Bút Ký của
MỘT NGƯỜI SANH RA VÀO NĂM CUỐI
THẬP NIÊN 1940S TẠI MIỀN NAM VIỆT NAM
BÚT KÝ của MỘT NGƯỜI SANH RA VÀO NĂM CUỐI THẬP NIÊN 1940s tại MIỀN NAM VIỆT NAM
MỘT ĐỜI MẸ TRAO
Người Long Hồ
I
Con xin kính dâng lên hương hồn của mẹ với niềm thương kính vô biên. Con xin ghi nhớ tất cả những lời mẹ đã nhắn nhủ, và con xin trân trọng ôm ấp “một đời mẹ trao”như một báu vật, một hành trang hay một thứ của hồi môn để con tiếp tục vào đời. Mẹ ơi! Con biết ngày mẹ ra đi mà lòng vẫn còn nuối tiếc vì không nhìn thấy được đứa con trai thân yêu của mẹ, vì mẹ muốn mãi mãi là ánh sáng chiếu rọi tâm hồn các con của mẹ, mẹ muốn mãi mãi là nguồn sinh lực tiếp sức cho chúng con vượt qua những chông gai nghiệt ngã của dòng đời, phải không mẹ? Nhưng trên đời này có thứ nào chạy ra khỏi định luật vô thường đâu hở mẹ. Xin mẹ nhận nơi đây một nén hương lòng của đứa con trai thân thương của mẹ và xin mẹ hãy yên lòng siêu thoát.
Thật tình mà nói, tôi chưa bao giờ có ý định viết văn, vì từ nhỏ tôi đã không thích văn chương thi phú. Từ hồi còn ở trung học, tôi là một học sinh Ban Toán, nhưng rồi dòng đời đưa đẩy, tôi chả lấy được một bằng cấp nào ở đại học có liên quan đến Toán. Làm trai thời loạn mà, chưa hết ngưỡng cửa trung học tôi đã xếp bút nghiên theo nghiệp binh đao, cho tới ngày đất nước ngửa nghiêng, tôi cũng như bao nhiêu những thanh niên thời loạn miền Nam khác bị lùa vào những trại tù, nên vốn liếng văn chương của tôi, nếu không muốn nói là kém cỏi thì cũng chẳng có là bao. Đã bao lần tôi muốn viết, viết nhiều thứ lắm, nhưng lại thôi vì ngòi bút nhỏ nhoi và khả năng kém cỏi của mình. Tuy nhiên, mỗi lần nhớ đến mẹ với một đời tận tụy hy sinh cho con cái được thành nhân chi mỹ, người mẹ sẵn sàng hy sinh cuộc đời mình làm viên gạch lót đường cho cuộc đời hoa gấm của các con các cháu mẹ sau này, lòng tôi không khỏi ngậm ngùi, vì thế tôi đã cố gắng ghi lại một đoản văn kỷ niệm về Một Đời Mẹ Trao. Dù đây không phải là một bài luận văn chương, nhưng nó đến với mọi người bằng tất cả tấm lòng. Tôi thiết nghĩ, viết dù có hay hay dở không phải là điều thiết yếu hàng đầu, điều thiết yếu khi viết là phải viết bằng đạo đức và liêm sỉ của một con người, quyết không bị nghịch cảnh làm cong đi ngòi bút của chính mình. Khi viết bài bút ký này, tôi chỉ mong được chia sẻ tâm tình của mình với người, dù chỉ là tự truyện về mẹ và tôi, nhưng tôi thiết nghĩ chắc ai trong chúng ta cũng đều có những kỷ niệm thật đẹp về mẹ, nên tôi đã không ngần ngại viết lại kỷ niệm về Một Đời Mẹ Trao bằng tất cả tấm lòng và sự trân trọng về mẹ. Những mẩu chuyện ngắn được ghi lại trong bài bút ký này là hoàn toàn có thật, không hư cấu. Tuy nhiên, tên những nhân vật trong truyện có khi không phải là tên thật, hoặc có khi lại trùng tên với ngoài đời. Xin quý vị niệm tình bỏ qua cho. Loạt bài bút ký ngắn này ghi lại cuộc đời của chính tôi, từ nhỏ đã sống trong cảnh nghèo khó cơ hàn mà nếu không có sự hy sinh cao cả của mẹ thì chắc chắn, tôi và các con tôi không có được ngày hôm nay. Như trên đã nói, tôi không nợ nần gì với văn chương thi phú mà phải viết để trả nợ như tầm phải nhả tơ, cũng không phải viết để tả oán cho một kiếp người vì nỗi khổ đau riêng lẻ của tôi có thắm thía gì với những hệ lụy đau thương mà dân tôi nước tôi phải gánh chịu trong suốt chiều dài lịch sử của đất nước! Viết lại bút ký này thứ nhất là để chia sẻ và cảm thông với những ai có cảnh ngộ nghèo nàn, thứ hai là để tỏ lòng biết ơn sâu xa đến công lao sanh thành dưỡng dục của cha mẹ, thứ ba là để tri ơn những người đã cưu mang tôi nói riêng, và những người bạn đồng tù của tôi nói chung, trong suốt những năm tháng khổ sai lao nhọc trong lao tù của người anh em phía bên kia, thứ tư là mong gửi lòng tri ân của mình đến những người thân yêu của tôi, cũng như anh chị em và bạn bè tôi, những người đã nâng đỡ tôi về cả vật chất lẫn tinh thần giúp tôi vượt qua những lúc cùng cực nhứt của đời tôi, và cuối cùng là cám ơn rất nhiều đến hiền thê và các con của tôi, những người đã cùng tôi đi qua một giai đoạn nghiệt ngã nhứt của cuộc đời.
Mỗi người chúng ta, ai cũng có riêng cho mình những kỷ niệm về mẹ, vui có, buồn có, hạnh phúc có, khổ đau cơ cực cũng có, mỗi người mỗi khác, nhưng tôi tin chắc một điều là chúng ta đều có chung một điểm: ai trong chúng ta cũng đều trân quí và cất chứa những kỷ niệm ấy ở một nơi trang trọng và tôn kính nhứt của lòng mình. Nghĩ đến mẹ, tôi chẳng biết phải bắt đầu từ đâu vì mẹ là tất cả, mẹ là hình bóng cao quí mà tôi tôn kính cả đời; hình hài này, khối ốc này là của mẹ, là một đời mẹ trao.
Mẹ, một tiếng gọi thật ngắn ngủi nhưng thật ngọt ngào thắm thiết, nó chứa đựng cả một vùng trời trong sáng bất tận, một tình yêu thiêng liêng cao cả mà không thể dùng ngôn từ để diễn tả được. Hình ảnh người mẹ Việt Nam trong mọi giai tầng xã hội luôn gắn liền với những đức tính nhu nhẫn hiền lành, trung hậu, đảm đang, và hy sinh cho chồng cho con. Riêng với những bà mẹ nghèo nàn, phải chịu đựng thêm đủ thứ tai trời, ách nước, họa người… nhưng các người không hề quản ngại nắng sương mưa gió, lúc nào cũng sẵn sàng làm những cánh cò hom hem, ốm yếu, lặn lội kiếm ăn trên những cánh đồng hoang lạnh. Lúc nào cũng sẵn sàng ngược xuôi tần tảo để kiếm tiền nuôi con nuôi chồng. Với tôi, mỗi khi nghĩ đến mẹ, tôi vô cùng sung sướng và hãnh diện được làm con của mẹ trong cảnh bần hàn túng thiếu và cơ cực nhứt của đời người. Bây giờ và cho mãi đến về sau này có lẽ tôi sẽ không bao giờ quên được hình ảnh mẹ tôi trong giai đoạn lao đao lận đận nhứt của tuổi thơ. Mẹ ơi! Với ngôn ngữ hạn hẹp của loài người và chữ nghĩa hạn hẹp của con, làm sao con có thể diễn tả hết được ‘lòng mẹ thương con’? Bảo lòng mẹ cao như trời hay rộng như biển, cũng phải, nhưng trời kia còn có khi gieo giông kết bão hay biển kia còn có lúc sóng dậy ba đào, chứ lòng mẹ cho con lúc nào cũng êm dịu như mặt nước hồ thu không gợn sóng. Mẹ lúc nào cũng sẵn sàng ban phát cho con những thứ cấp thiết, mà nếu không có thì không thể nào con có thể lớn lên thành người cho được. Thế mới biết “đố ai đếm được sao trời, đố ai đếm được tấm lòng mẹ trao?”
Discussion about this post