ĐỌC KINH PHẬT
Như Từ Viên
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Bạn, thời gian tôi chuẩn bị về hưu thì có vài bạn đến chơi, hỏi tôi: “Chương trình sẽ làm gì? Định đi du lịch hay tham quan những đâu?” Tôi trả lời: “Việc này tôi đã ấp ủ từ lâu, và mong cho nó tới, thì nó đã sắp tới, và tôi sắp thực hiện được rồi. Đó là tôi có thì giờ để đọc kinh, tư duy, và ghi chép những lời Phật dạy, những đoạn kinh mà mình tâm đắc, cần ghi nhớ luôn nằm trong trí óc mình; trước là để nhớ ơn Phật, kế đó là mình phải làm gì, để dọn con đường mình sẽ đi về Nhà…”
Thưa bạn, bạn cũng như tôi, hay ai trong chúng ta cũng vậy, có những lúc ngồi yên lặng suy tư, thử nghĩ, nếu cuộc đời chúng ta được sinh ra, lớn lên, nếu chỉ được đi học ít nhiều, cho dù đậu đạt, có bằng cấp, rồi có việc làm hay buôn bán, trưởng thành, có gia đình, lo kiếm sống, sinh con cái, cứ đều đều lo làm ăn, lo con cái, lo kiếm tiền, ngày hai ba bữa ăn, có đi chùa lạy Phật thì cũng đi cho có, cho vui với mọi người; cứ đều đều như vậy, rồi già, rồi bệnh, rồi chết, – có khi chưa già, đã bệnh, đã chết! Đó là chưa kể gia đình bị xào xáo. Vào đời thì cũng phải lăng xăng. Nhiều khi dòng đời nó xô đẩy, nó cuốn hút, đã có lợi lại muốn danh, chạy đôn chạy đáo đi kiếm danh, đã có danh thì nó sẽ sinh ra nhiều cái nguy hiểm không lường được; tranh giành hơn thua, chèn ép, lọc lừa, lợi dụng; nhân hậu thì hiếm hoi. Cái khổ thì vô vàn, mình tự làm cho mình khổ, người làm cho mình khổ. Có cái khổ tránh được, có cái khổ không thể tránh được. Cuộc đời sinh ra, quanh đi quẩn lại chỉ có thế thôi, thì thật là uổng phí! Cuộc đời nó bất công lắm! Cuộc đời chỉ có thế hay sao? Nếu không bình tĩnh, kiên nhẫn suy tư, trong tim óc mình nếu không có Phật thức tỉnh thì dễ bị thất bại lắm, nói không sao hết được! Suy tư mình mới biết dừng lại, thay đổi lối sống, kẻo không kịp, vô thường nó nhanh lắm! Khi ra đi mình chẳng có tư lương gì để mang theo; không biết mình sẽ đi về đâu!
Có bạn bảo tôi, sao mà bi quan thế! Còn đang khỏe mạnh, mà cứ nói nào là ra đi, nào là chết! – Thật vậy đó bạn ơi. Mỗi Thứ Bảy trên chùa làm lễ cầu an và cầu siêu, bạn hãy lên nghe Thầy đọc sớ. Cầu an thì cũng có khoảng vài ba người bệnh; còn cầu siêu thì nhiều hơn, từ một hai tuổi, năm mười tuổi, tới hai mươi, ba mươi, bốn mươi, năm mươi trở lên đều có.
Trên thế giới hiện nay, loài người đang bị khốn khổ nào thiên tai, nhân tai, nước, lửa, đại dịch. Nhiều nước mắt đã phải rơi, nhà thương không đủ chỗ cho bệnh nhân. Có nhiều người không có nhà ở; có nhiều người không đủ cơm ăn. Thật là thê thảm buồn đau!
Cầu nguyện cho mọi người, mọi loài trên thế gian được sống bình an, ấm no và hạnh phúc.
Cầu nguyện cho thế giới thoát khỏi đại dịch, nước, lửa, tai ương.
Kính lạy Đức Thế Tôn Như Lai Đại Bi! Ngài vốn là một vị thái tử thông minh tài trí. Trên ngôi cao quyền quí Ngài đã bước một bước xuống thấp tận cùng là đi xin ăn ngày một bữa; đi chân trần với ba y, một bát. Ngài đi bộ từ thành này sang thành nọ, từ nước này sang nước kia; vừa hóa đạo vừa khất thực. Có bữa ngoại đạo lại ngăn trở việc khất thực của Ngài – bữa đó Ngài chỉ có cái bát không…
Khói trầm hương xông ngát điện
Kết thành một đóa tường vân
Đệ tử đem lòng thành kính
Cúng dường chư Phật mười phương
Phật dạy:
Tất cả pháp hữu vi
Như mộng, huyễn, bào, ảnh,
Như sương mai, điện chớp.
Hãy quán chiếu như thế!
Đức Phật bảo tôn giả A Nan:
Này A Nan, thầy đừng đau bưồn nữa! Như Lai đã từng bảo thầy, tất cả những gì, dù ưa thích xứng ý đến đâu, đã có hòa hợp thì chắc chắn phải có lìa tan. Này A Nan! Các pháp hữu vi, pháp sinh, pháp có, pháp hiểu biết, pháp nhân duyên, pháp hoại diệt, những pháp ấy nếu không hoại diệt thì không có lẽ đó; những pháp ấy nếu thường trú thì cũng không có lẽ đó; giả sử những pháp ấy được tồn tại lâu dài thì chắc chắn cũng có lúc phải chia lìa.
Này A Nan! Như Lai vì các thiện nam tín nữ trong đời vị lai mà phó chúc cho thầy kho tàng Pháp Bảo vô thượng mà Như Lai đã tích tập từ vô số kiếp, khiến cho họ được nghe, vì sao vậy? Nếu họ không được nghe chánh pháp này thì đó là sự mất mát lớn lao. Vì vậy cho nên, hôm nay Như Lai vì các thiện nam tín nữ trong đời vị lai kia mà đem kho tàng Pháp Bảo phó chúc cho thầy. Nếu họ được nghe thì vô cùng lợi lạc.
Phật dạy:
Cảnh giới của chư Phật không thể nghĩ bàn, cho nên phước đức của người cúng dường cũng không thể nghĩ bàn. Này A Nan! Nếu có người nhớ nghĩ tới Phật mà phát tâm cúng dường, dù chỉ dùng một bông hoa rải lên không trung, Như Lai dùng Phật trí thấy biết phước báo của người ấy không thể nghĩ bàn.
Nếu có người nghe được danh hiệu của Phật, Như Lai nói rằng, người đó chắc chắn sẽ được vào niết-bàn. (…..) Câu “Nam Mô Phật” chắc thật là âm thanh danh hiệu của chư Phật Thế Tôn. (…..) Phàm tạo nghiệp trắng thì sẽ nhận được quả báo trắng; tạo nghiệp đen thì sẽ chịu quả báo đen. Nếu có người đem tâm thanh tịnh, xưng niệm một câu “Nam Mô Phật”, thì, này A Nan! Người ấy đã gieo trồng căn lành cho đạo quả niết-bàn.
Phật chỉ cho chúng ta biết, tất cả chúng sinh đều có tánh giác trong sáng nhiệm mầu, gọi là bản giác diệu minh chân tâm thường trú, hay Như lai tạng. Tánh giác này phát sáng nơi sáu căn, nhưng chúng sinh quên đi cái tánh giác này mà chạy theo (dùng) sáu căn để phân biệt sáu trần, sinh ra tham đắm sáu trần, rồi tạo nghiệp, nên bị sinh tử luân hồi. Muốn thoát khỏi sinh tử luân hồi thì phải nương nơi cái sáng từ sáu căn phát ra mà trở về tánh giác. Đó là chân lí muôn đời của chư Phật.
… Lúc bấy giờ, đại đức A Nan và khắp đại chúng, đều nghe các đức Như Lai nhiều vô lượng trong mười phương, đồng thanh dạy rằng:
Lành thay, A Nan! Ông muốn biết cái gì là “câu sinh vô minh”, cái gút thắt đã khiến ông luân chuyển trong vòng sinh tử: Đó chính là sáu căn của ông, chứ chẳng phải vật gì khác! Ông lại muốn biết cái gì làm cho ông mau chứng được cảnh giới an lạc giải thoát, tịch tĩnh diệu thường của quả vị Vô thượng Bồ đề: thì cũng chính là sáu căn của ông, chứ chẳng phải vật gì khác!
Đức Phật dạy tôn giả Tu Bồ Đề: Tu Bồ Đề, thầy nghĩ sao? Một vị Tu-đà-hoàn có nghĩ rằng: “Ta đã đắc quả Tu-đà-hoàn” không?
Tôn giả Tu Bồ Đề thưa: Bạch đức Thế Tôn, không! Vì sao? Tu-đà-hoàn có nghĩa là đi vào dòng; mà thật ra không có dòng nào để đi vào cả. Không đi vào dòng sắc, cũng không đi vào dòng thanh, hương, vị, xúc và pháp. Vì vậy cho nên gọi là “đi vào dòng”.
Một thời thuyết pháp của Phật:
Bấy giờ có vô số nghìn muôn ức loài chúng sanh đi đến chỗ đức Phật mà nghe pháp. Lúc đó đức Như Lai xem xét các căn lợi độn, tinh tấn hay giải đãi của chúng sanh đó, thuận vừa sức nó kham được mà vì chúng nói pháp, chủng loại nhiều vô lượng, Phật đều khiến vui mừng, đặng nhiều lợi lành. Các chúng sanh này nghe pháp rồi, hiện đời an ổn, đời sau sanh về chỗ lành, do đạo được thọ hưởng vui, và cũng được nghe pháp, đã nghe pháp rồi lìa khỏi các chướng ngại, ở trong các pháp theo sức mình kham được lần lần đều được vào đạo.
Như mây lớn kia mưa rưới khắp tất cả cỏ cây lùm rừng và các cỏ thuốc, theo giống của mỗi thứ đều được đượm nhuần đầy đủ, đều được sanh trưởng.
Đức Như Lai nói pháp một tướng, một vị, nghĩa là: tướng giải thoát, tướng xa lìa, tướng diệt, rốt ráo đến bậc nhất thiết chủng trí. Có chúng sanh nào nghe pháp của Như Lai hoặc thọ trì đọc tụng, đúng như lời mà tu hành, được công đức tự mình không hay biết.
Thưa bạn, cho dù chúng ta là chúng sinh sơ cơ nhất, chúng ta cũng vẫn được hưởng, được thấm nhuần chất cam lồ của thời thuyết pháp đó. Cho dù ngày hôm nay sau cả ba ngàn năm, đọc lại các bài thuyết pháp của Phật, chúng ta cũng vẫn được lợi lạc. Đạo Phật thật là bất tư nghì, không thể dùng giấy bút nào có thể diễn tả cho được!
Phật bảo Bồ Tát Dược Vương:
Sau khi đức Như Lai diệt độ, nếu có người nghe kinh Diệu Pháp Liên Hoa, nhẫn đến một bài kệ, một câu, một niệm tùy hỉ đó, ta cũng thọ kí đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác cho.
Chúng ta may mắn được gặp giáo lí Phật và thọ “tam qui ngũ giới”, hay còn gọi là “tám pháp”: qui y Phật, qui y Pháp, qui y Tăng, không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu.
Qui y Phật là một lòng tin Phật; không tin theo tà ma ác quỉ. Qui y Pháp là một lòng tin vào giáo pháp của Phật; không tin theo những điều mê tín dị đoan của ngoại đạo tà giáo. Qui y Tăng là một lòng tin theo đoàn thể Tăng già, những bậc tu hành phạm hạnh, chân chính, giữ gìn giới luật của Phật; không tin theo những bè đảng xấu ác.
Giới thứ nhất, không sát sinh: Mình không được giết tất cả các loài hữu tình, từ người tới vật. Không được ăn thịt các loài chúng sinh; và cũng không được cắt thái, nấu nướng thịt cá và mua những thứ này cho người khác ăn.
Giới thứ hai, không trộm cắp: Không được không cho mà lấy. Mình không được ăn cắp, ăn trộm, ăn cướp những tài vật lớn nhỏ của người khác; không dối trá, lừa đảo, phỉnh gạt để lấy tài vật của người khác.
Giới thứ ba, không tà dâm: Không được tà dâm với người không phải là chồng hay vợ mình, để bảo vệ hạnh phúc và danh dự cho mình, cho gia đình mình, và cho người trong xã hội.
Giới thứ tư, không nói dối: Không nói lời dối trá, không nói có thành không hay không thành có, không nói lời đâm thọc, không nói lời thêu dệt, không nói lời dua nịnh, không nói lời độc ác, không chê bai hủy báng.
Giới thứ năm, không uống rượu: Khi uống rượu say sưa thì không còn tỉnh táo để phân biệt phải trái; lúc đó, không những đã phạm giới uống rượu, mà còn có thể phạm luôn bốn giới trên.
Thưa bạn, khi mình thọ năm giới, Thầy đọc và hỏi từng giới có hành trì được không, thì mình đều trả lời: “Dạ có”. Cho nên thỉnh thoảng chúng ta cũng nên đọc lại năm giới này cho nhớ mà hành trì, kẻo quên thì uổng và thiệt thòi cho chúng ta.
Thời Phật tại thế, có một ưu-bà-di, bà đến tinh xá, đến trước Phật, bà quì xuống làm lễ chạm chân, rồi bạch Phật: Kính lạy đức Thế Tôn, con đã có gia đình, có con cái đầy đủ. Hôm nay con đến xin Ngài cho con được xuất gia làm tì-kheo-ni để tu học. Phật dạy: Lành thay, ưu-bà-di! Bà cứ ở nhà tu hai chữ “thường trụ”, Phật thường trụ, Pháp thường trụ, Tăng thường trụ, và bát chánh đạo. Bà cứ chuyên tu như vậy là bà cũng được giải thoát.
Trong kinh Phật dạy: Này Ca Diếp! Mọi người nên thường chuyên lòng tu hai chữ này: Phật là thường trụ. Nếu thiện nam tử thiện nữ nhân nào tu hai chữ này, nên biết người ấy đi theo đường Phật đi, đến chỗ Phật đến.
Ca Diếp Bồ Tát bạch Phật: Bắt đầu từ nay con sẽ đem ba pháp thường trụ Phật, Pháp và Tăng để khai ngộ cho cha mẹ, nhẫn đến cha mẹ trong bảy đời đều khiến phụng trì.
Bạch Thế Tôn! Nay con phải học Phật, Pháp, Tăng bất khả tư nghị. Tự mình học rồi lại sẽ vì người mà giảng giải những nghĩa ấy.
Bấy giờ đức Phật lại bảo Ca Diếp Bồ Tát: Này Ca Diếp! Thân Như Lai là thân thường trụ, thân bất hoại, thân kim cang. Chẳng phải là thân tạp thực. Chính là Pháp thân.
Phật dạy: Ta nhớ thuở trước riêng tu tâm từ, trải qua bảy phen thành hoại của cõi này, chẳng đến sanh trong nhân gian. Lúc thế giới thành, sanh lên trời Phạm-thiên. Lúc thế giới hoại, sanh lên trời Quang-âm. Này thiện nam tử! Tâm từ tức là cam lồ, cam lồ tức là tâm từ; tâm từ tức là Phật tánh, Phật tánh tức là Pháp, Pháp tức là Tăng, Tăng tức là tâm từ, tâm từ chính là Như Lai.
Này thiện nam tử! Tất cả pháp lành đều do tư duy mà được. Vì có người dù trải qua vô lượng vô biên vô số kiếp, chuyên tâm thính pháp, nếu chẳng tư duy thì trọn không thể được vô thượng bồ đề. Đây cũng là do tư duy mà được gần đại niết-bàn.
Nếu có chúng sinh tin Phật Pháp Tăng không thay đổi, mà sinh lòng cung kính, nên biết rằng, đây là do năng lực của sự nhiếp niệm tư duy, mới được dứt trừ tất cả phiền não. Đây cũng là do tư duy mà được gần đại niết-bàn.
Phật bảo các thầy tì-kheo: Những pháp mà ta giác ngộ nhiều như những lá cỏ cây trên địa cầu, còn pháp mà ta vì chúng sinh tuyên nói như mấy chiếc lá trong bàn tay.
Thế nào là chẳng phải Phật tánh? Chính là tất cả vật vô tình, như tường vách, ngói đá v.v… Lìa những vật vô tình này gọi là Phật tánh.
Đức Phật dạy: Này thiện nam tử! Trong đời có hai hạng người rất là hi hữu, như hoa ưu-đàm: một là người không phạm tội ác; hai là người có tội biết hối cải.
Lại có hai hạng người rất là hi hữu: một là làm ơn; hai là nhớ ơn.
Lại có hai hạng người rất hi hữu: một là học hỏi điều mới; hai là ôn nhuần điều học cũ không quên.
Lại có hai hạng người rất hi hữu: một là thích nghe pháp; hai là thích thuyết pháp.
Lại có hai hạng người rất hi hữu: một là khéo gạn hỏi; hai là khéo giải đáp.
Nguyện cho tôi thà nghe pháp ít mà hiểu được nhiều nghĩa vị, chẳng muốn nghe nhiều mà chẳng rõ nghĩa lí.
Nguyện là thầy của tâm mình, chớ chẳng bị tâm sai sử. Thân, khẩu, ý, ba nghiệp chẳng giao tiếp với kẻ ác, điều ác. Có thể làm cho chúng sinh được an lạc. Giới hạnh nơi thân cũng như trí tuệ nơi tâm đều vững chắc như núi, không bị lay động. Vì muốn thọ trì chánh pháp vô thượng, nên chẳng lẫn tiếc thân mạng và tài sản. Chẳng đem vật bất tịnh làm phước nghiệp. Tâm không tà vạy, tự sống với chánh mạng.
Nếu thọ ơn thì nhớ mãi, trả nhiều hơn thọ.
Hiểu rành ngôn ngữ của các địa phương.
Tín tâm là nhân của Vô-thượng Bồ-đề. Dẫu Bồ-đề có vô lượng nhân, nhưng nói tín tâm thì đã nhiếp hết cả.
Tu-đà-hoàn, này thầy Xá Lị Phất! Nếu thầy biết rằng một vị đệ tử tại gia đạo hạnh giữ gìn và thực hành năm giới pháp một cách hoàn hảo, cùng tu tập thành tựu bốn tâm tăng thượng, có thể an trú nơi niềm vui pháp lạc ngay trong hiện tại, rất dễ dàng, không khó khăn gì, thì, này Xá Lị Phất, thầy cũng nên ghi nhận rằng, vị đệ tử tại gia phạm hạnh ấy sẽ không còn đọa lạc vào địa ngục, ngạ quỉ, bàng sinh, hoặc nẻo ác nào khác. Một người như thế là đã đắc quả Tu-đà-hoàn, nhất định thẳng tiến đến quả vị Chánh-giác, không thối đọa vào các nẻo ác; chỉ còn qua lại cõi Trời và cõi Người tối đa bảy lần nữa là chấm dứt sinh tử khổ đau.
Này thiện nam tử! Có hai hạng Tu-đà-hoàn: lợi-căn và độn-căn. Bậc độn-căn bảy lần sinh cõi Người cõi Trời, hoặc sáu lần, năm lần, bốn lần, ba lần, hai lần sinh cõi Người cõi Trời mới chứng quả A-la-hán. Bậc lợi-căn hiện đời chứng quả Tu-đà-hoàn đến quả A-la-hán.
Này thiện nam tử! Chữ “tu” là vô-lậu, chữ “đà-hoàn” là tu tập, vì tu tập vô-lậu nên gọi là “Tu-đà-hoàn”. Lại có nghĩa chữ “tu” là dòng, vì ngược dòng nên gọi là “Tu-đà-hoàn”.
Này thiện nam tử! Có hai thứ dòng: một là giải-thoát, hai là niết-bàn. Tất cả thánh nhân đều có hai dòng này, nên cũng được gọi là Tu-đà-hoàn, cũng gọi là Tư-đà-hàm, nhẫn đến Phật cũng vậy.
Xin Cù Đàm vì tôi mà giảng nói, cho tôi biết pháp lành và pháp chẳng lành.
Này thiện nam tử! ta có thể phân biệt giảng giải nghĩa đó. Nay sẽ vì ông mà nói lược.
Này thiện nam tử! Dục gọi là pháp chẳng lành; giải thoát dục gọi là pháp lành. Sân cùng si cũng như vậy. Sát sinh là pháp chẳng lành, chẳng sát sinh là pháp lành; nhẫn đến tà kiến cũng như vậy.
Này thiện nam tử! Ta đã vì ông mà nói ba thứ pháp lành cùng chẳng lành; và nói mười thứ pháp lành cùng chẳng lành. Nếu hàng đệ tử của ta có thể hiểu biết ba thứ nhẫn đến mười thứ pháp lành cùng chẳng lành như vậy, phải biết rằng, người này có thể dứt hết tham sân si tất cả phiền não, dứt tất cả quả báo sinh tử.
Thưa Cù Đàm! Trong Phật pháp có một tì-kheo nào được như vậy chăng?
Này thiện nam tử! Trong Phật pháp chẳng phải chỉ có một hai người nhẫn đến trăm ngàn người, mà có vô lượng tì-kheo dứt được tham sân si tất cả phiền não, tất cả quả báo sinh tử như vậy.
Thưa Cù Đàm! Trong Phật pháp có một tì-kheo-ni nào được như vậy chăng?
Này thiện nam tử! Trong Phật pháp đây cũng có vô lượng tì-kheo-ni dứt được tham sân si tất cả phiền não, tất cả quả báo sinh tử.
Thưa Cù Đàm! Trong Phật pháp có ưu-bà-tắc nào siêng năng giữ giới, dứt được lưới nghi chăng?
Này thiện nam tử! Trong Phật pháp của ta có vô lượng ưu-bà-tắc tinh tấn giữ giới thanh tịnh, dứt được năm phẩm kiết sử bậc hạ, được quả A-na-hàm, dứt được lưới nghi.
Thưa Cù Đàm! Trong Phật pháp có ưu-bà-di nào tinh cần trì giới thanh tịnh, dứt được lưới nghi chăng?
Này thiện nam tử! Trong Phật pháp ta có vô lượng ưu-bà-di tinh cần trì giới thanh tịnh, dứt năm phẩm kiết sử bậc hạ, dứt được lưới nghi, chứng quả A-na-hàm.
Bạn! Đó là những lời Phật dạy, những đoạn kinh cốt yếu mà mình tâm đắc, cần nhớ. Tôi thu thập và ghi lại để dễ dàng cho mình mỗi khi muốn đọc lại. Nếu bạn cùng tôi đọc thì đó cũng là nhân duyên quí báu.
Có một bạn hỏi tôi: “Lâu nay đọc kinh, tu được đến đâu rồi?” Tôi trả lời: “Tôi đang tập thôi, chưa được đến đâu cả!” Rồi bạn ấy lại hỏi: “Nhưng mà bạn có biết khi chết bạn sẽ đi về đâu không?” Tôi trả lời: “Điều này nếu ai chịu khó suy tư thì cũng có thể tự biết! Có chín nẻo đường để cho mọi người chọn và biết mình đi đâu: Địa-ngục, Ngạ-quỉ, Súc-sinh, A-tu-la, Người, Trời, Thanh-văn, Duyên-giác, Bồ-tát. Mình chịu khó suy tư và quan sát một tí về tâm ý, lời nói và hành động của mình trong suốt cuộc đời mình, thì mình có thể biết là mình sẽ đi vào một trong chín nẻo đường đó. Lại nữa, trong kinh Ưu Bà Tắc Phật dạy cho hàng đệ tử tại gia đạo hạnh gìn giữ và thực hành năm giới pháp (năm giới) một cách hoàn hảo, và tu tập thành tựu bốn tâm tăng thượng (niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm Giới) thì mình có thể đi tới đích là ‘vào dòng’. Việc này tự mình quyết định và tự mình quyết làm, chứ không ai làm giùm cho mình được; thưa bạn!”
Kết Luận:
Đạo Phật là đạo từ bi, trí tuệ và suy tư.
Mục đích tu Phật là giải thoát sinh tử. Tất nhiên là đường đi còn dài, rất dài, nhưng mình phải có bắt đầu – một lòng tin Phật, vào đạo, giữ giới, sám hối, ăn chay, đọc kinh; có đọc kinh, suy tư mới biết đường đi, không cho danh lợi cám dỗ, tập tu tâm từ.
Đây chỉ là tâm tư, sự suy nghĩ và khả năng hiểu biết hạn hẹp của tôi, thưa bạn!
Cung kính lạy Đức Thế Tôn Như Lai Đại Từ Bi.
Cung kính lạy Tôn Giả A Nan Đà Khải Giáo.
Đệ tử Như Từ Viên
Đầu Thu 2020
Ghi Chú: Những câu kinh được ghi chép lại trong bài này, được trích từ Kinh Kim Cang, Kinh Đại Bi, Kinh Lăng Nghiêm, Kinh Pháp Hoa, Kinh Đại Bát Niết Bàn và Kinh Ưu Bà Tắc.
Discussion about this post