GIỚI THIỆU CD THIỀN CA “HOA BAY KHẮP TRỜI”
THƠ NGUYÊN GIÁC – NHẠC TRẦN CHÍ PHÚC
(Bài phát biểu nhân dịp ra mắt CD tại
Westminster ngày 14 tháng 11 năm 2015)
Nam mô Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật,
Kính bạch chư Tôn đức,
Kính thưa quý Cư sĩ quý văn nhân thi sĩ và toàn thể quý quan khách,
Chúng tôi rất vinh dự được lên đây để nói đôi lời về ý Thiền trong CD Thiền Ca “Hoa Bay Khắp Trời”, thơ của Nguyên Giác Phan Tấn Hải được nhạc sĩ Trần Chí Phúc phổ nhạc thành 10 ca khúc thiền hay mười bài thiền ca.
Thú thực là khi được anh Phan Tấn Hải và anh Trần Chí Phúc ngỏ ý mời lên nói vài lời giới thiệu về CD thơ nhạc thiền, tôi rất băn khoăn vì trong lãnh vực thơ và nhạc tôi không mấy am tường cho lắm. Tuy nhiên, khi nghe toàn bộ CD tôi có cảm nhận thơ và nhạc của hai anh đã hòa quyện vào nhau nhịp nhàng êm ái, đặc biệt ca khúc Hoa Bay Khắp Trời đúng như nhạc sĩ tác giả nói là nét nhạc trôi chảy hòa vào từng lời thơ.
Kính thưa quý vị,
Một số người thường nói các văn nhân thi sĩ thường dễ đi vào Kinh Phật, dễ tiếp cận với đạo Phật hơn những người thường vì tâm của họ dễ xúc cảm trước những cảnh khổ đau của cuộc đời, họ dễ cảm nhận được cái mong manh vô thường của cuộc sống. Và với nhà thơ Nguyên Giác Phan Tấn Hải có lẽ cũng không ngoài cái ngoại lệ ấy, ông say mê đọc kinh Phật, kinh Bắc tông lẫn kinh Nam tông, kinh tiếng Việt lẫn kinh tiếng Anh; ông viết sách về Phật học, dịch kinh Phật và làm thơ Phật giáo. Không những thế ông còn thực hành theo lời Phật dạy, ông là một hành giả chân truyền Phật giáo xuất thân từ chùa Tây Tạng Bình Dương.
Mười bài thơ của ông phổ nhạc thành mười bài thiền ca, mới nghe qua, đọc qua người ta chỉ cảm thấy man mác mang hương vị thiền nhưng nếu đọc kỹ, suy nghĩ kỹ thì 10 bài thơ của ông chính là 10 bài pháp của nhà Phật, 10 bài pháp học và cũng là 10 bài pháp hành. Cái tuyệt vời của nhà thơ Nguyên Giác là ông đã ít dùng các thuật ngữ nhà Phật mà hầu như chỉ dùng ngôn ngữ đời thường để chuyển tải kinh Phật thành thơ, biến những câu kinh tiếng kệ thành những dòng thơ êm ái dễ đi vào lòng người, dễ làm lay động tâm người, dễ làm tỉnh thức con người. Nói không ngoa, những dòng thơ của ông dường như được viết lên từ một vị thiền sư vừa mới bước ra từ những pho Kinh Phật.
CD Thiền Ca Hoa Bay Khắp Trời gồm 10 bài, mỗi bài đều có những nét thiền riêng, chất Phật riêng và tính thực dụng riêng. Tựu chung tác giả muốn trùng tuyên lời Phật qua thi nhạc mà tác giả đã kinh qua và muốn chúng ta hãy cùng nhau bước xuống bè vượt qua bờ sinh tử.
Bây giờ chúng ta hãy nghe bài ca mở đầu CD: bài “Hoa Bay Khắp Trời” xem nhà thơ muốn nói gì với chúng ta khi thấy cảnh hoa bay đầy trời, khi chúng ta nghe tiếng gió thở rì rào qua từng cánh hoa rơi…một hình ảnh vô cùng tuyệt đẹp, vô cùng diễm lệ. Nhưng khi nói vô cùng tuyệt đẹp, thấy cảnh vô cùng diễm lệ, theo nhà thơ là hỏng mất rồi, là chúng ta đã đánh rơi chánh niệm rồi. Nguyên Giác nhắn nhủ với chúng ta hãy như lời kinh Phật dạy: “Trong cái được thấy sẽ chỉ là cái được thấy, trong cái được nghe sẽ chỉ là cái được nghe.”
Nguyên văn hai đoạn đầu trong bài thơ “Hoa Bay Khắp Trời” rằng:
“Nhìn kìa, chỉ hình hiện ra, không người không ta, chỉ hình được thấy, không ai đang thấy.
“Nghe kìa, chỉ tiếng trong lời, không ta không người, chỉ tiếng được nghe, không ai đang nghe….
Đây chính là ý của một bài kinh rất ngắn, kinh Bahiya được trích ra từ Tiểu Bộ Kinh thuộc tạng kinh Pali. Trong bản kinh này Đức Phật chỉ nói bốn câu về “thấy, nghe, thọ tưởng, thức tri” nhưng là thông cho cả sáu căn, vì trong “thọ tưởng” bao gồm cả ngửi, nếm và xúc chạm. Khi thuyết bài pháp này, Đức Phật còn bảo đảm với ngài Bahiya rằng hễ ai mà để tâm được như thế thì sẽ xa lìa đau khổ, đạt được giải thoát.
Vậy muốn có được cái thấy, cái nghe trong sáng ấy thì mình chỉ thấy, chỉ nghe như thực, khách quan mọi đối tượng đang xẩy ra, đang diễn tiến, đang vận hành. Ví dụ khi thấy một đoá hoa, chỉ ngắm nhìn đoá hoa như vậy thôi, không khởi lên niệm phân biệt thấy như thế nào, đẹp xấu ra sao, hay khi một âm thanh khởi lên, chỉ nghe âm thanh ấy, không khởi niệm phân biệt hay dở ra sao.
Chính trong cái khoảnh khắc thuần thấy đó, cái khoảnh khắc thuần nghe đó là ranh giới thời gian tâm thức bị xoá nhòa, không còn thời gian nữa, không còn quá khứ, không còn vị lai và không còn hiện tại. Cái sát na đó chính là cái phi thời gian. Đó là lúc thời gian tâm thức đã kết thúc, và cái khoảnh khắc này trở thành một niệm ngàn năm bất diệt. Đó là cái khoảnh khắc mà Đức Phật nói rằng hễ ai mà để tâm được như thế thì sẽ xa lìa đau khổ, đạt được giải thoát. Nếu như lúc ấy chúng ta móng niệm khởi tâm, bất kỳ tâm gì, phân biệt xấu đẹp, lành dữ, ưa ghét là rơi vào dính mắc, chấp trụ, và cái khoảnh khắc phi thời gian đó sẽ tức khắc biến mất mà trở thành dòng thời gian luân hồi.
Thế nên Kinh Kim Cương nói rằng: “ưng vô sở trụ, nhi sanh kỳ tâm.” và “Tâm quá khứ bất khả đắc, tâm hiện tại bất khả đắc, tâm vị lai bất khả đắc.”
Kính thưa quý vị, đó là ý thơ đầy Pháp vị của nhà thơ Nguyên Giác Phan Tấn Hải trong bài thiền ca mở đầu CD Hoa Bay Khắp Trời.
Những bài tiếp theo, thơ của ông dù mang nhiều thơ tính, thiền tính nhưng cũng chứa đựng nhiều thực dụng tính để dễ dàng đưa chúng ta khi đang thưởng thức thơ phải trở về với hơi thở, với chánh niệm, với giây phút thực tại hiện tiền.
Bây giờ, chúng ta hãy đi vào cõi thơ thiền đầy thực dụng tính của ông trong bài “Lắng Nghe Hơi Thở”. (bài thứ tư trong CD) Nội dung bài này, tuy ngắn gọn nhưng lại chứa đựng tới ba pháp hành thiền căn bản của nhà Phật: phần đầu là thiền tâm từ, phát tâm rộng lớn, nguyện cho mình được giải thoát và mọi người được giải thoát, phần giữa là thiền quán niệm hơi thở và phần cuối là thiền sống trong giây phút hiện tại mà thuật ngữ nhà Phật gọi là “hiện pháp lạc trú” trích ra từ kinh Trung Bộ “Nhất Dạ Hiền Gỉa”.
Chúng ta hãy lắng nghe hơi thở, hãy thư giãn toàn thân, buông xả tất cả như nhà thơ đã thì thầm:
Nguyện xin an bình
nguyện xin giải thoát
cho con, cho ba
cho mẹ, cho anh, cho chị, cho em
cho khắp mọi người
Toàn thân dịu dàng
mắt khép nhẹ nhàng
lắng nghe thở vào thật nhẹ
lắng nghe thở ra thật nhẹ
Toàn thân dịu dàng
lặng lẽ phập phồng
cảm nhận thở vào thật nhẹ
cảm nhận thở ra thật nhẹ
Ngày qua, không nghĩ tới
ngày sau, chẳng bận tâm
lắng nghe và cảm nhận
hơi thở là toàn thân
….
Ngày qua, không nghĩ tới, ngày sau, chẳng bận tâm, chỉ có sát-na hiện tại là có thực, cho nên chúng ta không lo lắng về quá khứ hay tương lai, hãy sống trọn vẹn với giây phút hiện tại với tâm chánh niệm.
Kính thưa quý vị,
Những lời kinh Phật dạy đã được nhà thơ Nguyên Giác Phan Tấn Hải chuyển thể thành mười bài thơ pháp hòa cùng dòng nhạc của nhạc sĩ Trần Chí Phúc dễ đi vào tâm cảm của chúng ta, để chúng ta thực hành mỗi giây phút ngay trong cuộc sống bận rộn mỗi ngày của chúng ta. Cảm ơn nhà thơ và nhạc sĩ và bây giờ mời quý vị thưởng thức thơ và nhạc trong CD Hoa Bay Khắp Trời.
Xin chân thành cảm ơn quý vị đã lắng nghe.
Trân trọng kính chào quý liệt vị.
Tâm Diệu
Trình bày: Ca sĩ Duy Thùy
Trình bày: Ca sĩ Đình Trường
Discussion about this post