Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã viết trong “Con đường thánh thiện” như sau: “Nơi nào không có bùn thì không có sen, cũng như thế khổ đau và hạnh phúc nương vào nhau mà phát hiện. Chạy trốn khổ đau để đi tìm hạnh phúc thì cũng như đi tìm hoa sen ở nơi không có bùn.
Sen và bùn cũng như trái và phải, hễ cái trái có là cái phải có cùng một lượt. Nhờ tiếp xúc được với khổ đau, lắng nghe khổ đau thì ta mới làm phát hiện được cái hiểu biết và cái thương yêu. Hiểu biết và thương yêu là chất liệu làm nên hạnh phúc”.
Chúng ta thường tìm kiếm hạnh phúc và luôn cho rằng hạnh phúc phải là “Có”: Có nhà, có xe, có tiền bạc, có địa vị, có danh tiếng; nhưng hạnh phúc đôi khi chỉ là “Không”: Không bệnh tật, không biến cố, không hận thù, không sợ hãi.
Hạnh phúc không ở đâu xa, hạnh phúc ở ngay quanh ta vì những thứ tạo ra hạnh phúc có thể đơn giản và dễ kiếm đến bất ngờ. Vậy hạnh phúc trong cuộc đời được tìm thấy bằng cách nào?
Ikigai là một triết lý của người Nhật giúp con người hướng đến những hành động tích cực, đi tìm động lực vượt qua khó khăn để tìm thấy ý nghĩa sống và sống hạnh phúc lâu bền. Ikigai được xây dựng dựa trên bốn yếu tố: Điều bạn yêu thích (đam mê và sứ mệnh), điều bạn làm giỏi (đam mê và chuyên môn), điều giúp bạn kiếm ra tiền (chuyên môn và kĩ năng), điều thế giới cần (sứ mệnh và kĩ năng). Người Nhật có ikigai là “niềm hạnh phúc của việc luôn bận rộn” – chỉ có duy trì vận động mới khiến bạn muốn sống lâu trăm tuổi. Sự bận rộn và vận động không ngừng giúp người Nhật duy trì một tâm trí minh mẫn trong một cơ thể dẻo dai, bền bỉ và luôn có được vóc dáng lẫn tâm hồn trẻ hơn tuổi, rất đúng với câu ví “gừng càng già càng cay”.
Những nghiên cứu khoa học cho thấy duy trì một tâm trí năng động, trẻ trung thúc đẩy con người hướng tới lối sống khỏe mạnh, góp phần làm chậm quá trình lão hoá và tạo ra hạnh phúc, động lực sống xuyên suốt một đời mà không mệt mỏi. Thông thường, sức sáng tạo và sự minh mẫn của con người theo tuổi tác sẽ ngày càng chậm lại, con người càng có tuổi lại càng nghĩ đến nghỉ ngơi và não bộ sẽ bị “ì”. Những người lớn tuổi thường thích lặp lại những công việc quen thuộc, cái mà chúng ta gọi là “sự ổn định” để theo đuổi. Khi đó, não bộ đã quen với việc phát triển những thói quen cố hữu, nó sẽ không cần phải tư duy nữa và sự lười biếng của ổn định sẽ tạo ra một cơ thể chậm chạp, một bộ não ì ạch. Chỉ có vận động mới duy trì được sự minh mẫn và làm chậm lại quá trình lão hoá. Giáo sư Richard Feynam đã từng nói: “Bạn không có nghĩa vụ làm người của năm qua, tháng trước, hay thậm chí một ngày vừa qua. Bạn ở đây để tạo ra chính bạn một cách liên tục. Tất cả chúng ta phải tự làm mới mình chứ không thể duy trì một chỗ đứng vĩnh viễn”. Đó là lý do vì sao con người không nên nghĩ đến sự bình ổn khi còn trẻ mà nên tích cực thay đổi, cho phép bản thân tiếp xúc với những điều mới mẻ nếu không muốn tuổi già ập đến sớm hơn; mặc dù bước ra khỏi vùng an toàn có thể mang lại nhiều bất an hay rủi ro.
Hầu hết các bác sĩ cho rằng với một lượng nhỏ stress trong công việc, con người sẽ sống có mục đích và trách nhiệm hơn người chẳng có mối bận tâm, lo lắng nào. Những người luôn sẵn sàng đối mặt với thử thách và dồn nhiều tâm huyết vào công việc để có được ý nghĩa sống thường sống lâu hơn những người lựa chọn lối sống nhàn hạ, nghỉ hưu sớm. Lối sống hưởng thụ, ngồi một chỗ quá nhiều ngày nay không chỉ làm suy giảm sức khoẻ mà còn làm tăng các cơn thèm ăn và ức chế ham muốn vận động. Điều này có thể lý giải được vì sao người Nhật thích làm việc, yêu công việc, họ không có khái niệm về hưu dù ở tuổi nào đi nữa khi còn sức khoẻ, vì về hưu đồng nghĩa với tuổi già và cái chết. Đất nước này có tuổi thọ cao bởi bên cạnh một chế độ ăn cân bằng, người dân luôn chăm chỉ vận động. Thậm chí họ còn đúc kết lại ikigai cho mình thành một bài hát để lưu truyền cho con cháu muôn đời: “Để giữ sức khoẻ và có cuộc sống lâu dài, hãy ăn mỗi thứ một ít với niềm thích thú. Ngủ sớm, dậy sớm rồi sau đó đi dạo. Chúng tôi sống thanh thản mỗi ngày và tận hưởng từng giây phút. Để giữ sức khỏe và có cuộc sống lâu dài, chúng tôi hoà thuận với tất cả bạn bè. Xuân, hạ, thu, đông, chúng tôi hạnh phúc tận hưởng mọi mùa. Bí mật là không vướng bận xem ngón tay già nua bao nhiêu; từ ngón tay lên đến đầu, rồi ngược lại. Nếu tiếp tục sử dụng ngón tay để làm việc, tuổi 100 sẽ đến với bạn”.
Nếu như người Nhật coi sự bận rộn là ikigai thì người Đan Mạch lại được biết đến với triết lý Hygge – tập trung vào cuộc sống thoải mái, ấm cúng và bình yên cả về mặt thể chất lẫn tinh thần. Hygge là khái niệm miêu tả cảm giác thư giãn, hạnh phúc, hài lòng và bình yên thông qua tận hưởng những điều bình dị và sẵn có quanh mình, như thức ăn, nước uống, giấc ngủ, sở thích cá nhân, tình yêu thương và sự âu yếm của người thân… Một bữa tối sum vầy với gia đình, tấm chăn ấm và bộ phim yêu thích vào đêm mùa đông, hay tia nắng đầu ngày lấp lánh trên bông hồng mới nở nơi ban công phòng khách khi sáng sớm… đó là biểu hiện cho triết lý đơn giản nhưng ý nghĩa của Hygge – trân trọng những điều giản dị và tìm niềm vui trong những điều nhỏ bé. Hygge không phải là sống vô nghĩa, lười nhác, từ bỏ hoài bão, mà Hygge là biết tận hưởng cuộc sống với những thứ đơn giản, nhỏ bé quanh mình, là quá trình nạp lại năng lượng giúp mỗi người khôi phục được tinh thần, thể chất để tiếp tục giải quyết vấn đề đang đối mặt hoặc bước vào những thử thách mới một cách tích cực, lạc quan. Hành trình vạn dặm khởi nguồn từ bước chân chập chững đầu tiên, hạnh phúc bình yên tồn tại trong những điều bé nhỏ.
Để chống lại cuộc sống ngày càng bận rộn và thường xuyên căng thẳng, người Thuỵ Điển lại đề cao triết lý Lagom – tư duy “biết đủ“. Dưới góc độ ngôn ngữ học, Lagom là một tính từ dùng để chỉ sự vừa phải, không quá nhiều mà cũng chẳng quá ít. Người Thụy Điển dùng Lagom như một kim chỉ nam chung cho cả dân tộc, hình thành nên phong cách sống, ứng xử, giao tiếp và thậm chí cả ẩm thực của riêng mình. Lagom là vừa đủ, là thích hợp, là cân bằng nhưng không nhất thiết phải là hoàn hảo nhất. Lagom được khởi nguồn từ thuật ngữ “laget om” (với ý nghĩa “chuyền quanh trong nhóm”) của các chiến binh Viking. Đó là nghi thức chuyền một chiếc sừng đầy rượu trong vòng tròn, mỗi người chỉ nhấp một ngụm vừa phải nhằm đảm bảo rằng vẫn còn đủ rượu cho những người sau. Lagom chính là yếu tố quan trọng giúp dân Thuỵ Điển cân bằng giữa công việc và cuộc sống để tận hưởng trọn vẹn hạnh phúc. Thật dễ thấy triết lý này luôn hiển hiện trong đời sống của người dân Thuỵ Điển từ những điều nhỏ bé bình thường nhất: Từ lời ăn tiếng nói – người Thụy Điển luôn ăn nói cô đọng, súc tích, không vòng vo đến lối sống giản dị mà thực tế được thể hiện trong thời trang, nội thất (Ikea, H&M), ẩm thực chú trọng vị ngon tự nhiên và cân bằng…
Nếu như ba triết lý trên đã tạo ra ba trường phái lớn được theo đuổi trong xã hội loài người thì một triết lý khác của người Hà Lan đang được giới trẻ yêu chuộng gần đây là triết lý Niksen – triết lý sống không làm gì. Niksen, theo nghĩa đen, nghĩa là “không làm gì, ngồi lười hoặc làm điều gì đó không mục đích”. Trong chánh niệm tập trung vào việc nhận thức về thực tại mà bản thân đang sống thì Niksen là cách để con người cải thiện khoảng thời gian sống. Lối sống này cho phép chúng ta để tâm trí tự do vô định mà không cần tập trung chi tiết vào bất kì hành động nào. Bởi ngay cả khi chúng ta không làm gì thì não bộ vẫn đang xử lý thông tin và nó có thể sử dụng sức mạnh xử lý sẵn có đó để giải quyết các vấn đề đang bị trì hoãn. Do đó, Niksen có thể thúc đẩy sự sáng tạo, giúp con người tìm được một giải pháp đột phá trong lúc đi dạo hay để cho tâm trí trôi đi vô định. Bạn có thể thực hành niksen bằng cách đi ra ngoài, ngắm nhìn thế giới xung quanh hoặc nghe nhạc, miễn là dành ra một khoảng thời gian để tâm trí lang thang. Đối với nhiều người mà nói, Niksen có thể xem như một cái cớ cho những kẻ lười nhưng trong xã hội ngày càng nhiều vấn đề về tâm lý thì đôi khi dám Niksen – dám nhàn rỗi là một cách để tìm thấy hạnh phúc và cân bằng.
Suy cho cùng, chẳng có triết lý hạnh phúc nào phù hợp với tất cả mọi người nên mỗi người phải tự khám phá, trải nghiệm để tìm thấy một triết lý sống phù hợp cho riêng mình. Miễn là chúng ta luôn có một triết lý sống để theo đuổi, để tìm thấy một lý do để ngày mai tiếp tục thức dậy. “Cảm ơn đời mỗi sớm mai thức dậy, ta có thêm một ngày nữa để yêu thương”.
Discussion about this post