Buddha Bar, vốn là một thương hiệu có nguồn gốc từ Pháp[1], phát triển thành một hệ thống và có mặt ở nhiều quốc gia. Để ý thì chúng ta thấy thương hiệu này tồn tại ở những quốc gia mà tôn giáo chính thống không phải là Phật giáo. Điều đó có thể thấy được từ phản ứng chống đối rất mãnh liệt và dứt khoát của tín đồ Phật giáo ở Jakatar, Indonesia,[2] ngay từ những năm đầu thập niên 2000, khác hẳn với những quốc gia khác trên thế giới có Buddha Bar hoạt động mà vẫn tồn tại đến bây giờ. Song, nói thế cũng chưa chính xác, bởi ngay cả ở Nga, thương hiệu Buddha Bar trong chuỗi thương hiệu toàn cầu từng bị văn phòng công tố Krasnoyarsk, Russia phạt vạ.[3] Rồi nó cũng từng gặp rắc rối lớn ở Tribeca, New York, Hoa Kỳ[4]. Riêng ngay tại đất Phật, Ấn Độ thì sao?
Đây sẽ là điểm mấu chốt để chúng ta nhìn sâu vấn đề. Từ những trải nghiệm đã có như ở Jakatar, Indonesia, là điển hình, nhóm sở hữu hệ thống thương hiệu đã biết uyển chuyển, lùi lại “nhằm tránh làm tổn thương đến bất kỳ cảm xúc nào” (We do not want to hurt any feelings, so we backed off), theo như lời vị phó giám đốc của tập đoàn George V Eatertainment, Franck Fortet, khi trả lời báo The Economic Times, 2016. Kết quả tại Ấn Độ, cũng cùng hệ thống Buddha Bar như các quốc gia khác, nhưng Buddha Bar ở Delhi, Ấn Độ đã được thay tên là B-Bar.[5]
Như vậy, vấn đề “Buddha Bar” đang gây tranh cãi không chỉ mới đây[6] và riêng ở Việt Nam, khi mà qua sự kiện phát hiện ổ dịch bịnh Covid19 đã tạo thêm một làn sóng phụ. Phụ mà chính, chính mà phụ. Đó là cho dù Buddha Bar, Thảo Điền tại Việt Nam không dính dấp trong hệ thống của Buddha Bar có gốc gác từ Pháp, và hoạt động kinh doanh bên trong có vẽ khác xa, nhưng hiển nhiên thương hiệu “Buddha” cũng vấp phải những phản ứng tương tự như Jakatar, Indonesia, hay có thể sẽ là hơn thế nữa mà ở đây không cần phải phân tích sâu sa nguyên nhân của nó, vì có lẽ ai đang quan tâm cũng đủ kiến thức và ý thức. Vấn đề còn lại là mọi giới chức liên hệ, sẽ xử lý như thế nào và riêng cộng đồng tín ngưỡng Phật giáo, chúng ta ứng xử như thế nào trên nền tảng giáo lý của những người tỉnh giác. Tất nhiên là không bạo động ngay cả khi chúng ta đang dùng ngôn ngữ để bày tỏ thái độ bất bình.
Hầu hết những thanh niên đến đây, mang theo nỗi lòng trắc ẩn của họ về đời sống để cần có lời khuyên nhủ, và đối với những khách hàng như vậy điều họ mong muốn nhận được lời khuyên ngay thẳng giúp tinh thần của họ được nâng lên, quán bar Phật giáo là một nơi luôn có một đôi tai thông cảm – cả đêm dài.
Vậy thì vấn đề nằm ở chỗ nào, ở một nơi người ta không thể chấp nhận “Phật đi đôi với rượu và thức ăn mặn”, nhưng rõ ràng ở một nơi khác thì vẫn có thể. Và thực tế trên thế giới hiện nay, hình thức kinh doanh thương hiệu Buddha hoặc những gì tương tự như thế có rất nhiều, như nhà hàng Buddkan ở New York, Philadelphia và Atlanta, Hoa Kỳ. Thậm chí có một thương hiệu khác vừa nghe có vẻ báng bổ như Bull and Buddha, đến nỗi trên tờ Bangkok Post, nhà báo Patcharawalai Sanyanusin đã lên tiếng trong bài báo tựa “Show some respect for our Lord Buddha!” Nhưng ở một góc cạnh khác, thương hiệu cho ta liên tưởng đến bài học “Phật dạy chăn trâu”(?). Những hình thái kinh doanh nhà hàng, khách sạn mà chưa cần nói đến lãnh vực khác đi liền ý tưởng và hình tưởng Phật Giáo nói chung và Đức Phật nói riêng như vậy ngày nay không chỉ thu nhỏ trong phạm trù thuần văn hóa kinh điển truyền thống Phật giáo mà trộn lẫn với nhiều yếu tố phong thổ, tín ngưỡng, văn hóa khác không chỉ vùng Đông Nam Á mà lan rộng ở Tây Phương, biểu tượng Phật được sử dụng đại trà có lẽ do nhận thức phổ quát “Phật giáo không phải là một tôn giáo mà là một triết lý, nghệ thuật sống”. Nhưng rồi phải công nhận rằng, tất cả các nền văn minh lâu đời nào cũng trải qua những thử thách, để qua đó chứng minh giá trị tồn tại, biến dạng hay là hủy diệt.
Sự kiệt quệ của một dân tộc như vậy không phải là mặt bằng đất đai hoặc chỉ số mất còn bao nhiêu dự án kinh doanh tầm cỡ hay thương hiệu lớn nhỏ v.v… mà là nền tảng văn hóa, trong đó thông qua văn hóa kinh doanh. Nói một cách khác, một lúc mà có những kẻ bất chấp làm ăn trục lợi mà không còn biết gì nữa thì ở một tầm vĩ mô khác, việc mãi quốc cầu vinh là có thể, và có thật.
Duy, nhờ vào quá trình tu tập bản thân, dù ở nơi nào, Phật tử tất sẽ không khó khăn gì để nhận thấy đâu là hình thái thanh tịnh của quốc độ Phật.
Mặc Cốc, 26 tháng Ba, 2020
Uyên Nguyên
______________________________________
Discussion about this post