BA PHÁP QUÁN HOA NGHIÊM
Nguyễn Thế Đăng
Kinh Hoa Nghiêm chỉ dạy về pháp giới vô ngại, cho nên, ngoài những pháp quán có trong những kinh khác, đặc trưng của kinh Hoa Nghiêm là nói về ba pháp quán vô ngại.
Trong bài này, các từ Lý và Sự được sử dụng theo truyền thống của Hoa Nghiêm tông. Lý là bản thể, là tánh, là tánh Không, là quang minh, là Chân Như, là cái toàn thể, là chân lý tuyệt đối… Sự là hiện tượng, là tướng, là các sắc, là “ảnh hiện”, là sự vật, là cái phần tử, là chân lý quy ước, tương đối…
Thế giới của Sự là thế giới chúng ta đang trải nghiệm đây, là những sự vật khác biệt nhau, ngăn cách nhau, cứng đặc, có tự tánh, không thể dung thông nhau. Sở dĩ có thế giới sự mà người bình thường chúng ta thấy là sanh tử bởi vì cái tưởng hư vọng, cho mọi sự là có thật, có bản thể riêng biệt, cứng đặc không thể dung thông. Đây cũng chính là một sự quán tưởng, quán tưởng sai lầm do vô minh, mà Duy Thức tông gọi là “thức biến”.
Thế giới sai lầm, hư huyễn ấy cần được giải tan để chúng ta có thể thấy và sống trong thế giới chân thực. Và vì chân thực, không hư giả mà không có khổ đau. Để thoát khỏi thế giới hư giả ấy, kinh Hoa Nghiêm có ba pháp quán tưởng, từ thấp đến cao.
I. Ba pháp quán:
1. Quán Lý vô ngại:
Để thấy Lý hay tánh Không, chúng ta cần đưa tất cả các sự hay các sắc tướng về nơi bản tánh của chúng là tánh Không. Tánh Không vẫn luôn luôn như vậy từ vô thủy đến vô chung, nó là nền tảng của tất cả các pháp.
– Quán các sự tướng là vô tự tánh, đó là đưa sự về lý, đưa tướng về tánh.
– Quán sự sanh trong tánh Không, hiện hữu trong tánh Không và tiêu tan trong tánh Không.
– Khi quán sự tướng là duyên sanh, vô tự tánh, đó là đưa sự tướng trở lại tánh Không.
Kính nói:
“Đại Bồ-tát quán các duyên khởi, biết là vô ngã, vô nhân, vô thọ mạng, tự tánh Không, chẳng có tác giả, không có thọ giả, liền được môn Không giải thoát hiện tiền.
Quán 12 nhân duyên đều là tự tánh tịch diệt, rốt ráo giải thoát, không có chút tướng sanh, liền được môn Vô tướng giải thoát hiện tiền.
Nhập Không, Vô tướng rồi, không có mong muốn nào, chỉ trừ đại bi làm đầu giáo hóa chúng sanh, liền được môn Vô nguyện giải thoát hiện tiền” (Phẩm Thập địa, thứ 26).
Khi đưa được các sự tướng về thể tánh hay nền tảng của chúng thì bấy giờ tánh Không hay Lý vô ngại liền hiện tiền. Khi ấy, tánh Không được thấy một cách trực tiếp.
Một thí dụ là tấm gương và các bóng trong gương. Khi đưa các bóng trở về nền tảng của chúng là tấm gương bằng cách nhìn thấy các bóng là không thật, vô tự tánh, có duyên sanh là duyên sanh trên nền tảng tấm gương, khi ấy chúng ta thấy tấm gương. Tấm gương ấy là tánh Không và quang minh.
Không, Vô tướng, Vô nguyện tức là tánh Không. Tánh Không này là chung cho cả ba thừa: Thanh văn thừa, Độc giác thừa và Bồ-tát thừa; kinh Đại Bát-nhã nói như vậy. Trong Thanh tịnh đạo luận, một bộ luận căn bản của Nguyên thủy, ngài Buddhaghosa nói đến ba giải thoát môn Không, Vô tướng, Vô nguyện trong phần cuối. Ba giải thoát môn ấy chính là Niết-bàn.
Sự khác biệt có thể thấy giữa Bồ-tát thừa và Thanh văn thừa là câu kinh ở trên, “chỉ trừ đại bi làm đầu giáo hóa chúng sanh”. Đại thừa đạt Không, Vô tướng, Vô nguyện, nhưng vì nguyện giáo hóa tất cả chúng sanh, nên lấy đại bi làm đầu. Một trong những khác biệt là đại bi. Nói cách khác, Trí huệ của Đại thừa luôn luôn đi chung với Đại bi.
2. Quán Lý Sự vô ngại
Nếu trong pháp quán Lý vô ngại, sự được làm cho ẩn đi, che khuất, để lý hiển bày trọn vẹn thì ở pháp quán Lý Sự vô ngại, sự vẫn được giữ nguyên. Chính nơi sự người ta thấy lý, nơi sắc tướng người ta thấy tánh Không. Nơi sự có lý và nơi lý có sự, do đó được gọi là sự vô ngại của lý và sự, của sắc và Không. Sự vô ngại này còn được gọi là tương tức tương nhập, tương dung tương nhiếp.
Chân lý tuyệt đối có trong tất cả các chân lý tương đối: lý tương tức tương nhập với sự.
“Thân Như Lai ở khắp tất cả chỗ, khắp tất cả chúng sanh, khắp tất cả pháp, khắp tất cả quốc độ, chẳng phải đến chẳng phải chẳng đến” (Phẩm Như Lai xuất hiện, thứ 37).
Quang minh Như Lai cũng như vậy:
Hiện khắp trong tâm của trời người
Chư Phật hiện thân cũng như vậy
Tất cả mười phương đều khắp cả
Thân Phật vô số chẳng kể được
Cũng chẳng phân thân, chẳng phân biệt
(Phẩm Như Lai xuất hiện, thứ 37)
Và chân lý tương đối tương dung tương nhiếp chân lý tuyệt đối: Sự tương dung tương nhiếp Lý:
Thân Phật phóng quang minh
Đầy khắp cả mười phương
Trong mỗi mỗi vi trần
Quang minh đều đầy đủ.
(Phẩm Như Lai hiện tướng, thứ 2).
Khi lý ở trong sự, tánh ở trong tướng thì trong một sự ấy có tất cả lý, tất cả tánh, vì lý hay tánh là cái toàn thể không thể phân chia. Nói cách khác, khi cái toàn thể nhập vào cái phần tử, cái phần tử ấy dung chứa cái toàn thể mà không chật, không phải nới rộng ra, vì cái toàn thể này là tánh Không.
Khi sự nhiếp lấy lý, tướng nhiếp tánh, thì một tướng ấy chứa tất cả tánh. Khi cái phần tử nhiếp cái toàn thể thì nhiếp tất cả cái toàn thể mà không chật hẹp, không phải nở lớn thêm, vì cái phần tử, cái sự này là tánh Không,.
Quán thấy cái vô hạn nằm trong mỗi cái hữu hạn, mà nhỏ nhất là mỗi vi trần, và cái hữu hạn nhỏ nhất là mỗi vi trần chứa đựng tất cả cái vô hạn. Đó là pháp quán Lý Sự vô ngại.
Thông thường tâm chúng ta không được vô ngại tự do vì tâm bị trói buộc trong những sự tướng hữu hạn, trong những khái niệm hữu hạn. Tâm thức bị phân mảnh trong những sự tướng và khái niệm thì đó là tâm phân biệt tạo nên sanh tử. Pháp quán Lý Sự vô ngại phá tan mọi giới hạn của hình tướng và khái niệm để tâm thức được tự do. Sự phân biệt, chia cắt biến mất, chân lý tương đối tức là chân lý tuyệt đối, sanh tử phân biệt tức là Niết-bàn vô phân biệt.
Sự tương nhiếp tương nhập này chính là giải thoát.
Chúng ta lấy thêm một thí dụ về quán thời gian:
Vô lượng vô số kiếp
Hiểu đó tức một niệm
Biết niệm cũng vô niệm
Như vậy thấy thế gian.
(Phẩm Phổ Hiền hạnh, thứ 36).
Vô số kiếp vào trong một niệm, một niệm nhiếp vô số kiếp. Sở dĩ có sự vô ngại như vậy vì vô số kiếp và một niệm đều là vô niệm, đều là tánh Không.
3. Quán Sự Sự vô ngại
Khi một sự nhiếp lý, một tướng nhiếp tánh thì lý hay tánh nằm trong một sự. Bởi vì lý hay tánh chứa tất cả các sự hay các hiện tượng nên một sự nhiếp lý thì đồng thời nhiếp tất cả sự. Tất cả sự nằm trong một sự và một sự nhập vào tất cả sự. Đây là sự sự vô ngại hay tướng tướng vô ngại
Ở trong một vi trần
Đều thấy các thế giới
Như ở một vi trần
Tất cả trần cũng vậy.
Thế giới đều vào trong
Bất tư nghì như vậy
Trong mỗi trần đều có
Mười phương ba đời pháp.
Cõi loài đều vô lượng
Đều hay phân biệt hết
Trong mỗi trần đều có
Vô lượng những cõi Phật
…
Tất cả các thế giới
Đều vào trong một cõi
Thế giới chẳng là một
Lại cũng không tạp loạn.
(Phẩm Phổ Hiền hạnh, thứ 36).
Sự nhiếp và nhập này là khắp cả, nên được gọi là Phổ:
“Chư Phật tử! Đại Bồ-tát trụ trong mười trí này thì được mười thứ phổ nhập:
Một là tất cả thế giới vào một lỗ chân lông, một lỗ chân lông vào tất cả thế giới.
Hai là tất cả thân chúng sanh vào một thân, một thân vào tất cả thân chúng sanh.
Ba là tất cả kiếp vào một niệm, một niệm vào tất cả kiếp.
Bốn là tất cả Phật pháp vào một pháp, một pháp vào tất cả pháp…
Tám là tất cả tưởng vào một tưởng, một tưởng vào tất cả tưởng…”
(Phẩm Phổ Hiền hạnh, thứ 36).
Quán Sự Sự vô ngại là nơi một sự phản chiếu, ảnh hiện tất cả sự, nơi một tướng phản chiếu tất cả tướng. Một làn sóng phản chiếu tất cả các làn sóng khác và mỗi làn sóng được phản chiếu lại phản chiếu tất cả các làn sóng khác. Một bóng phản chiếu tất cả các bóng và mỗi bóng được phản chiếu lại phản chiếu tất cả các bóng khác. Một phản chiếu trong tất cả và mỗi cái một trong tất cả này lại phản chiếu tất cả. Sự phản chiếu, ảnh hiện của tất cả nhân lên với tất cả như vậy được gọi là trùng trùng vô tận.
Với pháp quán Sự Sự vô ngại, tâm thức trở nên nhu nhuyến, dễ điều khiển đến mức vô ngại. Nó mở rộng đến cái lớn nhất và đi vào cái nhỏ nhất (vi trần, niệm). Tâm thức phát huy mọi khả năng của nó để thành tựu sự vô ngại vốn có của nó. Với một tâm vô ngại, người ta có thể thấy và sống pháp giới sự sự vô ngại.
II. Công dụng của quán
Thế gian sanh tử với đủ thứ sắc tướng khác biệt nhau, ngăn ngại nhau, thật ra chỉ là tưởng, do phân biệt mà thành:
Chúng sanh đều riêng khác
Hình loại chẳng phải một
Thấu rõ đều là tưởng
Tất cả không chân thật.
Các chúng sanh mười phương
Đều bị tưởng che ngăn
Nếu bỏ thấy điên đảo
Bèn diệt tưởng thế gian.
(Phẩm Thập Nhẫn, thứ 29).
Thế gian sanh tử chỉ là giả danh, do tâm phân biệt mà có:
Tất cả chúng sanh giới
Đều ở trong ba thời
Những chúng sanh ba thời
Đều ở trong năm uẩn.
Nghiệp là gốc của uẩn
Tâm là gốc của nghiệp
Tâm đó dường như huyễn
Thế gian cũng như vậy.
…
Thế nào là thế gian
Thế nào phi thế gian
Thế gian, phi thế gian
Chỉ là tên sai khác.
Ba thời và năm uẩn
Gọi đó là thế gian
Nó diệt là phi thế
Như vậy chỉ giả danh.
Phân biệt các uẩn này
Tánh nó vốn không tịch
Vì không nên chẳng diệt
Đây là nghĩa vô sanh.
(Phẩm Dạ-ma cung kệ tán, thứ 20).
Thế giới sanh tử chỉ là thế giới của danh tướng, mà danh tướng là do tưởng phân biệt:
“Danh tướng đều là tưởng phân biệt” (Phẩm Thập hồi hướng, thứ 25).
Giả danh, giả tướng do tưởng như huyễn đã chia cắt thực tại thành những thế giới phân mảnh gọi là sanh tử. Sanh tử chính là các giả danh và giả tướng được cho là có tự tánh nên hoàn toàn khác biệt nhau, ngăn ngại nhau, xung đột nhau.
Pháp giới chính là tâm (“Toàn cả ba cõi chỉ là Nhất tâm” Phẩm Thập địa). Ba pháp quán vô ngại xóa tan những biên giới chia cắt, ngăn ngại giả tạo này trả lại cho thực thể ‘tâm-pháp giới’ sự vô phân biệt, vô ngại vốn có. Tất cả pháp là Không, quang minh và như huyễn nên chúng vô ngại, đó là sự tự do vốn có của pháp giới:
Ví như mười phương cõi
Tất cả những địa chủng
Tự tánh vốn không có
Không chỗ nào chẳng khắp.
Thân Phật cũng như vậy
Cùng khắp các thế giới
Những sắc tướng sai khác
Không dừng, không chỗ đến
Chỉ vì do các nghiệp
Nói tên là chúng sanh
Mà có được các nghiệp.
Tánh nghiệp vốn không tịch
Chỗ y chỉ chúng sanh
Khắp làm các hình sắc
Cũng lại không chỗ đến
…
Nếu thấy được thân Phật
Thanh tịnh như Pháp tánh
Với tất cả Phật pháp
Người này không nghi lầm.
Nếu thấy tất cả pháp
Bản tánh như Niết-bàn
Đây là thấy Như Lai
Rốt ráo vô sở trụ.
(Phẩm Dạ-ma cung kệ tán, thứ 20).
Ba pháp quán khiến tâm không còn cứng đọng mà linh hoạt, mềm dẻo và vô ngại. Tâm vô ngại ở hai chiều kích, rộng lớn bao la của vũ trụ và vi tế nhỏ nhiệm của vi trần, sát-na; và tâm ấy kinh nghiệm pháp giới ở cả hai chiều kích này. Tâm vô ngại thì chứng nghiệm pháp giới vô ngại, vì tâm và pháp giới là một.
Tâm càng lúc càng đạt đến bản tánh của nó là tánh Không, quang minh và diệu dụng của nó là biến hiện như huyễn. Khi ấy, tâm sanh tử và thế giới sanh tử trở thành pháp giới. Pháp giới là sự phô diễn, biểu lộ của tánh Không, quang minh và như huyễn ở cấp độ vĩ mô cũng như vi mô.
Văn hóa Phật Giáo số 228
Discussion about this post