DƯỚI CHÂN NGÀI ĐỊA TẠNG
Nhụy Nguyên
Một chiều ngang
qua vùng Hải Lăng – Quảng Trị, tôi dừng chân viếng tượng Địa Tạng lần ngài
“trở lại” nhân gian. Địa Tạng – kho tàng
Tâm, nơi sinh ra các Pháp. Địa Tạng kinh – cuốn kinh quý bậc nhất trong đạo
Phật được mười phương chư Phật tới dự thính ghi lại nội dung quan trọng: khi
Phật nhập diệt đã phó thác cho Bồ tát Địa Tạng giáo hóa cõi ta bà (gồm tam thiên đại thiên thế giới). Điều đặc biệt, Bồ
tát nguyện cứu vớt hết thảy chúng sinh nơi địa ngục (Địa ngục vị không thệ bất thành Phật). Bây giờ tôi đang ngồi dưới
“pháp thân” của Ngài, thật logich – nghĩ về cái chết.
Người ta sẽ đặt
câu hỏi: Là một người trẻ, nghĩ đến cái chết bây giờ có quá sớm? Tôi sẽ trả
lời: Không quá muộn song chẳng còn sớm nữa. Cái chết đến với chúng ta bất cứ
lúc nào. Không ai dám khẳng định người đang hấp hối sẽ chết trước một thanh
niên khỏe mạnh. Cái chết sẽ đến thình lình, chóng vánh. Nó khiến chúng ta không
kịp trở tay, không kịp nói những điều cần nói và làm những điều cần làm. Tần
Thủy Hoàng thời thịnh trị dễ chừng xoay được cả trái đất nhưng việc tìm thuốc
trường sinh thất bại. Cuối cùng cái chết thảm thương đến với ông ngoài dự
liệu. Không ai sống mãi trừ các vị Phật. Người thường ai chẳng đi đến cái chết.
Biết nhận thức là biết mình sẽ chết, tại sao không ai chuẩn bị? Đời người, phần
lớn có mấy chục năm để chuẩn bị, nhưng người ta lại dùng lượng thời gian đó
sống vì bản ngã nên ngược chiều với Đạo. Nếu nghĩ đơn thuần, chuẩn bị cho
cái chết nghĩa là viết tờ di chúc phân chia của cải, và cụ thể hơn: lo trước
đám tang mình; thì hết sức sai lạc.
Dượng tôi là
giảng viên đại học môn Lý. Một người hiền lành, sống giản dị, cần kiệm, đặc
biệt không tin thế giới tâm linh. Nghỉ hưu trên chục năm thì dượng phát hiện
ung thư; mổ lần thứ hai, bệnh viện trả về. Thời gian chưa đầy tháng, ông bình
thản tỉnh táo lo việc chung gia đình và lên kế hoạch đám tang. Sợ phiền đến
con cháu và mọi người, ông dặn không được để dài ngày. Lời dặn quan trọng thứ
hai là không nên tụng kinh…
Suýt nữa ông
phạm sai lầm trầm trọng cuối đời. Hay nói khác đi, nhờ duyên phước nên con ông
đã mời các cô ở chùa về tiếp dẫn. Các cô không phiền gì gia đình, đến cả bữa
cơm cũng tự mua lấy, thay nhau niệm Phật từ 7h sáng (lúc dượng tôi hấp hối)
đến 6h tối. Vài người bắt đầu thấy khó chịu, bảo ông bị “ép” nghe A Di Đà Phật nên không muốn đi. Tội
nghiệp, các cô đến niệm Phật những giờ phút cuối dượng tôi an lòng về bên
kia, ai ngờ dượng vẫn còn… khỏe. Hiểu ý vài người thân của dượng, các cô
lặng lẽ ra về. Sáng hôm sau nữa ông mới mất; nghe tin các cô lật đật tới liền.
Ngoài đời có ai tự nguyện giúp vô tư như vậy? Chỉ có tấm lòng hướng nguyện của
những người tu mới làm được thế. Các cô dặn ít nhất để dượng tôi nằm yên,
tuyệt đối không ai chạm vào trong vòng ít nhất 8 tiếng, và các cô niệm Phật
trong suốt thời gian đó. Thêm một nguyên cớ để số ít người nhà dượng tôi bằng
mặt mà không bằng lòng.
Đạo Phật giải
thích rất thỏa đáng: khi một người ngừng thở, phải cần từ 8 đến 12 tiếng để
các thức rời hẳn thân xác, gồm: nhãn thức, nhĩ thức, tĩ thức, thiệt thức,
thân thức, ý căn, mạt-na thức, a-lại-da thức (tạng thức). (Người ngừng thở
mà các thức rời bỏ nhanh chóng tức đã đắc Pháp, còn không thì người ấy
quá gian ác – chết lập tức bị lôi đi đầu thai vào đường ác đạo hoặc xuống địa
ngục). Có thể ví người vừa ngừng thở như nồi nước sôi nhấc khỏi lửa, khoảng vài
phút thì “lặng sóng”; lúc đó (lúc chưa đủ ít nhất 8 tiếng), ai đụng vào liền
đau đớn chẳng khác ta nhúng tay vào nồi nước nóng đó, (trong kinh ví như rùa
sống lột mai). Người cố chấp cứng nhắc cho đạo Phật dành cho những ai tu; mình
không tu cớ gì thực hành tâm linh như trên. Nhầm. Cái chết là sự chung, đâu
riêng chúng sinh hay tăng – ni – Phật. Truyền giảng giáo Pháp, Phật Thích Ca không
phân biệt đẳng cấp thứ bậc, màu da.
Trong đám tang
của dượng, tôi đã “cãi” một người; đến cùng người này vẫn muốn thấy linh hồn
tròn méo thế nào mới tin. Tôi hỏi, có phải tất cả kiến thức có trong đầu anh
hầu hết do học/đọc sách. Anh gật. Vậy anh đã đọc về sự sống sau cái chết? đã
đọc phía bên kia cõi sống? đã “xem” cảnh giới thân trung ấm? hoặc cụ thể hơn là thế giới người âm từ các nhà
ngoại cảm. Anh lắc. Vậy sao tôi dâng lên trước mặt anh tất cả loại sách quý đó
do các vị Lạt ma hóa thân, các vị từ cõi âm, từ cõi Phật trở lại viết ra, sao
không ngó qua.
Tôi vẫn biết
không phải cứ thông minh uyên bác là thẩm thấu tâm linh, bởi Phật đi vào mỗi
người bằng đường Tâm chứ không phải qua trí
lộ. Đạt Lai Lạt Ma 14 lần đầu thai hóa độ thêm chúng sanh với đầy đủ minh
chứng được cả thế giới thừa nhận, vẫn quá ít người tin. Ngài Karmapa Pagshi
đã được chính các đệ tử tuyên nhận tái sinh của [vị tiền nhiệm]
Karmapa Dusum Khyenpa, dựa trên chính những chỉ dẫn được để lại cho đệ
tử bởi vị tiền nhiệm ấy”. Đại sư Gedun Drub thị thịch vào năm 1474 ở
tuổi 84. Hai năm sau, người ta buộc phải tuyên nhận đứa trẻ Sangye
Chophel ra đời vào năm 1476 tại Tanak ở vùng Tsang bởi những gì đứa
trẻ đó nói ra không chút sai trật về cuộc đời trong quá khứ”. Tại
Việt Nam:
đứa bé khoảng mươi tuổi giảng pháp không thua một vị tu học suốt nửa đời người.
Đấy không phải kiến thức tồn lưu tại thức thứ tám từ những kiếp trước là gì?!
Và mới đây, đứa trẻ vắt mũi chưa sạch lại viết tiểu thuyết mấy trăm trang
dung chứa toàn kiến thức khoa học cao xa. Hay một trường hợp thật khác: người
mẹ trên mình có hình xăm, con vừa lọt lòng cũng có hình xăm y chang; khoa học
có mà giải thích đằng trời nếu không chịu thừa nhận thuyết luân hồi.
Quyền năng tư
tưởng đạo Phật nghiễm nhiên thừa nhận việc người đã mất vẫn nhận được ý
nguyện [phát liên tục] của người sống; điều này cũng áp dụng được giữa người
sống với nhau nếu có nội lực tâm linh. Ví như ai đó ghét, căm thù ta nhưng ta
luôn luôn cảm thương lại, một lòng nguyện cho họ tốt hơn, lúc gặp tự dưng sự
ghét và căm thù đó được hóa giải. Ấy là sóng
tâm như khoa học vẫn dùng một dạng sóng khác kết nối các điện thoại và
nhiều loại máy lại với nhau không hạn định thời không.
Dượng tôi thật
may phước, vừa được các cô niệm A Di Đà
Phật suốt 8 tiếng, lại có con cháu nguyện
sinh. Riêng tôi luôn luôn “nhắn nhủ”
ông hãy niệm đến lúc nào Phật hoặc Bồ tát xuống tiếp dẫn, theo các Ngài chứ
không theo bất cứ ai, kể cả người thân. Theo kinh Địa Tạng, lúc lâm chung oan
gia trái chủ sẽ biến hiện làm quyến thuộc để “rủ” họ vào ác đạo báo thù xưa. Nam mô A Di Đà
Phật hướng về vùng sáng. Phía ấy có vùng xám đen và vùng sáng trắng. Vùng
sáng chính là Phật tiếp dẫn. Vừa qua núi, linh hồn trở thành… mê hồn – hoang
mang, đức lại mỏng nên thường sợ hãi chạy qua vùng đen – dễ nghiệp sinh, lâm vào tam đồ. Cho dù
không tu, con người ta hấp hối và suốt nhiều giờ các thức rời khỏi, A Di Đà Phật cứ dội vào tâm não; chỉ cần
cầm duy nhất câu đó qua bên kia đã thật nhiều hy vọng siêu sanh. Bao nhiêu ý
nghĩ trôi qua đầu; người sắp chết nghĩ về con cháu, nghĩ về
vợ/chồng, bè bạn v.v, ý nghĩ nào đến ngay ở khoảnh khắc tắt thở,
sẽ ảnh hưởng một cách “nghiêm trọng” đến kiếp sau. Người sắp chết
nhập tâm A Di Đà Phật, sác xuất
tạp niệm len vào những giây cuối đời càng ít, cơ hội Phật độ càng
lớn.
Tôi là một thứ
gì đó còn rất mù mờ; chẳng rõ dượng mình đã tới đâu, song ít ra dượng tôi
không vô cùng đau đớn trong khoảng thời gian các thức chưa rời hẳn. Đó là
niềm an ủi lớn khiến tôi đỡ ân hận khi dượng đau yếu lại không có bên động
viên an ủi.
Ai cũng sẽ hao
hụt người thân. Hiểu đúng về phía bên kia cõi chết, chúng ta sẽ bớt đau khổ.
Chính sự khóc lóc thương xót người sắp về nơi vĩnh hằng là mang trọng tội bởi
biết đâu họ sẽ luyến níu không bước nổi về vùng sáng mà chui vào màn tối ngạ
quỷ, bị âm binh sai khiến hoặc đơn giản ở lại “sống” bên mồ mả của chính họ. Đa
phần những linh hồn [còn ngoài mộ] là những “người” đánh mất 7 lần cơ hội Phật
và Bồ tát đến tiếp dẫn trong 49 ngày. Các nhà ngoại cảm từng trò chuyện với
nhiều trường hợp chết đã mấy trăm năm. Không dứt được cái tình, họ ở lại quanh
quẩn bên người thân, chẳng ngờ trượt đà chứng kiến cảnh con cháu chít chắt nối
nhau về trời, mình vẫn còn đứng đó.
Chuẩn bị cái
chết đúng nghĩa, là sống đời thanh đạm không tham ái, không để tám ngọn gió thế
gian (lợi dưỡng – không lợi dưỡng, danh vọng – không danh vọng, vui –
buồn, khen – chê) cuốn theo dòng ô trược uế nhiễm của xã hội văn minh công
nghiệp; là xả bỏ tham sân si, thanh lọc thân tâm, đập vỡ bản ngã trương phình
che khuất cả mặt mũi tầm nhìn. Chuẩn bị cho cái chết, chúng ta sẽ không còn sợ
hãi cái chết nữa. “Nếu bạn thương yêu những cái cây, mặt trời hoàng hôn, những
con chim, chiếc lá rơi; nếu bạn nhận biết được những người đàn ông và phụ nữ
đang rơi nước mắt, những người nghèo khổ, và thực sự cảm thấy tình yêu trong
quả tim của bạn, liệu bạn sẽ sợ hãi chết? (Cuộc
đời trước mặt – Krishnamurti).
Dải ngân hà có
hàng trăm tỉ vì sao. Trái đất thậm chí còn nhỏ hơn cả chấm sáng dày
đặc trên bầu trời? Con người trên trái đất, hãy tưởng tượng, bé xíu
biết bao. Bây giờ các nhà khoa học đã tìm ra sự sống trên sao hỏa. Điều đó cho
ta mường tượng về cuộc sống của lớp người nào đó từng tồn tại cho tới lúc sao
hỏa khô kiệt bởi văn minh công nghiệp, họ đã di trú tới một hành tinh khác (như
trái đất chẳng hạn). Sau bao nhiêu thời gian, [vùng đất hoang hóa] sao hỏa hồi sinh,
trong lúc trái đất đang già cỗi… Cuộc sống trần ai chỉ là lát cắt
đồng đại trong thăm thẳm chiều thời gian vũ trụ. Nếu ta chỉ tính
“cái chớp mắt” này mà không muốn hiểu con người còn phải trằn qua
hàng tỉ kiếp trước và hàng trăm nghìn kiếp kế tiếp nếu không chịu
hành Đạo, thì sẽ thấy rất nhiều bất công oan trái. Chưa thể nhìn xa
hơn, hãy sáng suốt nghĩ về sự chết của chính ta; hãy xem đây như một
môn học rất bình đẳng với vô vàn các loại kiến thức khác vô tình
hay hữu ý chúng ta đã nạp vào não trạng mình.
N.N
Discussion about this post