DO BAN BIÊN TẬP THƯ VIỆN HOA SEN PHỤ TRÁCH
NỘI
DUNG BÀI PHÁT THANH SỐ 50
TAI
HẠI CỦA TÂM SÂN
(Nghe
audio bấm vào hàng chữ này)
Thưa
quý thính giả,
Mới
đây, báo chí có đăng bản tin như sau: Vì giấy vệ sinh
mà giết người ở chung nhà. Ngày 21 – 2 – 2006, một người đàn ông 56 tuổi đã bị câu lưu vì tội
đánh chết người ở chung nhà 58 tuổi, bằng búa tạ và kìm
nghiền càng cua, vì lý do hết giấy vệ sinh trong nhà tắm.
Anh ta khai rằng hai người đã cãi nhau về vấn đề hết giấy
vệ sinh và khi người bạn rút súng ra thì anh ta bèn dùng búa
tạ và kìm nghiền càng cua để đánh bạn. Nạn nhân bị đánh
tàn nhẫn đến nỗi nát cả mặt, không còn nhận diện được
nữa, mà phải dùng đến dấu tay. Kẻ sát nhân đã bị bắt
giam mà không được phép bảo lãnh, tại ngoại hậu tra.
Thưa
quý thính giả,
Tựa
đề câu chuyện này không đúng với nội dung. Giấy vệ sinh
là lý do để hai người cãi nhau, chứ không phải lý do giết
nhau. Trong thời gian cùng sống chung dưới một mái nhà, hẳn
là đã nhiều lần, với nhiều lý do, hai người không đồng
ý với nhau, có thể đã cãi nhau. Nhưng đặc biệt lần này,
từ cãi nhau, mỗi lúc cơn giận lại tăng, tới lúc không còn
kiềm chế nổi, do lòng sân giận bốc lên ngùn ngụt, tâm
trí trở thành u mê tối tăm mù mịt, mới đi tới giết nhau.
Vậy thì thủ phạm chính trong câu chuyện thê thảm này là
sự giận dữ, là “Tâm Sân”.
Đức
Phật là Đại Y Vương, nên nhà Phật có sẵn môn thuốc để
chuyển hóa tâm Sân này, đó là bài thuốc “Nhẫn”.
Nếu một trong hai người này mà có thực tập pháp môn “Nhẫn”,
biết nhường nhịn, cảm thông với mọi người, biết nghĩ
tới những nỗi thống khổ mà mọi người phải chịu trong
cuộc đời, mà tha thứ, bỏ qua cho nhau, thì chỉ cần lẳng
lặng ra những convenient stores, vốn được thiết lập đầy
dẫy khắp nơi trên nước Mỹ, mua về vài cuộn giấy, là
vấn đề được giải quyết nhanh và gọn ngay.
Nhưng
có lẽ hai người này chưa hề tu tập về nhẫn nại, không
nghĩ đến người khác, cho nên chuyện bé xé thành to, cả
hai đều chỉ thấy có cái “Tôi” là lớn, không ai nhường
nhịn ai, mới càng lúc càng nuôi dưỡng cơn giận tăng lên,
cuối cùng đi tới chỗ người thì chết, kẻ thì tù mãn đời.
Cho
nên đức Phật thiết tha khuyên các Phật tử cần phải tự
mình tu sửa bản thân, để hóa giải màn vô minh vì Tham,
Sân, Si, vốn đã mang theo trong dòng đời từ vô lượng kiếp.
Hóa giải Tham thì không làm hại người khác để lợi cho
bản thân, hóa giải Sân thì nhẫn nại trước nghịch cảnh,
dùng lòng từ bi, bao dung để cảm hóa người, hóa giải Si
thì tu tập sự lắng tâm, nhìn mọi sự việc một cách chính
xác, như thế sẽ giảm thiểu được nghiệp chướng phát
sinh từ thân, miệng và ý thức. Đức Phật luôn nhắc nhở
rằng “Đừng coi thường ngọn lửa nhỏ, vì nó có thể
làm cháy tiêu cả khu rừng lớn”, và “Một ngọn lửa Sân
có thể đốt cháy cả rừng công đức”.
Câu
chuyện kể trên tuy là có thê thảm thật, nhưng sự tai hại
chỉ giáng xuống đầu hai người. Gần đây, cả thế giới
đều lên cơn sốt, lo sợ một trận chiến tranh lớn bùng
lên, mà lý do khởi đầu chỉ là vì mấy bức hình biếm họa.
Hậu quả tính tới lúc này cũng đã có trên một trăm người
vô tội bị giết, và mầm mống chia rẽ giữa mọi người
với nhau, thì cũng từ ngọn lửa Sân này, mà lan tràn ra, khiến
cho biết bao nhiêu tâm hồn trong sáng bị làn sóng sân hận
ùa tới gây ô nhiễm, tức giận, đau khổ.
Có
người cho rằng kẻ vẽ biếm họa thực thi quyền tự do báo
chí, tự do ngôn luận. Cũng nên xét lại quan điểm này. Ai
cũng biết rằng cùng chung sống trên trái đất, trong thế
giới tương đối, chúng ta phải hành xử có ý thức. Dù là
thực thi quyền tự do, nhưng cũng phải biết tự chế, thuận
theo nguyên tắc luật bất thành văn, gọi là cư xử tế nhị.
Trong khi thế giới đang căng thẳng, nghi kỵ nhau vì khác tôn
giáo, người có ý thức phải biết tự chế, không đổ dầu
vào đống than đang âm ỷ, chỉ chờ dịp là bùng lên. Người
xưa có câu “vào nhà có người thắt cổ, không nhắc đến
sợi dây thừng”, đó là sự tế nhị. Mấy bức tranh biếm
họa quả là đổ dầu vào lửa.
Vả
lại, dù có thực thi quyền tự do, thì cũng có những điều
không thể hành xử tự do một cách bừa bãi, mà phải theo
quy luật về văn minh, phù hợp với quan niệm sống, với nền
văn hóa, không vì giành cho mình quyền tự do tuyệt đối mà
xâm lấn vào tự do của người khác. Điển hình là ngay tại
những gia đình có nếp sống rất tự do, cũng có những quy
luật, như mọi người phải vào nhà tắm đóng cửa lại mà
làm những chuyện cá nhân, hoặc vợ chồng không làm chuyện
tình dục trước mắt người khác. Không thể vì “tự do
báo chí, tự do ngôn luận” để đăng hình chuyện phòng the
lên mặt báo, hoặc phát thanh những chuyện mùi mẫn, nói năng
những lời thô tục trên các cơ sở truyền thông. Nếu không
biết tự chế, biết ngưng lại khi thấy có thể va chạm vào
chuyện thiêng liêng của người khác, biết dừng lại bên
bờ của vực thẳm, thì chưa xứng đáng được hưởng quyền
tự do ngôn luận.
Vào
tháng Tư năm 2004, hãng Victoria
Secret cũng đã làm một chuyện tệ hại, là sáng chế ra một
bộ đồ tắm bikini hai mảnh, in hình Bồ Tát Quán Thế Âm
lên hai bên ngực áo và hình đức Phật lên quần, ngay tại
chỗ cần kín đáo của mọi người. Hình tung lên mạng
lưới điện tử, điện thư phản đối của Phật tử khắp
nơi gửi về hãng, cộng với văn thư của chính phủ hai nước
Thái Lan và Tích Lan gửi cho ban giám đốc hãng, yêu cầu dẹp
bỏ ngay lập tức hành động vô ý thức này.
Vào
ngày 28 tháng Bảy, văn phòng của hãng Victoria Secret tại Hoa
Kỳ đã gửi văn thư tới các nước kể trên và các Phật
tử, thông báo là đã tiêu hủy tất cả những sản phẩm
ô nhiễm đó, và chân thành xin lỗi mọi người, vì họ đã
vô ý thức trong hành động này, chứ không hề có ý bất
kính đối với đức Phật và các Phật tử.
Có
một chi tiết cũng đáng nói là trong số những điện thư
mà chúng tôi được đọc, một số có luận điệu rất ôn
hòa, can gián, đại khái như sau : …”… Chúng ta phản đối
để cho họ biết mà sửa sai, nhưng đừng làm tổn hại tới
tài sản và tính mạng của họ, mà đức Phật từ bi không
vui đâu…”… vân vân …
Biết
đâu chẳng nhờ có những bức thư can gián này mà mọi chuyện
được giải quyết êm thấm, vì vào thời gian đó, đã có
những thư kêu gọi mọi người đi đập phá các cửa tiệm
bán đồ của Victoria Secret, hoặc tìm hiểu coi chủ hãng Victoria
Secret theo tôn giáo nào. Nếu mọi người đều không biết
tự chế, bừng bừng nổi giận mà dùng bạo lực, kéo nhau
đi đập phá thì tai họa thật là không biết đến đâu mà
lường. Nhờ đức điềm tĩnh, kiên nhẫn và hiểu biết mà
thảm họa đã không xảy ra, hoặc ít nhất cũng không vì thế
mà gây ra mối hiềm khích giữa Phật tử với tôn giáo khác.
Có
người nói là “nếu bị ngăn cấm, mất tự do như vậy,
thì sẽ không thể có những công trình nghiên cứu về những
huyền thoại, do đó, những chuyện hoang đường không được
ánh sáng của sự thật chiếu rọi”. Thực tế, trong những
câu chuyện nêu trên, đều là do vô ý thức, dùng hình ảnh
các bậc giáo chủ để trửng giỡn, không có nghiên cứu gì
cả. Đạo Phật là đạo Giác Ngộ, đức Phật khuyên mọi
người “không nên tin bừa mà phải dùng lý trí để nhận
xét”. Thí dụ, trong truyện cổ Phật giáo, có huyền thoại
là đức Phật ra đời từ nách mẹ Ngài là hoàng hậu Ma Da.
Ai nghi ngờ thì cứ việc nghiên cứu, nếu thấy là chuyện
vô lý thì không tin, kết luận rằng đây là chuyện huyền
thoại của những người muốn thần thánh hóa Ngài. Nhà Phật
không chống lại những công trình nghiên cứu để tìm hiểu
sự thật.
Đạo
Phật luôn luôn nhắc nhở mọi người phải tỉnh giác, phải
“thấy rõ sự thực nó là như thế”. Muốn vậy, phải tu
dưỡng tâm trí mình cho được an tịnh, không cho nó buông
lung, suy diễn, tâm viên ý mã, là tâm ý thức chạy nhẩy như
ngựa, như vượn, rong ruổi theo sự xúc động của giận dữ.
Giận dữ làm mờ trí khôn, mất khả năng nhận xét, không
còn thấy được sự thật. Cho nên, Sân là một trong ba đề
mục lớn là Tham, Sân và Si, được nhà Phật cho là cốt lõi
của mọi tai họa xẩy ra cho con người.
Giáo
lý nhà Phật rất quan tâm đến vấn đề điều trị và chuyển
hóa Tâm. Nhân đây, chúng tôi xin kính gửi tới quý thính giả
bài pháp của Ni Sư Thubten Chodron, nói về tâm Sân, trích
dịch từ cuốn Working With Anger. Ni Sư Thubten
Chodron là người Hoa Kỳ, đã viết nhiều sách giảng dạy
Phật pháp. Hầu hết các sách của bà đều đặt trọng tâm
vào việc thuyết phục độc giả tự điều phục chính Tâm
mình, chuyển hóa nó trở về trạng thái an tịnh, gỡ bỏ
những sự nóng giận, hiểu lầm, để đem lại tình thương
yêu trong sáng cho nhau, thí dụ như Open Heart & Clear Mind,
How to Free Your Mind, Taming the Monkey Mind, Cultivating a Compassionate
Heart, vân vân…. Trong cuốn Working With Anger, bà
viết:
…”…
Chúng ta có thể nhìn những nỗi bất hạnh bằng quan điểm
rộng rãi qua chiều dài dòng sinh tử của rất nhiều kiếp
sống trong quá khứ, bao gồm nghiệp lực và những việc làm
do sự cố ý của chúng ta, mà nhà Phật gọi là có tác ý.
Theo quan điểm của nhà Phật thì tất cả những hành vi tạo
tác do thân, miệng và ngay đến cả mới chỉ suy nghĩ thôi,
cũng để lại dấu ấn trong tâm khảm chúng ta, gọi là nghiệp
nhân. Những nghiệp nhân này sớm muộn cũng sẽ có lúc hội
đủ điều kiện, gọi là đủ duyên, để mà chín mùi, chi
phối những hành vi của chúng ta theo chiều hướng tốt hoặc
xấu, tạo thành hậu quả mà chúng ta sẽ phải nhận lãnh.
Những sự việc xảy ra cho chúng ta ngày nay là kết quả của
những ý nghĩ, hành động, lời nói và việc chúng ta đã làm
trong quá khứ. Thí dụ, nếu có người đánh chúng ta, thì
hẳn là chúng ta đã từng làm điều gì có hại cho họ, trong
trường hợp này là đã từng xâm phạm vào thân thể họ.
Nghiệp cũng như cái đòn bật ngược, chúng ta ném ra, sớm
muộn nó sẽ dội ngược lại. Cách chúng ta đối xử với
người khác sẽ là nhân để họ đối xử lại với chúng
ta tương đương như vậy.
Hiểu
được điều này sẽ giúp chúng ta chấp nhận một phần trách
nhiệm khi gặp hoàn cảnh khó khăn. Chúng ta không là nạn nhân,
mà chúng ta là đồng tác giả. Chúng ta ươm chín mùi những
hạt giống mà chúng ta đã gieo. Trong quá khứ, ngay cả trong
kiếp này, chúng ta đã làm tổn hại người khác. Khi còn nhỏ
chúng ta đánh nhau nhau với bạn trong sân chơi, khi lớn, chúng
ta làm đau lòng người khác. Nếu có ai làm hại chúng ta, hãy
nhớ rằng đó chính là kết quả của nghiệp ác mà chúng
ta đã từng gây ra.
Chúng
ta không nên ngạc nhiên khi những nghiệp xấu của chúng ta
chín mùi. Tóm lại, khi chúng ta gieo hạt giống xuống đất,
nó sẽ mọc lên thành cây khi có đủ điều kiện, gọi là
đủ duyên, như ánh mặt trời, nước và chất dinh dưỡng.
Cũng vậy, khi chúng ta gieo vào ruộng tâm nghiệp nhân xấu,
thì quả báo sẽ trổ ra khi hội đủ điều kiện. Nhìn vấn
đề như thế, chúng ta sẽ không đổ lỗi cho người khác
về sự bất hạnh mà chúng ta phải gánh chịu, chẳng qua chỉ
là quan hệ nhân quả mà thôi. Chúng ta là nhân tố chính, tạo
ra bất cứ một trường hợp khó khăn nào của chúng ta.
Dầu
vậy, chúng ta đừng có hiểu lầm rằng như thế là chúng
ta quy trách nhiệm cho nạn nhân mà bênh vực kẻ tội lỗi.
Chúng ta không nên tự làm khổ mình bằng cách tự trách rằng:
“Tôi bị hành hạ như vậy là đáng tội rồi”. Thí dụ
có cô kia tin rằng vì cô đã hành hạ người khác trong những
kiếp quá khứ cho nên nghiệp nhân của cô đưa đẩy khiến
cô sinh ra trong một gia đình có thói đối xử tàn bạo, là
vì cô bị trừng phạt do những ác nhân cũ. Sự hiểu lầm
về nghiệp đã cản cô trong việc tìm cố vấn tâm thần để
điều trị. Sau khi thảo luận với nhà chuyên môn về tâm
linh, cô biết rằng đã tự làm khổ mình vì hiểu lầm niềm
tin tôn giáo mà ứng dụng sai, khi tự trách về những điều
cô không thể tự kiểm soát khi cô còn nhỏ. Nhận ra được
điều ấy, cô tiếp tục cải thiện trong cách sống và cuộc
đời cô trở nên thăng hoa.
Khi
chúng ta gặp những điều khó khăn hoặc đau khổ, chúng ta
tự nhủ rằng: ” Trong quá khứ, hẳn là mình đã làm hại
người ta, nay quả báo đến với mình. Như thế không có nghĩa
rằng mình là người xấu, mà chỉ có nghĩa là trong quá khứ,
vì vô minh (vô minh có nghĩa là mê muội, không sáng suốt)
mà chúng ta đã tạo ra những lỗi lầm đem tai hại đến cho
người khác. Nếu mình không muốn phải chịu cảnh khổ này,
thì từ nay mình phải thận trọng, tử tế với mọi người,
để không tạo thêm nghiệp chướng đến nỗi phải lãnh thêm
những quả khổ nữa”.
Do
nhìn vấn đề theo cách ấy, chúng ta có được bài học qua
lỗi lầm của mình Xin nhớ rằng sự kiện chính xác chúng
ta đã làm gì trong quá khứ, khiến nay chúng ta phải chịu
đau khổ không quan trọng. Chỉ cần có ý thức một cách tổng
quát về quan hệ nhân quả giữa quá khứ và hiện tại, cho
tới tương lai, tạo ra nhân thế nào thì sẽ có quả tương
xứng thế ấy. Như thế, chúng ta sẽ có quyết định rõ ràng
về một cuộc sống làm điều lành thiện, không còn muốn
làm những việc xấu ác nữa..”….
Thưa
quý thính giả,
Trên
đây là lời dạy của Ni Sư Thobten Chodron. Trong khi nói với
chúng ta về cách đối trị với sự giận dữ, bà nhắc cho
chúng ta nhớ lại quan điểm của nhà Phật về thế giới
hiện tượng tương đối này, là “Tất cả mọi sự việc
đều nằm trong vòng ảnh hưởng của quan hệ nhân quả”,
đó là tiêu chuẩn đạo đức trong đời sống hằng ngày của
Phật tử.
Nắm
vững nguyên tắc sống này thì chúng ta sẽ nhìn sự việc
một cách công bằng hơn. Nghĩ rằng “không có quả nào
mà không từ nhân ra”, thì chúng ta chấp nhận rằng
hậu quả tốt hoặc xấu mà chúng ta đang lãnh đó, là do chính
chúng ta tạo ra trong quá khứ, không hoàn toàn do người khác
mang tới. Nghĩ như thế, sự giận dữ sẽ được hóa giải
bớt, nhìn cuộc đời thấy trong sáng hơn, và dòng nghiệp
lực cũng càng ngày càng trở nên tốt hơn.
Ban
Biên Tập
Bài
này đã được phát thanh trên làn sóng AM
1480 (KVNR) tại Nam California
ngày 04-3-2006 và ngày 05-03-2006 trên làn sóng AM1520
(KYND) &
AM 880 (KJOJ) tại
Texas
Discussion about this post