CHÁNH NGỮ VÀ
KHÁI NIỆM VỀ BA CỬA NGỎ
Hoang Phong
Có
lẽ người đọc cũng hơi ngạc nhiên với một chủ đề xưa
như trái đất. Không biết đã có bao nhiêu băng đĩa CD, sách
vở, bài viết, bài giảng về chủ đề Chánh ngữ. Tuy nhiên
dù đã thuộc lòng hay đã nghe giảng đến nhàm tai, có bao
giờ ta tự hỏi đã áp dụng chánh ngữ được bao nhiêu lần
trong cuộc sống của mình và có khi nào ta tìm hiểu xem vai
trò của chánh ngữ nằm ở đâu không trong cái xã hội tân
tiến ngày nay ?
Dầu
chẳng có gì mới lạ trong Đạo Pháp, tuy nhiên có lẽ chúng
ta cũng nên bỏ ra chút thì giờ để cùng nhau tìm hiểu xem
chánh ngữ là gì. Đến chùa nghe giảng bùi tai trong chốc lát,
để rồi sau đó thì đâu lại vào đấy, ta lại tiếp tục
giao tiếp với những người chung quanh bằng ngôn từ thường
nhật, xã hội vẫn tiếp tục áp đặt cho ta những công thức
và quy ước có sẵn về cách giao tiếp và ta chỉ cần đem
ra mà sử dụng.
Thật
ra thì ta cũng chẳng làm gì khác hơn được. Giáo dục và
kinh nghiệm bản thân đã dạy ta như thế thì ta cứ phát ngôn
như thế. Cho đến khi nào ta chưa ý thức được và nhìn thấy
một cách sâu xa ảnh hưởng và tác động của ngôn từ đối
với bản thân mình và đối với tập thể xã hội thì khi
đó ta sẽ vẫn còn tiếp tục phát ngôn một cách rập khuôn
như thế.
Mỗi
lần đọc một bài viết về chủ đề chánh ngữ hay được
nghe giảng về chánh ngữ thì ta tự động liên tưởng đến
lời ăn tiếng nói mà ta phải phát biểu. Tuy nhiên trong thế
giới này, mấy khi ta có dịp để nói lên một lời chánh
ngữ ? Trong thế giới của chúng ta tiếng nói đôi khi chỉ
là thứ yếu, một lá phiếu thì cũng là cách bảo ta hãy câm
miệng đi. Hô hào thì đã có người hô, ta chỉ cần đưa
thẳng cánh tay lên để tán đồng là đủ.
Mặt
khác, gần như tất cả các băng đĩa, bài viết, bài giảng…
hầu như chỉ nêu lên một chiều, tức là cách dạy ta phải
phát ngôn như thế nào, nhưng tuyệt nhiên không hề dạy ta
phải nghe như thế nào về cách phát ngôn của người khác.
Họ có nói đúng theo chánh ngữ hay không ? Hơn nữa trong thế
giới của chúng ta đâu phải chỉ có lời nói mà thôi. Báo
chí, sách vở, phim ảnh, truyền hình, tranh vẽ, ca nhạc, băng
giảng, quảng cáo, loa phóng thanh và các phương tiện truyền
thông tân tiến khác, tất cả luôn bủa vây và không tha chúng
ta một giây phút nào cả.
Bài
viết này cố gắng mở ra một tầm nhìn bao quát để suy tư
và tìm hiểu về chánh ngữ và mỗi người sau đó tự tìm
lấy cho mình một lối đi trong cái bối cảnh thật náo động
của thế giới này.
Định nghĩa
về chánh ngữ
Chánh
ngữ là cách tu tập được xếp vào hàng thứ ba của bát
chánh đạo. Nói một cách tổng quát thì có ba phép tu tập
: tu giới (shila), tu định (samatha) và tu tuệ (prajna), chánh
ngữ thuộc vào lãnh vực tu giới. Tương Ưng Bộ Kinh định
nghĩa chánh ngữ như sau : « Chánh ngữ là từ bỏ nói
láo, từ bỏ nói hai lưỡi, từ bỏ nói lời độc ác, từ
bỏ nói lời phù phiếm ». Nếu như không nói láo, không
nói hai lưỡi, không nói lời độc ác, không nói lời phù
phiếm thì tất nhiên là phải nói ngay thật, trung thực,
ôn hòa và lợi ích.
Định
nghĩa có vẻ đơn giản nhưng áp dụng thì khó. Lên chùa thì
Thầy giảng ta nghe, mấy khi Thầy nghe ta giảng. Ra phố mua
sắm, thì người bán nói ta nghe, họ có nói chánh ngữ hay
không thì cũng khó biết được. Gặp bạn bè thì lựa lời
mà nói cho đẹp lòng nhau, nói chánh ngữ lôi thôi đôi khi
có thể mất cả bạn bè. Nơi làm việc thì xếp nói ta nghe,
mấy khi ta có dịp để nói chánh ngữ cho xếp nghe. Về nhà
thì vợ con nói ta nghe, mấy khi vợ con nghe ta nói. Vì thế
có muốn áp dụng chánh ngữ để « được một chút phước
đức » dành cho kiếp sau cũng không mấy khi tìm được dịp.
Tóm
lại ngôn từ mà ta sử dụng hàng ngày là một loại ngôn
từ công thức và quy ước, biểu hiện của vô minh. Đấy
là loại ngôn từ mà ta tự động chấp nhận để giúp ta
giao tiếp với những người chung quanh trong thế giới ta bà,
và đấy cũng là cách kết nối vô minh của từng cá thể
với nhau để tạo thêm vướng mắc.
Vì
vậy đối với một cá thể con người, ngôn từ giữ một
vị trí và chức năng như thế nào ? Sau đây là phần trình
bày sơ lược về khái niệm ba cửa ngõ của một
cá thể và từ đó sẽ xác định vị trí và vai trò của
chánh ngữ hay ngôn từ nói chung.
Ba cửa ngõ
là gì
Kinh
sách gốc Hán ít quan tâm đến khái niệm về ba cửa ngõ,
trái lại thì Kim cương thừa chú trọng nhiều hơn đến khái
niệm này. Tuy nhiên phần trình bày sau đây chỉ giới hạn
trong việc định nghĩa căn bản về ba cửa ngõ
để tìm hiểu vị trí, vai trò và sự vận hành của ngôn
từ, nhưng không đi sâu vào phương pháp luyện tập của Kim
cương thừa. Vậy ba cửa ngõ là gì ?
Mỗi
cá thể con người có ba cửa ngõ (tridvara) : thân xác (kaya),
ngôn từ (vak) và tâm thức (citta). Đó là ba thành phần hay
ba « trung tâm » vận hành riêng rẽ và đồng thời cũng tương
liên và phối hợp với nhau để tạo ra một cá thể trong
hai cõi dục giới và sắc giới. Người ta vẫn thường nói
đến ba yếu tố tạo nghiệp là thân, khẩu, ý, tuy nhiên cũng
cần hiểu là ba yếu tố ấy cũng là ba cơ sở cần thiết
giúp thực hiện việc tu tập. Sau đây là định nghĩa về
ba cửa ngõ :
–
Thân xác : chỉ định
cấu trúc vật chất của một cá thể, cấu trúc đó được
tạo thành bởi năm cấu hợp thô thiển gọi là ngũ uẩn.
Thân xác tượng trưng cho ranh giới phân cách giữa một cá
thể và thế giới chung quanh. Sự phân chia đó có tính cách
chủ quan, vì trên thực tế một cá thể không khác với thế
giới bên ngoài và ngược lại thế giới bên ngoài cũng không
khác với cá thể. Sự phân biệt đó là kết quả phát sinh
từ sự diễn đạt của tâm thức một cá thể xuyên qua sự
cảm nhận của ngũ uẩn.
Sự
giao tiếp của thân xác với thế giới bên ngoài nhờ vào
năm giác cảm là thị giác, thính giác, khứu giác, vị giác
vá xúc giác. Một cách tổng quát thì thân xác tượng trưng
cho cửa ngõ đón nhận thế giới chung quanh xuyên qua giác cảm
và đồng thời cũng là một phương tiện để tác động vào
thế giới bên ngoài. Mỗi cảm nhận của giác cảm – tức
là những gì từ bên ngoài « bước vào » – đều gây
ra tác động trong tâm thức, tác động đó có thể là tích
cực, tiêu cực hay trung hòa. Mỗi cử động – tức là những
gì « bước ra » khỏi cửa ngõ – đều gây ra một tác động
với môi trường chung quanh. Tác động đó có thể tích cực,
tiêu cực hay trung hòa. Hãy lấy một thí dụ thật đơn giản,
ta đi tản bộ trong một khu vườn. Hành động đi tản bộ
có vẻ như mang tính cách trung hòa không tạo ra một nghiệp
quan trọng nào cả. Nhưng trên thực tế thì rất phức tạp,
vì ta có thể vô tình đạp lên côn trùng trên mặt đất hay
trong cỏ. Mặc dù vô tình nhưng ta vẫn tạo ra nghiệp tiêu
cực. Mặt khác sự kiện đi tản bộ cũng có thể tạo ra
hậu quả tích cực, chẳng hạn như giúp cho máu huyết lưu
thông, hít thở không khí trong lành, thay vì ngồi trong nhà
xem phim Hàn quốc tràng giang bất tận.
Tóm
lại phải luôn luôn cảnh giác và canh chừng cái cửa ngõ
thân xác, kiểm soát những giác cảm đang tìm cách xâm nhập
vào cửa ngõ ấy để phá rối ta và đồng thời cũng phải
chọn lọc và phán xét xem những hành động nào của ta mang
tính cách tích cực hay tiêu cực trước khi mở cửa cho nó
tác động với thế giới bên ngoài. Một cách vắn tắt, người
tu tập phải hiểu rằng mọi cử động đều tương tác với
không gian chung quanh, có nghĩa là trực tiếp tạo ra nghiệp.
Càng lăng xăng, chạy hết đầu này đến đầu kia, tay chân
múa may không ngừng, trong đầu tính toán và hoạch định đủ
mọi thứ mưu đồ thì đấy chỉ là cách tạo thêm nghiệp
và mạng lưới duyên khởi sẽ càng siết chặt hơn. Tréo chân
ngồi im là một trong những cách có thể giúp ta tránh được
phần nào sự bủa vây của nghiệp.
Đối
với Phật giáo nói chung thì thân xác là một sự « cấu hợp
ô nhiễm », bởi vì đó là hậu quả sinh ra từ nghiệp trong
quá khứ. Thái độ của Nam tông và nhất là của Giới luật
tông (Vinaya) đối với thân xác rất triệt để : thân xác
là một thể dạng kinh tởm cần loại bỏ và không được
bám víu vào đó. Thái độ của Bắc tông cũng triệt để
không kém : thân xác con người là « cơ sở của mọi sự
bám víu », nguồn gốc của mọi thứ khổ đau, tuy nhiên thân
xác cũng là « cơ sở hàm chứa những phẩm tính » (ksanasampadadhisthana)
giúp cho cá thể một dịp may để thực hiện tu tập Đạo
pháp (Dharma). Vì thế đối với Bắc tông, người tu tập phải
biết giữ gìn thân xác tinh khiết, nhưng không nên bám víu
vào nó và cũng không nên trau chuốt cho nó quá đáng. Thái
độ của Kim cương thừa thì khác hẳn và rất tích cực,
xem thân xác như một hệ thống kinh mạch giúp cho những luồng
khí lực luân chuyển. Sức mạnh của quán tưởng có thể
biến thân xác thành một « ảo thân » của một thánh nhân
hay một vị Phật, và cao hơn nữa có thể chuyển thành «
thân xác cầu vồng » tức là « ứng thân » của một vị
Phật. Đạt được ứng thân của một vị Phật có nghĩa
là thành Phật ngay trong kiếp sống này.
–
Ngôn
từ : ngôn từ không
nhất thiết chỉ dùng để chỉ định sự phát biểu ý nghĩ
bằng tiếng nói mà còn chỉ định khả năng hiểu biết ý
nghĩa của các cấu trúc âm thanh. Ngôn từ là một thành phần
trung gian giữa tâm thức (tác ý) và thân xác (môi, lưỡi,
dây thanh trong cuống họng, hơi trong phổi…). Đó là một
cửa ngõ rất quan trọng mở ra cả hai chiều : vào và ra. Điều
này rất quan trọng tuy nhiên ít người chú ý đến vì cái
cửa ngõ ngôn từ đôi khi dùng để nhận vào nhiều hơn là
để phát ra. Trong thế giới ngày nay chúng ta bị tràn ngập
bởi các phương tiện truyền thông, nào là phim ảnh, ca nhạc,
báo chí, tuyên ngôn, biểu ngữ, quảng cáo… Cái cửa ngõ
ngôn từ vì thế đã trở thành gần như một chiều vì khối
lượng nhận vào quá lớn làm cho nó thường xuyên bị tắc
nghẽn, không còn kẻ hở để thoát ra.
Ngày
nay không mấy khi ta có dịp sử dụng cửa ngõ ngôn từ trong
việc tu tập. Cách đây hơn hai ngàn năm khi xã hội còn đơn
sơ và tinh khiết hơn ngày nay, thì con người không bị những
phương tiện truyền thông bủa vây và tấn công dồn dập.
Dầu cho vua A-Dục có cho khắc các chỉ dụ lên các trụ đá
thì cũng chẳng có mấy người biết đọc. Vào các thời kỳ
khi Đức Phật còn tại thế và sau đó khi Ngài đã tịch diệt,
thì hầu hết con người chỉ có dịp nói với nhau trong gia
đình, trên ruộng đồng, nơi quán chợ. Họ học thuộc những
lời Phật dạy và kể lại cho nhau nghe với tất cả sự thành
kính. Nhờ đó mà ngày nay chúng ta mới được thừa hưởng
những gì tinh anh trong những lời giáo huấn của Phật và
những gì ấm áp trong lòng người thời bấy giờ. Vì thế
chánh ngữ không hẳn chỉ là một thứ luân lý đại chúng
mà còn tượng trưng cho một sức mạnh trong việc tu tập nữa.
Vào
thời bấy giờ, kỹ thuật còn thô sơ, ngoài cái cày, cái
cuốc, cái xe bò…, người dân chưa có phương tiện gì để
ghi lại hình ảnh và lời nói. Trong thời đại tân tiến và
chỉ trong vài chục năm về sau này, đủ mọi phương tiện
thu âm và thu hình được phát minh, nào là băng đĩa, máy thu
âm nhỏ xíu, máy thu hình vidéo, máy điện thoại di động…
Một số người hướng dẫn dư luận đã lợi dụng các tiến
bộ kỹ thuật đó để quảng bá những lời không được
chánh ngữ lắm trong mục đích lường gạt, che đậy, hoặc
tệ hại hơn như khích động con người để phục vụ cho
ý đồ của cá nhân hay của một tập thể nào đó.
Bất
cứ trong một quốc gia nào cũng thế, phương tiện truyền
thông đã trở thành một công cụ thật tinh vi để quản lý
và áp đặt con người. Trong trường hợp đó chánh ngữ đã
vượt ra khỏi lãnh vực cá nhân để mang tánh cách tập thể
và xã hội. Những người hướng dẫn dư luận có thể quên
một điều là những gì vua A-Dục khắc trên trụ đá đã
vượt hơn hai ngàn năm lịch sử và còn lưu lại đến ngày
nay. Những gì thu âm, thu hình hôm nay rồi sẽ dành cho những
thế hệ mai sau thẩm định.
Dầu
sao đi nữa thì chúng ta cũng phải công bằng mà phán xét,
không nên chỉ biết kết án những gì tệ hại trong thế giới
ngày nay. Vào thế kỷ thứ VI trước Tây lịch, trong thung lũng
sông Hằng cũng đã xảy ra những sự tranh cãi siêu hình, những
tranh luận biện chứng giữa các vị thầy Bà-la-môn và kể
cả các vị thủ lãnh chủ trương các hệ thống tư tưởng
và tín ngưỡng khác nhau. Họ « gây ra cho nhau thương tích
bằng cách đem đầu lưỡi làm khí giới ». Đức Phật gián
tiếp ám chỉ đến các cuộc khẩu chiến ấy bằng cách cấm
các đệ tử của Ngài không được tham gia vào đó. Nhiều
kinh sách kể chuyện Ngài lưu ý các đệ tử phải thận trọng
trong từng lời nói, không được biểu lộ tham vọng hay hận
thù và Ngài đã nêu lên một cách minh bạch bốn thái độ
phải tuân thủ như sau :
1-
nói lên sự thật
2-
nói những lời hòa giải, không nói hai lưỡi
3-
nói những lời mang ngụ ý tốt, khả ái, không gây ra lời
đồn đại, không chỉ trích lời người khác và việc làm
của người khác
4-
nói những lời có ý nghĩa, không nói những lời phù phiếm
và vô bổ
Tóm
lại chánh ngữ là để hướng vào người khác, phục vụ
người khác, đồng thời là một cách loại bỏ mọi bám víu,
kiêu căng và tự hào, có nghĩa là loại bỏ sự thống trịcủa cái tôi. Sau đây là những lời dặn dò của Đức Phật
cho các các đệ tử của Ngài :
«
Người
tu hành chỉ nói những lời hoà giải để giảng hòa những
người hiềm khích lẫn nhau và kết chặt thêm sự hòa đồng.
Người tu hành yêu chuộng sự hài hòa, tìm thấy vui thích
trong sự hài hòa, niềm hân hoan trong sự hài hòa. Từ bỏ
những lời thô bạo, người tu hành không nói lên những lời
thô bạo. Người tu hành chỉ thốt ra những lời nói không
sao chê trách được, êm ái, trìu mến, đi thẳng vào trái
tim, nhã nhặn và tử tế đối với thật nhiều người, làm
cho thật nhiều người ưa thích. Từ bỏ những lời nói phù
phiếm, người tu hành không nói những lời phù phiếm, chỉ
thốt lên những lời nói đúng lúc, trung thực, có ý nghĩa,
phù hợp với Đạo pháp và giới luật, xứng đáng để lưu
lại, hợp lẽ, thích nghi với mục đích tối hậu và bổ
ích ».
(trích
trong kinh Maha-Tanhasankhaya-Sutta, bản dịch Pháp ngữ của Môhan
Wijayaratna, trong quền La Philosophie du Bouddha, Ed. de la Sagesse,
1995, trang 69)
Có
lẽ cũng cần nhắc thêm ra đây quan điểm đặc thù của Phật
giáo Tây tạng về cửa ngõ ngôn từ. Đó chính là cơ sở
giúp vào việc quảng bá Đạo Pháp bằng tiếng nói. Khắc
phục được ngôn từ và hơi thở trong khi thiền định sẽ
giúp chủ động được tâm thức. Điều hành được các luồng
khí lực tinh tế và các chuyển động của chúng chính là
chìa khóa của phương pháp luyện tập du-già mô tả trong Kim
cương thừa. Các kinh tan-tra đều nói đến sự liên hệ giữa
các cấu trúc kinh mạch của cơ thể và khả năng phát âm.
Hình tướng nơi các huyệt ở đầu các kinh mạch tương quan
với 16 nguyên âm trong bảng chữ cái của tiếng Phạn và chúng
ảnh huởng đến khả năng phát ra âm thanh, vì thế nên
khả năng phát âm nhất thiết liên quan với thân xác. Đó
là điểm then chốt giải thích sự liên hệ giữa tác động
tích cực của các câu niệm chú man-tra đối với thân
xác. Sự trì tụng các câu man-tra sẽ tinh khiết hóa ngôn từ,
có nghĩa là làm tan biến những dấu vết ô nhiễm trong cách
nói thường nhật, tháo gỡ và tẩy uế các kinh mạch tinh
tế, loại bỏ các độc tố của tâm thức, tinh khiết hóa
bệnh tật của cơ thể, nuôi dưỡng khí lực tinh anh để
mang lại Giác ngộ cho một cá thể.
– Tâm
thức : là cửa ngõ
thứ ba của một cá thể. Tâm thức không sờ thấy được,
không nghe thấy được, không màu sắc, vô hình và không nắm
bắt được. Nó thuộc vào lãnh vực phi-vật-chất của một
cá thể. Tâm thức không có cửa ngõ để tiếp xúc trực tiếp
và trao đổi với thế giới chung quanh mà phải « đi nhờ
» hai cửa ngõ của thân xác và ngôn từ. Tuy nhiên nó có một
cửa ngõ riêng thông thương với tiềm thức hay a-lại-gia thức.
Trong một giới hạn và một số điều kiện nào đó tâm thức
có thể cảm nhận được những gì hiển hiện hay thoát ra
từ a-lại-gia thức.
Tri
thức và các thể dạng tâm thần phối hợp với nhau để
tạo ra tâm thức. Đồng thời tâm thức cũng là cơ sở của
tác ý (cetana) tức là các ý nghĩ chủ tâm (volition). Chính
vì thế mà tâm thức giữ vai trò tạo nghiệp và cũng là cơ
sở của mọi sự lầm lẫn và bấn loạn tâm thần. Tất cả
các xúc cảm bấn loạn đều phát sinh từ tâm thức. Tuy nhiên
tâm thức lại đứng ra điều khiển cả thân xác và ngôn
từ. Vì thế mà người tu tập phải thật thận trọng và
cảnh giác trước những khích động của tâm thức. Nói một
cách khác cố gắng khắc phục tâm thức là cốt lõi của
sự tu tập.
Trong
số năm uẩn tạo ra một cá thể con người thì bốn uẩn
thuộc vào lãnh vực tâm thức, và điều đó cho thấy tầm
quan trọng và sự phức tạp rất lớn của nó. Người tu hành
phải dồn tất cả sức mạnh của mình để tìm hiểu và
chế ngự tâm thức. Kinh sách vẫn thường nói khắc phục
được tâm thức có nghĩa là đạt được Giác ngộ.
Tất
cả mọi hiện tượng đều là những phóng ảnh của tâm thức,
nhưng chính nó thì lại không có một thực thể nào cả. Nếu
ta « nhìn » thấy tâm thức thì đấy không phải là tâm thức
vì bản chất của nó là trống không. Chính vì nó trống không
nên bất cứ gì cũng có thể xảy ra trong tâm thức : từ hận
thù đến yêu thương, từ cái tôi đến kẻ khác, từ địa
ngục đến niết bàn… Quán thấy được bản chất trống
không của tâm thức sẽ loại bỏ được tất cả những gì
tác tạo ra nó.
Đối
với Kim cương thừa tâm thức là căn bản thật tinh tế của
ánh sáng trong suốt nguyên thủy, tức là Phật tính. Nếu
không chủ động được tâm thức thì nó sẽ lôi kéo một
cá thể lang thang bất tận trong thế giới ta bà. Khắc phục
được tâm thức thì nó sẽ đưa cá thể hướng về sự Giải
thoát, và nó sẽ dần dần nhường chỗ cho ánh sáng trong suốt
nguyên thủy. Dù sao thì phần giải thích vắn tắt trên đây
về tâm thức chỉ có mục đích trình bày cho đầy đủ khái
niệm về ba cửa ngõ mà thôi.
Lời kết
:
Một
vị thầy đứng ra giảng chánh ngữ cho các Phật tử đến
chùa, và sau khi giảng xong thì cảm thấy mình đã làm được
một việc pháp thí, mang lại một chút nghiệp tốt nào đó
cho mình. Người Phật tử nghe xong cũng cảm thấy mãn nguyện
vì đã bỏ thì giờ đến chùa để nghe giảng và nghĩ rằng
đã làm được một chút công đức gì đó để cải thiện
cái nghiệp của chính mình. Tuy nhiên nếu khi người Phật
tử rời khỏi cổng chùa mà đâu lại vào đấy, người ấy
lại tiếp tục đem những ngôn từ công thức và quy ước
ra để dùng. Hoặc khi bá tánh ra về, chú tiểu khép lại cổng
chùa và vị Thầy lại quay về với những bận tâm khác, thì
mỗi người lại vẫn sẽ tiếp tục nuôi dưỡng lấy nghiệp
của mình.
Chánh
ngữ không phải chỉ là một chủ đề để đem ra giảng cho
nhau nghe rồi sau đó thì việc ai nấy lo, chánh ngữ cũng không
phải đơn giản là những quy tắc đạo đức, giữ được
thì càng tốt mà không giữ được cũng không sao. Người tu
tập phải ý thức được chánh ngữ là một trong những phương
pháp tu tập chính yếu và kiên trì để mang lại cho mình một
sức mạnh nội tâm hướng về Giác ngộ.
Không
nên hiểu chánh ngữ một cách đơn giản là : tôi không được
nói dối, tôi không được nói hai lưỡi, tôi không được
nói lời độc ác, tôi không được nói những lời phù phiếm.
Hiểu từ chương như thế thì cái tôi vẫn còn sờ sờ trước
mắt, biết đến khi nào mới giác ngộ.
Sau
hết xin kể một câu chuyện rất phổ biến trong kinh sách
như sau. Một hôm Đức Phật đi đến một nơi có tiếng là
nguy hiểm vì nơi này có một tên sát nhân là Angulimala vô
cùng hung dữ và lại đang tìm giết người thứ một ngàn.
Chủ nhân một quán trọ thiết tha xin Đức Phật hãy dừng
chân lại và đừng đi đâu cả. Đức Phật không nghe và vẫn
lẳng lặng lên đường. Thị trấn vắng tanh, nhà nhà đóng
cửa.
Angulimala
thấy một nhà sư đang đi một mình trong một con phố vắng,
hắn rút thanh kiếm và đi theo. Đức Phật thấy có kẻ lạ
đến gần và biết ngay đấy là tên sát nhân mà mọi ngươi
sợ hãi, tuy nhiên Ngài vẫn thản nhiên bước một cách thanh
thản. Angulimala rất ngạc nhiên trước thái độ bình thản
đó, hắn đưa cao thanh kiếm đứng chắn trước mặt Đức
Phật và hét lên ra lịnh cho Đức Phật phải dừng lại. Đấng
Như Lai không tỏ vẻ sợ hãi một chút nào và cất lời nói
với Angulimala một cách thật dịu dàng : « Này Angulimala,
con có biết không, ta đã dừng lại từ lâu lắm rồi. Chính
con vẫn còn đang múa may trong lửa đỏ của hận thù, của
giận dữ và dục vọng điên cuồng ». Angulimala hết sức
bất ngờ trước câu nói đó liền ngước nhìn để dò xét
gương mặt của Phật. Trước vẻ mặt tràn đầy lòng từ
bi và nhân ái của Đức Phật, Angulamala bỗng cảm thấy trơ
trụi và cô đơn, và bất thần hắn nhận thấy mình đang
bước trên con đường của khổ đau và bất hạnh. Hắn bèn
ném bỏ thanh kiếm và quỳ xuống dưới chân của Đấng Giác
Ngộ và xin nguyện sẽ từ bỏ cuộc sống hung ác. (theo
kinh Angulimala-sutta, thuộc Trung Bộ Kinh).
Bures-Sur-Yvette,
17.12.09
Hoang
Phong
(Trích: ●
KHỔ ĐAU PHÁT SINH VÀ VẬN HÀNH NHƯ THẾ NÀO – Hoang Phong (sách) )
찀
Discussion about this post