CƠN SÂN HẬN
Tâm Minh Ngô Tằng Giao
Trong
cuộc sống hằng ngày đôi khi tâm con người trở nên giận dữ, không kiềm chế được nên
đã biến thành thù hận, từ đó thường xảy ra những sự xung đột, ấu đả và có thể
đi đến chỗ gây thương tích hay giết người không chút xót thương. Báo chí thường
đăng quá nhiều tin tức về hậu quả xảy ra bắt nguồn từ những cơn giận dữ đủ loại.
Mới đây nhất, tháng 1 đầu năm 2014 này, tại
Miami, Florida, Ông
Curtis Reeves, 71 tuổi, cựu đại úy cảnh sát, đang xem phim trong rạp thì xảy ra
vụ cãi vã với hai vợ chồng ông Chad Oulson, 43 tuổi, là những người ngồi ở băng
ghế trước. Nguyên do: Ông Oulson bấy giờ đang dùng điện thoại di động để gửi
text hoặc gọi cho trung tâm giữ trẻ để biết tin tức về đứa con gái ba tuổi ở
đó. Hai bên lời qua tiếng lại. Theo biên bản lập khi bắt giữ, ông Reeves rút
súng bắn ông Oulson ngay khi ông này đứng dậy, và đánh vào mặt ông này bằng một
vật gì không rõ. Viên đạn trúng vào ngực ông Olson cũng trúng vào tay bà vợ ông
này. Ông Reeves hiện phải trực diện với án tù chung thân nếu bị kết án về tội
sát nhân.
Còn biết
bao chuyện khác ở Mỹ. Tại Tacoma, Wash. vào tháng 11 năm 2013 ông già Zesbaugh
72 tuổi bị tuyên phạt tới 6 tháng trong nhà tù sau khi nhận tội là đã bạo hành
và ác ý quấy rối hai phụ nữ. Nguyên do cũng là chuyện nổi giận khi lái xe trên
đường, ông William nghĩ rằng người đàn bà kia đã lái xe cúp ngang đầu xe của
ông khi quẹo xe vào một bến phà. Ông lái xe theo họ, nhấn còi ầm ỹ rồi chạy tới
sau xe họ khi họ ngừng ở một bảng stop. Khi người đàn bà xuống xe, ông cầm cái gậy
dùng để khóa tay lái xe và đánh bà ta. Một nhân viên bến phà nhảy ra can thiệp
chấm dứt sự đả thương này.
Tại
Kennesaw, Ga. vào tháng 10 năm 2013 nàng Lashayla 22 tuổi, bị truy tố về tội tấn
công và giết chết sinh viên Kim Kilgore, 21 tuổi trong một buổi sáng. Nàng dùng
súng ngắn bắn nạn nhân ở bãi đậu xe. Nạn nhân được chở vào bệnh viện và sau đó
đã chết. Báo chí cho
biết nguyên do cũng là nổi cơn giận giữ
khi lái xe mà thôi
(the crime began as a road rage incident).
Tại Boise,
Idaho, vào tháng 11 năm 2013, chàng Fisher 35 tuổi bị truy tố về tội sát nhân
khi rút súng bắn vào đầu một chàng trẻ tuổi khác, mới 25 tuổi, lúc nạn nhân
trên đường lái xe về nhà sau khi tan sở. Nguyên do chỉ vì có sự đụng nhau giữa
hai xe.
Tại Texas vào
năm 1998 Feldman, 55 tuổi, lái xe mô tô trên xa lộ bị xe vận
tải hạng nặng 18 bánh của Everett, 36 tuổi, cúp ngang. Hắn bèn bắn vài phát
súng vào sau xe vận tải. Sau đó hắn nạp thêm đạn và chạy lên ngang xe tải, bắn
vào Everett giết chết người này. Hắn lại còn kiểm soát thấy đúng là tài xế xe
tải đã chết hắn mới lái xe mô tô bỏ đi về nhà. Trên đường về nhà, 45 phút sau,
hắn trông thấy một chiếc xe vận tải 18 bánh khác của Velasquez, 62 tuổi, đang
ngừng đổ săng. Không quen biết nhưng ngứa mắt, hắn lại ghé vào trạm săng và bắn
2 phát súng vào lưng giết người tài xế này. Một tuần sau Feldman lại bắn Vega
khi người này đang đứng bên ngoài một quán ăn. May mà Vega sống sót.
Trước tòa án Feldman khai rõ rằng hắn bắn
Everett vì nổi cơn giận khi bị
Everett cúp ngang đầu xe (a
result of his anger at Everett for
cutting him off). Sau đó
hắn bắn Velasquez chỉ vì ông này đứng cạnh cái xe 18 bánh hình ảnh này khiến
hắn lại nổi sân (explode again in anger.) Feldman bị tuyên án tử hình. Án đã được
thi hành (Texas executes
man who killed truckers in road rage.)
Rồi đến chuyện bên Trung Quốc. Tại Beijing vào tháng 7
năm 2013 một bà mẹ để đứa con gái nhỏ 2 tuổi ngồi trên xe đẩy hàng và đứng chờ
xe buýt ven đường. Li Ming lái chiếc xe hơi chở Han Lei, 39 tuổi, tới nơi và muốn
đậu xe vào chỗ đó. Không được nhường chỗ nên xảy ra cãi lộn. Han Lei nhảy xuống
xe, đánh người mẹ ngã xuống đất, túm lấy đứa bé trong chiếc xe, nâng lên khỏi đầu
và ném đứa bé xuống đất. Em bé bị thương nặng và được chở vào bệnh viện nhưng
qua đời vài ngày sau đó. Han Lei chạy trốn nhưng rồi bị bắt. Toà xử Han Lei về
tội sát nhân và tuyên án tử hình. Tòa Án Tối Cao sẽ duyệt xét lại bản án này
theo luật. Li Ming lái xe cho Han chạy trốn khỏi nơi đó nên bị 5 năm tù về tội
che giấu người phạm tội.
Còn tại Việt Nam thời cũng quá nhiều chuyện sân hận. Tháng 9 năm 2013
tại quận Thanh Xuân, Hà Nội, ông Phúc, sinh năm 1950 và vợ là bà Loan có mâu
thuẫn cãi nhau về việc chồng vứt lọ mắm tôm của vợ vào thùng rác bốc mùi khó
chịu. Vợ đã nặng lời mắng chửi chồng về việc làm này. Sau khi cãi nhau với
chồng, vợ vào nhà vệ sinh đánh răng, rửa mặt chuẩn bị đi ngủ. Lúc này ông Phúc
quá tức giận, đã cầm một chiếc búa đinh thường xuyên để dưới gầm tủ quần áo,
đập liên tiếp 4 nhát vào đầu vợ, khiến bà Loan tử vong tại chỗ.
Tại
Hưng Yên, tháng 5 năm 2012 sau cuộc cãi vã, vợ và con của Thắng (sinh năm 1964)
giận dỗi bỏ về nhà bố mẹ đẻ. Thắng ấm ức đạp xe sang đó tìm nhưng không thấy.
Chỉ có một mình ông Ứng là bố vợ. Thắng hỏi bố vợ nhưng bố vợ không trả lời.
Sau vài câu nói, Thắng và bố vợ đã lời qua tiếng lại và xảy ra mâu thuẫn, cãi cọ
nhau. Trong lúc nóng giận Thắng đã chạy xuống nhà bếp lấy con dao gọt hoa quả
đâm liên tiếp vào đầu, tay, cổ và lưng ông Ứng. Do bị đâm trọng thương, mất máu
nhiều nên nạn nhân đã tử vong ngay sau đó.
Ở tỉnh Lâm Đồng Đà Lạt vào tháng 10
năm 2006 nhà của Công bốc cháy thiêu rụi tất cả bên trong. Cháu Nhựt, 1 tuổi, lồm
cồm bò, khóc ngất dưới nền gạch với những vết bỏng nặng nơi mặt và thân thể.
Cháu được bồng ra đưa đi cấp cứu nhưng chết vì vết thương quá nặng, Nguyên nhân
vụ cháy là do Thùy, vợ của Công. Gần đây giữa vợ chồng thường xảy ra mâu thuẫn,
gây gổ cãi vã. Hôm ấy vợ chồng cãi nhau Thùy bỏ mặc con nằm khóc, sang nhà mẹ
chồng chửi chồng một trận rồi về viết đơn ly dị. Công không ký bỏ đi, Thùy ở
nhà với con và trong cơn sân dữ dội người mẹ đành lòng đốt nhà giết con, một
cái chết thương tâm.
Năm
2012 trong một phút nông nổi, Trần Minh Công đốt nhà khiến mẹ bị chết. Chỉ vì tức
giận nhất thời mà đứa con được cho là xưa nay hiếu thảo đã gây họa cho gia đình.
Sau khi cân nhắc, tòa án Thành phố Đà nẵng đã tuyên phạt Công chín năm tù về tội
giết người.
Trãi, 48 tuổi, và chị A.
sống chung từ năm 2004. Đến năm 2010, hai bên mâu thuẫn nên chị A. đuổi Trãi.
Bực tức vì vừa mất việc và không còn chỗ ở (nhà bán, trả nợ bài bạc cho chị
A.), ngày 26.5.2010 Trãi mua xăng đem đến tạt vào người chị A. khi chị này đang
đứng gần bếp nên xăng bắt lửa gây bỏng nặng và tử vong sau đó. Trãi cũng bị
bỏng nặng hai tay. Tòa án tại Sài Gòn tuyên giảm án cho Trãi từ tử hình còn
chung thân vì nguyên nhân một phần lỗi xuất phát từ những cư xử không đúng của
chị A.
Sau thời gian quen biết Tây, 23 tuổi, cùng chị T. dọn về sống chung như vợ chồng tại một phòng
trọ. Cuộc sống đôi khi cũng có những xích mích, nảy sinh cãi vã. Một hôm tức
giận, Tây dùng tay đập mạnh làm cửa kính bị vỡ, sau
đó bỏ đi ra ngoài với bạn bè cho hả cơn nóng giận. Khuya đó, Tây về phòng,
những tưởng T. sẽ im lặng nhưng T. cứ lèo nhèo mãi khiến Tây lớn tiếng quát bắt im đi. Được đà, chị T. tiếp tục tuôn lời thách thức.
Tức giận, Tây tát vào mặt chị T. một cái trời giáng. Bị vợ phản đòn, Tây quật
ngã vợ xuống sàn nhà rồi bóp cổ đến khi vợ gục hẳn. Toà tuyên án chung thân về tội “Giết người”. Tây chống án. Tòa phúc thẩm, bác kháng cáo, và tuyên y án.
Chỉ điểm qua một số những bản tin trên chúng ta thấy khi
cơn sân hận nổi lên con người dễ phạm tội. Dù là trẻ hay già, dù là nam hay nữ,
dù là thân hay sơ, dù là Âu hay Á, dù Đông phương hay Tây phương… Báo chí khắp
nơi đăng tải dài dài mãi thôi!
*
“Sân” là cơn giận, lòng giận dữ, nóng
nảy, thù hận khi đối diện với một người hay một điều kiện không vừa lòng, không
được thỏa thích như ý muốn, bất bình vì bị xúc phạm… nhân đó làm những chuyện
sai trái. Sau cơn giận thời giữ lại lòng oán ghét tìm dịp mà trả thù. Hầu như
ai cũng từng nổi giận, trong một thời điểm nào đó, với một mức độ nào đó.
Sân hận là biểu hiện cho năng lượng
của tâm khi tham ái không được thoả mãn. Sở dĩ sân hận sinh khởi là do lòng yêu
thích “cái ta” hay thích “cái của ta”. Nếu người ta mắng nhiếc, chê bai kẻ nào
khác thời ta không thấy giận, nhưng nếu ai chửi bới hoặc khiển trách ta hay người
thân của ta, hoặc làm tổn hại tài sản của ta lập tức ta cảm thấy khó chịu ngay.
Khi khó chịu tăng dần thời sẽ trở thành nóng giận. Sân hận là cánh cửa mở vào địa ngục vì nó dẫn đến sự huỷ
diệt bản ngã.
Nhưng nên nhớ rằng trên đời này
không ai tránh khỏi bị khiển trách, bị chê bai, khó tránh khỏi miệng thế gian
như Đức Phật đã từng đưa nhận xét trong Kinh Pháp Cú:
nghe đây Chuyện không phải chỉ
đời này mà thôi Từ đời xưa đã nói rồi: “Làm thinh thời sẽ có
người chê bai, Nói nhiều cũng bị chê
hoài, Dù cho nói ít cũng
người chê thôi”. Làm người không bị
chê cười Thực là chuyện khó ở
nơi cõi trần.
Trong quá khứ, trong tương lai và trong hiện
tại chưa hề có người nào bị tất cả mọi người chê bai hay được tất cả mọi người
khen ngợi, đúng như lời Đức Phật dạy:
người ngoài khen ta Từ xưa chẳng thấy xảy
ra, Tìm trong hiện tại thật
là khó sao, Tương lai cũng chẳng
có nào.
Nhưng vì bị chê bai mà nổi sân thời tai hại
vô cùng vì lúc nóng giận thì con người không còn đủ bình tĩnh để tự kiểm soát
hành vi và ngôn ngữ của mình. Khi sân hận phát khởi, nó có khả năng hủy hoại
công đức và tâm an lạc. Kinh Hoa Nghiêm có nói: “Một niệm lòng sân hận nổi lên, thì trăm ngàn cửa nghiệp chướng đều mở ra.” Và: “Một đốm lửa sân, có thể đốt hết muôn mẫu rừng công đức.” Đức Phật
khuyên: “Hãy từ bỏ nóng giận thì phiền
não sẽ không đến với các ngươi.”
Phải
tu tâm để đạt tới “vô sân”. Vô sân là không nóng nảy, hết giận hờn.
Chúng sinh bị qua nhiều kiếp sinh tử luân hồi chính vì không thắng nổi lòng
sân. Chư Phật được tự tại, giải thoát, là do dứt trừ được lòng sân tận gốc. Điều
khó nhất là diệt trừ phẫn nộ ngay từ trong tâm. Khi tâm chúng ta không còn nghĩ
đến giận hờn thì tự nhiên cơn phẫn nộ sẽ không bộc phát.
Trong khi đốn cây để cất tịnh thất
cho mình, thầy Tỳ kheo nọ vô tình làm tổn hại đến cái chồi non của một vị thần
cây. Vị này nổi giận, muốn giết thầy nhưng kịp nghĩ suy nên kiềm chế được cơn
sân hận của mình đang phát sinh. Đức Phật tán dương và dạy:
ra Ai mà ngăn được mới
là người hay Giỏi như hãm lại được
ngay Chiếc xe đang chạy chở
đầy, phóng nhanh, Nếu không thì bản
thân mình Cầm cương hờ hững tài
tình gì đâu.
Đại
đức Mục Kiền Liên hỏi thăm nhiều vị Trời nhờ công đức gì mà được tái sinh vào cảnh
trời. Các vị này kể ra những hành động xem ra có vẻ không quan trọng lắm như
chân thật, nhẫn nại và bố thí v.v… Khi ngài Mục Kiền Liên bạch hỏi Đức Phật vậy
những hành động tuy nhỏ nhưng tốt lành có thể nào dẫn đến các cõi trời không, Đức
Phật dạy:
luôn luôn, Dẹp cơn nóng giận dỗi
hờn khó coi, Dù ta có ít của thôi Cũng chia bố thí cho
người đến xin, Nhờ ba việc tốt lành
trên Đưa ta đến cõi chư
thiên, cõi trời.
Giảng
về quả phúc của người cúng dường đến bậc hoàn toàn thanh tịnh, Đức Phật dạy rằng
cỏ dại làm hại ruộng vườn thời lòng sân hận cũng làm hại loài người. Vì vậy người
nào diệt hết lòng sân hận thì người đó đáng được ngưỡng vọng và khâm phục:
(Pháp Cú 357)
Cỏ hoang làm hại ruộngvườn Lòng sân gây hại nhiều
hơn cho người, Ai lìa sân hận được rồi Cúng dường vị ấy chẳng
nơi nào bằng Hưởng về phước báu vô
vàn.
Voi là một con vật quan trọng hàng đầu trong số những thú vật được con
người huấn luyện để sử dụng. Giống như voi với sức mạnh có thể bứng gốc một
thân cây, quấn vòi quanh thân cây ấy để mang đi dễ dàng, Đức Phật dạy rằng con
người cũng có thể tạo cho mình tiềm lực vật chất, nghị lực tinh thần, lòng kiên
nhẫn và sức mạnh, chẳng khác một con voi thuần thục. Luyện được lòng nhẫn nhục
mới là khó:
thay Luyện voi vua cưỡi
cũng hay vô cùng, Nhưng mà nếu luyện được
lòng Luôn luôn nhẫn nhục,
chẳng còn nổi sân Khi nghe phỉ báng bản
thân Mới là điêu luyện,
muôn phần tài hơn.
Đức
Phật dạy rằng tự chế ngự được mình mới là điều rất quý và người chịu cố gắng, đủ
nhẫn nại để tự huấn luyện mình thời cũng sẽ được hưởng kết quả tốt lành như người
đã khéo huấn luyện các con thú vật như la, ngựa và voi. Con người thuần thục,
giới đức trang nghiêm là hơn tất cả:
Con la được huấn luyện
qua Trở nên thuần tánh, tỏ
ra tốt lành, Ngựa nòi sinh chốn
sông xanh Sau khi huấn luyện,
trở thành ngựa hay, Voi ngà to lớn quý
thay Sau khi huấn luyện
voi này tuyệt luân, Con người nếu chính bản
thân Tự mình thuần hóa được
luôn chính mình Mới là người thật tài
tình!
Đức Phật khuyên chúng sinh hãy từ bỏ
cả tham lẫn sân. Ngài ví một chiếc thuyền như thể xác, như tấm thân con người
do năm uẩn tạm hợp. Thân này sẽ tan rã vì vô thường, nên xét kỹ thời thấy nó quả
thật trống không. Nước trong thuyền là những tư tưởng xấu cần diệt trừ. Tát cho
khô nước tức là dập tắt ngay lửa tham sân. Khi thuyền khô cạn nước thời thuyền
trở nên nhẹ nhàng để mau chóng qua bờ. Thân tâm dẹp sạch tham dục và sân hận thời
trở nên thanh tịnh, đó là điều kiện tốt để sớm chứng được cảnh Niết Bàn:
(Pháp Cú 369)
Tỳ Kheo tát nước thuyền
này Thuyền không nhẹ nhõm
xuôi ngay theo dòng, Tham và sân trừ diệt
xong Thân này cũng nhẹ
thoát vòng nhiễm ô Niết Bàn mau chóng
qua bờ.
Sân hận là tình trạng bất ổn
của tâm. Đối với Phật giáo, hoàn toàn không có cái gọi là sân hận chánh
đáng. Sự sân hận, dù ở mức độ nhẹ nhất cũng là bất ổn.
Nó được xem như thuốc độc gây hại cho “tâm”. Đức Phật kêu gọi chúng ta lấy tình
thương báo đáp thay vì thù hận. Lấy oán báo oán thời oán ấy chất
chồng. Lấy ân báo oán thời oán ấy mới tiêu tan. Khi sân hận
có mặt thì hạnh phúc không thể hiện diện trong tâm. Nếu chúng ta muốn thế giới
này bớt bạo động và trở nên nhân ái hơn thời trước hết chúng ta phải
đến với người bằng lòng nhân
ái, phải an hoà và trầm tĩnh. Đức Phật từng dạy:
Khắp nơi trong cõi dương gian Hận thù đâu thể xua tan hận thù Chỉ tình thương với tâm từ Làm tiêu oán hận, giải trừ hờn căm Đó là định luật ngàn năm.
Khuynh hướng của con người là mong cầu hạnh
phúc và loại bỏ đau khổ nên chúng ta nên tu tập để diệt trừ tâm sân hận. Đó
không phải là vấn đề cá nhân mà còn là vấn đề xã hội, bởi vì nếu chúng ta muốn
thay đổi xã hội, trước hết hãy thay đổi chính mình. Phật thuyết: “Vì vậy, các
ngươi phải rèn luyện chính bản thân
mình”. Ngài nói tiếp: “Nếu tâm bình thì ác khẩu không khởi, tâm chỉ còn niềm cảm
thông trọn vẹn và cởi mở, một tấm lòng đầy từ ái, không còn chi phối bởi bất cứ
ác nghiệp nào. Với tâm từ bi rộng lớn, sâu thẳm vô biên, ta sẽ cảm hoá những kẻ
ác nghiệp thoát khỏi sân hận và oán thù”.
Theo Kinh “Thập Thiện Nghiệp Đạo” người nào
không nổi sân, thì tâm không khổ não, tâm không tranh giành, tâm nhu hòa ngay
thẳng, tâm từ bi như Phật, thường làm lợi ích yên ổn cho các chúng sinh, thân
tướng trang nghiêm được chúng sinh tôn kính và vì có đức nhẫn nhục nên sẽ được
mau sinh lên cõi Phạm Thiên.
Khi nói về hậu quả của sự giận dữ, tác phẩm
“Hành Hạnh Bồ Tát” có ghi mấy câu:
“Bao nhiêu công đức tốt đẹp
Tích lũy trong một ngàn kiếp
Như bố thí, cúng dường chư Phật
Tất cả đều tiêu tan trong một cơn giận dữ.”
*
Đức Lạt Lai Lạt Ma từng
nói: “Không ai cảm thấy hạnh phúc khi tâm mình nổi cơn giận dữ. Bao lâu trong
lòng chúng ta còn chứa đầy sự thù hận, thì sẽ không bao giờ có hạnh phúc lâu
dài. Để đạt được sự an lạc, thanh bình và chân thực, chúng ta cần phải chế ngự
tính giận dữ và phát triển tình thương với cõi lòng rộng mở.” (How To Practice
The Way To A Meaningful Life.)
Ngài cũng dạy rằng: “Giận dữ và lòng
sân hận chính là kẻ thù của chúng ta. Chúng là những ác tính cần phải khắc phục
và loại bỏ, không chỉ nhất thời, mà phải thường xuyên liên tục trong suốt cả cuộc
đời của chúng ta.”
Có
truyện kể rằng: Một hôm, một vị samurai đến thu nợ của người đánh cá. Người này
nói: “Tôi xin lỗi, nhưng năm vừa qua thật tệ, tôi không có đồng nào để trả
Ngài.” Vị samurai nổi nóng, rút kiếm ra định giết người đánh cá. Nhanh trí, người
này nói: “Tôi cũng đã học võ và sư phụ tôi khuyên không nên đánh nhau khi đang
tức giận.” Vị samurai nhìn người đánh cá một lúc, sau đó từ từ hạ kiếm xuống. “Sư
phụ của ngươi rất khôn ngoan. Sư phụ của ta cũng dạy như vậy. Đôi khi ta không
kiểm soát được nỗi giận dữ của mình. Ta sẽ cho ngươi thêm một năm để trả nợ và
lúc đó chỉ thiếu một xu thôi chắc chắn ta sẽ giết ngươi.”
Vị samurai trở về nhà khá muộn. Ông nhẹ nhàng
đi vào nhà vì không muốn đánh thức vợ, nhưng rất bất ngờ khi thấy vợ mình và một
kẻ lạ mặt mặc quần áo samurai đang ngủ trên giường. Nổi điên lên vì ghen và giận
dữ, ông nâng kiếm định giết cả hai, nhưng đột nhiên lời của người đánh cá văng
vẳng bên tai: “Đừng hành động khi đang giận dữ.” Vị samurai ngừng lại, thở sâu,
sau đó cố tình gây ra tiếng động lớn. Vợ ông thức dậy ngay lập tức, kẻ lạ mặt
cũng vậy, hoá ra đó chính là mẹ ông. Ông gào lên: “Sao lạ vậy. Suýt nữa con đã
giết cả hai người rồi!” Vợ ông giải thích: “Vì sợ kẻ trộm lẻn vào nhà nên thiếp
đã cho mẹ mặc quần áo của chàng để dọa chúng.”
Một năm sau, người đánh cá gặp lại vị
samurai và phấn khởi nói: “Năm vừa qua thật tuyệt vời, tôi đến để trả nợ cho
Ngài đây, có cả tiền lãi nữa”. Vị samurai trả lời: “Hãy cầm lấy tiền của ngươi
đi. Ngươi đã trả nợ cho ta rồi!”
*
Nguyện cho tất cả chúng sinh nhổ bật hết mọi cội rễ sân hận và oán thù
để trở thành hiện thân của tình thương bao la, trí tuệ và
bi mẫn trong một cuộc sống đầy an lạc!
Tâm Minh Ngô Tằng Giao
(Tháng 1- 2014)
Discussion about this post