BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA TÂM KINH THÍCH YẾU
No. 555
Đời Minh, Bồ-tát Sa-di Trí Húc thuật.[1]
Việt dịch: Quảng Minh.
Kinh này chỉ thẳng một niệm sát-na tâm hiện tiền của chúng ta chính là ‘ba Bát-nhã’ vậy. Tâm, Phật và chúng sanh, cả ba không sai biệt[2], nhưng vì pháp của chúng sanh thì quá rộng, pháp của Phật thì quá cao, đối với người sơ tâm thì chỉ có quán tâm là dễ hơn cả. Thế nên, Đại bộ [Bát-nhã] hơn sáu trăm quyển đã bao quát pháp của Phật và pháp của chúng sanh để nói rộng về Bát-nhã. Tâm Kinh chỉ bao quát pháp của Tâm để hiển thị Bát-nhã. Đại bộ [Bát-nhã] dẫu nói rộng về pháp của Phật và pháp của chúng sanh, nhưng [hai pháp ấy] chưa bao giờ chẳng là pháp của Tâm. Tâm Kinh chỉ nói thẳng về pháp của Tâm, nhưng [pháp ấy] chưa bao giờ chẳng gồm đủ pháp của Phật và pháp của chúng sanh. Vì vậy mà nói là ‘cả ba không sai biệt’.
Một niệm sát-na tâm hiện tiền của chúng ta vốn ‘trong sạch rỗng suốt, sáng tỏ thường biết’[3], chẳng ở các chỗ ‘trong, ngoài, khoảng giữa’, cũng không có dấu vết ‘quá khứ, hiện tại, vị lai’, chính là Quán Chiếu Bát-nhã.
Nơi một niệm sát-na tâm hiện tiền của chúng ta mà biến hiện rõ ràng ‘căn thân, khí giới’[4], cho đến các quốc độ thật giả trong mười pháp giới[5], bình đẳng ghi giữ ấn tượng[6], không trước, không sau, đồng thời sẵn đủ, chính là Văn Tự Bát-nhã. Bởi vì núi, sông, đất đai, sáng, tối, hình sắc, không gian, v.v…, tất cả các cảnh giới, không có cái gì không có tánh chất của văn tự,[7] chứ không phải chỉ có giấy, mực, ngôn ngữ mới là văn tự.
Nơi một niệm sát-na tâm hiện tiền của chúng ta, thì bản chất của tất cả tri giác và cảnh giới, chúng không có chia tách, không có năng sở, không có đúng sai, toàn là bản thể pháp giới đồng nhất, chính là Thật Tướng Bát-nhã.
Thật Tướng Bát-nhã chẳng phải ‘bờ bên này’, chẳng phải ‘bờ bên kia’. Thấu rõ thật tướng của một niệm hiện tiền này, cho nên ‘sanh tử tức là Niết-bàn’, gọi là Ba-la-mật.
Quán Chiếu Bát-nhã cũng chẳng phải ‘bờ bên này’, chẳng phải ‘bờ bên kia’. Soi chiếu một niệm hiện tiền này chính là thật tướng, cho nên ‘phiền hoặc tức là trí minh’, gọi là Ba-la-mật.
Văn Tự Bát-nhã cũng chẳng phải là ‘bờ bên này’, chẳng phải ‘bờ bên kia’. Hiển lộ một niệm hiện tiền này chính là thật tướng, cho nên ‘kết nghiệp tức là giải thoát’, gọi là Ba-la-mật.
Thế nên, Tâm ấy chính là ba Bát-nhã; ba Bát-nhã chỉ là ‘cái Tâm duy nhất’[8]. Lý ấy xưa nay vẫn vậy, chẳng thể thay đổi, nên gọi là Kinh. Nương theo lý ấy mà tu hành, ba đời chư Phật và Bồ-tát cùng tuân giữ, nên gọi là Kinh. Pháp môn[9] được thuyết giảng khiến cho thiên ma, ngoại đạo chẳng thể não loạn, phá hoại, nên gọi là Kinh.
Quán Tự Tại Bồ-tát hành thâm Bát-nhã ba-la-mật-đa thời, chiếu kiến ngũ uẩn giai không, độ nhất thiết khổ ách.
Bồ-tát Quán Tự Tại khi tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, soi thấy năm uẩn đều Không, vượt mọi khổ ách.
Muốn biết đường quanh chân núi, phải hỏi người đã đi qua. Vì thế nêu ra ‘Người thực hành quán tâm thành tựu’ là để làm gương mẫu.
Quán, là trí năng quán, tức là ‘nhất tâm tam quán’[10], gọi chung là Quán Chiếu Bát-nhã.
Tự Tại, là do chứng lý đế ‘thật tướng’, được đại giải thoát đối với các cảnh giới.
Bồ Tát, dịch là Giác hữu tình, chính là tên gọi ‘Người có tự lợi và lợi tha’. Trí khế hội ‘thật tướng’ thì tự lợi đầy đủ, trí tuyên thuyết ‘văn tự’ thì lợi tha khắp cả, cho nên gọi là Bồ-tát. Đây là nói rõ ‘người năng hành’[11] vậy.
Thâm Bát-nhã Ba-la-mật-đa: Ở trong ‘tam trí nhất tâm’[12] mới có được [pháp bát-nhã ba-la-mật-đa], không phải pháp cộng thông của bậc Tam thừa Quyền giáo[13], vì thế gọi là thâm (xâu xa). Đây là nói chung về ‘pháp sở hành’.
Thời, là lùi về quá khứ nhiều kiếp lâu xa mà nói, từ lúc đã được sự tương ưng [Bát-nhã Ba-la-mật-đa][14] thẳng đến cùng tận biên tế vị lai, từ đầu đến cuối, [hành giả] chẳng lìa ‘Bát-nhã sâu xa’.
Chiếu kiến, là nói riêng về ‘trí năng quán’, tức là Quán Chiếu Bát-nhã.
Ngũ uẩn, là nói riêng về ‘cảnh sở quán’, tức là Văn Tự Bát-nhã.
Giai Không, là nói riêng về ‘lý đế được hiển lộ’, tức là Thật Tướng Bát-nhã.
Năm ấm, không ấm nào chẳng phải là Không, Giả, Trung. Tứ cú đều lìa, bách phi đều dứt[15], nên gượng gọi là Không vậy.
Độ nhất thiết khổ ách: Chính mình thoát ra khổ nhân và khổ quả của hai chết[16], và cũng làm cho chúng sanh trong pháp giới cùng thoát ra nhân quả của hai chết. Đó là hiệu năng của sự hành pháp ấy, và cũng chính là Ba-la-mật-đa.
Xá-lợi Tử! Sắc bất dị không, không bất dị sắc; sắc tức thị không, không tức thị sắc, thọ tưởng hành thức diệc phục như thị.
Xá-lợi Tử! Thị chư pháp không tướng, bất sanh bất diệt, bất cấu bất tịnh, bất tăng bất giảm. Thị cố không trung vô sắc, vô thọ tưởng hành thức; vô nhãn nhĩ tỹ thiệt thân ý; vô sắc thanh hương vị xúc pháp; vô nhãn giới nãi chí vô ý thức giới; vô vô minh, diệc vô vô minh tận, nãi chí vô lão tử, diệc vô lão tử tận; vô khổ, tập, diệt, đạo; vô trí, diệc vô đắc, dĩ vô sở đắc cố.
Xá-lợi Tử! Sắc chẳng khác Không. Không chẳng khác sắc. Sắc tức là Không, Không tức là sắc. Thọ, tưởng, hành, thức, cũng lại như vậy.
Xá-lợi Tử! Tướng Không của các pháp ấy không sinh không diệt, không dơ không sạch, không thêm không bớt. Thế nên, trong Không không sắc, không thọ, tưởng, hành, thức; không nhãn, nhĩ, tỹ, thiệt, thân, ý; không sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp; không nhãn giới cho đến không ý thức giới; không vô minh và không sự diệt tận của vô minh; cho đến không lão tử và không sự diệt tận của lão tử; không khổ, tập, diệt, đạo; không quán trí và không chứng đắc, vì không thủ đắc gì cả.
Đoạn này giải thích rộng về cảnh đế[17]: ‘Năm uẩn đều là Không’, là để quán chiếu tự tại trong những cảnh ấy, vì nếu không quán chiếu thì không thể thấu suốt cảnh đế. Khi tâm không khởi thì thôi, chứ trong một sát-na mà có tâm thì nhất định, (1) hiện ngay căn thân, khí giới, gọi là Sắc uẩn; (2) lãnh nạp các cảnh khổ vui, gọi là Thọ uẩn; (3) nắm giữ ảnh tượng, thiết lập danh ngôn[18], gọi là Tưởng uẩn; (4) [ý thức] sanh diệt, lưu chuyển không ngừng, gọi là Hành uẩn; (5) phân biệt rõ ràng các pháp, gọi là Thức uẩn. Qua đó biết rằng, một niệm sát-na tâm khởi lên thì ‘các pháp là thế đó’[19] mà có đủ cả năm tầng vẩn đục. Nay đem pháp Bát-nhã rất sâu xa để quán chiếu năm uẩn, thì [như thật] liễu tri ‘sắc chỉ là tâm, ngoài tâm không có sắc thật nào cả’.[20] Tất cả căn thân và khí giới đều như hoa đốm nơi hư không, như sự vật trong mộng, cho nên Sắc bất dị Không. ‘Không cũng chỉ là tâm, ngoài tâm không có cái Không nào khác’. Nếu có một pháp nào vượt hơn Niết-bàn thì ta cũng nói nó là như huyễn ảo, như chiêm bao, cho nên Không bất dị Sắc. Nói rằng ‘bất dị’ thì thành ra ‘tương tức’[21].
Vẫn sợ kẻ mê tình bị giới hạn trong cái hiểu ‘bàn tay ngửa với bàn tay úp’, nên hiển thị thêm nữa: Sắc tức thị Không, Không tức thị Sắc.
Theo đó, cầm lên một sắc thể nhỏ như vi trần thì sắc thể ấy chính là pháp giới[22] ngang dọc cùng khắp, cho nên Sắc tức thị Không. Đó là vì ‘toàn sự tức lý’, chẳng có một chút lý tánh nào mà không nằm trong sự ấy.
Sắc thể vi trần ấy có đủ ‘toàn lý’ là chân không, đồng thời nó cũng có đủ ‘toàn sự’ là pháp giới, cho nên Không tức thị Sắc. Đó là vì ‘toàn lý tức sự’, chẳng có một chút sự tướng nào không nằm trong lý ấy.[23]
Như vậy thì nơi đương thể mà dứt tuyệt mọi đối đãi[24], chẳng có hai vật.
Đã thấu suốt thật tướng nơi Sắc uẩn rồi, thì đối với Thọ, Tưởng, Hành, Thức cứ suy theo đó mà biết.
Lại sợ kẻ chấp mê cho rằng, ‘thật tướng của năm uẩn được sanh ra từ sự chiếu kiến’, nên lại chỉ dạy rằng: Các pháp năm uẩn ấy, đương thể tức là chân không thật tướng; chúng vốn như vậy, không phải thật tướng sanh thì năm uẩn diệt. Vì năm uẩn vốn tự chẳng sanh, chẳng diệt, nên gọi là Không tướng.
Lại sợ kẻ chấp mê cho rằng, ‘tướng Không của năm uẩn tuy chẳng sanh diệt, nhưng có cấu tịnh’, nghĩa là ‘phàm phu theo nhiễm duyên mà cấu uế, Thánh nhân theo tịnh duyên mà thanh tịnh’, nên lại chỉ dạy rằng: Năm uẩn của phàm phu cũng chính là tướng Không; năm uẩn của Thánh nhân cũng chính là tướng Không, sao lại có cấu tịnh?
Lại sợ kẻ chấp mê cho rằng, ‘tướng Không của năm uẩn tuy chẳng cấu tịnh, nhưng có tăng giảm’, nghĩa là ‘phàm phu mê lầm, cho nên sanh tử thêm mênh mông, đó là tăng; đức tướng càng che lấp, đó là giảm; Thánh nhân giác ngộ, cho nên chiếu dụng đến vô tận, đó là tăng; hoặc nghiệp dần tiêu vong, đó là giảm’, vì vậy lại chỉ dạy rằng: Lúc mê cũng chỉ có tướng Không của các pháp ấy, mà khi ngộ cũng chỉ có tướng Không của các pháp ấy, làm gì có tăng giảm?
Đã nói về năm uẩn và phát minh sự thật mầu nhiệm nơi năm uẩn rồi, tiến tới xét rộng khắp sự sai biệt của tất cả pháp tướng, để rồi dung hội và dứt tuyệt tình kiến của Thánh phàm, nên nói: “Thị cố Không trung vô Sắc, cho đến diệc vô đắc”. Thế nhưng, cái gọi là ‘vô Sắc, cho đến diệc vô đắc’, có phải là sau khi dung hội và dứt tuyệt [những tình kiến] thì các pháp (: năm uẩn, mười hai xứ, mười tám giới, mười hai nhân duyên, bốn đế, quán trí và sở đắc) mới ‘vô’ (: không có) hay sao? Bởi vì các pháp vốn là ‘vô sở đắc’[25]. Do các pháp vốn là ‘vô sở đắc’, nên gọi là Đế (: chân lý). Thấu suốt sự ‘vô đắc’ này, gọi là Quán. Nhưng chung quy vẫn không tách rời ‘năm uẩn’ [mười hai xứ, mười tám giới, v.v…] mà làm Cảnh sở quán. Dù là Cảnh, Đế hay Quán, tựu trung đều không tách rời một niệm sát-na tâm hiện tiền. Một niệm tâm gồm đủ ba nghĩa: Đế chính là Thật Tướng; Quán chính là Quán Chiếu; Cảnh chính là Văn Tự. Không có sự phân biệt các pháp là ngang hay dọc, các pháp cũng chẳng phải là một hay khác, vì thế gọi là ‘Bát-nhã sâu xa’.
Bồ đề tát đõa y Bát nhã Ba la mật đa cố, tâm vô quái ngại, vô quái ngại cố, vô hữu khủng bố, viễn ly điên đảo mộng tưởng, cứu cánh Niết bàn. Tam thế chư Phật, y Bát nhã Ba la mật đa cố, đắc A-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề. Cố tri Bát nhã Ba la mật đa, thị đại thần chú, thị đại minh chú, thị vô thượng chú, thị vô đẳng đẳng chú, năng trừ nhất thiết khổ, chân thật bất hư.
Bồ-tát y theo Bát-nhã ba-la-mật-đa thì tâm không bị chướng ngại; không bị chướng ngại thì không có khiếp sợ, xa lìa mọi điên đảo mộng tưởng, được cứu cánh Niết-bàn. Chư Phật trong ba đời y theo Bát-nhã ba-la-mật-đa thì được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Nên biết Bát-nhã ba-la-mật-đa là thần chú vĩ đại, là chú rất sáng chói, là chú vô thượng, là chú không gì sánh bằng, trừ được mọi khổ não, chân thật không hư dối.
Đoạn này nêu lên ‘[sự y theo Bát-nhã Ba-la-mật-đa của] tất cả chư Phật và Bồ-tát’ để chứng minh và làm sáng tỏ ý nghĩa: ‘Bát-nhã sâu xa thật sự có năng lực vượt qua mọi khổ ách.’ Chư Như Lai trong quá khứ đã thành tựu môn [Bát-nhã sâu xa] này; chư Bồ-tát trong hiện tại, mỗi vị đều thể nhập tánh viên minh [của Bát-nhã]; những người tu học trong vị lai cũng y theo pháp [Bát-nhã] như vậy, chứ chẳng phải chỉ có Bồ-tát Quán Thế Âm.
Vô quái ngại thì ‘kết nghiệp tức là giải thoát’, là ‘cứu cánh phương tiện tịnh Niết-bàn’.
Vô khủng bố thì ‘khổ quả tức là Pháp thân’, là ‘cứu cánh tánh tịnh Niết-bàn’.
Viễn ly điên đảo mộng tưởng thì ‘phiền hoặc tức là trí minh’, là ‘cứu cánh viên tịnh Niết Bàn’.[26]
Y theo Thật Tướng Bát-nhã thì có được Chân tánh Bồ-đề. Y theo Quán Chiếu Bát-nhã thì có được Thật trí Bồ-đề. Y theo Văn Tự Bát-nhã thì có được Phương tiện Bồ-đề.[27] Bồ-đề là Như như trí[28]; trí phải khế hợp lý. Niết-bàn là Như như lý[29]; lý phải khế hợp trí. Đây là ảnh lược[30] hỗ trợ cho thuyết minh.
Bát-nhã sâu xa này chính là đại thần chú, vì có đủ diệu dụng; nó chính là đại minh chú, vì là trí soi sáng các tướng; nó chính là Vô thượng chú, vì là bản thể của thật tướng; nó chính là vô đẳng đẳng chú, vì không có một pháp nào có thể sánh bằng ‘tâm’ này, và tâm này có thể đồng đẳng với tất cả các pháp, làm cho các pháp cùng trở về với ‘thật tướng ấn’[31]. Tâm chú này đích thực có năng lực đoạn trừ khổ nhân và khổ quả của phần đoạn sanh tử và biến dịch sanh tử nơi mình và nơi người. [Năng lực của tâm chú này thì] chân thật không hư dối; phải có đức tin xác thật và kiên định [về năng lực ấy].
Cố thuyết Bát-nhã ba-la-mật-đa chú, tức thuyết chú viết: Yết đế yết đế, ba la yết đế, ba la tăng yết đế, bồ đề, tát bà ha.
Nên nói chú Bát-nhã ba-la-mật-đa, liền nói chú rằng: Yết đế, yết đế, ba la yết đế, ba la tăng yết đế, bồ đề, tát bà ha.
Phần ‘hiển thuyết’ ở trên đã chỉ ra ‘Bát-nhã chính là một bài chú’. Ở đây là phần ‘mật thuyết’, và cũng cần biết rằng: ‘Bài chú chính là Bát-nhã.’[32] Đã hiển thuyết lại còn mật thuyết, hiển và mật đều trọn đủ lợi ích của tứ tất-đàn[33]. Tốt nhất là không phiên dịch nghĩa ý của câu thần chú, và chớ nên không hiểu thấu nghĩa chân thật mà cứ nói liều.
Bát-nhã Ba-la-mật-đa Tâm Kinh Thích Yếu (hết)
22/2/2019 (17/1/Kỷ Hợi)
Phật tử Quảng Minh dịch chú
Bản PDF để in:
Tâm Kinh Thích Yếu
[1] Ngẫu Ích Trí Húc 蕅益智旭 (1599-1655): Ngẫu Ích đại sư sống vào cuối đời Minh, là vị tổ thứ 9 trong Liên Tông, họ Chung, hiệu Trí Húc, quê ở Ngô huyện. Người cha trì chú Đại Bi mười năm, mộng thấy đức Quán Âm bồng con trao cho mà sanh ra ngài. Ban sơ ngài theo Nho Giáo, làm sách bài bác đạo Phật, đến khi đọc qua bộ Trúc Song Tuỳ Bút, liền đốt bản thảo sách mình. Năm 24 tuổi, ngài xuất gia, tập tham thiền, nhân bị bịnh nặng gần chết, mới chuyển ý tu tịnh nghiệp. Về sau ở ẩn nơi chùa Linh Phong, trứ thuật rất nhiều. Khi lâm chung ngài trối dặn thiêu hóa sắc thân, lấy tro xương hòa với bột làm hoàn thí cho chim cá, đặng kết duyên Tây Phương, rồi ngồi ngay mà tịch. Ba năm sau, hàng môn nhân mở khám ra, thấy sắc diện đại sư như lúc sống, tóc mọc dài lấp cả tai không nỡ theo lời di chúc, xây nhục tháp thờ ở Linh Phong. Đại sư cùng với Hám Sơn 憨山, Tử Bá 紫柏, Liên Trì 蓮池 được gọi là tứ đại cao tăng thời nhà Minh.
Thuở trẻ, Ngài học giáo pháp Thiên Thai, nghiên cứu giới luật rất sâu. Theo lời Ngài nói, ở Trung Quốc, từ sau thời Nam Tống đã không còn người xuất gia đúng pháp nữa. Tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni thọ giới thì tối thiểu phải có năm vị tỳ-kheo truyền giới thì mới được coi là ‘đắc giới’. Bồ-tát giới và những giới khác thì có thể chính mình đối trước Phật tuyên thệ liền đắc giới. Ngẫu Ích đại sư sau khi thọ tỳ-kheo giới, hiểu rõ sự thiếu sót ‘đắc giới’ này, tự mình trả lui giới, chẳng dám xưng là tỳ-kheo, chỉ xưng là ‘Bồ-tát Sa-di’.
Bát-nhã Ba-la-mật-đa Tâm Kinh Thiêm Túc 般若波羅密多心經釋要, gọi tắt là Bát-nhã Tâm Kinh Thích Yếu hay Tâm Kinh Thích Yếu, nằm trong Tục tạng kinh, tập X26, kinh số 555, do Đại sư Trí Húc trước thuật.
[2] Lục Thập Hoa Nghiêm, No. 278, phẩm Dạ Ma Thiên Cung Bồ-tát Thuyết Kệ, tr. 465c26: “Tâm như ông thợ vẽ, tạo vô số ngũ ấm; hết thảy trong thế gian, không pháp nào không tạo. Như tâm, Phật cũng vậy, Phật, chúng sanh cũng vậy; tâm, Phật và chúng sanh, là ba không sai biệt.” ( 心如工畫師, 造種種五陰, 一切世間中, 無法而不造, 如心佛亦爾,如佛眾生然, 心佛及眾生, 是三無差別.) Bài kệ này được gọi là Duy tâm kệ 唯心偈. Tông Thiên Thai lấy bài kệ này để thiết lập ‘tam pháp diệu’: Tâm, Phật và chúng sanh. Ba pháp này không sai khác, đồng nhất và vô tận, là cái thấy sự lý vô ngại, tương tức tương nhập, tương dung tương nhiếp của kinh Hoa Nghiêm.
[3] Hư minh đỗng triệt, liễu liễu thường tri 虚明洞徹, 了了常知.
[4] Căn thân của con người, khí giới của vũ trụ và nguồn gốc của căn thân, khí giới đều là tướng phần của thức A-lại-da, được tự chứng phần của thức A-lại-da biến hiện ra, và kiến phần của thức A-lại-da liễu biệt chúng.
[5] Mười pháp giới: Địa ngục, Ngạ qủy, Súc sanh, Người, A-tu-la, Trời, Thanh văn, Duyên giác, Bồ-tát, Phật. Kinh Hoa Nghiêm: Nhược nhân dục liễu tri, Tam thế nhất thiết Phật, Ưng quán pháp giới tánh, Nhất thiết duy tâm tạo. (Nếu ai muốn biết rõ, Ba đời tất cả Phật, Nên xét thể vạn hữu, Hết thảy do tâm tạo.) Bài tụng Duy tâm của kinh Hoa Nghiêm nói tất cả các pháp đều do tâm tạo, từ vật lý đến tâm lý, từ thiên đường đến địa ngục, nhưng đặc biệt là tâm tạo được thì cũng chính tâm phá được.
[6] Ấn trì 印持: thắng giải, là ghi giữ dấu ấn của sự thể trước đó còn mơ hồ để đưa đến chỗ xác định.
[7] Vua Lý Thái Tông, khoảng niên hiệu Thông Thụy (1034-1038), một sáng mùa xuân tìm vào núi viếng thăm Thiền sư Thiền Lão. Với 4 câu thơ, đáp lời hai câu hỏi của nhà vua, Thiền sư đã lưu lại cho những câu thơ tuyệt bích trong thi ca Thiền học về không gian và thời gian.
Khi vua hỏi: Hòa thượng đến tu núi này được bao lâu rồi? Thiền sư đáp: Đãn tri kim nhật nguyệt, Thùy thức cựu Xuân Thu 但知今日月, 誰識舊春秋 (Sống ngày nay biết ngày nay, Còn Xuân Thu trước ai hay làm gì.) Vua lại hỏi tiếp: Như vậy hằng ngày Hòa Thượng làm việc gì? – Thúy trúc, hoàng hoa phi ngoại cảnh, Bạch vân, minh nguyệt lộ toàn chân. 翠竹黃花非外景, 白雲明月露全真 (Trúc biếc hoa vàng đâu cảnh khác, Trăng trong mây bạc hiện toàn chân.) Vua hỏi: Có ý chỉ gì? Sư đáp: Lắm lời không ích về sau. Vua liền tỉnh ngộ. Thúy trúc hoàng hoa: Cách ngữ của thiền nhằm chỉ chân lý không nằm đâu xa, nó nằm ngay trước mặt. Có vị tăng hỏi Thiền Sư Tuệ Hải: – Thanh thanh thúy trúc tận thị Pháp thân, uất uất hoàng hoa vô phi Bát nhã? 青青翠竹盡是法身,鬱鬱黃花無非般若 (Trúc biếc xanh tươi có phải là Pháp thân, Hoa vàng rực rỡ có phải là Bát Nhã?) Ngài trả lời: – Pháp Thân vô tướng, ứng thúy trúc dĩ thành hình, Bát Nhã vô tri đối hoàng hoa nhi hiển tướng. 法身無相, 應翠竹以成形; 般若無知, 對黃花而顯相
(Pháp Thân không có tướng, ứng trúc biếc hiện ra hình; Bát nhã không được hiểu, đối hoa vàng hiện ra tướng.)
[8] Nhất tâm: Lý thể chân như chỉ một không hai (duy nhất).
[9] Pháp môn 法門: (Skt. Dharma-paryàya). Chỉ cho Phật pháp, giáo pháp, pháp thoại. Những lời Phật dạy là khuôn phép cho thế gian, nên gọi là Pháp. Pháp này là cửa ngõ vào đạo của các bậc hiền thánh, nên gọi là môn. Đại thừa khởi tín luận nghĩa ký, quyển trung, phần đầu (Đại 44, 252 trung) nói: “Pháp, là khuôn mẫu (: khái niệm) khiến người ta hiểu được sự vật; Môn, là cửa ngõ của Thánh trí”. Ngoài ra, Pháp môn cũng hàm ý là vô lượng vô tận cá tính sai biệt, như thường nói, vì chúng sinh có 8 vạn 4 ngàn phiền não, nên đức Phật nói 8 vạn 4 ngàn pháp môn.
[10] Nhất tâm tam quán 一心三觀: Cũng gọi Viên dung tam quán, Bất khả tư nghị tam quán, Bất thứ đệ tam quán. Pháp quán do tông Thiên Thai thành lập, là một trong những giáo nghĩa cơ bản của tông này. Nhất tâm, chỉ cho tâm năng quán; tam quán, tức là Không quán, Giả quán và Trung quán. Biết rõ một tâm niệm vốn bất khả đắc, bất khả thuyết, rồi trong một tâm niệm ấy tu cả Không quán, Giả quán và Trung quán, gọi là Nhất tâm tam quán. Đây là pháp quán của Viên giáo, không theo thứ lớp mà là viên dung. Ma-ha Chỉ Quán, quyển 5, phần đầu, nói: “Nếu một pháp là tất cả pháp, thì pháp ấy là do nhân duyên sinh, đó là giả danh, Giả quán. Nếu tất cả pháp tức là một pháp, thì pháp ấy là không, đó là Không quán. Nếu chẳng phải một pháp chẳng phải tất cả pháp, thì đó tức là Trung quán. Một không tất cả không, giả, trung cũng đều không, đó là Tổng không quán; một giả tất cả giả, không, trung đều là giả, đó là Tổng giả quán; một trung tất cả trung, không, giả đều là trung, đó là Tổng trung quán. Đây chính là điều mà Trung luận gọi là Nhất tâm tam quán bất khả tư nghị.” Trong đó, một pháp tức tất cả pháp là chỉ cho Chân như tùy duyên mà hình thành hết thảy hiện tượng, không phải thực tại, nên là giả. Quán xét về phương diện này, gọi là Giả quán. Tất cả pháp tức một pháp, là chỉ cho hết thảy hiện tượng đều do Chân như hiển hiện, chúng không có thực thể độc lập, cho nên là không. Quán xét về phương diện này, gọi là Không quán. Hết thảy hiện tượng chẳng phải một chẳng phải tất cả, đồng thời có đủ hai tính chất không, giả, đó là trung đạo. Quán xét về phương diện này, gọi là Trung quán. Khi tu Không quán thì giả, trung cũng không, vì cả ba pháp quán đều phá chấp. Khi tu Giả quán thì không, trung cũng giả, vì ba quán đều có nghĩa lập pháp. Khi tu Trung quán thì không, giả cũng trung, vì chính ngay ba quán đã là tuyệt đối. Vì trong ba pháp quán này, mỗi một pháp đều gồm đủ cả ba, nên gọi là Nhất tâm tam quán. Nhưng vì pháp quán này rất sâu xa mầu nhiệm, không thể nghĩ bàn, cửa trí tuệ của nó khó hiểu, khó vào, nên chỉ có hàng Bồ tát Biệt giáo lợi căn mới tu tập được pháp quán này.Theo Duy Ma Kinh Huyền Sớ, quyển 2 (Đại 38, 528 hạ) thì Nhất tâm tam quán có ba ý: 1. Cảnh sở quán không thể nghĩ bàn: Tức một niệm tâm vô minh là nhân duyên sinh ra mười pháp giới. 2. Pháp năng quán không thể nghĩ bàn: Nếu quán được một tâm niệm vô minh này chẳng phải không chẳng phải giả, tất cả pháp cũng chẳng phải không chẳng phải giả, mà biết được tâm không, giả thì tức là quán chiếu tất cả pháp không, giả. Thế nên chỉ cần nhất tâm tam quán, soi rọi suốt lý Tam đế (Không, Giả, Trung), chứ chẳng cần dụng tâm đoạn trừ si ái, mà vẫn có thể chứng được minh trí và giải thoát, hệt như nước lắng trong thì trăng liền hiện. 3. Thành tựu không thể nghĩ bàn: Nếu chứng được Nhất tâm tam quán thì liền thành tựu được Nhất tâm tam trí ngũ nhẫn. Tóm lại, bất luận cảnh đối tượng nào cũng đều có thể là Nhất cảnh tam đế, nếu nương vào đó mà tu tập quán chiếu thì có thể thành tựu Tam quán viên dung. [X. luận Đại trí độ Q.27; Duy ma kinh lược sớ Q.7; Chỉ quán phụ hành truyền hoằng quyết Q.5, phần 3][Tự điển Phật Quang]
[11] Người năng hành ấy là Bồ-tát Quán Tự Tại.
[12] Nhất tâm tam trí 一心三智: Cũng gọi Tam trí nhất tâm, Bất tư nghị tam trí. Trong một tâm cùng lúc chứng được ba loại trí: Nhất thiết trí, Đạo chủng trí và Nhất thiết chủng trí. Tông Thiên Thai chủ trương tu tập Không quán, Giả quán và Trung quán thì có thể chứng được ba trí. Nếu nương vào ba quán thứ lớp của Biệt giáo mà tu tập thì theo thứ tự có thể được ba trí: Nhất thiết trí, Đạo chủng trí và Nhất thiết chủng trí. Nhưng nếu tu tập theo 3 quán không thứ lớp của Viên giáo thì có thể trong một tâm đồng thời được cả ba trí, gọi là Nhất tâm tam trí. Ma-ha Chỉ Quán, quyển 5, thượng (Đại 46, 55 trung) nói: “Nếu nói tất cả pháp đều do nhân duyên sinh, thì đó là cách nói phương tiện theo tình của Đạo chủng trí. Nếu nói tất cả pháp là một pháp thì đó là cách nói theo trí của Nhất thiết trí. Còn nếu nói chẳng phải một chẳng phải tất cả, cũng gọi Trung đạo nghĩa, thì đó là cách nói chẳng phải quyền chẳng phải thực của Nhất thiết chủng trí.” Như trên nói: Một quyền thì tất cả quyền, một thực thì tất cả thực và tất cả chẳng phải quyền chẳng phải thực dàn trải ra khắp tất cả, đó chính là ba trí không thể nghĩ bàn vậy. Luận Đại trí độ quyển 27 (Đại 25, 260 trung) nói: “Trong một tâm được Nhất thiết trí, Nhất thiết chủng trí, dứt tất cả tập khí phiền não.” Ngày xưa, ngài Tuệ Văn ở Bắc Tề đọc đến câu này liền hoát nhiên đại ngộ, sau đó truyền cho ngài Tuệ Tư, ngài Tuệ Tư lại truyền cho ngài Trí Khải. Ngài Trí Khải bèn tu tập theo đó mà chứng được lý viên dung của Nhất tâm tam quán, Nhất cảnh tam đế. Và hai pháp này đã trở thành giáo nghĩa nòng cốt của tông Thiên thai. [X. Quán vô lượng thọ Phật kinh sớ diệu tông sao, Q.2; Phật tổ thống ký, Q.6]. [Tự điển Phật Quang]
[13] Quyền giáo cũng gọi là Phương tiện giáo, tức là giáo môn tùy theo ý muốn của chúng sinh mà tạm thời giả đặt (quyền giả) ra để làm phương tiện giáo hóa. Thực giáo cũng gọi là Chân thực giáo, là giáo môn rốt ráo chân thực, vĩnh viễn không thay đổi, tức là giáo pháp được nói ra từ nghĩa chân thực nội chứng của Phật và theo ý của Phật. Nói một cách đại thể thì, giáo thuyết của các tông, các phái trong Phật giáo tuy đều là Thánh ngôn chân thực không hư dối, nhưng trong đó có hai hệ thống lớn với chủ trương không giống nhau. Một là, hệ thống chủ trương tất cả chúng sinh đều có tính Phật và thừa nhận chúng sinh đều có khả năng thành Phật. Hai là hệ thống chủ trương chúng sinh có 5 loại căn tính khác nhau và phủ nhận sự thành Phật của Nhị thừa định tính và Hữu tình vô tính trong 5 loại căn tính. Nếu nói theo các kinh luận thì hệ thống 1 thuộc kinh Pháp hoa, kinh Niết bàn… tức là thuyết ‘Nhất thừa chân thực, Tam thừa phương tiện’; còn hệ thống 2 thì thuộc kinh Giải thâm mật, luận Du già… tức là thuyết ‘Tam thừa chân thực, Nhất thừa phương tiện’. Tông Thiên thai căn cứ theo kinh Pháp hoa mà lập thuyết Nhất thừa chân thực, Tam thừa phương tiện, gọi kinh Pháp hoa là Thực giáo, các kinh còn lại là Quyền giáo. Ngoài ra còn căn cứ vào Bộ và Giáo mà nói về sự khác nhau giữa Quyền và Thực. Tức là nói theo Giáo thì Tạng giáo, Thông giáo, Biệt giáo là Quyền, Viên giáo là Thực; nói theo Bộ thì Kiêm, Đãn, Đối, Đới thuộc 4 thời: Hoa nghiêm, A hàm, Phương đẳng, Bát nhã là Quyền; Nhất thực khai quyền thuộc thời Pháp hoa là Thực. Tông Tam luận chủ trương ‘Nhất tính giai thành’, tuy cũng lập thuyết ‘Nhất thừa chân thực, Tam thừa phương tiện’, nhưng chủ trương ngoài Tam thừa không có Nhất thừa, cho nên khác với thuyết của tông Thiên thai. Tông Pháp tướng duy thức y cứ vào kinh Giải thâm mật mà chủ trương thuyết ‘Tam thừa chân thực, Nhất thừa phương tiện’, cho rằng thuyết Duy hữu nhất thừa của kinh Pháp hoa chẳng qua là phương tiện được đặt ra để dẫn dắt hàng Thanh văn bất định tính chứ thực ra thì chúng sinh vốn có 5 tính khác nhau, mà giáo, lý, hành, quả của Tam thừa cũng khác, bởi thế tông Pháp tướng duy thức chủ trương thuyết ‘Duy hữu nhất thừa’ là giáo pháp phương tiện, còn thuyết ‘Tam thừa’ mới là giáo pháp chân thực. Tông Hoa nghiêm thì cũng giống như tông Thiên thai, cũng chủ trương ngoài Tam thừa còn có pháp ‘Nhất Phật thừa’ và cho rằng ba xe (xe dê, xe hươu, xe bò) ở trong cửa mới là phương tiện, chỉ cho các hư giả, còn xe trâu trắng lớn ở ngoài cửa mới là chân thực. Trong Ngũ giáo (Tiểu thừa giáo, Đại thừa thủy giáo, Đại thừa chung giáo, Đốn giáo, Viên giáo) mà tông Hoa nghiêm phân định thì cho rằng Tiểu thừa là Ngu pháp nhị thừa giáo, Đại thừa thủy giáo là Tam thừa giáo, đều thuộc Quyền giáo; còn Đại thừa chung giáo và Đốn giáo thì vì chủ trương Nhất thừa nhất tính nên tuy có lúc cũng gọi là Thực giáo, nhưng vì không chủ trương Tất cả chúng sinh đều có tri kiến Phật, cho nên chỉ có Lý tính nhân xa (理性因車)chứ không có Quả tính quả xa (果性果車), do đó vẫn thuộc Tam thừa, cũng là Quyền giáo; chỉ có Biệt giáo Nhất thừa của kinh Hoa nghiêm mới là Thực giáo. [X. phẩm Phương tiện kinh Pháp hoa Q.1; phẩm Vô tự tính tướng kinh Giải thâm mật Q.2; Pháp hoa huyền nghĩa Q.7, thượng; Hoa nghiêm kinh thám huyền kí Q.1; Đại thừa pháp uyển nghĩa lâm chương Q.1, phần cuối; Ngu thốc sao Q.thượng]. [Tự điển Phật Quang]
[14] Kinh Đại Bát-nhã Ba-la-mật-đa, quyển 526, phẩm Phương Tiện Thiện Xảo, tr. 699b02-07: “Nếu Đại Bồ-tát học đạo bồ-đề này đã được viên mãn, thì cũng viên mãn Ba-la-mật-đa. Vì pháp Ba-la-mật-đa viên mãn, nên trong một sát-na tương ưng Bát-nhã liền có thể chứng đắc trí nhất thiết tướng. Bấy giờ, tất cả phiền não nhỏ nhặt, tập khí tương tục vĩnh viễn không còn phát sanh, nên gọi: Đoạn sạch không còn gì, được gọi là Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác.” (H.T Thích Trí Nghiêm dịch)
[15] Hý luận là ngôn ngữ của tư tưởng, là tư tưởng được diễn dịch, đối chiếu bằng tứ cú: có – không – cũng có cũng không – không phải có không phải không (hoặc: một – khác – cũng một cũng khác – không phải một không phải khác). Từ căn bản tứ cú này mà cứ diễn dịch đối chiếu thêm mãi, nên có từ ngữ ‘tứ cú bách phi’ (四句百非). Bách, chỉ cho số nhiều. Phi, chỉ cho sự phủ định, như: phi hữu, phi vô, v.v… Bách phi là 100 sự phủ định, chỉ chung cho tất cả các mối nghi, tất cả các lý lẽ, tư tưởng. Tư tưởng như vậy và ngôn ngữ diễn đạt tư tưởng như vậy gọi là hý luận. Trí tuệ thuộc lãnh vực này gọi là trí tứ cú, gọi là phân biệt, là tà kiến, không thể gọi là trí tuệ. Không hý luận thì đắc ‘như thật trí’, cái trí không có tác ý, tầm tư và thọ tưởng.
[16] Nhị tử 二死: Chỉ cho phần đoạn sanh tử và bất tư nghị biến dịch sanh tử. (1) Phần đoạn sanh tử là sự sanh tử của hàng phàm phu còn kiến tư hoặc trong tam giới. Phàm phu chiêu cảm quả báo do những nghiệp bất thiện trong tam giới lục đạo kết hợp thành thân và thân có từng phần, từng đoạn, khi chết cũng chết từng phần từng đoạn, thọ nghiệp chiêu báo về sau cũng từng phần từng đoạn. (2) Bất tư nghị biến dịch sanh tử là sự sanh tử vi diệu không thể nghĩ bàn. Đây là sự sanh tử của những bậc đã dứt kiến tư hoặc trong tam giới và đã xuất ly tam giới. Đây là sự thay đổi quả vị của những vị chứng từ A La hán trở lên. Họ dứt một phần mê mờ (vô minh) chứng lên quả vị cao hơn và dứt thêm một phần mê mờ nữa, bỏ quả vị đó, chứng lên quả vị cao hơn, cứ như thế cho đến lúc chứng đắc quả Phật cứu cánh. Sự thay đổi quả vị đó gọi là Bất tư nghị biến dịch sanh tử. Đến quả vị Phật thì hai món sanh tử trên không còn.
[17] Cảnh đế 境諦: Sự chân thật nơi cảnh, một trong ngũ đế. Ngũ đế 五諦: Chỉ cho năm thứ chân lý. Cứ theo luận Du Già Sư Địa, quyển 46, thì Ngũ đế là: Nhân đế, quả đế, trí đế, cảnh đế và thắng đế. Còn theo luận Hiển Dương Thánh Giáo, quyển 8, thì Ngũ đế là: Nhân đế, quả đế, năng tri đế, sở tri đế và chí đế. Bốn đế trước theo thứ tự tương đương với tập, khổ, đạo, diệt, còn thắng đế (hoặc chí đế) cuối cùng là chân như, tức lý thể cùng tột của Phật giáo. [X. Du già luận ký, Q.11, phần cuối].
[18] Danh ngôn 名言 là các pháp. Các pháp mà gọi là danh ngôn, là vì các pháp là những khái niệm. Khái niệm là danh ngôn. Danh ngôn có 2 loại: chính khái nhiệm là biểu thị các pháp, nên gọi nó là danh ngôn hiển cảnh; rồi ngôn ngữ văn tự truyền đạt danh ngôn hiển cảnh thì gọi là danh ngôn biểu nghĩa.
[19] Pháp nhĩ 法爾: các pháp là thế đó, tức nói các pháp thường đồng thường biệt (thường duy nhất mà thường sai biệt). Như nói, tâm thể thì duy nhất nhưng tâm dụng có sai biệt. Đạo lý pháp nhĩ là Như lai xuất thế hay không xuất thế, pháp tánh các pháp vẫn an lập, pháp giới các pháp vẫn an trú.
[20] Duy thức chủ trương tất cả các pháp không có thật thể, sở dĩ có pháp tướng hiển hiện và có tác dụng là do tâm thức của chúng sinh hữu tình chế tác ra. Rời ngoài tâm thức biến hiện thì không có thực tại nào cả. Nói cách khác, cái mà ta biết về một đối tượng dù thuộc về dạng nào đều không phải tự thân đối tượng, mà chỉ là những hiểu biết ta có về đối tượng đó. Chấp ngoại cảnh thật hữu là tư tưởng của thực tại luận. Tư tưởng ấy bao hàm trong sáu phái triết học Ấn Độ, đặc biệt là phái Thắng luận, và những bộ phái Tiểu thừa như Thuyết nhất thiết hữu bộ, Kinh lượng bộ, Độc tử bộ, Chánh lượng bộ, Đại chúng bộ v.v…
[21] Tương tức 相即, hay đồng nhất thể, có nghĩa là pháp thể của một pháp và nhiều pháp cùng hỗ tương, dung nhập với nhau không chướng ngại nhau. Vì bản tánh các pháp vốn tự nhiên như thế, có thể trong một pháp đầy đủ tất cả pháp; cho nên một pháp và tất cả pháp dung hòa vào nhau mà tạo thành sự quan hệ ‘cái này có thì cái kia không, cái kia có thì cái này không’, pháp thể của cái này cái kia tương tức mà vô ngại; giống như hình bóng trong gương, gương tức là hình, hình tức là gương.
[22] Pháp giới là Nhất chân pháp giới, chính là tâm thanh tịnh bản nguyên của chư Phật và chúng sanh, cũng gọi là Nhất tâm pháp giới hay Nhất chân vô ngại pháp giới. Pháp giới được chia làm 4 nghĩa, gọi là tứ pháp giới: sự pháp giới, lý pháp giới, lý sự vô ngại pháp giới và sự sự vô ngại pháp giới. Theo đó tất cả các pháp, mỗi pháp là chân như, nên một là tất cả, tất cả là một, hỗ tương nhiếp nhập, trùng trùng duyên khởi.
[23] Các pháp có thể dụng, tánh tướng. Toàn thể tức dụng, toàn tướng tức tánh. Thể dụng, tánh tướng như như bình đẳng, bất sanh bất diệt. Toàn sự tức lý, toàn lý tức sự, toàn tâm tức cảnh, toàn cảnh tức tâm, lý sự vô ngại, tâm cảnh dung thông, không một không hai, không riêng không khác.
[24] Đương thể tuyệt đãi當體絕待: Chữ ‘đãi’ tức là đối đãi, tương đãi, là khái niệm đối kháng, đối lập, như đen và trắng, lớn và nhỏ, thiện và ác v.v… Tuyệt đãi là chân như bình đẳng, không pháp gì có thể đắc, cho nên dứt tuyệt mọi đối đãi, nói tắt là ‘tuyệt đãi’.
[25] Kinh Đại Bát Niết-bàn, phẩm Phạm Hạnh, tr. 464a28-b06: “Lại nữa, này thiện nam tử! Vô sở đắc thì gọi là tuệ. Đại Bồ-tát được tuệ như vậy gọi là vô sở đắc. Có sở đắc gọi là vô minh. Bồ-tát đoạn hẳn vô minh tối tăm, nên gọi là vô sở đắc. Thế nên Bồ-tát gọi là vô sở đắc. Lại nữa, này thiện nam tử! Vô sở đắc gọi là Đại Niết-bàn. Đại Bồ-tát an trụ trong Đại Niết-bàn như vậy thì chẳng thấy tánh tướng của tất cả các pháp. Thế nên Bồ-tát gọi là vô sở đắc. Có sở đắc thì gọi là hai mươi lăm Hữu, mà Bồ-tát đoạn hẳn hai mươi lăm Hữu, có được Đại Niết Bàn. Thế nên Bồ-tát gọi là vô sở đắc. Lại nữa, này thiện nam tử! Vô sở đắc thì gọi là Đại thừa. Đại Bồ-tát chẳng trụ nơi các pháp nên có được Đại thừa. Thế nên Bồ-tát gọi là Vô sở đắc. Có sở đắc thì gọi là đạo Thanh văn, Bích-chi Phật. Bồ tát đoạn hẳn đạo Nhị thừa nên được Phật đạo. Thế nên Bồ-tát gọi là vô sở đắc.”
[26] Tam Niết-bàn 三涅槃: Theo Thiên Thai tông, xét ba phương diện thể, tướng và dụng mà có ba thứ Niết-bàn: 1. Tánh tịnh Niết-bàn 性淨涅槃, tức thực tướng các pháp không nhiễm, không tịnh. Không nhiễm tức là không sanh; không tịnh tức là không diệt. Không sanh không diệt gọi là tánh tịnh Niết bàn; 2. Viên tịnh Niết-bàn 圓淨涅槃, tức trí tuệ rốt ráo, vọng niệm dứt trừ. Trí cùng lực gọi là viên (tròn đầy), mê lầm dứt hết gọi là tịnh (sạch). Căn cứ vào tánh mà nói, tuy không nhiễm tịnh. Nhưng theo tu tập mà nói hoặc nghiệp và trí tuệ dường như giống nhau. Trí nếu khế hợp với lý, hoặc nghiệp chắc chắn không sanh, không diệt gọi là viên tịnh Niết bàn; 3. Phương tiện tịnh Niết-bàn 方便淨涅槃, tức cơ cảm, ứng hiện hoạt dụng cứu vớt chúng sanh trong khi bất nhiễm ô, như củi hết lửa tắt. Phương tiện giống như thiện xảo. Trí đã hợp với lý, tức là soi sáng mọi căn cơ, soi sáng thì ắt có cảm ứng, có cơ cảm tức là sanh. Sanh ấy mà không phải sanh. Cơ duyên đã hết, ứng thân diệt. Bất sanh bất diệt gọi là phương tiện tịnh Niết-bàn. ‘Cứu cánh Niết-bàn’ gồm ba Niết-bàn trên.
[27] Tam bồ-đề 三菩提: Tiếng Phạn là Bồ-đề, Trung Hoa dịch là Đạo, là Giác. 1. Chân tánh Bồ-đề: Chân là không giả dối. Tánh là không thay đổi. Không giả dối, không thay đổi là chân tánh. Dùng chân tánh này thực hành đạo, nên gọi là chân tánh Bồ đề; 2. Thật trí Bồ-đề: Trí có thể soi sáng chân tánh, đúng lý không hư dối gọi là thật trí. Dùng thật trí này thực hành đạo, gọi là thật trí Bồ-đề; 3. Phương tiện Bồ-đề: Khéo léo tùy căn cơ, giáo hoá gọi là phương tiện. Dùng phương tiện này thực hành đạo, gọi là phương tiện Bồ-đề. ‘Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác’ gồm ba Bồ-đề trên.
[28] Như như trí 如如智: Trí mầu nhiệm của chân như xưa nay thanh tịnh, vô minh không thể che, phiền não không thể nhiễm, soi rõ các pháp, bình đẳng không hai. Vì vậy gọi là Như như trí.
[29] Như như lý 如如理: Chân như thường trụ một tướng, lượng tợ hư không, không dời không đổi, không sanh không diệt.
[30] Ảnh lược hỗ hiển 影略互顯: Nói tắt là Ảnh lược. Khi thuyết minh hai sự kiện có liên quan với nhau, sự kiện phía này lược bớt đi là do phía kia hiển bày ra; sự kiện phía kia lược bớt đi là do phía này thuyết minh rõ, cứ như thế bổ sung cho nhau mà thành phương thức thuyết minh hoàn toàn, đó gọi là Ảnh lược hỗ hiển. Chẳng hạn, trong kinh Duy Ma, phẩm Đệ tử, có một câu: ‘Đoạn phiền não, nhập Niết Bàn’, sau ‘đoạn phiền não’ là ‘đắc bồ-đề’ được lược bớt đi; và trước ‘nhập Niết Bàn’ là ‘ly sanh tử’ được bỏ bớt đi. Tức là bồ đề tương đối với phiền não, sanh tử tương đối với Niết-bàn, dùng phương thức Ảnh lược hỗ hiển để thuyết minh. [X. luận Thành Duy Thức Q.6; luận Câu Xá Quang Kí Q.1; luận Thành Duy Thức Thuật Kí Q.6 phần cuối]. [Tự điển Phật Quang]
[31] Thật tướng ấn 實相印: Cũng gọi Nhất pháp ấn. Thật tướng chỉ cho nghĩa lý của Chư pháp thật tướng. Thật tướng này là dấu ấn của chân lý mà Phật Phật truyền trì cho nhau, vì thế gọi là Thật tướng ấn. Tất cả kinh Tiểu thừa được ấn chứng bằng Tam pháp ấn: Vô thường, Vô ngã, Niết-bàn, còn tất cả kinh Đại thừa thì được ấn chứng bằng Thật tướng ấn này. Kinh Pháp Hoa, phẩm Phương Tiện có nói: Ta dùng tướng nghiêm thân, Ánh sáng soi thế gian, Vô lượng chúng tôn kính, Vì nói Thật tướng ấn. (我以相嚴身, 光明照世間, 無量眾所尊, 為說實相印.)
[32] Tâm kinh cốt nói Bát-nhã là một bài chú. Không những câu chú cuối cùng là một bài chú, mà chánh văn trước đó cũng là một bài chú. Tất cả hiển ngữ và mật ngữ của Tâm kinh toàn là bài chú của Bát-nhã.
[33] Tứ tất-đàn 四悉檀 (s: catvāraḥ siddhāntāḥ), tất-đàn, dịch ý là làm cho thành tựu. Trong cuộc đời thuyết pháp của đức Thế Tôn, Ngài luôn diệu dụng tứ tất-đàn làm cho chúng sinh mau chứng ngộ. 1. Thế giới tất-đàn: Những điều Như Lai phương tiện tùy thuận chúng sanh mà nói (như người, vật, nhà, xe, núi, voi, mưa nắng v.v…); 2. Vị nhân tất-đàn: Như Lai tùy căn cơ trình độ của mỗi người mà dạy pháp này pháp khác khiến họ dễ tiếp thu, mau tiến hóa; 3. Đối trị tất-đàn: Như Lai tùy thuận chỗ mê lầm của chúng sanh mà nói những pháp đối trị như lương y tùy bệnh cho thuốc; 4. Đệ nhất nghĩa tất-đàn: Khi thấy cơ duyên của chúng sanh đã thuần thục Ngài không dùng phép tương đối như trên nữa mà khai thị trung đạo, thuyết thật tướng của các pháp khiến họ sớm đạt chân lý.
Discussion about this post