Đạo Phật Không Phải Là Một Tôn Giáo
Trước
tiên, chúng ta nên tìm hiểu về khái niệm “Tôn Giáo”. Thế “Tôn Giáo” nghĩa là gì? Từ điển Wiki định nghĩa như sau về “tôn giáo”:
Tôn
giáo hay đạo, đôi khi đồng nghĩa với tín ngưỡng, thường được định nghĩa
là niềm tin vào những gì siêu nhiên, thiêng liêng hay thần thánh, cũng như những đạo lý, lễ nghi, tục lệ và tổ chức liên quan đến niềm tin đó. Những ý niệm cơ bản về tôn giáo chia thế giới thành hai phần: thiêng liêng và trần tục1.
Trần tục là những gì bình thường trong cuộc sống con người, còn thiêng liêng là cái siêu nhiên, thần thánh. Đứng trước sự thiêng liêng, con người sử dụng lễ nghi để bày tỏ sự tôn kính, sùng bái và đó chính là cơ sở của tôn giáo. Trong nghĩa tổng quát nhất, có quan điểm đã định nghĩa tôn giáo là kết quả của tất cả các câu trả lời để giải thích nguồn gốc, quan hệ giữa nhân loại và vũ trụ; những câu hỏi về mục đích, ý nghĩa cuối cùng của sự tồn tại. Chính vì thế những tư tưởng tôn giáo thường mang tính triết học. Số tôn giáo được hình thành từ xưa đến nay được xem
là vô số, có nhiều hình thức trong những nền văn hóa và quan điểm cá nhân khác nhau. Tuy thế, ngày nay trên thế giới chỉ có một số tôn giáo lớn được nhiều người theo hơn những tôn giáo khác.
Trong từ điển Việt Nam, “tôn giáo” lại được định nghĩa là:
Sự
công nhận một sức mạnh coi là thiêng liêng quyết định một hệ thống ý nghĩ tư tưởng của con người về số phận của mình trong và sau cuộc đời hiện tại, do đó quyết định phần nào hệ thống đạo đức, đồng thời thể hiện
bằng những tập quán lễ nghi tỏ thái độ tin tưởng và tôn sùng sức mạnh đó.
Theo
các định nghĩa trên, Đạo Phật không phải là một tôn giáo theo như mọi người vẫn nghĩ. Đạo Phật không chấp nhận rằng có một thế lực, sức mạnh, thần linh, chúa trời, thần thánh, lễ nghi, tục lệ nào có thể quyết định vận mệnh của chúng ta. Do vậy, Đạo Phật không có các tập quán lễ nghi nào tỏ thái độ tin tưởng và tôn sùng sức mạnh, thế lực nào đó.
Theo
Đạo Phật, mọi vật vận hành theo luật nhân quả. Do ta gieo nhân là các hành động (hành nghiệp) có chủ ý ở quá khứ mà chúng ta sẽ gặt hái các quả trong hiện tại hay trong tương lai; tương tự, hành động có chủ ý ở hiện tại sẽ cho quả ở tương lai. Hành động ở đây bao gồm ý hành, thân hành và khẩu hành. Ý hành là các suy nghĩ trong tâm, thân hành là các hành động bằng thân thể và khẩu hành là lời nói. Quả ở hiện tại hay ở tương lai có cơ hội trổ ra hay không còn tùy thuộc vào các điều kiện (duyên)
cần thiết. Khi nhân duyên chín muồi thì quả chắc chắn sẽ trổ mà không thể ngăn cản được. Khi nhân đã được gieo và quả đã được trổ ra trọn vẹn thì nhân ấy không còn tồn tại nữa. Nhân giống như hạt giống, nếu hạt giống được gieo ở mảnh đất có độ ẩm thích hợp, dinh dưỡng đầy đủ, tưới nước vừa đủ (các yếu tố này gọi là duyên) thì quả chắc chắn sẽ trổ.
Các
hành động chịu sự chi phối bởi tham ái, sân hận và si mê là các hành động bất thiện (bất thiện nghiệp). Các hành động có động cơ từ vô tham, vô sân, có hoặc không có kết hợp với vô si là hành động thiện (thiện nghiệp).
Hành
động vô si theo Đạo Phật không phải là từ trí tuệ sắc sảo về một ngành nghề nào cả, mà chính là hành động xuất phát từ trí tuệ hiểu biết và tin
tưởng về luật nhân quả, tin vào nghiệp và quả của nghiệp. Do vậy, nếu một ông tiến sĩ thực hiện việc bố thí mà không có hiểu biết, tin tưởng về luật nhân quả thì hành động thiện đó vẫn là ly trí (có si).
Thiện
nghiệp (là nhân) khi có duyên đầy đủ sẽ cho quả tốt lành (điều tốt đẹp)
như là được sanh ra ở cảnh giới tốt đẹp (cõi người, cõi trời), sanh ra vào thời kỳ hòa bình, có dung sắc xinh đẹp, mắt gặp cảnh đẹp, tai nghe tiếng hay, mũi ngửi mùi thơm, lưỡi nếm vị ngon, thân xúc chạm vật khả ái…
Bất
thiện nghiệp (là nhân) khi có duyên đầy đủ sẽ cho quả khổ (điều xấu) như là được sanh ra ở cảnh giới khổ sở (cõi địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh,
asura (a-tu-la)), sanh ra vào thời kỳ chiến tranh loạn lạc, đói kém mất
mùa, có dung sắc xấu xí, mắt gặp cảnh khó ưa, tai nghe tiếng thô tục, chửi rủa, mũi ngửi mùi hôi thúi, lưỡi nếm vị khó chịu, thân chịu sự đau đớn …
Khi ta thọ nhận các quả thiện hay bất thiện thì đó không phải là hành nghiệp của ta. Chính phản ứng (hành động)
của ta đối với cảnh (cảnh ở đây là sắc, thanh, mùi, vị, xúc và các suy nghĩ trong tâm) mới là hành nghiệp. Nếu phản ứng đó có động cơ từ tham, sân, si thì điều đó có nghĩa là chúng ta vừa mới tạo ra một bất thiện nghiệp. Nếu phản ứng đó có động cơ từ vô tham, vô sân, vô si thì điều đó
có nghĩa là chúng ta vừa mới tạo ra một thiện nghiệp.
Ví
như khi ta gặp cảnh đẹp như là vườn hoa xinh tươi mà tâm ta không khởi lên sự tham ái, si mê là chúng ta đã tránh tạo ra bất thiện nghiệp. Gặp được cảnh đẹp là quả của thiện nghiệp quá khứ, tâm phản ứng lại bằng sự vô tham lại là tạo nghiệp mới ở hiện tại.
Tương
tự, ví như khi ta gặp cảnh thanh khó ưa như là lời thô tục, tiếng chửi rủa mà tâm ta không khởi lên sự sân hận là chúng ta đã tránh tạo ra bất thiện nghiệp. Gặp cảnh thanh khó nghe là quả của bất thiện nghiệp quá khứ, tâm phản ứng lại bằng sự vô sân lại là tạo nghiệp mới ở hiện tại.
Do
vậy mà không có các thế lực, sức mạnh siêu nhiên, chúa trời, thần linh,
thần thánh, lễ nghi nào quyết định số phận, vận mệnh của ta. Nếu có tồn
tại một vị chúa trời có thể tác động đến vận mệnh của ta thì đó chính là nghiệp của ta. Nhưng vì nghiệp là do ta tạo ra và ta không thể thay đổi được nghiệp quá khứ nên không thể có vị chúa trời nào cả.
Khi
nhân sanh thì quả sanh, khi nhân diệt mất thì quả diệt. Do vậy luật nhân quả là vô thường. Cái gì phải chịu sanh và diệt thì cái ấy phải chịu khổ. Vì luật nhân quả phải chịu sanh và diệt nên luật nhân quả là khổ. Vì không có một cái tự ngã tồn tại tương đối vững bền cũng như không có một cái tự ngã nào lại muốn mình chịu khổ cả nên luật nhân quả là vô ngã. Vì luật nhân quả là vô ngã nên luật nhân quả không thể nào là
một nhân vật chúa trời hay đấng tạo hóa nào được. Như vậy, luật nhân quả là vô thường, khổ và vô ngã.
Đạo
Phật không chấp nhận thuyết định mệnh. Quyền quyết định tạo thiện nghiệp hay bất thiện nghiệp nằm trong tay ta. Dù chúng ta có hiểu biết hay không hiểu biết, thích hay không thích thì nghiệp và quả của nghiệp vẫn cứ sanh rồi diệt và vận hành theo cách của nó.
Quả
của thiện nghiệp có thể làm duyên cho bất thiện nghiệp trổ sanh và quả của bất thiện nghiệp có thể làm duyên cho thiện nghiệp trổ sanh. Vấn đề ở
chỗ là chúng ta phản ứng lại với quả của thiện nghiệp hay bất thiện nghiệp đó như thế nào. Ví như câu chuyện về việc ta gặp cảnh đẹp là quả của thiện nghiệp, khi tâm ta phản ứng bằng hành động tham ái, si mê thì ta đã thực hiện một bất thiện nghiệp. Ví dụ nữa là nếu ta có dung sắc xấu xí là quả của bất thiện nghiệp sân hận ở quá khứ, và khi biết được như vậy, ta cố gắng tránh sân hận với mọi người xung quanh ở hiện tại này, và như vậy là quả của bất thiện nghiệp làm duyên cho thiện nghiệp trổ sanh.
Tất
nhiên là quả của thiện nghiệp sẽ là duyên rất tốt, rất thuận lợi cho việc tạo thiện nghiệp. Ví như ta giàu có (quả của thiện nghiệp quá khứ) thì ta sẽ dễ dàng bố thí (thiện nghiệp ở hiện tại) cho người khác hơn.
Tương
tự, quả của bất thiện nghiệp sẽ tạo duyên rất tốt cho việc tạo bất thiện nghiệp. Ví như ta phải bị sanh ra vào thời kỳ chiến tranh, loạn lạc, nghèo khổ (quả của bất thiện nghiệp trong quá khứ)… thì ta sẽ rất dễ dàng tạo rất nhiều bất thiện nghiệp vào kiếp hiện tại này.
Trong
vòng luân hồi không có điểm bắt đầu mà ta đã đi cho đến bây giờ, chúng ta đã tạo vô số thiện nghiệp cũng như bất thiện nghiệp trong quá khứ. Chúng ta không thể thay đổi được quá khứ nhưng chúng ta phải có trách nhiệm với tương lai. Khi gặp quả của bất thiện nghiệp, chúng ta phấn đấu
không nên tạo thêm bất thiện nghiệp mới, khi gặp quả của thiện nghiệp chúng ta nên tranh thủ tạo thêm thiện nghiệp mới. Khi làm một thiện nghiệp (như bố thí, giữ giới, hành thiền…), chúng ta không chỉ hưởng lợi
cho riêng mình mà còn có thể làm lợi cho cả những người xung quanh; chúng ta không chỉ hưởng lợi trong kiếp hiện tại này mà còn có lợi trong
cả các kiếp tương lai. Ngược lại, khi tạo một bất thiện nghiệp (như sát
sanh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, uống rượu và các chất say…), chúng ta không chỉ hại riêng mình mà còn có thể hại những người xung quanh; chúng
ta không chỉ bị hại trong kiếp hiện tại này mà còn bị hại trong cả các kiếp tương lai. Nghiệp đích thực là của thừa kế, là tài sản của ta.
Đức
Phật không phải là một đấng tối cao quyết định vận mạng của chúng ta. Đức Phật ra đời và dạy chúng ta bốn chân lý cao thượng là Khổ Đế, Khổ Tập Đế, Diệt Đế và Đạo Đế.
Khổ Đế: là chân lý về Khổ, là cái ta cần phải biết rõ.
Khổ Tập Đế: là chân lý về Nguyên Nhân, Nguồn gốc của Khổ, là cái chúng ta cần phải diệt trừ.
Diệt Đế: là chân lý về Khổ Diệt chính là Niết-bàn, là cái cần phải chứng ngộ.
Đạo
Đế: là chân lý về con đường đi đến Khổ Diệt, đó là con đường Bát Thánh Đạo, là cái chúng ta cần phải tu tập và thành tựu để rõ biết Khổ Đế, diệt trừ Khổ Tập Đế, chứng ngộ Diệt Đế.
Đức
Phật chỉ dạy cho chúng ta hiểu biết về chân lý mà thôi, Đức Phật không sáng tạo ra chân lý, chân lý tự nó vẫn hoạt động và tồn tại kể cả khi Đức Phật không xuất hiện hay khi chúng ta tin hay không tin vào chân lý đó. Đức Phật dạy thế nào là điều nên làm và thế nào là điều không nên làm. Nếu làm điều nên làm thì sẽ có kết quả tốt đẹp, còn không thì sẽ gặp cảnh khổ; và quyền quyết định làm như thế nào là do ta quyết định. Do vậy mà Đức Phật không tu hành giùm ta, không giác ngộ giùm ta, không giải thoát giùm ta.
Nếu
như, ngày xưa khi ta học lớp một, rồi khi ta lớn lên dù nhiều hay ít cũng có lòng biết ơn, tôn trọng vị thầy của ta khi xưa. Dù rằng, không vị thầy này dạy ta biết chữ thì cũng có người khác dạy ta mà thôi. Cũng vậy, chúng ta cũng tôn trọng các vị thầy ở lớp 2, 3… đại học,… và các vị
thầy gặp trong cuộc sống. Nhưng đối với Đức Phật thì chúng ta không thể
so sánh như vậy được. Đức Phật đã dạy chúng ta thế nào chân lý, thế nào
là điều thiện, thế nào là điều bất thiện và cách thoát khỏi khổ cảnh, giải thoát khỏi khổ đau luân hồi. Không có Đức Phật, không ai trong chúng ta có thể biết và dạy được những điều ấy.
Trong
thế giới chúng ta, việc ca tụng sự say mê hưởng thụ các thú vui dục lạc
giải trí, thúc đẩy tham ái tăng trưởng luôn được hiện diện mạnh mẽ. Cũng vậy, việc sân hận, bạo lực (sắc tộc, tôn giáo, chính trị…) luôn được tồn tại và phát triển. Chúng ta có thể thấy rõ điều này trong các mẫu quảng cáo, bản tin thời sự hay các bộ phim hành động đầy rẫy trên các phương tiện truyền thông cũng như trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta. Các sự tham ái hay sân hận này chẳng thể phát triển được nếu nó không phù hợp với nhu cầu và mong muốn của chúng ta.
Do
vậy, nếu không có Đức Phật chỉ dạy thì thậm chí việc làm tốt đẹp hay không tốt đẹp ta còn không biết được nữa. Vì rằng, quan điểm, tục lệ, lối sống, tập quán của con người chắc chắn không thể hoàn toàn phù hợp với chân lý. Và điều tối quan trọng là nếu không có Đức Phật thì ta không thể biết con đường thoát khỏi khổ cảnh. Do vậy mà Đức Phật là vị thầy tối thượng trong tất cả chúng sanh.
Vì
lý do như vậy mà chúng ta phải biết tôn kính Đức Phật, vì đó là vị thầy
tối thượng: Thiên Nhân Sư, vị thầy của chư thiên và nhân loại. Và để nói đầy đủ về các phẩm chất của Đức Phật, ta phải dùng các danh hiệu sau:
1) Ứng Cúng: người không còn ô nhiễm, bậc A-la-hán, bậc xứng đáng cúng dường, Bậc Ứng Cúng.
2) Chánh Đẳng Giác: Bậc Tự Giác Ngộ hoàn toàn, không ai chỉ dạy.
3) Minh Hạnh Túc, người có trí tuệ và đức hạnh thành tựu một cách trọn vẹn.
4) Thiện Thệ, người đã ra đi một cách trọn vẹn, đã Niết-bàn.
5) Thế Gian Giải: người hiểu biết rõ ràng về thế gian.
6) Vô Thượng Sĩ: không gì hơn được.
7) Điều Ngự Trượng Phu: người có khả năng điều khiển, huấn luyện kẻ khác.
8) Thiên Nhân Sư: người thầy của chư thiên và loài người.
9) Phật: bậc đã giác ngộ, đức Phật.
10) Đức Thế Tôn: Ngài là bậc tối-thượng hơn cả chúng sanh và có những ân-đức cao quí không ai bì.
Vì
lý do trên mà các Phật tử thờ cúng Đức Phật để tỏ lòng kính trọng chứ không phải như các tôn giáo khác là thờ cúng vị thần linh, chúa trời, sức mạnh siêu nhiên là các thế lực được cho là quyết định vận mạng của họ.
1Những ý niệm này được nhà xã hội học nổi tiếng người Pháp Emile Durkheim (1858-1917) đưa ra để phân tích cơ sở của tôn giáo.
Posted by booktranslating
Discussion about this post