NGHĨ VỀ NGUỒN CƠN CỦA BẠO LỰC VÀ CÁI ÁC
Lướt qua tin tức báo chí hàng ngày, hẳn chúng ta dễ thấy tin tức về trộm cắp, cướp bóc, bạo lực, giết chóc. Một phần không nhỏ trong đó là những thảm kịch của gia đình, dòng họ, hàng xóm láng giềng.
Chúng ta, hơn bao giờ hết, đứng trước hiểm họa cái ác. Điều đó đặt ra câu hỏi: Nguyên nhân của bạo lực là gì?
Sử dụng bạo lực như phương cách duy nhất giải quyết mọi vấn đề là thói quen của thời mông muội. Ta cần nhìn nhận tình trạng bạo lực ấy là do sự thiếu vắng lòng nhân hay giáo dục lòng nhân trong nhà trường, cũng như sự thể hiện lòng nhân ấy trong xã hội ngày nay. Một khi mầm yêu thương con người vắng mặt trong khu vườn thơ ấu, những hoa cỏ dại của hận thù sẽ sinh sôi nảy nở”.1
Một luận điểm khác cho rằng hành vi ác xuất hiện là bởi ảnh hưởng của “Trò chơi điện tử bạo lực”.
Đây là đề tài nóng bỏng trong nghiên cứu tâm lý. Dựa theo Mô thức hành vi tấn công tổng thể (General Agrression Model- GAM), giáo sư Craig. A. Anderson cho rằng trò chơi điện tử bạo lực có liên quan đến gia tăng hành vi tấn công. Nhưng một số kết quả nghiên cứu công bố ở Trung tâm Sức khỏe Tâm thần thuộc Trường Y Viện Đại học Harvard hay The British Medical Journal cho thấy không có những liên hệ rõ ràng giữa việc chơi trò chơi điện tử với hành động bạo lực.
Dựa trên việc phân tích nhiều kết quả nghiên cứu khác nhau, giáo sư John L. Sherry thuộc Michigan State University cũng cho rằng nhiều học giả đã quá nhấn mạnh đến sự nguy hiểm của trò chơi bạo lực điện tử mặc dù không đủ bằng chứng thuyết phục. Tuy vậy họ cũng khuyến cáo nên hạn chế việc trẻ em tiếp xúc với trò chơi bạo lực điện tử và giải pháp của người phương Tây là phân loại trò chơi điện tử theo đối tượng.. ,2
Thế nhưng đối với người lớn, liệu trò chơi điện tử có tác động đến họ? Hay đối với những thế hệ chẳng biết trò chơi điện tử là gì, động cơ nào thúc đẩy họ hành động bạo lực? Cái gì khiến họ hận thù đến độ phải hạ sát người khác?
Nhiều năm trước, trong buổi tọa đàm về nguyên nhân tội phạm do một tờ báo lớn tổ chức, có người đã đưa ra nguyên nhân tội phạm như mặt trái kinh tế thị trường. Họ lập luận: “Kinh tế là yếu tố có tính chất nguồn cơn dẫn đến phạm tội trong giới trẻ, [.] những người không có khả năng nhưng có nhu cầu vật chất cao có thể dẫn đến hành vi phạm tội để thỏa mãn mình”.
Luận điểm này không trả lời được thực tế một số người giàu, có thế lực vẫn muốn vơ vét thông qua “lọi ích nhóm”. Rõ ràng họ có khả năng về tài chính để thỏa mãn, nhưng nhiều người vẫn “nhúng chàm”.
Tác giả Hà Thúc Hoan trong bài viết Suy nghĩ từ một vụ án đăng trên Tạp chí Văn hóa Phật giáo số 137 đã suy luận sâu sắc hơn: ”Vì chấp ngã mà chúng ta đã sống vị kỷ, chỉ biết có mình và gia đình mình, từ đó thường có thái độ dửng dưng hay vô cảm trước khổ đau của đồng bào, và lắm khi đối xử thô bạo, tàn ác với cỏ cây, cầm thú và con người”.3
Trong những năm vừa rồi, điều rõ nhất tôi cảm nhận được là chưa bao giờ cái xấu và tội ác nhan nhản như thế. Người vô cảm nhìn nó thản nhiên như là chuyện tất yếu. Lại có những người dùng cái ác và cái xấu để sinh tồn. Chúng ta cần nhận diện sự suy thoái này như thế nào và xây dựng lại từ đâu?
HÌNH DUNG CON ĐƯỜNG TIẾN ĐẾN MỘT XÃ HỘI HƯỚNG THIỆN
Đức Phật từ hơn 2.500 năm trước đã nêu cao chủ trương tu tập từ thân đến tâm đối với người đã xuất gia và cư sĩ, vì ngài quan niệm con người là chủ thể của mọi thay đổi.
Tăng thân hay đoàn thể chỉ có tác dụng tăng cường trọ lực chứ không quyết định thay cho khả năng tu chứng của từng người. Đức Phật dạy về Thất Bồ đề phần, trong đó chỉ riêng Tứ chánh cần và Bát chánh đạo là đã đủ để một cá nhân, nếu thực hành và tu tập, thay đổi bản thân triệt để.
Phật dạy chúng ta ”Tự thắp đuốc lên mà đi” nghĩa là tự mình thắp lý tưởng có chủ đích cao đẹp và tiến về phía đó. Ngoài ra, ta phải cùng sống cùng tiến với mọi người chung quanh và gieo nhân lành. Nhưng chúng ta có thể làm vậy bằng cách nào?
Câu trả lời là bằng Tứ chánh cần – tiếng Sanskrit gọi là Catvãri prahãnãni, là hành phẩm thứ hai trong bảy hành phẩm trợ đạo. Đây là bốn phương tiện siêng năng tinh cần trong nỗ lực hằng ngày. Dùng bốn pháp này trong việc siêng năng tinh tấn (cần), ta có thể đoạn trừ cái ác cùng mọi sự giải đãi biếng nhác của chúng ta trong việc hành thiện. Theo kinh Trung A-hàm, Đức Phật dạy cho người đệ tử thân cận của mình rằng:
“A-nan, trước kia Ta đã nói cho ông nghe về bốn chánh đoạn, Tỳ kheo đối với pháp ác bất thiện đã sanh, vì để đoạn trừ chúng nên khởi ước muốn, nỗ lực hành, tinh cần, dốc hết tâm, đoạn trừ. Đối với các pháp ác bất thiện chưa sanh, vì để chúng không phát sanh nên khởi ước muốn, nỗ lực hành, tinh cần, dốc hết tâm, đoạn trừ. Đối với các pháp thiện chưa sanh, vì để cho phát sanh nên khởi ước muốn, nỗ lực hành, tinh cần, dốc hết tâm, đoạn trừ. Đối với các pháp thiện đã sanh, vì để chúng kiên trụ, không bị quên lãng, không bị thoái hóa, được bồi bổ tăng tiến, được phát triển rộng rãi, được viên mãn cụ túc, nên khởi ước muốn, nỗ lực hành, tinh cần, dốc hết tâm, đoạn trừ. A-nan, bốn chánh đoạn này, ông hãy nói để dạy cho các Tỳ kheo niên thiếu”.
Ở đây, Đức Phật đứng trên lập trường nhân quả “Chỉ ác hành thiện” mà Ngài dạy cho chúng đệ tử của mình phương pháp nỗ lực siêng năng tinh tấn đoạn trừ. Tứ chánh cần là chế ngự các căn, xa lánh ác kiến, an trú trong thiện pháp, gìn giữ giới hạnh.
Tứ chánh cần thật ra là “chánh tinh tấn” trong Bát chánh đạo. Con đường tu tập Bát chánh đạo cũng là con đường tu tập của ba mươi bảy phẩm trợ đạo.
Ngoài ra, chúng ta sống trong, sống cùng, sống với một cộng đồng, nghĩa là việc trau dồi bản thân vẫn chưa đủ, ta phải biết ứng xử với tha nhân trong mối quan hệ tương dung, tương tức.
Đức Đạt Lai Lạt Ma từng thuyết giảng rằng: “Chúng ta đứng đầu trong xã hội sinh vật. Nếu không có tình bạn, không nụ cười, cuộc sống chúng ta trở nên thật đáng thương. Sự cô đơn trở nên khó có thể phá vỡ. Sự tương quan, tương duyên của con người như vậy là một quy luật tự nhiên, điều này nói lên rằng, tùy thuộc vào quy luật tự nhiên đó, chúng ta dựa vào nhau để sống”.5 Ngài muốn chúng ta, ngoài việc huân tập lòng từ bi, còn phải xóa bỏ kẻ thù bên trong. Đó chính là tham lam, sân hận và si mê. Một khi lòng từ bi và trái tim nhân hậu được duy trì đều đặn và miên mật, sẽ giúp chúng ta xác định được điều kiện thuận lợi phát khởi tình thương và giúp chúng ta vượt qua sân hận, hay những nghịch cảnh cản trở sự tu tập của mình.
Có lần chúng tôi đã trăn trở và viết: “Tế bào gia đình đang bị cái ác di căn gây tổn hại nghiêm trọng. Hơn lúc nào hết vai trò của giáo dục và xã hội phải được đề cao nhằm vực dậy những giá trị cội nguồn trong văn hóa Việt Nam: Hiếu thảo, tình nghĩa, trung thực, nhường nhịn, biết hy sinh, và quan trọng nhất, từ bi. Phải gieo lại vụ mùa đạo đức bằng những hạt giống mới. [.] Làm sao để thần thái người Việt Nam trở lại an nhiên nhu hòa như xưa, thời ta còn nghèo nhưng chứa chan tình người trong cuộc sống? Chỉ khi nào cả xã hội hiểu được tại sao cần phải thực hành thiện nghiệp và biết sợ hậu quả tai hại của việc làm ác, chừng đó từng người sẽ làm điều lành một cách tự nguyện tự giác. Cộng đồng nơi ta sống lúc đó sẽ ngập tràn an lạc. Cần gieo hạt từ tâm ngay hôm nay”.6
Thế nên con đường tiến đến một xã hội hướng thiện và hướng thượng rất gần nhưng cũng sẽ rất xa nếu chúng ta không khởi hành ngay hôm nay, vì ngày mai thì sẽ muộn!
Chú thích:
1. Nguyên Cẩn, Bạo lực từ đâu? VHPG số 61.
2. Rong Shao and Yunquiang Wang, The relation of Viloent video games to Adolescent Aggression…. Frontiers in Psychology, 21 /2/2019.
3. Hà Thúc Hoan, Suy nghĩ từ một vụ án, VHPG số 137.
4. Trung A Hàm, Hán tạng, kinh Thuyết Xứ 86.
5. Đạt Lai Lạt Ma, Sống từ bi yêu thương, bản dịch Thích Thiện Chánh, Nxb Hồng Đức, 2014.
6. Nguyên Cẩn, Gieo lại hạt từ tâm, www.giacngo.online
(Văn Hóa Phật Giáo 355)
Discussion about this post