LÀ DẤU HIỆU SỰ YẾU ĐUỐI
Đức Đạt Lai Lạt Ma – Hoang Phong dịch
(Tờ nguyệt san GEO là một tờ báo lâu đời của Pháp có chủ trương và nội dung rất gần với tờ nguyệt san nổi tiếng National Geographic của Hoa Kỳ; số báo 342, phát hành tháng 8 năm 2007, là một số đặc biệt dành cho Phật giáo với chủ đề “Đà phát triển mới của Phật giáo, trong số báo này có một bài phỏng vấn Đức Đạt Lai Lạt Ma. Ký giả ghi chép: Andreas Hilmer. Hoang Phong lược dịch và ghi chú)
Nguyệt san GEO của Pháp đã gởi người sang tận Dharamsala, Ấn Độ, để yết kiến và phỏng vấn Đức Đạt Lai Lạt Ma. Đối với nhà lãnh đạo tinh thần của người Tây tạng, bất bạo động là giải pháp trước tiên để trả lời cho những vấn đề khó khăn trên toàn thế giới.
Nguyệt san GEO: Ngài đã nghiên cứu Phật giáo hơn sáu mươi năm nay. Ngài có thể tóm lược giáo lý ấy như thế nào?
Đạt Lai Lạt Ma (ĐLLM): Phật giáo xoay quanh hai khái niệm: lo âu và đau khổ, hân hoan và hạnh phúc. Hai thái cực đó liên hệ mật thiết với nhau. Trong bối cảnh chung, người ta luôn luôn tìm thấy khái niệm tương liên của vạn vật. Con người, muốn đạt được hạnh phúc , phải quan tâm đến nguyên nhân của khổ đau. Chính trên điểm này, khái niệm về bất bạo động đã xen vào. Bạo động đưa đến đau khổ cho kẻ khác, và hậu quả của bạo động lại là đớn đau cho chính ta. Vì vậy, chúng ta phải cố gắng đừng làm tổn thương kẻ khác.
Nguyệt san GEO: Có thể sống hài hòa với lý tưởng của Đức Phật hay không?
ĐLLM: Mỗi người đều có khả năng kiến tạo một cuộc sống hạnh phúc. Sự kiện họ thành công hay thất bại trong mục đích đạt đến lý tưởng ấy tùy thuộc vào thái độ bên trong của mỗi người. Người ấy có phải là người của tín ngưỡng nào đó hay không là chuyện không quan hệ lắm. Ngay cả Hitler cũng có khả năng trở thành một người hạnh phúc, đủ sức có lòng từ bi. Tôi nói lên điều này, các bạn của tôi trên đất nước Do Thái sẽ không hiểu gì cả. Nhưng tất cả mọi con người đều có một tiềm năng để trở thành tốt và hạnh phúc. Đạt được hay không đạt được tiếm năng ấy lệ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Đối với chúng tôi đây, những người đệ tử Phật, chuyện ấy tùy vàocách phải xử lý ra sao những xúc cảm và những động lực tiêu cực của ta. Ngày hôm nay đây, chúng ta vẫn cảm thấy những khó khăn giống như những khó khăn đã từng xảy ra từ hai ngàn năm trăm năm trước. Đấy, tại sao những văn bản cổ xưa vẫn luôn luôn mang tính cách thời sự.
Nguyệt san GEO: Có phải điều đó đã chứng minh từ nguyên thủy đến nay Phật giáo không bị biến đổi một cách đáng kể?
ĐLLM: Quả thế. Phật giáo dựa trên khái niệm “sinh khởi do điều kiện” và chủ trương có thể cứu giúp được mọi người(1). Điều đó không biến đổi, và cũng không có lý do nào để nó biến đổi! Dù cho sự hiện hữu của ta như thế nào đi nữa, tất cả đều quyết định từ mối tương quan giữa hạnh phúc và khổ đau. Cho đến khi nào khổ đau còn hiện hữu, thì những nguyên nhân sinh ra khổ đau vẫn còn hiện hữu, và, cũng chính vì thế, vẫn còn có những khả năng để tác động trên những nguyên nhân ấy (2). Tất nhiên, qua hai nghìn năm trăm năm, Phật giáo cũng có những thay đổi nhỏ. Những thay đổi ấy là do nơi các môn đệ trong một vài quốc gia, đã giải thích khác nhau về khái niệm của khổ đau. Và một vài sự cảm nhận về thế giới cũng thay đổi.
Nguyệt san GEO: Như vậy có nghĩa là Ngài thừa nhận khoa học đã làm lung lay một số giáo điều?
ĐLLM: Nếu đó chính là hình dáng của trái đất, thì đúng. Ngược lại, khoa học đã công nhận những nguyên tắc mà Phật giáo chủ trương. Chung quanh khái niệm về vô tận chẳng hạn. Hãy lấy ví dụ của vụ nổ lớn big-bang(3): phải chăng chỉ có một vụ nổ lớn và duy nhất, hay là có nhiều vụ nổ đúng như Phật giáo đã chủ trương từ trước, đi sau họ, ngày nay nhiều khảo cứu gia khoa học cũng đã tin như vậy?
Nguyệt san GEO: Người phương Tây theo Phật giáo càng ngày càng đông. Giáo huấn của Phật giáo ở phương Tây có gì khác biệt không?
ĐLLM: Có những khác biệt trên phương diện văn hóa, lẽ dĩ nhiên, nhưng trên phương diện tâm linh thì không.
Nguyệt san GEO: Rất nhiều người Thiên Chúa giáo theo về với Phật giáo. Có phải là một điều tốt hay chăng?
ĐLLM: Thay đổi tôn giáo chưa hẳn là một điều tốt. Một hành vi như thế có thể đưa đến những hoang mang tinh thần. Có rất ít người rút tỉa được ích lợi khi chuyển đổi niềm tin của tâm linh. Việc làm này không cần thiết: mỗi tôn giáo đều có khả năng chữa trị tâm thần.
Nguyệt san GEO: Ngài rao giảng về bất bạo lực . Nhưng làm thế nào để thuyết phục những kẻ sử dụng bạo lực?
ĐLLM: Bạo lực luôn luôn phát sinh từ u mê (4). Nhất là nó bùng lên khi con người không nghĩ đến những hậu quả đưa đến từ hành vi của họ. Một ví dụ cực đoan : anh giết kẻ địch của anh. Anh là kẻ chiến thắng, nhưng anh phải trả giá cho hành động của anh trước pháp luật. Vậy là anh đã tự gây đau thương cho anh. Tuy rằng anh chiến thắng, nhưng anh phải gánh chịu hậu quả tiêu cực từ những hành động của anh. Về phần những người mà ta gọi là kẻ thù, họ vẫn hằng mang một chút gì đó của chính ta trong họ. Làm hại kẻ thù cũng tương tợ như làm hại đến chính ta.
Nguyệt san GEO: Nhưng lắm khi, ta đạt được mục đích nhanh hơn bằng cách sử dụng bạo lực…
ĐLLM: Không đúng, chuyện ấy đâu phải tiến hành như thế. Quả thật, ta thắng, ta loại bỏ được khó khăn. Nhưng đồng thời ta lại tạo ra một khó khăn khác. Khi anh xúc phạm đến một người nào đó, người này có thể gánh chịu những tổn thương lâu dài. Và chính nơi vết thương còn há miệng đó sẽ nảy sinh ra một khó khăn mới. Ý thức được sự liên kết ấy không cần phải dính dáng với tôn giáo, nhưng chính là khả năng của ta để hiểu được kẻ khác.
Nguyệt san GEO: Còn Ngài thì sao, Ngài kiểm soát sự tức giận của Ngài như thế nào?
ĐLLM: Tôi cũng có nhược điểm và yếu đuối. Đôi khi tôi cũng ganh ghét và nổi cáu. Chẳng hạn, tôi cũng có thể bị đánh thức trong đêm vì tiếng chiêm chiếp của chim kêu(5). Nhưng khi tâm thức lành mạnh thì chẳng có gì đáng ngại. Những xúc cảm tiêu cực bùng lên và biến mất. Những lúc bực bội thật khó kiểm soát, nhưng nó không được phép làm lay chuyển cấu trúc căn bản của con người (6). Trong Phật giáo có nhiều cách tu tập giúp ta kiểm soát những loại cảm xúc như thế.
Nguyệt san GEO: Chẳng hạn như những cách tu tập nào?
ĐLLM: Thiền định,thiền định xem sự nổi giận là một vị thầy, một thách đố cho ta, va chạm với nó sẽ giúp ta trưởng thành. Khi một cảm tính như thế xảy đến, trong giai đoạn đầu, ta đừng làm gì cả, mục đích tránh gây cho tình thế trở nên trầm trọng hơn, tiếp theo đó hãy tự đặt câu hỏi để tìm hiểu đâu là phần trách nhiệm của ta. Cũng phải đủ sức khơi động lòng từ bi và tình thương sẵn có trong ta để thiền định về những cảm tính đó.Thật là hệ trọng phải biết tập luyện để hiểu rằng những hiện tượng tiêu cực tấn công ta, chúng chỉ có tình cách nhất thời, vô thường mà thôi. Nóng giận thường liên đới với sự kém cỏi của ta.
Nguyệt san GEO: Ngài đã từng nói rằng Đạt Lai Lạt Ma tương lai có thể sinh ra bên ngoài Tây Tạng và Trung Quốc, và kể cả trường hợp cũng có thể là một người phụ nữ…
ĐLLM: Thắc mắc trước hết là Đạt Lai Lạt Ma tương lai phải dấn thân vào những công việc mà tôi còn bỏ dở. Nếu tôi chết bên ngoài Tây Tạng, vị Đạt Lai Lạt Ma mới cũng sẽ được tìm thấy bên ngoài Tây Tạng (7).
Hoang Phong lược dịch
Ghi chú của người dịch
1. Một câu phát biểu rất đơn giản nhưng có thể tượng trưng cho Phật giáo. Khái niệm về sự tương liên, tương tạo, tương kết của mọi hiện tượng và hình tướng là cái nhìn bao quát, thật triết lý và rất khoa học về thế giới chung quanh ta và cả vũ trụ., cái nhìn đó là một đặc thù của Phật giáo: đây là phần “lý thuyết”. Trong thế giới này, mọi vật và hiện tượng đều sinh khởi vì nguyên nhân tương liên của nhiều điều kiện, do đó hạnh phúc của ta cũng liên đới với hạnh phúc của kẻ khác, khổ đau cũng thế. Giúp đỡ kẻ khác chính lòng Từ bi: đây là phần “ứng dụng”trong Phật giáo
2. Đức Đạt Lai Lạt Ma giải thích về Tứ diệu đế
3. Giả thuyết khoa học cho rằng một vụ nổ lớn đã tạo ra vũ trụ
4. Vô minh
5. Tiếng chim kêu chiêm chiếp trong đêm là chuyện không thể có, hoặc gần như vô lý. Nổi cáu khi bị đánh thức bởi những tiếng chiêm chiếp trong đêm là một chuyện không tưởng, sự nóng giận của Đức Đạt Lai Lạt Ma cũng thế.
6. Tức là Phật tính
7. Một câu tiên đoán cho tương lai: nếu Đức Đạt Lai Lạt Ma chết bên ngoài Tây Tạng, Ngài sẽ tìm cách tái sinh bên ngoài Tây Tạng.
Discussion about this post