VỀ VỚI THIÊN NHIÊN
Tiểu Lục Thần Phong
Ngày chiến sĩ trận vong cũng như những ngày lễ khác của xứ này, người dân nghỉ ngơi, đi chơi, thăm thú họ hàng… Năm nay ngày lễ vẫn còn dịch bệnh nên số người đi chơi giảm rất nhiều, các thương xá, nhà hàng vẫn còn đóng cửa nếu có mở cũng rất hạn chế khách. Ngày chiến sĩ trận vong là ngày lễ quốc gia, tưởng niệm công ơn những người đã vì đất nước mà xả thân, những anh hùng vệ quốc, xây dựng tổ quốc, những người con ưu tú vì lý tưởng tự do mà hiến thân. Hiến thân cho tự do của xứ sở Cờ Hoa và cả tự do của một phần nhân loại trên thế gian này.
Ngày lễ của xứ sở này không có những bài diễn văn dài thòng lòng nghe không kịp vuốt mặt, không có những chính khách lên gân với lời lẽ đao to buá lớn, chém sắt chặt đanh, laị càng không có lệnh phải chưng hình ông kẹ bà chằng hay cờ này cờ nọ. Cả xứ sở tìm đỏ con mắt cũng không có một câu khẩu hiệu nào. Ngày lễ là của dân người dân tận hưởng ngày nghỉ của mình, người thì lên rừng, kẻ xuống biển, hoặc ở nhà mở tiệc BBQ. Chỉ đơn giản thế thôi! Nhưng khi xứ sở cần thì mọi người sẵn sàng!
Ngày lễ năm này tôi lái xe về với thiên nhiên, một vùng rừng núi xanh mướt, nơi có ngọn thác Amicalalo. Nơi này vốn là đất của người Mỹ bản địa mà chúng ta quen gọi là người Da Đỏ. Ngọn thác không lớn lắm nhưng độ cao gần như thẳng đứng, nước từ trên đỉnh núi chảy xuống ào ạt suốt ngày đêm. Ngàn năm trước, tôi chưa đến nó đã chảy thao thức như thế rồi, ngàn năm sẽ chắc chắn nó sẽ còn chảy như thế. Trước khi đến được chân thác, xe chạy qua những vùng thôn quê mênh mông bát ngát. Thôn quê ở đây đất rộng mênh mông, mỗi người nông dân có cả trăm hoặc ngàn mẫu tây. Hoặc là trồng đậu, bắp… và các loai nông sản khác. Cũng có nhiều trang trại chỉ để trồng cỏ không mà thôi, cái màu xanh của cỏ mát mắt, các trang trại nối tiếp nhau, chỉ ngăn cách bằng hàng rào gỗ thấp tới đầu gối, chỉ là trang trí làm duyên, chỉ là dấu hiệu thôi chứ chẳng phải để bảo vệ, những con bò và ngựa nhởn nhơ gặm cỏ trông sao mà thanh bình chi lạ. Người nông dân ở đây bao đời nay như thế, cuộc sống bình yên, thanh thản họ chưa bao giờ biết đến những từ: Tịch thu, trưng dụng, qui hoạch, giải toả, quốc hữu hoá, sở hữu chung…Tôi bất chợt nổi cái ý nghĩ khùng điên:” Giá mà mình bất ngờ đột tử giữa vùng quê này, rồi tái sanh làm một anh chàng Mỹ trắng, sống những tháng ngày yên ả với đồng quê, mặc kệ thế sự của thiên hạ, thế chẳng phải hạnh phúc lắm sao?” nhưng tôi laị phì cười với cái ý nghĩ đó. Tôi biết rằng nếu làm một anh chàng Mỹ ở nông thôn naỳ thì sẽ không còn cơ hội tiếp xúc hoặc tu học Phật. Đồng quê Mỹ là xứ sở của người da trắng, dân da màu: Đen, Mễ, Á châu khó mà sống nổi và cũng không chịu nổi cái tĩnh lặng ở đây. Đồng quê Mỹ là đất của Tin Lành, tìm đỏ mắt không có lấy một ngôi chùa, không ai biết đến đạo Phật. Đồng quê Mỹ là nơi giữ cái hồn, cái bản sắc Mỹ. Đồng quê Mỹ đẹp, thanh bình với những con đường chạy giữa những trang trại cho đến tận chân trời, thỉnh thoảng gặp một ngôi nhà nhỏ bán hoa, một đống nông sản trước cổng (người mua tự lấy và tự bỏ tiền vào cái lon). Xe cứ chạy bon bon, có lúc vào những thị trấn nhỏ, xa xưa với toà thị chính cổ kính. Những toà thị chính của các thị trấn đồng quê nó man mác hoài niệm của thời đi mở cõi lập quốc, nó vừa cổ, vừa tịch mịch như mảnh hồn của trăm năm trước. Ở những thị trấn đồng quê, những thị trấn cổ thường có những cửa hàng nho nhỏ bán đồ cổ, tiệm kẹo truyền thống, nhà hàng bé tí… rất Mỹ, rất đặc trưng, rất hợp với những tâm hồn lãng mạn hoài cổ. Đến thì háo hức, đi thì lưu luyến, xe chạy qua rồi vẫn ngoái đầu xem lần cuối.
Tôi laị nghĩ thầm:” Nếu mình tái sinh làm anh chàng Mỹ trắng ở đồng quê này, sống với thiên nhiên. Muà xuân nằm trên cỏ nhìn người yêu tết hoa daị đội đầu, đời như thế cũng đáng sống biết là bao!” cái duyên phần và phước đức như thế cũng đủ lớn để quên nỗi khổ của đời, nỗi khổ của sanh tử luân hồi…Có lẽ cũng vì phước báo hữu lậu như thế mà sanh tử luân hồi miên viễn vô biên. Tôi lái xe giữa đồng quê mà những ý nghĩ cứ lung linh trong tâm, những ký ức từ xa xăm đâu mà laị hiện về như cuốn phim quay chậm. Tôi lại nhớ một câu chuyện:” Làm vua trong bảy ngày” ( không nhớ tác giả là ai) và tự cười thầm:” Giá những điều ước có thật thì tôi sẽ ước mình tái sinh bảy lần nữa thôi, kiếp nào làm anh chàng nông dân giữa trang traị hoa vàng, một kiếp làm chàng công tử hào hoa rong chơi cho kỳ hết những thành cổ: Roma, vienna, London, Athen…Một kiếp khác làm tay cowboy miền viễn tây, kiếp khác làm tay chơi ở thành đô hoa lệ New York, Paris, Hollywood… cho đến kiếp thứ bảy thì trở thành thiền sư ở tuyết sơn”. Nhà Phật thường bảo:” tâm tưởng sự thành” hoặc là:” Tòng tâm tưởng sanh”, những ý nghĩ nảy ra vốn có hạt giống từ trong tạng thức ( A laị da thức). Có lẽ nào tôi đã từng như thế nên nay hoàn cảnh làm cho nó phát lộ ra ý nghĩ này, vừa nghĩ vừa cười thầm. Bất chợt vợ ngồi bên hỏi:” Anh nghĩ gì mà cười thầm hoài vậy?” tôi vẫn cười không ngớt, nói ra ý nghĩ khùng điên thì người sẽ bảo ta khùng điên thật chứ chẳng phải chơi!
Bảy lần tái sanh laị ở nhân gian là mức tối đa của một người trước khi chứng quả Arahanta. Người đã chứng tứ quả A La Hán thì dứt sanh tử luân hồi, từ đây như mây trắng bay, tâm tư vắng lặng, dứt bặt mọi khổ đau, sung sướng. Cái phước báo của thế gian này đầy dụ hoặc, con người mê đắm chấp trước nên mới phải luân hồi. Phước báo thế gian tuy làm cho sanh tử chẳng dừng nhưng đâu dễ có và cũng đâu phải ai cũng có. Bằng chứng là những người nông dân ở đồng quê kia quả là ít so với hàng tỉ người trên thế gian này ngày đêm sống trong khổ đau thiếu ăn , thiếu mặc, chiến tranh, cường hào ác bá…hoặc giả sống ở những vùng đất đai khô cằn, ít ỏi, nhiều thiên tai địch họa…
Người nông dân Mỹ sống ở đồng quê nhưng không có nghĩa là lạc hậu hay chậm tiến hơn ở thành phố, không đâu! Họ vẫn tiếp cận với khoa học kỹ thuật, vẫn thụ hưởng đầy đủ những phương tiện vật chất hiện đaị của nền văn minh này. Người nông dân Mỹ là người đang lưu giữ và bảo tồn bản sắc Mỹ, những nét đặc trưng chưa bị pha trộn lai tạp như ở những thành thị phồn hoa đô hội. Có lẽ cũng vì thế mà người nông dân Mỹ có tánh bảo thủ hơn, ít cởi mở hơn người Mỹ ở nơi phố xá thành đô.
Nước Mỹ mới hơn ba trăm tuổi, tuy quá trẻ nhưng có một sức mạnh phi thường, không chỉ về kinh tế, quân sự mà còn ở sức mạnh mền ( soft power) đó là tính nhân văn cao cả, tinh thần tự do bất diệt, văn hoá khai phóng… “ Hãy đưa cho ta nỗi khổ nhọc của ngươi…” ( lời khắc dưới chân tượng nữ thần tự do), hoặc là: Tự do không phải tự nhiên mà có “ Freedom is not free”… Đó là tính cách Mỹ, đặc trưng Mỹ, bản chất Mỹ. Mỹ là đẹp (âm Hán Việt, nghĩa của từ Hán đã khẳng định như thế)
Trườc khi xe vào khu vực đồng quê, trên xa lộ tôi thấy những bảng đèn dùng để thông báo tin tức tình hình xa lộ: kẹt xe, tai nạn…. chẳng hạn). Trong mùa dịch người ta cho chạy những hàng chữ rất hay, vừa nghiêm túc vừa hài hước: “ Wash your hand, watch your speed”, đặc biệt có một câu mà ai thấy cũng phải phì cười và xem laị cách lái xe của mình:” Drive safety or we call your mom”, quả thật trên đường có không ít những tài xế ẩu, bất cẩn giành đường, lấn làn xe, hoặc thô lỗ như những đứa trẻ hư, cần phải gọi mẹ chúng đét đít cho vài roi! Người ta bảo người Mỹ thường rất nghiêm, ít đùa cợt chớt nhã như người Việt, chuyện gì cũng làm quan trọng hoá ( serious) nhưng xem ra người Mỹ cũng rất hài hước, dí dỏm và chơi chữ cũng là một tay sành điệu.
Thác nước Amicalalo, vùng đồng quê Japer, con sông Chatahoochee, Chatanooga, Cherokee… những địa danh của người Da Đỏ xa xưa. Họ là chủ nhân của những vùng đất này và cả Bắc Mỹ, thời gian biến thiên, thế sự vô thường, dòng đời thăng trầm trôi chảy không ngừng. Người da trắng đến đây khai phá và cũng đã tiêu diệt rất nhiều những bộ lạc Da Đỏ. Người da trắng đã lập nên xứ sở Cờ Hoa, giương cao ngọn cờ tự do và cổ vũ cho tự do trên toàn thế giới. Xứ sở Cờ Hoa đã cưu mang và dang tay tiếp nhận hàng chục triệu người khắp thế gian này. Họ là những nạn nhân của chiến tranh, đói nghèo, bất công xã hội, kỳ thị chủng tộc, kỳ thị tôn giáo, phân biệt chính trị, giới tính…có vô số những người vốn không có vấn đề gì nhưng vẫn tìm đến đây để thực hiện giấc mơ Mỹ, thậm chí có rất nhiều người giàu có, con cháu viên chức cấp cao của những nước khác cũng tìm đến Mỹ… điều ấy cho thấy sức hút đầy hấp dẫn của xứ sở này! Người Việt đến đây cũng tròm trèm bốn mươi lăm năm ( tuy kẻ trước người sau), phần nhiều cuộc sống đều yên ổn, ấn no, cũng có một số thành công lớn nhưng cũng có một số vẫn nghèo ( quả là cái phước kém quá, dù đến Mỹ nhưng vẫn nghèo, nghèo rớt mồng tơi, thậm chí phải sống không nhà). Người Việt ở xứ sở này, nhận đây làm quê hương thứ hai của mình, ít có ai muốn hồi về cố quốc nhưng lòng vẫn hoài cố quận. Quê hương là thế, chỉ có thể rứt con người ra khỏi quê hương chứ không thể rứt quê hương ra khỏi tâm con người. Quê hương thứ hai này cũng thế mà thôi! Làm sao xa rời được ( xa rồi lấy gì mà ăn), xa rồi thì nhớ những đồng quê mênh mông bất tận chân trời kia chịu sao nổi, một mai xa thì nhớ ánh đèn màu của
Ngày lễ chiến sĩ trận vong, về với thiên nhiên, tắm ở nguồn cội của ngọn thác Amicalalo mà tâm hồn như gột bỏ bao nhiêu phiền muộn, thư thái nhẹ nhõm cả tâm thần. Không khí trong lành thơm mùi hoa cỏ daị của đồng quê mà mình dường như cảm nhận “ Tịnh Độ: ở quanh đây.
.
Discussion about this post