FACETS OF BUDDHISM – MUÔN VẺ ĐẠO PHẬT
APPLIED BUDDHIST ETHICS AND PHILOSOPHY IN DIFFERENT CULTURES
ỨNG DỤNG TRIẾT LÝ VÀ ĐẠO ĐỨC PHẬT GIÁO
TRONG NHỮNG NỀN VĂN HÓA KHÁC NHAU
(DT-113 /Ven. Dr. Phạm Thị Minh Hoa)
Đạo Phật đã có mặt trên thế gian này hơn hai ngàn năm trăm năm. Ngày nay Đạo Phật đã phát triển đến khắp năm Châu bốn biển, không còn giới hạn bởi quốc độ mà Đạo Phật đã ra đời là Ấn độ (India) nữa. Tùy thời kỳ, tùy quốc độ mà tư tưởng Phật giáo du nhập, phát triển và tồn tại theo những hình thức khác nhau. Từ lưu vực sông Hằng Hà, tư tưởng Phật giáo đã được chư tăng truyền giáo cùng với các thương buôn đi ngược lên sông Yamuna đến các nhánh sông khác của vùng châu thổ sông Indus, vùng Tây bắc Ấn như Kashmir & Gandhara, lập ra những trung tâm Phật giáo và trường đại học nổi tiếng như Takaxila (Tây Ấn) & Nalanda (Đông Bắc Ấn). Một khi tư tưởng Phật giáo tiếp xúc với văn hóa và cách sống của người bản địa, để có thể ăn sâu bám rễ và trở thành một phần của nền văn hóa đó, những tư tưởng mới này thường trở nên hòa đồng và định hình lại thành bản sắc của Phật giáo ở quốc độ/ vùng/ miền đó. Phật giáo đã phát triển theo hai nhánh chính theo vị trí địa lý là hướng Nam và hướng Bắc. Khi đi xuống hướng Nam và hướng Đông Nam, tư tưởng và hình thức Phật giáo có vẻ như giữ nguyên bản sắc ban đầu, được gọi là phái bảo thủ thuộc Trưởng Lão Bộ. Theo hướng Nam thì gọi là Phật giáo Nam truyền, hay còn gọi là Phật giáo Theravada; theo hướng Bắc thì gọi là Phật giáo Bắc truyền, hay còn gọi là Đại thừa – Phật giáo phát triển. Đó là hai nhánh chính của sự truyền thừa.
Trong bài tham luận này đóng góp một sự phân tích tóm tắt những yếu tố khiến cho Đạo Phật trở nên đa dạng, điều gì nên giữ và điều gì cần phát triển, cũng như những yếu tố cần phải thanh lọc để Phật Giáo vẫn là tôn giáo và con đường sống hữu ích, là giá trị đạo đức hướng dẫn nhân loại trong thiên niên kỷ này. Buddhism: Innovations and integration – Đạo Phật: đổi mới và hội nhập.
Trong quá trình truyền bá & phát triển, Đạo Phật đã xâm nhập, đồng hóa với những nền văn hóa khác nhau, tạo nên muôn hình muôn sắc Đạo Phật, với ba tông phái chính là Nguyên thủy – Nam truyền (Theravada), Đại thừa (Mahayana), và Kim Cang thừa (Tantrayana – Vajrayana). Trong ba tông phái chính này lại có sự phân hóa do tư tưởng phát triển, cách hiểu và thực hành khác nhau dẫn đến sự hình thành nhiều chi nhánh nhỏ khác của đạo Phật. Đã từng có khoảng hai mươi bộ phái Phật giáo chỉ sau vài ba trăm năm khuất bóng của bậc Đạo Sư. Sự thay đổi và phân phái là điều không thể tránh khỏi vì cách nhận thức khác nhau trong hàng đệ tử xuất gia của đức Phật, vì thời cuộc và lối sống ở những vùng miền khác nhau của Ấn độ, và có cả vì sự cạnh tranh tôn giáo và sự giao thoa tư tưởng của các tông phái triết học và tôn giáo nơi đạo Phật gặp gỡ.
Điều gì khiến cho tư tưởng và cách hành trì Phật giáo khi đi xuống phía Đông và Nam Ấn thì vẫn giữ được tinh thần khá nguyên bản, còn khi đi lên phía Bắc và Tây Bắc lại thay đổi khá nhiều so với bản nguyên? Theo thiển ý của tác giả thì có ba điều kiện khiến cho hai nhánh chính của Đạo Phật phát triển như chúng đã và đang là, cũng từ những luận cứ này, chúng ta xác định hướng đi, những gì cần thay đổi và những gì cần giữ lại, cho việc hoằng pháp ở những miền đất khác nhau trong thời đại của chúng ta.
Đầu tiên, chúng ta phải lần về thời đức Phật còn tại thế, những câu chuyện và hình thái tư tưởng đã phát sinh khiến cho bậc Đạo Sư cho phép thay đổi một số cách hành trì đã được xác định trong Tạng Luật. Khi tôn giả Maha Kaccayana và đệ tử của mình đến từ vùng Avanti (Tây Nam Ấn) – nơi có thời tiết khí hậu và đất đai khác với vùng lưu vực sông Hằng Hà, và nơi đây dân chúng cũng có cách nhìn và cách đánh giá về sạch, đẹp, lịch sự, vv khác hơn so với dân chúng ở vùng Majjhinadesa (Trung Ấn), với sự yêu cầu chính đáng của ngài Maha Kaccayana (Đại Ca-Chiên Diên), đức Phật đã cho phép thay đổi một số điểm trong cách hành trì của chư Tăng để phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng, cũng như quan niệm của người vùng Avanti. (Ref. Vin.iii, Đại Phẩm 1, ch. Da thú)
Vấn đề mà chúng ta thấy ở đây là (1) khí hậu, (2) thổ nhưỡng (điều kiện tự nhiên) và (3) quan niệm sẵn có của người dân (điều kiện xã hội) nơi giáo pháp sẽ có sức ảnh hưởng để rồi có khả năng ăn sâu bám rễ để trở thành một tôn giáo mới nơi đó. Một điều cũng không kém phần quan trọng nữa, đó là (4) người truyền bá: địa vị và sức ảnh hưởng của người đó lên xã hội. Có lẽ trong bốn điều kiện này thì môi trường xã hội, những niềm tin và môi trường triết học – nhận thức sẵn có nơi miền đất mới đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc giáo pháp có được chấp nhận và trở thành một phần cuộc sống ở miền đất mới hay không?
Những miền đất và bộ tộc ở phía Nam Ấn nói chung thì ngoài những vấn đề như khí hậu và tập tục tương đối tương đồng với vùng đất lưu vực sông Hằng Hà, họ cũng chưa có những niềm tin tôn giáo nào đủ mạnh để thống trị tư tưởng của người bản địa. Khi tư tưởng và cách hành trì của Phật giáo truyền bá đến đây, phần lớn là thông qua các vị tu sĩ đã xuất gia trong giáo pháp và hành trì có kết quả chuyển hóa rõ rệt, có chí hướng đem niềm tin và triết lý sống giác ngộ này trở về quê hương họ. Không quá khó khăn để giáo pháp mới tìm được chỗ đứng trong lòng người dân cũng như giai cấp thống trị ở những miền đất này. Uy tín và dòng tộc, sức ảnh hưởng của các nhà truyền giáo thủa ban đầu cũng rất quan trọng. Phần lớn các vị này xuất thân trong gia đình vương tộc hay các học giả có sức ảnh hưởng lớn lên giai từng cao của xã hội. Đó là một lợi thế lớn để giáo pháp giác ngộ nhanh chóng trở thành tư tưởng và niềm tin chủ đạo ngay trong thời kỳ mà các nhà truyền giáo đến – thế hệ thứ nhất. Đây là những lý do vì sao khi đạo Phật được truyền bá đến những vùng đất phía Nam (nam Ấn và Sri Lanka), và sau đó là phía Đông Nam (Myanmar, Thailand, Thaton Kingdom and Suvannabhumi) những tinh túy và cách hành trì của Phật giáo không thay đổi nhiều so với thời đức Phật còn tại thế và thời kỳ đạo Phật có ảnh hưởng lớn nhất ở lưu vực sôngq Hằng Hà.
Khi truyền lên hướng Bắc và Tây Bắc, đạo Phật đã gặp gỡ với các nền văn hóa và truyền thống khác đã định hình trong xã hội. Ngay tại nơi ra đời và phát triển vào thời kỳ sơ thời, tư tưởng Phật giáo cũng chỉ là một trong những trường phái tôn giáo đương thời. Khi đọc Trường Bộ Kinh (DN) chúng ta thấy những cuộc đàm đạo giữa đức Phật và các nhà tư tưởng – giáo dục và nhà tu hành đương thời. Sự tương tác và giao lưu tư tưởng, – văn hóa này làm cho đạo Phật sáng tỏ hơn, không chỉ là đạo của các du sĩ khổ hạnh, mà còn là một ảnh hưởng lớn mang tính giáo dục và xã hội, góp phần vào những thay đổi về nhận thức, cách cai trị, đạo đức làm người ở những vị trí khác nhau trong gia đình & xã hội. Vấn đề cần được làm sáng tỏ ở đây là trong quá trình giao thoa – trao đổi tư tưởng & niềm tin đó, ý tưởng chủ đạo và những cách hành trì Phật giáo đã thay đổi như thế nào để trở thành đạo Phật phát triển?
Vào thời đức Phật và các vị thánh tăng có ảnh hưởng lớn, do trí tuệ và đức hạnh của các ngài quá lớn, sự lan tỏa tư tưởng Phật giáo trở nên rất mạnh mẽ. Những vị học giả hay đạo sĩ từng gặp ngài hầu hết đều bị thuyết phục và áp đảo bởi tầm tư duy và nội lực mạnh mẽ của ngài. Đây là thời kỳ mà giáo pháp có sức hút kỳ diệu, có khả năng chuyển đổi hầu hết các giai từng của xã hội. Tuy nhiên, càng về sau, những nhân cách lớn trong tăng đoàn & giáo pháp càng ít dần, khi cùng tồn tại và phát triển với các dòng tư tưởng – tôn giáo khác thì sức ảnh hưởng là mang tính hỗ tương.
Những thay đổi và dị biệt đầu tiên có thể có nguyên nhân là vị trí địa lý cách biệt, việc đi lại và trao đổi tư tưởng, thống nhất cách hành trì giữa chư tăng có phần khó khăn. Khi những cuộc hội họp mang tính tôn giáo (Sanghakamma) thưa dần, các cộng đồng tu sĩ dần ít gặp gỡ, trao đổi & giao lưu với nhau khiến cho giáo pháp vốn được giữ gìn qua truyền khẩu (oral tradition) bắt đầu dị biệt do từng nhóm thầy –trò truyền tụng khác nhau. Phần lớn mỗi nhóm chỉ học thuộc một phần của kinh điển, khi truyền khẩu lại cho thế hệ học trò khác, họ chỉ ghi nhớ phần mà nhóm đó học được từ những người thầy của mình. Nếu các nhóm không thường xuyên trao đổi và học hỏi những phần khác của Tam Tạng, họ sẽ không có được cái nhìn toàn diện về đạo Phật , mà chỉ có Pháp Tài hạn hẹp trong truyền thống của mình mà thôi.
Theo giáo sư Harimuna Arika trong cuốn sách Lịch Sử Phật Giáo Ấn Độ thì đạo Phật Đại Thừa được hình thành vào khoảng năm trăm năm sau khi đức Phật nhập diệt.[i] Đây là sự phát triển tư tưởng và cách hành trì Phật giáo tương duyên với những đòi hỏi của thời đại mới (hồi đầu kỷ nguyên). Đạo Phật Đại Thừa bao gồm cả nhiều yếu tố không tìm thấy trong Đạo Phật sơ thời. Mặc dù có những sáng kiến mới du nhập vào để cho Đạo Phật thích hợp hơn với quần chúng thích lễ nghi và cúng bái, thì những tinh thần nguyên thủy về giác ngộ giải thoát khổ đau trong Tam Giới vẫn được giữ lại trong đạo Phật phát triển vào thời kỳ đầu. Thực chất những bộ luận về Trung Quán (Madhyamaka) hay Tánh Không (Sunyata) của các tác giả gây ảnh hưởng lớn nhất thời kỳ đầu của Đại Thừa đều có gốc rễ trong kinh điển Nguyên thủy, chỉ là những tư tưởng đó được phát triển rộng rãi hơn, phong phú hơn và dùng những ngôn ngữ mới hơn để thỏa mãn nhu cầu nghiên cứu – học thuật của thế hệ sau mà thôi. Thực chất sự hình thành và phát triển của tư tưởng Đại thừa ban đầu chỉ là sự hồi sinh những tinh thần thâm sâu trong GIÁO LÝ giác ngộ, làm cho chúng thích nghi với điều kiện sống và khuynh hướng tìm kiếm tôn giáo của thời đại khác. Tuy nhiên những cái thêm vào và mở rộng đó cũng đem đến một số nguy hiểm tiềm tàng cho Đạo Phật. Dần dần người ta không còn hứng thú với con đường tu tập Bát Thánh Đạo nữa, thay vào đó họ thích những cái thần bí, những năng lực siêu nhiên và các câu thần chú cũng như ma lực của những điều huyền bí.[ii]
Chính những yếu tố thêm thắt để thu hút tín đồ, những chiếc áo khoác được cắt lại cho vừa cỡ nhận thức của quần chúng, và những màu sắc bắt mắt, hấp dẫn của nghi lễ rườm rà khiến Đạo Phật Đại Chúng càng ngày càng xa rời với những tư tưởng uyên nguyên ban đầu của đạo giác ngộ giải thoát. Khi các nhà truyền đạo không có nhiều uy tín, không có những nguyên tắc hành trì kiên định, nội lực lại ít ỏi thì việc bị đồng hóa và hòa tan vào văn hóa bản địa cũng là điều tất yếu. Vào khoảng thế kỷ thứ sáu sau công nguyên, đạo Phật ở Ấn độ đã phát triển thành một tôn giáo mang nhiều đặc thù bí ẩn, du nhập các vị thần Ấn giáo và các tín ngưỡng địa phương vào cách hành trì Phật Giáo. Điều này xẩy ra là do ảnh hưởng và cạnh tranh với các tôn giáo đa thần khác, nhất là Ấn giáo. Việc du nhập các vị thần Ấn giáo và nghi lễ cũng như tín ngưỡng địa phương vào Đạo Phật khiến nó thu hút được một số từng lớp, nhất là đám đông không cần sự rõ ràng trong giáo lý và đạo đức, đến với đạo Phật. Tuy nhiên điều nguy hiểm là là những thứ đổi mới theo kiểu này đã làm cho Đạo Phật không khác với Ấn giáo, và vô hình chung nó đã bị đồng hóa và mất đi hoàn toàn thế đứng và bản sắc của mình. Đây là một trong những nguyên nhân khiến cho đạo Phật biến mất ở Ấn Độ – nơi đạo Phật đã ra đời và phát triển đa dạng khoảng 1500 năm.
Khi đạo Phật được truyền bá đến Trung Á, Tây Tạng và Trung Quốc – những quốc độ có thời tiết, khí hậu và tín ngưỡng – văn hóa rất khác với Ấn Độ thì sự thay đổi trong cách truyền bá và hành trình để được chấp nhận ở miền đất mới là điều không tránh khỏi. Khi Phật giáo đến Trung Quốc vào những năm đầu của thế kỷ thứ nhất, Đạo Lão và Đạo Khổng đã là những tôn giáo và triết lý sống làm nên tôn ty trật tự của xã hội Trung quốc hàng trăm năm rồi. Tư tưởng đạo Phật khi đến đây đã được giải thích và hiểu theo ngôn ngữ của các dòng triết học Khổng – Lão. Phải mất mấy thế kỷ, đạo Phật đại thừa mới bám rễ và phát triển thành Đạo Phật của người Trung Quốc theo hình thức Tam giáo đồng nguyên. Từ Trung quốc, đạo Phật đã theo các nhà sư và các học giả đến Nhật bản, Cao ly, Đài Loan và Việt Nam.
Như dòng nước chảy từ Hy Mã Lạp Sơn xuống các vùng châu thổ và đồng bằng qua những nhánh sông suối khác nhau, qua những chướng ngại vật như núi đồi và miền đất khác nhau đã mang theo phù sa và các khoáng chất ở những miền đất mà dòng nước đã đi qua. Cũng vậy, triết lý sống trong giáo pháp và cách hiểu, cách hành trì của các chi nhánh Phật giáo khi truyền bá qua các quốc độ và những dân tộc, những nền văn minh khác nhau cũng đã hòa trộn vào dòng chảy truyền thừa những yếu tố văn hóa – tâm linh đã có sẵn và đang thịnh hành ở những quốc độ đó – điều làm nên bản sắc của đạo Phật ở những quốc độ, vùng miền khác nhau. Dòng chảy càng xa nguồn thì càng nhiều tạp chất, cũng vậy những hình thái đạo Phật đã qua nhiều biến đổi để thích nghi thì độ tinh nguyên của giáo lý giác ngộ giải thoát cũng mờ nhạt dần. Đó là vì sao người ta gọi là thời mạt pháp.
Chúng ta có thể ví đạo Phật như một cây cổ thụ với hai nhánh chính phát triển từ gốc và nhiều nhánh phụ khác đã tồn tại, đã biến đổi hình thái, như cành – ngọn hoa lá của một cái cây. Tam Tạng Kinh điển của các truyền thống truyền thừa vẫn còn. Chúng ta may mắn sống trong thời đại mà việc chu du khám phá các nền văn minh và kho tàng học thuật dễ dàng hơn các vị tổ sư tiền bối rất nhiều. Việc tiếp cận với Kinh Luật Luận bằng các ngôn ngữ khác nhau của các tông phái cũng đã được làm cho dễ dàng hơn qua phương tiện Internet. Từ vài thế kỷ gần đây, đạo Phật đã vượt ra ngoài Châu Á và vùng Viễn Đông, đã được truyền bá và đang đang tồn tại và vẫn đang phát triển tiếp đến Âu – Mỹ và các quốc gia phương Tây. Chính sự thay đổi và phát triển của Đạo Phật từ những giáo lý nguyên thủy đã làm cho đạo Phật hiện đại rất phong phú và đa dạng khi được tiếp nhận bởi các quốc gia như Anh (British), Pháp (France), Đức (Germany) , Mỹ (United States of American) và Úc châu (Australia).
Chúng ta được thừa hưởng một kho tàng tri thức và văn hóa Phật giáo cực kỳ phong phú và đa dạng, tuy nhiên, ứng dụng triết lý sống và đạo đức Phật giáo như thế nào vào trong những ngữ cảnh văn hóa và thời đại khác nhau lại tùy thuộc vào sự ứng biến của những vị trưởng tử Như Lai – người thực hành sứ mệnh đem giáo pháp đến mọi nơi, thâm nhập vào mọi nền văn hóa trong thời đại toàn cầu này. Chúng ta có cơ hội để so sánh các bản Kinh – Luật và Luận tạng để tìm ra những điểm chung – cốt lõi của triết học, tư tưởng & văn hóa Phật giáo. Đây là hành trình tìm về cội nguồn, gạn bỏ bớt những tạp chất hay những yếu tố thêm vào qua các thời đại và các nền văn hóa –tín ngưỡng nơi Đạo Phật đã đi qua suốt hơn hai ngàn năm. Tư tưởng chủ đạo về Tứ Diệu Đế, Tứ Vô lượng Tâm, vòng tròn nhân duyên và lý Duyên Khởi, những giác ngộ về bản chất của đời sống vô thường, bất toại nguyện và triết học vô ngã, nền giáo dục vượt lên trên sự cố chấp, đưa con người đến nhận thức cao hơn, về chân trời giải thoát và đời sống vị tha là những giá trị bất hoại của đạo Phật, và những tư tưởng chủ đạo này luôn ứng dụng được trong mọi thời đại.
Giá trị cốt lõi của đạo giác ngộ giải thoát thì phi thời gian, còn những yếu tố văn hóa tín ngưỡng thêm vào thì chỉ như những lớp vỏ bên ngoài, như những chiếc áo khoác theo mùa hay theo mode, không nhất thiết phải khư khư giữ lại khi chúng đã trở thành sự cản trở cho dòng chảy của chánh pháp.
Một trong những yếu tố cản trở sự hiểu biết về Phật giáo đối với tuổi trẻ – những người không học Hán văn là ngôn ngữ là ngôn ngữ và hình tượng trong kinh điển. Hầu hết các bản dịch kinh điển đều rất nặng các thuật ngữ Hán – Việt. Cho đến bây giờ, nhiều chùa Việt ở Việt nam cũng như ở hải ngoại – tại các nước dùng Tiếng Anh là ngôn ngữ chính nhưng kinh sách và cách tụng đọc vẫn chỉ có trong chữ Hán cổ và chữ Việt dịch âm! Ngôn ngữ, điển tích và hình tượng được dùng có liên quan đến nhận thức. Thời xưa các vị tổ dùng những câu chuyện và điển tích, ngôn ngữ thuộc về thời đại của họ. Chúng ta cũng có thể dùng ngôn ngữ, điển tích và hình tượng của thời văn minh số và khoa học lượng tử, ngôn ngữ internet để diễn tả tư tưởng và các hình tượng Phật giáo. Thời đức Phật còn tại thế, khi có một nhóm các sư xuất thân từ các học giả Bà –la- môn, đã yêu cầu đức Phật cho lưu trữ và bắt học kinh điển từ một ngôn ngữ chính thống là ngôn ngữ Sanskrit, đức Phật đã từ chối. Ngài khuyên các tỳ kheo nên học giáo pháp bằng ngôn ngữ (mẹ đẻ) của mình, và chia sẻ giáo pháp bằng ngôn ngữ nào gần gũi và dễ tiếp thu nhất cho dân chúng. (Ref. Tạng Luật, ch. )
Ngày nay đạo Phật đã đến Tây phương, không phải chỉ một tông phái mà cả ba nhánh chính đang tồn tại của Phật giáo và vô số hình thức đạo Phật khác. Điều gì đã hấp dẫn những trí thức Phương Tây đến với đạo Phật? Sau khi Tam Tạng kinh điển được dịch sang tiếng Anh bởi hội Pali Text Society vào năm 1881 bởi ngài Thomas William Rhys Davids (London), người ta tìm thấy một kho tàng tri thức về triết học, tâm lý học, đạo đức, vv cực kỳ phong phú, thâm sâu và thực tế, những người trí thức ở phương Tây đã bị hấp dẫn bởi tôn giáo Đông phương này. Sang thế kỷ 20, thiền Phật giáo, đặc biệt là thiền định (samatha) và thiền quán (Vipassana) lại khơi dậy một niềm hứng thú tìm hiểu và thực hành khác nơi những hành giả Tây phương. Hiện tại ở US và Australia có trên 50 trung tâm thiền quán Vipassana theo trường phái Guenkaji. Ở các trung tâm này mỗi tháng đều có hai khóa thiền 10 ngày cho mọi người, và 20 ngày cho những thiền sinh cũ, đặc biệt hấp dẫn các trí thức và các nhà quản lý trẻ tuổi đến trung niên tham dự. Các khóa thiền đều được đăng ký hết chỗ trước nhiều ngày, không phải chỉ vì vị thầy hướng dẫn giỏi, mà còn vì cách tổ chức rất khoa học, người phục vụ thể hiện tinh thần vô ngã vị tha khi làm việc trong khóa thiền.
Ngoài ra, người Tây phương cũng tìm thấy việc nghiên cứu & thực hành Đạo Phật đem đến những nhận thức có chiều sâu, đặc biệt là sự kết hợp giữa tâm lý học Phật giáo và tâm lý học Tây phương đã làm nên một trào lưu học Phật và hành thiền khá hấp dẫn cho những người trí thức hiện đại. Ngoài ra thiền và triết lý Phật giáo sống hòa thuận với thiên nhiên, khi kết hợp với khoa học thần kinh cũng được ứng dụng khá rộng rãi ở Tây phương để giảm thiểu căng thẳng & lo lắng, bất an do đời sống hiện đại đem lại. Đã hơn 30 năm chương trình Ứng dụng Thiền Chánh Niệm để Giảm thiểu Căng Thẳng – lo âu (Mindfulness-based stress reduction – MBSR) được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực của đời sống thế tục ở US và các nước khác. Đây là một chương trình đào tạo và huấn luyện sử dụng thiền Phật giáo, Yoga và thay đổi tiến trình nhận thức mà ban đầu được sáng tạo để giúp người bệnh sống ổn với những cơn đau và một số biểu hiện bệnh tật khác trong bệnh viện. Chương trình này được phát triển bởi trường đại học University of Massachusetts Medical Center vào đầu những năm 1970s, dẫn đầu bởi giáo sư Jon Kabat-Zinn. Cho đến nay việc thực hành chánh niệm đã được phát triển phong phú để áp dụng trong nhiều tình huống và lĩnh vực khác của cuộc sống, như trong giáo dục, trong môi trường lãnh đạo và phát triển doanh nghiệp.
Về pháp học, Tam Tạng kinh điển bằng tiếng Anh dịch từ Pali canon đã được các học giả và các nhà sư gốc Tây phương dịch lại và cập nhật, so sánh với các bản từ Agama và các nguồn Hán Tạng, Tibet và bản tiếng Nhật. Những trang Vebsite dẫn đầu trong việc phổ biến kinh sách và tài liệu Phật học như Buddhanet.net và https://suttacentral.net/ có nội dung rất phong phú, đa dạng và các bản dịch mới nhất, với ngôn ngữ hiện đại và so sánh các bản dịch của các truyền thống khác nhau, là những nguồn Phật học đáng tin cậy.
Như vậy sau hơn 2500 năm, Đạo Phật đã phát triển rộng rãi khắp thế giới, được học tập nghiên cứu và ứng dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống, không chỉ cho người xuất gia mà còn rất hữu ích cho người thế tục, giúp họ vượt qua những khổ đau bất an trong đời sống hiện đại. Khi đạo Phật phát triển ở Tây phương, hầu hết các hình thức lễ nghi và văn hóa bản địa của người Phương Đông đã được lược bỏ. Chỉ còn những phần tinh túy nhất, như nhận thức về Tam Pháp Ấn và lý duyên khởi, pháp hành để sống vô ngã & vị tha là còn được giữ lại và dạy trong ngôn ngữ của tâm lý học, thần kinh học, và ngôn ngữ của thời đại kỹ thuật số.
Tài liệu tham khảo
- Tạng Luật, Đại phẩm, bản dịch của Tỳ Kheo Indacanda
- Trường Bộ Kinh – bản dịch của HT Thich Minh Châu
- Indian Buddhism From Sakyamuni to early Mahayana by Harikawa Arika , translated into English By Paul Groner, © 1990 University of Hawaii Press.
- Geography of Early Buddhism by Bimala Churn Law, University of Oxford Press 1932. bản scan on Intenet của Ven. Ānandajoti Bhikkhu May, 2014 . Ref: http://www.ancient-buddhist-texts.net/Maps/MP-index.htm
- 2500 years of Buddhism – the Publications Division Ministry of Information and Broadcasting, Government of India, New Delhi May 1956.
[i] P. 19 – Introduction – Indian Buddhism From Sakyamuni to early Mahayana by Harikawa Arika , translated into English By Paul Groner, © 1990 University ofHawaii Press.
[ii] P. 23 – Introduction – Indian Buddhism From Sakyamuni to early Mahayana by Harikawa Arika , translated into English By Paul Groner, © 1990 University ofHawaii Press
Bản PDF:
Facets of Buddhism
Discussion about this post