BÀN VỀ THIỀN NGUYÊN THỦY VÀ THIỀN PHÁT TRIỂN
Giáo sư Minh Chi
Pháp Sư Thái Hư cũng như Hòa Thượng Thích Minh Châu đều dùng các từ Như Lai
Thiền để chỉ Thiền Nguyên Thủy và Tổ Sư Thiền để chỉ các hình thức Thiền Phát
Triển sau này do các Tổ Sư các Thiền phái nổi danh đề xướng và truyền lại cho
các đệ tử của mình. Cũng có người dùng các từ Thiền Tiểu Giáo (tức Thiền Tiểu
Thừa) và Thiền Đại Giáo (tức Thiền Đại Thừa) như Trần Thái Tôn trong bài
“Tọa Thiền Luận ” của Khóa Hư Lục.
Chúng ta, những người hậu học, chúng ta hãy thử không
chấp nê vào từ ngữ, và nghiên cứu xem những gì là mới, là sáng tạo mà các Tổ Sư
đã đem lại cho nội dung và hình thức của Thiền Như Lai, tức là Thiền Nguyên Thủy,
như chúng ta có thể biết rõ trong các bài kinh nổi danh, như “Kinh Tứ Niệm
Xứ (Satipatthana-sutta)” Trung Bộ 1 trang 96. Các Kinh “Nhập tức xuất
tức niệm”, “Thân hành Niệm”, “Đại kinh bốn mươi”
(Trung Bộ III, trang 194, 206, 184) v.v…
Tư tưởng cơ bản không có gì thay đổi.
Hãy dẫn chứng các đoạn điển hình trong một số Kinh
Nguyên Thủy:
“Các niệm và tư duy thuộc
về thế tục được đoạn trừ. Nhờ đoạn trừ các pháp ấy, nội tâm được an trú, an tọa,
chuyên nhứt, định tỉnh. Như vậy, này các Tỳ Kheo, vị Tỳ Kheo tu tập thân hành
niệm. (Kinh Thân Hành Niệm, Trung Bộ III, trang 207)
Chúng ta thấy qua đoạn kinh
trên, mục đích của Thiền là an trú, chuyên nhất, định tỉnh nội tâm và phương
pháp là đoạn trừ các niệm và tư duy thuộc thế tục.
Khi trình bày bốn cấp thiền của sắc giới, Đức Phật nói
cụ thể hơn ở cấp Tứ Thiền của sắc giới, hành giả thành tựu được cái gọi là xả niệm
thanh tịnh, tức là ở trong hành giả, chỉ còn lại một bầu nội tâm trong sáng vắng
lặng (thanh tịnh) và bất động, nghĩa là xả bỏ mọi niệm khả dĩ làm cho nội tâm không
được thanh tịnh, định tỉnh, chuyên nhứt.
Xả bỏ những niệm gì? Trước nhất ở cấp sơ thiền, xả bỏ mọi
niệm bất thiện, mọi dục vọng, thèm muốn thế tục (ly dục, ly bất thiện pháp). Thứ
hai, xả bỏ tầm và tứ, tức là mọi niệm hướng tới bất cứ một đối tượng nào. Tầm
và Tứ chính là hoạt động bình thường của tâm thức chúng ta, hướng tới đối tượng
là tầm, tập trung vào đối tượng ấy là tứ, rất có thể là thiện, khi chúng ta
nghĩ điều hay, việc lành, nhưng nó làm tâm chúng ta động, cho nên hại cho định
tâm. Muốn thành tựu định tâm, hưởng được tâm hỷ, lạc do định tâm, phải loại bỏ
tầm và tứ. Đó chính là câu thường gặp trong các kinh nguyên thủy: “Tỳ kheo
ấy diệt sạch tầm và tứ, chứng và trú thiền thứ hai, không tầm không tứ, nội tỉnh
nhất tâm…. ” (Kinh Thân Hành Niệm đã dẫn, trang 212)
Do xả được tầm và tứ mà hành giả có được định tâm, và
hưởng được niềm vui do định tâm, như trong kinh nói: “Chứng và trú thiền
thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh”. Thế nhưng, sự định tâm vẫn
chưa được hoàn hảo, cho nên hành giả tiếp tục xả luôn cả tâm trạng hỷ để chứng
thiền thứ ba (Tỷ kheo ly hỷ trú xả, chánh niệm tỉnh giác, thân cảm lạc thọ mà
các bậc Thánh gọi là ” Xả niệm lạc trú” chứng và trú thiền thứ ba –
Kinh đã dẫn, trang 212).
Do xả hỷ mà hành giả đạt tới cảnh giới “Xả niệm lạc
trú” thế nhưng hành giả nhận thấy, tuy bỏ hỷ, nhưng vẫn còn lạc, còn động
tâm, tuy là một động tâm rất nhỏ nhiệm vi tế, cho nên, hành giả xả lạc, để chứng
cấp thiền thứ tư “không khổ không lạc, xả niệm thanh tịnh”.
Có thể nói, các Tổ về sau không nói gì hơn được về tiến
trình biến chuyển nội tâm qua các cấp thiền của sắc giới. Như là đúc Phật đã
trình bày trong các Kinh Nguyên thủy. Ở đây, chúng ta không cần nói tới các cấp
thiền của Vô sắc giới, trong đó, hành giả phá bỏ mọi sắc tưởng, mọi đối ngại tưởng,
chứng hư không vô biên xứ, thức vô biên xứ, không vô sở hữu xứ, phi tưởng phi
phi tưởng xứ và diệt thọ tưởng định….
Sở dĩ, tôi dẫn chứng các cấp thiền của vô sắc là bởi vì
trong bài Tọa Thiền Luận của Trần Thái Tông, có những câu như:
“Liễu sinh không lý, chứng thiên chân đạo nhi tu
giả, thị tiểu giáo thiền. Đạt nhân pháp không nhi tu giả, thị đại giáo thiền.
Kim hậu học chi nhân tu dĩ đại giáo thiền vi chính. Thử tập tọa thiền tức niệm,
vật sanh kiến giải nhi”.
Đại ý, vua Trần Thái Tông phân biệt thiền tiểu thừa là
tu thiền mà còn chấp pháp là thực, tuy đã ngộ thân năm uẩn là không có thực.
Còn tu thiền đại thừa là tu thiền mà không còn chấp các pháp là có thực, nghĩa
là cả chánh y bào đều là không, thân năm uẩn là không, ngoại trần cũng là
không… Thực ra, tư tưởng cơ bản của các kinh nguyên thủy là Vô Ngã, nhân
cũng vô ngã mà cả y báo cũng là vô ngã, nghĩa là không thật có, không đáng chấp
trước, chấp thủ.
Trong các Kinh Nguyên Thủy như các kinh Tiểu Khổ Uẩn, Đại
Kinh Khổ Uẩn, Đức Phật khuyên các đệ tử nên xuất ly các dục, vì các dục là nguy
hiểm. mặc dù có vị ngọt, là bởi vì đối tượng sắc thanh hương vị xúc pháp của
các dục là vô thường, khổ, không, vô ngã… Đó là tư tưởng căn bản của đạo đức
Phật Giáo, là mục đích trước mắt gần gũi của sơ thiền sắc giới là ly dục, ly
pháp bất thiện.
Cho nên, theo tôi suy nghĩ, nếu trong thời Phật Giáo bộ
phái, có một bộ phái nào đó tách khỏi Thượng Tọa Bộ, chấp rằng các pháp là thật
có, thì đó quyết không phải là giòng tư tưởng chính thống của Phật Giáo Nguyên
Thủy. Điều này thật rõ ràng, đối với những ai có đọc và nghiên cứu các kinh
Nguyên Thủy. Tư tưởng cơ bản của Phật Giáo Nguyên Thủy là Vô Ngã, đối với
chánh báo cũng như y báo, đối với các loài hữu tình cũng như thế giới vô cơ, tất
cả đều là Vô thường, Khổ, Không, vì không có thực thể, do nhân duyên sanh.
Nói tóm lại, tư tưởng cơ bản của Phật Giáo, của thiền học
từ khi đức Phật còn tại thế vẫn không có gì thay đổi, tức là Chân Lý tối hậu là
siêu ngôn ngữ, siêu tư duy cho nên tự mỗi người phải thể hội qua nếp sống đạo đức
và tu tập thiền định, đạt tới chỗ dứt bỏ mọi vọng niêm, xả ly mọi kiến giải, kiến
thủ, trên thực tế chỉ là lý luận suông, (Trần Thái Tôn nói là chớ có kiến giải).
Nhưng muốn vậy, phải trên cơ sở tránh mọi điều ác, làm mọi điều lành (giữ giới),
thì mới có thể làm cho nội tâm trở thành vắng lặng, sáng suốt được (Tự tịnh kỳ
ý). Vắng lặng là định, cũng gọi là Chỉ (nghĩa là ngưng chỉ mọi niệm).
Sáng suốt là Tuệ, cũng tức là Quán.
Nội dung của Thiền định là Chỉ Quán . Hồi Phật
còn tại thế là như vậy, hồi ngài Thiên Thai viét cuốn “Chỉ quán nhập
môn” cho tới bây giờ, các nhà Phật học bàn về thiền ở Nhật, Trung Hoa hay
là Thái, Miến Điện, Sri Lanka v.v… cũng chỉ bàn Chỉ và Quán mà thôi.
Và khi bàn, danh từ có thể đổi thay, thế nhưng nội dung cũng không có gì đáng gọi
là mới. Nội tâm chúng ta xao động vì chạy theo ngoại trần, do đó phải ngồi thiền
nơi vắng lặng, giữ các căn không tiếp xúc với ngoại trần, cột niệm của mình, tức
là tư tưởng của mình vào một đối tượng để nó khỏi chạy lung tung… Trong Kinh
“Bốn Niệm Xứ”, Phật dạy cột niệm vào bốn đối tượng, tức là thân, cảm
thọ, tâm và pháp. Như vậy, Đức Phật dạy phép chỉ quán đồng tu, mà mục đích tu tập
Bốn niệm xứ cũng chỉ là:
– “Tỉnh giác, chánh niệm,
chế ngự tham ưu ở đời”. (Kinh Niệm Xứ, Trung Bộ 196)
– “Đoạn trừ các niệm và tư duy thuộc về thế tục”.
(Kinh Thân Hành Niệm, Trung Bộ III . 206)
– “Đoạn trừ tham ưu, sau khi thấy với trí tuệ,
khéo nhìn sự vật với niệm xả ly” (Kinh Nhập Tức Xuất Tức Niệm, Trung Bộ
III).
a) Cuốn Đại Trí Độ Luận của
Ngài Long Thọ, nói về Thiền có điểm gì mới?
“Kẻ thực hành thiền quán biết giác và quán là thiện
pháp, nhưng chúng nhiễu loạn định tâm…
“Nếu có Tỷ kheo rời dục và các pháp bất thiện, có
giác có quán, sống hỷ và lạc thì vào được thiền thứ nhứt..”
Ở đây, chỉ có sự thay đổi danh từ dịch. Vitarka và
Vicara chữ Phạn, về sau được dịch là tầm và tứ. Thời Long Thọ dịch là giác và
quán. Vào sơ thiền, ly dục ly bất thiện pháp, được hỷ lạc, nhưng còn tầm và còn
tứ… (tức là còn giác và quán).
Trí Độ Luận viết tiếp: “Khi giác và quán diệt, thì
bên trong thanh tịnh, cột tâm vào một chỗ, không còn giác, không còn quán, định
sanh hỷ và lạc, thời vào được thiền thứ hai”.
Có thể nói, Phật nói về sơ thiền như thế nào thì Long
Thọ nói lại y nguyên như vậy, không gì gọi là thêm mới.
b) Luận Sư Vô Trước (Asanga) trong cuốn Sravakabbumi,
giải thích về mục đích của Phật dạy phép bốn niệm xứ: “Để đối trị nhận thức
sai lầm về cái không trong sạch lại cho là trong sạch, Phật dạy phép niệm thân,
quán thân.. Để đối trị nhận thức sai lầm cái khổ lại cho là vui, Phật dạy phép
niệm thọ, quán thọ. Để đối trị nhận thức sai lầm cái vô thường lại cho là thường,
Phật dạy phép quán tâm, niệm tâm. Để đối trị nhận thức sai lầm chấp các pháp là
có ngã, có thực, Phật dạy phép quán pháp, niệm pháp…” Như vậy, là Vô Trước
giải thích về Bốn Niệm xứ, làm cho rõ mục đích của phép tu Bốn niệm xứ mà thôi.
c) Santideva tức là Thanh Thiên trong chương XIII bộ Luận
Siksasammuccaya, giải thích về phép Bốn Niệm xứ, có hơi khác với Vô Trước đôi
chút. Cần nhắc lại Santideva là đệ tử của Long Thọ thuộc Không Tông, còn Vô Trước
cùng với Thế Thân là người sáng lập ra Du Già Tông tức Duy Thức Tông. Và hai
tông này không phải là nhất trí với nhau hoàn toàn. Santideva viết là: “Mục
đích của phép quán thân bất tịnh, suy già là để liên hệ tới pháp thân thường
trú, vĩnh hằng của Phật; khi quán thọ, vì Bồ Tát liên hệ tới chúng sanh đang bị
cảm thọ chi phối và mở rộng lòng đại bi đối với họ; khi quán tâm vị Bồ Tát quán
thấy mọi hành tướng của tâm như là ảo ảnh; và khi quán các pháp, vị Bồ Tát thấy
mọi pháp đều là vô ngã, không có thực thể.”
d) Cuốn “Tu Tập Chỉ Quán Toạ Thiền Pháp Yếu Giảng
Thuật ” của Pháp Sư Bảo Tịnh có giới thiệu khá chi tiết phép Thiền Quán của
Tông Thiên Thai, như Đại sư Trí Khải dạy. Theo tôi, ngoài sự sắp xếp các mục có
vẻ mới ra, còn nội dung không có gì mới hơn, cụ thể hơn những gì Phật dạy trong
các Kinh Nguyên Thủy. Về Chỉ tức là phương pháp làm cho tâm không bị tán
loạn, không chạy theo ngoại trần, đại sư Trí Khải giảng ba phương pháp:
1) Hệ Duyên Thủ Cảnh Chỉ: Tức
là cột tưởng, hay là cột niệm vào một đối tượng như là đầu lỗ mũi, đầu lỗ rốn
(đan điền), hay một câu, một chữ thường gọi là thoại đầu, hay là tượng ảnh Phật,
Bồ Tát. Kinh Nguyên Thủy thì dạy cột niệm vào hơi thở, hay cột niệm vào bốn xứ
như trên đã phân tích.
2) Chế Tâm Chỉ: Tức là trong nội tâm, khởi lên niệm gì,
đều xả bỏ hết, ngài Trí Khải dùng từ phóng bạ, nghĩa là không chấp thủ, không nắm
lấy, không vướng.
3) Thế Thân Chỉ: Tức là quán nhân duyên, bất cứ
sự gì, vật gì, hiện tượng gì chúng ta nghĩ tới đều là nhân duyên sanh, nghĩa là
vô ngã, không có thực, cho nên không đáng tham đắm, chấp trước.
Như chúng ta thấy ở ba mục nầy,
ngài Trí Khải kết hợp Chỉ và Quán, như Phật đã làm ngay từ đầu, với kinh Niệm Xứ:
“Quán thân trên thân, quán thọ trên thọ…..”
Về phép Quán, ngài Trí Khải cũng phân biệt hai loại:
1) Đối trị Quán: Như quán bất
tịnh để đối trị lòng tham, quán từ bi đối trị lòng giận, quán sổ tức (đếm hơi thở)
đối trị vọng niệm và động niệm.
2) Chánh Quán: Cũng tức là nhân duyên quán, tức là quán
trực tiếp tất cả mọi pháp đều là nhân duyên sanh, cho nên không có thực thể, rỗng
không, hư giả, hết thảy các tướng như kinh Kim Cang nói, đều là hư vọng, nếu
quán thấy được hết thảy các tướng đều là phi tướng, như vậy mới thấy được thực
tướng v.v…
Nói tóm lại, nội dung chỉ quán
theo tông Thiên Thai là như vậy, thực ra không có gì mới mẻ so với Thiền Nguyên
Thủy.
e) “Zen Training”. Cuối cùng tôi muốn giới
thiệu vài nội dung trong cuốn “Zen Training” của Thiền sư Nhật
Katsuki Ikeda. Một cuốn “Luyện thiền” (Đầu đề cuốn sách) so với cuốn
sách Thiền của tông Thiên Thai thì mới hơn nhiều, bởi vì nếu tôi không nhầm thì
vị Thiền sư Nhật này hiện còn sống, từng giảng Thiền ở Nhật và Hạ Uy Di trong
nhiều năm. Theo ông, có hai loại Samadhi: Samadhi tích cực và Samadhi tuyệt đối.
Khi chúng ta tập trung tư tưởng không xao lãng vào bất cứ một đối tượng hay
công việc gì, thì đó là Samadhi tích cực. Có thể nói, bất cứ người nào muốn làm
việc gì có hiệu quả, đều mặc nhiên thực hành Samadhi tích cực. Loại này ông
Ikeda không bàn nhiều. Ông chỉ nói, để có được Samadhi tích cực, thì một cách không
tự giác, chúng ta phải giữ thân bất động, phải nín thở hay là thở nhẹ đều…
Như vậty, ông Ikeda kết luận là để thành tựu định tâm nói chung, phải có sự phối
hợp của cả thân và hơi thở. Và ông nói muốn đạt tới cảnh giới Samadhi tuyệt đối
nghĩa là một cảnh giới nội tâm hoàn toàn bình lặng, mà ông gọi là vô niệm (Kinh
Nguyên Thủy nói tịnh chỉ tầm và tứ), thì phải ngồi thiền, đạt tới thân bất động
và thở đều, lúc đầu thì đếm hơi thở, rồi sau theo dõi hơi thở, tập mãi đến lúc
không còn cảm giác về thân nữa, cũng không còn cảm thọ nữa, một tình trạng mà
thiền sư gọi là off sensation nghĩa là không còn có thọ nữa, cũng không
còn có tưởng nữa, bởi lẽ mọi hoạt động của tâm thức đều ngưng chỉ. Tình trạng
bình lặng nội tâm đó được gọi là tình trạng tồn tại thuần túy (pure
existence).
Tôi nghĩ, đó chỉ là cảnh nhị thiền mà Phật đã nói tới
trong các kinh Nguyên Thủy mà thôi, chứ không có gì mới lạ.
( Trích: “Thiền Nguyên Thủy và Thiền Phát triển”,
Thiền viện Vạn Hạnh, Sài gòn, 1994)
Discussion about this post