CÁNH THƯ CUỐI HẠ
Nguyên Cẩn
Ngân Quỳnh thân mến,
Nhận thư em mời thầy ra Nha Trang họp lớp sau 40 năm nhân dịp có vài bạn từ hải ngoại về, thầy rất vui vì chúng ta lại có dịp hàn huyên, ôn lại nhiều kỷ niệm buồn vui thuở trước. Nhưng thầy vội gửi lá thư này cho em khi mùa hạ cũng sắp qua đi, chóng vánh và vội vã như thể bọn trẻ hôm nay hình như không có một mùa hè đích thực vì chúng phải đi học thêm hai hoặc ba buổi chiều trong tuần, vẫn oằn mình trên các trang sách, rảnh phút nào lại ‘dán’ mắt vào iPad với thế giới ảo. Những em học sinh thời nay ấy “sống thực” ít quá! Thầy nhớ mình có một thời mệt phờ với bắn bi, đá dế, chọi đáo, chơi u… Thế mà vui!
Lỗ hổng con người
Qua thư em tỏ ra ngán ngẩm trước những sự cố “thi cử” gần đây mà báo chí cả nước đang dành rất nhiều trang giấy để viết, để bàn, để truy cứu trách nhiệm… Em hỏi thầy “lỗ hổng” nằm ở đâu ư ?
Thư trước thầy có nhận xét về đề thi và bày tỏ quan điểm là không cần một kỳ thi cuối cấp tốn kém và để các em học sinh thi thẳng vào đại học. Nhưng thầy chưa nói đến việc có nên thi tập trung rồi lại giao cho địa phương tự chấm bài thi của con em mình trong địa phương đó. Thì việc gì đến đã đến, ở Hà Giang, chúng ta có những “thí sinh sáu giây” khi 330 bài thi của 114 thí sinh chỉ cần qua “bàn tay công nghệ” phù phép sáu giây của một (hay vài?) vị chức sắc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Giang, có điểm từ cực thấp được nâng lên cao chót vót, có bài chênh lệch đến hơn 20 điểm!
Thế nhưng lúc này, chúng ta chưa thể rõ những “thí sinh sáu giây” ấy, trong đó có cả con cháu của nhiều lãnh đạo địa phương, là nạn nhân hay thủ phạm. Bình thường, khi các em mang tài liệu vào phòng thi, hay dùng đủ cách mở tài liệu, là đã vi phạm qui định thi cử, là thủ phạm. Nhưng trong trường hợp sửa điểm thi nhằm gian lận ở Hà Giang, đến lúc này chưa có một thông tin nào cho thấy rằng chính các em đi mua điểm trực tiếp từ ông Phó Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng. Chính vì thế, dư luận mới đặt vấn đề, rằng không thể chỉ mình ông phó trưởng phòng thao túng trò gian trá này, mà có thể còn đồng phạm cùng thực hiện, cũng như đối tượng mua điểm đến từ phía phụ huynh các thí sinh.
Nay thì không chỉ Hà Giang mà hiệu ứng “vết dầu loang” ấy đã lan đến Sơn La, Hòa Bình, Lạng Sơn, Bạc Liêu, Bến Tre… Ở Sơn La tình hình mới phát hiện có vẻ ít hơn về số lượng nhưng lại nghiêm trọng hơn vì dữ liệu bài thi gốc bị “mất tích” nên chưa thể trả điểm thực về cho các thí sinh. Bước đầu cho thấy có dấu hiệu vi phạm quy chế thi, nhất là ở khâu chấm thi. Các cơ quan chuyên môn đã phân tích và nhận thấy ảnh bài thi trắc nghiệm gốc đã bị xóa. Một công đoạn bắt buộc các ban chấm thi phải thực hiện là chụp ảnh dữ liệu (phiếu trả lời trắc nghiệm của thí sinh), sau đó mới cho máy chấm thi. Hình ảnh được quét này được sao ra đĩa CD để gửi về Bộ GD-ĐT. Tuy nhiên, trước khi tiến hành quét, phiếu trả lời trắc nghiệm của thí sinh đã bị thay thế. Đây là lý do khiến việc chấm thẩm định bài thi trắc nghiệm của tỉnh Sơn La là vô nghĩa. Một quan chức cho biết: “Tổ công tác đã phát hiện có việc sao dữ liệu ảnh bài thi trắc nghiệm đã quét ra đĩa CD không đúng thẩm quyền và tự ý đem ra khỏi khu vực bảo quản bài thi. Đĩa CD này hiện chưa biết là đã được đem đi đâu và ai cho phép đem đi”.
Về nghi vấn điểm thi bất thường của một số địa phương trong kỳ thi trung học phổ thông quốc gia 2018, Tiến sĩ Quách Tuấn Ngọc, nguyên Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin Bộ GDĐT, cho rằng ngay từ năm 2007, cá nhân ông đã nhiều lần nhấn mạnh trong các cuộc họp rằng, đừng bao giờ tin tuyệt đối vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp được tổ chức tại địa phương để làm kết quả xét vào đại học. Ông dẫn chứng rằng 13 năm thi ba chung. Về điểm thi, tốp 10 chủ yếu là các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ. Đứng vị trí nhất thường xuyên là Hà Nội (thời chưa mở rộng ra cả Hà Tây), Nam Định, Hải Dương, Vĩnh Phúc. Và thành phố Hồ Chí Minh sau mấy năm ba chung mới vào được tốp 10. Tuy nhiên, từ ngày thi “hai trong một”, thứ hạng sắp xếp của các tỉnh bị xáo trộn. Ông Ngọc nói, “Nhiều tỉnh trước xếp thứ hạng báo động được sơn màu đỏ, nay nhẩy lên tốp 10, tức là màu xanh trên bản đồ. Điều này khiến tôi không thể tin nổi!”. Vậy là đã rõ, lỗ hổng có thể do quy trình, do phần mềm, do nguyên tắc bảo mật chưa chặt chẽ, nhưng xét cho cùng có làm kỹ đến đâu thì khi con người tác động vào thì không phần mềm nào có thể “bảo vệ” được khi người ta cố ý làm sai!
Vậy thì Quỳnh ạ, theo thầy, lỗ hổng nằm ở chính con người. Một con người lương tri không trong sáng, sống và làm việc trong một hệ thống bị lỗi khi cho phép địa phương tự chấm, thì ắt có điều kiện làm bậy. Suy rộng ra, như thầy đã viết trong thư trước, hệ thống giáo dục chúng ta vốn “trọng thi cử, trọng bằng cấp, trọng hư danh”; nghĩa là phải vào trường trọng điểm, vào đại học danh giá, và xem nó là con đường duy nhất vào đời, bất chấp thực tài và năng khiếu cụ thể. Có người nặng lời hơn, là “bệnh giả dối” đã ăn ruỗng trong tim trong óc chúng ta, cả trong xã hội lẫn ở học đường… đến mức di căn lên não.
Vì sao giả dối?
Có nhà xã hội học cho rằng vì căn bệnh thích hư danh và sự gian dối có tính “di truyền”, khởi đi từ cha mẹ những em học sinh “chạy” điểm cho con để vào học tại những nơi mà các em sẽ không theo nổi với năng lực thực. Rồi có lẽ các em sẽ tiếp tục con đường “nhờ vả”, gian dối để ra trường. Và với năng lực yếu kém, các em sẽ lại phải “chạy chọt” để có được công ăn việc làm. Như thế, cả cuộc đời các em sống trong gian dối. Đó là một thất bại của giáo dục.
Một vị tiến sĩ cho rằng: “… sự dối trá đã phổ biến tới mức nhiều người không còn nhận ra là mình đang nói dối, thậm chí một cách vô thức, người ta còn vô tình cổ xúy cho sự giả dối. Nói năng giả dối thì được khen là khéo léo”… (TS.Trần Ngọc Thêm, trả lời phỏng vấn báo Thanh Niên ngày 23/7)
Nhưng thầy không đồng ý khi ông cho rằng: “… sở dĩ giả dối được là vì bản thân người Việt bẩm sinh rất khôn ngoan, linh hoạt. Tính linh hoạt cũng là một sản phẩm của văn hóa nông nghiệp” (?), hay… “xã hội chúng ta chuyển sang cơ chế thị trường, đồng tiền lên ngôi, len vào mọi ngõ ngách, người ta dùng tiền để chạy chọt, trong khi pháp luật thì chưa đủ nghiêm minh, sự giả dối càng có nhiều cơ hội để phát triển”.
Chúng ta thấy cha ông ngày xưa dù luôn trọng thể diện, hay gìn giữ tình làng nghĩa xóm nhưng họ không đến nỗi phải dối trá khi “mua quan bán chức”, “mua thầy bán điểm”, trừ phi ở những triều đại suy tàn. Còn nếu vì “kinh tế thị trường” thì thử xem Thái Lan hay Singapore gần chúng ta hay phát triển như Tây Âu và Bắc Mỹ, họ có phải mua điểm không? Không kể đến chế độ thi cử hà khắc như Nam Hàn hay Nhật Bản, nơi học sinh có nhiều em bị trầm cảm vì thi rớt hay thậm chí tự sát.
Tuy nhiên thầy cũng đồng ý với ông TS ấy rằng: “… nếu nhìn vấn đề một cách tổng thể thì ta phải bắt đầu từ văn hóa, từ việc xây dựng con người, xây dựng hệ giá trị, tập trung đề cao những giá trị quan trọng nhất để làm thay đổi con người. Đối với cá nhân thì hai giá trị quan trọng nhất là trung thực và bản lĩnh”. (Bđd)
Nghĩa là chúng ta lại trở về vấn đề văn hóa nền hay giáo dục căn bản “học làm người” mà hiện nay chúng ta đã bỏ quên hay làm một cách hời hợt, không cố gắng.
Chúng ta mất những gì?
Trước hết là mất niềm tin vào tính công bằng của kỳ thi THPT năm nay, niềm tin vào sự chính xác, khách quan trong việc sàng lọc những sinh viên xứng đáng vào những trường mà các em đang ấp ủ ước mơ vào học để phục vụ cho xã hội trong tương lai. Gần đây các trường Đại học Y Dược Hà Nội và TP.HCM tỏ ra lo ngại khi thấy điểm thí sinh đầu vào có vấn đề, họ lo rằng sẽ có những em “ngồi nhầm trường”, học không được và nều luồn lách ra trường thì bác sĩ ấy, dược sĩ ấy là mối tai họa tiềm tàng cho xã hội. Thứ đến, cả xã hội mất niềm tin vào hệ thống tuyển sinh, phương pháp tuyển sinh, vào những con người đang điều hành và quản lý guồng máy ấy. Với cách làm như hiện nay, người ta có cảm giác Bộ đang đối phó với dư luận nhiều hơn là quyết tâm triệt để “làm sạch” hệ thống. Người dân hoàn toàn có quyền đặt câu hỏi: không rõ chuyện này xảy ra từ năm nào khi – như đã đề cập ở trên – ông Quách Tuấn Ngọc cho rằng đã phát hiện nghịch lý từ vài năm trước; và hiện nay còn bao nhiêu nơi “chưa bị lộ” khi mà danh sách “nghi vấn” ngày một dài? Sau cùng là mất quá nhiều thời gian, công sức của hàng vạn thầy cô giáo và hàng chục vạn thí sinh, cùng một núi tiền cho một kỳ thi thiếu hiệu quả.
Đi tìm chân dung nền giáo dục
Bức tranh giáo dục chỉ sau một mùa tuyển sinh đã hiện lên nhiều nét “bi quan”, thiếu tin tưởng, trong khi nguyên lý “học để lấy điểm, lấy bằng, lấy danh hiệu, địa vị…” vẫn hết sức nặng nề trong toàn bộ hệ thống và tư duy của người làm công tác giáo dục.
Trong phạm vi lá thư này, thầy chỉ phác thảo sơ qua về những nét chính mà chúng ta cần phải gợi lên trước khi khắc vào nền giáo dục hiện nay: tính thực chứng, khai phóng và khế cơ. Cố Hòa thượng Thích Minh Châu khi sáng lập Đại học Vạn Hạnh có nhấn mạnh đến sứ mệnh giáo dục là triết lý nhân bản, tức là triết lý chủ trương lấy con người làm căn bản, đối tượng và mục tiêu để hoàn thành sự nghiệp giáo dục. Thừa kế tinh thần và triết lý nhân bản của Đức Phật, giáo dục Phật giáo đề cập và khẳng định con người có địa vị quan trọng trong thế gian này; lấy con người làm gốc, lấy cuộc sống của con người trong cuộc đời này làm căn bản; xem con người như một cứu cánh chứ không phải như một phương tiện hay công cụ phục vụ cho mục tiêu của bất cứ cá nhân hay tổ chức nào khác. Mọi người có giá trị như nhau và đều có quyền được hưởng những cơ hội đồng đều về giáo dục. Viện lúc ấy chủ trương “Duy Tuệ Thị Nghiệp”, hướng tất cả mọi hoạt động nhằm tạo cho người sinh viên một trí tuệ ứng dụng được vào các vấn đề cụ thể do xã hội thực tế đặt ra. Sứ mệnh của Viện là truyền đạt cho sinh viên ý thức trách nhiệm và tinh thần phục vụ.
Tính thực chứng trong giáo dục có nghĩ là chúng ta không chỉ giảng những lý thuyết “chết”, những kiến thức khô khan, những điều mà học sinh có thể tra cứu trên “Google” suốt ngày mà không cần đến một ông thầy. Người thu nhận giáo dục phải được trao truyền những kiến thức sống, hay đúng hơn, nhận nơi người thầy và hệ thống giáo dục những nhân cách sống. Anh không thể là một ông thầy “ngụy tín” sống giả dối với những lý thuyết mình rao giảng về đạo đức. Tính trung thực vì thế là phẩm chất hàng đầu cần tôn trọng ở đấy. Phật dạy các đệ tử thế nào thì Phật sống và hành động theo đúng triết lý ấy. Bản thân người thầy phải được lấy làm “thân giáo” trước khi nói về những kiến thức cao vời khác. Phẩm chất đầu tiên là trung thực.
Chúng ta nhớ bức thư Tổng thống Abraham Lincoln viết cho thầy giáo của con mình với những lời như sau: “… Xin thầy hãy dạy cho cháu biết rằng 10 xu kiếm được có giá trị nhiều lần hơn một dollar nhặt được. Trong trường học, hãy chấp nhận thi rớt còn danh giá hơn nhiều nếu gian lận trong khi thi. Hãy dạy cháu biết thua một cách đàng hoàng và biết hưởng niềm vui khi thật sự chiến thắng… Hãy dạy cháu nếu thầy có thể, rằng hãy biết cười khi cảm thấy buồn và hiểu rằng không có sự xấu hổ ẩn sau dòng nước mắt. Dạy cháu trong thất bại vẫn có vinh quang và vẫn có nỗi thất vọng dẫu thành công… Xin hãy dạy cho cháu biết rằng có thể cống hiến tài năng và trí tuệ cho người nào trả mình cao nhất, nhưng không bao giờ cho phép ai ra giá mua trái tim và linh hồn mình. Xin hãy cho cháu biết rằng cháu phải luôn có niềm tin tuyệt đối vào bản thân bởi vì khi đó cháu sẽ có niềm tin tuyệt đối vào nhân loại. … … Tôi cho rằng đây quả là một yêu cầu quá lớn, nhưng xin thầy hãy cố gắng hết mình. Nếu được như vậy thật là điều tuyệt vời đối với con trai tôi”. (trích “A Letter from Abraham Lincoln to His Son’s Teacher”)
Thiền sư Nhất Hạnh giải thích rõ hơn “Nhà giáo phải sống những gì mình dạy và dạy những gì mình sống… Tính cách nhân bản được nhận thấy rõ ràng trong một nền giáo dục như thế, bởi vì chỉ có con người và kiến thức thực chứng của con người trong địa hạt tâm linh, vật lý và xã hội mới là nguồn gốc và cứu cánh cho sự sống của con người”. (Thích Nhất Hạnh, Đạo Phật hiện đại hóa, 1965, Nxb Lá Bối)
Điều này giải thích vì sao giáo dục Phật giáo đã từng tích cực tham gia vào việc định hướng và phát triển giáo dục của đất nước, bảo tồn và phát triển tính độc lập trong giáo dục, góp phần định hướng và phát triển tính truyền thống nhân văn, nhân bản của dân tộc. Ngoài ra, giáo dục phải mang tính khai phóng, qua đó những kiến thức mới và kinh nghiệm thường xuyên được đón nhận, chỉnh lý hoặc bổ túc. Đó là điều kiện của phát triển bền vững và thịnh vượng. Tính cách cuối cùng là khế cơ, nghĩa là phải phù hợp với điều kiện về môi trường và tình trạng con người. Nghĩa là tính dân tộc trong một nền giáo dục. Giáo dục phải đem lại những thành quả tốt đẹp: đó là những con người trung thực, có hệ giá trị vững vàng về phẩm cách chứ không thể sản sinh ra những kẻ cơ hội gian dối. Giáo dục còn có chức năng cải tạo xã hội. Nếu chỉ lấy mảnh bằng hay địa vị xã hội thì nền giáo dục ấy quá hẹp hòi và nông cạn, khó đi xa.
Giáo dục là khơi mở, ươm trồng những hạt giống cho mai sau. Trở lại bức thư của Abraham Lincoln, ông cũng hiểu khi yêu cầu:
“Xin thầy hãy giúp cháu nhìn thấy thế giới tuyệt vời của những cuốn sách, nhưng xin cũng cho cháu có đủ thời gian để lặng lẽ suy tư về sự bí ẩn của đàn chim tung cánh trên bầu trời, đàn ong bay lượn trong ánh nắng và những bông hoa nở bên ngọn đồi xanh ngát. Xin hãy giúp cháu có niềm tin vào ý kiến riêng của bản thân, mặc cho tất cả mọi người đều cho rằng ý kiến đó hoàn toàn sai lầm”.
Đào tạo một học sinh hay sinh viên biết tư duy độc lập như vậy, mang tâm hồn khai phóng và tràn đầy tính Người, chẳng phải cứu cánh của mọi nền giáo dục đấy sao?
Hẹn gặp em trong buổi họp lớp sắp tới. Hãy vững lòng tin, em ạ!
Discussion about this post