Trước khi diễn ra đại dịch toàn cầu, con người chúng ta tự cho mình là cái rốn của vũ trụ. Chúng ta luôn ảo giác trái đất này như nô lệ phục vụ những yêu cầu của mình mà không được đòi hỏi. Lúc bình an và sung túc nhiều người trong chúng ta dễ sanh ra sự ỷ lại, tự mãn, luôn sống trong sự hối hả mà chưa từng nhìn lại, kiểm thảo và chiêm nghiệm cuộc sống, bởi họ xem việc đó là triết lý của thầy tu, của những kẻ bi quan hay những người không đủ khả năng tạo ra đồng tiền.
Vì quá say mê trong sự hưởng thụ xa hoa đã làm cho chúng ta quên đi mình là ai trên hành tinh này. Chân thành mà nói, chúng ta không có gì đáng để kiêu ngạo và tự hào khi mình chỉ là một con nợ – nợ xã hội và nợ ngân hàng thiên nhiên rất lớn. Và cái gì vay mượn thì một lúc nào đó chúng ta cũng phải trả, trả sòng phẳng cả… vốn lẫn lời. Đây là quy luật công bằng của đời sống, một sự thanh lọc có điều kiện không hề thiên vị. Chỉ cần con virus corona nhỏ bé xuất hiện, nó bắt đầu trở thành phép thử khắc nghiệt cho lòng can đảm, đức hy sinh, tình yêu thương, sự chia sẻ, tính lương thiện hay những thoái hư tật xấu, ích kỷ, tham lam, của mỗi con người trong xã hội. Một trận dịch xảy ra, nó vừa là một nguy cơ nhưng cũng vừa là cơ hội để nhắc nhở cho con người thức tỉnh lại, biết nhìn lại mình, biết sống hợp đạo lý, tình người, biết tôn trọng người khác, không còn sống hối hả, mù quáng và bất chấp tất cả nữa.
Khi khó khăn bất ngờ xảy đến chúng ta dễ dàng bộc lộ bản năng. Nhiều hình ảnh rất hiếm thấy ở một số quốc gia trong giai đoạn trước khi dịch Covid-19 lan tràn, như: một vài người Nhật sẵn sàng đấm đá nhau khi giành mua khẩu trang; hay tại Úc người ta có thể đánh nhau trong siêu thị chỉ vì giành giấy vệ sinh; một cụ già ở thành phố Melbourne nhìn chằm chằm vào kệ siêu thị trống trơn rồi bật khóc sau khi hàng hóa đã bị vét hết; một số người Mỹ cực đoan sẵn sàng đe dọa, mắng chửi, kỳ thị những người bị nghi ngờ nhiễm Covid-19 hay những ai nghiêm túc đeo khẩu trang; một số nước châu Âu có những nhóm người lo sợ thái quá, mất kiểm soát nên kỳ thị và đánh đuổi những người trở về quê quán từ tâm dịch… Trước những hình ảnh đó, hào quang của những đất nước được xem là văn minh, lịch sự đáng ngưỡng mộ đã có dấu hiệu bị hoen ố, lu mờ.
Thế giới nói chung hay một xã hội nói riêng cần nương tựa nhau để tồn tại. Con người là một thành phần trong một đại thể, triết lý Phật giáo gọi đó là nhân duyên sinh. Bạn không thể tồn tại độc lập, sự có mặt và tồn tại của người này là điều kiện cần và đủ cho sự có mặt và tồn tại của người kia và ngược lại, kể cả muôn loài. Một xứ sở vô cảm, thiếu trách nhiệm, cả thế giới chịu ảnh hưởng. Một người vô cảm, thiếu trách nhiệm, đương nhiên sẽ làm hại nhiều người khác. Thế giới này không phải của riêng ai và không phải để phục vụ cho cá nhân nào (Nothing belong to anyone). Vì vậy, bạn đừng cho rằng mọi thứ trên cuộc đời này chỉ để phục vụ cho sự hưởng thụ của bạn, hay những quốc gia có quyền, có tiền mới đáng sống, còn những quốc gia nghèo nàn, lạc hậu trên thế giới này thì không cần thiết để có mặt . Sự độc quyền của đồng tiền một thời đã đến lúc phải nhường chỗ lại cho cuộc sống cộng đồng, tình thương và đạo lý (money is not everything). Những cường quốc số một thế giới, với đủ các loại vũ khí sẽ làm được gì trước sự tấn công không khoan nhượng của một con virus bé tí; những quốc gia lắm tiền nhiều của thì đang dần kiệt huệ và khủng hoảng trước đối thủ dường như không hề cân sức.
Bạn nên biết rằng, mọi chúng sanh trên cuộc đời, dù là cây cỏ, con kiến, con cá… đều có vai trò bình đẳng cho sự tồn tại trong một trật tự của vũ trụ, không một ai được sự ưu đãi đặc biệt trong quy luật đó. Vạn vật sinh ra trong tự nhiên để nương tựa vào nhau, cùng sanh cùng diệt cộng hưởng nhau, không thừa không thiếu trong một mắc xích dây chuyền. Hủy hoại một mắt xích cũng là hủy hoại chính mình. Con người cũng chỉ là một mắt xích bình đẳng trong chuỗi trật tự đó. Và, chúng ta cũng sẽ bị phản công một cách tan tác như những gì mà mình đã từng gây ra cho vạn vật trong thế giới này. Con người đã ăn tận diệt những loại ăn côn trùng thì con người phải chịu hậu quả côn trùng độc hại sinh sôi nảy nở lan tràn tấn công. Chính con người đã khiến vô số loài đã tuyệt chủng, đang nguy cơ tiệt chủng thì số phận của chủ nhân gây ra cũng có muôn vàn lý do để đối mặt với sự tiệt chủng tương tự. Biến đối khí hậu môi trường đã khiến loài khủng long từng là vua trên trái đất một thời, bây giờ chỉ còn là những hóa thạch thì con người đang là, nếu không có một kế hoạch dừng hay kiềm hảm sự hủy hoại môi trường thì việc tiệt chủng sự sống sẽ được lập lại trên trái đất này là điều khó tránh khỏi. Đừng than trời trách đất mà chỉ cần bình tỉnh nhìn lại mình thì mới thấy chính con người là một thủ phạm đáng sợ nhất hành tinh!
Vì tham vọng làm giàu và phục vụ nhu cầu hưởng thụ của loài người mà các quốc gia trên thế giới cạnh tranh phát triển ngành công nghiệp đáng kinh ngạc. Hệ quả tất yếu của nó là từ không khí cho đến nguồn nước hầu như đều bị ô nhiểm nặng, hiệu ứng nhà kính báo động từng ngày và mọi hiện tượng bất thường của thiên nhiên xảy đến liên tục, dù có sợ hãi nhưng dường như không mấy ai bận tâm. Loài người chưa từng cám ơn thiên nhiên đã tạo đủ yếu tốt tốt đẹp để mình được tồn tại, trái lại chúng ta khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên một cách hủy diệt và trả lại thiên nhiên bằng những chất thải độc hại. Chưa ai trong chúng ta cám ơn những chúng sinh đã nằm xuống cho bữa ăn của mình mà trái lại chúng ta tận diệt chim trời cá nước không chừa bất cứ một chủng loài nào, kể cả trứng và con non. Vì không tôn trọng sự sống của muôn loài, giết chóc bừa bãi và vô nhân đạo thì có lúc chúng ta phải trả giá cho sự lạnh lùng và vô tâm đó. Chúng ta đang hủy diệt sự sống của mình từng ngày trên hành tinh này mà cử ảo tưởng rằng mình đang tận hưởng.
Lời nhận định của một nhà báo mà tôi rất tâm đắc: “Khi thiên tai địch họa xảy ra, con người thường xót xa coi mình là nạn nhân của tự nhiên, số phận. Mấy ai nghĩ được sâu xa, hàng ngày chính họ cũng góp phần để trở thành hung thủ?”. Đây là lời nhận định rất chính xác, nhằm phản ánh cho tự ngã của con người. Chính cái “tôi” quá lớn, nên nó đã che mờ cả lý trí để chúng ta không còn nhận ra những khuyết điểm của mình, và mọi thứ cản trở cái “tôi” điều trở thành cái khả ố, đáng ghét, đáng phải bị loại trừ.
Xác thân của người vốn được nâng niu, tâng bóc, tôn trọng trước và sau khi chết như một đạo lý truyền thống ở mỗi quốc gia. Khi trận dịch xảy ra, virus corona có sự lây lan khó lường nên hầu như ai cũng sợ hãi, kể cả người trực tiếp làm nhiệm vụ thì nỗi sợ hãi lại càng lớn hơn vì có nguy cơ lây nhiễm cao hơn. Thông qua báo đài, chúng ta có dịp chứng kiến nhiều hình ảnh thương tâm xảy ra nhiều nơi trên thế giới. Tại Tây Ban Nha, các bệnh viện đều quá tải, nơi phòng cấp cứu, các bác sĩ phải chọn để bệnh nhân nào chết, vì có quá nhiều người đang hấp hối cùng lúc, và ưu tiên cho người trẻ bởi họ có cơ hội sống sót cao hơn. Một số người già nhiễm bệnh bị bỏ mặc tại nhà đến tử vong. Một vài quốc gia xử lý thi thể của người nhiễm bệnh qua đời một cách nhanh gọn không còn được tổ chức nghi lễ trang nghiêm, không còn ai đưa tiễn bằng những nghi lễ giã từ tối thiểu. Họ ra đi trong sự lạnh lùng, sợ hãi trên những chiếc xe tải quân đội chở tử thi đi hỏa thiêu hoặc những hố chôn xác tập thể trước sự bất lực, vô vọng của người thân. Nhiều bệnh nhân nhiễm virus corona cảm nhận được họ sắp ra đi, họ khẩn cầu bác sĩ cho họ được trò chuyện với con cháu lần cuối, nhìn mặt người thân để trăn trối hay nói lời vĩnh biệt. Tuy đau nhói tim can nhưng bác sĩ đành bất lực! Họ cô độc đi từ giường bệnh đến lò thiêu. Họ có mang theo được những gì mà họ đã từng lao nhọc kiếm tiềm đi theo bên mình để làm hành trang hay chỉ mang bao nỗi niềm hối tiếc, ân hận, đau khổ và sợ hãi. Lúc đó chúng ta mới thấm thía đạo lý gia đình, sự yêu thương, quan tâm chăm sóc cho nhau nó thiêng liêng và quan trọng thế nào trong kiếp nhơn sinh tạm bợ này!
Một lần nữa bài học về đạo lý tình người và sự lương thiện đang dần giúp con người chiêm nghiệm và tỉnh ngộ ra. Một trận đại dịch lại có thể phơi bày cùng lúc cả hai hình thái đối lập nhau: Cao cả, nhân văn và phi nhân tính của con người một cách rõ ràng. Chúng ta có thêm nhiều bài học sâu sắc về tình yêu thương nhân loại, sự giúp đỡ nhau trong một cộng đồng, lòng hy sinh trong những hoạn nạn luôn là điểm son quý báu nhất, là thước đo chính xác nhất cho giá trị đạo đức nơi mỗi con người.
Lời Phật dạy luôn là chân lý: Nhận thức được triết lý vô thường để không chủ quan cho sự vĩnh cửu của mọi thứ trên cuộc đời, nhất là mạng sống; nhận thức được nhân duyên sinh để không hoang tưởng mình là cái rốn của vũ trụ; nhận thức nhân quả để không sống liều lĩnh, mù quáng; thực tập từ bi để có tình thương yêu, tôn trọng sự sống của muôn loài và cùng chia sẻ nỗi thống khổ của chúng sanh; và tu tập để đạt đến giác ngộ là đỉnh cao trí tuệ, vượt trên tất cả mọi thứ tri thức thộng thường và vật chất tạm bợ trên thế gian này.
MỤC LỤC
PHẬT GIÁO & CƠN ĐẠI DỊCH CORONAVIRUSọi việc rồi cũng sẽ qua đi nhưng vết thương của nó để lại không hề nhỏ. Nó sẽ là một dấu ấn khó phai của một kiếp người khi một lần đối mặt và trải qua. Và chính lúc này đây, chúng ta thấy rằng, sự chia rẽ, hận thù hay ích kỷ, độc tài dựa trên tiền bạc và vũ lực là cái yếu, chỉ có đạo đức, lòng nhân ái, tình bao dung và tính lương thiện của con người mới là sức mạnh, mới có đủ yếu tố và năng lượng tích cực để nối kết con người gần lại với nhau, giúp nhau tồn tại, vượt qua mọi thách thức để sống trong hòa bình và hạnh phúc.
TT. Thích Phước Tiến, Phó Trưởng ban Hoằng pháp GHPGVN TP.HCM.
(Cổng thông tin GHPGVN/phatgiao.org.vn)
Discussion about this post