Tâm Lễ-Nguyễn Ngọc Luật
Tháng bảy này không như mọi năm, mấy năm trước thường thì chỉ có những cơn mưa rào chợt đến chợt đi. Năm nay trời mưa tầm tả suốt hơn mười ngày, bầu trời lúc nào cũng như sũng nước với một màu xám xịt, những đám mây đen vần vũ và những cơm mưa ào ạt đổ xuống tưởng không bao giờ dứt. Phố xá ngập nước lênh láng, như lời bài hát của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn “phố bây giờ là dòng sông uốn quanh…”. Đầu tháng thì mưa ào ạt như thế nhưng những ngày giáp lễ Vu Lan thì trời bổng dưng tạnh ráo, nắng hanh vàng rực rỡ và những cơn gió mùa thu thổi mát rượi.
Năm nào cũng thế khoảng mùng mười tháng bảy âm lịch là các chùa đã bắt đầu tổ chức lễ vu lan báo hiếu. Là một phật tử lâu năm nên được quen biết nhiều thầy, sư cô trụ trì các chùa vì vậy hằng năm cứ đến lễ Phật Đản hoặc Vu Lan là tôi bận suốt mùa. Gọi là đi làm phật sự nhưng đôi lúc cũng cảm thấy mệt mỏi vì quá bận rộn có khi bỏ cả công việc nhà, bỏ cả các thời khóa công phu, hành trì…
Sáng nay, ngày 14 tháng bảy âm lịch vừa lo lễ bông hồng cái áo trên chùa xong là tôi vội về nhà, tranh thủ (lại tranh thủ!) chạy xe vô nghĩa trang thắp nhang mộ mẹ. Vì là giờ giữa trưa nên nghĩa trang vắng người, ngồi một mình bên mộ mẹ trong khói nhang nghi ngút uốn lượn bay theo làn gió trong cái vắng vẻ đìu hiu giữa những ngôi mộ im lìm quạnh quẽ tôi thấy lòng mình như lắng lại. Mẹ tôi mất đã gần mười năm, thế nhưng những kỷ niệm về mẹ vẫn còn nguyên trong ký ức của tôi, chỉ chờ có cơ hợi là hiển hiện như mới đâu đây. Suốt một đời bôn ba xuôi ngược của kiếp người vật lộn với nợ áo cơm, giờ dây tuổi đời đã ngã bóng phía hoàng hôn, trong cái thời khắc được ngồi trầm tư bên mộ mẹ trong không gian hoang vắng của nghĩa trang vào ngày lễ Vu Lan lòng tôi chợt trào dâng một nỗi buồn khó tả, những ký ức về mẹ chợt hiện về sinh động như mới hôm qua…Mẹ tôi một người đàn bà lam lũ suốt một đời tần tảo lo cho chồng, cho con, khi cha tôi mất đi mẹ vừa làm cha vừa làm mẹ lo cho chị em chúng tôi miếng ăn, tấm áo , rồi lại chuyện học hành nữa khiến mẹ già trước tuổi và đánh mất đi tuổi xuân lúc nào không hay. Năm tháng qua đi, các chị tôi đi lấy chồng, tôi trưởng thành lập gia đình, vì kế sinh nhai, vì thời cuộc tôi phải bỏ quê hương tìm về vùng đất mới để mưa sinh. Mẹ tôi vì thương cho đứa con được cha mẹ nuôi nấng dạy dổ, được học hành đến nơi đến chốn nhưng vì thời cuộc nên lỡ làng danh phận phải bôn ba nơi xứ người để kiếm sống nên đã đi theo để lo cho tôi như thuở ấu thời…Thế là khi làm thân phiêu bạt xứ người tôi đã khiến mẹ tôi cũng phải long đong vất vả theo.
Là một huynh trưởng trong Gia Đình Phật Tử nên cứ đến mùa vu lan báo hiếu là tôi luôn bận rộn với bao công việc của chùa, của tổ chức nên ít khi ở nhà. Trong ngày lễ Vu Lan vợ chồng tôi cho đến con cái mỗi người một việc đều tập trung lên chùa để dự lễ, trong khi đó thì mẹ tôi vì già quá không đi lễ được nên đành phải ngồi thui thủi một mình trong ngôi nhà vắng vẻ. Trong khi ở chùa thì tôi là người dẫn chương trình cho buổi lễ bông hồng cài áo nên biết bao nhiêu ngôn từ mỹ miều về công ơn cha mẹ, về lòng hiếu thảo, về bổn phận của con cái đối với công ơn của hai đấng sanh thành thì nhiều vô kể, thơ văn viết về công ơn cha mẹ thì đọc cho hết một đời người cũng không hết, bài cảm niệm về công ơn cha mẹ cũng đã lấy đi bao nhiêu là nước mắt của phật tử. Năm nào cũng thế buổi lễ cài hoa hồng được diễn ra trong không khí trang nghiêm thật nhiều cảm xúc, người mất mẹ cài lên ngực áo một đóa hoa trắng thì bùi ngùi rơi lệ vì nhớ thương, người được diễm phúc còn cha mẹ được cài lên ngực áo mình đóa hoa hồng cũng khóc vì cảm nhận công ơn bao la biển trời của cha của mẹ. Có thể những lúc như thế tâm trạng của mỗi người mỗi khác nhưng hầu như ai cũng dạt dào thương cảm nghĩ về ân cha nghĩa mẹ. Có thể trong số đó cũng không ít người nhỏ những giọt nước mắt ân hận vì đã sống không tròn hiếu thảo với cha mẹ nhưng giờ đây cha mẹ đã quá vãng rồi hối hận bao nhiêu cũng muộn màng, muốn sửa sai, muốn sống tốt hơn với cha mẹ cũng không còn cơ hội nữa! Trong khi buổi lễ diễn ra, cả không gian như chùng xuống với những tiếng thút thít nghẹn ngào, những dòng nước mắt chảy dài trên má của mọi người thì tôi liên tưởng giờ này mẹ đang ngồi bên cửa sổ nhìn ra đường trông ngóng con cháu trở về nấu cơm cho mẹ lòng tôi thấy xót xa vô cùng, cổ họng như nghẹn lại!
Lễ xong là tôi vội vả về nhà và in như hằng chục lần khác, tôi thấy mẹ đang ngồi bên cửa sổ ngó mông lung ra con đường vắng trước mặt. Trong khoảnh khắc đó tôi thấy bao nhiêu mỹ từ ca ngợi tình mẹ tình cha mà tôi vừa nói sáng nay phút chốc biến thành sáo rỗng vô nghĩa. Trong khi mình đang thao thao nói về đạo hiếu đối với cha mẹ cho bao nhiêu người nghe thì mẹ mình thui thủi một mình ngóng cổ chờ con trong căn nhà vắng!
Trưa nay cũng thế, những ngày trong mùa vu lan báo hiếu luôn cho tôi nhiều cung bậc cảm xúc, khi mà giờ đây không còn cha mẹ trên đời với lòng luôn hoài niệm những ký ức ngọt ngào về người cha người mẹ yêu quý nhất trên đời giờ không còn nữa. Bao nhiêu năm rồi trôi qua, tôi vẫn tiếp tục nói về công ơn cha mẹ, nói về bổn phận của đạo làm con và những giọt nước mắt vẫn rơi trong những lúc tổ chức lễ bông hồng cài áo. Và trong sự bận rộn của mùa báo hiếu, trưa nay tôi lại tranh thủ ra nghĩa trang viếng mộ mẹ, đặt lên mộ mẹ một chùm hoa, đốt lên một nén nhang, nhìn khói hương quyện tỏa trên mộ lòng bồi hồi cảm xúc, tôi muốn ngồi bên mẹ cho đến khi tàn hương, thế nhưng chiều nay tôi lại phải đi dự lễ vu lan ở một ngôi chùa khác nên không thể ngồi lâu với mẹ, thế là tôi lại phải đành lòng giả từ mẹ, để mẹ một mình trong nghĩa trang vắng vẻ để về đi lo lễ vu lan báo hiếu, thật là một trời mâu thuẩn!
Thế nhưng mẹ ơi, cho dầu bao nhiêu tuổi con vẫn là con của mẹ, dù tạo ra bao nhiêu lỗi lầm mẹ vẫn tha thứ cho con. Một buổi trưa nắng vàng hiu hắt giữa mùa vu lan báo hiếu trong nghĩa trang vắng vẻ đìu hiu tôi đã thì thầm với mẹ như thế. Bước chậm ra khỏi nghĩa trang tôi vẫn cố ngoảnh mặt nhìn lại làn khói hương ẻo lả đang vờn quanh trên mộ mẹ buồn hiu hắt, nước mắt tôi lại ứa ra…
Mùa vu lan báo hiếu 2019
Tâm Lễ-Nguyễn Ngọc Luật
Discussion about this post