ĐỨC PHẬT CÓ DẠY 84,000 PHÁP MÔN KHÔNG?
Thích Nhật Từ
1. Dẫn nhập
Trong một thập niên qua, trong hàng chục bài pháp thoại cho Tăng Ni và Phật tử đăng trên trang nhà Chùa Giác Ngộ[1] và trang nhà Youtube[2], tôi thường khẳng định rằng khái niệm “84,000 pháp môn” là do Phật giáo Trung Quốc đặt ra, chứ trên thực tế, đức Phật chỉ truyền bá con đường duy nhất là Tứ thánh đế, mà cốt lõi là nhận diện khổ đau, truy tìm nguyên nhân của nỗi khổ, niềm đau và thực tập bát chính đạo để đạt được niết-bàn ngay trong kiếp sống hiện tại này.
Quan điểm nhất quán này được tôi chia sẻ trong bài pháp thoại vấn đáp cho quý sư Khất sĩ tại Tịnh xá Trung Tâm ngày 27/5/2014 với nhan đề “Trở về đạo Phật nguyên chất để phụng sự nhân sinh.” Bài vấn đáp này khi được đăng tải trên trang nhà Đạo Phật Ngày Nay[3] và Thư viện Hoa Sen[4] đã dấy lên các phản ứng trái chiều, trong đó, có những nhận xét đồng tình với lời kêu gọi ‘Việt Nam hóa đạo Phật” để không bị ảnh hưởng thái quá từ Phật giáo Trung Quốc; cũng có vài quy kết chống đối rất cực đoan và phiến diện, mà tôi nghĩ không cần thiết nêu ra trong bài viết này.
Một trong các hồi đáp mà tôi đặc biệt quan tâm là nhận xét của cư sĩ Nguyên Giác qua bài viết: “Tu học: nói, nghe, đọc, viết…”[5] trong đó có đoạn như sau: “chúng ta từng nghe một số Thầy nói rằng con số 84.000 pháp môn là do Phật Giáo Trung Quốc đặt để ra. Đó là quý Thầy nói theo trí nhớ; tuy nhiên, nếu quý Thầy ngồi viết, hẳn là có thể tham khảo kỹ hơn và sẽ không quy lỗi cho Phật Giáo TQ như thế.” Qua nhận xét trên, theo cư sĩ Nguyên Giác, các Tăng Ni nào cho rằng “84,000 pháp môn là do Phật giáo Trung Quốc đặt để ra” là do “nói theo trí nhớ”, tức khó có thể chính xác, nếu không nói là ngộ nhận và gây hàm oan cho Phật giáo Trung Quốc. Còn “ngồi viết, hẳn là có thể tham khảo kỹ hơn và sẽ không quy lỗi cho Phật Giáo TQ như thế.” Tôi không tán đồng quan điểm này.
Ngay sau phần dịch tiếng Anh của bài kệ 1024 trong Trưởng lão tăng kệ, cư sĩ Nguyên Giác lại tỏ ra thiếu thống nhất với quan điểm trên, khi đề nghị: “Có lẽ, nên thấy, con số 84.000 này không có nghĩa là pháp môn. Chữ gốc là: “84,000 dhammakkhandha” (Dhamma teachings). Có thể chăng, nên hiểu là 84.000 bài pháp, hay 84.000 đoạn pháp?” Trong bài trả lời vấn đáp trực tiếp của tôi nêu trên, tôi không hề nói rằng “con số 84,000 là do Phật giáo Trung Quốc đặt để.” Tôi khẳng định rằng “84,000 pháp môn là do Phật giáo Trung Quốc đặt ra”, đã làm cho đức Phật bị hiểu lầm là tự mẫu thuẫn về quan điểm.
Theo tôi, nói bằng trí nhớ hay viết bằng khảo cứu đi nữa, dù 84,000 là con số có trong văn học Pali, nhưng khái niệm “84,000 pháp môn” không hề có trong kinh điển Pali. Con số pháp môn khổng lồ này thực tế là do Phật giáo Trung Quốc (bao gồm một số dịch giả dịch Kinh điển từ tiếng Sanskrit sang Hán cổ và một số tăng sĩ Trung Quốc) đặt để ra, do dựa vào khái niệm “pháp uẩn” (P: dhammakkhandha; C: 法蘊) trong văn học Pali rồi đổi thành “pháp môn” (法門).
Trong bài viết này, tôi xin giới thiệu khái quát về xuất xứ khái niệm “pháp uẩn” trong văn học Pali, ý nghĩa con số 84,000 trong Phật giáo để chúng ta không nhầm lẫn đức Phật đã giảng dạy 84,000 pháp môn, vốn đã bị hiểm lầm trong nhiều thế kỷ.
2. Xuất xứ khái niệm “Pháp uẩn” trong văn học Pali
Con số “84,000 pháp uẩn” là phát biểu của ngài Ananda trong văn học của Thượng tọa bộ truyền thống, nhằm nói về tổng số các lời dạy của đức Phật trong 45 năm truyền bá chân lý của Người.
Khái niệm “pháp uẩn” (法蘊) trong Hán cổ thực ra chỉ là dịch sát nghĩa của từ “dhammakkhandha” trong tiếng Pāḷi và “dharmaskandha” trong tiếng Sanskrit. Từ “kkhandha” có nghĩa đen là “tổ hợp” (aggregate), do đó, khái niệm “ngũ uẩn” có nghĩa là năm tổ hợp (thân thể, cảm giác, tri giác, tâm tư, nhận thức) vốn hình thành nên con người tâm vật lý.
Căn cứ vào văn học Pali của Phật giáo Thượng tọa bộ, con số “84,000” không phải do các nhà Phật học Trung Quốc sáng tạo ra. Con số 84,000 trên thực tế đã xuất hiện trong Trưởng lão tăng kệ. Về sau, con số “84,000 dharmaskandha” tức “84,000 pháp uẩn” xuất hiện trong Kinh điển Sanskrit của Phật giáo Đại thừa tại Ấn Độ. Khi được dịch sang tiếng Hán cổ, một số dịch giả có khuynh hướng dịch “dharmaskandha” thành “pháp môn”, đang khi về ngữ nghĩa chỉ là “pháp uẩn.” Đây là nguyên nhân chính dẫn đến sự hiểu lầm tại Trung Quốc và các nước đạo Phật Đại thừa theo phong cách Trung Quốc tin rằng đức Phật đã từng thuyết giảng 84,000 pháp môn, mà trên thực tế chỉ là 84,000 pháp uẩn, tức 84,000 lời pháp, hay lời chân lý.
Trong Phẩm “Kiến bảo tháp” thuộc Kinh Pháp Hoa, dịch giả có khuynh hướng dịch “dharmaskandha” là “pháp tạng” (法藏) thay vì sát nghĩa phải là “pháp uẩn”: “Thực hành 84,000 pháp tạng, 12 thể tài Kinh và diễn thuyết cho mọi người.”[6] “Pháp tạng” trong ngữ cảnh rộng hơn có nghĩa là “kho tàng Phật pháp”, bao gồm kinh, luật, luận. Trong ngữ cảnh của Kinh Pháp Hoa, “pháp tạng” khó có thể được hiểu là “kho chánh pháp”, nhất là khi khái niệm này được đặt sau con số 84,000 để tạo thành 84,000 kho chánh pháp, vì trên thực tế chỉ có một kho chính pháp (hai kho còn lại là kho Luật và kho Luận). Nói cách khác, dịch “dharmaskandha” là “pháp tạng” là không chuẩn.
Theo văn học Pali, con số “84,000” xuất hiện duy nhất (?) trong Trưởng lão tăng kệ (Theragatha, kệ 1024), khi tôn giả Ananda tuyên bố rằng ngài học được 82,000 bài pháp từ đức Phật và 2,000 bài pháp từ đệ tử thánh tăng của Phật.
Nguyên văn Pali của kệ 1024 này như sau: “Dvāsīti buddhato gaṇhiṃ, dve sahassāni bhikkhuto; Caturāsītisahassāni, ye me dhammā pavattino,”[7] tạm dịch như sau: “Tôi đã đón nhận 82,000 bài pháp từ đức Phật và 2,000 bài pháp từ các đệ tử thánh của Người. Giờ đây, tôi đã quen thuộc với 84,000 bài pháp.”
Khi lần theo ngữ cảnh, khái niệm “pháp uẩn” (dhammakkhandha) không hề xuất hiện trong Trưởng lão tăng kệ nêu trên, thực tế xuất hiện ở bản Sớ giải (Atthakatha) của Trưỡng lão tăng kệ. Thực ra, trong ngữ cảnh của Trưỡng lão tăng kệ, chỉ có khái niệm “dhammā” dưới hình thức số nhiều xuất hiện với nghĩa “các bài pháp”, “các bài Kinh” hay ‘các lời dạy về chân lý” của đức Phật và các đệ tử thánh của Người, bao gồm các lời dạy dài, vừa hoặc ngắn như một bài kệ 4 câu.
Mặc dù không nêu ra cách thức tính đếm con số cũng như không có bất kỳ giải thích cụ thể gì, Sớ giải (Atthakatha) của Trưỡng lão tăng kệ cho rằng trong Kinh tạng có 21,000 pháp uẩn, Luật tạng có 21,000 pháp uẩn, trong khi Luận tạng có 42,000 pháp uẩn. Cách phân loại số lượng các bài Kinh, Luật, Luận vừa nêu cho thấy tác giả của Sớ giải Trưởng lão tăng kệ có khuynh hướng cho rằng đức Phật giảng Vô tỷ pháp (Abhidhamma) nhiều gấp đôi so với Kinh tạng và Luật tạng gộp lại.
Trên thực tế, đức Phật chỉ giảng dạy Kinh tạng (Sutta Pitaka) và Luật tạng (Vinaya Pitaka), đang khi Luận tạng (Abhidhamma Pitaka) là phần được bổ sung về sau, chứ không do đức Phật trực tiếp giảng dạy. Có thể cách giải thích chủ quan của Sớ giải (Atthakatha) nhằm đề cao Luận tạng, mà theo nghĩa đen là “vô tỷ pháp”, vì là “không có cao gì hơn” nên về số lượng cũng nhiều hơn. Thực tế, nếu so sánh số câu chữ và trang thì 7 tập Luận tạng Pali chỉ bằng khoảng 1/3 của Kinh tạng Pali. Chúng ta không thể tìm ra 42,000 pháp uẩn trong Luận tạng. Do đó, cách phân chia số lượng pháp uẩn tương ứng với Kinh, Luật, Luận của Sớ giải là không chuẩn.
3. Ý nghĩa “pháp uẩn” và con số 84,000
So với các thuật ngữ bắt đầu bằng con số 84,000 thì thuật ngữ “84,000 pháp uẩn” (八萬四千法蘊) được xem là có nhiều thuật ngữ tương đương nhất, như 84,000 pháp tựu, (八萬四千法聚), 84,000 pháp tạng (八萬四千法藏), 84,000 giáo môn (八萬四千教門) và 84,000 pháp môn(八萬四千法門). Thuật ngữ 84,000 pháp môn gây ngộ nhận nhiều nhất.
Theo Kinh Thắng-man, chánh pháp của Phật thì vô lượng, nhưng được bao hàm trong 84,000 pháp uẩn: “Nay tôi [Thắng-man] nương vào thần lực của đức Phật lại diễn thuyết về ý nghĩa rộng lớn của sự tiếp thu chính pháp.” Đức Phật liền dạy: “Hãy khéo diễn thuyết.” Thắng-man bạch đức Phật rằng: “Tiếp thu chính pháp một cách rộng rãi thì có đến vô lượng, đạt được tất cả Phật pháp, bao gồm 84,000 pháp môn.”[8] Thực ra, trong nguyên tác Sanskrit, chỉ có khái niệm “pháp uẩn” (S: dharmaskandha, C: 法蘊), chứ không có từ “pháp môn.”
Theo nhà nghiên cứu Đinh Phúc Bảo (丁福保), pháp uẩn là khái niệm “chỉ chung cho tất cả giáo pháp được Phật giảng dạy. Giáo pháp hàm tàng đa nghĩa, nên gọi là “pháp tạng” (法藏). Do tập hợp nhiều lời dạy nên gọi là “pháp uẩn”, con số lên đến 84,000.”[9] Theo Phật học Đại từ điển (佛學大辭典) của Đinh Phúc Bảo, 84,000 pháp môn còn được gọi là “bát vạn tứ thiên giáo môn” (八萬四千教門) tức 84,000 giáo môn.[10] Kinh Tâm địa quán, quyển 7, không dùng từ “pháp môn”, mà sử dụng khái niệm “tổng trì môn” (總持門) và cho rằng “84,000 tổng trì môn có khả năng kết thúc các chướng hoặc và tiêu trừ binh ma”.[11] Theo ngữ cảnh này, khái niệm “tổng trì môn” đối lập với “hoặc chướng” (惑障) và “ma chúng” (魔眾), vốn tượng trương cho phiền não (煩惱). Nói cách khác, “vì chúng sinh có 84,000 phiền não nên đức Phật thuyết giảng 84,000 pháp môn để đối trị.”[12] Dẫn chứng trên cho thấy Phật giáo Trung Quốc đã đặt chữ “pháp môn” sau con số 84,000, nhằm ngụ ý rằng có nhiều cách, phương pháp hoặc con đường đạt đến chân lý của đức Phật, mà trên thực tế, các bài kinh được Phật giảng dạy đều xoay quanh nội dung của bát chính đạo.
Phẩm Tựa của Kinh Pháp Hoa ghi rằng: “Pháp sư Diệu Quang này phụng trì tạng Phật pháp,”[13] trong đó “tạng Phật pháp” (佛法藏) chỉ cho kho tàng Kinh điển của Phật, gồm toàn bộ giáo pháp của đức Phật. Phẩm Hiện Bảo Tháp, Kinh Pháp Hoa, có đề cập đến: “thọ trì 84,000 pháp tạng và diễn giảng cho mọi người.”[14]
Luận Câu-xá giải thích rằng sự có mặt của 80,000 pháp uẩn là nhằm trị liệu 80,000 phiền não của con người: “Có tôn giả cho rằng Như Lai đề cập đến 80,000 bộ pháp uẩn, mỗi pháp uẩn có 6,000 bài kệ, như Pháp uẩn túc luận có 6,000 bài kệ. Cũng có tôn giả cho rằng [con số 84,000] chỉ là pháp nghĩa được tuyên thuyết… Kỳ thật mà nói, các hữu tình được giáo hóa có 80,000 loại phiền não. Để trị liệu các phiền não này, Thế Tôn giảng 80,000 pháp uẩn.”[15] Theo giải thích trên, mỗi pháp uẩn được hiểu như một tác phẩm Kinh có đến 6,000 bài kệ! Theo nghĩa này, chúng ta không thể tìm ra được số lượng các bài Kinh nhiều đến thế trong ba kho tàng Kinh điển Phật giáo.
Thực chất, như đã nêu trên, chỉ có 84,000 pháp uẩn, chứ không phải 84,000 pháp môn. Pháp uẩn có thể được hiểu là “một phần của Phật pháp” (a portion of the Norm) hay “bài pháp”, “bài giảng về chân lý”. Theo Từ điển Pali – English do hội Thánh điển Pali xuất bản (tr.338b), pháp uẩn có nghĩa là “các phần của chính pháp” hoặc “các đề tài chính pháp” (chẳng hạn, đạo đức, thiền định, trí tuệ, giải thoát).[16]
Cùng quan điểm nêu trên, các nhà biên tập Đại tạng kinh của đại học Mahidol, Thailand, dịch “pháp uẩn” là “chủ đề Phật pháp”, khi nhận xét về lời Phật dạy như sau: “Những lời dạy của đức Phật suốt 45 năm từ khi giác ngộ cho đến lúc nhập niết-bàn được cho là bao gồm 84,000 chủ đề (dhammakkhandha), và các chủ đề chánh pháp này được tuyển chọn và sắp xếp trong kinh điển mà các Phật tử thường tôn kính cao nhất, được biết là ba kho tàng Phật điển (Tipitaka).”[17]
Học giả Đinh Phúc Bảo có khuynh hướng hiểu “pháp uẩn” là “bài kinh” (經典) khi cho rằng: “Chúng sinh có 84,000 bệnh phiền não nên đức Phật vì trị liệu chúng, tuyên giảng 84,000 bài kinh.”[18]
Làm một bài toán nhân đơn giản, trong suốt 45 năm thuyết pháp của Phật, nếu mỗi ngày, đức Phật dạy 5 bài pháp (365 ngày x 45 năm x 5 bài pháp) thì ta có con số 82,125 bài giảng về chân lý của đức Phật (buddhavacana). Đối chiếu với Kinh tạng Pali, ta khó có thể tìm ra được số lượng 82,125 bài Kinh, ngoại trừ, ta tính trong phần lớn các trường hợp, mỗi bài kệ 4 câu là một bài Kinh ngắn.
Tương tự, con số 2,000 pháp uẩn nêu hiểu là 2,000 lời dạy của các Thánh tăng trong Trưởng lão tăng kệ, Trưởng lão ni kệ và một số bài Kinh/ kệ trong Trường bộ Kinh, Trung bộ Kinh, Tương ưng bộ kinh và Tăng chi bộ Kinh, nỗi trội nhất là các ngài Xá-lợi-phất (Sariputta), Mục-kiền-liên (Moggallana), Ca-chiên-diên (Kaccayana) và A-nan (Ananda). Trong Kinh tạng Pali, chúng ta cũng không thể tìm ra được số lượng 2000 bài Kinh của thánh tăng thời Phật, ngoại trừ, mỗi bài kệ 4-6 câu trong Trưởng lão tăng kệ và Trưởng lão ni kệ được tính là một bài kinh.
Từ đó, có thể thấy, con số 82,000 bài Kinh được Phật giảng và 2000 bài Kinh được thánh tăng giảng chẳng qua chỉ là số ước lượng cho số nhiều, hoặc có thể được biên tập trong quá trình hình thành Tiểu bộ Kinh, vốn là tuyển tập 15 bộ Kinh chủ đề được ra đời muộn nhất so với các bộ thuộc Kinh tạng Pali.
Cũng cần lưu ý rằng trong văn hóa Ấn Độ cổ đại, con số chính xác không phải là điều quan trọng trong phép tính. Do đó, con số 84,000 trong 84,000 pháp uẩn nên hiểu là “số nhiều” và dĩ nhiên là “rất nhiều” (a very great many), chứ không phải là con số thực 84,000.
4. Các thuật ngữ Phật học bắt đầu bằng con số “84,000” (八萬四千)
Trong Phật học Trung Quốc, có một số thuật ngữ bắt đầu bằng con số 84,000 (bát vạn tứ thiên, 八萬四千), tiêu biểu như 84,000 giới (八萬四千戒), 84,000 tâm hành (八萬四千心行), 84,000 vi trùng (八萬四千蟲)…[19] Các giải thích dưới đây cho thấy con số 84,000 không phải là số thực, mà chỉ là cách biểu thị số nhiều.
Con số 84,000 (S: catur-aśīti-sahasra; C: 八萬四千) biểu thị số nhiều
Con số 84,000 thỉnh thoảng được viết là 80,000 (bát vạn) trong văn học Phật giáo Đại thừa. Chẳng hạn, Kinh Hoa nghiêm ghi rằng: “80,000 còn được gọi là 84,000, thậm chí vô lượng hành.”[20] Hoặc “vì phát tâm đại bi, nói đủ 84,000.”[21]
Con số 84,000 được Kinh Hiền kiếp giải thích như sau: “Từ lúc đức Phật mới phát tâm [bồ-đề] đến lúc phân chia xá-lợi, có 350 độ môn, mỗi độ môn đều có 6 ba-la-mật, hợp thành 2,100, lại phối hợp với 4 phần, tạo thành số 8,400, rồi 1 biến và 10 hợp, ta có con số 84,000.”[22]
Theo nhà nghiên cứu Đinh Phúc Bảo, “con số 84,000 là phép tính của Ấn Độ, biểu thị số nhiều của sự vật, thường được biết đến là 84,000, gọi tắt là bát vạn (80,000). Chẳng hạn, khi nói về nhiều phiền não, ta có thuật ngữ 84,000 trần lao; khi nói về nhiều giáo môn, ta có 84,000 pháp môn; khi nói về độ cao của núi Tu-di, ta có 84,000 do-tuần; và khi nói về tuổi thọ của Trời phi tưởng, nhân thọ ở kiếp sơ, ta có 84,000 tuổi.”[23]
Cũng theo cách giải thích vừa nêu, Đại từ điển điện tử Phật Quang cho rằng: “Con số 84,000 chỉ là hình dung từ chỉ cho số lượng cực đa, cũng gọi là bát vạn [80,000]. Chủng loại phiền não cực đa nên dụ xưng là 84,000 phiền não, hay 84,000 trần lao. Giáo pháp được Phật giảng dạy với ý nghĩa sâu sắc thường được gọi chung là 84,000 pháp môn (hoặc 80,000 pháp môn), 84,000 pháp tạng (hoặc 80,000 pháp tạng), 84,000 pháp uẩn (hoặc 80,000 pháp uẩn).”[24]
84,000 phiền não (八萬四千煩惱)
Còn gọi là 84,000 bệnh (八萬四千病), hoặc 84,000 trần lao (八萬四千塵勞), hoặc 84,000 lao trần (八萬四千勞塵), hoặc 84,000 sai biệt (S: caturaśītisahasra-prakāra-bheda, 八萬四千差別) là thuật ngữ Phật học được sử dụng thay thế “84,000 phiền não” trong vài ngữ cảnh nhất định. Luận chỉ quán ghi rằng: “Trong mỗi trần có 84,000 cửa trần lao”[25] đối lập với Phật pháp thì có 84,000 cửa Phật pháp. Đinh Phúc Bảo giải thích rằng: “dùng bệnh để dụ cho 84,000 phiền não”.[26] Do đó, khái niệm “bệnh” (病) ở đây chỉ cho “phiền não”[27] vốn là tật bệnh của tâm, mà người tu học Phật cần nỗ lực chuyển hóa. Theo Luận Trí độ: “Trí tuệ ba-la-mật có khả năng chuyển hóa 84,000 bệnh [phiền não] căn bản.”[28]
Về cách tính 84,000 phiền não, Đại từ điển điện tử Phật Quang lý giải như sau: “Vì phiền não vốn làm ô nhiễm chân tính của con người, làm cho con người bị phiền nhọc, nên gọi là trần lao. Chúng sinh bị tà kiến, phiền não sai sử không dứt, xoay vần trong sinh tử, không có kết thúc. Luận về căn bản của trần lao, không quá 10 kiết sử. Mỗi kiết sử đều có 1 kiết sử chính và 9 kiết sử phụ, tạo thành 100 kiết sử. Nhân với ba đời (quá khứ, hiện tại, vị lai) có con số 300 kiết sử. Mỗi thời với 100 kiết sử đều lấy 1 kiết sử chính và 9 kiết sử phụ, tạo thành con số 2100 kiết sử. 3 tâm (tham, sân, si) và 4 loại chúng sinh đều có đủ 2100 kiết sử, cộng thành 8400 phiền não. Phối hợp với 4 đại và 6 trần (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp) mỗi loại có 8400, ta có con số 84,000 trần lao.”[29]
Trong thuật ngữ Phật học Trung Quốc, trần lao là tên gọi khác của phiền não, vì phiền não làm nhơ uế chân tính của con người, làm cho con người bị phiền nhọc.[30]
Dựa vào Abhidhamma của Phật giáo Thượng tọa bộ, trên thực tế, chỉ có 52 tâm sở, tức thái độ tâm lý, trong đó, chỉ có 14 tâm sở bất thiện, tức phiền não (1. Si, 2. Vô Tàm, 3. Vô Quý, 4. Phóng Dật, 5. Tham, 6. Tà Kiến, 7. Ngã Mạn, 8. Sân, 9. Ganh Tỵ, 10. Xan Tham, 11. Lo Âu, 12. Hôn Trầm, 13. Thụy Miên, 14. Hoài Nghi). Các tâm sở còn lại bao gồm: 7 tâm sở biến hành (Sabbacittasàdhàranà),[31] 6 tâm sở biệt cảnh (Pakinnakacetasika) và[32] 25 tâm sở tịnh quang (Sobhanacetasika). 25 tâm sở tịnh quang gồm có 19 tâm sở thiện,[33] 3 tâm sở tiết chế,[34] 2 tâm sở vô lượng (1. Bi, 2. Hỷ) và 1 tâm sở tuệ căn (tuệ căn).[35]
Do đó có thể hiểu, 84,000 bệnh phiền não trong Luận Trí độ chỉ cho “nhiều” phiền não, mà theo Abhidhamma gồm có 14 loại phiền não, chứ thực tế thì không có 84,000 phiền não.
84,000 tướng [hảo]
Theo Quán vô lượng thọ Kinh, “đức Phật A-di-đà có 84,000 tướng [hảo], mỗi mỗi tướng đều trang nghiêm, đẹp đẽ, có thể phóng ra 84,000 ánh sáng.”[36] Ở đoạn khác, Quán vô lượng thọ Kinh còn cho rằng: “Đức Phật Vô lượng thọ có 84,000 tướng, mỗi tướng đều có 84,000 tướng đẹp tùy hình.”[37] Nhà nghiên cứu Đinh Phúc Bảo cho rằng “Đối với liệt ứng thân (tức Hóa thân Phật) thì có 32 tướng và 80 vẻ đẹp, đang khi đối với ứng thân thì có 84,000 tướng hảo.”[38]
Theo Vãng sinh yếu tập, quyển thượng, đối lập với 80,000 tướng hảo của Phật A-di-đà thì có 84,000 khổ của chúng sinh trong địa ngục vô gián: “Địa ngục vô gián trong phạm vi 80,000 do-tuần, cuộc sống khổ đau cũng có đủ 80,000 loại khổ, nên cũng gọi là 80,000 địa ngục.”[39]
Các dữ liệu nêu trên cho thấy con số 84,000 là từ hình dung về con số nhiều, mà theo Phật học thường kiến từ vựng, “từ hình dung số mục nhiều vốn là ngôn ngữ thói quen thường được người Ấn Độ sử dụng. Trong Kinh Phật cũng thường sử dụng con số này để mô tả về số nhiều. chứ thật ra không có con số 84,000 xác thực.”[40]
84,000 tháp (八萬四千塔)
Theo Luật Thiện Kiến Tỳ-bà-sa (善見律毘婆沙), sau khi đức Phật nhập niết-bàn, đại đế Asoka sắc dựng 84,000 bảo tháp, tôn thờ xá-lợi của đức Phật. Cả Pháp Hiển truyện của ngài Pháp Hiển và Đại đường Tây Vức ký của ngài Huyền Trang cũng đề cập đến con số nêu trên.[41] Phẩm Dược Vương thuộc Kinh Pháp Hoa đề cập đến 84,000 bình báu đựng xá-lợi Phật và tháp xá-lợi như sau: “Sau khi lửa thiêu tắt, thâu nhặt xá-lợi, làm 84,000 tráp báu để xây 84,000 tháp [xá-lợi].”[42]
Theo Kinh Đại bát-niết-bàn thuộc Kinh Trường Bộ, sau khi đức Phật nhập vô dư niết-bàn, xá-lợi của ngài được chia làm 8 phần, dành cho tám vị vua quy y với Phật xây tháp tôn thờ trong vương quốc của mình. Tương truyền, đại đế Asoka cho khai quật 8 tháp xá-lợi này và phân toàn bộ xá-lợi của Phật thành 84,000 phần và sắc dựng 84,000 tháp thờ xá-lợi của đức Phật trên toàn nước Ấn Độ. Hiện có quá ít dữ liệu khảo cổ học chứng minh về sự tồn tại của 84,000 tháp xá-lợi, tương truyền do đại đế Asoka sắc dựng nêu trên.
Kết quả khai quật bởi các nhà khảo cổ Anh, Ấn Độ và Nepal cho thấy hiện chỉ có 19 trụ đá Asoka (269 TTL-232 TTL) với 33 sắc dụ[43] còn hiện hữu, trong đó chỉ có 6 trụ đá có hình tượng sư tử, tượng trưng cho chân lý của Phật. Chiều cao trung bình của các trụ đá này khoảng 12-15m (tức 40-50 feet) và nặng khoảng 50 tấn/ trụ và khoảng cách địa dư của 39 địa điểm[44] mà các trụ đá này được dựng, có khi đến hàng trăm dặm.[45]
Do đó, có thể thấy con số 84,000 tháp chỉ là cách nói “nhiều” tháp Phật, chứ không phải là số 84,000 tháp xác thực. Tương tự, khái niệm “pháp môn” của Phật giáo Trung Quốc trong thuật ngữ 84,000 pháp môn chỉ là cách dịch thoát nghĩa từ Sanskrit “dharmaskandha” vốn có nghĩa là “pháp uẩn”, mà trong ngữ cảnh này, nêu hiểu đơn thuần là “lời pháp” hay “lời Kinh” bất luận dài hay ngắn, thậm chí chỉ là một bài kệ 4 câu. Trong mọi ngữ cảnh, không thể dịch “dharmaskandha” là “pháp môn” như thường thấy trong văn học Phật giáo Trung Quốc.
***
Nói tóm lại, từ các dữ liệu nêu trên, tôi cho rằng đức Phật chưa từng giảng 84,000 pháp môn như Trung Quốc đã dịch thoát ngữ và truyền bá. Đức Phật chỉ truyền dạy Tứ thánh đế,[46] trong đó, bát chính đạo,[47] còn gọi là “trung đạo” (majjhimaa patipada) của đời sống đạo đức (dhammacariya) hay đời sống cao thượng (brahmacariya), vốn được xem là độc lộ (ekayano aya’m maggo), dẫn đến sự thanh tịnh (suddhi), đưa đến giác ngộ trọn vẹn (sambodha) và giải thoát toàn triệt (nibbana).[48]
Tôi xin trích dẫn ba bài kệ trong Kinh Pháp cú[49] nhằm khẳng định rằng ngoài bát chính đạo, không có pháp môn thứ hai (huống hồ là 84,000 pháp môn) trong Kinh tạng Pali, đồng thời, kết thúc bài viết này:
273. Bát chính đạo là đường độc lộ
Chân lý thì Tứ đế cao sâu
Lìa tham ái – quả nhiệm mầu
274. Bát chính đạo không đường nào khác
Tuệ cao siêu, giải thoát, tịnh thanh
Noi theo đường ấy thực hành
275. Theo chính đạo khổ đau chấm dứt
Các chướng duyên kết thúc dễ dàng
Như Lai chỉ rõ con đường
Trí tuệ tăng trưởng, không còn tái sinh
Chùa Giác Ngộ, 27-2-2015
TNT
__________________________________________
[6] 《法華經見寶塔品》:「持八萬四千法藏十二部經,為人演說。」
[8] 勝鬘經, 《大正藏第十二卷》: 「 我當承佛神力更復演說攝受正法廣大之義。佛言。便說。勝鬘白佛。攝受正法廣大義者。則是無量。得一切佛法攝八萬四千法門。」
[10] Dẫn theo Từ điển Phật học sau đây:
http://dictionary.buddhistdoor.com/95%99%E9%96%80
[11] Tâm địa quán kinh, thất: “bát vạn tứ thiên tổng trì môn, năng trừ hoặc chướng, tiêu ma chúng.”《心地觀經七》:「八萬四千總持門,能除惑障銷魔眾。」
[12] 丁福保: 《佛學大辭典》 : 「眾生有八萬四千之煩惱,故佛為之說八萬四千之法門。」
[13] 《法華經序品》:「此妙光法師奉持佛法藏。」
[14] 《法華經寶塔品》:「持八萬四千法藏,為人演說。」
[15] 《俱舍論一》:「有師言如來說八萬部法蘊經,一一法蘊有六千頌,如法蘊足論有六千頌。又有師說就所詮法義。。。然如實說,所化有情,有貪瞋等八萬煩惱,為對治之,世尊說八萬法蘊。」
[16] Pali English Dictionary, p.338b: Main portions or articles of the Dhamma (siila, samaadhi, pa~n~naa, vimutti).
[17] Nguyên văn tiếng Anh: “The words spoken by the Buddha over the mere 45 year period after his enlightenment until his final passing away (parinibbana) are said to cover 84,000 topics (dhammakkhandha), and these are collected and arranged in the scriptures that Buddhists revere most highly, known as the Tipitaka.” Xem trang sau đây: http://www.mahidol.ac.th/budsir/preface.htm
[18] 丁福保《佛學大辭典》: 「眾生有八萬四千煩惱之病,佛為退治之,說八萬四千之經典。」Đinh Phúc Bảo, Phật học đại từ điển: “chúng sinh hữu bát vạn tứ thiên phiền não chi bệnh, Phật vị thối trị chi, thuyết bát vạn thiên chi kinh điển.”
[19] Trong Tỳ-ni nhật dụng của Phật giáo Trung Quốc, bài kệ sau đây rất quen thuộc: “Phật quán nhất bát thủy, bát vạn tứ thiên trùng. Nhược bất trì thử chú, như thực chúng sinh nhục” (佛觀一缽水,八萬四千蟲,若不持此咒,如食眾生肉). Dịch nghĩa: “Phật thấy trong mỗi ly nước/ Tám vạn bốn ngàn vi trùng/ Uống nước không trì tâm chú/ Như nuốt chúng sinh vào lòng.” (Thích Nhật Từ dịch). Có thể xem Tỳ-ni nhật dụng tại địa chỉ: http://www.daophatngaynay.com/vn/tu-sach-dao-phat-ngay-nay/15896-cam-nang-thuc-tap-chanh-niem-va-khuyen-tu.html
[20] 《華嚴經三十五》:「八萬或說八萬四,乃至無量行。」
[21] 《華嚴經四十四》:「為發大悲心,具說八萬四。」
[22]《賢劫經》:「佛初發至分舍利凡有三百五十度門,一一皆有六度,合二千一百,又對四分,合八千四百,一變十合八萬四 千。」
[23]丁福保,《佛學大辭典》: 「西天之法,顯物之多者,常舉八萬四千之數,略云八萬,如舉煩惱之多,曰八萬四千之塵勞,舉教門之多,曰八萬四千之法門,須彌之高深,曰八萬四千由旬,非想天之壽命,劫初之人壽曰八萬四千歲。」
[24] 《佛光電子大辭典》: 「乃數量極多之形容詞。又作八萬。 煩惱種類極多,喻稱八萬四千煩惱、八萬四千塵勞。佛所說之教法及其意義至為繁複,故亦總稱八萬四千法門(八萬法門)、八萬四千法藏(八萬法藏)、八萬四千 法蘊(八萬法蘊)。」
[25] 《止觀一》:「一一塵有八萬四千塵勞門。」
[26] 丁福保,《佛學大辭典》: 「以病譬八萬四千之煩惱。」
[27] 陳義孝編, 竺摩法師鑑定, 《佛學常見辭彙》: 「八萬四千的煩惱。病就是煩惱的意思。」
[28] 《智度論》:「般若波羅蜜,能除八萬四千病根本。」
[29] 《佛光電子大辭典》: 「以煩惱能污人之真性,使人煩勞,故稱塵勞。亦即眾生 被邪見煩惱勞役不息,輪轉生死,無有盡時。論塵勞之根本,不出十使,隨各以一使為頭,九使為助,遂成一百。約三世各有一百,共成三百。而現在世一百時促, 不論相助,於過去未來二世二百,又各以一使為頭,九使為助,共成二千,合前現在世一百,共成二千一百。又約多貪、多瞋、多癡、等分(謂貪瞋癡三心,一齊而 起)四種眾生,各有二千一百,共成八千四百。又約四大、六衰(謂色聲香味觸法能衰損善法),各有八千四百,總成八萬四千塵勞。」
[30] 丁福保,《佛學大辭典》: 「(術語)八萬四千之煩惱也,塵勞為煩惱之異名,以煩惱污人之真性,使人煩勞也。」
[31] Bao gồm: 1. Xúc, 2. Thọ, 3. Tưởng, 4. Tác Ý, 5. Nhất Điểm, 6. Mạng Căn, 7. Chú Ý.
[32] Bao gồm: 1. Tầm, 2. Sát, 3. Xác Định, 4. Tinh Tấn, 5. Phỉ, 6. Dục.
[33] Bao gồm: 1. Tín, 2. Niệm, 3. Tàm, 4. Quý, 5. Không- Tham, 6. Không-Sân, 7. Xả, 8. Tâm Sở Vắng Lặng, 9. Tâm Vắng Lặng, 10. Tâm Sở Khinh An, 11. Tâm Khinh An, 12. Tâm Sở Nhu Thuận, 13. Tâm Nhu Thuận, 14. Tâm Sở Thích Ứng, 15. Tâm Thích Ứng, 16. Tâm Sở Tinh Luyện, 17. Tâm Tinh Luyện, 18. Tâm Sở Chánh Trực, 19. Tâm Chánh Trực.
[34] Bao gồm: 1. Chánh Ngữ, 2. Chánh Nghiệp, 3. Chánh Mạng.
[36] 《觀無量壽經》: 「阿彌陀佛有八萬四千相,一一相皆悉莊嚴美好,可放出八萬四千光明。」
[37] 《觀無量壽經》: 「無量壽佛有八萬四千相,一一相各有八萬四千隨形好。」
[38] 丁福保,《佛學大辭典》: 「對於劣應身(即化身佛)之三十二相八十種好,而勝應身有八萬四千之相與好。」
[39] 《往生要集卷上》: 「無間地獄縱廣約為八萬由旬,其生苦之具亦有八 萬四千種,故亦稱八萬地獄。」
[40] 陳義孝編, 竺摩法師鑑定, 《佛學常見辭彙》: 「形容數目很多,這是印度人所常舉的一種習慣語,佛經上亦習用此句來說數目之多,並非有這麼一個八萬四千的確定數目。」
[41] 《佛光電子大辭典》:「謂多數之寺塔。據善見律毘婆沙卷一謂佛滅後,阿育王作八萬四千寶塔,安奉佛舍利。又法顯傳及大唐西域記均載此說。」
[42] 《法華經藥王品》:「火滅已後,收取舍利,作八萬四千寶缾,以起八萬四千塔。」
[43] Danh sách các sắc dụ có thể tìm thấy tại: http://en.wikipedia.org/wiki/List_of_Edicts_of_Ashoka
[44] Xem trang nhà sau đây: http://www.katinkahesselink.net/tibet/asoka-locations.htm
[45] Danh sách chi tiết của các trụ đá Asoka có thể tìm thấy tại: http://en.wikipedia.org/wiki/Pillars_of_Ashoka
[46] Vin. I. 9; S. V. 421; D. II. 312; M. I. 61; M. III. 251; Vbh. 235.
Discussion about this post