DỌN DẸP VƯỜN TÂM
Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa đời thứ XII khai thị
Thứ Tư, ngày 19 tháng 5 nãm 2010 21:56 News In 2010
Chỉ
vài ngày sau ngày 14 tháng 5, tức ngày của Mẹ, là bắt đầu tháng Tư cát tường
Saga Dawa. Tôi mong rằng các bạn, những người dùng lịch theo Tuần Trăng (Âm
lịch) và là những hành giả tâm linh, các bạn sẽ không quên mất điều này. Đây là một tháng vô cùng thiêng liêng vì tưởng
niệm ngày Đức Phật đản sinh, chứng đạt giác ngộ và thị hiện niết bàn. Như
thường lệ, những hành giả trên Tự viện Druk Amitabha vô cùng bận rộn với những khóa
thực hành nghi quỹ, cũng như thực hành vô số thiện hạnh khác vì lợi ích của chúng
hữu tình. Tôi rất tự hào khi nói việc tôi lưu lại nơi đây đã tiếp thêm cho họ
sức mạnh tinh thần, thông qua giảng dạy giáo pháp và nhiều hoạt động tương hỗ khác,
bởi lẽ chúng ta cũng rất cần tới sự tương tác tích cực với những người xung
quanh, không chỉ với mọi người mà còn cả với các loài thú vật, cây cối, gió,
không khí, nước, mặt trời, mặt trăng, mưa, v.v. Mọi yếu tố thiên nhiên cũng như
mọi sinh vật sống thực chất đều là bạn hữu và hỗ trợ cho chúng ta, nếu chúng ta
biết cách tương tác với họ một cách tích cực, với sự hiểu biết và trân trọng.
Với chính tự tính của chúng ta cũng vậy. Bởi thiếu tương tác nên chúng ta đã
mất khả năng tiếp xúc với tự tính của chính mình, vì thế chúng ta trở nên mê
lầm lạc lối và tự đẩy mình vào mọi rắc rối. Đa phần các rắc rối này là kết quả
của sự thiếu tương tác với chính tự tính của chúng ta, của sự thiếu hiểu biết
và trân trọng đối với bản chất tự nhiên của chúng ta. Chúng ta tự đi tìm rắc
rối! Giống như những người thích làm vườn, chăm sóc hoa và cây cối, làm cho khu
vườn trở nên đẹp hơn, chúng ta cần phải dọn dẹp mảnh vườn nội tâm của chính
mình. để khu vườn ẩn tàng của chúng ta trở nên rực rỡ vẻ đẹp đầy sáng tạo, vì
lợi ích cho chúng sinh.
Nhắc tới chuyện làm vườn, hiện nay chúng tôi đang bận rộn với
công việc tô điểm thêm cho khung cảnh xung quanh tượng đài tại Druk Amitabha
Mountain. Tôi đang thử
tải các bức ảnh mà mẹ Zangmola gửi cùng một vài bức khác trong chiếc iPhone của
tôi, công việc này quả là khó khăn vì phải tải suốt 18 tiếng đồng hồ. Chúng tôi
cố gắng hạn chế tối đa việc sử dụng máy phát điện vì tốn nhiều dầu diesel và
cũng không hề thân thiện với môi trường. Hiện giờ chúng tôi đã bắt đầu bước
sang giai đoạn tiếp theo của công trình lắp đặt hệ thống sử dụng năng lượng mặt
trời. Tôi thực sự mong muốn trong tương lai gần tới đây, Druk Amitabha
Mountain sẽ trở thành một
nơi tuyệt đối thân thiện với môi trường, nơi chúng ta có thể sống và thực hành
mà không hề gây tổn hại tới môi trường tự nhiên xung quanh. Tuy nhiên kết quả
của việc này là chúng tôi cũng gặp rất nhiều khó khăn về tiện ích, chẳng hạn
như khi cần giao tiếp trao đổi với thế giới bên ngoài Druk Amitabha
Mountain. Ngay cả khi gửi
thư điện tử chúng tôi cũng phải cầu nguyện để thư điện tử đó sẽ được gửi đi
thật nhanh trước khi mất điện. Chính vì vậy mà tôi cứ tự đùa với mình rằng ở
đây thật khó mà nảy sinh được nhu cầu tham gia một phong trào có tên gọi Giờ Trái
Đất (vì chúng tôi được mời tham dự phong trào này), bởi lẽ ở những nơi như
Nepal hay những vùng hẻo lánh khác của Ấn Độ, hầu hết thời gian chúng tôi cũng
chẳng có lựa chọn nào khác. Không
những chúng tôi buộc phải “tắt điện” trong 1 giờ, mà chúng tôi chẳng
hề có điện để dùng trong suốt 16 tới 18 tiếng đồng hồ mỗi ngày. Vì vậy mà chúng
tôi phải gọi đây là NHỮNG Giờ Trái Đất (Earth HourS), với một chữ “NHỮNG”
thật to!
Tôi thực sự nghĩ rằng làm vườn là một công việc tuyệt vời, không
chỉ vì tôi yêu cây cối, mà còn bởi tôi nghĩ rằng cùng với việc dọn dẹp và làm
vườn, thực sự chúng ta được học cách trân trọng vẻ đẹp của thiên nhiên trái
đất. Chẳng phải tôi là một chuyên gia làm vườn, nhưng khi làm công việc này tôi
cảm thấy thực sự mãn nguyện. Lúc đầu, tôi cứ nghĩ rằng công việc này sẽ rất
nặng nề đối với tất cả chúng tooi, đặc biệt là đối với chư ni nhỏ tuổi của tôi,
họ đã hoan hỷ tình nguyện giúp đỡ tôi. Tôi biết các ni đã rất hoan hỷ khi làm
công việc này vì thực sự yêu thương trân trọng tôi cũng như Truyền Thừa của
chúng ta, vì lợi ích của hết thảy hữu tình. Chính vì vậy mà mặc dù chúng tôi đã
làm việc rất vất vả dưới thời tiết khắc nghiệt và nóng bức, nụ cười vẫn luôn
tươi tắn trên gương mặt của tất cả mọi người. Sau đó tôi đã bị cảm nặng, chư ni
cũng vậy.
Xét từ góc độ sinh thái, mọi thứ đều được sinh ra từ dãy núi
này. Tôi muốn tái sử dụng và tái chế mọi thứ, góp phần bảo tồn thiên nhiên, bất
cứ thứ gì sinh ra từ nơi này, chúng tôi đều không muốn vứt bỏ mà muốn tái sử
dụng chúng. Chỉ trong 3 ngày, chúng tôi đã làm xong toàn bộ khu vườn xung quanh
tượng đài. Tôi cũng rất hoan hỷ vì chắc rằng chúng tôi không hề sát hại một con
côn trùng nào, thường thì đây chính là điểm khiến tôi không hề thích trong khi
làm vườn. Nếu chúng ta làm thật cẩu thả và không mấy quan tâm tới xung quanh,
chỉ muốn cho khu vườn của chúng ta đẹp đẽ, chúng ta sẽ tổn hại tới sinh mạng
của vô số chúng sinh. Cho dù trông bề ngoài chúng ta vẫn đang sáng tạo hoặc làm
một việc gì đó cho thế giới này, song những chúng sinh nhỏ bé và đáng thương lại
đang phải trải qua những thảm họa ghê gớm, đối với chúng chẳng khác nào một
trận động đất hay sóng thần Tsunami. Trên thực tế, những người tích cực nhất chính
là những sư ni đang luyện tập kungfu vì các cô đã được rèn luyện rất tốt cả về
thể chất lẫn tinh thần nên luôn sẵn sàng làm bất cứ việc gì, cho dù là hoạt
động thể chất hay hoạt động tinh thần. Vì công việc làm vườn tiến hành khá suôn
sẻ nên chỉ trong 3 ngày chúng tôi đã hoàn thành xong. Tôi luôn tin rằng mục
đích cuộc sống của chúng ta là sáng tạo, vậy thì sao chúng ta không làm những
công việc mang tính sáng tạo?
Tôi nghĩ đa số các bạn giờ đã biết rõ sắp tới sẽ có một hành
trình Pad Yatra, hay còn gọi là hành hương triều bái thánh địa, trong tháng
Mười và tháng Mười Hai, tức cuối năm nay (2010). “Pad” có nghĩa là
“bàn chân” và “Yatra” nghĩa là “hành trình”. Tôi
rất thích thuật ngữ này, bởi lẽ nó ẩn chứa ý nghĩa rất thâm sâu đối với sự rèn
luyện của bản thân chúng ta. Chuyến bộ hành trong tháng Mười sẽ xuất phát từ
Kathmandu và kết thúc tại Bồ Đề Đạo Tràng, nhằm hồi hướng công đức cho những
người đã tử nạn trong trận động đất Yushu vừa qua cũng như cho tất cả những ai
đã tử nạn trong các trận thiên tai xảy ra rất thường xuyên trong thời gian gần
đây. Chuyến đi trong tháng Mười Hai sẽ khởi hành từ Darjeeling
tới Sikkim rồi quay trở lại Darjeeling.
Sikkim còn được biết đến dưới tên gọi “Serkim”, trong
đó “Ser” nghĩa là “màu vàng” và “kim” nghĩa là
“ngôi nhà”, do tất cả người dân sống ở Sikkim, từ những người xuất
gia tới cư sĩ tại gia, tất cả đều là những hành giả tu tập Phật pháp, và vì vậy
nên họ còn được gọi là “chủ nhân của ngôi nhà bằng vàng”. Sikkim
là một vùng đất vàng tràn đầy ân phúc gia trì của Đạo Sư Liên Hoa Sinh. Bất cứ
hành giả Kim Cương Thừa nào cũng cần có sự kết nối với Sikkim, nếu có điều kiện. Vì vậy mà
sau khi đã suy nghĩ rất cặn kẽ, tôi quyết định đổi điểm đến trước kia là Sri Lanka, giờ thành Sikkim. Tôi nghĩ chúng ta sẽ lại
vượt qua một vài đoạn đèo, song hành trình lần này sẽ ngắn ngày hơn, khoảng 18
ngày. Tôi sẽ lại đề nghị Drukpa Publications triển khai việc thông báo tin tức
cụ thể và tiếp nhận đăng ký. Nếu các bạn quan tâm, các bạn có thể liên hệ với
họ để hỏi thêm thông tin.
Discussion about this post