
DIỄN VĂN KHAI MẠC
Giáo Sư Tiến Sĩ Lê Mạnh Thát
Chủ Tịch Uỷ Ban Tổ Chức Quốc Tế
Đại Lễ Phật Đản Liên Hiệp Quốc 2008
Phó Viện Trưởng Học Viện Phật Giáo Việt Nam tại TP HCM.
Nam mô Vô Ưu Thọ Hạ Thị Hiện Đản Sanh Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Kính thưa:
– Ngài đại diện Liên Hợp Quốc tại Việt Nam
– Ngài Chủ tịch nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam.
– Ngài Thủ tướng nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam.
– Quý vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ và chính quyền địa phương các cấp.
– Quý vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các phái đoàn ngoại giao và các cơ quan quốc tế.
Kính bạch:
– Hòa Thượng Pháp chủ Giáo Hội Phật giáo Việt Nam.
– Chư tôn Giáo phẩm, chư tôn Thiền đức Tăng Ni trong và ngoài nước.
Kính thưa:
– Quý vị Đại biểu, Học giả, các bậc Thiện tri thức trong và ngoài nước.
– Quý vị chức sắc lãnh đạo các tôn giáo bạn
– Cùng toàn thể quý Thiện nam Tín nữ Phật tử xa gần.
Hòa trong không khí trang nghiêm thanh tịnh của mùa Phật đản, để kỷ
niệm ngày Đản sanh của đức Phật Thích Ca Mâu Ni, một bậc vĩ nhân của nhân loại,
được sự ủng hộ của nhà nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, toàn thể Phật
giáo đồ trên thế giới long trọng tổ chức đại lễ Phật Đản LHQ 2008(UN Vesak
2008) tại thủ đô Hà Nội, một trung tâm văn hóa, kinh tế, chính trị của Việt
Nam. Lời đầu tiên, tôi xin được thay mặt cho Ủy Ban Tổ Chức Quốc Tế Đại Lễ Phật
Đản 2008, cung kính gởi đến chư tôn thiền đức Tăng Ni, các cấp lãnh đạo Đảng và
Nhà nước, các phái đoàn ngoại giao, các cơ quan quốc tế, chư vị quan khách,
cùng toàn thể quý Thiện nam Tín nữ Phật tử xa gần lời chúc mừng tốt đẹp nhất.
Sự hiện diện của quý vị là góp phần trang nghiêm cho buổi Đại lễ hôm nay thêm
phần trang trọng và cũng là niềm vinh dự to lớn cho Ban tổ chức chúng tôi. Kính
chúc Quý ngài pháp lạp miên trường, pháp âm lưu diễn, pháp tuệ vô biên, pháp
thân thường chiếu. Kính chúc các cấp lãnh đạo Đảng – Nhà nước, các ban ngành
đoàn thể, lãnh đạo các tôn giáo bạn, các hàng học giả tri thức cùng toàn thể
hội chúng lời chúc mừng an khương, phước lạc.
Kính chúc Đại lễ thành công tốt đẹp!
Kính bạch quý Ngài
Kính thưa quý liệt vị!
Đạo Phật ra đời mang theo thông điệp tình thương và tuệ giác của
đức Phật. Ngay từ thuở ban sơ nhất, những âm vang của những đạo lý nhân sinh,
những con đường giải thoát khổ đau đã được đức Thế Tôn tuyên dương một cách hào
hùng rằng: “Cánh cửa giải thoát đã mở cho hết thảy những người nào muốn nghe
và hãy đến đây.” Với thông điệp ấy, trên 2500 năm qua, các thế hệ Phật
tử đã ra sức xiển dương và phát huy để rồi đã kết tinh thành những giá trị cao
quý mà đến bây giờ vẫn còn đọng lại trong tâm khảm của thế nhân. Những giáo lý
hàm xúc các chất liệu chuyển hóa thân tâm, những công trình nghệ thuật đồ sộ
vượt thời gian, những nhân cách sống đã thấm sâu vào nền văn hóa của mỗi vùng,
mỗi quốc gia. Tất cả đều là những chứng tích bất diệt với cung bậc của thời
gian vô tận.
Thế nhưng, vẫn không thể chối cải rằng, giải quyết vấn nạn khổ đau
của nhân sinh là đề tài muôn thuở. Với nền tảng của yêu thương và sự sáng suốt
trong nhận thức, Phật giáo đã đi vào kết cấu giai tầng của các nguyên nhân hệ
lụy để mà chuyển hóa và làm thăng hoa các giá trị hạnh phúc trong cuộc sống.
Chính vì lẽ đó mà sự kiện Đức Phật ra đời, thành đạo, và nhập Niết-bàn luôn là
những thời khắc mang ý nghĩa vô cùng quan trọng như những điểm nhấn trên dòng
lịch sử tư tưởng của Phật giáo.
Mặt khác, sự phát triển như vũ bão của các giá trị vật chất, sự tụt
hậu của các nền tảng đạo đức truyền thống đã đặt cuộc sống con người vào guồng
quay của những bất an, xung đột, thiên tai, khủng hoảng,…. Những hậu quả của
các cuộc chiến tranh, sự bùng phát của các đại dịch, và mới đây những thiên tai
tàn phá Miến Điện, Trung Quốc đã cướp đi hàng vạn sinh linh là những di chứng
khiến cho chúng ta phải suy nghĩ.
Đứng trước những thực trạng ấy của xã hội, Phật giáo ngày nay đã và
đang đối mặt với nhiều vấn nạn mà trong đó đòi hỏi phải có sự hiện diện của tuệ
giác sáng suốt và một trái tim rộng mở, yêu thương. Chính vì thế, những mệnh đề
được đặt ra cho Phật giáo như : Đóng góp của Phật giáo cho một xã hội
công bằng, dân chủ, văn minh…. luôn mang tính của một công án cho hết thảy
thế hệ chúng ta.
Riêng Việt Nam là một đất nước có truyền thống văn hóa đa dạng và
phong phú. Trong đó có sự kết hợp hài hòa giữa nét tân và nét cổ, giữa tâm linh
và vật thể, đã hình thành nên những nếp sống rất riêng của mảnh đất Việt. Và
trên bước đường hội nhập với thế giới, nền văn hóa Việt mang đậm chất Phật giáo
đã mang đến cho kho tàng nhận thức nhân loại nhiều mẫu mực văn hóa có giá trị
tham khảo cao.
Chính vì ý thức được điều đó, nên năm 2008 này, Việt Nam đã được
cộng đồng Phật giáo thế giới chọn là điểm hội tụ, quy ngưỡng và tôn vinh những
giá trị đạo đức cao quý của một bậc vĩ nhân trong lịch sử tư tưởng, văn hóa
nhân loại. Đây là một vinh dự không những cho Phật giáo Việt Nam mà còn cho hết
thảy mọi người trên mảnh đất này có cơ hội chiêm nghiệm lại những giá trị
truyền thống vốn đã trở thành máu thịt của mỗi người dân đất Việt.
Cho nên, được sự chấp thuận của Liên Hiệp Quốc, Việt Nam tổ chức kỷ
niệm ngày Đản sinh lần thứ 2632, Phật lịch 2552 của Đức Phật là một sự kiện
lịch sử vô cùng quan trọng. Những tinh hoa tư tưởng, trí tuệ và lòng từ bi của
Ngài từ lưu vực sông Hằng đã được nối kết khắp mọi nơi và hôm nay được hội tụ
tại nơi này. Tôi thiết nghĩ, đây là dịp tốt nhất để mỗi người chúng ta thọ nhận
và phát huy di sản văn hóa tâm linh mà Ngài truyền trao. Vì vậy, Đại lễ tại Hà
Nội lần này là một biểu tượng điển hình về tầm vóc quan trọng có tính văn hóa
quốc tế của ngày kỷ niệm Đản sanh Đức Phật.
Tôi hy vọng, tất cả quý vị sẽ hoan hỉ với
các nghi thức, lễ hội, hội thảo và cùng nhau chia sẻ trong tinh thần tương
thân. tương ái giữa những người có cùng tâm nguyện về tham dự Đại lễ hôm nay.
Mong rằng sự nỗ lực của chúng ta sẽ góp phần làm cho` thế giới vơi đi lo lắng
và sợ hãi và mang lại bình an và hiểu biết cho nhân loại.
Một lần nữa, chúng tôi xin tri ân sự quan tâm của Đại Hội Đồng Liên
Hợp Quốc, các phái đoàn ngoại giao và các cơ quan quốc tế. Xin đảnh lễ tri ân
chư vị tôn túc Tăng Ni và sự đóng góp của chư vị thiện tri thức, các vị học giả
trên khắp thế giới. Đặc biệt, xin tri ân Đảng – Nhà nước và Chính phủ nước Cộng
Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam đã tạo mọi điều kiện thuận lợi để Đại lễ được
thành công tốt đẹp. Kính chúc Chư tôn đức pháp thể khương an, tuệ đăng thường
chiếu. Kính chúc quý vị quan khách cùng chư học giả thiện tri thức và toàn thể
quý nam nữ Phật tử thân tâm an lạc, vạn sự kiết tường.
Thay mặt ủy Ban Tổ Chức Quốc Tế Đại Lễ Phật Đản năm 2008 tại Việt
Nam, nhân danh cá nhân, tôi xin trân trọng tuyên bố khai mạc Đại Lễ Phật Đản
Phật Lịch 2552.
Kính chúc đại lễ thành công tốt đẹp!
Trân trọng kính chào quý liệt vị.
CHỦ TỊCH IOC
GS.TS LÊ MẠNH THÁT
Discussion about this post