CHUYỆN HAI NGƯỜI VÔ GIA CƯ
Tâm Minh Ngô Tằng Giao
Tháng 9
năm 2013, Glen James, một
người vô gia cư (homeless), sống ở một nơi cư trú dành cho người không nhà (shelter)
ở Boston. Ông bất ngờ kiếm thấy một cái ba lô (backpack) ai bỏ quên trong một
thương xá. Ông vẫy tay chặn một viên cảnh sát lại và trao cái ba lô lượm được
cho viên cảnh sát. Cái ba lô trong đó có chứa $2,400 tiền Mỹ và gần 40,000 chi
phiếu du lịch (traveler’s check) cùng với sổ thông hành và một số giấy tờ cá
nhân khác.
James làm tùy phái tại một tòa án, vô
gia cư từ năm 2005 sau khi bị mất việc. Ông bị bệnh trong lỗ tai, luôn gây ra
chóng mặt nên không kiếm được việc làm nào khác. Ông sống bằng phiếu trợ giúp thực
phẩm và xin tiền các người qua lại trên đường phố.
Về phần người mất của là một sinh
viên người Trung Hoa. Anh đem chuyện sui sẻo của mình kể lể cho những nhân viên
trong một cửa tiệm nghe. Những người này bèn giúp gọi báo cho cảnh sát. Cảnh
sát kiểm tra thấy đúng nên trao trả chiếc ba lô cho khổ chủ.
Cảnh
sát Boston tổ chức một buổi lễ tuyên dương James và trao bằng khen. Nhân dịp
này James nói là mình cảm thấy rất thoải mái khi làm việc đó và cũng gửi lời nhắn
cám ơn đến tất cả những khách bộ hành lạ mặt đã từng cho ông tiền khi ông ngồi
trên đường phố trong thời gian qua. James thổ lộ là ông không nói nhiều vì bị “cà
lăm” nên trao cho cảnh sát một tờ giấy trong đó viết là “dù ông có quá nghèo
chăng nữa ông cũng không muốn giữ lại một xu nào của người khác khi tìm thấy…” James
đầu hói, đeo kính, người nhỏ nhắn tỏ ra thân mật nhưng e thẹn. Khoảng trên 50
tuổi.
Sau khi biết tin đó trên internet, một
người lạ mặt 27 tuổi, ở Midlothian, Va., làm giám đốc kế
toán cho một cơ sở tiếp thị, tỏ ra thán phục sự lương thiện này. Anh tên là
Whittington. Anh mở một quỹ lạc quyên cho James. Với ý nghĩ James đã hoàn trả $40.000
thì đáng được quyên tới $50.000. Kết quả tốt không ngờ. Chỉ trong một ngày đầu
mà đã thu được hơn số tiền này.
Sau đó trong 2 ngày quyên được hơn $100,000.
Hơn 4,000 người gửi tặng. Sau 2 tuần lễ tiền quyên tặng đã lên tới hơn $150,000.
Hơn 6,000 người tặng. Cả ở Mỹ lẫn các nước khác như Ba Tây, Pháp và Úc v.v… Người
ta tặng cả máy vi tính, quần áo, thực phẩm v.v… Anh Whittington nâng mục tiêu lên,
hy vọng đạt tới $250,000 để ông James có thể mua được một căn nhà làm nơi cư trú.
*
Nhân
dịp này mọi người lại nhớ tới chuyện của một ông vô gia cư khác nữa, xảy ra khoảng hơn nửa năm trước, đó là ông Billy Ray Harris.
Vào tháng 2 năm 2013, tại Kansas City, Mo., bà Sarah đi trên đường, có lòng tốt
nên bỏ ít tiền lẻ vào trong chiếc ly để biếu cho một người “ăn mày vô gia cư”
(homeless begger) ngồi ăn xin bên lề đường tên là Harris, 55 tuổi. Ông này thường
ngủ dưới gầm một cây cầu.
Bà có hai chiếc nhẫn, một nhẫn đính
hôn và một nhẫn cưới. Có lẽ đeo trên tay lâu năm làm tay bà chật chội khó chịu hay
sao đó nên bà tháo ra và cất trong ví tiền của mình. Khi thò tay lấy một nắm tiền
lẻ trong cái ví tiền này để bố thí bà đã vô tình bốc theo luôn cả chiếc nhẫn
đính hôn bỏ vào trong ly của người ăn xin.
Khi bà khách đã đi rồi ông Harris mới
khám phá ra chiếc nhẫn. Ông biết ngay là có sự lầm lẫn. Thoạt tiên ông có ý định
muốn bán chiếc nhẫn đi. Ông mang tới một tiệm kim hoàn tại địa phương và được đề
nghị trả $4,000. Nhưng sau khi suy nghĩ lại thời ông giữ chiếc nhẫn này kỹ càng,
không bán nữa, chờ chủ nhân trở lại. Quả nhiên mấy hôm sau khi bà hảo tâm quay
lại ông đã vui vẻ hoàn trả ngay chiếc nhẫn. Không ngờ đây lại là một quyết định
làm thay đổi cả cuộc đời ông về sau này.
Một người bạn của bà Sarah kể chuyện
này cho một phóng viên đài tin tức ở địa phương. Thế là câu chuyện được phóng lên
khắp nơi. Bill, chồng bà Sarah cảm động về sự thật thà và tử tế của Harris nên
thiết lập ngay một cuộc quyên tiền cho Harris trong 90 ngày trên internet. Mong
quyên được $4,000. Không ngờ là Harris nhận được hơn $190,000 sau 3 tháng quyên
góp.
Khi hay biết hành động không tham
lam của Harris và lòng biết ơn của vợ chồng bà Sarah nhiều người lạ tìm tới
Harris để khen ngợi và biếu đồ ăn. Một người viết: “Thật là quý hóa khi thấy sự
thật thà vẫn còn tồn tại mà ông Harris là một điển hình.” Người này tặng 25$. Một
người khác tặng 100$ và viết thêm: “Mọi người trên khắp thế giới đều hoan
nghênh!” Những món tiền tặng dữ nhiều ít khác nhau – hơn 8,000 khoản – đến từ
khắp nơi trên đất Mỹ, lẫn Đức, Thụy Điển, Úc, Ái Nhĩ Lan và các quốc gia khác.
Thêm vào những lời chúc mừng và khen ngợi, một vài người tặng tiền cũng nói sẵn
sàng giúp đỡ thêm cho Harris để quản lý số tiền nhận được. Harris nhận được 758
cái ôm quý hóa (hugs) của khách qua đường.
Chính Harris thì tỏ ra sửng sốt vô
cùng và nói trong một cuộc phỏng vấn rằng không ngờ cả thế giới lại quan tâm
như thế đối với một người hoàn trả lại một thứ gì đó không thuộc quyền sở hữu của
mình.
Harris nói: “Tôi không phải là thánh nhưng cũng chẳng phải là quỷ.” Harris nay có một xe
hơi và có tiền đặt cọc để mua một căn nhà. Ông dự định mở một công ty sơn nhà cửa.
Một điều không ngờ khác là nhân dịp này Harris
trở nên nổi tiếng và sau khi xuất hiện trên đài truyền hình thời thân nhân ở phương
trời xa nhận diện được ra ông và tìm cách báo tin. Ông có dịp đoàn tụ với các
người em gái mình sau gần 16 năm mất liên lạc. Gia đình tưởng là Harris đã chết
mất rồi.
*
Câu chuyện về lòng chân thật của James và
Harris, hai người vô gia cư tuy nghèo khổ nhưng không tham lam này khiến chúng ta nhớ
đến những lời Đức Phật từng dạy về “Tham,
Sân và Si”. Trong
Kinh Pháp Cú Đức Phật dạy rằng tam độc “tham, sân,
si” là những nguyên nhân gây ra bất hạnh
và phiền não, ưu tư cho con người, cần phải tiêu diệt. Tham, sân, si có thể được
tìm thấy một cách dễ dàng nơi hành động, ngôn ngữ, và ý nghĩ của chính mình
cũng như của kẻ khác. Kinh nghiệm cho ta biết bất cứ ở đâu hay lúc nào, nếu
tham sân si có mặt và ngự trị thì cuộc sống riêng hay chung đều trở nên xấu xa
đau khổ. Tham sân si là sản phẩm của con người và xã hội và chính chúng là
nguyên nhân làm hư hại cuộc sống an lành của loài người giống như bông tre nở từ
cây tre và là biểu tượng suy tàn của cây tre, nghĩa là khi tre trổ bông là lúc
tre tàn lụi.
Việc thực hiện con đường đi ra khỏi
“tham, sân, si” luôn luôn được Đức Phật quan tâm và khuyến khích các đệ tử của
Ngài hành trì để từ đó các pháp an lạc được tăng trưởng và các pháp khổ đau được
diệt trừ. Nếu không khéo hành trì thì không những các khổ đau tăng trưởng mà
các thiện pháp cũng bị tiêu trừ. Nếu ai ráng tu tập và trau dồi tâm trí
để thoát khỏi vòng phiền não “tham, sân, si” tất nhiên người ấy sẽ được hoàn
toàn giải thoát.
Đức Phật cũng nói
cho chúng ta biết còn có ba pháp nữa là “Vô tham, Vô sân, Vô si” là những
yếu tố tâm lý cần nên phát triển để xây dựng cuộc sống an lành. Muốn phát triển
ba pháp thiện này chúng ta phải tu dưỡng theo chánh đạo gồm “Giới, Định và Tuệ”.
Lời khuyên thời thật dễ dàng, nhưng loài người đâu có dễ dàng phục thiện.
Vì con người, đã lâu đời lâu kiếp bị những phiền não căn bản nhiếp phục chi phối.
Theo Phật Giáo, pháp học sẽ không bổ ích nếu không thật sự thực hành điều
đã học. Như vậy, Phật Giáo không phải là một triết học suông mà là con đường
giác ngộ duy nhất.
Riêng về khoản tham thời cần hiểu rằng “Tham” là tham lam, là ham muốn thái quá.
Lòng ham đó chẳng hề biết chán, càng được thời càng ham. Tham cho mình, rồi
tham cho cả bà con quyến thuộc, quốc gia, xã hội của mình. Cũng vì lòng tham,
mà nhân loại tranh giành giết hại lẫn nhau. Kẻ tham hay ghen ghét những người
thành tựu. Nếu có tâm tham thời phải “tu
tâm” ngay, phải tập tính “thiểu dục
tri túc”. Thiểu dục là muốn ít, tri túc là biết đủ. Người thiểu dục, tri
túc thì có một đời sống giản dị, thanh cao và an toàn vì biết đủ với những thứ
mình đã có. Bỏ dần lòng tham đi để đạt tới được “vô tham.”
Ở đời, có năm món dục lạc, mà người ta thường
ham muốn nhất là: tiền tài, sắc đẹp, danh vọng, ăn uống, ngủ nghỉ. “Ngũ trần dục lạc” ấy, thật ra, vui ít mà
khổ nhiều. Tham tiền thời phải đày đọa thân sống, đôi khi còn dùng những phương
tiện bất chính để chiếm đoạt và khi mất thì lại đau khổ. Đối với sắc đẹp nên
quán thân là bất tịnh, tham sắc thì nhiều khi lại lao vào những mưu chước tồi tệ
để thỏa lòng dục vọng. Tham danh vọng, quyền tước thì phải vào lòn ra cúi, lao
tâm khổ trí. Tham ăn uống cao lương mỹ vị thì bị nhiều bệnh khó trị, thân thể mệt
nhọc, mạng sống không thọ. Tham ngủ nghỉ thì trí não hóa đần độn. Ngũ trần dục
lạc đó chính là những nguyên nhân ràng buộc kiếp người vào vòng sinh tử, luân hồi,
sa đọa.
Truyện tích kể rằng một phú gia không con,
chết đi, bỏ lại tất cả tài sản sự nghiệp lớn lao. Vua truyền lệnh cho nhập gia
sản của ông vào quốc khố và đến hầu Đức Phật. Vua bạch lại tự sự với Đức Phật
và ghi nhận rằng mặc dầu nhà phú gia này ở gần nơi Đức Phật ngự, không bao giờ
ông để bát cúng dường Ngài. Nhân cơ hội này Đức Phật kể thêm về tiền kiếp của
phú gia là đã từng làm việc thiện bằng cách cúng dường một vị Bích Chi Phật
nhưng lại tiếc của đem cúng và còn phạm một tội ác là giết cháu ruột để giành
gia tài của anh mình. Đức Phật nhân đó dạy trong Kinh Pháp Cú rằng:
Đức Phật ngợi khen người không tham lam và
khuyên mọi người nên cúng dường các vị đó. Nhưng khi bố thí nên suy xét kỹ
càng. Làm vậy sẽ tương tự như nếu đem hạt giống mà gieo trên đất lành, đất màu
mỡ thời hạt mới đơm hoa, kết trái sum suê. Nếu gặp người thọ thí có đức hạnh mà
bố thí sẽ được phước báu nhiều. Giảng về quả phúc của người cúng dường đến bậc
hoàn toàn thanh tịnh, Đức Phật dạy tham như cỏ hoang làm hại ruộng nương, đây
là làm hại “đất tâm” của người tu hành và trị tham chẳng gì hơn là việc bố thí:
Đức Phật còn dạy là đừng để tham và sân, đừng
để tội lỗi lôi mình vào cảnh khổ. Tội lỗi ở đây nghịch nghĩa với chánh hạnh, là
không theo giáo pháp, trong câu sau này có nghĩa là sân hận. Căn nguyên của điều
ác là tham lam và sân hận:
Không tham cũng được hiểu là không trộm cắp tức là không lấy những
tài vật thuộc quyền sở hữu của người khác mà không có sự ưng thuận của họ. Đức
Phật cấm trộm cắp vì lý do tôn trọng sự công bằng, tôn trọng sự bình đẳng, tôn
trọng quyền tư hữu, diệt trừ lòng tham, nuôi dưỡng lòng từ bi và tránh nghiệp
báo oán thù. Trong khi cố gắng lánh xa hành động trộm cắp con người cũng phát
triển đức tính liêm khiết, chân thật và chính trực.
Một vị A La Hán trên đường đi khất thực về
thấy một miếng vải bị gió bay rơi dưới đất, vừa lượm lên thì chủ khúc vải nhận
thấy, tri hô là ngài lấy trộm. Ngài giải thích rằng ngài không có ý định trộm cắp
và trao trả vải lại cho chủ. Nhưng người kia đem câu chuyện thuật cho các vị
khác nghe, và các vị ấy cười chê ngài. Đức Phật giải thích rằng chư vị A La Hán
không khi nào còn trộm cắp của người:
người không cho Dài hay ngắn, nhỏ hay
to Dù tốt hay xấu, dù hư
hay lành Bà La Môn thật xứng
danh.
Không lấy của người, không lấy của không
cho, mà trái lại còn lấy của mình để đem bố thí cho những kẻ thiếu thốn. Nếu
không gian tham trộm cắp, mà lại làm hạnh bố thí thì theo kinh “Thập Thiện Nghiệp
Đạo” được những pháp lành như sau: “Tiền của có dư không bị nạn giặc giã cướp mất
hay bị chính quyền tịch thâu, không bị nạn lụt trôi, lửa cháy và con cái phá
tán; Được nhiều người tin cậy; Không bị lừa dối, gạt gẫm; Xa gần đều khen ngợi
lòng ngay thẳng của mình; Lòng được an ổn, không lo sợ vì sự tổn hại gì cả; Khi
chết rồi được sinh lên cõi trời”. Cũng được thành tựu những điều tốt đẹp sau
đây: “Ba nghiệp thân, khẩu, ý được tự tại, của cải không bị mất mát, hưởng phúc
đức và những sự tốt đẹp sẽ đến với mình, mặc dù mình không mong ước.”
Một điểm cần nói thêm nữa là vấn đề “nhân
quả”. Trong báo chí, tờ Huffington Post nhận xét về sự lương thiện của ông
James là: “Homeless Man Who Returned
$40,000 Finds Out That Karma Is Just The Greatest.” (Người vô gia cư trả lại 40 ngàn đã nhận chân rằng nghiệp quả là điều vĩ
đại nhất). Báo đó đưa ra lời
kết luận: “Karma really is a wonderful
thing, isn’t it?” (Nghiệp quả đích thật là một điều
tuyệt hảo, phải không nào?)
Những tư tưởng và hành vi xấu xa tạo cho con người những hậu quả đen tối
nhục nhã, khổ đau như thế nào thì trái lại những tư tưởng và hành vi đẹp đẽ sẽ tạo
ra những hậu quả xán lạn, vinh quang và an vui cũng như thế ấy. Chuyện về hai
người “vô gia cư” James và Harris nói trên đã chứng minh cho chúng ta thấy cái “quả” tốt đẹp, bất ngờ đã gặt hái được
khi họ gieo “nhân” tốt, đó là tính chân
thật, không tham lam, “vô tham.”
Giao (Mùa Lễ Tạ Ơn Thanksgiving, tháng 11-2013)
Discussion about this post