ĐƯỜNG VỀ CỰC LẠC
TỊNH ĐỘ NHÂN GIAN
Tâm Tịnh cẩn tập
Bài kết tập này sử dụng phương pháp so sánh đối chiếu trực tiếp từ những bài kinh thuộc Nikàya (Pali tạng), và Hán tạng ngõ hầu giúp quý đạo hữu nhận biết tính tương đồng, nhất quán của hai hệ thống giáo điển trong việc ứng dụng lời Phât dạy trong đời sống thực tế hàng ngày, qua đó hành giả có thể đoạn ác tu thiện, tự lợi, lợi tha, lợi cho quần nhân, xã hội, lợi cho Tam Bảo; và sau khi mãn phần đối với hành giả Tịnh Độ, sẽ được thoát sanh về miền Cực Lạc.
Trong Phật Giáo Nguyên Thủy, Đức Phật chỉ dạy nhiều phương pháp tu tập tùy theo sở trường, đối tượng và hoàn cảnh của hành giả để chuyển hóa nỗi khổ, niềm đau thành an lạc, giải thoát, niết bàn. Để được giải thoát, Đức Phật dạy 21 bài tập về tứ niệm xứ trong bài kinh số 10 của Trung Bộ; hoặc quán tưởng vô thường, quán tưởng vô ngã để nhổ lên sự kiêu mạn: tôi là, niết bàn ngay trong hiện tại như trong Tiểu Bộ Kinh, Kinh Phật Tự Thuyết, Chương 4, Phẩm Meghiya, (I), Udàna 34; hoặc theo pháp thuần quán: Trước hết, Trí về pháp trú – Trí hiểu biết về thật tánh của tất cả pháp hữu vi, ngũ uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức) là vô thường, khổ và vô ngã: không có tự tánh, sau đó là trí về niết bàn: sống quán tánh ly tham, quán tánh tánh đoạt diệt, và giải thoát (Tương Ưng Bộ Kinh, Tương Ưng Nhân Duyên, 70 Susìma); hoặc thành tựu chỉ một tâm trong tứ vô lượng tâm giải thoát như: từ tâm giải thoát, bi tâm giải thoát, hỷ tâm giải thoát, xả tâm giải thoát, và tuệ tri từ tâm giải thoát.., xả tâm giải thoát là pháp hữu vi do suy tư tác thành, nên vô thường, chịu sự hoại diệt, và không tham chấp vào những pháp này,sẽ được giải thoát, niết bàn (Trung Bộ Kinh, 52 Bát Thành) vv. Đối với các pháp tu hữu vi, chẳng hạn, để thành tựu quả dự lưu, nhất là cho các Phật tử tại gia, Đức Phật chỉ dạy nhiều cách tu tập với 4 dự lưu phần: Tin Tam Bảo bất động + ngũ giới trong sạch; hoặc Tin Tam Bảo bất động + hoan hỷ thí xả; hoặc Tin Tam Bảo bất động + thấy pháp sanh diệt vv…
Tương tự như vậy, để về cõi Phật A Di Đà, Đức Thích Tôn chỉ dạy nhiều phương pháp tu tập từ sơ thiện, trung thiện đến hậu thiện, phù hợp với từng đối tượng, sở trường, sở thích của chúng sanh để hiện đời được an lạc, vô úy, và sau khi bỏ thân mạng được sanh về An Lạc Quốc.
Vì thế, Bài kết tập này sử dụng phương pháp so sánh đối chiếu trực tiếp từ những bài kinh thuộc Nikàya (Pali tạng), và Hán tạng ngõ hầu giúp quý đạo hữu nhận biết tính tương đồng, nhất quán của hai hệ thống giáo điển trong việc ứng dụng lời Phât dạy trong đời sống thực tế hàng ngày, qua đó hành giả có thể đoạn ác tu thiện, tự lợi, lợi tha, lợi cho quần nhân, xã hội, lợi cho Tam Bảo; và sau khi mãn phần đối với hành giả Tịnh Độ, sẽ được thoát sanh về miền Cực Lạc.
Trong Kinh Bi Hoa khi còn trong nhân địa, tiền kiếp của Phật A Di Đà là Vua Chuyển Luân Thánh Vương Vô Tránh Niệm đối trước Phật Bảo Tượng đã phát 48 đại nguyện trong đó có nguyện:
Nguyện khi con thành chánh giác xong, ở vô lượng vô biên a tăng kỳ kiếp thế giới Phật khác có chúng sanh nào được nghe danh hiệu của con mà tu các pháp lành, muốn được sanh về thế giới của con, nguyện cho họ sau khi xả bỏ thân mạng, nhất định sanh về, chỉ trừ người phạm tội ngũ nghịch, hủy báng thánh nhơn, phá hoại chánh pháp.
(Kinh Bi Hoa, phẩm 4: Nguồn gốc các Bồ Tát được thọ ký, Hán Văn: Đàm Vô Sấm, Việt Văn: Thích Nữ Tâm Thường, trtr. 179 -180; Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh, Vol.3, No.157).
Rõ ràng, hành giả Tịnh Độ Tông thời nay muốn sanh về cõi Phật A Di Đà nên tu các pháp lành, tức là thiện pháp đúng như đại nguyện đã thành tựu của ngài, thì nhất định như ý. Sau đây là những thiện pháp (Pháp lành) có thể ứng dụng trong nhân gian như lời Phật dạy trong những quyển kinh của Tịnh Độ Tông, tương ưng với lời Phật dạy trong kinh điển Nikàya Nam Tông (Pali).
- 1. Thành tựu ngũ giới, với pháp lành (thiện căn) này, nguyện cầu về Tây Phương Tịnh Độ, sẽ được vãng sanh, được Trung Phẩm Thượng sanh.
Thọ trì ngũ giới, tu hành các giới, chẳng tạo ngũ nghịch, không có các tội lỗi: đem thiện căn này nguyện cầu vãng sanh Cực Lạc Thế Giới, Hành giả lúc lâm chung được A Di Đà Phật cùng các tỳ kheo quyến thuốc phóng quang tiếp dẫn, trong một khoảnh khắc vãng sanh về Tây Phương Tịnh Độ,… được Trung Phẩm Thượng Sanh (Quán Vô Lượng Thọ Kinh, HT Thích Trí Tịnh).
Việc thành tựu các học giới tương ưng với các hành giả theo Nam Tông, như trong cả năm bộ kinh Nikàya (Pali): Tiểu Bộ Kinh, Trung Bộ Kinh, Trường Bộ Kinh, Tăng Chi Bộ Kinh, và Tương Ưng Bộ Kinh, Đức Thích Tôn xác quyết những ai tin Phật bất động, tin Pháp bất động, tin Tăng bất động, và thành tựu các giới (ngũ giới đối với Phật tử tại gia), họ chính thức đạt thánh quả đầu tiên – Dự Lưu: Họ đã đoạn tân sanh vào đọa xứ, họ được sanh về thiên giới hay cõi đời này, không còn bị thối đọa, và quyết chắc chứng quả A la hán.
Dẫu biết rằng ý thanh tịnh là quan trọng nhất vì ý dẫn đầu các pháp: thiện nghiệp hay ác nghiệp là do ý tạo ra và do ý sinh ra. Tuy nhiên đối với Phật tử tại gia, thành tựu 5 học giới thanh tịnh nghĩa là chỉ thân thanh tịnh và khẩu thanh tịnh. Chẳng hạn có người đã quy Tam Bảo có ý ăn cắp một đồng tiền vàng vì hoàn cảnh túng quẫn nhưng phập phồng lo sợ bị mất giới. Hữu tình này rất đau khổ vì đấu tranh giữa lấy hay không lấy đồng tiền vàng suốt cả ngày, nhưng cuối cùng đã thắng chính bản thân mình bằng quyết định không lấy cắp. Như vậy hành động ăn cắp không xảy ra (đoạn diệt) và như vậy hữu tình này hoàn toàn thanh tịnh về thân.
Bài thuyết pháp của Đức Phật dành cho các Bà-la-môn gia chủ ở Veludvàra là một minh chứng: những người Veludvàra đầy ham muốn: ham muốn có thật nhiều con, ham muốn có thật nhiều vàng bạc châu báu, thích sức nước hoa từ xứ Kasi, đeo vòng hoa và phấn sáp và cũng ham muốn đời sau sanh về thiện thú. Có lẽ vì biết họ là những người còn nhiều ham muốn nên ý thanh tịnh khó giữ nên Thế Tôn từ bi giảng dạy cách giữ giới thanh tịnh và xác quyết là chỉ cần hoàn toàn thanh tịnh về thân và hoàn toàn thanh tịnh về khẩu.
Đối với khẩu nghiệp, không chỉ nói láo làm hại người khác và lợi mình mà con bao gồm cả không nói hai lưỡi, không nói lời thô ác và không nói chuyện phù phiếm, tổng cộng có bốn nghiệp về khẩu.
(Tương Ưng Bộ Kinh, Tập V. Thiên Đại Phẩm, Chương XI Tương Ưng Dự Lưu a. I. Phẩm Veludvara. Phần 7 VII. Những Người ở Veludvàra. Hòa Thượng Thích Minh Châu dịch. [Online] Availble http://www.budsas.org/uni/u-kinh-tuongungbo/tu5-55a.htm)
Vì thế những hành giả Tịnh độ, khi có niềm tin vững chắc vào Đại Nguyện bi trí viên mãn của A Di Đà Phật, tin vào Thế Giới Cực Lạc và thành tựu ngũ giới về thân và khẩu mà theo Thế Tôn trong Tăng Chi Bộ, hành giả có được không khó khăn, không phí sức (Tăng Chi Bộ Kinh, Chương 5 Năm Pháp. Phẩm XIII Nam Cư sĩ. Phần IX (179): Gia Chủ. Hòa Thượng Thích Minh Châu Dịch), thì hãy vui lên như hội trăng rằm, vì sau khi xả bỏ thân mạng, nhất định sanh về An Lạc Quốc như Lời Phật dạy.
Không những đời sau, hành giả sẽ được sanh về Thế Giới An Lạc mà ngay trong đời này, hành giả sẽ được an lạc, vô úy vì họ đã đoạn tận sát sanh, tức là cho vô lượng chúng sanh không sợ hãi, không hận thù, không hại, và ngược lại người ấy được san sẻ vô lượng không sợ hãi, không hận thù, không hại; người ấy từ bỏ lấy của không cho…, nên được an lạc, hạnh phúc. Giữ ngũ giới trong sạch được xem là đại bố thí, được biết là tối sơ như đoạn kinh văn Nguồn Nước Công Đức của Tăng Chi Bộ Kinh,Chương 8,Phẩm Bố Thí như sau:
Này các Tỷ-kheo, có năm bố thí này, là đại bố thí, được biết là tối sơ, được biết là lâu ngày, được biết là truyền thống cổ xưa, trước không tạp loạn, hiện tại không tạp loạn, tương lai không tạp loạn, không bị những Sa-môn, những Bà-la-môn có trí khinh thường. Thế nào là năm?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, Thánh đệ tử đoạn tận sát sanh, từ bỏ sát sanh. Này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử từ bỏ sát sanh, đem cho không sợ hãi cho vô lượng chúng sanh, đem cho không hận thù cho vô lượng chúng sanh, đem cho không hại cho vô lượng chúng sanh; sau khi cho vô lượng chúng sanh, không sợ hãi, không hận thù, không hại, vị ấy sẽ được san sẻ vô lượng không sợ hãi, không hận thù, không hại. Này các Tỷ-kheo, đây là bố thí thứ nhất, là đại bố thí, được biết là tối sơ, được biết là lâu ngày … không bị những Sa-môn, những Bà-la-môn có trí khinh thường. Này các Tỷ-kheo, đây là nguồn nước công đức thứ tư, là nguồn nước thiện … dẫn đến khả ái, khả hỷ, khả ý, hạnh phúc, an lạc.
Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Thánh đệ tử đoạn tận lấy của không cho, từ bỏ lấy của không cho … Này các Tỷ-kheo, đây là bố thí thứ hai, là đại bố thí, … Này các Tỷ-kheo, đây là nguồn nước công đức thứ năm, là nguồn nước thiện … dẫn đến khả ái, khả hỷ, khả ý, hạnh phúc, an lạc.
Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Thánh đệ tử đoạn tận tà hạnh trong các dục, từ bỏ tà hạnh trong các dục … Này các Tỷ-kheo, đây là bố thí thứ ba, là đại bố thí, … Này các Tỷ-kheo, đây là nguồn nước công đức thứ sáu, là nguồn nước thiện … dẫn đến khả ái, khả hỷ, khả ý, hạnh phúc, an lạc.
Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Thánh đệ tử đoạn tận nói láo, từ bỏ nói láo … Này các Tỷ-kheo, đây là bố thí thứ tư, là đại bố thí, … Này các Tỷ-kheo, đây là nguồn nước công đức thứ bảy, là nguồn nước thiện … dẫn đến khả ái, khả hỷ, khả ý, hạnh phúc, an lạc.
Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Thánh đệ tử đoạn tận đắm say rượu men, rượu nấu, từ bỏ đắm say rượu men, rượu nấu. Này các Tỷ-kheo, vị Thánh Đệ Tử đoạn tận đắm say rượu men, rượu nấu, từ bỏ đắm say rượu men rượu nấu, đem cho không sợ hãi cho vô lượng chúng sanh, đem cho không hận thù cho vô lượng chúng sanh, đem cho không hại cho vô lượng chúng sanh; sau khi cho vô lượng chúng sanh, không sợ hãi, không hận thù, không hại, vị ấy được san sẻ vô lượng không sợ hãi, không hận thù, không hại. Này các Tỷ-kheo, đây là bố thí thứ năm, là đại bố thí, được biết là tối sơ, được biết là lâu ngày … không bị những Sa-môn, những Bà-la-môn có trí khinh thường. Này các Tỷ-kheo, đây là nguồn nước công đức thứ tám, là nguồn nước thiện … dẫn đến khả ái, khả hỷ, khả ý, hạnh phúc, an lạc.
(Tăng Chi Bộ Kinh, Chương 8: Tám Pháp, Phẩm Bố Thí, phần (XI) số 39 Nguồn nước công đức, https://www.budsas.org/uni/u-kinh-tangchibo/tangchi08-0406.htm)
Vì thế hành giả với ngũ giới thanh tịnh: khả ái, khả hỷ, khả ý, an lạc ngay trong đời này, gia đình hạnh phúc, thế giới hòa bình, và sau khi bỏ thân mạng, sẽ sanh về Nước Cực Lạc như ý nguyện của hành giả, tương ưng với đại nguyện của chư Phật , của A Di Đà Phật như lời Phật dạy trong Quán Vô Lượng Thọ Kinh.
- 2. Hạnh hiếu dưỡng Mẹ Cha
Trong Quán Vô Lượng Thọ Kinh có đoạn: Người con hiếu dưỡng cha mẹ trước lúc lâm chung được Thiện Trí Thức khai thị làm cho tỏ ngộ về Đại Nguyện bi trí viên mãn của Phật A Di Đà cùng với cảnh giới an vui thù thắng của Thế Giới Cực Lạc, người con hiểu thảo ấy vui sướng khi được nghe những chân ngôn này và rất hoan hỷ, nghe rồi liền chết. Ví như khoảng thời gian tráng sĩ co duỗi chân tay, liền vãng sanh về Thế Giới An Lạc, được Trung Phẩm Hạ Sanh (Quán Vô Lượng Thọ Kinh, Hòa Thượng Thích Trí Tịnh).
Trong nhiều bài kinh từ Hán tạng cho đến Pali tạng, Đức Phật tán thán hạnh hiếu dưỡng cha mẹ vì công ơn mang nặng đẻ đau và dưỡng dục của cha mẹ vô ngần, không thể tính kể. Cho nên trong Tăng Chi Bộ, Thế Tôn gọi Cha Mẹ là Phạm Thiên, và những con cháu trong gia đình nào mà kính dưỡng cha mẹ được xem ngang bằng với Phạm Thiên:
“Những gia đình nào, trong ấy các con cái kính lễ cha mẹ, những gia đình ấy được chấp nhận ngang bằng với Phạm Thiên, được chấp nhận là đáng được cúng dường”
Mẹ cha gọi Phạm Thiên,
Bậc Đạo sư thời trước
Xứng đáng được cúng dường
Vì thương đến con cháu
Do vậy, bậc Hiền triết
Đảnh lễ và tôn trọng
Dâng đồ ăn đồ uống
Vải mặc và giường nằm
Thoa bóp (cả thân mình)
Tắm rửa cả tay chân
Với sở hành như vậy,
Đối với mẹ với cha
Đời này người Hiền khen
Đời sau hưởng Thiên lạc
(Tăng Chi Bộ chương 3 Ba Pháp, phẩm sứ giả của trời)
Vì thế những Phật tử chân chánh có lòng hiếu dưỡng cha mẹ và nhất tâm nguyện cầu sanh về Thế Giới của Phật A Di Đà, thì sẽ được như ý nguyện.
- 3. Làm việc nhân từ thế gian:
Thương mẹ, thương cha, thương người trong nhà, rồi thương cả người ngoài, thương những người khốn khổ, và chân tình chia sẻ tình thương bằng tịnh vật, tịnh tài, công sức, ý tưởng nhằm làm vơi đi nỗi bi sầu của hữu tình là hạnh lành, là pháp lành khiến cho ai trên cõi đời này cũng đều vui sướng và chư Phật, chư Bồ Tát, chư Hiền trí đều hoan hỷ. Với hạnh lành (pháp lành) này của hành giả Tịnh độ ngay trong đời này, họ được an lạc, hạnh phúc, và sau khi mãn phần, nhất định sanh về An Dưỡng Quốc Cực Lạc như ý nguyện, như lời Phật dạy trong Quán Vô Lượng Thọ Kinh: Những người hiếu thuận cha mẹ, làm việc nhân từ thế gian nhất định sanh về Nước Cực Lạc như ý nguyện.
Ở Việt Nam ngày nay, cộng đồng Phật Giáo Hòa Hảo được xem là cộng đông Phật tử nổi tiếng làm từ thiện như xây cầu đi lại, cất nhà tình thương, mở phòng chẩn trị đông y, cơm nước miễn phí cho các bệnh nhân vv. Phòng trào này trong những năm gần đây đang được phát triển sâu rộng trong giới Phật tử Việt Nam nói chung, tạo nên một nét đẹp văn hóa chân tình đáng được tán dương và nhân rộng trong thế giới ta bà đầy ngã chấp này. Đây là những hạnh lành, pháp lành mà chư Phật ba đời mười phương đều tán thán. Vì sao chư đạo hữu của Phật Giáo Hòa Hảo, ngoài niệm ‘Nam Mô A Di Đà Phật’, họ hăng say trong việc làm từ thiện? Vì họ hành theo lời của Đức Huỳnh Giáo Chủ, tương ưng với lời dạy của Tam Thế Phật, cũng như đại nguyện của A Di Đà Phật (tu các pháp lành) như hai câu kệ sau:
“Tây Phương đua nở liên hoa
Chờ người hữu phước thiện duyên từ hòa.”
(Từ Giã Bổn Đạo Khắp Nơi, Hòa Hảo tháng tư năm canh thìn: https://hoahao.org/p74a264/nhung-bai-sang-tac-nam-canh-thin-1940-phan-8)
Đúng là pháp rất lành mà hành giả Tịnh Độ có thể làm tư lương để sanh về Thế Giới An Dưỡng mà Đức Phật A Di Đà khi còn trong nhân địa đã từng thề nguyện (Kinh Bi Hoa) và đã viên thành.
Sau đây là những pháp lành, làm việc nhân từ trong nhân gian mà hành giả Tịnh Độ có thể làm tư lương để sau khi xả bỏ thân mạng, nhất định sanh về cõi Cực Lạc như ý nguyện kiên cố.
3.1 Bố thí
Bố thí là hạnh lành, pháp lành mà chư Phật ba đời đều sách tấn các Phật tử, nhất là các Phật tử tại gia siêng năng thực hành. Một ví dụ minh chứng trong Kinh Địa Tạng Bổn Nguyên cho thấy những ai đồng cảm với những hoàn cảnh khốn khó bi đát của những số phận bi thương trên thế gian này, từ tâm san sẻ tình thương bằng cả tâm chân tình cao khiết là họ đã cúng dường cho hằng hà sa các đức Phật.
Đức Phật bảo Bồ Tát Địa Tạng rằng: “Ở cõi Nam Diêm Phù Đề, có các Quốc Vương, hàng Tể Phụ, Đại Thần, Đại Trưởng Giả, Đại Sát Lợi, Đại Bà La Môn v.v… gặp những kẻ bần cùng thấp kém nhất, cả đến những kẻ gù lưng, tàn phế, ngọng, câm, điếc, ngu si, không mắt, những người không được vẹn toàn như thế; khi các Đại Quốc Vương đó muốn bố thí và nếu có thể đủ lòng đại từ bi, mỉm cười hạ mình, tự tay bố thí cùng khắp hoặc sai bảo người khác bố thí, lại dùng lời ôn hòa, dịu dàng an ủi; thì các Quốc Vương đó sẽ được phước lợi bằng phước lợi của công đức cúng dường cho chư Phật nhiều như số cát một trăm sông Hằng Vì cớ gì? Bởi các Quốc Vương đó đã phát tâm đại từ bi đối với những kẻ bần cùng thấp kém nhất cùng những người khuyết tật kia, cho nên được quả báo phước lợi như thế, trong trăm ngàn đời thường được đầy đủ những đồ thất bảo, huống là những thứ thọ dụng như y phục, đồ ăn thức uống!”
(Nguyện, Phẩm 10: So sánh nhân duyên công đức của sự bố thí, Hòa Thượng Thích Trí Tịnh, trtr.136-137)
Bố thí như thế nào được quả lớn, công đức lớn. bố thí với tâm mong cầu kết quả tương lai tốt đẹp hơn hoặc bố thí mong để phước lại cho con cháu thì không thể mang lại kết quả lớn. Trong khi đó, bố thí vì lòng bi mẫn chúng sanh và mong chúng sanh hết khổ đau và để trang nghiêm tâm và tối thượng hơn nữa là hồi hướng vô thượng Bồ đề hoặc Tây Phương Cực Lạc.
Phật dạy trong Kinh Nikàya về hành bố thí đưa đến quả lớn và công đức lớn như sau:
Một thời, Thế Tôn ở Campà, trên bờ hồ Gaggara. Bấy giờ có nhiều cư sĩ ở Campà cùng Tôn giả Sàriputta (Xá Lợi Phất) đi đến đảnh lễ, bạch Thế Tôn: Có thể, bạch Thế Tôn, ở đây có hạng người bố thí như vậy, không được quả lớn, không được lợi ích lớn. Nhưng bạch Thế Tôn, ở đây có hạng người bố thí như vậy, được quả lớn, được lợi ích lớn.
– Bạch Thế Tôn, do nhân gì, do duyên gì có hạng người bố thí như vậy, không được quả lớn, không được lợi ích lớn và do nhân gì, do duyên gì có hạng người bố thí như vậy, được quả lớn, được lợi ích lớn?
– Ở đây, này Sàriputta, có người bố thí với tâm mong cầu, bố thí với tâm trói buộc (về kết quả), bố thí với ý nghĩ “tôi sẽ hưởng thọ cái này trong đời sau”. Vị ấy bố thí như vậy, khi thân hoại mạng chung được cộng trú với chư Thiên ở cõi trời Tứ Thiên Vương. Khi nghiệp lực được đoạn tận, thần lực, danh tiếng và uy quyền đoạn tận thì trở lui trạng thái này.
Nhưng ở đây, này Sàriputta, có người bố thí với tâm không mong cầu, bố thí với tâm không trói buộc, bố thí không với ý nghĩ “ta sẽ hưởng thọ cái này ở đời sau”, chỉ bố thí với ý nghĩ “lành thay sự bố thí”. Vị ấy bố thí để trang nghiêm tâm. Do bố thí như vậy, sau khi thân hoại mạng chung, được sanh cộng trú với chư Thiên ở cõi trời Phạm Chúng. Khi nghiệp lực đoạn tận, thần lực, danh tiếng và uy quyền đoạn tận, vị ấy trở thành vị Bất lai, không trở lui trạng thái này”.
(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ III, chương 7, phẩm Tế đàn, phần Bố thí, VNCPHVN ấn hành, 1996, tr.355)
Điều có thể thấy qua bài kinh này là hành bố thí với tâm rộng lớn là phương tiện giải thoát cho những ai thực hành tâm từ bi vì kiếp lai sinh được sống an vui ở cõi trời sắc giới và khi nghiệp lực đoạn tận thì được quả vị Bất lai (A Na Hàm), không còn quay trở lại nhân gian và sẽ nếm hương vị giải thoát A La Hán ở tịnh cư thiên trong thời gian không xa. Vì thế người con Phật nên bố thí với tâm rộng lớn như lời Phật dạy.
Đối với hành giả Đại thừa hay Tịnh độ nên lấy công đức bố thí như thế này hồi hướng Vô thượng Bồ đề hoặc Tây Phương Cực Lạc trụ xứ của Đức Phật A DI ĐÀ. Được vậy thì công đức sẽ viên mãn.
3.2 Chăm sóc bệnh nhân: tối thượng thí, chăm sóc người bệnh là chăm sóc như lai, không bao giờ còn đọa vào ác đạo, rốt ráo sẽ thành Phật đạo
Từ thời Tiểu thừa (thời A Hàm) cho đến đại thừa thời Phương Đẳng, Niết Bàn, kinh văn đều cho thấy từ tâm chăm sóc bệnh là hạnh rất lành, là tối thượng thí như trong những đoạn kinh sau:
Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Nếu có người săn sóc người bệnh là đã săn sóc Ta. Người trông nom người bệnh tức là đã trông nom Ta. Sở dĩ như thế là vì nay Ta đích thân coi sóc người tật bệnh.
Này các Tỳ-kheo, Ta không thấy một người nào trong chư Thiên, thế gian, Sa-môn, Bà-la-môn mà bố thí tối thượng hơn sự bố thí này. Người hành bố thí này mới đúng là thí, sẽ thu hoạch quả báo lớn, được công đức lớn, tiếng tăm trùm khắp, được vị cam-lồ. Nghĩa là Như Lai Chí Chân Đẳng Chánh Giác biết rằng bố thí tối thượng không gì hơn thí này. Người hành bố thí này mới đúng là thí, thu hoạch quả báo lớn, được công đức lớn. Nay Ta vì nhân duyên này mà nói như thế. Săn sóc người bệnh tức là đã săn sóc Ta không khác. Các Thầy sẽ luôn luôn được phước đức lớn.
Như vậy, này các Tỳ-kheo, nên học điều này.
Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm”.
(Kinh Tăng nhất A-hàm, tập I, phẩm Nhập đạo, VNCPHVN ấn hành, 1997, tr.142)
Trong khi đó, Kinh Địa Tạng Bổn Nguyện có đoạn:
Này Địa-Tạng Bồ Tát! Trong đời sau, như có vị Quốc Vương hay hàng Bà La Môn, gặp những người già yếu tật bịnh và kẻ phụ nữ sanh đẻ, nếu trong khoảng chừng một niệm sanh lòng từ lớn đem thuốc men, cơm nước, giường chiếu bố thí, làm cho những kẻ ấy được an vui.
Phước đức đó rất không thể nghĩ bàn đến được, trong một trăm kiếp thường làm Vua Trời Tịnh Cư, trong hai trăm kiếp thường làm Vua sáu từng trời cõi Dục, không bao giờ còn đọa vào ác đạo, cho đến trong trăm nghìn đời, lỗ tai không hề nghe đến tiếng khổ, rốt ráo sẽ thành Phật đạo
(Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện, Phẩm 10: So sánh nhân duyên công đức của sự bố thí, Hòa Thượng Thích Trí Tịnh).
Trong khi đó, Tiểu Bộ Kinh (Pali), Chuyện Tiền Thân số 509 kể về hạnh bố thí của bốn thợ dệt: Họ chia hoa lợi thành năm phần bằng nhau trong đó dùng một phần để bố thí . Quả đức có được rất kỳ đặc – Cả bốn thợ dệt tái sinh luân lưu vô số kiếp trong dục lục thiên như được đúc kết bằng những vần kệ cảm tác sau:
Thợ dệt bốn người cùng buôn bán
Ở Thành Ba Nại khéo phân chia
Năm phần hoa lợi đều không khác
Mỗi phần mỗi vị không kém hơn
Còn lại phần kia dùng bố thí
Làm lợi cho đời bớt khổ đau
Thiên thần bốn vị được gọi tên
Tứ Thiên, Đao Lợi Dạ Ma Thiên
Đâu Suất, Hóa Lạc Cõi Tự Tại
Qua lại thiên dục vô số kiếp
Là nhờ hạnh lành, thí phần kia!
(Mười Câu Chuyện bố thí, cúng dường trích từ Tiểu Bộ Kinh, Tâm Tịnh Cẩn Tập)
Vì thế, hành giả Tịnh Độ có thể dùng hạnh rất lành (Pháp rất lành) này làm tư lương, thay vì hướng về Lục Dục Thiên, mà nguyện cầu vãng sanh về Miền Cực Lạc, nhất định sẽ được sanh vì tương ưng với đại nguyện của Ngài khi còn trong nhân địa đối trước Bảo Tượng Như Lai đã phát, và đã thành tựu.
3.3 Xây trạm xá, xây nhà tình thương, xây cầu đi lại, trồng rừng…
Theo Phật Giáo Nam Tông, những hạnh lành trên được xem là trường cửu thí, ngày đêm liên tục trổ quả không ngừng. Sau đây là những bố thí được xem là trường cửu thí
– Gieo trồng kiến tạo vườn hoa, vườn cây ăn trái để bố thí.
– Gieo trồng các loại cây cho bóng mát, cây ăn trái, các loại cây lớn, cây nhỏ hữu dụng … để bố thí.
– Bắt cầu mở đường cho người đi để bố thí
– Tạo các nguồn nước mát sạch, các nơi công cộng thường xuyên cho người tứ phương dùng.
– Xây cất bệnh viện, phòng thuốc, các nhà Nghĩ mát ven đường, các phước xá nơi ở nghỉ tạm thời cho khách thập phương lỡ đường .v.v..
Bố thí theo như một trong năm trường hợp trên thì gọi là bố thí thường xuyên mang tính lâu dài. Với sự bố thí này thì suốt đêm suốt ngày phước lành hằng hằng mãi mãi trổ sanh tăng trưởng không ngừng nghĩ.
Nhờ phước báu này bảo trợ mà sau khi chết rồi được thọ sanh vào cõi trời dục giới hưởng nhiều an lạc.
(Những Lời Dạy Vàng của Đức Phật – Tỳ Kheo Thích Thiện Minh, Bhikku Varapanno soạn dịch từ Miến Điện: http://www.budsas.org/uni/u-ldv/ldv-00.htm)
Làm từ thiện, việc nhân từ của thế gian như xây trạm xá, xây cầu đi lại, xây nhà tình thương với tâm hoan hỷ, với hạnh lành (pháp lành đã thành tựu) này, hành giả Tịnh Độ làm tư lương nguyện cầu vãng sanh về Thế Giới A Di Đà Phật thì sẽ được toại nguyện.
- 4. Hộ trì Tam Bảo
Cúng dường Phật, Pháp, Tăng, tu sửa chùa chiền, tháp cũ, xây tịnh xá, đức tượng Phật, Bồ Tát là những pháp lành mà hành giả Tịnh Độ nên thực hành để làm tư lương nguyện cầu vãng sanh Tây Phương Tịnh Độ, nhất định được sanh, như những lời Phật dạy trong Thập Vãnh Sanh Kinh như sau:
Quán thân chánh niệm, thường đem lòng hoan hỷ, dùng thức ăn, y phục thí Phật và Tăng, vãng sanh cõi Phật A Di Đà
(Thập vãnh sanh kinh https://phatphapungdung.com/kinh-muoi-phap-tu-vang-sanh-cuc-lac-164994.html
Theo Phật Giáo Nam Tông, công đức cúng dường Tam Bảo: Phật Pháp Tăng, xây chùa, đúc tượng của hành giả với tâm thanh tịnh là vô lượng, không thể tính kể. Với hạnh lành này, người ấy sẽ thọ sanh lên thiên giới hay cõi đời này. Đối với hành giả Tịnh Độ như Lời Phật dạy trong Thập Vãnh Sanh Kinh có thể thực hành hạnh hộ trì Tam Bảo và lấy đó làm tư lương nguyện cầu vãng sanh về Thế Giới Cực Lạc, nhất định được sinh. Sau đây là một số đoạn trích từ những lời dạy vàng ngọc của Đức Phật từ thánh điển Miến Điện (Nam Tông) cho thấy công đức bất khả tư nghị của pháp lành này (Hộ Trì Tam Bảo)
Sửa tu bổ nơi thờ Phật, tháp cũ.
– Tránh được nhiều loại bệnh tật và có tuổi thọ dài.
– Không sinh vào các đường ác đạo, luân lưu thọ sanh trong các cõi trời trong suốt thời gian 91 đại kiếp quả đất.
– Được 13 lần thọ sanh làm đức Chuyển Luân Vương với đầy đủ 7 loại báu.
Sơn Tháp; nơi thờ Phật.
– Tránh được nhiều bệnh tật, và có tuổi thọ dài.
– Sau khi chết được sanh về cõi trời, với toà Thiên cung có chiều cao 60 do tuần, với chiều rộng 30 do tuần, với 300 mái đao (mái cong), cùng với 1000 thiên nữ hầu hạ.
– Thọ sanh được 300 kiếp làm Vua Trời Đế Thích.
– Thọ sanh 25 kiếp làm Đức Chuyển Luân Vương.
– Thọ sanh làm vua quốc độ lớn, quốc độ nhỏ với số lần không thể đếm được.
– Xuyên suốt thời gian 100 ngàn quả đất không sinh vào 4 đường ác đạo, luân lưu tại các cõi trời.
– Xuyên suốt thời gian trong vòng sinh tử luân hồi, mỗi kiếp sinh ra luôn được giàu sang của cải đầy đủ (Không bị mất mát hoặc hư hại của cải.)
– Đi đến mọi nơi luôn có nhiều loại phương tiện xe voi, xe ngựa… đưa rước.
– Đi đến nơi đâu cũng được mọi người thương yêu cung kính.
– Đi đến mọi nơi không bị đinh gai vật nhọn đâm thủng vào chân.
– Trong các kiếp làm trời làm người, được đặc biệt thọ hưởng sự giàu sang về tài sản của cải.
– Trong các kiếp làm trời làm người, có thân sắc giống màu vàng ròng.
– Thân thể phát ra ánh sáng.
– Mắt không thấy được những gì mà tâm mình không ưa thích.
– Người có thân thể sạch sẽ và tâm hồn trong sáng.
Tạo Tượng Phật để cúng dường.
– Không sinh vào bốn đường ác đạo.
– Được sinh vào quốc độ mà có chư Phật ra đời.
– Thọ sanh làm người đàn ông với đầy đủ các đức tính cao thượng.
– Là người có tứ chi và ngũ quan lành lặn.
– Không thọ sanh vào dòng tộc hèn hạ thấp kém.
– Không bị đoạ sanh vào địa ngục.
– Không đầu thai vào giòng tộc người biên địa, giống dân man rợ.
– Thân sắc xinh đẹp.
– Là người có nhiều phước báu đặc bi ệt.
– Được nhiều người yêu thương quý mến.
– Được những phước báu như ý trổ sanh bất ngờ.
– Tài sản của cải đầy các kho đụn.
– Được voi, ngựa, trâu b ò, vàng bạc tài sản đầy đủ.
– Mọi suy nghĩ tiên đoán sự việc đều thành công.
– Nếu sinh về loài trời thì làm vua loài trời, nếu sinh về loài người thì trở thành vua loài người.
– 1000 kiếp thọ sanh làm vua trời Đế Thích.
– 1000 kiếp sanh làm Đức Chuyển Luân Vương.
– Làm vua quốc độ lớn, làm vua quốc độ nhỏ với số lần không thể đếm xuể.
– Nếu phát nguyện thành Phật Chánh Đẳng Chánh Giác; thành Phật Độc Giác đều được thành tựu.
– Nếu ước nguyện thành bậc A la hán sẽ được thành tựu.
– Được thọ sanh vào các giòng tộc v ương quyền; Khanh tướng; giòng tộc Bà La Môn cao quý.
– Được tài sản của cải dồi dào.
– Được tuỳ tùng đông đúc.
– Người có trí tuệ quảng bác.
– Người có thần thông quảng đại.
– Tránh được nhiều bệnh tật; tuổi thọ dài.
– Người có sức mạnh phi thường.
– Là người thường xuyên có trí tuệ.
– Là người có tâm dũng m ãnh.
– Là người có sự nghe nhiều thấy rộng.
– Có trí tuệ siêu việt trong loài người.
– Người có tư cách dung mạo dễ yêu mến.
– Hưởng thụ được tài sản nhiều không kể siết.
– Kiếp cuối cùng đắc được các tầng thiền định; đạo quả Niết Bàn an vui giải thoát vĩnh viễn.
Lập chùa để cúng dường đến tứ phương Tăng.
– Được thọ hưởng đền đài, cung điện bằng vàng.
– Không có tâm sợ hãi hay giật mình. Tránh được nhiều sự rủi ro và tai hại, nằm mộng không thấy những mộng dữ, chỉ thấy những mộng lành.
– Sinh về kiếp sau có trí nhớ biết được kiếp trước.
– Được sinh luân lưu trong hai cõi trời người.
– Được thọ hưởng nhiều phước lành như ý muốn.
– Những loại thú dữ: Sư tử, cọp beo, ma quái không hãm hại được.
– Những loại rồng, dạ xoa, những loài Thiên xấu không hãm hại được.
– Người luôn có tâm trí tĩnh giác sáng suốt không bao giờ bị điên loạn.
– Kiếp cuối cùng chứng đắc đạo quả A la hán.
Quả lành cúng dường Y đến chư Tăng vào mùa nhập hạ
– Luôn được tái sanh vào các thiện thú, Trời – người hưởng được nhiều sự an lạc
– Không sanh vào 4 đường ác đạo.
– Giống như bậc Thánh nhân đã chứng quả nhập lưu về nhiều mặt.
(Những Lời Dạy Vàng của Đức Phật – Tỳ Kheo Thích Thiện Minh, Bhikku Varapanno soạn dịch từ Miến Điện: http://www.budsas.org/uni/u-ldv/ldv-00.htm)
Quý bạn có thể tìm hiểu thêm vấn đề này từ Tập Kinh: Những Lời Dạy Vàng của Đức Phật theo link trên.
- 5. Thọ Bát quan trai giới, thành tựu tám phần trai giới, thọ sanh An Dưỡng Quốc
Quán Vô Lượng Thọ Kinh và Thập Vãnh Sanh Kinh dạy rằng: Phật tử nào thọ bát quan trai giới một ngày một đêm, thành tựu tám phần trai giới, không phá điều nào, lấy căn lành này nguyện cầu vãng sanh Nước Cực Lạc, nhất định vãng sanh, Trung Phẩm Trung Sanh.
Lại nói: “Trung phẩm trung sanh là nếu có chúng sanh hoặc một ngày đêm trì Bát Trai Giới hoặc một ngày đêm trì Sa Di Giới, hoặc một ngày đêm trì Cụ Túc Giới, oai nghi không khuyết, do công đức này hồi hướng, nguyện sanh Cực Lạc thế giới…, được Trung Phẩm Trung Sanh” (Quán Vô Lượng Thọ Kinh).
Chánh niệm trong một ngày một đêm thọ trí bát trai giới, chẳng phá điều nào, vãng sanh cõi Phật A Di Đà (Thập Nguyện Vãng sanh Kinh).
Có thể thấy công đức vô lượng của hành giả thành tựu chỉ một ngày một đêm thanh tịnh tám chi phần này (thân và khẩu) như đã được nhiều kinh từ Nikàya (Pali) cho đến Hán Tạng như sau:
- Ví như có người áp đặt chủ quyền cai trị trên mười sáu quốc độ lớn này tràn đầy bảy báu. Nhưng chủ quyền ấy không bằng một phần mười sáu một ngày trai giới thành tựu tám chi phần (Tăng Chi Bộ Kinh- chương 8: Tám Pháp-V. Phẩm ngày trai giới)
- Một ngày trì trai được sáu mươi vạn đời dư ăn” (Hộ Tịnh Kinh).
- Trong chuyện tiền thân số 421, Tiền thân của Đức Phật là một người làm thuê mướn cho một phú thương trong kinh thành tên là Suciparivàra, gia sản lên tới tám trăm triệu đồng, chuyên tâm bố thí và làm các thiện sự khác. Vợ con, toàn thể gia nhân của ông cho đến bọn chăn trâu bò đều giữ sáu ngày trai giới mỗi tháng. Nhân ngày trai giới, người làm thuê xin Phú gia kiêng ăn giữ ngày trai giới sau khi đi làm lụng từ sáng sớm đến gần tối trở về. Ông bảo rằng không thể thực hành mọi phận sự, bởi vì việc đó đã không được làm từ sáng sớm nhưng một nửa phận sự thì có thể làm được. Người làm thuê do làm lụng cả ngày không ăn gì cả nên khi kiêng ăn, đói không chịu nỗi, mạng chung và nhập mẫu thai vị chánh hậu của Vua Brahmadatta xứ Ba-la-nại và sau này được làm Vua vinh hiển do công đức nữa ngày trai giới (Tiểu Bộ Kinh – 421. Chuyện Người Hớt Tóc Gangamàla (Tiền thân Gangamàla).
- “Khi tiên vương tại thế, có đứa trẻ để chỏm, trai giới theo tiên vương một ngày đêm, phụng hành chánh pháp, giữ ý thanh tịnh, sau này mạng chung, thác sanh làm vương tử, nay được tôn quý, đều do nhân đời trước thọ trì Trai Giới” (Phổ Đạt Vương kinh).
- Thời Phật Câu Na Hàm Mâu Ni, Vua và Ngưu là hai anh em, cùng làm ưu bà tắc trì Trai Giới một ngày một đêm, vua do tinh tiến giữ pháp, không dám lười mỏi, nay sanh làm quốc vương” (Kiền Đà Quốc Vương kinh).
- Phật dạy xứ Ba La Nại có đồ tể tên Quảng Ngạch, mỗi ngày sát hại rất nhiều dê. Gặp được Xá Lợi Phất, thọ Bát Giới một ngày đêm, do nhân duyên này, mạng chung sanh làm thiên vương Tỳ Sa Môn ở Bắc phương” (Đại Bát Niết Bàn Kinh)
- Thời Ca Diếp Phật, có hai bà la môn cùng thọ trai pháp, một người cầu sanh thiên, một người cầu làm vua. Thọ lãnh giới xong trở về trụ xứ, các bà la môn nài mời cùng ăn. Người cầu sanh thiên, do phá trai, không thành ước nguyện. Người kia không ăn, được thành quốc vương” (Bách Dụ kinh).
- Sự kiện này có thể xảy ra, này các Tỷ kheo: “Ở đây có người đàn bà hay người đàn ông, sau khi thực hành trai giới thành tựu tám chi phần, sau khi thân hoại mạng chung, được sanh cộng trú với chư thiên Bốn Thiên Vương, Đao Lợi, Dạ Ma, Đao Suất, Hóa Lạc, hoặc Tha Hóa Tự Tại Thiên (Tăng Chi Bộ Kinh-chương 8: Tám Pháp –V. Phẩm: Ngày Trai Giới)
Rõ ràng từ chục bài kinh từ Hán tạng cho đến Pali đều cho thấy công đức bất khả tư nghì của hành giả trì bát quan trai thanh tịnh một ngày một đêm (hoàn toàn thanh tịnh về thân và khẩu). Vì thế, hành giả Tịnh Độ với niềm tin vững chắc vào Bản Nguyện Lực của A Di Đà Phật, hành trì ngày trai giới thanh tịnh, và lấy căn lành này nguyện cầu vãng sanh Tây Phương Tịnh Độ, nhất định vãng sanh như Lời Phật dạy (Lời Phật là chân ngôn, không có vọng ngữ: Mặt trời, mặt trăng có thể rơi rụng, Núi Diệu Cao có thể sụp đổ, nhưng Phật ngôn luôn chân thật, không bao giờ sai lệch).
Lợi lạc thay bát quan trai
Dù công tuy ít mà danh lại nhiều
Cầu cho tất cả mọi người
Siêng năng trai giới cho lòng tịnh an!
- 6. Phát bồ đề tâm, tự lợi, lợi tha
Đối với hành giả Đại Thừa có tâm nguyện thọ sanh về Thật Báo Trang Nghiêm Tịnh Độ, cần phải phát Tâm Bồ Đề thanh tịnh, tu tâm đại từ bi, hành Bồ Tát Đạo, tự lợi, lợi tha, đem đạo vào đời, làm vơi đi nỗi bi sầu của thế gian, góp phần biến ta bà thành Tịnh độ.
Để có thể phát Vô Thượng Tâm, hành giả Đại Thừa ngoài việc tham gia làm công ích cho xã hội, cần phải tu tập từ bi quán. Từ quán là phương pháp đối trị sân giận, phát triển lòng từ cho bản thân, và cho vô lượng hữu tình, không phân biệt thân sơ, giàu nghèo, địa vị, tôn giáo, quốc gia, và hết thảy muôn loài khắp cả địa cầu này và cùng khắp phương xứ. Trong khi đó bi quán là phương thuốc đối trị tưởng hại, phát triển sự hiểu biết sâu sắc và thương xót trước những nỗi khổ của hữu tình, là duyên để hành giả phát tâm bồ đề, vì tâm bi có công năng bạt khổ hữu tình. Đến một ngày nào đó, tình thương tràn ngập khắp trong tâm, hành giả tự nhiên phát Tâm Bồ Đề rộng lớn, lợi mình, lợi người, lợi cho Tam Bảo, cho xã hội. Trong Quán Vô Lượng Thọ Kinh, những người nào chỉ phát Tâm Bồ Đề thanh tịnh, ngay lúc lâm chung, Phật A Di Đà, Quán Thế Âm Bồ Tát, Đại Thế Chí Bồ Tát cầm hoa sen vàng, hóa làm năm trăm Phật đến rước. Năm trăm hóa Phật đồng thời trao tay khen rằng: Này Pháp tử, nay ngươi thanh tịnh phát Vô Thượng Bồ Đề, ta đến rước ngươi…, được Thượng Phẩm Hạ Sanh (Quán Vô Lượng Thọ Kinh , Hòa Thượng Thích Trí Tịnh).
Cho nên trong Liên Tông Bảo Giám có kệ:
Nhất niệm khởi, muôn vật đều biết
Lòng tin sanh là chư Phật hiện
Vừa xưng danh hiệu Phật là vào thẳng thai sen
Một lần khởi Tâm Bồ Đề là lên tận cõi Phật.
Hành giả chỉ mới phát Vô Thượng Tâm là được Thượng Phẩm hạ sanh, huống gì có những hành giả Đại Thừa ngày đêm trưởng dưỡng Tâm Bồ Đề, thì phẩm vị sẽ tùy tâm thanh tịnh mà tăng trưởng như lời Phật dạy trong Quán Vô Lượng Thọ Kinh.
- 7. Niệm Phật, Niệm ân đức Phật
Niệm hồng danh lục tự “Nam Mô A Di Đà Phật’ là pháp môn tu phổ biến của hành giả Tịnh Độ ngày nay ở Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản. Niệm Phật. Ngoài việc tiêu trừ nghiệp chướng; hiện tại lạc trú (quên đi những mối lo toan, ưu phiền trong cuộc sống hàng ngày); và bớt vọng niệm tiến đến ‘tịch tịnh trú’- hỷ lạc tâm xuất hiện; hành giả lấy công đức này, nguyện cầu vãng sanh Nước Cực Lạc, thì nhất định sanh về, tùy theo tâm thanh tịnh của hành giả, phẩm vị cao thấp theo đó tương ưng. Nói một cách khác, với hành giả Niệm Phật, cần phải đầy đủ “Tín Nguyện Hạnh”.
Đối với hành giả Niệm ân đức Phật mà biểu hiện qua niệm hồng danh “Nam Mô A Di Đà Phật’, hành giả luôn tuệ tri ân đức sâu dày của A Di Đà Như Lai, của chư Phật qua việc thấu hiểu sâu sắc 48 Đại Nguyện của Ngài, liễu tri ân Phật, ân Tam Bảo được biểu hiện qua 10 tâm thù thắng trong Kinh Niệm Phật Ba-la-mật, nhất là người Niệm Phật phải có Thâm Trọng Tâm, Phổ Hiền Tâm, Hồi Hướng Phát Nguyện Tâm, thì Niệm Phật mới dễ dàng thành tựu, như lời Phật dạy như sau:
Người Niệm Phật phải dấy tâm chí sâu xa mà cảm mộ ân đức của Tam Bảo, tưởng nhớ công lao của cha mẹ, thiện tri thức và của hết thảy chúng sanh.v.v… Nhờ vậy mà từ bi dần dần nẩy nở, ngọn lửa trí tuệ từ từ bừng cháy, môn tu niệm Phật mới dễ dàng thành tựu. Người niệm Phật còn phải đem tất cả công đức thực hành sáu ba la mật, bốn nhiếp pháp, bốn vô lượng tâm hoặc ba mươi bảy phẩm trợ đạo… mà hồi hướng khắp anh em, cha mẹ, bằng hữu, chư thiên, chư tiên, bốn loại chúng sanh kẻ oán người thân đều được an trụ trong hồng danh Nam Mô A Di Đà Phật.
(Kinh Niệm Phật Ba-la-mật, Hán Văn:Cưu Ma La Thập; Việt Văn: HT Thích Thiền Tâm)
Như vậy, lời dạy của Bổn Sư Thích Tôn chứng tỏ rằng người Niệm Phật chân chánh phải tu tâm đại từ bi, hành Bồ Tát Đạo, lợi mình, lợi người, lợi cho Tam Bảo, lợi cho xã hội, biến ta bà thành Tịnh Độ ở chốn nhân gian đầy bi ai nước mắt, đem đạo vào đời, mang lại an lạc, hạnh phúc cho hữu tình.
- 8. Thành tựu tín lực, vãng sanh Tịnh Độ
‘Lòng tin đối với người là tài sản tối thượng’ Đức Phật trả lời câu hỏi của Dạ xoa Alavakka ‘Cái gì là tài sản tối thượng đối với người?” khi Thế Tôn đang trú tại Àlavi, trú xứ của Dạ xoa Alavakka. (Tương Ưng I, Chương 10, phần Àlavi).
Với những ai nhất tâm hướng về Như Lai với lòng tin không lay động thì khi lâm chung với tâm ý này sẽ được giải thoát như lời Thế Tôn trong Tương Ưng Căn, Tương Ưng Bộ như đoạn kinh sau:
Thế Tôn bảo các Tỷ-kheo:
Ví như, này các Tỷ-kheo, một cái nhà có nóc nhọn, hay một giảng đường có nóc nhọn, với cửa sổ hướng về phía Đông, khi mặt trời mọc và các tia nắng chiếu vào ngang qua cửa sổ, chúng dựa vào chỗ nào?
— Chúng dựa trên bức tường phía Tây, bạch Thế Tôn.
— Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, lòng tin của Bà-la-môn Unnàbha hướng về, căn cứ, được an trú trên Như Lai. Lòng tin ấy kiên cố, không bị Sa-môn, Bà-la-môn, Thiên, Ma, Phạm thiên hay một ai ở đời có thể chiếm đoạt. Nếu trong lúc này, này các Tỷ-kheo, Bà-la-môn Unnàbha bị mệnh chung, không có một kiết sử nào có thể cột để kéo Bà-la-môn Unnàbha trở lui về đời này.
(Tương Ưng Bộ V- Tập V Thiên Đại Phẩm. Chương IV. Tương Ưng Căn (b). Phẩm Về Già. 42. II. Bà-La-Môn Unnàbha (S.v,217)
Tương tự như vậy với lòng tin chân thật, nhất tâm tin vào Bản Nguyện Bi Trí Viên Mãn của Đức Phật A Di Đà, không một chút phân vân, không một chút nghi ngờ, hành giả với tâm mong cầu thoát sanh về Thế Giới Cực Lạc, thì sẽ được như nguyện như đã được Như Lai tuyên thuyết như sau:
Hết thảy hữu tình khắp cả mười phương thế giới, nghe tin danh hiệu công đức Vô Lượng Thọ Phật, lập tức nhập địa vị chánh định, sinh về cõi Phật An Lạc thanh tịnh.
(Phật Thuyết Vô Lượng Thọ Phật Danh Hiệu Lợi Ích Đại sự Nhân duyên Kinh. Hán dịch Thiên Trúc Tam Tạng Khang Tăng Khải (Tào Ngụy). Việt dịch Bửu Quang đệ tử Như Hòa, tr.2 A4]
“Có những chúng sanh nghe danh hiệu Đức Phật A Di Đà, lòng tin vui mừng nhẫn đến phát một niệm chí tâm hồi hướng nguyện cầu sanh Cực Lạc, thì liền được vãng sanh ở bực bất thối chuyển…”
(Phật Thuyết Vô Lượng Thọ Như Lai. Hán dịch. Tam tạng pháp sư Khương Tăng Khải. Việt dịch Hòa Thượng Thích Trí Tịnh tr.83)
Những lời dạy của một số tổ sư tương ưng với lời Phật dạy cho thấy sức mạnh của lòng tin chân thật vào Thiên Nhơn Sư (sức mạnh của tín lực):
Ngẫu Ích Đại Sư tổ thứ chín của Tịnh Độ Tông cho rằng: “Vãng sanh hay không hoàn toàn do tín nguyện quyết định.”
Chính vì thế, Đức Thích Tôn trong Kinh Niệm Phật Ba-la-mật khuyến dạy Phật tử đặt niềm tin trọn vẹn vào Bản Nguyện Lực của Đức A Di Đà như sau:
Tin rằng BẢN NGUYỆN của Đức Phật A Di Đà là chân thật rốt ráo, là tối thắng, và Ngài không hề bỏ sót một chúng sanh nào.
(Kinh Niệm Phật Ba-la-mật, trtr. 31-32)
Xin quý bạn hữu lưu ý, có những người do căn lành từ nhiều kiếp trước, thì niềm tin vào Tam Bảo, vào Phật hiệu ‘Nam Mô A Di Đà Phật’ đến với họ một cách tự nhiên, dễ dàng. Tuy nhiên, đa phần cần khéo dụng công hành trì theo chánh pháp, được chơn an lạc, thì niềm tin theo đó càng tăng trưởng cho đến vững chắc như kim cang. Để tự biết mình hoặc ai đó có lòng tin chân thật, Đức Phật ân cần chỉ bảo ba pháp sau: Thứ nhất là muốn gặp người có giới đức; thứ hai muốn nghe diệu pháp, và thứ ba: Hoan hỷ thí xả như lời Phật dạy trong Tăng Chi Bộ như sau:
Một thời Thế Tôn trú tại Gomagga, trong khu rừng Simsapà, dạy các Tỷ kheo: Do ba sự kiện này, này các Tỷ kheo, một người được biết là có lòng tin. Thế nào là ba? Ưa thấy người có giới hạnh; ưa nghe diệu pháp; với tâm ly cấu uế xan tham, sống trong nhà, bố thí rộng rãi với bàn tay sạch sẽ, thích thú sự từ bỏ, sẵn sàng khi được yêu cầu, thích phân phát vật bố thí.
Do ba sự kiện này, này các Tỷ kheo, một người được biết là có lòng tin.
(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ I, chương 3, phẩm Nhỏ, phần Sự kiện, VNCPHVN ấn hành, 1996, tr.268)
Qua đó, có thể thấy, những hành giả Tịnh Độ có lòng tin chân thật, rất hoan hỷ thí xả: làm việc từ thiện thế gian như đã được trình bày như trên.
Vì thế, những hành giả Tịnh Độ thành tựu tín lực, và nhất tâm nguyện cầu vãng sanh về Tây Phương Tịnh Đô sau khi xả bỏ thân mạng, nhất định được vãng sanh, như lời Phật dạy.
Lưu ý cho dẫu có người dụng công tu tập Niệm Phật hay các pháp lành một cách kiên tâm, nhưng thiếu niềm tin, thì không thể vãng sanh về Thế Giới A Di Đà Phật. Tuy nhiên, những căn lành này cũng đủ cho họ thọ sanh về thiên giới hay cõi đời này. Vì thế, Long Thọ Đại Sĩ có kệ, cho thấy niềm tin là tài sản tối thượng:
Có người trồng căn lành
Nghi ngờ hoa chẳng nở
Có lòng tin chân thật
Hoa nở liền thấy Phật
(Chương kệ Di Đà – Phẩm Dị Hành: Thập Trụ Tỳ Bà Sa Luận- Bồ Tát Long Thọ)
- 9. Cơ hội hồi đầu của những người bất thiện trong phút lâm chung
“Quay đầu là bờ”, phàm nhân trở thành ‘thánh nhân’ chỉ trong một sát-na, một thời thuyết pháp. Đó là câu chuyện về tên sát nhân Vô Não, Angulimala, tàn sát 999 người, và người cuối cùng hắn ra tay sát hại là Đức Phật. Nhưng khi gặp Phật, nghe lời khuyên từ ái của Ngài, ‘Hãy dừng lại, dừng lại sự giết chóc, dừng lại sự gây tổn hại, dừng lại sự quấy nhiễu, dừng lại những việc xấu ác, trì giới, bố thí, thiền định,”, thì tên tướng cướp Vô Não rúng động, cảm được đạo từ của Như Lai, nhất tâm hướng về Thế Tôn với Niềm Tin bất động, cho nên tín thọ hoàn toàn Phật ngôn, chính lúc đó Angulimala có lòng tin Tam Bảo bất động, hành theo lời Phật dạy, nhập vào dòng (thánh dự lưu). Và từ đó, nhiệt tâm tinh cần tu thiền định, về sau chứng quả A La Hán. Từ tên sát nhân khét tiếng trở thành thánh nhơn chỉ sau khi tín thọ đạo từ của Đức Thích Ca.
(Lịch sử Đức Phật Thích Ca Tập 2/2 Video từ phút 0:59:30 – 1:01:50: https://www.youtube.com/watch?v=0G8YajJNvZ8)
Tương tự như vậy, những người nào chưa có duyên quy y Tam Bảo, mà may mắn gặp được Thiện Tri Thức khai thị, làm cho tỏ ngộ về Đại Nguyên bi trí viên mãn của A Di Đà Phật, về Thế Giới Cực Lạc trang nghiêm, rồi hân hoan tín thọ và niệm “Nam Mô A Di Đà Phật’ với niềm tin vững vàng và nhất tâm tin ưa thoát sanh về Thế Giới An Lạc sau khi bỏ thân mạng, thì sẽ được vãng sanh về một trong ba phẩm hạ sanh như Phật thuyết trong Quán Vô Lượng Thọ Kinh.
Thật ra có khá nhiều tích truyện trong Tiểu Bộ Kinh Tập II – Thiên Cung Sự cho thấy kết quả thoát sinh lên Thiên giới của những chúng sanh hữu tình lẽ ra bị đọa vào địa ngục đều do sự tác ý (ý muốn) của đức Phật hoặc Thánh Đệ tử như Mục Kiền Liên, Ma Ha Ca Diếp, Xá Lợi Phất. Sau đây là một trong nhiều tích truyện bút giả trích dẫn từ Tiểu Bộ Kinh – Tập II (Tạng Pali) chứng minh Phật lực (tha lực) bất khả tư nghị của đức Phật:
Trong lúc đức Thế Tôn đang trú ngụ tại Ràjagaha, Ngài nhập định Đại bi mà chư Phật thường trú, sau đó xuất định và quán sát thế gian. Ngài thấy ngay trong thành phố ấy tại khu vực của dân chúng Candàla (Chiên-đà-la, hạng người vô loại khốn cùng không ai tiếp xúc) có một bà lão sắp mạng chung và một ác nghiệp đưa đến địa ngục đã xuất hiện cho bà.
Với tâm Đại bi, muốn làm cho bà tạo một nghiệp lành đưa đến cõi trời, Ngài suy nghĩ: ‘Ta sẽ an trú kẻ ấy vào thiên giới’, Ngài liền cùng đại chúng Tỷ – kheo vào Ràjagaha khất thực.
Vào lúc ấy, bà lão Chiên-đà-la chống gậy ra khỏi thành, thấy đức Thế Tôn đến gần, và khi bà đối diện Ngài, bà dừng lại. Đức Thế Tôn cũng dừng lại và đứng ngay trước mặt bà như thể cản bà tiến lên.
Sau đó, Tôn giả Mahà-Moggallàna, biết tâm bậc Đạo sư và cũng biết thọ mạng bà lão sắp hết, bèn thúc giục bà đảnh lễ đức Thế Tôn:
1. Lễ chân đức Phật Go-ta-ma,
Vì xót thương cho số phận bà,
Giác giả tối cao, danh tiếng rộng,
Đứng ngay trước mặt, hỡi Chiên-đà.
2. Hãy hướng tâm đầy đủ thiện duyên
Về Ngài La-hán, bậc an nhiên,
Mau mau đảnh lễ, hai tay chắp,
Vì mạng sống kia chẳng được bền!
Khi bà lắng nghe lời Tôn giả, lòng đầy xúc động, bà phát khởi tâm tín hướng về bậc Đạo Sư, liền đảnh lễ Ngài với năm phần thân thể sát đất, và do hân hoan trước đức Phật, bà nhất tâm đứng yên lặng, đầu cúi xuống. Đức Thế Tôn bảo:
– Thế này là đủ để bà ấy lên thiên giới.
Xong Ngài vào thành với đại chúng Tỷ-kheo. Ngay lập tức sau đó, một con bò cái chạy trốn cùng với bê con, lao về phía bà già, lấy cặp sừng húc bà chết tại chỗ. Đức Phật xác quyết bà lão tái sanh vào tầng trời ba mươi ba (Đạo Lợi Thiên).
(Tiểu Bộ Kinh- Tập II, Thiên Cung Sự Lâu đài của nàng Chiên-Đà-La (Candàlì-Vimàna).
Tuy nhiên, lúc lâm chung, tâm ý tán loạn, sợ hãi vì nghiệp ác, nên rất khó cho những ai không có tu tập nghiêm túc mà còn đủ tỉnh táo lúc lâm chung để nghe những lời khai thị, khuyên bảo của Thiện Tri Thức. Thật khó có tâm hân hoan để tín thọ câu Phật hiệu toàn tâm toàn ý. Vì thế, hành giả hàng ngày nên tu tâm dưỡng tánh, dành thời gian công phu niệm Phật, hoan hỷ làm việc thiện thế gian khi còn thân mạng quý báu này.
- 10. Lời Kết
Như những gì kết tập, những hành giả Tịnh độ nào ngày đêm chuyên tâm tu các pháp lành và nhất tâm nguyện cầu về Thế Giới An Lạc sau khi bỏ báo thân, nhất định sẽ được sanh về như lời Phật dạy.
Những hành giả Niệm Phật cần phải luôn thực hành 10 tâm thù thắng, nhất là Tín Tâm, Thâm Trọng Tâm, Phổ Hiền Tâm và Hồi Hướng Phát Nguyện Tâm như lời Phật dạy trong Kinh Niệm Phật Ba-la-mật — tức là phát Vô Thượng Tâm để Niệm Phật, thì việc niệm Phật dễ dàng thành tựu. Vì thế, hành giả Niệm Phật cần phải trưởng dưỡng Tâm Từ Bi qua việc luôn tham gia hành thiện ở thế gian, và thường thực hành từ bi quán.
Những ai tu các pháp lành tinh cần theo bát chánh đạo: Ý thức thiện, Niệm thiện, Suy nghĩ thiện, Lời nói thiện, Thân hành thiện, Nghề nghiệp thiện, Tinh cần trong việc thiện, Định tâm trên việc thiện, nhất định sẽ được an lạc, vô úy, hạnh phúc cho mình, cho người, cho xã hội ngay trong đời này, và sau khi xả bỏ thân mạng, đem thiện căn (pháp lành thành tựu) nhất định sanh về Thế Giới Cực Lạc đúng như ý nguyện, hợp với Bổn Nguyện của A Di Đà Phật.
Xin khép lại bài kết tập này bằng những lời Phật dạy trong Trung Bộ Kinh, số 129 Kinh Hiền Ngu, phần: Người Hiền Trí
Ở đây, này các Tỷ-kheo, người trí suy nghĩ như sau: “Thật sự ta không làm điều ác, không làm điều hung bạo, không làm điều tội lỗi, lại làm điều phước, làm điều thiện, làm điều chống sợ hãi. Do không làm điều ác, không làm điều hung bạo, không làm điều tội lỗi, do làm điều phước, làm điều thiện, làm điều chống sợ hãi, được đi đến (thiện) thú nào, (thiện) thú ấy sau khi chết, ta được đi”. Vị ấy không sầu muộn, không than van, không than khóc, không đấm ngực, rên la và rơi vào bất tỉnh. Này các Tỷ-kheo, đây là sự lạc hỷ, ngay trong hiện tại người trí được cảm thọ.
(Trung Bộ Kinh, số 129 Kinh Hiền Ngu, phần Người Hiền Trí, Hòa Thượng Thích Minh Châu)
Nguyện đem công đức này
Hướng về tất cả chúng sanh khắp pháp giới
Đồng sanh Nước Cực Lạc
Tâm Tịnh cẩn tập
Bài đọc thêm:
Tịnh Độ Là Lòng Trong Sạch, Di Đà Là Tính Sáng Soi (Thích Phước Đạt)
Discussion about this post