BÌNH MINH trong HOÀNG HÔN
Vĩnh Hảo
Xe lên đỉnh đèo khi mặt trời từ từ xuống thấp ở biển tây. Mặt trời đỏ ửng và hiện rõ nét hơn trước khi khuất hẳn vào lòng biển rộng. Mây dồn từng lớp ở chân trời xa thẳm, che mất vạch thẳng của mặt nước, khép lại vẻ mênh mông của biển sau một ngày dài. Đàn hải âu từ khơi quay về, bay thật nhanh, trong im lặng, rồi đáp xuống đâu đó trên những ghềnh đá dọc bãi biển.
Nền trời vẫn còn phản chiếu nắng nhạt, tạo những vệt vàng, cam, tím chen giữa những đường mây. Sắc màu của thiên nhiên, núi đồi và cỏ cây vẫn còn được nhận ra rõ ràng khi xe xuống đèo, băng qua đồng cỏ bạt ngàn phía đông. Thấp thoáng vài căn nhà gỗ sơn trắng, nổi bật giữa nền cỏ xanh và các tường rào màu nâu sẫm. Những cơn mưa xuân tuần rồi đã thanh tẩy bụi bặm trên lá cây. Hoa dại xác xơ, run rẩy trong tiết lạnh trái mùa. Xa xa, từ lò sưởi của một ngôi nhà nằm sâu dưới thung lũng, khói lam tỏa nhẹ một dải lụa mềm trong không gian bảng lảng ánh chiều.
Chạnh lòng buồn nhớ quê xa.
Nhớ chiều lang thang trên đồi, nhìn mây tím chân trời khi chuông chùa gửi vào phố thị tiếng hải triều ngân vang.
Nhớ chiều thôn dã, tiếng cười trong trẻo vô tư của những thôn nữ từ ruộng đồng kéo về hòa trong tiếng lá lao xao rừng bạch đàn.
Nhớ chiều phố thị, bâng quơ chân bước lữ hành. Tiếng người huyên náo, tiếng máy xe inh ỏi và khói xăng mù mịt như thúc giục chốn về bình an.
Có những con thuyền xa khơi, khuất bóng nơi góc bể chân mây.
Có những người ra đi, heo hút đường chân trời.
Và nỗi buồn, như thể lúc nào cũng chực sẵn, sa xuống mỗi chiều. Man mác như sương nhẹ buông. Niềm thương cũng tỏa ra. Bàng bạc những phương trời.
Hoàng hôn. Rồi lại bình minh. Rồi lại một chiều vạt nắng kéo về phương tây. Chim bay mỏi cánh không đuổi kịp mặt trời. Góc trời sẫm tím như hối hả chìm sâu về phía trước. Có khi như rượt đuổi từ phía sau. Chân người quýnh quáng quàng xiên khi bóng đêm chùng xuống.
Đêm. Nghĩa gì đâu! Chỉ là khi mặt trời bị che khuất.
Trừng mắt ngó vào đêm sâu. Tìm kiếm chi giữa u minh mịt mùng.
Đêm và ngày. Tối và sáng. Vô minh và minh.
Đêm có vẻ là khởi điểm cho những lệch lạc, sai lầm, u mê; và ngày có vẻ là khởi điểm cho sự bừng sáng của trí tuệ giác ngộ.
Kỳ thực, có một khoảng (thời gian và không gian) chuyển tiếp cho đêm và ngày—bình minh, cũng như có một khoảng chuyển tiếp giữa ngày và đêm—hoàng hôn. Chia chẻ khoảng chuyển tiếp ấy ra manh mún, sẽ không thấy đâu là điểm cuối cùng, cũng không thấy đâu là chỗ khởi điểm, khởi phát. Ngay nơi cái khoảnh thời gian và không gian nhỏ nhiệm nhất, đêm cũng chính là ngày, ngày cũng chính là đêm. Không phải là hai cái riêng biệt. Không có gì để có thể gọi được tên riêng là đêm hay là ngày. Đêm không làm nhân hay làm duyên để sinh ra ngày; ngày cũng không làm nhân hay làm duyên để sinh ra đêm.
Vô minh và giác ngộ cũng thế. Thực sự không có vô minh, cũng như không có giác ngộ. Không có vô minh khởi sinh rồi vô minh bị tận diệt (1); cũng không có giác ngộ nào phát sinh hay chứng đắc khi vô minh đoạn tận (2). Vô minh đã không có thì nó không thể làm nhân hay làm duyên cho bất cứ thứ gì khác (3).
Nghiệm từ lý thuyết thì là như thế. Nhưng trên thực tế, có một hoàng hôn buông xuống phía tây và một bình minh vén lên từ phía đông, là khoảng nối kết giữa ngày và đêm, giữa đêm và ngày. Khoảng nối kết ấy, do ước lệ tri thức và kinh nghiệm của con người, là có thực. Có nghĩa rằng có sự khởi đầu và kết thúc của một chuỗi thời gian (đo đạc bằng không gian). Và vì nó có thực, có khởi sinh và tận diệt, nên đêm và ngày cũng có thực.
Vô minh cũng có thực trong nhiều kiếp luân hồi lưu chuyển khi chúng ta khởi ý niệm phân biệt ban đầu, chia chẻ những cặp đối đãi, từ đó vẽ ra đêm, ngày, hoàng hôn, bình minh, con người, cuộc đời, và trùng trùng vô tận thế giới.
Mặt trời đã khuất hẳn trong lòng biển lớn. Ráng hồng băng qua trời tịch lặng.
Xe đi trong đêm theo ánh đèn dẫn trước. Đường còn dài, chong mắt canh thâu.
Nỗi buồn mênh mang lúc hoàng hôn bất chợt tan biến như chưa từng hiện hữu.
California, ngày 22 tháng 02 năm 2019
Xem thêm nội dung:
Tập San Chánh Pháp Số 88 (3.2019)
________________
(1) “Vô vô minh, diệc vô vô minh tận” (không có vô minh, cũng không có sự hết vô minh), Bát Nhã Tâm Kinh.
(2) “Vô trí diệc vô đắc” (không có trí giác ngộ, cũng chẳng có sự chứng đắc), Bát Nhã Tâm Kinh.
(3) Theo giáo lý Phật, vô minh là chi đầu tiên trong Thập nhị nhân duyên; từ vô minh, tác động lên hành (vô minh duyên hành, hành duyên thức, thức duyên danh sắc…) mà kết nên đời sống này trong chuỗi nhiều đời sống của vòng luân hồi, sinh tử. Thập nhị nhân duyên gồm: vô minh, hành, thức, danh sắc, lục nhập, xúc, thọ, ái, thủ, hữu, sanh, lão tử.
Discussion about this post