AI BUÔNG TIẾNG GỌI GIỮA ĐỜI THIẾT THA?
Nguyễn Xuân Chiến
I.- TIẾNG GỌI LÀ GÌ?
a).- Năm 1913, lúc đó Mohandas Gandhi, vừa mới 44 tuổi, từng bị bắt, bị đánhđập đến đổ máu và bị bỏ tù nhưng vẫn nhất định tranh đấu đến cùng. Trong hơn 7 năm gian khổ, Gandhi đã vào tù ra khám nhiều lần. Lần này, người vợ Gandhi là bà Kasturbai được phép vào ngục thăm viếng. Trông bà có vẻ già hơn ông nhiều đến nỗi những người mới gặp lần đầu cứ ngỡ đây là người mẹ của Gandhi!
Thấy ông Gandhi gầy còm, trơ xương với da, bà xúc động quá, nói:
– Anh ơi, nhìn anh, em chịu không nổi. Sao thế anh? Họ còn tiếp tục hay chăng và anh còn đeo đuổi con đường này hay chăng?
Mặc dù cơ thể chưa hồi phục, Gandhi ung dung trả lời:
– Chính quyền Anh Quốc đại diện cho quyền lực của vô minh, dĩ nhiên họ còn tiếp tục mãi mãi. Bàn tay sắt máu của bạo lực, ngu dốt sẽ tồn tại trường kỳ. Họ không thể dừng lại!
Bà Kasturbai hỏi:
– Còn anh, anh có thể dừng lại không?
Gandhi rất yếu, nhưng vẫn ráng cười với vợ:
– Anh ư? Anh cũng không thể dừng lại, dù sẽ chết bởi đánh đập và bỏ đói. Vì sao ư? Em à, hãy nghe đây, Anh là đại diện cho tiếng gọi của Chân lý và Con người. Không bao giờ dừng bước, đầu hàng, bởi vì Chân lý và Con người luôn luôn có sức mạnh bất biến.
Và Gandhi đã hành động theo tiếng gọi của Chân lý và Con người. Hay nói đúng hơn, tiếng gọi Chân lý và Con người đã cất lên trong lòng Gandhi, đồng nghĩa với “Sau rốt, Chân lý và Con người sẽ phải thắng”.
Nhờ vậy, người ta thường trân trọng gọi ông là Mahatma Gandhi. “Gandhi, bậc đại nhân”. Một người đã chấp nhận sống chết trọn vẹn, trong Tiếng gọi của Chân lý và Con người.
b).- George Washington (1732 – 1799) là nhà lãnh đạo chính trị và quân sự có ảnh hưởng lớn đối với quốc gia non trẻ Hoa Kỳ từ năm 1775 đến năm 1799. Ông đã lãnh đạo người Mỹ chiến thắng Vương quốc Anh trong cuộc Chiến tranh Cách mạng Mỹ với tư cách là tổng tư lệnh Lục quân Lục địa năm 1775–1783, và ông cũng đã trông coi việc viết ra HIẾN PHÁP HOA KỲ năm 1787. Ông hiện nay được biết như vị cha già của nước Mỹ.
Có lần cuộc chiến đấu với quân đội Hoàng gia Anh chưa ngã ngũ, phe của quốc gia non trẻ Hoa Kỳ có vài người nẩy ý định buông súng, nhưng George Washington nói với các tướng lãnh:
“Nếu đầu hàng phen này thì vĩnh viễn chúng ta không cất đầu lên được. Không! Phải tiếp tục chiến đấu. Tiếng gọi của đất nước Hoa Kỳ đang vang vọng ở trong tôi!”
Và George Washington đã sống theo Tiếng gọi của đất nước Hoa Kỳ, và cùng mọi người hình thành nên một quốc gia thịnh vượng, tự do, dân chủ.
c).- Hoàng Ngọc Tuấn sinh năm 1947 tại thành phố Huế. Từ năm 1967, ông phiêu bạt vào Nam sinh sống, và bước vào nghề cầm bút.
Qua các tác phẩm như: Thư Về Đường Sơn Cúc, Tôi và Em, Cô gái treo mùng… Hoàng Ngọc Tuấn đã tạo ra một thế giới xanh tươi, êm đềm, hiền hòa, chẳng mảy may thù hận, tưởng chừng như nơi đó, anh nỗ lực xây dựng một không gian cho những khát vọng thương yêu, bình an và thơ mộng bên cạnh thực tại cuộc chiến tranh tàn khốc, phi nhân và phi lý. Mà những chất liệu lãng mạn này đều lấy từ thiên nhiên xứ Huế, cọng với ấu thơ, tuổi trẻ của chính anh.
Người bạn thân nhất của anh là Cao Hữu Điền, từng nghe Hoàng Ngọc Tuấn kể về mình rằng: “Huế không chỉ đơn thuần là quê hương, mà Huế là kết tinh của những gì đã từng gắn bó thân thương máu thịt ở trong tôi”.
Anh không có vợ con, đôi khi sống rất nghèo khó, thiếu thốn, nhưng không bao giờ có ý định bỏ viết cả. Cao Hữu Điền hỏi, “Răng mi không bỏ cái nghề viết lách cho rồi? Làm nghề khác sướng hơn!”, thì anh trả lời:
“Tiếng gọi của Huế là tiếng gọi của quê hương, nghĩa là tất cả tuổi thơ và một phần tuổi trẻ”, khiến tôi không thể đổi nghề dù nghèo đói đến đâu đi nữa! Dù sống ở Saigon, hay Paris hay Moscou – ở đâu đi nữa, tiếng gọi của quê hương Huế vẫn đeo đuổi và bám riết chúng ta không dứt.
Vâng. Tiếng gọi của Huế hay là tiếng gọi êm đềm của quê hương.
* * *
“Tiếng gọi”, ngươi là ai? ngươi là cái chi? Mà ngươi có sức mạnh và ảnh hưởng ghê gớm đến thế?
“Tiếng gọi” đã vạch lối chỉ đường cho biết bao anh hùng, hào kiệt, đã định hình một phong cách sống dũng cảm kiên cường, và làm trưởng thành biết bao số phận. Có thể tiếng gọi giúp chúng ta hoài bão đại chí và giúp chúng ta vượt qua bao thử thách để rồi ngẩng cao đầu trở nên bất khuất. “Tiếng gọi” đã làm cho Chân lý và Con người trở nên sắt son, tươi xanh như vĩnh cửu, hòa điệu cùng vũ trụ không lời.
Tiếng gọi?
II.- NHữNG TIẾNG GỌI Ở TRONG TA
Chúng ta thực sự chỉ sống theo những tiếng gọi trong ta. Chấm hết.
Thuở thanh niên, các bạn đang ở trong giai đoạn khí huyết phương cương, tâm hồn rất mãnh liệt, chỉ nghe theo tiếng gọi tình yêu mà thôi, và bạn đang yêu. Yêu chết bỏ. Yêu cuồng si, và không có sức mạnh nào có thể ngăn trở.
Nhưng mười năm kế tiếp, bạn lập gia đình và chuyên chú kinh doanh lớn nhỏ. Lúc này, bạn chỉ biết nghe theo tiếng gọi của sự nghiệp, công danh, tiền bạc, vân vân.
Lúc trung niên, bạn bắt đầu mỏi mệt, hơi chán chường thế sự, bây giờ lại trổi lên tiếng gọi của bạn bè, rượu chè, ăn chơi… không màng tới những tiếng gọi khác! Nhưng cũng có những người thao thức tâm linh thì lắng nghe tiếng gọi giải thoát, của thức tỉnh, của tình thương xả kỷ, và bắt đầu tìm cầu thiện tri thức để học hỏi và hành trì. Lúc này đây, các tiếng gọi khác vẫn còn hiện hữu nhưng hiện hữu cho những người khác, chứ không phải cho bản thân mình.
Thật vậy, giữa cuộc sống bình thường chúng ta luôn luôn bị chi phối bởi vô số tiếng gọi, vô số âm thanh đang bàng bạc khắp mọi nơi trong vũ trụ. Tại lòng ta, tâm ta luôn dày đặc, lổn chổn những tiếng gọi – đương nhiên tiếng gọi nào cường liệt nhất sẽ hướng dẫn và điều động cuộc đời ta. Thế thôi!
Giáo lý nhà Phật tạm chia ra mười thứ tiếng gọi (ở ngay trong tâm chúng ta) như sau:
1.- Tiếng gọi của Phật: còn gọi là Phật Âm, Sư tử Hống Âm, Đại Vân Lôi Âm, Vô Lậu Âm, Pháp Thân Viên Mãn Âm… gồm đủ tám đặc tánh:
a. Cực hảo âm: tức là tiếng tối thắng bậc nhất trên đời.
b. Nhu nhuyến âm: tiếng dịu dàng, êm đềm, tha thiết.
c. Hòa thích âm: tiếng gọi hòa thuận, dễ nghe, dễ rung cảm.
d. Tôn huệ âm: tiếng gọi khiến chúng sanh phát khởi lòng tự tín và mở bày trí tuệ
e. Bất nữ âm: tiếng gọi dũng mãnh, hùng hồn của đấng trượng phu.
f. Bất ngộ âm: tiếng gọi chắc thật, dứt khoát, rõ nét, nghe chẳng lẫm lẫn, lộn xộn.
g. Thâm viễn âm: tiếng gọi sâu thẳm, vang vọng, gần hay xa đều nghe rõ.
h. Bất kiệt âm: tiếng gọi bền bỉ, vĩnh cửu, không dứt bặt. Mãi mãi ở trong ta, không bao giờ bị thời gian và không gian làm cho hư hoại.
Tiếng gọi của Phật, bậc giác ngộ, lúc nào cũng tương ứng với tâm toàn giác, chánh biến tri, đại bi đại trí tuệ, vô lượng vô biên công đức của tam thân, tứ trí, ngũ nhãn, lục thông, tứ vô úy, thập lực, thập bát bất cọng…
2.- Tiếng gọi của Bồ-tát: còn gọi là Diệu Âm, Quán Thế Âm, Phạm Âm, Hải Triều Âm, tiếng gọi bố thí ba la mật, tiếng gọi trí tuệ vượt bờ, tiếng gọi thiền định đưa ta sang tận mé bờ kia, tiếng gọi trì giới qua khỏi bờ mê… v.v…
Tiếng gọi của Bồ-tát lúc nào cũng tương ứng với mười hạnh nguyện vĩ đại của Phổ Hiền, mười hai hoằng thệ nguyện của Quán Thế Âm. Tiếng gọi của Bồ-tát chính là tiếng gọi thoát khổ, cứu khổ cứu nạn. Tiếng gọi của Bồ-tát luôn luôn ban phát sự vô úy cho chúng sanh, khiến chúng sanh cắt lìa cái Tưởng của Sợ Hãi, Dày Vò, Bức Xúc… Vì thế, kinh Pháp Hoa nói:
Diệu Âm, Quán Thế Âm
Phạm Âm, Hải Triều Âm
thắng bỉ thế gian âm
thị cố tu thường niệm …
3.- Tiếng gọi của Thanh Văn: là tiếng gọi giải thoát của những bậc Thánh, lấy tâm vô ngã quán sát tứ diệu đế, đắc A La Hán. Đây là tiếng gọi của sự ly dục, sự từ bỏ, sự cắt lìa tham ái, tiếng gọi của Niết bàn vắng lặng.
4.- Tiếng gọi của Duyên Giác
Là tiếng gọi thanh tịnh vô vi của những bậc Thánh dùng tâm Vô Ngã quán sát thập nhị nhân duyên. Là tiếng gọi giải thoát, của những bậc thánh đã dứt trừ phiền não, đoạn tận tham sân si, xóa sạch ngã chấp, không còn lưu luyến sinh tử.
5.- Tiếng gọi của Cõi Trời
Là tiếng gọi của sự ham thích khoái lạc, dù là khoái lạc của tứ thiền, bát định cho đến khoái lạc của thiên đường cõi Dục, đều là những thứ an ổn giả tạo, hạnh phúc có điều kiện của chư thiên, chư tiên, nghĩa là những kẻ được triển hạn trầm luân. Mà lao ngục của họ dẫu được kiến tạo bằng thứ nguyên liệu vật chất có vẻ vi tế hơn, lộng lẫy hơn, nhưng cũng vẫn là kiếp sống đọa đày trong chiếc lồng son. Chúng sanh thường bị dày xéo bởi tám khổ, nên khao khát khoái lạc này rồi mê say lắng nghe, khiến trôi chìm sanh tử mãi.
6.- Tiếng gọi của Loài Người
Trong pháp giới, chỉ có Cõi Người là được chư Phật chư Bồ-tát thường xuyên vào ra thị hiện để thuyết pháp giáo hoá. Bởi lẽ loài người có đủ trí tuệ và tỉnh thức để thực hiện sự nghiệp tâm linh, có thể tiến bộ trên con đường giải thoát.
Nhưng loài người vốn bị quấy rầy bởi tình yêu (ái), của khát vọng (dục), và cho nên tiếng gọi của loài người cũng là tiếng gọi của thị phi, nhân ngã, bỉ thử (phân biệt trí). Đôi khi còn là tiếng gọi của tám khổ. Nhưng, trong phiền não khốn khổ ấy không loại trừ Nhân Tính, và Phật Tánh, khuynh hướng làm cho con người giải thoát, hoặc đạt đến niết-bàn và cứu độ chúng sanh.
7.- Tiếng gọi của A tu la
Là tiếng gọi của sự tranh đấu, hơn thua, của lòng kiêu mạn, sân hận. Nghĩa là tiếng gọi của những kẻ làm việc thiện với ngã chấp kiên cố sâu dày. Đó là tiếng gọi của siêu nhân, anh hùng hào kiệt, tiếng gọi chọc trời khuấy nước vì tràn đầy những âm thanh gậy gộc giáo mác. Tiếng gọi khiến kẻ khác nuốt lệ căm hờn, vì chứa đựng âm thanh giết chóc, náo loạn, ghê gớm của bom hạch tâm, của quyền lực thống trị.
8.- Tiếng gọi của Quỷ Đói
Là tiếng gọi của sự thèm khát mà không được thỏa mãn, của sự thiếu thốn mà không được đáp ứng. Hừng hực. Bực bội. Ấm ức. Tiếng gọi của lòng tham được phát triển quá độ hóa thành sư bỏn sẻn, ích kỷ. Tiếng gọi của những linh hồn co ro cô độc, không ai quan tâm, chẳng ai cúng kiến, hoặc của loài dã quỷ lẩn thẩn nơi chốn hoang dã mịt mù.
9.-Tiếng gọi của súc vật, thú vật
Là tiếng gọi của sự sướng khổ vì cảm giác nhục dục, của “con lợn lòng”, của những khoái lạc nhầy nhụa, trâng tráo, dơ bẩn, u mê. Đây là tiếng gọi của loài bốn chân, hai cánh, bẩm tánh ngu si, nếp sống tồi tàn, hôi hám, trần truồng … như tiếng khọt khẹt của khỉ, be be của dê, à uôm của hổ báo, gâu gâu của chó, meo meo của mèo. Trong tiếng gọi của súc vật, ta thường cảm nhận chúng nó luôn luôn rên rỉ, ngậm hờn, u uất, sợ hãi, đó là những âm thanh bế tắc, tuyệt vọng, nghẹn tức trong yết hầu mà nói không ra được.
10.- Tiếng gọi của Địa Ngục
Là tiếng gọi của sự tối tăm, mù lòa, của vô minh hoàn toàn. Đây là tiếng gọi thảm thiết, khốc liệt nhất của thế gian, là thứ âm thanh phát xuất từ lao tù, hình phạt, dụng cụ hành quyết, tra tấn.
Tiếng gọi của địa ngục còn là Tiếng gọi của tàn nhẫn, dửng dưng, lạnh nhạt. Tiếng gọi của lòng vô cảm, của máy móc, của chiến tranh bấm nút, của sản xuất dây chuyền, của sức mạnh tập thể.
Tóm lại, tiếng gọi của địa ngục là những âm thanh thuần khổ, âm thanh cảm ứng với mười điều cực ác, những tư tưởng ngăn che sự sáng, những ý niệm chống báng đạo lý như thực, rời xa chánh pháp.
III.- TIẾNG GỌI NÀO THIẾT THA?
Năng lực của Tâm thì thường có tác dụng như một Tiếng Gọi. Tiếng Gọi là tên khác năng lực tâm. Nói nôm na vắn tắt, Tiếng gọi là sức mạnh của Tâm. Nó thôi thúc, giục giã chúng ta phải làm một cái gì. Nó hướng dẫn chúng ta nên đi về đâu, quay theo đường hướng nào. Nếu chúng ta bị vấp váp, té xiêu lật ngửa thì tiếng gọi sẵn sàng nâng đỡ ta dậy. Chúng ta có khi sợ hãi tính đường thối lui thì tiếng gọi trong ta sẽ vỗ về, an ủi, khiến chúng ta yên lòng vững chân tiến tới.
Có khi nào Tiếng gọi tỏ ra bế tắc, chùn bước không?
Khi con người trở nên lững thững, sống nhạt thếch, sống chẳng ra hồn – thì khi ấy tiếng gọi trở nên “câm nín”, “dứt bặt”.
* * *
Kể chuyện thực để nghe chơi:
Tôi biết một cô gái Hà Nội tuổi mới hai mươi ba. Sinh trưởng trong gia đình khá giả, quyền thế. Cha mẹ chỉ có hai gái. Người chị là bác sĩ nội trú, cô ta là em út, cũng vừa tốt nghiệp ngoại thương, nên được chiều chuộng rất mực. Cha mẹ dùng quyền và cả tiền bạc để kiếm cho một chỗ làm tốt, lương cao. Nhưng, cô ta có vẻ không màng đến, đi làm mấy hôm bèn xin nghỉ việc ngang xương. Gia đình lại chạy vạy một chỗ làm khác ngon lành hơn, nhưng cô vẫn không chịu vâng theo. Rồi không biết bao nhiêu lá áp lực, dọa nạt, khuyên nhủ, vỗ về… cô ta chịu miến cưỡng đi làm, nhưng chỉ nửa tháng lại bỏ việc. Chỉ nói: Chán lắm! Vớ vẩn!
Cả gia đình đều cực kỳ lo lắng, ngại cô ta bị bệnh thần kinh. Đưa đến bệnh viện tâm thần và khám kỹ lưỡng. Một vị bác sĩ lớn tuổi khám xong, nói với hai bậc sinh thành rằng: “Bình thường. Có thể chưa có người yêu nên cô bức xúc mà không biết giãi bày với ai. Có thể, nỗi cô đơn vì thiếu bạn hoặc người tình làm cô ta trở nên “lờ khờ, dở hơi” như vậy!”. Thói đời, cha mẹ nào mà không cưng chiều con cái hết mức, hỏi:
– Hay là… bố mẹ kiếm cho con một người yêu?
– Vớ vẩn!
Rồi bố mẹ đem cô ta đến bệnh viện Đông Y. Sau khi vọng, văn, vấn, thiết và chẩn trị bằng máy móc tối tân của Trung Y, các thầy thuốc Tàu đành thúc thủ, tìm không ra bệnh trạng.
– Cứ cho cô ta đi du lịch một thời gian để giải tỏa ức chế, may chăng?
Gia đình bèn mua vé máy bay cho cô ta vào Saigon, vui chơi thoải mái – tiếp theo là đi Huế, Đà Nẵng, dự tính phải một tháng. Té ra, chưa đầy tuần lẽ sau cô ta đã mò về nhà. Cô ta nhếch môi: “Saigon thì ô nhiễm, bụi bặm đầy. Đà Nẵng thì cũng không khác gì. Huế loanh quanh lẩn quẩn mấy cái mồ mã các ông vua đã chết lâu đời, và thành quách, cung điện bé tí như đồ chơi bọn trẻ. Sông Hương thì như cái ao làng. Không cần đi đâu cả! Vớ vẩn!”
Hoàn toàn tuyệt vọng. Một giải pháp đều “Vớ vẩn”!
Gia đình không biết làm gì hơn là để mặc cô ta, phó thác cho trời đất. Làm chi bây giờ?
Bế tắc.
Từ đó đến nay, cô ta buổi sáng điểm tâm xong, cô ta chưng diện đàng hoàng, rồi tha thẩn đi loanh quanh các công viên, các khu giải trí công cọng như Hồ Gươm, hồ Bảy mẫu, hồ Thiền Quang, hồ Ba mẫu… rồi lững thững về nhà. Đọc sách qua loa. Chiều lại tiếp tục như thế. Bố mẹ mướn người theo dõi xem cô ta có hẹn hò bí mật với ai không? Kết quả: Không có ai cả. Cô ta luôn luôn lững thững đi một mình và cũng lững thững về một mình. Công cốc!
* * *
Có thể xem như “tiếng gọi ở trong cô ta chưa định hình”, nghĩa là cô ta chưa tha thiết một tiếng gọi nào – dĩ nhiên là còn mờ nhạt nên cô ta không dám sống theo một tiếng gọi duy nhất. Một khi tiếng gọi nào đó đủ mạnh thì cô ta đã dũng cảm sống theo nó. Chỉ dám đi tửng tửng cả ngày như vậy mặc dù không hề biết để làm chi?
Phải chăng, trong vài kiếp sống vừa qua, cô ta tuy có thao thức ít nhiều, nhưng hời hợt và không dám sống thật với cái bên trong của mình. Lười biếng phản kháng, vẫn còn ưa tuân phục những sức mạnh bên ngoài. Thiếu dứt khoát, kém nồng nhiệt, có cơ hội không dám nắm bắt, chông chênh giữa hai cực đoan. Chính vì vậy, cô ta ru mình trong một “Trạng thái lừng khừng” dĩ nhiên là không rõ nét, làm việc chi cũng lở dở lương ương.
Rồi đời sống qua mau, đến khi chuyển kiếp cô ta phải mang hành trang “lừng khừng” tới kiếp sống mới, nhưng lòng cô ta thì vẫn như xưa, vẫn lừng khừng như cũ. Và không một ai có thể thay đổi cái bản chất lừng khừng ấy cả. Trừ phi, cô ta phải chuyển hóa tư tưởng và cả đời sống bên trong.
Tiếng gọi, ngươi ở đâu? Gần hay xa?
* * *
Trước khi tiếng gọi thực sự cất lên cùng chúng ta, thì chúng ta vẫn sống bình thường, vì Tiếng gọi còn câm nín, chưa ra tay hành động, chưa buông những âm thanh tha thiết. Như Paul Gauguin chẳng hạn.
Từ cái thế giới chật chội của một nhân viên bưu điện, chàng Paul Gauguin đã ngoài bốn mươi tuổi, tầm thường, nhàn nhạt, thậm chí hơi…cù lần, lố bịch. Đột nhiên một ngày kia anh biến mất: anh cả gan bỏ nhà đi Paris. Và thiên hạ, dĩ nhiên, kháo nhau cho là anh bỏ vợ con đi theo một cô nàng nào đó. Người đại diện được gia đình nhờ tới Paris để tìm.
Khi người đại diện gia đình gặp Gauguin ở trong căn nhà trọ tồi tàn ở Paris thì, dĩ nhiên, trước hết ông phát hiện Paul Gauguin đang sống… một mình, chẳng có cô nàng nào cả.
Paul Gauguin thản nhiên từ chối trở lại gia đình: con ông cũng lớn, vợ ông đủ sức tự lập, Ông tin rằng không có ông thì vợ, con ông vẫn đủ sức bươn chải một mình… Và đây là lúc ông có thể và phải sống cuộc đời của riêng ông mà ông ấp ủ từ lâu.
Paul Gauguin tuyên bố ngắn gọn:
“Tôi vẽ”. “Tôi phải vẽ”.
Anh chỉ trả lời cụt ngủn như thế với người đại diện gia đình. Bởi vì anh không quen dài dòng vô ích. Giấc mộng rất lớn của Paul Gauguin, khát vọng của anh, hay nói cách khác: Tiếng gọi tha thiết trong anh chỉ được thốt ra bằng lời ngắn gọn thế thôi. Nhưng nó sẽ được bàn tay anh, khối óc anh “nói” lên bằng những kiệt tác hội họa sau này…
Tiếng gọi của nghệ thuật! Ai dám sống theo?
IV. – TIẾN TRÌNH NHÂN – DUYÊN – QUẢ
Các câu chuyện được trích dẫn trong bài viết này, đều nói lên Tiến trình Nhân Duyên Quả của Tiếng gọi.
Tất cả vũ trụ này đều là tiến trình nhân duyên quả, thông qua ba đời, Quá khứ, Hiện tại, Vị lai – thì tiếng gọi cũng như thế!
Như thái tử Tất đạt đa từng ngàn muôn ức kiếp gieo nhân duyên giải thoát và cứu độ chúng sanh, cho nên kiếp này dẫu vua Tịnh Phạn tìm mọi cách để níu kéo, ngăn trở, nhưng cái quả là Ngài phải ra đi.
Nếu Tâm ta khuynh hướng về Tự do, Công bằng, Dân chủ, Bác ái, và suốt đời hy sinh cho những cứu cánh ấy, như luôn luôn đòi hỏi nhân quyền, chuyên đi làm từ thiện, cứu trợ những người khốn khó, hoặc viết sách khuyến khích “học làm người”, dạy dỗ và thuyết giảng về các đề mục như Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín… thì ta đã phát ra tiếng gọi của con người – dĩ nhiên đã và đang sum vầy trong cảnh sống của con người. không thể khác được.
Nếu chúng ta ưa hơn thua, ưa tranh giành địa vị trong một tầng lớp nào đó, ưa bày mưu lập đảng để tranh đấu vì một điều không bao giờ hiện hữu trên trái đất mà dẫn dụ chúng sanh xem như là chân lý (giả tạo)… tức là chúng ta tạo nghiệp nhân của A tu la, đồng nghĩa cất lên tiếng gọi A tu la, chắc hẳn chúng ta sẽ gặt quả báo của loài A tu la, chuyên tranh chấp, giành giật để rồi sống trong cảnh giới hơn thua, đấu đá nhau mãi.
Nếu chúng ta ưa những trò chơi rẻ tiền và lén lút xem những phim Sex bậy bạ, mê đắm những trò “xuống xóm mua vui”… thì chúng ta tạo một trong những nhân tố để làm loài bàng sanh, loài súc vật. Còn gọi là Tiếng gọi của súc sanh, bàng sanh.
Nếu chúng ta sống với tình yêu thương vô phân biệt, sẵn sàng nghe ai khổ sở, bức bối, bị áp chế… liền đến ngay để giúp đỡ, chia xẻ, an ủi. thì tâm ta đang sống trong tiếng gọi của Bồ-tát Quán thế âm, “năng dữ chúng sanh chi lạc, năng bạt chúng sanh chi khổ”, chuyên giải trừ tất cả mọi khổ nạn, tai ách của chúng sanh.
Nếu nhân duyên là cuộc sống chúng ta, thì cái quả là Tiếng gọi. Nếu tiếng gọi là nhân duyên thì cuộc sống chúng ta sẽ là cái quả. Bây giờ muốn phát ra Tiếng gọi nào, thì chúng ta cứ nhìn vào cuộc sống của ai đó, xem y hành xử thế nào, chí hướng đi về đâu, và công phu tu tập ra sao?
V.- CHÚNG TA PHÁT RA TIẾNG GỌI NÀO?
Nếu Tâm lúc nào cũng rung cảm theo tiếng rống uy hùng của Sư Tử Chúa tràn trề Phật lực, mang tính chất đại bi đại trí, giải thoát viên mãn, vô lượng quang, vô lượng thọ, thì đương nhiên Tâm đang ở trong cảnh giới thù diệu trang nghiêm của chư Phật, bởi vì chúng ta đang dõi theo âm thanh của Đấng Giác ngộ.
Theo lời Phật dạy trong Kinh Hoa Nghiêm, âm thanh của đức Phật tức đấng giác ngộ, có mười thứ vô lượng.
1) Âm thanh Phật như Hư Không giới vô lượng vì âm thanh ấy trải khắp mọi nơi.
2) Âm thanh Phật như Pháp Giới vô lượng, vì không chỗ nào mà âm thanh ấy chẳng khắp.
3) Âm thanh Phật như chúng sanh giới vô lượng, vì âm thanh ấy khiến tất cả tâm hoan hỷ.
4) Âm thanh Phật như các nghiệp vô lượng, vì âm thanh ấy giải thích quả báo của nghiệp.
5) Âm thanh Phật như vô lượng phiền não vì âm thanh ấy có khả năng diệt trừ mọi phiền não.
6) Âm thanh Phật như ngôn âm của chúng sanh vô lượng, vì tùy theo sự hiểu biết của chúng sanh mà làm cho nghe được.
7) Âm thanh Phật như dục giải của vô lượng chúng sanh, vì âm thanh ấy quán sát cứu độ khắp chúng sanh.
8) Âm thanh Phật như tam thế vô lượng vì âm thanh ấy vô biên tế (không có giới hạn).
9) Âm thanh Phật như trí huệ vô lượng vì âm thanh ấy phân biệt tất cả.
10) Âm thanh Phật như Phật cảnh giới vô lượng, vì âm thanh ấy nhập vào Phật pháp giới.
Như vậy, tiếng gọi của Phật chính là âm thanh của Phật, có đặc chất “vô lượng”. Gồm có mười sắc thái Vô lượng như đã nói ở trên, được chứa đựng trong Danh hiệu Phật.
Vả lại, chúng ta cũng thừa hiểu rằng: tất cả tiếng gọi của thế gian đều dẫn đến chỗ trói buộc, phiền lụy và chìm trôi sinh tử không dứt. Vì bản chất của thế gian là vô minh do đó tiếng gọi của thế gian là tiếng gọi hoàn toàn vô minh.
Chỉ có tiếng gọi của thánh nhân là mang nhiều đặc chất minh triết, hạnh phúc, bẻ gãy xiềng xích ngũ dục, là khô cạn biển khổ vô minh.
Nhưng duy chỉ có tiếng gọi của Phật là bậc nhất, là rốt ráo, là giải thoát tròn đầy, khắp đến tất cả, vang vọng mười phương pháp giới, không bị chướng ngại, không bị biến đổi, sinh diệt. Vì sao?
Vì tiếng gọi của Phật chính là danh hiệu Phật. Danh hiệu Phật chính là Đức Phật, với đầy đủ vô lượng vô biên đức tướng và năng lực Như Lai Chánh Đẳng Chánh Giác.
Kinh Hoa Nghiêm nói tiếp:
“…. Nếu có những chúng sanh
chưa phát tâm bồ đề
được nghe danh hiệu Phật
quyết định thành chánh giác…”
Nhưng, làm thế nào để được “thường xuyên nghe Danh Hiệu Phật”? làm thế nào để mãi mãi “tiếp nhận Tiếng Gọi của Như Lai”?
Muốn tiếp nhận Tiếng Gọi của Như Lai, thì không chi hơn là xướng niệm danh hiệu Đấng Giác Ngộ. Hay là cất lên âm thanh tràn đầy Phật lực, âm thanh của Vô lượng thọ, âm thanh của Vô lượng quang…
Giáo sư, thi sĩ Phạm Công Thiện cũng đã viết trong cuốn Những Bước Chân Nhẹ Nhàng Trở Về Sự Im Lặng:
… sau cùng chỉ cần niệm Phật thôi, chẳng cần vãng sinh Cực Lạc gì cả, lúc ấy Tha Lực đột nhiên chuyển hóa thành Vô Lực; Vô Lực chuyển thành Diệu Lực của Không Tính, và tất cả mọi Ý Lực đã được hủy diệt, và tiếng “NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT” “Namo Amitàbhàya Buddhàya” trở thành tiếng kêu của kẻ Giác Ngộ, …
Tiếng kêu của kẻ Giác Ngộ?
Hay:
Ai buông Tiếng gọi giữa đời thiết tha?
Nam mô A di đà Phật
Nam mô A di đà Phật
Nam mô A di đà Phật…
Discussion about this post