Giới không trộm cắp
Nhìn từ quan điểm đạo đức Phật giáo
Thích Phước Đạt
Năm giới và
mười điều thiện được xem là cơ sở thiết lập đạo đức Phật giáo thì giới thứ hai
“Không trộm cắp” là nhằm đảm bảo tính công bình và hướng tâm con người đi đến
sự vô tham, vô sân, vô si.
Một cá thể, một gia đình, một xã hội nếu không thực
thi, giữ gìn giới này thì đừng có bao giờ đề cập đến việc thiết lập giá trị đạo
đức, cao hơn là giá trị hạnh phúc thật sự. Trong một xã hội hiện đại, với một
nền kinh tế thị trường, sự duy trì và gìn giữ giới này không chỉ là động lực
phát huy nhân cách đạo đức, bảo đảm trật tự xã hội, trên hết là kích thích sự
sáng tạo vô bờ bến của trí tuệ con người.
Ảnh minh họa
Phật nói có ba loại thần thông. Thứ nhất là biến hóa thần thông, tức là thi thố những quyền năng siêu nhiên như bay trên không như chim, lội dưới nước như cá, đi ngang qua vật cản như là đi giữa hư không v.v… Hai là túc mạng thông, tức là biết rõ các kiếp sống trước của mình và của người khác. Và ba là giáo hóa thần thông tức là bố thí pháp, tức là giáo hóa người khác từ ác trở thành thiện, từ mê chuyển sang ngộ v.v… |
Giới thứ hai từ Pali là Adinnadana
veramani, nghĩa là Phật tử không được lấy của không cho. Ở các nước Phật giáo Nam
tông như Campuchia, Lào, Miến Điện, Thái Lan, Tích Lan v.v… Tăng sĩ sống bằng
khất thực, chỉ nhận những thức ăn và các vật dụng khác được Phật tử tại gia
thành tâm cúng dường. Còn Phật tử tại gia thì được khuyến khích nuôi sống mình
và gia đình mình bằng nghề nghiệp thiện lành, chính đáng. Chánh mạng là một
trong tám mục của Bát Chánh đạo. Chánh mạng là sống bằng nghề nghiệp chính
đáng, lương thiện.
Có thể phân biệt hai loại trộm
cắp. Một loại là trộm cắp trực tiếp, nghĩa là chiếm đoạt một hay những cái gì
thuộc quyền sở hữu của người khác, mà người ấy không bằng lòng. Loại trộm cắp
thứ hai là gián tiếp bằng lừa đảo hay gian lận. Nói tóm lại, đạo đức Phật giáo
lên án mọi hành vi thủ lợi, không trung thực, không lương thiện. Đối với Phật
tử, cái gì đã không cho thì không lấy, đồng thời khuyến cáo mọi người cần thực
thi hạnh bố thí nữa. Đó là phương châm bất di dịch, trong mọi giao dịch giữa
Phật tử với nhau cũng như giữa Phật tử với người ngoài.
Đối lập với nghiệp trộm cắp, lấy
của không cho là hạnh bố thí (Pali: dana). Bố thí đứng đầu trong mười hạnh
Ba-la-mật của Phật giáo Nam
tông. Chúng ta sẽ trở lại vấn đề rất quan trọng này ở một đoạn sau. Một hành vi
được xem là trộm cắp, là lấy của không cho khi có những điều kiện sau đây:
1. Của cải, đồ đạc, vật dụng của người khác. 2. Người lấy biết rõ,
đó là của cải, đồ đạc, vật dụng của người khác. 3. Có ý chiếm đoạt.
4. Dùng thủ đoạn để chiếm đoạt. 5. Hành vi cụ thể chiếm đoạt. Dùng
phương tiện hay phương pháp chiếm đoạt là như thế nào, một khi đã có sự chiếm
đoạt mà người đương sự, có của bị chiếm đoạt không bằng lòng, thì đó là trộm
cắp, là lấy của không cho, và người chiếm đoạt nhất định sẽ chịu quả báo tương
ứng.
Người lấy của không cho bị quả báo
xấu như thế nào? Kẻ ăn trộm, kẻ lấy của không cho chịu các quả báo như: 1. Sau
khi mệnh chung, phải đọa vào các cõi ác, như địa ngục, quỷ đói, súc sanh. 2.
Nếu may mắn được làm người, thì chịu cảnh nghèo khổ. 3. Không thể
nào tích lũy được tài sản. 4. Nếu mà tích lũy được, thì lại bị vua quan,
kẻ cướp, hỏa tai, thủy tai đoạt lại sạch sành sanh. 5. Không có khả năng
thọ hưởng năm dục và bị mọi người khinh rẻ.
Bố thí là thế nào và nên bố thí
như thế nào? Đạo đức Phật giáo không những răn dạy Phật tử cũng như mọi người
không được trộm cắp, không được lấy của không cho mà còn khuyến giáo mọi người
luôn luôn nghĩ tới bố thí và thực hành bố thí. Phật giáo có một quan niệm hết
sức rộng rãi về hạnh bố thí. Có thể nói, người nào, bất cứ lúc nào, trong hoàn
cảnh nào cũng có thể thực hành bố thí.
Người có của cho của. Đó là tài
thí. Có nhiều cho nhiều, có ít cho ít. Cho nhiều hay ít là không quan trọng,
điều quan trọng là ở tấm lòng từ, lòng bi của người cho, thành tâm muốn đem vui
và cứu khổ cho người khác. Người không có của, như Tăng Ni xuất gia không có
của riêng, thì bố thí pháp, gọi là pháp thí. Nghĩa là chỉ dạy cho người khác
đạo lý làm người và đạo lý giải thoát. Phật luôn luôn dạy rằng trong tất cả các
loại bố thí thì pháp thí là đệ nhất, là đáng quý hơn cả. Dạy người tìm an lạc
trong nếp sống thiện lành, dạy người con đường thoát khỏi luân hồi sanh tử, Đức
Phật xem đó như là một loại thần thông, tức là giáo hóa thần thông.
Phật nói có
ba loại thần thông. Thứ nhất là biến hóa thần thông, tức là thi thố những quyền
năng siêu nhiên như bay trên không như chim, lội dưới nước như cá, đi ngang qua
vật cản như là đi giữa hư không v.v… Hai là túc mạng thông, tức là biết rõ các
kiếp sống trước của mình và của người khác. Và ba là giáo hóa thần thông tức là
bố thí pháp, tức là giáo hóa người khác từ ác trở thành thiện, từ mê chuyển
sang ngộ v.v…
Trong ba loại thần thông đó, Phật
đánh giá cao nhất, đáng thực hành nhất là giáo hóa thần thông. Mà giáo hóa
chính là pháp thí. Muốn pháp thí thì mọi người, xuất gia cũng như tại gia đều
phải học tập Phật pháp, thực hành Phật pháp trong cuộc sống hàng ngày của mình,
tức là phải sống đạo đức theo năm giới và mười thiện, và với một nhiệt tình
cùng hạnh kiên nhẫn rất lớn, thuyết phục mọi người xung quanh mình đều sống
theo năm giới, mười thiện. Nếu tất cả chúng ta, ai ai cũng làm như thế, thì xã
hội này sẽ hướng thiện, mỗi người đều sống an lạc, cả xã hội này cũng được an
lạc, cõi người sẽ biến thành cõi Phật.
Và như trong kinh Phật thường nói, ở
những đất nước mà mọi người đều biết sống đạo đức, sống thiện, thì thiên nhiên
cũng ưu đãi, mưa gió thuận hòa, thiên tai vắng bóng, mùa màng xanh tốt, thực
phẩm dồi dào, nhân dân sống no đủ và an lạc. Hiện nay, khoa học vẫn chưa khám
phá ra được mối liên hệ qua lại, biện chứng giữa cuộc sống đạo đức của xã hội
với sự vận hành của môi trường thiên nhiên.
Đức Phật với con mắt trí tuệ của
ngài, biết rõ, thấy rõ mối quan hệ đó và Ngài khuyên chúng ta sống đạo đức,
sống thiện để tận hưởng mọi ưu đãi của thiên nhiên.
Có những người không giàu có, cũng
không có pháp để pháp thí nhưng họ có thế lực và sức mạnh, họ có thể thực hành
cái mà trong kinh Phật gọi là vô úy thí, nghĩa là bố thí sự không sợ hãi, bảo
vệ cho mọi chúng sanh, mọi người khỏi phải sợ hãi, lo âu. Nếu phân tích kỹ,
chúng ta sẽ thấy, giữ giới sát cũng là bố thí sự không sợ hãi cho chúng sanh
không còn lo gì bị giết hại. Giữ giới không trộm cắp cũng là bố thí cho chúng
sanh không còn lo sợ bị mất cắp, bị lừa đảo, bị gian lận v.v…
Giữ giới tà dâm,
tức là bố thí cho mọi người khỏi phải sợ hãi cảnh vợ chồng bất hòa, gia đình ly
tán. Giữ giới không nói dối tức là bố thí cho mọi người khỏi phải sợ bị dối
trá, bị lừa gạt. Bố thí pháp cũng là một hình thức vô úy thí, vì người nghe
pháp, sẽ được an tâm không lo sợ phải tái sanh xuống các cõi dữ, cõi ác, ngược
lại được hướng dẫn trên con đường đạo, tiến tới giác ngộ và giải thoát, tiến
tới Niết-bàn là cảnh giới hạnh phúc tối thượng. Chia sẻ niềm vui với mọi người,
trong tâm hồn không mảy may có ý niệm ghen ghét đố kỵ, đó là tùy hỷ thí. Đem
lại niềm vui cho mọi người, đó là lòng từ. Chia sẻ niềm vui với người khác, đó
là lòng hỷ, là tùy hỷ.
Như chúng ta biết, và như đã nói ở
đoạn trên, hạnh bố thí đứng đầu mười hạnh trong Ba-la-mật của Phật giáo Nam
tông, đứng đầu sáu hạnh Ba-la-mật của Phật giáo Bắc tông, cũng đứng đầu bốn
nhiếp hạnh, chung cho cả Nam và Bắc tông (bố thí, ái ngữ, lợi hành, đồng sự),
cho nên tất cả chúng ta cần hiểu thấu rõ nội dung của bố thí, và những điều
kiện để cho mỗi hành vi bố thí của chúng ta đạt được hiệu quả cao nhất, nhiều
nhất.
Mọi người đều
biết trong kinh Kim Cang, một bộ kinh Đại thừa rất quan trọng, thuộc văn
hệ phái Bát-nhã, một bộ kinh rất quen thuộc với giới Phật giáo Việt Nam, xuất
gia cũng như tại gia. Phật dạy rằng, bố thí mà không vướng mắc vào tướng, thì
bố thí đó đem lại cho người bố thí công đức không lường. Mà tướng ở đây Phật
giải thích là sắc, thanh hương vị xúc pháp, tức là sáu trần.
Vì sao như vậy? Vì
khi tâm chúng ta vướng mắc vào sáu trần thì lập tức bị sáu trần hạn chế và làm
ô nhiễm, công việc bố thí của chúng ta sẽ không còn thanh tịnh nữa, và hiệu quả
của nó sẽ bị hạn chế. Bố thí với tâm vô lượng, thì công đức của bố thí đó cũng
là vô lượng. Trong nhiều kinh luận, hiệu quả của bố thí cũng được nói đến, cụ
thể hơn và dễ hiểu hơn. Qua những kinh luận đó, chúng ta sẽ hiểu được ý nghĩa
của “bố thí không trú tướng” trong kinh Kim Cang.
Kinh Ưu-bà-tắc-giới, quyển
5, viết: Có ba tình huống khi bố thí không đem lại nhiều công đức: 1.
Ban đầu, phát tâm bố thí rất nhiều, sau lại giảm bớt đi. 2. Lựa chọn
những cái gì xấu, hư hỏng để bố thí. 3. Bố thí rồi sanh lòng tiếc rẻ,
hối hận. Cũng kinh Ưu-bà-tắc-giới, quyển 5, phân biệt có 8 điều kiện hạn
chế công đức của bố thí: 1. Sau khi bố thí, phát hiện thấy người được bố
thí có vài lỗi và khuyết điểm. 2. Bố thí xong tự ca ngợi công đức bố thí
của mình. 3. Lúc đầu nói không có gì mà cho, sau mới bố thí. 4. Bố
thí xong, đòi hỏi người được bố thí thỏa mãn một số yêu cầu của mình. 5. Khi
bố thí tâm không bình đẳng. 6. Bố thí xong nói lời bất nhã. 7. Bố
thí xong, đòi trả ơn. 8. Bố thí xong, tâm sinh nghi ngờ. Rất rõ ràng, bố
thí theo kiểu như trên là bố thí với tâm hạn hẹp, tâm ô nhiễm, không phải là bố
thí thanh tịnh.
Việc chính trong lễ cầu siêu, cầu an không phải là mời Tăng sĩ đến làm lễ, tụng kinh niệm Phật mà tự bản thân người ốm hay là người sắp qua đời phải tụng kinh niệm Phật, nếu không đủ sức thì người thân phải tự mình tụng kinh niệm Phật, đem của cải bố thí, cúng dường Tam bảo, giúp đỡ cho người nghèo rồi hồi hướng công đức cho người ốm và người sắp quá cố hay là người đã quá cố. Tăng Ni cũng có thể mời, nhưng là để hộ niệm mà thôi. Tuyệt đối không được mời khách ăn uống linh đình, giết hại sinh vật. |
Kinh Tăng nhất A-hàm, quyển
37, viết: “Khi bố thí tài vật cần chú ý 8 điều sau đây: 1. Bố thí phải
đúng thời cơ. 2. Dùng loại tài vật mới, tinh khiết mà bố thí, không bố
thí những tài vật dơ bẩn, hư hỏng. 3. Cầm tài vật với hai tay để biếu
tặng, không được sai người đem cho. 4. Thường phát nguyện bố thí, không
được có tâm ngạo mạn. 5. Bố thí để cứu độ chúng sanh, chứ không đòi được
trả ơn. 6. Cầu cảnh giới Niết-bàn vô thượng mà bố thí, chứ không cầu
phước báo loài trời và loài người. 7. Ưu tiên bố thí những bậc thật sự
là ruộng phước (như Tam bảo, cha mẹ, sư trưởng, v.v…) sau đó bố thí cho những
đối tượng kém cõi hơn. 8. Hồi hướng công đức bố thí cho chúng sanh,
không giữ công đức ấy riêng cho mình hưởng thọ”.
Du-già sư địa luận, cuốn 38, viết: “Bồ-tát khi bố thí không tính đến quả
báo, không vì lợi dưỡng và danh vọng thế gian, không vì để được trả ơn, không
vì để được kính trọng và cúng dường, vị ấy không bố thí với tâm hạn hẹp, dù cho
tài vật bố thí có ít, tâm của vị ấy vẫn rộng rãi. Huống hồ khi vị ấy có nhiều
của cải đem bố thí, sao lại không phát đại tâm ư?”. Cũng Du-già sư địa luận,
cuốn 39, viết: “Có năm đặc trưng của hành động bố thí của người thiện: 1.
Bố thí với niềm tin thanh tịnh. 2. Bố thí với thái độ cung kính. 3.
Bố thí với hai tay, và tự mình biếu. 4. Bố thí đúng thời. 5. Bố
thí mà không gây phiền não cho người khác”.
Điều tối kỵ nhất là sát sanh hàng
loạt để mời khách và cúng tế. Kinh Tạp A-hàm, quyển 4, chép truyện có
một trưởng giả tên là Trưởng Thân chuẩn bị giết hàng trăm con bò, dê, để lập tế
đàn lớn cầu phước báo. Phật thấy và dạy rằng: “Sát sanh để bố thí không những
không được phước báo mà còn mang tội cả một đời”. Và nói: “Nếu cúng dường ba
loại lửa thì được phước báo và an lạc. Một là căn bổn hỏa, tức là lửa căn bổn.
Cha mẹ sanh ra chúng ta, chính là căn bổn của chúng ta. Hãy phụng dưỡng và cúng
dường cha mẹ là lửa căn bổn thì sẽ được phước báo lớn. Hai là cư gia hỏa, tức
là bố thí cho vợ, chồng, con cái, thân thuộc. Ba là phước điền hỏa, tức là bố
thí cúng dường Tam bảo, cúng dường cho người xuất gia, thầy dạy là những người
dạy chúng ta đoạn trừ tham, sân, si”. Trưởng giả không những nghe theo lời Phật
dạy, thả hết bò, dê dự định giết thịt mà còn xin làm lễ quy y Tam bảo, mời Phật
và Tăng chúng dự trai tăng v.v…
Có thể nói đạo Phật có một quan
niệm hết sức rộng rãi về hạnh bố thí, giúp cho bất cứ người nào có lòng từ,
lòng bi đều có thể tu hạnh bố thí, và bố thí đúng theo pháp của Phật và Bồ-tát
nên được phước đức vô lượng.
Cho nên, việc chính trong lễ cầu siêu, cầu an
không phải là mời Tăng sĩ đến làm lễ, tụng kinh niệm Phật mà tự bản thân người
ốm hay là người sắp qua đời phải tụng kinh niệm Phật, nếu không đủ sức thì
người thân phải tự mình tụng kinh niệm Phật, đem của cải bố thí, cúng dường Tam
bảo, giúp đỡ cho người nghèo rồi hồi hướng công đức cho người ốm và người sắp
quá cố hay là người đã quá cố. Tăng Ni cũng có thể mời, nhưng là để hộ niệm mà
thôi. Tuyệt đối không được mời khách ăn uống linh đình, giết hại sinh vật.
Nói
chung lại, cách cầu an và cầu siêu đúng theo Chánh pháp của Phật là bố thí rộng
rãi, và hồi hướng công đức cho người ốm và người sắp qua đời hay là vừa qua
đời. Mọi lễ lạt chỉ có ý nghĩa hỗ trợ mà thôi.
Kinh Độ vô cực, quyển 3, kể
chuyện ngày xưa có ông vua tên là Hòa Hắc, nhân thái hậu bệnh nặng, vua nghe
theo ngoại đạo, tổ chức tế đàn lớn, dự định giết một em bé nhi đồng và 100 súc
vật để tế thần, cầu cho thái hậu khỏi trọng bệnh. Phật dùng thiên nhãn, thấy sự
việc như thế bèn đến ngay tại hiện trường mà bảo rằng: “Muốn có lương thực thì
phải siêng năng cày cấy, muốn được giàu có thì phải bố thí rộng rãi, muốn sống thọ
lâu thì phải nuôi dưỡng lòng từ bi, muốn có trí tuệ thì phải siêng năng học
tập, làm điều thiện mới được quả báo an lạc. Cách nhà ngươi sát sanh để cầu
sống thọ là trái với luật nhân quả. Sát sanh là làm trái với đức hiếu sanh của
trời, không những không tăng thọ mà còn làm giảm bớt thọ mạng. Phật bèn nói kệ:
Phật lại phóng hào quang làm cho
mọi người có mặt đều sanh lòng hoan hỷ. Nhà vua nghe Phật giảng pháp, chứng
được Sơ quả thánh. Thái hậu nghe pháp, tâm thấy vui vẻ, bệnh cũng giảm bớt dần
dần. Hơn hai trăm Bà-la-môn ngoại đạo có mặt, là những người khuyên vua lập tế
đàn, cũng sinh lòng hổ thẹn, cầu xin Phật thu nạp làm đệ tử. Từ đó về sau, nhà
vua thi hành nhân chánh, yêu dân như con, trời thì mưa thuận gió hòa, mùa màng
năm nào cũng tươi tốt. Nhân dân từ bỏ điều ác, nhờ đó, thọ mạng trung bình của
dân chúng cũng tăng lên…”.
Suy cho cùng, giá trị đạo đức của
con người là biết sống thiện, tức là sống đạo đức bằng sự nỗ lực tinh cần làm
ra của cải vật chất bằng chính “do sức mạnh cánh tay, do mồ hôi đổ ra đúng
pháp, do thâu hoạch đúng pháp” như Đức Phật từng dạy. Có như vậy, chúng ta mới
bảo đảm sự công bằng về sở hữu trí tuệ và sở hữu vật chất của mỗi cá thể, của
một cộng đồng. Có công bằng thì mới bảo đảm sự hạnh phúc cho mọi người.
Thích Phước Đạt (NS Gíác Ngộ)
Discussion about this post