CHÚNG TA ĐANG SỐNG
Thị Giới
Nhà thơ Thanh Tâm Tuyền có lần viết:
Tôi gọi tên tôi cho đỡ nhớ
Thanh Tâm Tuyền. (Phục sinh)
Có thể nói đó là nỗi bi quan lớn nhất của con người: Không nhận ra rằng mình đang sống. Và dường như thế giới ngày nay đang trải qua cơn khủng hoảng như vậy, dẫn đến sự phổ biến của Thiền Chánh niệm như một phương tiện tìm lại một phần đời sống, một phần “con người” của mình.
Vâng. Chúng ta đang sống. Đó là một sự thật, ít nhất trong thế giới hiện tượng, nơi chúng ta đang lăn lộn trong đó. Vì vậy, biết rằng chúng ta đang sống là một việc quan trọng.
Chúng ta cũng biết rằng sự sống của chúng ta không tách rời với thế giới chúng ta đang sống, chủ thể không tách rời đối tượng, hay nói cách khác: chủ thể và đối tượng là một. Núi, sông, bầu trời, gia đình, xã hội… là thân-tâm của chúng ta.
Kinh nói: “Ba cõi không rời tâm. Không có gì ngoài tâm. Tâm, Phật, chúng sanh không phân ly”.
Do đó, biết chúng ta đang sống cũng là biết thế giới đang sống, đồng thời cũng biết rằng chúng ta đang chết và thế giới cũng đang chết. Tất cả đang sống và đang chết.
Sống và chết có thể nói là vấn đề được quan tâm nhiều nhất trong tâm tư loài người từ xưa đến nay. Những câu hỏi như “Chúng ta sinh ra từ đâu và chết đi về đâu?”, “Đâu là ý nghĩa của đời sống?” v.v., là những vấn đề không ngừng đặt ra cho triết học, tôn giáo, cũng như cho nhiều cá nhân từ ngàn xưa cho đến ngày nay. Chúng ta xây dựng đời sống cá nhân, gia đình, xã hội, tôn giáo, vật chất cũng như tinh thần trên cái thấy, quan điểm, cảm nhận về sống và chết.
Nhưng làm thế nào để chúng ta có thể thấy được sự sống như chính nó, giải quyết những câu hỏi ngàn đời kia để sống được bình an và hạnh phúc, là nhu cầu muôn thuở của mọi chúng sanh?
Trong tiểu luận “Thương yêu, Mất mát, Lo sợ”, Norman Ficher viết:
“Chúng ta nhận biết cái nền tảng nhất của mọi sự: chúng ta đang sống. Chúng ta là một con người đang hiển lộ, đang sống, đang thở. Chúng ta có thể thực sự cảm nhận điều nầy – cảm nhận cảm giác đang sống. Chúng ta có thể dừng lại trong cảm nhận nền tảng đó, là bản chất của đời sống, của ý thức, là nền tảng của mọi sự. Không đòi hỏi, không tìm kiếm. Cái đó ở ngay đó, một món quà đã sẵn ở đó cho chúng ta. Nó sẽ không kéo dài mãi mãi, nhưng ngay bây giờ, nó ở đây, toàn hảo, trọn vẹn. Và chúng ta đang chia sẻ nó với mọi thứ khác hiện hữu một cách trọn vẹn, căn bản và đẹp đẽ. Cho dù những khó khăn và thách thức, chúng ta đang là, chúng ta đang hiện hữu trong thế giới rạng rỡ nầy với những người khác, với cây cối, bầu trời, nước, ngôi sao, mặt trời, mặt trăng”.
Có người bạn trẻ hỏi: “Vì sao ‘nó sẽ không kéo dài mãi mãi’”. Xin trả lời: Vì trong sống có chết. Mỗi sát-na là sống và chết, là một đời sống mới.
Trong thực tế, hầu như tất cả chúng ta đều đã từng chạm mặt với sự sống toàn thể đó, vì nó luôn luôn hiển lộ chưa từng che giấu như các vị Thiền sư thường nói. Nó hiển lộ trong trong mọi bắt gặp, mọi hoạt động của chúng ta. Đã không ít lần, một khoảnh khắc bất ngờ nào đó mở ra cho chúng ta cảm nhận sự nhất thể của thân, tâm và thế giới, khi trí phân biệt chưa kịp chen vào. Nó hiện ra ngay trong cái chớp mắt, nhướng mày, trong tiếng búng tay, trong nụ cười yên lặng trước cành hoa yên lặng…
Đó là nhận ra sự toàn vẹn của chúng ta, sự toàn vẹn của đời sống. Lúc đó chúng ta cũng thấy được sự toàn vẹn của thế giới, của mọi loài.
Khi giác ngộ, Đức Phật đã thốt lên: “Tất cả mọi chúng sanh, mọi sự vật, và đại địa ngay lúc nầy đều giác ngộ và toàn hảo”.
Đó là một sự hoàn hảo và toàn vẹn nền tảng trong mọi thứ.
Thiền sư Dainin Katagiri (Phiến Đồng Đại Nhẫn) viết: “Tôi nghĩ rằng mỗi người đều có kinh nghiệm về sự hợp nhất với hành động. Nhưng khó để có thể ở lại trong đó và lưu giữ nó, vì chúng ta không chấp nhận tình trạng thoải mái đó với sự tin tưởng hoàn toàn. Ngay lập tức, chúng ta sợ hãi. Một cách ý thức hay vô thức, chúng ta muốn trở về với hình tướng sắc thân của chúng ta vì đó là thói quen, tập quán của đời sống chúng ta”. (Each Moment Is the Universe)
Đi sâu vào cái thấy toàn vẹn về đời sống, như các vị cổ đức nói, chúng ta sẽ thấy sự hiển lộ của cả sống và chết cùng một lúc. Khi đó, sống vượt khỏi sự sống và chết vượt khỏi sự chết. Một thế giới “đến như vậy”, “như thị” hiện ra cho chúng ta.
Với đạo Phật, sống và chết không đối nghịch mà là một. Khi nào chúng ta nhận ra cả sự sống và sự chết đều đang cùng hiển lộ, khi đó chúng ta thấy toàn bộ đời sống. Khi đó, chúng ta sẽ nhận ra tính chất vô thường đồng thời nhận ra sự bình an tịch diệt thật sự của đời sống. Và khi đó chúng ta mới có được Từ Bi Hỉ Xả chân thật – Từ Bi Hỉ Xả trong tánh Không.
Như chúng ta biết, tánh Không, cốt lõi của đạo Phật, được ngộ nhập bằng ba con đường chính:
1.Con đường quán Vô thường.
2.Con đường quán Duyên khởi.
3 Con đường trực chỉ vào tánh Không bản nguyên, tức Trí bất nhị vô phân biệt, cũng là Trí tuệ Bát-nhã Ba-la-mậtđa thâm sâu. Đây là trường hợp các vị Thiền sư và Bồ-tát lớn như Bồ-tát Quán Tự Tại trong Bát-nhã Tâm kinh.
Con đường nhận ra một lúc toàn bộ đời sống – bao gồm sống và chết – tức nhận ra Niết-bàn ngay trong sinh tử, thuộc về con đường thứ ba. Ở đó, tánh Không bản nguyên hay Trí tuệ bất nhị được ngài Đạo Nguyên gọi là đời sống của Phật hay Tâm Phật:
“Nếu ông tìm Phật bên ngoài sống và chết thì giống như muốn đến nước Việt phương Nam mà đi về phương Bắc, muốn thấy sao Bắc Đẩu mà nhìn về phương Nam, chỉ chìm đắm trong sinh tử không có lúc ra.
Chỉ cần biết rằng sống-và-chết chính là Niết-bàn. Không có sinh tử nào bị diệt mất, không có Niết-bàn nào được tìm thấy. Chỉ khi nào nhận ra điều nầy ông mới thoát khỏi sinh-tử.
Thật sai lầm khi nghĩ rằng sự sống đưa đến sự chết. Sống là một toàn bộ quá trình tự hoàn thành trong chính nó, với quá khứ và tương lai của nó. Vì vậy, trong Phật pháp, sống được hiểu là không-sống (vô sanh). Chết là một toàn bộ quá trình tự hoàn thành trong chính nó, với quá khứ và tương lai của nó. Vì vậy, chết được hiểu là không-chết (bất diệt).
Trong sống không có gì ngoài sống. Cũng vậy, trong chết không có gì ngoài chết. Không bỏ cũng không bám. Sống và chết nầy là đời sống của Phật. Nếu ông muốn loại trừ nó ông sẽ đánh mất đời sống của Đức Phật. Nếu ông bám vào nó, cố gắng để ở trong đó, ông cũng đánh mất đời sống của Đức Phật, và cái còn lại chỉ là hình tướng của Phật. Chỉ khi nào ông không ghét bỏ sống và chết hay bám víu vào chúng, ông bước vào tâm Phật.
Tuy nhiên, đừng phân tích hay nói ra. Để bên ngoài thân và tâm của ông, quên chúng đi, và liệng chúng vào ngôi nhà của Phật; rồi thì mọi sự sẽ được Phật hoàn thành. Khi ông làm theo cách nầy, ông sẽ tự do khỏi sống và chết và trở thành vị Phật không cố gắng, không suy lường.
Có một cách đơn giản để thành Phật: Không làm các việc ác, không bám vào sống và chết, từ bi đối với tất cả chúng sanh, kính trọng người lớn tuổi và từ ái với người nhỏ tuổi, không bỏ không bám một thứ gì, với tâm không tính toán hay lo âu, ông sẽ được gọi là một vị Phật. Đừng đi tìm thứ gì khác”. (“Birth and Death” from Moon in a Dewdrop: Writings of Zen Master Dogen, translated by Kazuaki Tanahashi)
Thế nào là “Liệng sống và chết vào ngôi nhà của Phật”? Phải chăng đó có nghĩa là đặt sống-và-chết vào sống-và-chết, cũng là đặt sống-và-chết vào Từ Bi và tánh Không?
Thấy Niết-bàn ngay trong sinh-tử được gọi là Đốn ngộ. Và thật sự không có cách giải thoát khỏi sanh tử nào khác ngoài việc biết rõ sinh tử vốn rỗng không, không tác động. Sanh tử chỉ là sanh tử, và chấm hết ngay đó, trong từng sát-na. Đó là cách người Phật tử giải quyết sống chết, vượt qua sống chết. Đó là sự nhất thể của Trí tuệ và Từ bi trong đạo Phật. Đó là sự đến như vậy, hiển lộ như vậy của sống-và-chết tức của đời sống. Khi đó, “Toàn thể vũ trụ trở thành một. Khi chúng ta kinh nghiệm trực tiếp được hoạt động ‘đến như vậy’, chúng ta sẽ được ‘dừng nghỉ’ và tĩnh lặng… Đó là tình yêu chân thật, là chân lý cứu cánh”. (Lão sư Joshu Sasaki, Shambala Sun)
Với Từ Bi và tánh Không trong cái toàn thể rộng lớn, hành giả Phật giáo bước vào con đường Bồ-tát với tâm Bồ-đề, cưu mang và nguyện cứu vớt tất cả chúng sanh.
Với tâm Bồ-đề, cái toàn thể rộng lớn có thể được đặt vào trong cái nhỏ nhoi nhất. Toàn đại dương có thể đặt vào trong một giọt nước. Khi đó người hành giả vừa đồng hành với từng con sóng trôi lượn trên mặt đại dương, đồng thời lặn sâu vào trong lòng, trong đáy đại dương. Đó là sống và thở trong cái toàn thể của sự sống.
Và thật sự là chúng ta đang sống và thở trong cái toàn thể của sự sống. Trong hơi thở vào ra, có tánh Không, thanh tịnh và bình an. Trong tánh Không, thanh tịnh và bình an có Từ Bi Hỉ Xả. Từ Bi Hỉ Xả không tách rời pháp giới chúng sanh. Pháp giới chúng sanh nằm trong mỗi hơi thở, mỗi sát-na sống…
Thở và sống trọn vẹn là món quà có sẵn cho mọi người, mọi lứa tuổi, mọi hoàn cảnh, mọi lúc, mọi nơi. Nguyện cho anh, cho chị, cho em, cho tôi được sống với món quà chân thật đó.
Thị Giới Văn Hóa Phật Giáo số 317 15-3-2019
Discussion about this post