GIẢI TRÌNH
BẢN THỂ, THỰC TẠI, TÁNH KHÔNG, TƯỚNG KHÔNG..
Sự Liên Hệ Giữa Tánh Không, Bản Thể Với Vũ Trụ Thực Tướng, Phi Tướng.
Trần Ngẫu Hồ
Vài hàng giới thiệu:
Bài này là trích đoạn chương 11, sẽ đăng trên tác phẩm “Tuyên Ngôn Về Thể Trạng Vũ Trụ Tiền Big Bang”, nên sẽ có một số điều đã đăng trong 2 bài trước, xin thông tri cùng quý độc giả.
Kính thưa các vị độc giả, tri thức.
Cuốn sách: “Tuyên Ngôn Về Thể Trạng Vũ Trụ Tiền Big Bang” (TNVTTVTTBB) này, khởi đầu phổ biến giới hạn, trong phạm vi nhỏ và gởi tặng một số thân hữu, phần lớn đều thích thú và đồng cảm, nhưng cũng có vài người thắc mắc và đánh giá nhận định của tác giả là chủ quan, một vài người lại cho rằng tác giả thiên vị Phật Giáo, thiếu Khoa Học. Những vọng động này khiến cho tôi viết thêm một chương này để biện minh và trả lời cho rõ những luận trình của cuốn sách.
Từ chương 4, 5, và 6 tôi đã kết luận thể trạng của Vũ Trụ trước Big Bang sinh sinh, diệt diệt là ở thể Đại Định, Đại Định là một đương thể của Tâm rỗng lặng, (đương thể là một trạng thái đang xảy ra, và được nhận biết), sự giải thích Vũ Trụ là một Đại Định khiến cho bạn đọc có thể hiểu được, khi giải thích theo chiều hướng Đại Định chính là trạng thái Tâm ta không rời Thiền.
Mà Thiền lại là trạng thái sau nỗ lực làm vắng lặng một cách tự nhiên, quen thuộc của các vọng động trong Tâm. Kéo dài trạng thái này thì là Định và Đại Định, vì thế nên tôi viết Đại Định là trạng thái có thể hiểu được, thấy được và thực hiện được.
Điều giải thích này là lý do cho thấy tại sao chúng ta lại phải dựa vào Phật Giáo? Vì Phật Giáo khảo sát Tâm rất kỹ lưỡng bằng môn học Duy Thức Học và bằng Thiền Định Phật Giáo, chủ trương rằng con người phải kiến tánh mới mong đạt được Niết Bàn Hữu Dư, nên sau khi hết duyên đời sẽ vào thẳng Niết Bàn Vô Dư tức Vũ Trụ Đại Định, Bản Thể Vĩnh Cửu.
Thế nên Tánh Không, Bản Thể (thể không, cái không, chân không) và Vũ Trụ Đại Định đều mang tính chất của nhau, có liên hệ tuyến tính và không ngăn ngại nhau. Đều là rỗng lặng, hồn nhiên như nhau.
Khoa Học khi khảo sát đến cái tận cùng của vật chất thì bối rối, hoang mang vì không biết sau cùng nó là hạt hay là sóng? Như sự trình bầy trong bài: “Khi Vật lý Gõ Cửa Bản Thể Học” của Tiến Sỹ Nguyễn Tường Bách (T/S NTB) sẽ đính kèm dưới đây. Xin cám ơn T/S NTB đã cho phép tác giả được xử dụng bài viết của mình như một tài liệu dẫn chứng, và để tác giả minh chứng cho luận trình thể trạng Vũ Trụ là một Đại Định rỗng lặng.
Phật Giáo đã trả lời rành mạch cho câu hỏi này của Khoa Học, qua đó, chúng ta sẽ thấy sự liên hệ hiển nhiên giữa Vũ Trụ trước Big Bang và Bản Thể cũng như Tánh Không và độc giả cũng sẽ thấy những bí ẩn của Vũ Trụ được giải trình rõ ràng mà không qua sự thần bí của tôn giáo, hoặc những phương trình toán học từ Khoa Học, nhưng từ chính những con người cụ thể chúng ta.
Kinh Kim Cang Phật thuyết:
“Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng. Nhược kiến chư tướng, phi tướng, ắt kiến Như Lai”.
Theo nghĩa của mặt chữ thì câu kinh này có thể lý giải như sau:
Những gì hiện thành tướng thì là không thật (Vì tướng đó do nhiều yếu tố cấu thành, nên sẽ tan hoại, nên không thật). Thấy đuợc chỗ không hiện tướng (Của tướng). Ấy mới chính là thấy được thật tướng
của tướng, (Như lai nghĩa là Phật, cũng có nghĩa là Đại Định Vô Sanh, cũng có nghĩa là cái vĩnh cửu, bản thể rỗng lặng, cũng có nghĩa là thật tướng).
Đây là lần thứ 3 tôi nêu lên cái phi tướng, trong hai bài, đã đăng trên KBCHN. Net vàThư Viện Hoa Sen.org, bài 1: “Phật Giáo chưa bao giờ có ảo tuởng, ảo giác, nói chi tới thời thượng” và bài 2: “Hữu tướng, phi tướng, bản thể, tánh không, thực tại, giải thoát”. Trong hai bài đấy tôi đã giải trình phi tướng, bài này chúng ta sẽ đi tới kết luận sau cùng và giải trình rõ thêm giá trị và bộ mặt của phi tướng. Để từ phi tướng đó, chúng ta sẽ thấy rõ ràng bản thể và tánh không.
Chúng ta hãy bắt đầu bằng cái bàn hữu tướng, với ý nghĩ bình thường của tất cả con người chúng ta, khi có cái bàn là chúng ta chỉ thấy đơn giản là chúng ta đang xử dụng cái bàn, nhưng khi quán chiếu sâu hơn nữa thì là chúng ta sẽ thấy, chúng ta chỉ xử dụng được cái bàn đó khi cái bàn còn nguyên vẹn cái không của cái bàn (tức cái phi tướng của bàn).
Cái không, phi tướng của bàn là cái khoảng không trong giới hạn của mặt bàn, và dưới mặt bàn.
Giả thử rằng, nếu chúng ta làm một cái hộp bằng carton nhẹ, chu vi lớn hơn và cao hơn cái bàn một chút, khoảng vài mili mét, chiều cao của hộp khoảng 3 bộ Anh, cũng có 4 chân đứng ngoài mặt bàn, đồng thời cũng có một cái hộp như vậy, vừa với chu vi của gậm bàn, cũng có 4 chân.
Nghĩa là, chúng ta làm 2 cái hộp chiếm lĩnh hoàn toàn cái không của cái bàn, thì cái bàn tuy vẫn có mặt, nhưng vĩnh viễn vô dụng, nếu ngày, giờ, phút, giây nào mà cái không của bàn còn bị chiếm lĩnh.
Như vậy, chúng ta khi xử dụng bàn nghĩa là đồng thời cái không của cái bàn bắt buộc phải hiện hữu , và cái bàn phải còn cái không thì cái bàn mới hữu dụng được, ngược lại nếu cái bàn không còn cái không thì cái bàn không thể xử dụng được nữa, nơi cái không của cái bàn, khiến chúng ta xử dụng được bàn, vậy thì cái không của cái bàn, chính là phi tướng của bàn, phi tướng của bàn mới là thật tướng của bàn vậy. Phi tướng của bàn mới làm cho bàn thật sự có giá trị.
Phi tướng của cái bàn, cái ghế, cái tách, cái nhà, cái xa lộ v…v…, là thật tướng của chúng. Thật tướng này không gì có thể hủy diệt được. Đốt không cháy, nổ lớn cũng không tan vỡ, chôn với thời gian dài không tiêu hủy, kể cả Vũ Trụ Hữu Vi có sụp đổ co cụm, như chứng minh của 5 bộ quần áo bỏ vào bao nylon, hút hết không khí ra, cái không (phi tướng) cũng không bị mất, bị hủy hoại như đã luận trình nêu rõ trong 2 bài nêu trên.
Vậy cái gì, không thể bị hủy hoại bởi bất cứ thứ gì thì cái đó là chân thực, là thực tướng, thế nên phi tướng là thực tướng không phải vì nhờ sự nhận định của Phật, của kinh Kim Cang mà nó thành thực tướng. (Nhưng nhờ trí tuệ của Phật, ngài thấy và chỉ ra cho chúng ta cũng thấy như ngài) Mà phi tướng đúng là thực tướng, ấy là một sự kiện khách quan, thực tế, lý tánh tự thân. Không phải ngụy biện, đặt điều đặt chuyện , tự nhận, thậm xưng.
Và cũng chẳng cần có sự can dự của khoa học để chứng minh cái phi tướng thật tướng này, vì nó đã quá rõ ràng.
Qua những lý luận, chúng ta đã thấy rõ phi tuớng của các tướng, và cũng đã thấy cái dụng của phi tướng thật tuớng. Có ai không thấy chỗ không của căn nhà, của cái bàn, cái ghế, cái chén ăn? Chỗ không ấy là tướng của phi tướng, phi tuớng cũng là thật tướng của các tuớng.
Như vậy, không và sắc đắp đổi với nhau, nương nhau ngay trong cái sắc, cái sống, chúng không thể thiếu nhau. (Tuy nhiên, vì là Bản Thể nên không vẫn quan trọng hơn, vì nếu sắc, tức cái bàn mà mất, thì chỗ không, tức phi tướng của bàn vẫn hữu dụng, trường hợp ngược lại thì bàn kể như vô dụng, như đã giải thích ở trên). Chứ chẳng cần phải đợi gỡ từng phần của chúng ra khỏi nhau mới thấy cái không của chúng, giải không bằng cách gỡ từng thành phần của chúng để thấy cái không là từ chương, chỉ dựa vào sách vở, là thiếu linh động, là nước chết, vì không hiển bày được sự thực tế, sự thực dụng của cái không, dẫu cái không đấy (của các luận sư) là cái không sau cùng, là chân không và cũng đồng với cái không thực tướng rỗng lặng.
Cái Không phải dùng đúng mức độ và hoàn cảnh để tránh gây sự khó hiểu.
Không thấy, hiểu được phi tướng, thực tướng thì không thấy, hiểu được bản thể, cũng như tánh không. Không thấu triệt được tánh không, thì không hiểu Vũ Trụ là một thể Đại Định, hay Vũ Trụ Đại Định.
Cũng như không hiểu, không thấu triệt cái rỗng lặng từ thiền định thì không thấy được thực tại.
Thể, tướng, dụng không ngăn ngại nhau. Vì cũng đồng là rỗng lặng như nhau. Nhưng chúng ta phải phân định cho rõ và dùng chúng đúng ngữ cảnh để khỏi gây mâu thuẫn.
Phi tướng thật tướng của các vật vô tri nêu lên được, thấy được. Thì phi tưóng của những chúng sinh hữu tình cũng như thế, cũng thấy rõ, cũng nêu lên được và phi tướng ấy cũng không gì hủy diệt được.
Phi tướng của những chúng sinh hữu tình là cái sống của những chúng sinh hữu tình dựa vào cái không của những chúng sinh đó.
Như đã chứng minh, phi tướng của hữu tình, cũng như vô tình dựa vào cái không của chúng để mà có phi tướng và cái phi tướng này không thể bị hủy diệt bởi bất thứ gì, vậy phi tướng của chủ thể X sẽ về đâu? Sau khi X qua đời? X chỉ có thể trở về cõi sinh diệt, chứ không thể nào vào cõi bất sinh được. Thế nên luân hồi là lý lẽ đương nhiên.
Như vậy, quý đọc giả nào đọc được những giòng này thì xin yên trí là khi mình bỏ cái xác thân này, thì cái hữu tướng mới là tan rã, còn cái phi tướng của tất cả chúng ta không gì có thể huỷ diệt được, xin bạn đọc hãy thông báo cho thân nhân mình biết là hữu tướng của họ dù có đốt hay chôn, hay phân hủy tan nát thành bụi, thì cái phi tướng, thật tướng của họ cũng chẳng thể bị hủy diệt được, để họ có sự chọn lựa bình yên, đúng với ý thích của mình. Con người chúng ta ai ai cũng có cái phi tướng thật tướng này.
Qua sự giải thích phi tướng thực tướng như trên, thì sự hiến xác khi qua đời là hữu ích và cao thượng nhất.
Vì con người và vạn vật đều ra từ 2 cung lạc chập vào nhau của Đại Lạc trong Vũ Trụ Đại Định rỗng lặng, bao la, không ngằn mé, như sự giải thích ở các chương 4- 5 và 6 trong Tuyên Ngôn Về Thể Trạng Vũ Trụ Tiền Big Bang (TNVTTVTTBB). Nên trong tận cùng của con người và vạn vật đều là cái không rỗng lặng, và cũng có thường , lạc, ngã, tịnh như gốc bổn của nó, nên con người và vạn vật đều cùng một thể, vậy nên kinh nói: “Vạn vật đồng nhất thể” là bởi ý nghĩa này.
Vì tánh là rỗng lặng, mà thể tánh của Vũ Trụ trước Big Bang cũng là rỗng lặng, nên nói tánh là những gì đã có sẵn thì cũng đúng, hoặc nói tánh không là tánh của bản thể của vạn vật cũng vẫn đúng.
Trong những bài trước đã dẫn kèm ở đầu trang tôi đã luận trình và lý giải bản thể của vạn vật là ở thể không rỗng lặng, nên nói bản thể cũng đồng với thể của Vũ Trụ Đại Định.
Vậy tánh không, thể không, tướng không, chân không cũng vẫn chỉ là cùng một thể rỗng lặng hồn nhiên, cũng cùng từ một tâm rỗng lặng hồn nhiên mà thôi.
Tuy nhiên, cũng như đã lý luận, vì con người chúng ta đã quen thuộc sống trong hữu tướng, chạy theo những giá trị của hữu tướng, nên quên hẳn trong mình có cái không rỗng lặng, tức tánh không rỗng lặng.
Nay với những sự hướng dẫn của Phật Pháp với môn thiền thoại đầu, công án, con người thấy rõ mình là rỗng lặng hồn nhiên, sự thấy này gọi là kiến tánh, và sau nỗ lực để sống thường xuyên trong tánh là giải thoát, là thành Phật. Như vậy kiến tánh rồi, chúng ta phải thường xuyên ở trong tánh thì mới gọi là rốt ráo.
Chỉ có con người mới có thể nhận ra mình có cái tánh vô sanh rỗng lặng (Kiến tánh vô sanh), nên nỗ lực chuyển đổi từ trạng thái sinh diệt sang trạng thái bất sinh diệt rỗng lặng, trở lại cái tánh không rỗng lặng, nên tánh chỉ nên dùng cho con người, mà không nên dùng cho những chúng sinh như loài vật (vì ngu si), để tránh sự khó hiểu cho người đọc.
Chúng ta đã biết từ vô thỉ thời gian tới nay, tức là không biết từ bao giờ, con bò chỉ biết ăn cỏ và kêu bòbò, và hiện tại thì chúng cũng chỉ biết kêu bòbò và ăn cỏ mà thôi, vậy làm thế nào chúng có thể thể nhập vào tánh vô sanh rỗng lặng được? Nếu muốn biết chắc chắn con bò có thể chuyển được sinh diệt để vào tánh hay chăng? Thì chỉ cần mở một lớp về tánh cho chúng là biết ngay thôi.
Nên kinh nói: Sinh tử (diệt) là niết bàn (Đại Định Vô Sanh) do nghĩa này.
Thế nên, tánh không chỉ cho con người, một chúng sinh cao cấp, luôn sinh sinh diệt điệt và tiến hóa, còn thể không, tướng không thì dùng cho loài vật và tĩnh vật thể, cây cối, thảo mộc, đất đá, đồ vật vô tình thì là chính xác nhất. Nên tôi viết là tánh không, thể không, nên dùng cho đúng ngữ cảnh là vì lý do này.
Vũ Trụ trước Big Bang là ở thể rỗng lặng, thế nên bản thể của vật chất và con người, muôn loài cũng ở thể không rỗng lặng, nên Bản Thể cũng chính là Vũ Trụ trước Big bang. Bản thể cũng chính là tánh không rỗng lặng của con người và cũng là thể không rỗng lặng của muôn vật. Vì thế nên chúng ta biết tánh hàm chứa bản thể.
Bản thể là cũng là thể của Vũ Trụ Đại Định, cũng là rỗng lặng hồn nhiên, và cũng có thường, lạc, ngã, tịnh.
Nên vạn vật đồng nhất thể , và con người phải kiến tánh và thường xuyên không rời Đại Định Vô Sanh như chủ trương của Đại Thừa là đúng. Vì chỉ thưòng xuyên thấy trong ta là rỗng lặng, thế giới là rỗng lặng như bản thể của nó và sống với cái tâm rỗng lặng, và với cái phi tướng này mới gọi là giải thoát khỏi sự hủy diệt của vô thường được.
Tuy cùng bản thể, nhưng tại sao vạn vật và chúng ta lại có sự ngăn ngại? Nghĩa là chúng ta khó thấy được điều này? Trong TNVTTVTTBB trang 60-61 trả lời cho câu hỏi này như sau:
“Là bởi vì thế giới tướng, tướng trạng của chúng và của chúng ta khác nhau. Thế nên, khi nào tướng của chúng triệt tiêu, trở về cái không, hoặc, và chúng ta ngừng sinh diệt sống trong giác tánh, rỗng lặng thường xuyên, thì ta có thể câu thông với tất cả những gì trong Vũ Trụ Sinh Diệt chẳng ngăn ngại gì.”.
Không thể thể nhập được vào tánh, con đường giải thoát sẽ là một cố gắng vô vọng dẫu có đạt được vào tầng định cao nhất, tức phi tưởng, phi phi tưởng xứ định. Hoặc đạt được tam minh, nhưng vẫn cứ luân hồi, vì chưa rốt ráo vô sanh.
Muốn kiến tánh, hãy giải trình công án này:
Câu chuyện như sau: Có hai thầy trò đi tụng đám ma, lúc xong một thời tụng, người học trò chỉ vào quan tài, chỗ người chết đang nằm và lễ phép hỏi thầy của mình: “Thưa thầy, đây là sống hay là chết?”. Người thầy trả lời: “Sống ta chẳng nói, chết ta chẳng nói”. Bài giảng ngắn coi như chấm dứt sau câu trả lời này.
Người học trò, có lẽ vẫn còn thắc mắc vì chưa hiểu nổi câu trả lời của thầy, trên đường về anh học trò lại níu áo thầy hỏi câu hỏi lúc nẫy: “Xin thầy trả lời, đó là sống hay chết?”. Ông thầy rứt tay, không quay đầu: “Ta đã trả lời ông rồi, sống ta chẳng nói, chết ta chẳng nói”. Người học trò cho rằng thầy mình dấu sự thật, không muốn trả lời, nên trong lúc như bị kích động bèn dọa: “Nếu thầy không trả lời cho rõ, con sẽ đánh thầy”. Ông thầy như đã quyết, nên trả lời: “Ta đã trả lời cho ông rồi, ông có đánh ta cũng vậy thôi”. Người trò bèn đánh thầy.
Khi về đến chùa, ông thầy gọi người học trò lên và nói: “Ông đã đánh ta, như vậy là phạm nội quy của chùa, vậy ông phải rời khỏi chùa, bằng không những trò khác biết chuyện họ có thể hại ông đó”.
Người trò rời chùa, đi tìm chùa mới, thầy mới, nhưng trong lòng lúc nào cũng trĩu nặng câu chuyện thất vọng của mình.
Một hôm, sư phụ mới gọi người trò lên và hỏi: “Dường như ông có điều gì chôn sâu trong lòng hay sao? Mà phiền muộn lúc nào cũng hằn trên mặt vậy?”. Người học trò bèn kể sự thật câu chuyện cho sư phụ mới nghe.
Vị sư phụ mới nói: “Thầy ông đã trả lời ông rõ ràng rồi sao ông còn nghi điều gì nữa? Bây giờ ông hỏi ta đi”. Mừng quá, người học trò lại hỏi: “Vâng, thưa thầy trong đấy là sống hay là chết?”. Ông thầy mới trả lời: “Sống ta chẳng nói, chết ta chẳng nói”.
Người học trò bừng đại ngộ.
Mỗi năm tới ngày giỗ kỵ (kỷ niệm nhớ ngày chết)của thầy cũ, người học trò mặc đại tang, đi từ đông sang tây trong sân chùa, cứ 3 bước lại cúi lạy một cái.
Câu chuyện đến đây là chấm dứt, nếu đọc giả nào thấy rõ tại sao thầy mới trả lời như thầy cũ mà người học trò đại ngộ, thì là thấu hiểu được lý đạo. Và tại sao người học trò lại mặc áo đại tang đi từ đông sang tây và 3 bước lại lạy một cái trong ngày giỗ của thầy cũ của mình?
Hãy ôm câu: “Sống ta chẳng nói, chết ta chẳng nói” cho tới khi đại ngộ như người học trò.
Giải trình được câu chuyện này là kiến tánh đấy.
Qua mười chương sách, [thetrangvutru@yahoo.com], hẳn độc giả đã cảm thông với tác giả, khi tác giả cho rằng thể trạng của Vũ Trụ là một Đại Định, tức trạng thái của Thiền, và cũng là một thể Tâm rỗng lặng, như vậy thể Tâm Không, rỗng lặng đó không phải là không có gì, mà chính là Giác Trí Vô Sanh, muốn thấu triệt cái không này, chúng ta phải có Giác Trí Vô Sanh, nghĩa là chúng ta phải Kiến Tánh.
Tánh hàm chứa Không và Giác Trí, thế nên con người phải thường xuyên ở trong Tánh, thường xuyên ở trong Tánh là giải thoát khỏi luân hồi, đau khổ. Là cái sống vĩnh cửu, không còn sinh sinh, diệt diệt, như sự kết luận của tác giả: Cuối cùng chỉ còn một sự thật này, chỉ có cái bất sinh diệt, và cái sinh sinh, diệt diệt mà thôi.
Sự sống thật sự là sự sống thường xuyên không rời thiền định, trầm mặc, an lạc, thanh tịnh, thực hữu, phi hữu, không lệ thuộc vào bất cứ pháp nào.
Với tâm bất sinh, nên bất diệt, thật là đơn giản.
Không ở trong thiền định thì chỉ là sinh sinh, diệt diệt và luân hồi, dù có vào được các cõi giới cao cấp.
Sự đi tìm các hạt và giải trình hạt trong vi mô , hay sự khảo sát thiên văn để hiểu được những quy luật của vĩ mô thì cũng vẫn chỉ là tìm hiểu những gì biến đổi và sinh diệt mà thôi.
Có đi vào được các cõi giới khác cao hơn, sung sướng hơn cõi người, tức các cõi Trời như trong kinh sách nói tới, hay thực hiện việc đi vào các thế giới kỳ ảo nhiều chiều hơn thế giới của chúng ta, thì cũng chỉ là các cõi sinh sinh, diệt diệt và vẫn ở trong luân hồi mà thôi. Muốn không còn luân hồi, đau khổ thì hành giả phải ở trong cõi Vô Sanh. Cõi của chư Phật, Tổ.
Như vậy, khi đọc kỹ cuốn sách này, quý độc giả sẽ nhận ra tất cả những vấn đề như Vũ Trụ Chân Thực, Vũ Trụ Big Bang khởi đầu sinh diệt, Kiến Tánh Vô Sanh, Giác Trí Giải Thoát, Bản Thể, Thực Tại, Chân Không, Tướng Không, Phi Tướng, Hữu Tướng, Cái Không Bản Thể, Thiền Định, Tình Yêu Nam Nữ,(Sự hấp dẫn giới tính, hay luật hấp dẫn), Sự Làm Tình (Tức sự chập vào nhau của 2 cung Lạc, như sự chặp vào nhau, rồi tương tác nhau của các hạt), Sự Xuất Tinh của Nam, sự Kích Ngất của Nữ (Mang ý nghĩa bùng nổ của Big bang), Sự Hấp Dẫn, Tương Tác Mạnh, Tương Tác Yếu, Tương Tác Điện Từ, Sự Sanh Tâm, tức Tâm Sinh Diệt, Thức Khởi Đầu (Thức thứ 6), Sự Sanh Đẻ, Sự Chết, Sự luân Hồi.
Mà nếu được tư duy kỹ lưỡng, thì độc giả sẽ thấy chúng đều có liên hệ tuyến tính với nhau, nghĩa là đều có bàng bạc một sự liên hệ đến nhau, và tất cả đều ra từ một gốc, đó là:
Vũ Trụ Chân Thực, hay thể Tâm Rỗng Lặng Hồn Nhiên, tướng của Vũ Trụ Chân Thực này chính là Đại Định, muốn thấu, hiểu được tướng trạng của Vũ Trụ Chân Thực chúng ta phải ở trong Đại Định. Đại Định là thực thể đạt được từ từng cá nhân con người, bắt đầu bằng con đường Thiền, thực hiện qua từng con người như đã giải thích trong những chương trước.
Big Bang xảy ra do sự chặp vào nhau của 2 cung Lạc, những cung Lạc này cũng ra từ Đại Định, tức Thể Tâm Rỗng Lặng, mà từng con người có thể cảm nhận được từ An Lạc, rỗng lặng khi từng con người trong trạng thái Đại Định Vô Sanh. Như vậy vô lượng Big Bang cũng ra từ Đại Định Rỗng Lặng.
Sẽ phân tách yếu tố Hỏa là yếu tố đầu tiên, tức Hỏa thành hiện hữu do 2 cung Lạc chặp vào nhau, và sự hình thành thế giới như sự giải thích của thuyết Âm Dương Ngũ Hành của Đông Phương ở những trang sau.
Như vậy, Vũ Trụ Chân Thực là một Đại Định rỗng lặng không có gì là mơ hồ cả, mà là thực hữu, phi hữu như tôi đã giải thích kỹ luỡng. Giữa con người và Vũ Trụ Chân Thực không cần có vai trò trung gian nào cả. Từng con người có thể, thể nhập vào Vũ Trụ Chân Thực này bằng con đường Thiền Định, những phương cách Thiền đơn giản của Phật Giáo, mà tôi gọi là Khoa Học Thiền Định:
Có được một phương pháp, có một trình tự thì đã là một Khoa Học rồi.
Nỗ lực của cuốn sách này là cố gắng nêu được những liên hệ giữa Bản Thể tức Vũ Trụ Chân Thực và con người, qua con người, để chứng minh, nêu rõ những giá trị, hình ảnh của phi hữu, nhưng thực hữu. Tác giả đã phác họa một hành lang thực tế, đơn giản, dễ hiểu để thể nhập vào Vũ trụ Thực Hữu, phi hữu mà không bằng những giải thích mơ hồ, thần bí, hay những phương trình toán học khó hiểu.
Khi nắm được ý nghĩa này, thì độc giả đã cảm thông với tác giả.
Và xin được nêu thêm điều này, sự giải thích phải trực chỉ, đơn giản, dễ hiểu, nếu giải thích mơ hồ, lẩn quẩn thì do người giải thích chưa thấu triệt được vấn đề.
Nếu người giải thích cho rằng vấn đề phải là bí ẩn, là mật tàng nên chỉ có thể chỉ riêng cho từng người, thì đó là những kẻ đầu cơ chân lý.
Còn những kẻ cho rằng chân lý chỉ ở trong tay đấng quyền năng, linh thiêng, con người không thể hiểu được thì xin đọc giả đánh giá ngay cho rằng đó là những kẻ đại, đại bịp, đang lợi dụng sự dễ dãi, ngây thơ, cả tin của mình để khuynh loát tâm hồn mình.
Thế nên nếu có kẻ nào nêu Thượng Đế, Ông Trời, Chúa, God, Allah trước mặt các bạn xin các bạn đánh giá ngay là những kẻ đó đang tạo những giả hình để mong dẫn dắt bạn vào con đường mê tín, và sẽ khiến cho Tâm của bạn thiếu vắng trí tuệ rồi trở thành bị muội, liệt đi mà thôi.
Nghĩa là, nếu tin có một vị thần làm chủ tể thì tự mình sẽ rơi vào tầng vô minh sâu hơn, sẽ khó hơn để vào sự rỗng lặng, Bản Thể sau này.
Sự đánh giá thể trạng của Vũ Trụ là cái Không Rỗng Lặng thì sao lại khó giải thích? Nhưng chẳng phải là chỉ Vũ Trụ là ở thể Không Rỗng Lặng mà thế giới Big Bang ra từ Vũ Trụ đó cũng tiềm tàng một cái Không Rỗng Lặng như vậy, tức là Thế Giới của chúng ta, tất cả vạn vật trong đấy cũng tiềm ẩn cái Thể Không rỗng Lặng này, cái thể Không Rỗng Lặng này chính là Bản Thể của vạn vật và cả con người chúng ta nữa, nên nói Vạn Vật đồng nhất thể, là chính vì tất cả đều đồng nhau ở cái thể Không này.
Không nhưng chẳng phải là Không đối với Có hay Không ngơ (đơ), mà là cái Không diệu hữu, với giác trí, chúng ta có thể thể nhập cái Không này bằng trí tuệ thiền định, hay Đại Định Vô Sanh trong từng con người chúng ta. Chúng ta sẽ giải trình rõ cái Không Rỗng Lặng này của Bản Thể.
Bài viết: “Khi Vật Lý Gõ Cửa Bản Thể Học”(KVLGCBTH) của Tiến Sỹ Nguyễn Tường Bách (T/S NTB), viết vào năm 2009, cho thấy sự hoang mang và bế tắc của Khoa Học khi nó tiến vào cái tận cùng của vật chất:
http://tapchivanhoaphatgiao.com/nghien-cuu/khi-vat-ly-go-cua-ban-the-hoc.html
Qua bài này, đã vô tình nhưng xác định cho chúng ta thấy thấy Thế Giới của chúng ta, bao gồn tất cả vật chất, lẫn con người, cầm thú là rỗng lặng, khởi đầu từ thể Không rỗng lặng là đúng. Không nhưng chẳng phải là Không, mà là giác trí, tức thể của Tâm, thể của Thiền Định, muốn thấy cái tướng của nó thì con người phải thường xuyên trong Thiền Định, khi nào con người không có những sinh diệt nổi lên trong Tâm của mình, thì đó là trạng thái Thiền, kéo dài trạng thái này thì là Định, không rời Thiền Định thì là Đại Định, Đại Định khi đối cảnh là Đại Định Vô Sanh, bản thể của Vũ trụ trước tất cả mọi sinh diệt, tức Big Bang khởi đầu.
Xin được trích một đoạn của bài viết trên của T/S NTB, để thấy Bản Chất thế giới là rỗng lặng:
… Nói chung thì sự xuất hiện của vật chất trong mức độ vi mô là phi liên tục. Mới nghe, điều này không có gì đặc biệt cả, nhưng với mô hình đó, người ta đi sâu nghiên cứu cấu trúc của nguyên tử, nhân nguyên tử và các hạt hạ nguyên tử (hạt cấu thành nguyên tử), lúc đó người ta thấy nơi mà người ta cho là cơ cấu cuối cùng của vật chất đó rất kỳ dị. Đối với người quan sát, nó xuất hiện một cách rất ngẫu nhiên, khi có khi không, khi chỗ này khi chỗ khác. Lấy ví dụ, cái bàn này là một hạt hạ nguyên tử, nó không nằm yên. Khi nào chúng ta nhìn nó thì nó mới xuất hiện, nếu chúng ta nhìn nơi khác thì nó không có mặt. Nếu dùng thước để đo, ban đầu chúng ta đo, nó dài 3m, nhưng sau đó, chúng ta đo lại thì chỉ còn 2,5m, lần sau nữa thì lại 3,5m. nó xuất hiện có vẻ ngẫu nhiên, không tuân thủ theo quyết định luận của Newton.
Dĩ nhiên, tính ngẫu nhiên này chỉ xuất hiện trong mức độ nhỏ nhất của vật chất. Mức độ này rất nhỏ, chúng ta không thể tưởng tượng được, mức độ đó phải được cộng thêm với 17 con số 0 nữa mới thành một centimet. Đó là mức độ nhỏ nhiệm nhất của vật chất, với mức độ đó, người ta hy vọng nếu khám phá được quy luật vật chất thì sẽ khám phá được thế giới, bởi nó là viên gạch cuối cùng của ngôi nhà vụ trụ, nhưng người ta không ngờ đến mức đó, hành tung của vật chất lại không như chúng ta chờ đợi. Do đó hàng loạt vấn đề triết học được đặt ra về tự tính của thế giới. Heisenberg nói: cái thiên nhiên, cái nature dường như xuất hiện theo cách chúng ta hỏi nó. Bởi vì khi thì nó xuất hiện theo dạng từng hạt, lúc thì xuất hiện theo dạng sóng, về mô hình, hai dạng này không tương thích với nhau. Nhưng nếu chúng ta mở một thí nghiệm khảo sát hạt thì nó có vai trò của hạt thật. Nhưng nếu chúng ta đo để xem vật chất có phải là sóng hay không thì nó cũng là sóng thật. Thiên nhiên là gì thì chưa biết, nhưng dường như nó trả lời theo cách mà chúng ta hỏi nó. Thế thì ý thức con người có ảnh hưởng gì lên thiên nhiên?
Ngày trước, người ta nói thực tại là gì không biết, nhưng nó luôn tồn tại độc lập, không bị ý thức con người ảnh hưởng lên nó. Con người dù có chết đi nữa thì thực tại vẫn là thực tại. Nhưng bây giờ, ở hạ nguyên tử thì ý thức xem ra có thể tác động lên được. Dường như thực tại là cái gì đó “nói chuyện” với ý thức, và có những nhà khoa học đi xa hơn, họ nêu lên vấn đề: phải chăng khi ý thức khảo sát thực tại thì chính lúc đó ý thức “tạo tác” ra thực tại, phải chăng thực tại là một sản phẩm do ý thức bày ra. Cho nên ngày nay mối quan hệ giữa thực tại và ý thức đã được đặt ra. Trước đó, người ta tưởng ý thức là một anh chàng đứng nhìn, còn thực tại thì trước sau vẫn y như vậy, nhưng đến giai đoạn này thì quan niệm đó không còn như vậy nữa. Ý thức có sự tác động lên thực tại. Nhưng tác động như thế nào thì người ta chưa biết. Có người cho rằng sự tác động đó là nhỏ thôi, ví tại điểm đó quá nhỏ nhiệm, có thể có cái gì đó làm cho thực tại “lung lay” theo. Nhưng cũng có người nói, không chừng với hành động nghiên cứu của chúng ta, chúng ta đã bày ra thực tại. Nếu thế thì trước thế kỷ XVIII, giới khoa học chưa biết tới nguyên tử thì không lẽ lúc đó không có nguyên tử?! Phải chăng lúc chúng ta nghiên cứu cái gì, thấy cái gì thì cái đó mới là thực tại? Khi chúng ta không nhìn mặt trăng thì mặt trăng không có hay sao? Từ đó sinh ra một chủ nghĩa gọi là chủ nghĩa thực chứng (positivism). Chủ nghĩa thực chứng xuất phát từ ý như thế này: Thực tại là cái gì, tôi không cần biết; tôi chỉ biết cái gì xuất hiện với chúng ta thì chúng ta biết, chúng ta chỉ hy vọng làm việc với những gì xuất hiện với chúng ta mà thôi. Còn Thực tại tự nó là gì? Đó là một câu hỏi vô ích, thậm chí đó là vấn đề vô nghĩa.
Nhìn chung, với nền vật lý hiện đại, khi con người tưởng như sắp mở cánh cửa thực tại thì thực tại trở nên mơ hồ, khó định nghĩa. Trước thời điểm đó khoảng 150 năm, ở Đức có một I. Kant đã nêu lên một luận đề rất quan trọng. Ông cho rằng “thực tại tự nó” các bạn đừng có hòng mà biết được nó. Còn cái mà ta thấy là thực tại hiện lên đúng như trình độ mà chúng ta biết về nó. Thực tại tự nó, chúng ta không bao giờ biết được với tính chất là một sự hiểu biết khoa học. Phát biểu của ông ban đầu chẳng được ai để ý, cho đến khi khoa học lượng tử ra đời. Ông Weizšcker, nhà vật lý học của Đức, nói rằng: chúng ta không thể hiểu vật lý học lượng tử nếu trước đó chúng ta không đọc I. Kant. Có thể nói I. Kant là người đưa đường dẫn lối để chúng ta hiểu về thực tại được đề ra bởi vật lý lượng tử.
Vậy thực tại là gì? Hiện nay đó là sự khủng hoảng của ngành vật lý, đó là cái không thể biết…
Qua bài viết của T/S NTB, chúng ta sẽ giải trình, nếu có thể, chứ không nên phê bình nôi dung nó là đúng hay sai vì đây chỉ là một bài tường trình khách quan về những diễn biến vật lý có thật, ông NTB không thêm bớt gì trong đó cả. Nếu đánh giá nó là duy tâm do bởi chính chúng ta chưa thâm nhập được vào Không mà thôi. Khi hiểu được Không, chúng ta thấy cái giới hạn và hướng đi tương lai của Khoa Học.
Trong trường hợp này thì chúng ta biết ngay Khoa Học đang chỉ tiếp cận được tới cái lân hư (gần với cái Hư Không), nên tâm sinh diệt, đi tìm đã ảnh hưởng được lên khối lượng quá nhỏ của lân hư đó. Xin hãy đọc tiếp những lý giải dưới đây.
Xin được nhấn mạnh ở điều nhận định đặc biệt này:
…Lấy ví dụ, cái bàn này là một hạt hạ nguyên tử, nó không nằm yên. Khi nào chúng ta nhìn nó thì nó mới xuất hiện, nếu chúng ta nhìn nơi khác thì nó không có mặt. Nếu dùng thước để đo, ban đầu chúng ta đo nó dài 3m, nhưng sau đó, chúng ta đo lại thì chỉ còn 2,5m, lần sau nữa thì lại 3,5m. Nó xuất hiện có vẻ ngẫu nhiên, không tuân thủ theo quyết định luận của Newton .
Dĩ nhiên tính ngẫu nhiên này chỉ xuất hiện trong mức độ nhỏ nhất của vật chất…
Đọc kỹ bài báo cáo vật lý trên của tiến sỹ Nguyễn Tưòng Bách, chúng ta thấy bàng bạc những điều đã được nêu trong những lý luận của Phật Giáo, sau đây chúng ta mở rộng những điều T/S NTB theo hướng của Phật Pháp xem sao:
Khi nào chúng ta nhìn nó (với cái tâm tìm hiểu) thì nó sẽ có mặt.
Khi nào chúng ta không nhìn nó (tương đương với tâm không tìm hiểu, đi tìm) thì nó không có mặt.
Khi thì chúng ta đo (thí dụ một hạt lớn như cái bàn) chúng (một hạt) được 3m
Khi đo lần khác thì chúng (hạt ấy) chỉ còn 2m50, khi đo lần khác nữa lại được 3m50.
Xin tiếp tục triển khai bài viết: “Khi nào chúng ta nhìn nó thì nó mới xuất hiện, nếu chúng ta nhìn nơi khác thì nó không có mặt”. Và:“Bởi vì khi thì nó xuất hiện theo dạng từng hạt, lúc thì xuất hiện theo dạng sóng, về mô hình, hai dạng này không tương thích với nhau. Nhưng nếu chúng ta mở một thí nghiệm khảo sát hạt thì nó có vai trò của hạt thật. Nhưng nếu chúng ta đo để xem vật chất có phải là sóng hay không thì nó cũng là sóng thật. Thiên nhiên là gì thì chưa biết, nhưng dường như nó trả lời theo cách mà chúng ta hỏi nó.Thế thì ý thức con người có ảnh hưởng gì lên thiên nhiên?
Vì ở trạng thái lân hư nên khối lượng và điện tích của nó quá nhỏ, nên tâm sinh diệt đi tìm của người đo đã tương tác lên lân hư ấy, nên khi thì nó là hạt,(sự chăm chú của tâm đi tìm), khi thì là sóng (sự vọng động lớn hơn sự chú tâm, sự hồi hộp nên nó thành sóng). Nhưng khi không nhìn, tức không đi tìm nó là gì (giống như tâm rỗng lặng đối với hạt đó), thì nó là không tức không xuất hiện. Tâm đi tìm với trạng thái sinh diệt khác nhau của Tâm, khiến cho vật chất (hạt) có những số đo khác nhau.
Giống như Đức Lục Tổ Huệ Năng (638-713) đã cảnh giác, đừng nên chạy theo hiện tượng, dựa vào hiện tuợng thì chưa rốt ráo, chân thật, nếu cố chạy theo, rồi thì chỉ lệ thuộc vào chính cái tâm vọng động của mình mà thôi.
Ngài đã cảnh giác 2 ông Tăng, khi nghe họ tranh cãi với nhau về gió động hay phướn động?, ngài nói: “Chẳng phải gió động, chẳng phải phướn động, mà chính tâm của hành giả động”.
Phải rồi, cái gì mà ông gọi là gió? Không khí tụ tập với nhau hay sự chuyển động của chúng là gió? Cái gì là phướn? Cái cột, cái dây treo, hay cái miếng vải đuôi nheo? Đi tìm ngay chúng cũng chưa ra chủ thể, sao lại cãi nhau giành phần chủ thể của chúng? Vã lại, chúng chỉ nương nhau mà hiện thành thôi, gió chẳng động sao các ông thấy được phướn động? Phướn nếu chẳng động (lá cây lay, râu tóc, quần áo bay cũng trong phạm trù của phướn) sao biết được gió đang chuyển động? Càng tranh phần chủ thể thì tâm các ông càng động.
Cũng như trước đó cả hàng ngàn năm, Đức Phật Thích Ca đã giảng cặn kẽ cho ông Anan (Kinh Lăng Nghiêm):
“Này ông Anan, nếu ông lấy một vi trần (Một hạt bụi nhỏ nhất bay trong không khí, chỉ thấy được qua khe nắng) chẻ ra làm 7 lần ông sẽ có một cực vi, ông lại lấy 1 cực vi này chẻ ra làm 7 lần ông sẽ có một siêu vi, nếu ông chẻ 1 siêu vi này làm 7 lần thì ông sẽ có một lân hư trần, và nếu ông chẻ lân hư trần này 7 lần thì sau cùng sẽ là hư không (cái không).”
Các vị Phật đã nói rõ: Tận cùng của vật chất là không, và vật chất (lân hư) vì quá nhỏ nhiệm nên sinh diệt biến hiện (theo tâm sinh diệt), kết quả tìm trên chúng là hiện tượng sẽ biến hiện thay đổi, như bài tuờng thuật vật lý của T/S NTB, chưa phải là cái sự thật sau cùng.
Tiến Sỹ Nguyễn Tường Bách viết: “người ta hy vọng nếu khám phá được quy luật vật chất thì sẽ khám phá được thế giới, bởi nó là viên gạch cuối cùng của ngôi nhà vụ trụ, nhưng người ta không ngờ đến mức đó, hành tung của vật chất lại không như chúng ta chờ đợi”.
Thế nên ngang đây, Phật Tử chúng ta có thể trả lời cho Khoa Học: Bản Thể, và thực tại là gì?
Xin thưa, Bản Thể là sự thật sau cùng của muôn loài, muôn vật. Chính là cái không rỗng lặng, là cái không nơi vật chất (các hạt) không xuất hiện, là cái không Phật giảng cho ông Anan, cũng là tâm không rỗng lặng ngài đạt được sau sát na đại ngộ, sau khi nhìn thấy sao mai, là cùng đồng Bản Thể với thể trạng Vũ Trụ trước Big Bang xảy ra.
Bản Thể, như vậy với thể trạng của Vũ Trụ trước Big Bang cũng chẳng khác nhau.
Các vị Phật đã kết luận: Tận cùng Vật chất chỉ là cái không rỗng lặng vì tâm của các ngài là không, là Đại Định Vô Sanh. Nên các ngài đã nhận thấy rõ điều đó.
Chúng ta sẽ thấu triệt rõ điều này nếu tâm của chúng ta tối thiểu cũng gần được tình trạng kiến tánh vô sanh.(Giống như nếu chưa vào hẳn trong căn nhà, mà muốn mô tả nội thất, sắp xếp của căn nhà đó, thì chúng ta phải tối thiểu tiến gần và nhìn vào bên trong nhà qua cửa sổ vậy).
Bởi thế nên tôi viết thể trạng của Vũ Trụ trước Big bang và Bản Thể hay tánh không có liên hệ và mang tính chất của nhau.
Thấu triệt được Bản Thể thì thấu triệt được thực tại.
Trong bài KVLGCBTH của T/S NTB cho biết:
“Aristos cho rằng thực tại là có thật, nghĩa là dù có con nguời hay chăng thực tại cũng vẫn là như thế,”. Nhưng Aristos cũng chỉ nhận xét vu vơ, bằng cảm nhận mơ hồ, với cái tâm sinh diệt của mình rằng có một thực tại nhưng không chỉ ra được nó là gì, như thế nào? Khiến cho ngày nay, dù đã khảo sát được tới nhân nguyên tử, và những hạt nhỏ hơn cả nhân nguyên tử và ngành vật lý lượng tử dẫu có tiến xa vượt bực vẫn chưa trả lời được rõ ràng bản thể và thực tại là gì? Như đoạn mà tôi đã trích dẫn ra ở trên trong bài KVLGCBTH của T/S NTB.
Trong sách: “Tuyên Ngôn Về Thể Trạng Vũ Trụ Tiền Big Bang” (TNVTTVTTBB) trang 153 viết:
“Nếu có một ông thầy nào nói rằng thực tại là: Ở ĐÂY, BÂY GIỜ thì cũng chưa diễn tả đúng được thực tại. Vì trả lời như vậy chưa hẳn là sai, nhưng chỉ đúng trên mặt hiện tượng văn tự, chưa đúng trên mặt bản chất, vì vẫn còn sinh diệt trong đấy.
Trong thực tại thì làm gì mà có BÂY GIỜ được chứ? Vì khi nói đến BÂY GIỜ là cho biết cái thời khắc nay khác với thời khắc quá khứ, hay thời khắc tuơng lai. Thực tại phải là phi thời gian mới đúng.
Có phân biệt là còn suy tư, còn khởi niệm, còn sinh diệt là còn trôi lăn, mà trôi lăn thì sao gọi là thực tại được?
Vậy thực tại là gì? Xin thưa, thực tại chính là Đại Định Vô Sanh”.
Một trạng thái hiện hữu, nhưng không rời thiền định.
Như vậy, điều khắc khoải của Khoa Học: bản thể và thực tại là gì đã được trả lời, giải đáp rõ ràng ở đây:
Bản thể của muôn vật là cái không rỗng lặng, và thực tại là hiện hữu, trạng thái không rời thiền định.
Discussion about this post