Thích Trung Định
Đạo đức là nền tảng luân lý mà bất kỳ thời đại nào cũng cần phải xây dựng, cũng cố và phát triển. Con người nếu không có đạo đức thì không dùng được. Cuộc đời, nếu thiếu nền tảng đạo đức thì xã hội sẽ rối loạn. Luân lý đạo đức là phương châm, lối sống định hướng cho con người và xã hội sống tốt, sống thiện mang đến an bình và hạnh phúc. Có nhiều quan niệm về đạo đức, như: đạo đức phương Đông, đạo đức phương Tây, đạo đức Khổng giáo, Lão giáo và đạo đức theo các tôn giáo khác. Mỗi tôn giáo, địa phương đều có chuẩn mực đạo đức luân lý của riêng mình. Đạo đức Phật giáo thiết lập nhằm mục đích tịnh hóa tam nghiệp, đưa đến đời sống an lạc hạnh phúc thật sự. Đây được xem là nền đạo đức luân lý tiêu chuẩn nhất ứng dụng trong cuộc sống con người.
Theo đó, đạo đức Phật giáo được thiết lập trên hai cấp độ, thế và xuất thế. Với đời sống xuất thế dựa trên giới luật Cụ túc đưa đến sự thành tựu phạm hạnh, đạo quả giác ngộ, giải thoát. Với thế gian, đạo đức Phật giáo xây dựng trên nền tảng của Tam quy và ngũ giới, thiết lập nền tảng đạo đức của nhân thừa. Dù là thế hay xuất thế thì đạo đức Phật giáo đều dựa trên nền tảng căn bản của giới luật. Giới trong Phật giáo được hiểu là tự nhiên, chánh thuận với giải thoát. Giới cũng được hiểu là thói quen hay tập quán, tính cách cao thượng, sự ngay thẳng, quy tắc đạo đức. Giới còn là sự phòng hộ, chế ngự, thu thúc lục căn và tịnh hóa tam nghiệp thân khẩu ý thuận theo tự nhiên.
Kinh tạng Phật giáo giải thích rằng, giới (sila) hay đạo đức có đặc tính hài hòa trong ba nghiệp thân, khẩu, và ý. Giới mang lại sự hài hòa trong các hành động, mang lại lợi ích riêng cho bản thân, mang lại hạnh phúc cho cá nhân và cộng đồng xã hội. Tất cả những hành động trái với tinh thần giới luật điều gây nên cảm giác tội lỗi, lo âu và hối hận. Ngược lại, người hành trì theo giới sẽ đưa đến bất hối, niềm vui của hỷ và lạc. “Giới là để chế ngự, chế ngự là để khỏi hối hận, không hối hận là để được hân hoan, hân hoan để được hỷ, hỷ để được khinh an, khinh an để được lạc, lạc để được định, định để được chánh kiến, chánh kiến để được vô dục, vô dục để được ly tham, ly tham để giải thoát, giải thoát để có giải thoát tri kiến, giải thoát tri kiến để đi đến vô thủ trước Niết bàn.”[1]
Thực hành theo giới là phương cách hữu ích đưa đến sự cân bằng tâm lý, tình cảm của con người. Không những thế, giới còn mang lại sự sống hài hòa dễ thương giữa con người với con người, giữa con người với thiên nhiên và cộng đồng xã hội. Trong khi thực hiện những hành động bất chấp các nguyên tắc đạo đức sẽ dẫn đến sự sứt mẽ trong các mối quan hệ do tính cạnh tranh, khai thác, và xâm lược. Những hành động được thực hiện theo các nguyên tắc đạo đức làm thúc đẩy sự hòa hợp giữa con người và con người, mang lại hòa bình, hợp tác và tôn trọng lẫn nhau. Sự hài hòa đạt được bằng cách trì giới không dừng lại ở mức độ xã hội, mà còn dẫn hành động của chúng ta tiến tới sự hài hòa với một định luật cao hơn, luật nhân quả, nghiệp và nghiệp quả. Định luật này sẽ chi phối một cách vô hình đằng sau toàn bộ thế giới của sự tồn tại.
Nhiều học giả, nhà đạo đức học, triết học, xã hội học trên thế giới đều thừa nhận, đạo đức Phật giáo là chuẩn mức đạo đức cho loài người, mang giá trị phổ biến, giá trị toàn cầu. Đáng chú ý nhất là sự đánh giá của Albert Schweitzer, nhà Ấn Độ học người Đức, Ông viết: “Đức Phật đã sáng tạo ra một nền đạo đức nội tâm hoàn thiện nhất, và trong lĩnh vực này, đức Phật đã nói lên những chân lý đạo đức có giá trị bất hủ, nền đạo đức không phải của riêng đất nước Ấn Độ mà của cả loài người nói chung. Đức Phật là một trong những nhà đạo đức học vĩ đại nhất, kỳ tài nhất mà thế giới có được.”[2]
Lối sống lành mạnh: Sống lành mạnh dựa trên nền tảng đạo đức là lối sống an lành, thảnh thơi, bền vững và có chỉ số hạnh phúc cao. Sống lành mạnh là con người luôn hài lòng, an vui với những gì mình đang có. Sống lành mạnh, theo Phật giáo là phải kiện toàn trên hai mặt về sức khỏe tinh thần và sức khỏe thể chất. Theo kinh Pháp Cú, sức khỏe được cho là quý giá nhất; biết đủ là giàu sang nhất (ārogyaparamā lābhā – santuṭṭhī paramam dhanaṁ). Sức khỏe thể chất đạt được thông qua phúc lợi an sinh xã hội về hành vi của một người trong sự vắng mặt của các hành động bất thiện; sức khỏe tinh thần đạt được thông qua phúc lợi tinh thần, chẳng hạn như tâm hồn thoải mái, hạnh phúc an lạc do giữ giới đưa đến.
Tuy nhiên, do lối sống đạo đức ngày càng bị suy giảm nên lối sống lành mạnh khó thiết lập. Sống lành mạnh trong thế giới đương đại đang bị đe dọa khủng khiếp bởi một số lý do có thể nêu lên như: nghèo, đói, mù chữ, phân phối của cải không đồng đều, hố phân cách giàu nghèo ngày càng sâu nặng, vi phạm quyền con người, ô nhiễm môi trường, gây bất lợi kinh doanh và đời sống lành mạnh, kỳ thị giới tính và chủng tộc, sức khỏe vệ sinh an toàn thực phẩm báo động, văn hóa giải trí thô bạo và không lành mạnh, sự vắng mặt của một nền hòa bình bền vững, bạo loạn, xung đột, khủng bố, và hận thù giữa các gia đình, chủng tộc, và các quốc gia cũng như tham lam, sân hận và si mê làm nguy hiểm đến cuộc sống lành mạnh cho con người. Do vậy, muốn xây dựng đời sống hạnh phúc thì cần phải thiết lập nền tảng đạo đức luân lý và thực hành lối sống lành mạnh.
Đạo đức và lối sống lành mạnh tuy hai nhưng là một. Bởi sống theo nếp sống đạo đức thuần thiện là lối sống lành mạnh. Và sống lành mạnh tức là thực hành theo nếp sống đạo đức. Đạo đức và lối sống lành mạnh đưa đến sự an tịnh tâm hồn, phát triển hài hòa giữa thân và tâm, làm cho cuộc sống trở nên chất lượng và ý vị. Đạo đức và lối sống lành mạnh đưa đến sức khỏe về thể chất cũng như tinh thần. Người sống theo nếp sống này ít bệnh, ít não và đưa đến đời sống thọ mạng lâu dài. Đức Phật khẳng định, sống đúng theo năm giới thì sống thọ. Khoa học y tế hiện đại phát hiện rằng, tế bào con người rất nhạy cảm với nếp sống đạo đức hay là phi đạo đức. Chính cuộc sống phi đạo đức làm yếu các tế bào bạch huyết cầu, khiến cho những tế bào đó bị yếu đi, không đủ sức bảo vệ cơ thể, vì vậy cơ thể dễ lâm bệnh. Hệ thần kinh, bị những hành động và tư tưởng ác, bất thiện làm cho mất thăng bằng, không đủ sức điều khiển sự phát triển lành mạnh của các tế bào. Từ đó sinh ra các tế bào ung thư, mà sự phát triển vô tổ chức, tạo ra những khối u ác tính. Đồng thời, những tình cảm ác, bất thiện kèm theo sự lo âu, sợ hãi, lương tâm cắn rứt v.v… kích thích các tuyết nội tiết bài tiết vào trong máu đủ các thứ chất độc. Trong khi những tình cảm thiện, tư tưởng thiện lại kích thích các tuyến nội tiết bài tiết vào trong máu nhiều chất bổ làm cho toàn cơ thể khỏe mạnh, tinh thần sảng khoái.
Trong cuốn “Maha Dhammapala Jataka” (Jatakas Tập 4, trg 50, Bản Anh) kể chuyện thanh niên Dhammapala ngạc nhiên vì thấy con trai thầy giáo mình chết đột nhiên, khi còn nhỏ tuổi. Thầy giáo hỏi vì sao anh ngạc nhiên, thì anh trả lời là trong gia đình anh, mọi người đều sống thọ và chết già. Thầy giáo muốn kiểm tra lời học trò mình có nói đúng hay không, bèn tranh thủ đi thăm gia đình của Dhammapala, vốn ở xa, và báo tin cho cha Dhammapala rằng Dhammapala đã chết đột ngột. Người cha cười và nói rằng trong gia đình ông không có người nào chết lúc nhỏ tuổi cả, vì từ bảy đời nay, gia đình ông sống theo đúng năm giới, và chính nhờ sống theo năm giới mà mọi người trong họ ông từ bảy đời, đều sống thọ và chết lúc tuổi già.[3] Câu chuyện này cho thấy một sự thật tất yếu giữa cuộc đời và niềm tin bất hoại trong việc hành trì Tam quy và ngũ giới. Vì giới là thuận theo lẻ tự nhiên và chánh thuận với giải thoát nên người hành trì sống khỏe và sống thọ là điều tất yếu.
Hành vi đạo đức có ý nghĩa hết sức quan trọng đến sự tồn tại một cuộc sống khỏe mạnh bao gồm hành vi luân lý, trong đó bao gồm hành động của thân không làm các việc ác như: sát sanh, trộm cắp, tà dâm; khẩu không nói lời thô dữ, độc ác và nói dối; ý không tham lam, sân hận và si mê. Đồng thời sống tuân thủ theo tinh thần của năm cấm giới, bất sát, bất đạo, bất tà dâm, bất vọng ngữ và không uống rượu đó là biện pháp bảo vệ quyền con người hữu hiệu nhất. Việc tuân thủ năm giới cấm (Pancasila) hoàn toàn ngăn chặn sự phạm pháp của năm khía cạnh quan trọng về nhân quyền được ghi lại trong các Công ước Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc. Cụ thể là, (1) mỗi người đều có quyền để bảo vệ cuộc sống của mình, (2) mỗi người đều có quyền để bảo vệ của cải và tài sản, (3) mỗi người đều có quyền sống một cuộc sống gia đình bình yên, (4) mỗi người đều có quyền được biết thông tin đúng và (5) mỗi người đều có quyền để duy trì sự an bình của tâm. Các quyền cơ bản vẫn được giữ nguyên bởi việc chấp hành năm giới đạo đức.
Thiết lập một nền tảng đạo đức luân lý bằng cách tịnh hóa tam nghiệp thân, khẩu, ý và ngăn chặn ba độc tham sân và si sinh khởi trong con người. Do vậy, cần phải ngăn chặn các hành vi vi phạm các nguyên tắc đạo đức, nhằm cũng cố thêm sức mạnh nội tâm cũng như năng lượng phòng hộ. Mặc khác thúc đẩy sự nổ lực trong việc thực hành các thiện hạnh, phát triển lòng từ bi, vô ngã vị tha nhằm hóa giải tất cả những hận thù, tranh chấp trong đời sống. Như một tổng thể, tuân thủ nề nếp thuần khiết đạo đức, thiết lập các điều kiện và nền tảng căn bản của thiện hạnh sẽ mang lại một cuộc sống lành mạnh cho cá nhân cũng như xã hội.
Mặc khác, một lối sống không lành mạnh, phi đạo đức sẽ dẫn đến những kết quả tai hại, gây khổ đau cho mình và cho người. Đức Phật chỉ ra rằng, một người bình thường khởi lên lòng tham thì sẽ gây đau khổ cho một người hoặc vài người; nhưng nếu các vị lãnh đạo tham nhũng thì sẽ gây ra những hậu quả tai hại đối với xã hội và thiên nhiên. Tăng Chi Bộ Kinh, chương 4 pháp, phẩm Nguồn Công Đức, phần Phi Pháp, giải thích: “Khi nào, này các Tỷ-kheo, các vua phi pháp có mặt, khi ấy, các đại thần phi pháp của vua có mặt. Khi nào các đại thần phi pháp của vua có mặt, khi ấy các Bà-la-môn gia chủ phi pháp có mặt. Khi nào các Bà-la-môn gia chủ phi pháp có mặt, khi ấy dân chúng thị thành và dân chúng các làng trở thành phi pháp. Khi nào dân chúng thị thành và ở các làng là phi pháp, …và ngược lại khi nào, này các Tỷ-kheo, các vua đúng pháp có mặt, thì khi ấy các vị đại thần đúng pháp của vua có mặt. Khi nào các vị đại thần đúng pháp của vua có mặt, khi ấy các Bà-la-môn gia chủ đúng pháp có mặt. Khi nào các Bà-la-môn gia chủ đúng pháp có mặt, khi ấy dân chúng thị thành và dân chúng các làng trở thành đúng pháp…”[4]
Đoạn kinh cho thấy một mối liên hệ giữa hành vi đạo đức của con người và sự thay đổi xảy ra trong môi trường tự nhiên. Giáo Pháp là trật tự tự nhiên. Nếu nó bị phá vỡ bởi những hành động bất chính của con người, tức đi ngược lại tinh thần của giáo pháp cũng như giới luật. Đoạn kinh này chú ý tới trách nhiệm của những vị lãnh đạo đất nước trong việc duy trì các tiêu chuẩn đạo đức nhằm bình ổn đạo đức xã hội. Nếu một vị lãnh đạo khởi tâm tham nhũng, cưỡng quyền thì sẽ gây nên sự bất bình, rối loạn xã hội cũng như môi trường tự nhiên. Ngược lại, nếu một người lãnh đạo sống thanh liêm công chính, thuần thiện thì tự nhiên đạo đức và trật tự xã hội được thiết lập.
Một nơi khác đức Phật chỉ ra, nghèo đói và chênh lệch về tài sản, kỳ thị tôn giáo, chủng tộc, màu da… như là một nguyên nhân gây ra tình trạng bất ổn và các sự cố về đạo đức trong xã hội. Hòa bình là ước muốn của tất cả mọi người. Vì hòa bình con người mới sống an ổn, sống trọn vẹn và mang lại ý nghĩa của giá trị sống. Có khi, hòa bình phải đánh đổi bằng cả sự hy sinh xương máu và trí tuệ. Tuy nhiên, bạo lực và tội phạm sẽ là mối nguy hại đến hòa bình. Đồng thời chỉ có thiết lập nền tảng đạo đức mới là cơ sở để bảo vệ hòa bình vững chắc nhất.
Đạo đức và lối sống lành mạnh còn đưa đến sự phát triển bền vững về kinh tế, chính trị xã hội. Kinh Chuyển Luân Thánh Vương Sư Tử Hống, Cakkavatti-sīhanāda sutta[5], Trường Bộ Kinh 26, cho thấy mối quan hệ giữa đạo đức và các điều kiện kinh tế của người dân. Bản kinh chỉ ra rằng, một nguyên nhân chính cho sự suy giảm dần dần đạo đức là cái nghèo, sự chênh lệch về kinh tế, và cảnh cùng cực. Nó cũng cho thấy rằng, thông qua sự hồi sinh của các tiêu chuẩn đạo đức trong xã hội, thì nền tảng đạo đức sẽ được thiết lập, trật tự xã hội và sự thịnh vượng có thể được phục hồi. Tăng Chi Bộ Kinh, chương 3 pháp, phẩm Các Bà La Môn chỉ ra nguyên nhân của sự nghèo nàn, tàn hoại là do loài người bị tham ái phi pháp làm cho say đắm và bị ác tham chinh phục, bị tà kiến chi phối. “Một người cảm thấy phấn khích bởi ham muốn bất chính, vượt qua tham lam bất chính, đau khổ bởi pháp sai lầm … Đó là lý do tại sao hiện nay số người đã bị suy sụp, dân số giảm sút, làng mạc, thị trấn, thành phố và các quận đã biến mất.”[6]
Tham là căn bệnh trầm kha của hết thảy chúng sinh. Nhưng tham lam bất chính lại là một tai họa lớn cho toàn thể nhân loại. Các cuộc khủng hoảng về đạo đức, kinh tế…xuất phát từ lòng tham lam bất chính. Khi một người khởi tâm tham bất chính, tất nhiên họ luôn bị sai khiến bởi các tà trí và xảo trí. Họ tìm cách luồn lách, tìm khe hở của pháp luật để thực hiện thỏa mãn lòng tham của mình. Nếu nhiều người có ý đồ thực hiện lòng tham bất chính thì đây là mối hiểm họa gây nên tranh chấp và xung đột.
Qua đây, cho chúng ta thấy đức Phật không chỉ quan tâm đến việc xây dựng nền tảng đạo đức mà còn quan tâm đến đời sống chính trị, xã hội. Bởi khi đã thừa nhận đời sống hạnh phúc tại thế gian thì điều tất yếu đời sống chính trị và kinh tế Ngài cũng phải quan tâm đến. Do vậy, người Phật tử tại gia nên chú ý đến các mảng vấn đề về chính trị, giáo dục và kinh tế… Làm sao các Phật tử tham gia vào lĩnh vực chính trị, để góp tiếng nói của mình trong các hoạch định chính sách, đem lại lợi ích cho mọi người. Tham gia vào công tác giáo dục để truyền thụ, đống góp những kiến thức hiểu biết bên cạnh nền tảng đạo đức căn bản sẽ tạo nền một môi trường giáo dục toàn diện. Tham gia vào kinh tế để phát triển nền kinh tế bền vững, uy tín và chất lượng dựa trên nền tảng chánh nghiệp, chánh mạng và chánh tinh tấn trong Bát chánh đạo. Nếu làm được như vậy, người Phật tử đống góp một phần lớn trong việc xây dựng đời sống hạnh phúc an lạc cho cuộc đời một cách thiết thực đúng theo lời Phật dạy.
Đức Phật, nhà đạo đức, nhà giáo dục, nhà tâm lý vĩ đại đã chỉ ra căn nguyên của mọi tranh chấp, xung đột và đưa ra phương pháp để hóa giải hận thù, tranh chấp, và xung đột ấy. Việc thiết lập nền tảng đạo đức để tạo nên lối sống lành mạnh là điều kiện thiết yếu trong việc kiến tạo hạnh phúc an lạc lâu dài cho đời sống của con người. Dựa trên nền tảng đạo đức, con người thiết lập một đời sống an bình, và thịnh vượng. Do vậy, bất kỳ ở đâu, giai đoạn nào thì đạo đức và lối sống lành mạnh cần phải được giữ gìn, phát triển. Khi tất cả mọi người đều ý thức đầy đủ về giá trị của đạo đức thì cuộc đời sẽ trở nên thanh bình, hạnh phúc và an lạc. Giá trị đời sống sẽ được nâng cao, năng lượng thiện lành sẽ lan tỏa khắp mọi nơi.
Ghi chú:
[1] See, Bhadantácariya Buddhaghosa, Visuddhi Magga, Bhikkhu Náóamoli (tran.s), The Path of Purification, Buddhist Publication Society, Columbo, 2010, p.48.
[2] Albert Schweitzer – Indian thought and its development, p. 117.
[3] Hòa Thượng Thích Minh Châu, Năm giới – Một nếp sống an lạc hạnh phúc, http://www.phatgiaohue.vn
[4] Bhikkhu Bodhi (trans.) Anguttara nikāya, The Numerical Discourses of the Buddha, Wisdom publications, Boston, 2012, p. 457.
[5] Maurice Walshe (trans.), Dῑgha nikāya, The Long Discourses of the Buddha, Wisdom Publication, Bostion, 2012, p. 395.
[6] Bhikkhu Bodhi (trans.), Anguttara nikāya (II.75), The Numerical Discourses of the Buddha, Wisdom publications, Boston, 2012, p. 254.
Văn hóa Phật giáo số 303.
Thư Viện Hoa Sen
Discussion about this post