói vu vơ, “Qua lại hoài tui biết, họ
làm bộ kéo dài thời gian làm thủ tục nhập cảnh để ra vẻ lăng xăng. Làm nhanh quá hết việc lấy gì làm (?)“. Nghe vậy đoàn tôi ai cũng bật cười.
Thế nhưng hãy khoan nhận định Ấn Độ qua những gì bạn chợt thấy tại Gaya và trên đường chiêm bái Phật tích. Có thể lầm đấy!
Ấn Độ, như tôi biết, đất nước có dân số đứng thứ hai thế giới, diện tích lớn thứ bảy thế giới, tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh thứ hai thế giới, và tính theo sức mua ngang giá (PPP) kinh tế Ấn Độ xếp thứ tư thế giới. Đã có những kinh tế gia uy tín hàng đầu nhận định: “Trong vài thập niên tới, kinh tế Ấn Độ sẽ vượt kinh tế Trung Quốc, giữ vị trí thứ 3 thế giới”. Tại sao?
Để có tốc độ tăng trưởng như hiện nay, Trung Quốc đã khai thác tối đa
nguồn tài nguyên thiên nhiên; bây giờ Trung Quốc đang ngay ngáy tìm kiếm thêm nguyên nhiên vật liệu ở nước này, nước khác, để nuôi dưỡng nền
kinh tế khổng lồ của mình.
Ấn Độ thì không như vậy, nhiều tỉnh của Ấn Độ tài nguyên thiên nhiên còn nguyên sơ, nguyên vẹn, chưa đụng tới.
Đó là chưa đề cập, kinh tế Trung Quốc phát triển dựa vào nguồn đầu tư (trực tiếp và gián tiếp)
nước ngoài; kinh tế Ấn Độ đi lên chủ yếu từ nội lực. Nếu kinh tế thế giới rơi vào suy thoái sâu, kinh tế Trung Quốc dễ bị tổn thương, kinh tế
Ấn Độ bền vững hơn.
Liệu kinh tế Ấn Độ có thể tăng trưởng ấn tượng để chiếm vị trí của Trung Quốc? |
Ấn Độ không là Cọp để giữ thế dương oai với đồng loại, không là Sư tử để chiếm giữ vai trò sắp xếp trật tự trái đất. Ấn Độ là Voi, một con Voi ngái ngủ. Thiển nghĩ, Voi ngái ngủ mà đã đạt thứ hạng đáng nể trong bảng xếp hạng thế giới, nếu Voi thức tỉnh thì coi chừng mọi thứ đều có thể bẹp dúm dưới chân Voi!
Gần đây, thực tế lại cho thấy, Sư tử và Voi đang liếc mắt đưa tình; Voi và Cọp lại luôn hục hặc nhau. Sư tử ngoài mặt “hảo hảo” với Cọp, nhưng trong dạ lại “OK” với Voi.
Sư Tử có nền kinh tế lớn nhất thế giới, Voi có số dân đông hạng nhì thế giới, nếu hai bên “se duyên” thì cục diện thế giới sẽ thay đổi. Điều
đó thể hiện, dự đoán của các kinh tế gia “Voi sẽ qua mặt Cọp” sẽ thành hiện thực!
Nếu có điều gì khó hiểu ở Ấn Độ đối với tôi, nơi có nhiều dấu ấn sâu sắc của Đức Phật và tăng đoàn, thì đó chính là tỉ lệ dân số theo đạo Phật quá thấp, 0,76 %. Những ngày sau, trên đường đi chiêm bái, nhìn Phật tích bị hoang tàn bởi thời gian thì ít, bởi sự tàn phá của con người thì nhiều; rồi nhìn đoàn người tự xem ăn xin du khách là một cái nghề, sáng xe bus chở đến “hành nghề”, chiều xe bus tới đón về, tự tôi phải tìm câu trả lời “Tại sao?”.
Và câu trả lời của tôi là, nếu nhìn vào hiện thực để lý giải thì chính sự phân hóa giữa các giai tầng xã hội kéo dài, tư duy của hệ thống
hành pháp thiếu nhạy bén, và chính sách điều tiết kinh tế vĩ mô thiếu linh hoạt đã làm cản sức bật của Ấn Độ. Nhưng nếu nhìn theo quan điểm Phật giáo thì, những gì Ấn Độ hiện đang hơn hoặc thua các nước trên thế giới đều do “duyên sanh, nghiệp khởi”.
…Ra sân bay đón và hướng dẫn đoàn suốt cuộc hành trình chiêm bái là
thầy Thích Pháp Tịnh và cô Thích nữ Minh Thái. Thầy Pháp Tịnh khoảng 35 tuổi, qua Ấn độ hơn 10 năm, đã có một bằng tiến sĩ “Ngôn ngữ học”, bây giờ đang bảo vệ luận văn tiến sĩ thứ hai. Cô Minh Thái khoảng 30 tuổi, qua Ấn Độ năm 2003, vừa bảo vệ xong luận văn tiến sĩ “Lịch sử Phật
giáo Ấn Độ”, chuẩn bị về lại Việt Nam.
Quan sát thầy Pháp Tịnh và cô Minh Thái trong suốt cuộc hành trình, tôi thấy, hai người giỏi giang, linh hoạt, khiêm cung, tiếng Anh tốt và có kiến thức; lòng tôi reo vui. Phật giáo nước mình có được những người trẻ như hai vị là rất quý.
Cả đoàn nhận rõ, chính hai vị này đã góp phần quan trọng làm cho chuyến đi chiêm bái được hanh thông, viên mãn.
Sẽ là vô tình nếu không kể về chiếc xe và tài xế theo đoàn suốt cuộc hành trình. Chiếc xe mang thương hiệu nước sở tại, loại xe tải nhỏ, được
thiết kế rất thực dụng: nếu chở hàng thì tháo ghế ra, nếu chở khách thì
gắn ghế vào; tính luôn tài xế xe chở được mười người. Về hình thức xe thuộc loại xoàng (giá dưới 10.000 USD), nhưng khi chạy đường dài thì ác liệt lắm.
Sau đó, tôi được biết đây là một trong những chiếc xe xịn nhất Gaya.
Người điều khiển chiếc xe chạy một cách ác liệt là Baya, tuổi độ năm mươi. Ông có dáng người và bộ râu giống một “tên cướp” trong bộ phim “Alibaba và bốn mươi tên cướp”; ngầu lắm. Tôi đặc biệt chú ý cách ăn mặc
của ông, cả quần và áo một màu trắng toát, còn chân thì mang đôi giày màu đen. Tài xế mà diện nguyên bộ đồ trắng, lại diện ở xứ bụi mù trời như Gaya, ngó bộ hơi bị sang đấy. Riêng đôi giày, lại là đôi giày da đen
bóng, rõ là đỉnh cao của sự khác biệt. Tại sao lại là “đỉnh cao của sự khác biệt”? quá lời chăng? Không hề!
Đàn ông ở đây, như tôi thấy, mặc áo bỏ vào quần, xài điện thoại di động mà có ai mang giày, dép gì đâu? Đàn bà, con gái cũng vậy. Mặt thoa son phấn, vấn váy nhiều sắc, đường rẽ tóc có rắc bột màu, tay đeo nhiều vòng xuyến, cánh mũi có đeo khoen, thế nhưng đôi chân son vẫn để trần giáp đất. Vui thiệt.
Như vậy có thể nói, giống như chiếc xe “ác liệt”, ông tài xế của đoàn tôi cũng thuộc thứ hạng “bảnh tỏn tẻn” nhất Gaya!
Những ngày sau tôi còn biết thêm, Baya là một tay lái điệu nghệ, rất chịu thương, chịu khó; sống có trách nhiệm với công việc, tận tụy với đoàn và vui tính với mọi người.
3
Bồ Đề Đạo Tràng và Non bộ Ngũ Hành Sơn
Trời sáng, chúng tôi dạo quanh khu vườn bên ngoài Bồ Đề Đạo Tràng. Tại đây, có những công trình kiến trúc Phật giáo do một số nước đầu tư để mong giới thiệu với thế giới văn hóa Phật giáo nước mình. Bất ngờ đoàn gặp được một góc Việt Nam: Non bộ Ngũ Hành Sơn!
Mới 3h30 sáng, giờ Ấn Độ, đoàn đã nghiêm chỉnh Y áo để chuẩn bị qua khuôn viên Bồ Đề Đạo Tràng tụng Lăng nghiêm. Khách sạn nơi đoàn nghỉ cách Tháp Bồ Đề Đạo Tràng khoảng 200 mét. Thế mà hay, đoàn có đủ thời gian đi bộ tĩnh tâm trước khi chiêm bái.
Gió chớm đông se lạnh. Hương trầm thơm trong gió. Đâu đây có mùi hoa gì thơm giống hoa Sữa bên nhà. Từ các ngõ ngách dẫn đến Bồ Đề Đạo Tràng lác đác xuất hiện những vị tăng sĩ đa sắc áo đến từ nhiều quốc gia trên khắp thế giới. Những vị này bước đi chậm rãi, phong thái khoan thai, miệng lâm râm tụng kinh. Tôi lén quan sát rồi bắt chước bước cùng nhịp với quý tăng ấy. Riêng cái khoảng lâm râm tụng kinh thì tôi thua, muốn bắt chước cũng không được, vì tôi chưa kịp thuộc một bài kinh nào!
Các em nhỏ chạy theo đoàn mời mua hoa đơm sẵn trong dĩa để dâng lên Phật (tinh thần kinh doanh của các em nhỏ Gaya làm tôi nghiêng mình kính nể, chưa 4 giờ sáng mà đã thức dậy bán hàng).
Thầy Pháp Tịnh mua cho mỗi thành viên một dĩa hoa. Lúc này số người của
đoàn đã tăng lên chín. Một bé gái tay cầm bó bông Súng màu tim tím mời tôi mua, tôi trả lời “không có tiền” (thật sự tôi không bao giờ có tiền trong túi),
bé liền rút một cành biếu không. Văn hóa kinh doanh này quá đẹp. Tôi thay em dâng đóa hoa cúng Ngài Quán Thế Âm trong khuôn viên Bồ Đề Đạo Tràng.
Liền sau đó, tôi lại được một chú tiểu mặc áo cà sa màu nâu đỏ, rón rén lại gần, dúi vào tay tôi một lá Bồ Đề, cười, rồi biến mất trong sương sớm. Chưa kịp nhìn mặt chú, nhưng tôi vẫn nhớ như in, chú có ánh mắt rất bén và tinh anh.
Càng tới gần Tháp Bồ Đề Đạo Tràng, đôi bàn chân tôi càng luýnh quýnh.
Vừa muốn bước nhanh để sớm được chiêm bái Đức Phật, vừa muốn bước chậm để chiêm ngưỡng một tuyệt tác kiến trúc. Những tưởng chỉ có mình xúc động, ngờ đâu cả đoàn cũng bổi hổi bồi hồi.
Bồ Đề Đạo Tràng đấy ư? Nơi Đức Phật thành đạo đấy ư? Đấng giải thoát đấy ư? Cây Bồ Đề đi vào lịch sử đấy ư? Không tìm được ngôn từ nào tả cho
đúng ngữ cảnh và tâm trạng lúc này. Chợt tôi nhớ lõm bõm vài câu trong bài “Sám Nguyện” của Ôn Thiện Siêu, khi còn sống Ôn trụ trì chùa Từ Đàm –
Huế: “Đàn con dại từ lâu vất vưởng / Hôm nay trông thấy đạo huy hoàng / Xin hướng về núp bóng từ quang / Lạy Phật Tổ soi đường dẫn bước…”. Mắt tôi tự nhiên ướt, có giọt sương sớm nào sa vào chăng?
Khi chiêm bái tượng Phật trong Tháp, tôi mới ngỡ ra, tượng Phật Ngọc nổi tiếng (tạc
từ ngọc thạch Nephrite nguyên khối nặng 18 tấn mang tên “Polar Pride” (Niềm kiêu hãnh Bắc Cực) được tìm thấy vào năm 2000 ở miền Bắc Canada, đã được hơn 30 nghệ nhân, chuyên gia điêu khắc và nhà Phật học đến từ Thái Lan, Nepal, Australia… làm việc miệt mài trong 8 năm) tạc theo mẫu tượng tại đây. Trong mắt tôi, tượng Phật Ngọc đó đã tạc được cái “sắc”, riêng cái “thần” thì chưa. Liệu ai có thể tạc được sự linh thiêng cộng hưởng nơi chốn Bồ Đề Đạo Tràng này?
Chúng tôi lay hoay tìm chổ an tọa để tụng kinh Lăng Nghiêm. May quá, phía bên trái Tháp lớn, nơi có bức tượng nhỏ Quán Thế Ấm Bồ Tát, chổ còn
trống. Đây là một trong những vị trí đẹp nhất trong khuôn viên Bồ Đề Đạo Tràng.
Cô Minh Thái rất cẩn thận, đã chuẩn bị 4 cái chiếu cho đoàn ngồi. Khi
tụng kinh, trật tự trong đoàn được xác lập: hai Thầy ngồi một chiếu trước, bốn Ni ngồi hai chiếu giữa, ba Phật tử ngồi một chiếu sau. Ba Phật tử ngồi một chiếu thì chật, tôi phải ngồi nửa trong nửa ngoài. Sáng
sớm, ngồi như thế vừa ướt, vừa lạnh. Quý Ni thấy vậy mời tôi lên chiếu giữa. Tôi không dám nhận, quý Ni ép, tôi từ chối; nhưng rồi cuối cùng phải nghe lời. Tôi biết quý Ni lo tôi ngồi ngoài đá dễ bị cảm.
Thầy Pháp Tịnh rất chu đáo, in sẵn kinh Lăng Nghiêm cho ba Phật tử cầm tụng theo. Đây là lần đầu tiên ba Phật tử chúng tôi tụng trọn bài Lăng Nghiêm, lại được tụng tại Bồ Đề Đạo Tràng, nơi Đức Phật thành đạo. Đối với chúng tôi, buổi tụng kinh đầu tiên ấy quá linh thiêng và xúc động. Từng chữ, từng câu, thấm sâu vào tâm khảm của chúng tôi.
Riêng tôi, tôi biết, giây phút này sẽ nuôi dưỡng tâm hồn mình tươi đẹp suốt quãng đời còn lại.
Tụng kinh xong là mươi phút tĩnh tâm, mọi người chiêm bái trong im lặng. Sau đó cả đoàn xếp hàng dọc đi thiền hành trong khuôn viên Bồ Đề Đạo Tràng. Thứ tự như sau: thầy trước, ni giữa, Phật tử sau cùng. Từng bước, từng bước chân thiền khoan thai, nhẹ nhàng, thanh thoát. Chúng tôi
vừa đi vừa khẩn niệm danh hiệu “Nam Mô Thích Ca Mâu Ni Phật”.
Với tôi, lúc này, mọi sự “có” trên đời nhẹ như “không”. Lòng tự nhủ “Phước đức mình đang được hưởng thật tráng lệ”.
Xong phần nghi lễ, thầy Pháp Tịnh cho mỗi người 30 phút sinh hoạt tự do. Quý cô “sinh hoạt tự do” bằng cách lạy quanh Tháp. Sư cô lớn tuổi lạy nhất bộ nhất bái, các ni trẻ tam bộ nhất bái. Nhìn quý ni đắp Y vàng
thư thái lạy, tôi dõi theo, thấy sắc diện ai cũng tỏa sáng, uy nghi quá. Tự tâm cang tôi muốn đến quỳ xuống lạy từng ni để tỏ tôn kính, nhưng ngại kinh động giây phút linh thiêng, đành thôi.
Hai Phật tử trẻ đứng nhìn theo quý ni lạy một hồi cũng tam bộ nhất bái theo. Giỏi thiệt!
Riêng hai thầy trong đoàn thì “sinh hoạt tự do” bằng cách tìm đến bắt
chuyện với những vị Tăng đủ màu da trong khuôn viên Bồ Đề Đạo Tràng. Các vị ấy nói chuyện với nhau như con một nhà, mà đúng vậy, nhà Phật.
Còn tôi, từ hôm theo đoàn đến giờ, lần đầu tiên được đoàn cho phép độc lập, tự do cho nên hạnh phúc. Tôi liền lẽn vào một góc khuất quan sát quý thầy Tây Tạng lạy. Thao tác lạy của Sư Tây Tạng vừa giống thế “chào mặt trời”, vừa giống thế “rắn Hổ Mang” của Yoga. Ngó quanh quất thấy không ai để ý mình, tôi bắt chước trườn người lạy theo. Lạy được hơn mười cái mới biết có vài chục vị tăng Tây Tạng đang ngó mình từ sau ngó tới, cười. Đỏ mặt, tôi biến liền!
Phía trước Tháp Bồ Đề Đạo Tràng, tôi đặc biệt chú ý tấm bảng có ghi dòng chữ “RAJAYATANA (A kind of forest tree). After enlightenment, Lord Buddhha spent the seventh week here in meditation. At the end of meditation, two merchants – Tapussa and Bhallika offered rice cake and honey to the Lord and took refuge-Buddham saranam gacchami, Dhammam saranam gacchami (Sangha was not founded then)”. Tạm dịch: “Rajayatana”
(một loại cây rừng)). Sau khi giác ngộ, đức Phật ngồi nhập định tại đây, trong tuần thứ bảy, khi Ngài nhập định xong, hai thương nhân – Tapussa và Bhallika – dâng bánh gạo và mật lên Ngài và xin quy y: quy y Phật và quy y Pháp (vì lúc đó chưa có Tăng đoàn).
Như vậy rõ rồi, có Cư sĩ trước khi có Tăng đoàn. Đã thế hai Cư sĩ này
lại thuộc giới kinh doanh. Với tôi, một doanh nhân, chi tiết này thật đắt giá.
Tôi còn biết thêm, sau khi nhận cúng dường, Đức Phật có đọc một bài kệ: “Sở vị bố thí giả / Tất hoạch kỳ lợi duyên / Nhược vi lạc bố thí / Hậu tất đắc an lạc”. Khả năng của tôi chỉ hiểu bài kệ ở mức này: “Những việc làm bố thí / Tất nhiên sẽ đem đến lợi ích / Nếu (ta) vui với việc bố thí (của người khác) / Sau này (ta)
cũng được an lạc”. Bài kệ này có tên “Phúc chúc”, là bản thuyết pháp đầu tiên của Đức Phật và cũng là bước đệm cho việc chuyển Pháp luân sau đó.
Tại sao Đức Phật chúc phúc công đức bố thí (cúng dường) của hai thương nhân? Như tôi hiểu, bố thí giúp con người ta xả được lòng tham. Lòng tham tại sao phải xả bỏ? Các Mác nói về lòng tham như sau: “…nếu lợi nhuận đạt 100% thì nhà tư bản không từ thủ đoạn nào”. Với thương nhân, đồng tiền liền khúc ruột, một khi đã bố thí là họ đang đi trên con đường ngắn nhất tìm đến sự giải thoát. Giải thoát gì? Giải thoát khỏi tham, khỏi sân, khỏi si, khỏi “cái ta” và “cái của ta”. Mà, nơi nào vắng bóng tham, sân, si, “cái ta” và “cái của ta”, nơi đó là Niết bàn. Đức Phật chúc phúc hai vị thương nhân là vì vậy.
Nhưng Đức Phật không chỉ chúc phúc người bố thí, mà chúc cả những ai vui với việc bố thí của người khác. Tôi phục Đức Phật lắm. Ngay thời khắc của thời xa xưa đó Ngài đã biết, không ít kẻ có cuộc sống khá giả nhưng vẫn quay lưng lại với người nghèo khổ, đã đành; lại còn dè biểu, can ngăn sự làm phúc của người khác. Những kẻ này, theo thuyết Nhân – Quả, sự giàu có sẽ không bền vững.
May sao, hiện nay có rất nhiều người, không có của bố thí thì góp công, góp trí, góp lời, với thành tâm mong việc bố thí được hanh thông viên mãn. Những người như thế xứng đáng nhận lời chúc phúc của Đức Phật.
Phía sau Tháp Bồ Đề Đạo Tràng có “Tháp gieo duyên”. Ai có tâm nguyện kiếp sau xuất gia thì bứt một sợi tóc bỏ vào trong Tháp. Tôi nhìn vào nền Tháp thấy dầy tóc gieo duyên. Anh chàng trẻ nhất đoàn nhổ một sợi tóc của mình xong bất ngờ quay qua nhổ một sợi tóc của một chị trẻ nhì trong đoàn rồi thò tay thật sâu vào Tháp thả hai sợi tóc xuống, nguyện, “Kiếp sau em với chị tu chung cho vui”. Cô nàng vội vàng bứt một sợi tóc
của mình thả vào Tháp nguyện lại, “Con xin tu tại gia thôi ạ”. Anh chàng trẻ nói vớt vát, “Thì kiếp sau chị tu tại gia, kiếp tới nữa xuất gia tu với em…”. Cả đoàn nghe hai chị em đối đáp, không cười không được.
Trời sáng, chúng tôi dạo quanh khu vườn bên ngoài Bồ Đề Đạo Tràng. Tại đây, có những công trình kiến trúc Phật giáo do một số nước đầu tư để mong giới thiệu với thế giới văn hóa Phật giáo nước mình. Bất ngờ đoàn gặp được một góc Việt Nam: Non bộ Ngũ Hành Sơn!
Một góc Ngũ Hành Sơn |
Được biết công trình này hoàn thành năm 2003, do thầy Thích Hải Ấn, trú trì chùa Từ Đàm – Huế và thầy Thích Pháp Chơn, trú trì Trung tâm văn
hóa Liễu Quán – Hoa Kỳ, làm cố vấn dự án. Về khâu kế hoạch – thực hiện
do Phật tử Vũ Lan Hương đảm trách với sự cộng tác của hai nghệ nhân Lê Văn Hòa và Lê Thiện Nhân – Huế.
Trong công trình Non bộ Ngũ Hành Sơn có một đại hồng chung và một tượng Phật Quán Thế Ấm, góp phần tôn thêm sự chặt chẽ về kiến trúc và mỹ
thuật.
Đoàn chúng tôi ngưỡng mộ, thành kính tán thán công đức những vị làm nên Non bộ Ngũ Hành Sơn.
Đoàn được biết thêm, năm 2004, thầy Thích Hải Ấn (trú trì chùa Từ Đàm – Huế) và thầy Thích Quang Nhuận (trú trì chùa Hiếu Quang – Huế),
đã nhờ quý Tăng ni sinh đang du học tại Ấn Độ thỉnh tảng đá nặng khoảng
100 ký tại Đại học Nalanda về cúng cho Học viện Phật giáo Việt Nam (tại Hà Nội) để khắc bia lễ đặt đá.
Việc làm này có giá trị tâm linh đối với Tăng ni sinh du học tại Ấn độ và với đoàn của chúng tôi.
……..
Đoàn chúng tôi ở khách sạn gần Bồ Đề ĐạoTràng ba đêm, sáng đi chiêm bái Phật tích và viếng chùa trong vòng bán kính 100km, tối về nghỉ, mai đi tiếp. Ba ngày đó, lúc nào tranh thủ được thời gian là chúng tôi qua viếng lại Tháp Bồ Đề Đạo Tràng như con về thăm nhà ba má vậy.
Con nhà chùa, nếp nhà Phật
Từ hồi nào tới giờ tôi quen nghe khẩu hiệu “Mình vì mọi người, mọi người vì mình”, nghe riết thành có lý. Nay, tôi học được thêm hạnh sống của con Phật “Mình vì mọi người”, chẳng bận lòng trông mong “Mọi người vì mình”.
Đoàn có chín người, ba nam, sáu nữ. Đi đến đâu thầy Pháp Tịnh cũng thuê 5 phòng: hai thầy một phòng, bốn cô hai phòng, cậu trẻ nhất đoàn, thư ký của tôi, cũng là con nuôi của tôi, được sắp xếp ở cùng phòng với tôi (để lo cho má). Riêng cô Minh Thái một mình một phòng vì là “Trung tâm ăn uống của đoàn”.
Hôm nào cũng vậy, trước khi đoàn giải tán đi ngủ, thầy Pháp Tịnh thông báo lịch chiêm bái và giờ xuất phát của ngày hôm sau. Tối nay tôi được biết, sáng mai 5h đoàn khởi hành đi chiêm bái một số di tích liên quan đến sự nghiệp tu tập của Đức Phật. Những di tích này trong vòng bán
kính 100km, tính từ Bồ Đề Đạo Tràng. Xuất phát lúc 5h, nghĩa là mọi sinh hoạt cá nhân, ăn sáng, phải xong trước 4h55 phút.
Con nhà chùa quen dậy sớm, không ai gọi ai, quý thầy, quý cô lần lượt
thức giấc. Riêng phòng cô Minh Thái đỏ đèn từ 2h30 sáng. Ngại đoàn ăn bên ngoài không đảm bảo sức khỏe và vệ sinh, cô dậy sớm để lo thức ăn sáng cho cả đoàn và còn bới theo cho đoàn ăn trưa. Chẳng ai dám phân công, tự cô Minh Thái giành. Cô nấu ăn với tâm trạng an vui. Tôi phục cô
lắm.
Mỗi phòng hai người, nhưng nhà vệ sinh có một, ai dậy sớm thì sử dụng
trước, người còn lại chạy qua phụ cô Minh Thái nấu ăn; tôi cũng theo hụ
hợ. Trong khi làm việc, phần nào nặng nhọc, dơ tay, mất nhiều công, các
cô dành làm; phần nào nhẹ nhàng, sạch sẽ, các cô mới cho Phật tử chúng tôi đụng tay. Dù không phụ giúp được gì, tôi vẫn thích xà quần bên cạnh các cô vì vừa vui, vừa đầm ấm.
Từ hồi nào tới giờ tôi quen nghe khẩu hiệu “Mình vì mọi người, mọi người vì mình”, nghe riết thành có lý. Nay, tôi học được thêm hạnh sống của con Phật “Mình vì mọi người”, chẳng bận lòng trông mong “Mọi người vì mình”.
Mà đúng vậy, một khi ta đã phát tâm “có đi”, mắc gì trông chờ ai đó “có lại” với mình cho mệt!
Sáng nay cô Minh Thái cho đoàn ăn hủ tiếu nước, có thêm rau tươi, cà chua, dưa leo, nấm, ớt, chanh. Hai Phật tử còn thêm rong biển vào tô hủ tiếu cho có thêm chất bổ dưỡng, riêng tôi ngại nặng mùi, không rớ tới. Khi ăn, do bàn ghế không đủ, người ngồi trên giường, kẻ đứng dưới đất, nhưng không vì thế mà nghi thức chấp tay niệm Phật trước khi ăn thiếu trang nghiêm.
Đang ăn thì đoàn nghe vị Sư thầy hỏi vui một sư cô, “Cô có rảnh không? rảnh thì lấy dùm cọng rau dính trên mặt xuống”. Ni kia vội vàng lấy tay xoa mặt lia lịa. Tôi “để bụng”. Lát sau, đợi Sư thầy quên quên, tôi hỏi, “Thầy có rảnh không?”. Mới hỏi tới đó Sư thầy đã nhanh tay phủi
phủi từ trán xuống cằm; cả đoàn cười đến đau bụng. Thật ra mặt Sư thầy không có dính gì, tôi chỉ muốn giúp “gỡ” bàn thua của sư cô kia thôi.
Từ buổi sáng nay, những buổi ăn sau của đoàn, ai cũng chuẩn bị tinh thần bị hỏi “Có rảnh không?”.
Những điểm Phật tích cách nhau khá xa, đi cả ngày đường, lại ít nơi có hàng quán, vì vậy đoàn phải bới cơm theo để ăn trưa. Nơi ăn, đoàn thường thay đổi cho sinh động. Có hôm ngồi trong vườn xoài mát rượi, có bữa ngồi trên bãi cỏ xanh tươi, có ngày ngồi tại điểm đoàn đến tham quan.
Thầy Pháp Tịnh muốn đoàn có nơi ngồi ăn tốt, cảnh đẹp nhất, vì vậy chọn chỗ rất lâu. Khi thầy Pháp Tịnh “ừ”, cô Minh Thái mới trải chiếu. Nếu như chúng tôi, những người chưa xuất gia, đi mệt thấy chiếu là ngồi liền, thì quý thầy, quý cô lại không như vậy. Trong đoàn tôi có sáu người xuất gia, hai thầy và bốn cô; trong đó có hai Ni sư lớn tuổi hơn hai thầy và, thời gian tu cũng lâu hơn (nói cho dễ hiểu là thâm niên và chức vụ tu cũng lớn hơn).
Thế nhưng tất cả bốn cô bao giờ cũng chọn chỗ tốt nhất mời hai thầy ngồi trước, cách mời rất cung kính và xưng “con”. Khi ăn, uống, quý cô thường bới chổ cơm mềm, lựa cọng rau ngon, nhường trái cây tươi cho hai thầy; còn lại mới tới mình. Con nhà chùa không áp dụng văn hóa “phụ nữ là số một!”.
Cô Phật tử trẻ của đoàn quan sát quý sư cô hầu hai thầy, nhất là hai Ni sư lớn tuổi, liền đặt câu hỏi “Tại sao?”. Thầy Pháp Tịnh trả lời, “Ngày mai đoàn chiêm bái tháp Ngài A Nan, có nhân chứng, vật chứng, thầy
sẽ giải đáp”. Hồi hộp à nghen.
Sương sớm Nepal |
Chiếu đã trải, mọi người đã yên vị, cô Minh Thái bắt đầu bày biện: Một nồi cơm (điện) đầy gần tới nắp, một thẩu canh (thường là canh chua ăn liền), rau luộc (rất nhiều),
nấm kho tiêu, phù chúc rim giòn, nước tương, ớt, muối mè đậu phộng, trái cây nhiều loại, nước gạo lức nóng; ai thích ăn gì, xin mời. Trước khi ăn chúng tôi không bao giờ quên nghi thức niệm Phật.
Thực đơn của tôi, trưa nào cũng vậy: 1/3 bát cơm, rắc nhiều đậu phộng
với mè rang, một gắp lớn rau luộc, thêm hai trái chuối và hai trái táo cắt nhỏ, trộn đều, ăn. Với lượng thức ăn như vậy là nhiều gấp ba mỗi bữa
ăn bên nhà của tôi, thế mà có bữa tôi còn thòm thèm.
Sau những buổi ăn bụi với đoàn tôi ngộ ra, cao lương mỹ vị chưa chắc đã ngon, ăn uống đạm bạc chưa chắc đã khổ.
Thầy Pháp Tịnh, “tổng công trình sư” của chuyến chiêm bái. Vóc dáng của thầy thuộc loại “có da có thịt”. Để chuyến đi được hanh thông, nhiều
buổi tối chúng tôi đã nghỉ rồi mà thầy vẫn còn thức làm việc với đối tác để chuẩn bị cho chuyến đi ngày mai của đoàn. Vì vậy để đủ sức khỏe, mỗi buổi ăn thầy thường ăn nhiều bát (lớn hơn cái chén một chút). Và chuyện ăn của thầy luôn là đề tài vui nhộn của đoàn.
Khi ăn, bát đầu tiên thầy vừa nói vừa cười, “Bát này vì sự nghiệp tu học của bản thân”. Bát thứ hai, thầy khôi hài, “Bát này vì chuyến chiêm bái của đoàn”. Bát thứ ba, thầy chưa nói, đã có người nói hớt rất hóm hỉnh, “Bát này thầy ăn để khỏi còi xương!”. Cả đoàn cười ngặt nghẽo.
Từ hôm nay trở đi, nếu bữa nào đoàn ăn cơm còn dư lại chút đỉnh, không dám đổ bỏ, người này ép người kia, “Ráng ăn để khỏi còi xương”.
Đường xa, có hôm đoàn phải ngồi trên xe cả ngày, cô Minh Thái thấy Sư
thầy mệt mỏi, nhắc, “Thầy chợp mắt một chút cho khỏe, tới nơi con thưa”. Sư thầy (chắc là giữ kẻ) trả lời, “Thầy không quen ngủ ngày”. Lát nữa, chịu hết xiết, thầy ngủ thiếp. Chỉ chờ có thế là đoàn chụp ảnh để làm “vật chứng”. Nhưng, không phải một mình thầy ngủ ngày, cho nên, trong đoàn ai cũng có một tấm ảnh chụp lúc đang ngủ trên xe.
Gần ngày về, để tổng kết chuyến đi, tôi đề nghị với đoàn, tổ chức một
cuộc thi “ảnh ngủ ngày đẹp nhất”. Mọi người đồng tình hưởng ứng. Thế là
ảnh ngủ ngày của từng thành viên được đoàn đem ra ngắm nghía. Lại thêm những trận cười giòn giã.
Chung sống với Tăng ni có nhiều điều làm tôi ngạc nhiên: Thức ăn đem theo thì nhiều, nhưng chủ yếu dành cho ba Phật tử (nhất là tôi), và để cúng dường Tăng ni sinh đang theo học tại Ấn Độ (tôi được biết đời sống của những du học sinh thuộc giới tu hành rất cơ cực),
còn thì quý thầy, quý ni ăn uống rất tiết chế. Hành lý đoàn đem theo thì quá tải, nhưng hành lý cá nhân của quý thầy, quý cô chỉ vừa một tay nải khoác bên vai. Ngủ cũng vậy, tưởng ở chùa mới phải dậy sớm để tụng kinh, nhưng chỉ mới 3h sáng là cả đoàn đã lục đục.
Tôi liền thắc mắc, một sư cô trả lời, “Tăng ni làm theo lời Phật dạy “tam thường bất túc”. Cô giải thích thật kỹ (theo ngôn ngữ nhà chùa),
nhưng khả năng lĩnh hội của tôi chỉ ở mức này: Tam thường bất túc nghĩa
là, ăn vừa đủ, mặc vừa đủ, ngủ vừa đủ. Tóm lại, Phật không muốn con mình trở thành nô lệ cho sự hưởng thụ của bản thân.
Nhiều ngày có điều kiện sinh hoạt chung với Tăng ni, tôi để ý, trong làm việc cũng như nói năng, gần như ai cũng giữ sự từ tốn, bao dung, hòa
hợp, nhẫn nhịn, uy nghi,… Thấy vậy tôi buộc miệng khen “Con ai mà cốt
cách quý phái dữ vậy ta?”. Một cô vừa nheo mắt vừa nhoẽn miệng tươi cười, “Con Phật chớ con ai”.
Nghe vậy tôi đáp, “Ngó bộ hơi bị chảnh à nghen”, nhưng sau khi suy nghĩ kỹ tôi thấy “không chảnh chút nào”. Trước khi đi tu, Phật là con Vua, Ngài đã được giáo dục bởi một nếp nhà uy nghi, cốt cách. Và vì đã từng là con Vua, Ngài đủ điều kiện đi đến tận cùng của sự hưởng thụ để rồi nhận ra sự rỗng không của nó.
Là con Vua, Ngài dạy cho Tăng ni uy nghi cốt cách của nề nếp Hoàng gia. Là Phật, Ngài dạy cho con mình không tham đắm vào vọng tưởng, hão huyền.
Người gửi bài: Quảng Tuấn Nguyễn Thanh Tú
Discussion about this post