Thiền Phật Giáo
BỐN NỀN TẢNG CHÁNH NIỆM
(giảng bằng ngôn ngữ thông thường)
Người dịch: Lê Kim Kha
Nhà xuất bản Hồng Đức 2015
Như Đức Phật đã nói: “Này các Tỳ kheo, đây là con đường trực tiếp để làm trong sạch chúng sinh, để vượt qua buồn đau và sầu bi, để chấm dứt sự khổ và phiền não, để đạt được con đường chánh đạo, để chứng ngộ Niết-bàn, được gọi là Bốn Nền Tảng Chánh Niệm.”
Dù cho con đường đó (ekayano maggo) đã được các thầy tổ và học giả dịch là con đường duy nhất hay trực chỉ đến những mục tiêu tu hành như Phật đã nói trên, thì nó cũng có nghĩa là một con đường quan trọng nhất để người tu hành theo đạo Phật cần phải bước quai. Chánh niệm là sự thực hành không thể thiếu được để dẫn đến những trạng thái giác ngộ và Niết-bàn.
Theo kinh điển, “Bất kỳ ai đã giải thoát, đang giải thoát, hoặc sẽ giải thoát khỏi thế gian này, tất cả họ làm được vậy bằng cách phát triển đúng đắn Bốn Nền Tảng Chánh Niệm.”ii Điều đó có nghĩa rằng những bậc tu hành giải thoát đều tu chánh niệm theo hướng dẫn của Phật trong bài kinh “Bốn Nền Tảng Chánh Niệm” này. Đó là vai trò và ý nghĩa của bài kinh này trong việc tu thiền chánh niệm theo đạo Phật.
Trong quyển sách này, thiền sư Bhante Gunaratana giảng giải bằng một ngôn ngữ thông thường để chúng ta dễ dàng hiểu được và thực hành theo. Mời các bạn và các đạo hữu bước vào tìm hiểu trong phần Dẫn Nhập và Nội Dung trong quyển sách của vị thiền sư hiền trí này.
Quyển sách này được cho là một quyển sách hay nhất về đề tài Thiền Chánh Niệm và Bốn Nền Tảng Chánh Niệm. Nó có thể được đọc cùng với quyển “Chánh Niệm-giảng bằng ngôn ngữ thông thường”, “Chánh Định-giảng bằng ngôn ngữ thông thường”, và “Tám Bước Đi Đến Chánh Niệm” của ngài.
Chúc quý độc giả dễ dàng nắm bắt và thưởng thức được những lời giảng giải, và hơn hết, thực hành Thiền Chánh Niệm một cách thành công sau khi đọc quyển sách này.
Nhà Bè, cuối Thu 2013
Lê Kim Kha
Discussion about this post