CHÁNH NIỆM TĨNH GIÁC
Chính xác là gì?
NHƯ KHÔNG (gsnhukhong@gmail.com)
Đây là một thuật ngữ được dùng nhiều trong sự thực hành Thiền Quán TỨ NIỆM XỨ. Sự hiểu chính xác về thuật ngữ này sẽ giúp cho hành giả thực hành có kết quả như mong muốn. Bài này chỉ giảng rõ về 2 chữ CHÁNH NIỆM, còn hai chữ TĨNH GIÁC thì chắc ai cũng đã hiểu rồi, đó là tâm thái tĩnh thức để sẵn sàng nhận biết được tất cả những gì xẩy ra.
Trước hết, trong đạo Phật thì chữ CHÁNH: luôn luôn có nghĩa là hướng về mục tiêu “chấm dứt đau khổ”. Cho nên ở đây sự thực hành thiền quán (Chánh Niệm Tĩnh Giác) cũng phải “như lý tác ý” hướng về sự chấm dứt đau khổ. Nếu thiếu như lý tác ý như vậy thì hành giả có thể sẽ hành thiền một cách máy móc như robot, không đi tới đâu, hoặc có thể hướng sai mục tiêu thành “sống hồn nhiên với hiện tại”, để chỉ có thể được sự sống an lạc tạm bợ, chứ không tận diệt được khổ đau.
NIỆM: có 2 nghĩa: CHÚ NIỆM và TÂM NIỆM. CHÚ NIỆM có nghĩa là chú tâm theo dõi quan sát những biến động của thân tâm mình (Thân, Thọ, Tâm, Pháp) và TÂM NIỆM có nghĩa là tâm luôn luôn có sự ghi nhớ, không quên, những Sự Thật mà Phật đã giác ngộ và đã chỉ dạy lại cho chúng ta. Có như vậy thì sự thực hành thiền quán mới có thể giúp mình chứng nghiệm lại được những lời dạy của Phật (như thực chứng tri), để gọi là đắc đạo hay giác ngộ như ngài..
Đoạn kinh sau đây nói về sự CHÁNH NIỆM của Phật khi ngài cảm thọ đau đớn khốc liệt bởi đá đâm vào chân (do ông Đề Bà Đạt Đa lăn đá muốn giết hại Phật): Như vầy tôi nghe. Một thời Thế Tôn ở tại Ràjagaha (Vương Xá), tại vườn Nai (Maddakucchi) Lúc bấy giờ, chân Thế Tôn bị miếng đá bể đâm phải. Cảm thọ Thế Tôn mãnh liệt. Thân cảm thọ khổ đau, nhói đau, nhức nhối, khốc liệt, không khoái tâm, không thích thú. Nhưng Thế Tôn chánh niệm tỉnh giác, nhẫn chịu, không phiền não. (Tương Ưng bộ kinh, Tương Ưng Chư Thiên)
Dĩ nhiên với khổ thọ “khổ đau, nhói đau, nhức nhối, khốc liệt, không khoái tâm, không thích thú” như vậy, Đức Thế Tôn dại gì mà sống an trú hiện tại với nó. Cho nên CHÁNH NIỆM của ngài ở đây không hề có ý nghĩa “sống với hiện tại”, mà chỉ có nghĩa là dùng sức mạnh Trí Tuệ để giữ vững TÂM NIỆM rằng: khổ thọ này là VÔ NGÃ không phải là của ta, không phải là ta, ta ở ngoài cảm thọ này. Như vậy mới có thể có khả năng nhẫn nhục vô hạn. Tất cả các vị Bồ Tát sau khi đã chứng VÔ NGÃ đều có khả năng thực hành các hạnh Ba La Mật vô giới hạn.
Vấn đề thực hành CHÁNH NIỆM TĨNH GIÁC trong thiền quán cũng giống như sự KHÁM BỆNH của một ông Bác Sĩ vậy. Sự khám bệnh của ông ta phải có đủ hai điều kiện mới có thể có kết quả: 1) Phải Quan sát kỷ lưỡng tình trạng của bệnh nhân, đó gọi là CHÚ NIỆM. 2) Phải có Kiến Thức đầy đủ về Y Khoa trong khi khám, đó gọi là có TÂM NIỆM về kiến thức y khoa. Nếu ông ta không nhớ gì về các kiến thức y khoa đã học thì làm sao ông ta có thể định ra được bệnh gì? nguyên nhân bệnh do đâu? Tình trạng bệnh ra làm sao? Và cách chửa phải thế nào?
Như vậy CHÁNH NIỆM không phải là sống hoàn toàn với hiện tại, buông bỏ quá khứ, không cần nhớ lời Phật dạy, không dám tư duy để khỏi mất hiện tại. Nếu CHÁNH NIỆM kiểu như vậy thì chẳng khác gì sự khám bệnh của một ông thầy chửa bệnh không có kiến thức y khoa, không có đầu óc phán đoán. Ông ta chắc chắn không có khả năng chửa lành bệnh nhân. Trong đạo Trí Tuệ của Phật sự thực hành thiền quán đòi hỏi hành giả phải xử dụng đầy đủ CHÁNH KIẾN, CHÁNH TƯ DUY chứ không phải như kiểu VÔ NIỆM chẳng dám nghĩ suy, buông bỏ lời Phật, như Thiền Tông Trung Hoa.
Sự thực hành CHÁNH NIỆM TĨNH GIÁC quan sát các biến động của thân tâm, phải có tâm niệm hướng về sự chứng nghiệm sự thật DIỆT ĐẾ (chấm dứt đau khổ), mà Phật đã dạy ở trong 4 THÁNH ĐẾ. Hành giả phải tâm niệm (không quên) sự thật DIỆT ĐẾ đó chính là sự thật VÔ NGÃ. Như vậy trong khi quan sát thân tâm của mình phải thấy cho được sự thật VÔ NGÃ của THÂN, THỌ, TÂM, PHÁP. Có như thế thì thiền quán mới đưa đến sự chấm dứt khổ đau như Bồ Tát Quán Tự Tại đã chứng được trong kinh Bát Nhã Ba La Mật Đa.
Thiền Quán chính là KHÁM BỆNH và CHỬA BỆNH KHỔ cho chính mình. Do đó, nếu một ông bác sĩ khi khám bệnh và chửa bệnh cần phải có kiến thức đầy đủ về các loại bệnh, về các nguyên nhân của bệnh, về các sự lành bệnh, và về các cách chửa bệnh, thì ông ta mới có thể chửa lành được bệnh nhân. Thì tương tự như vậy, một hành giả thiền quán cũng phải có kiến thức đầy đủ về 4 sự thật của 4 THÁNH ĐẾ: Khổ, Tập, Diệt, Đạo, thì mới có thể chấm dứt được khổ đau cho chính mình.
Sau đây là những lời Phật dạy ở trong Tăng Chi Bộ Kinh, chương 3 pháp, phẩm chiến sĩ, mà hành giả thiền quán 4 Niệm Xứ nên ghi nhớ (tâm niệm) trong khi thực hành CHÁNH NIỆM TĨNH GIÁC để chứng thực cho được: 1) sự thật VÔ NGÃ 2) Như thực chứng tri 4 THÁNH ĐẾ 3) Đâm thủng VÔ MINH:
đầy đủ ba đức tánh này, Tỷ-kheo đáng được cung kính, đáng được tôn trọng, đáng được cúng dường, đáng được chắp tay, là ruộng phước vô thượng ở đời. Thế nào là ba?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo là kẻ BẮN XA, BẮN CHỚP NHOÁNG và ĐÂM THỦNG VẬT TO LỚN.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo bắn xa?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo phàm có sắc gì, quá khứ, vị lai, hiện tại, hoặc nội hay ngoại, hoặc thô hay tế, hoặc liệt hay thắng, hoặc xa hay gần, tất cả sắc, vị ấy thấy như thật với chánh trí tuệ rằng: “Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi”.
Phàm có cảm thọ gì, quá khứ, vị lai, hiện tại, hoặc nội hay ngoại, hoặc thô hay tế, hoặc liệt hay thắng, hoặc xa hay gần, tất cả cảm thọ, vị ấy thấy như thật với chánh trí tuệ rằng: “Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi”.
Phàm có tưởng gì, quá khứ, vị lai, hiện tại, hoặc nội hay ngoại, hoặc thô hay tế, hoặc liệt hay thắng, hoặc xa hay gần, tất cả tưởng, vị ấy thấy như thật với chánh trí tuệ rằng: “Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi”.
Phàm có các hành gì, quá khứ, vị lai, hiện tại, hoặc nội hay ngoại, hoặc thô hay tế, hoặc liệt hay thắng, hoặc xa hay gần, tất cả các hành, vị ấy thấy như thật với chánh trí tuệ rằng: “Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi”.
Phàm có thức gì, quá khứ, vị lai, hiện tại, hoặc nội hay ngoại, hoặc thô hay tế, hoặc liệt hay thắng, hoặc xa hay gần, tất cả các thức, vị ấy thấy như thật với chánh trí tuệ rằng: “Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi”.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo bắn chớp nhoáng?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo như thật tuệ tri: “Đây là khổ”, như thật tuệ tri: “Đây là khổ tập”; như thật tuệ tri: “Đây là khổ diệt”; như thật tuệ tri: “Đây là con đường đưa đến khổ diệt”; Như vậy, này các Tỷ-kheo, là Tỷ-kheo bắn như chớp nhoáng.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo đâm thủng vật to lớn?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đâm thủng vô minh uẩn to lớn. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là Tỷ-kheo đâm thủng vật to lớn. Đầy đủ ba đức tánh này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đáng được cung kính, đáng được tôn trọng, đáng được cúng dường, đáng được chắp tay, là ruộng phước vô thượng ở đời.
Xem thêm
Chánh Niệm Tỉnh Giác (Ayya Khema)
Chánh niệm tỉnh giác
Xem video chip TT. Thích Chân Tính giảng về Chánh Niệm Tỉnh Giác tại chùa Phước Huệ, Hoa Kỳ:
Thầy Thích Nhật Từ giảng tại Pháp viện Minh Đăng Quang, ngày 10/06/2016:
Discussion about this post