TRẦM TƯ VỀ VŨ TRỤ
XUNG QUANH CHÚNG TA
Bài thuyết trình trong khoá An Cư Kiết Hạ tại chùa Bảo Quang của Ni sư Thích Nữ Giới Hương
Năm 2010 này, quý chư Tôn
đức vùng Santa Ana cùng Hòa Thượng Trù Trì Thích Quảng Thanh có tổ chức Khóa
Bảy Ngày An Cư Kiết Hạ thời gian từ ngày 19.07.2010 đến ngày 26.07.2010 tại Chùa
Bào Quang, Orange County, California. Trong chương trình an cư, mỗi buổi
chiều có tiết mục thảo
luận Phật Pháp. Con (TKN Giới Hương) được nằm trong danh sách thuyết trình đó với
đề tài «Trầm Tư về Vũ Trụ Xung Quanh
Chúng ta». Nay con xin phép được tường trình lại buổi pháp thoại đó.
Trước khi vào nội dung, thuyết trình
viên đã nêu lên mục đích của đạo Phật là quan tâm đến lợi ích thiết thực mang
hạnh phúc và sự giải thoát cho con người. Để tránh hí luận, Đức Phật thường ít
trả lời những câu hỏi về thế giới và vũ trụ quan bên ngoài như những câu hỏi
thế giới từ đâu sanh ra, sẽ đi về đâu, hữu biên hay vô biên, thường còn hay
không thường còn, vv. Xin kể một câu chuyện để minh họa.
Có một người bị mũi tên độc đâm bị thương.
Khi đến phòng mạch thay vì im lặng để bác sĩ cầm máu, băng bó vết thương thì
bịnh nhân lại cứ thắc mắc hỏi: «Thưa Bác sĩ mũi tên được sản xuất tại đâu vậy?
Ai bắn tôi vậy? Mũi tên làm bằng chất gì? Bề ngang và bề dài của mũi tên rộng
bao nhiêu? Mũi tên đã bay xa bao nhiêu mét rồi đâm vào da thịt tôi? Cũng thế,
thân người mỏng manh, mạng sống cạn dần, nên lo việc «sanh tử sự đại »
trước. Giữ giới, hành thiền và phát tuệ thì sẽ liễu tri nhiều việc bao gồm vũ
trụ quan và nhân sinh quan. Tuy nhiên cũng sẽ lợi ích nếu chúng ta tìm hiểu
biết được vũ trụ xung quanh chúng ta, đặc biệt với những khám phá của khoa học
gần đây. Việc trình bày của thuyết trình viên hôm nay hy vọng như một cái gì đó
khởi điểm cho những nghiên cứu sâu sắc hơn nếu chúng ta thấy tâm đắc với đề tài
này.
Thuyết trình viên trình bày ba vấn đề
như sau:
VẤN ĐỀ THỨ NHẤT về sự hình thành của
thế giới.
Theo quan điểm khoa học, cách đây rất
lâu có một dị điểm (singularity) vô
cùng nóng và đặc. Dị điểm bỗng nổ tung (sanh, trụ, dị, diệt) diệt để rồi tiếp
nối đầu mối sanh và biến đổi dần dần thành vũ trụ hiện nay. Khoa học gọi tiếng
nổ lớn tạo thành vũ trụ ấy là “Big Bang”[1]. Vì
vũ trụ luôn luôn nở rộng làm cho ánh sáng từ các ngôi sao chuyển sang phía đỏ,
và vì vũ trụ mới sinh ra từ một Big Bang cách đây khoảng 15 tỷ năm nên chưa đủ
thời gian để cho ánh sáng từ các thiên hà xa hơn nữa, nếu có, truyền tới mặt
đất. [2]
Khoa học gia
Harlow Shapley nói rằng: «Con người được làm từ những chất của ngôi sao và bị
chi phối bởi luật vũ trụ ». (Mankind is made of star-stuff, ruled by universal
laws).[3]
Chất ngôi sao này chúng ta có thể hiểu
theo tinh thần đạo Phật là đất nước gió lửa và bị chi phối bởi luật vũ trụ là
sanh trụ dị diệt. Quan
điểm Phật giáo cũng cho rằng thời gian vô thuỷ vô chung, không gian vô cùng và
thế giới vô tận như kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện đã minh họa:
“Ví như bao nhiêu cỏ, cây, lùm, rừng,
lúa, mè, tre, lau, đá, núi, bụi bặm trong cõi tam thiên đại thiên. Cứ một vật làm
một sông Hằng, rồi cứ số cát trong mỗi sông Hằng, một hột cát làm một cõi nước,
rồi trong một cõi nước cứ một hột bụi nhỏ làm một kiếp, rồi bao nhiêu số bụi nhỏ
chứa trong một kiếp đêu đem ra làm kiếp cả. Từ lúc ngài Địa Tạng Bồ Tát chứng
quả vị Bồ Tát Thập Địa đến nay, nghìn lâu hơn số kiếp tỷ dụ ở trên, huống là những
thửo Ngài Địa Tạng Bồ Tát còn ở bậc Thanh Văn và Bích Chi Phật”[4].
Hay trong kinh Lăng Nghiêm dạy Đức Phật
dạy về thế giới như sau:
Cái giác thì sáng suốt, cái hư không thì không hay biết, hai cái đối đãi
với nhau, thành có lay động, cho nên có phong luân nắm giữ thế giới. Nhân cái
hư không mà sinh ra có lay động, phát minh tính cứng thì thành có ngăn ngại;
các loài kim bảo đều do minh giác lập ra tánh cứng, cho nên có kim bảo nắm giữ
cõi nước. Biết cái cứng thì thành có kim bảo, rõ cái lay động, thì phong đại
phát ra: phong đại và kim bảo cọ xát nhau, cho nên có hoả đại làm tính biến
hoá. Ngọn lửa xông lên, kim bảo sinh ra tính ướt, cho nên có thủy luân trùm
khắp các cõi mười phương. Lửa bốc lên, nước sa xuống, giao nhau phát hiện, mà
lập thành tánh cứng: chỗ ướt là bể lớn, chỗ khô là gò nổi; do cái nghĩa ấy,
trong bể lớn kia, hơi nóng thường bốc lên; trong gò nổi kia, sông ngòi thường
chảy xuống. Thế nước kém thế lửa, thì kết thành núi cao, vậy nên đá núi, đập
thì có tia lửa, nấu thì chảy ra nước. Thế đất kém thế nước, rút ra thành cây
cỏ, vậy nên rừng rú bị đốt thì thành đất, vắt ra thì có nước.
Vọng tưởng giao xen phát sanh, xoay vần làm chủng tử cho nhau; do nhân
duyên ấy mà thế giới tiếp tục[5].
Khi nói thế giới hình thành và
tương tục là nói về mặt vật lý. Đức Phật có Phật tuệ nên ngài nhìn thấy
được, riêng chúng ta còn đeo nhục nhãn tức còn đeo kiếng đen nên không thấy các
pháp như thật được.
Bầu khí quyển chúng ta gọi là hư không nhưng thật ra là vòng không khí.
Vòng không khí bao quanh, trùm xung quanh quả đất của mình, giữ vững quả đất
lại. Nhân hư không mà sinh ra lay động, phát minh tính cứng, cho nên có kim bảo
nắm giữ cõi nước. Gió thổi có động. Tâm mình muốn đứng vững lại cho nên gọi là
kiên ngưng. Ngưng chướng ngại thì cảm quả báo có kim bảo, nghĩa là do kiên
ngưng mà nó thành chất cứng của mình, thành kim luân tức vòng bằng vàng tròn
bao quanh quả đất.
Tánh của kim luân thì kiên ngưng mà phong luân thì thổi và chuyển động.
Hai bên cọ xát tạo ra hỏa luân làm tánh biến hoá. Ngọn lửa xông lên đốt kim
luân sanh ra tánh ướt nên có thủy luân tràn đầy khắp pháp giới. Thế giới này có
gió rồi có kim si mê thành đất, rồi mới có lửa, nước, thế là đủ bốn thứ (đất,
nước, gió, lửa). Sau đó, mới biến hoá thành ra các cảnh giới, rồi cây cối, biến
thành ra các thứ sơn hà đại địa.
Đầu tiên là vòng gió, kim/ địa, lửa, nước. Vậy thế giới chúng ta ở từng
vòng từng vòng theo như văn kinh minh họa. Đây quả đất hình tròn, ở ngoài quả
đất có vòng không khí. Vòng đất rồi nước chảy ở trong, trong ruột quả đất là
lửa, khoan xuống thì có giếng nước. Nước có vòng nước nó chảy trong lòng đất. Bởi
vì lửa bốc lên, nước sa xuống, thế cho nên trong biển vẫn có lửa. Trong đá có
cả nước cả lửa (núi phun lửa, núi lửa). Chúng ta lấy đá đập vào nhau thì nó xẹt
ra lửa, còn mình nung đá thì nó thành nước. Gò là chỗ có đất nhiều, nước ít.
Chỗ ướt thế nước mạnh hơn thế đất sẽ tếch thành cái lá cành hoa, rừng cây ruộng
cỏ.
Cho nên cảnh cứ hiện lên, kết mê muội mãi thì hư không nối tiếp, kết ái
nhiễm, sân hận, ngu si mãi cho nên đất, nước, gió, lửa cứ nối tiếp. Hễ chúng ta
thèm ăn thì miệng chảy ra nước. Nghe một người thân đi xa thì con mắt chảy ra
nước, biết mình bắt được vàng hay trúng số thì toát mồ hôi. Hễ có lòng tham
muốn ái ân thì dễ dàng đưa đến sự mất chánh niệm.
Hiện tại cho chúng ta thấy lòng tham khởi ra nước. Hễ sân thì khởi ra lửa,
mê kết ám lại thì thành hình sắc, thành đất đá. Do những vọng tưởng giao xen
này làm chủng tử cho nhau nên đất, nước, gió, lửa nối tiếp. Như vậy đất, nước,
gió, lửa là nền tảng cấu thành thế giới. Đây là nói từ trong nghiệp báo của
chúng ta hiện lên các thứ, đều là những cái không hề có.
Trong tâm của chúng ta, nước là do ái mà hiện tướng. Nước là thứ đi xuống,
chảy xuống, chứ không bao giờ chảy lên. Hễ có sân, ghét, bực bội thì có lửa,
phực lửa bật ra, đang vừa có lửa vừa có nước ái chảy ra. Gió là do tâm động mà
tạo thành. Đất là do si ám kiên ngưng mà thấy ra chướng ngại, chỉ toàn là tâm
không chi khác. Thế rồi, cứ làm nhân lẫn nhau vì thế có quả báo có thân rồi lại
tạo ra các nghiệp. Đây là lý do có thế giới tiếp tục, tức có đất, nước, gió,
lửa tiếp tục[6].
Từ trên đến đây
Đức Phật nhắc đi nhắc lại, chỉ là nghiệp báo của chúng ta, hiện lên các thứ, chứ
thật ra chúng là những cái không hề có.
VẤN ĐỀ THỨ HAI thuyết trình viên
trình bày là sự tiên phong của Phật giáo trong khoa học.
Vào những thế kỷ trước công nguyên
khi mà khoa học kỹ thuật chưa phát triển, Đức Phật đã nhìn thấy trong mỗi giọt
nước có vô số vi vật. Ngài đã khuyên các chúng đệ tử xuất gia của ngài đều phải
có đãy lọc nước để lọc trước khi uống cũng như mỗi khi uống nước hãy nhớ niệm
chú vãng sanh để gieo hạt giống bồ đề vào các sinh vật này.
Phải trải qua hơn hai mươi mốt thế kỷ
sau, vào cuối thế kỷ 16 (năm 1595), các nhà khoa học mới phát minh kính hiển vi
(Meiji Techno MT4200) đầu tiên. Rồi
nhờ kính hiển vi ấy mới nhìn thấy được trong một giọt nước có vô số các vi sinh
vật mà mắt thường (nhục nhãn) không nhìn thấy được. Điều này cho thấy Phật giáo
đã tiến khá xa trước khoa học.
Ngoài việc nhìn thấy được những thế giới vô cùng nhỏ, từ buổi ban
sơ, Phật giáo còn thấy được những thế
giới vô cùng lớn trong vũ trụ bao la. Từ xa xưa vào những kỷ nguyên trước
Tây lịch khi mà khoa học chưa phát triển, Đức Phật Thích Ca đã tuyên bố trong kinh
A-di-đà rằng: “Từ đây qua phương Tây quá mười muôn ức cõi Phật, có thế giới tên
là Cực-lạc. Trong thế giới đó, có Đức Phật hiệu là A-di-đà hiện đang thuyết
pháp”[7].
Trong kinh Pháp Hoa, phẩm thứ Mười
Sáu “Như Lai Thọ Lượng” dạy rằng Đức Phật thành Phật nhẫn lại đây rất lâu vô
lượng trăm nghìn na do tha kiếp như sau:
“Này thiện nam tử! Thật Ta thành đạo
nhẫn lại đây, đã vô luợng vô biên trăm nghìn muôn ức na-do-tha kiếp. Ví như năm
trăm nghìn muôn ức na-do-tha a-tăng-kỳ cõi tam thiên, đại thiên, giả sử có
người nghiền làm vi trần qua phương đông, cách năm trăm nghìn muôn ức na-do-tha
a-tăng-kỳ cõi nước, bèn rơi một bụi trần, đi qua phía đông như thế cho đến hết
vi trần đó.
Các thiện nam tử! Ý ông nghĩ sao? Các
thế giới đó có thể suy gẫm so tính biết được số đó chăng?
Di Lặc Bồ tát thảy đều bạch Phật
rằng: ‘Thế Tôn! Các thế giới đó vô lượng vô biên, chẳng phải tính được, đếm
được, cũng chẳng phải tâm lực biết đến được. Tất cả Thanh Văn, Duyên Giác dùng
trí vô lậu, chẳng có thể suy nghĩ biết được hạn số đó, chúng con trụ bậc bất
thối, ở trong việc này cũng chẳng thông đạt. Thế Tôn! Các thế giới như thế vô
lượng vô biên.”[8]
Ngoài ra, trong kinh Phật cũng có kể
một chuyện rằng tôn giả Mục Kiền Liên muốn dùng thần thông bay đo xem phạm âm
thuyết pháp của Đức Phật vang xa bao nhiêu? Tôn giả bay rất lâu đến một cõi
nước của Đức Phật Định Tự Tại Vương Như Lai. Ở cõi này, Đức Phật, Bồ tát, chư
hiền thánh và chúng sanh có thân tướng rất to lớn phi thường. Khi các Bồ tát thấy
có một con trùng nhỏ bò vào, định đưa tay ra phủi thì lúc đó Đức Phật Định Tự
Tại Vương bảo: “Đây là tôn giả Mục Kiền Liên – vị Đại đệ tử thượng thủ của Đức Thích Ca Như Lai đến đây để đo phạm âm
của sư phụ mình. Tôn giả rất có thần
thông và đạo hạnh, xin chớ coi thường. Hãy để tôn giả tự tại đến đi.” Khi tôn
giả Mục Kiền Liên bay về, đường rất xa như lạc lối, Đức Như Lai từ bi dùng hào
quang soi đường để chỉ hướng về.
Trong kinh Hoa Nghiêm, phẩm Nhập Pháp
Giới, nữ nhân Thích Ca Cù Ba giảng một pháp môn giải thoát cho Thiện Tài Đồng
Tử cũng mô tả về thế giới vô biên như sau:
“Này thiện nam tử! Ta quán thân của
Bồ Tát, nơi mỗi lỗ chân lông, mỗi niệm thấy vô lượng vô biên thế giới rộng lớn.
Những sự an trụ trang nghiêm, hiện trạng, những núi đất mang danh hiệu Phật
xuất thế; những đạo tràng, chúng hội, diễn thuyết, những khế kinh, những sự
quán đảnh, các thừa, những phương tiện và những thanh tịnh. Lại mỗi niệm nơi
mỗi lỗ chân lông của Bồ tát thường thấy vô biên Phật hải, những sự ngồi đạo
tràng, những thần biến, thuyết pháp, thuyết kinh hằng không gián đoạn. Lại nơi
mỗi lỗ chân lông của Bồ tát thấy vô biên chúng sanh hải, những trụ xứ, hình
mạo, tác nghiệp, căn lành…”
Trong Nhị Khóa Hiệp Giải, Đức Phật
dạy có vô số thế giới. Ngàn thế giới là một tiểu thiên thế giới. Ngàn tiểu
thiên thế giới là trung thiên thế giới. Ngàn trung thiên thế giới là đại thiên
thế giới. Một tiểu thiên thế giới có 1000 thế giới tức là một dãy ngân hà (galaxy) gồm cả triệu ngôi sao. Một trung
thiên thế giới có một triệu thế giới và một đại thiên thế giới có một tỷ thế
giới. Một tiểu thiên thế giới sống 16 triệu 8 trăm ngàn năm. Một trung thiên
thế giới sống 336 triệu năm và một đại thiên thế giới sống một tỷ 344 triệu năm[9]. Đây
là quan niệm về vũ trụ của Phật giáo từ hơn 2600 năm về trước.
Như vậy, ngoài trái đất nhỏ nhoi mà
chúng ta đang sống, theo lời Đức Phật đã dạy và khoa học đã chứng minh còn có ngàn
tỷ hằng hà sa số các thế giới khác nữa. Khoa học cho rằng một ngôi sao như là
một thế giới. Giáo sư Trần Chung Ngọc nói rằng:
“Một tiểu thiên thế giới có thể so
sánh với quan niệm hiện đại về một thiên hà (galaxy) gồm có cả triệu ngôi sao và những hành tinh có thể có những
sinh vật trên đó như giải ngân hà (Milky
way) hay M31, hay chòm sao (constellation)
Andromeda. Một trung thiên thế giới có thể so sánh với một chùm sao thiên hà (galastic cluster) thí dụ như chùm Coma
Berenices, và một Đại thiên thế giới có thể so sánh với siêu thiên hà (metagalaxy) ở trong Đại Vũng (Big Dipper) của tiểu Ursa (Minor Ursa) trong đó có ít ra là cả
triệu thiên hà.”[10]
Khoa học gia Terence Dickinson nói: “Chúng ta có thể thấy trên trời đầy các
ngôi sao là hàng xóm vũ trụ của chúng ta. Dãy ngân hà là một thế giới hình xoáy
tiêu biểu, như một chiếc đĩa khổng lồ rộng khoảng 9.000 năm ánh sáng, với một sự
phình ra nơi trục bánh xe khoảng 10.000 năm ánh sáng. Thái dương hệ của chúng
ta, cách điểm trung tâm khoảng 27.000 năm ánh sáng và ngân hà dày khoảng 25.000
năm ánh sáng.
Có một quần đảo với hơn 200 tỉ ngôi sao
nổi bồng bềnh trong không gian cách trái đất khoảng 15 triệu ánh sáng. Quần đảo
này được gọi là M83 kích thước tương đương rộng như dãy ngân hà”.
(What
we see as a sky full of stars is our cosmic neighborhood, a small corner of the
galaxy. Our Milky Way Galaxy is a typical spiral galaxy, an enormous disk about
90,000 light-years from edge to edge, with a bulge at the hub that is 10,000
light-years thick. In our region, 27,000 light-years out from the nucleas, the
galaxy is less than 2,000light year-thick.
An
island of more than 200 billion stars floats in the blackness of deep space 15
million light-year from the earth. This galaxy known only by its catalog number
M83, is roughly the same size and mass as our own Milky Way”[11].
Hay “Ngân hà M87 rộng khoảng 60 triệu
năm ánh sáng là một thế giới gần trái đất nhất”. (At 60 million light-years, M87 is the
nearest giant elliptical galaxy to Earth)[12].
Theo nghiên cứu về nguồn gốc cấu tạo
và tiến hóa của vũ trụ (năm 1920), các nhà khảo cứu vũ trụ cho là vũ trụ chỉ là
giải ngân hà (milky galaxy/way) mà
thái dương hệ (hệ thống mặt trời). Sau đó, kính thiên văn khám phá giải ngân hà
có tới hàng trăm tỷ ngôi sao (mỗi sao tương tự như mặt trời trong thái dương
hệ). Ngoài ngân hà, còn có cả triệu tỷ thiên hà rải rác khác. Mỗi thiên hà chứa
cả tỷ ngôi sao[13].
Các khoa học gia cũng khảo sát và
thấy rằng vũ trụ, thiên hà (galaxy)
di chuyển ngày mỗi xa trái đất, ngày càng mở rộng, như vậy nghĩa là vũ trụ
không cố định một chỗ. Nếu chất lượng ngôi sao càng nặng thì sống ngắn hơn chỉ
vài tỷ năm. Nếu sao nhẹ thì tuổi thọ dài hơn, có khi tới hàng ngàn tỷ năm. Điều này cũng phù hợp với lời Bồ tát Phổ Hiền
nói: “Có thế giới chỉ tồn tại trong một kiếp. Có thế giới tồn tại trong vô số
kiếp.”
Như vậy, thọ mạng của thế giới rất đa
dạng và thế giới chúng ta sống đây không phải là duy nhất và trung tâm của vũ
trụ.
VẤN ĐỀ THỨ BA trong buổi thuyết trình
là tướng trạng của các thế giới.
Trong khoa học nói rằng: “Vào đầu thập
niên 1920, các chuyên gia khảo cứu vũ trụ, qua những kính thiên văn tân kỳ,
khám phá ra rằng giải Ngân Hà (Milky Way),
trong đó có thể có tới cả trăm tỷ ngôi sao, mỗi ngôi tương tự như mặt trời
trong Thái Dương Hệ, thật ra chỉ là một ốc đảo, một Thiên Hà (galaxy), trong vũ trụ.
Ngoài giải Ngân Hà ra còn cả triệu, cả
tỷ Thiên Hà khác rải rác trong vũ trụ. Mỗi Thiên Hà đều chứa ít ra là cả tỷ
ngôi sao, tương tự như giải Ngân Hà. Trong vũ trụ, giải Ngân Hà có dạng của một
cái đĩa, rộng khoảng 100000 (một trăm ngàn) năm ánh sáng, và Thái Dương Hệ của
chúng ta ở cách tâm của giải Ngân Hà khoảng 30000 (ba mươi ngàn) năm ánh sáng.
Trong vũ trụ học, vì phải kể đến những khoảng cách vô cùng lớn nên người ta thường
dùng đơn vị đo chiều dài là 1 năm ánh sáng, hoặc đơn vị parsec bằng hơn ba năm
ánh sáng một chút (3.2616). Chúng ta đều biết, ánh sáng truyền trong không gian
với vận tốc khoảng 300000 cây số trong một giây đồng hồ. Chúng ta cũng biết một
phút có 60 giây, một giờ có 60 phút, một ngày có 24 giờ, và một năm có khoảng
365 ngày. Do đó, chúng ta có thể tính ra khoảng cách của một năm ánh sáng. Khoảng
cách này vào khoảng 9460800000000 (9 ngàn 4 trăm 60 tỷ 8 trăm triệu) cây số, hoặc
gần 6000000000000 (6 ngàn tỷ) miles”[14].
Khoa học gia Terence Dickinson nói: “Quang cảnh vũ trụ đan dệt vào nhau giống
như những sợi chỉ, đốm chấm đã tạo nên cấu trúc độc đáo trong vũ trụ. Hình ảnh
trên sơ đồ này cho thấy hàng triệu ngân hà được thấy từ trái đất và đó là chỉ
nhìn một nửa vòm trời mà thôi. Xa hơn nữa có thể thấy rải rác từng dãy ngân hà
được tụ lại thành nhóm với nhau và đan dệt nhau như những sợi dây tơ”.
(Woven
across the cosmic landscape like the threads in some vast define the ultimate
structure of the universe. This image is a plot of nearly a million individual
galaxies (as seen from earth) and represents about half of the entire sky. Far
from being scattered at random, galaxies are clustered, and the clusters
congregate in superclusters that from the filaments seen here)[15].
“Những ngôi sao được sáng tạo không bằng
nhau do sự thừa hưởng chất nebulas ít hay nhiều. Những ngôi sao thật nặng thì lớn
gấp 100 lần mặt trời, ngôi sao nhỏ nhất thì khoảng 8% của mặt trời. Quần thể
ngôi sao đã cho thấy sự sáng toả, chu vi, nhiệt độ và kích cỡ của từng ngôi sao”.
(All
stars are not created equal. They inherit different amount of material from the
nebulas in which they are born. Superheavyweight stars are 100 times the sun’s
mass; the minimum stellar mass is 8 percent of the sun’s mass. A star’s mass
dictates how bright it will be, how long it will be, its temperature and its
size)[16].
“Trung bình khoảng cách giữa các ngôi
sao trong hệ thống dãy ngân hà là cách nhau khoảng bảy năm ánh sáng. Trôi nổi
giữa bể không gian bồng bềnh đó là trái đất”. (The average distance between stars in
our sector of the Milky Way Galaxy is seven light-years. Adrift in this vast
ocean is Earth)[17].
Như vậy đơn vị đo diện tích rộng lớn
của các dãy thế giới rộng lớn này là ánh sáng trong một năm. Các dãy thế giới
này còn mang đậm nét đặc thù là tọa lạc nhiều vị trí và có nhiều hình thù đa
dạng sai khác như trên đã nói. Ngoài chu vi rộng lớn được tính bằng ánh sáng, thế
giới, ngân hà, thiên hà, trái đất và thái dương hệ, vv… mang rất nhiều hình
thù đa dạng sai khác như kinh Hoa Nghiêm[18] phẩm
“Thế Giới Thành Tựu”, Bồ tát Phổ Hiền bảo đại chúng:
“Này các thiện nam tử, thế giới hải
có nhiều hình tướng sai biệt, hoặc tròn, hoặc hình như nước xoáy, hoặc hình như
hoa, có vi trần số hình sai khác.”
Hay Phẩm “Hoa Tạng Bồ Tát”, Bồ Tát
Phổ Hiền giảng rằng: “Này các Phật tử, tất cả thế giới chủng đó, hình trạng đều
khác nhau hoặc hình núi tu di, hoặc hình sông, hoặc hình xoay chuyển, hoặc hình
nước xoáy, hoặc hình trục xe, hoặc hình hoa sen, có vi trần số hình trạng như
vậy.
Quan điểm mô tả tướng trạng vũ trụ của
Phật giáo đã xuất hiện từ lâu xa vào những kỷ nguyên trước Tây lịch và mãi hơn
21 thế sau, vào cuối thế kỷ 16, khoa học (Giardano
Bruno) mới bắt đầu đưa ra quan niệm về một vũ trụ bao la vô cùng vô tận.
Trong đó, ngoài thế giới của chúng ta còn có vô số các thế giới khác nhau với
vô số mạng sống (life-forms) khác
nhau.
So sánh với những hình trạng dáng mạo
của những chòm sao, dãy ngân hà, thiên hà do khoa học khám phá trong sách, báo
chí, tivi và slice show, chúng ta thấy Phật giáo đã mô tả thế giới giống như vậy.
Tóm lại, những khám phá gần đây của
khoa học rất phù hợp với quan niệm về nguồn gốc con người và vũ trụ trong Phật
giáo. Điều này chứng tỏ rằng những tư tưởng của Phật giáo đã đi trước khoa học
khá xa.
Khoa học gia Walt Wihitman cho rằng
chính khoa học đã vén bức màn bí mật của khoa học (…worlds
unthought of until the searching mind of science laid them open to mankind)[19]. Nhưng thật ra Đức Phật đã thấy điều này từ những năm trước
công nguyên.
Vâng đúng vậy, “Hãy giữ tâm của bạn vững
chắc và bình tĩnh trước cả tỷ vũ trụ bao la đầy ngạc nhiên này” (Let your soul stand cool and
composed before a million universes)[20].
VẤN ĐỀ THỨ TƯ được thuyết trình là hành
tinh của con người.
Với những hình ảnh màu gợi đầy tính
tìm hiểu hiếu kỳ trong sách khoa học cùng với những hình ảnh trong các slice
show do Zartha và nhà khoa học (Astronaut)
Sunita Williams và sưu tầm đã cho chúng
ta thấy trái đất nhỏ hơn mặt trời. Mặt trời nhỏ hơn thế giới Sirius. Sirius nhỏ hơn Polluv. Polluv nhỏ hơn Arturus. Arturus nhỏ hơn Rigel. Rigel nhỏ hơn Aldobasan. Aldobasan nhỏ hơn Antares. Trái đất nhỏ như một chấm cát, một điểm mực khi so với các
dãy ngân hà, thiên hà và các ngôi sao đó. Theo quan điểm thông thường của số
đông, trái đất rộng lớn với năm châu, bốn biển, rừng vàng, đất bạc mà so với
các thế giới khác còn nhỏ bé tí tẹo huống chi bản thân của chúng ta như nhà
khoa học Christian Huygens nói: “Nhìn vào tổng thể, vũ trụ thật là bao la trong khi trái đất chúng ta
đang sống thì không đáng kể chút nào”. (How vast those Orbs must be, and how inconsiderable
this Earth)[21].
Vũ trụ không đáng kể thì năm châu quá
nhỏ thì khi so sánh với năm châu thì năm châu quá nhỏ bé. Năm châu nhỏ nhít thì
nước Việt
Ấn Độ, Hoa Kỳ càng nhỏ nhít. So với ba nước đó thì tấm thân đất nước gió lửa
bèo bọt này của mình thật không đáng kể chút nào.
Thế nên, hiểu biết về vũ trụ quan giúp
cho chúng ta thấy rõ chân lý “vô ngã” (no-self)
của Phật giáo, thấy được thân tứ đại vô cùng nhỏ bé của mình. Điều này cũng
giúp cho chúng ta thấy được những tranh cải hơn thua, bạn giỏi hơn, vĩ đại hơn,
quyền lực hơn, độc đáo hơn, quan trọng hơn, to cao hơn, và vv…. đôi khi thật là
vô nghĩa. Hãy sống với sự tỉnh thức.
Đây là hành tinh xanh của chúng ta
Tất cả chúng ta chỉ là một điểm rất
bé tí rất không đáng kể trong một dấu chấm xanh nhỏ của trái đất này.
Chúng ta thật nhỏ nhen so với cái vô
cùng của vũ trụ này. Những khó khăn chướng ngại, những khác biệt của chúng ta
thật không đáng kể so với vũ trụ bao la. Hành tinh chúng ta đang sống thật là
mong manh. Hãy chăm sóc hành tinh này bởi vì nó là ngôi nhà duy nhất để xác
thân tứ đại này nương sống.
Sau khi thuyết trình viên kết thúc bài
giảng, chư tôn đức tăng ni đã góp ý như sau:
Hòa Thượng Thích Chơn Thành: Cám ơn Ni Sư Giới Hương đã thuyết trình và cho xem các slice
show chiếu giới thiệu về vũ trụ quan thật là vô giá. Hình ảnh của vũ trụ chiếu
rất đẹp, rất quý nhưng tâm của chúng ta còn đẹp hơn nữa nếu chúng ta biết phát
huy. Khi trước tôi cũng có nghiên cứu về điều khoa học đôi chút, nên tôi biết một
năm ánh sáng = 6 trillion miles (6.000.000.000.000 dặm) và những nghiên cứu gần
đây của khoa học cho thấy có nhiều thế giới đang có mặt đã giúp soi sáng thêm
những gì Chư Phật đã thấy. Thiên chúa thì nói thế giới do Chúa sáng tạo, Hindu
thì nói do đấng Phạm thiên, các tôn giáo khác thì cho có đại ngã, thần linh…
Phật giáo chủ trương vô ngã, vô pháp, không thật thể, sanh trụ dị diệt, vì thế
chúng ta không nên vướng vào các phiền não của ngã và pháp.
Hòa Thượng Hóa Chủ Thích Quảng Thanh: Thay mặt Chư Tôn đức, cám ơn Ni Sư Giới Hương đã
thuyết trình về vũ trụ quan cho thấy khoa học có nhiều ý phù hợp với kinh điển
và đã chiếu những hình ảnh rất quý giá. Ni sư đã bỏ nhiều thời gian trong việc
biên soạn các tài liệu và sưu tầm hình ảnh để giới thiệu. Đề tài này khiến chúng
ta tự hỏi không biết lúc trước chúng ta ở thế giới nào, luân hồi vào các thế giới
nào? Biết đâu chúng ta đã đi qua nhiều hành tinh xa xôi nào đó. Ta đã có mặt ở đâu
đó và bây giờ ngồi tại chánh điện chùa Bảo Quang để tu tập và phát nguyện sanh
về thế giới Phương tây của Đức Phật A Di Đà. Thế giới ấy là một trong vô số thế
giới bao la mà chúng ta vừa xem phim.
Ni Sư Như Bảo
cũng xin cảm ơn Giới Hương đã đưa quý chư Tôn đức và đại chúng đi du lịch khắp
năm châu, lên núi, xuống biển, đi ban ngày rồi đêm (phim chiếu năm châu sáng rỡ
lúc ban ngày và lộng lẫy lung linh ánh đèn lúc đêm khuya). Rồi đi lên sao hỏa,
mặt trăng, mặt trời và vòng quanh vũ trụ bao la. Tôi có cảm giác rất thích. Khi
nảy Giới Hương cũng có kể chuyện nhổ mũi tên độc. Hy vọng nếu còn thời gian,
xin Giới Hương giải thích thêm về cách thức nhổ mũi tên.
Thượng Tọa Tâm Thành góp ý: Hôm nay tại chùa Bảo Quang, tôi, Tâm Thành khi nghe Ni Sư Giới
Hương thuyết trình đề tài “Trầm Tư Về Vũ Trụ Xung Quanh Chúng Ta”, tôi xin bổ
sung vào hai câu chuyện để thấy rằng trong các kinh nêu ra rõ ràng có nhiều thế
giới xung quanh. Đặc biệt rãi rác trong các Bộ A Hàm, hay Trung Bộ Kinh, vân
vân…Thật ra, tôi không nhớ tên rõ của các tựa kinh này vì đọc đã lâu, nhưng xin
tóm lược lại như sau:
Câu chuyện thứ nhất là có những vị
trời thường vào đêm khoảng 12 giờ khuya đến 2 giờ sáng hay bay đến Tịnh Xá Kỳ
Hoàn để nghe Đức Phật thuyết pháp. Những vị trời này ánh sáng hào quang rạng rỡ
soi rõ cả khu vườn, có vị ánh sáng lớn hơn. Khi ngài A-nan thấy những ánh sáng đó,
ngài thường thưa hỏi Đức Phật đó là những vị trời nào, có duyên sự gì đến đây, ở
thế giới nào đến mà ánh sáng chói ngời như thế và đi có lâu không? Đức Thế Tôn
liền kể tên của các vị trời, tên thế giới và nhân duyên các vị đó muốn đến xin
Thế Tôn chỉ dạy pháp gì, vv… Đặc biệt khi Đức Phật trả lời cách đi và tốc độ
bay của các vị trời từ thế giới này đến thế giới khác thì ngài cho một ví dụ như
sau: Ví như một nhà đại lực sĩ duỗi cánh tay (ý nói rất nhanh) thì vị trời kia
từ thế giới đó biến mất và hiện ngay trước mặt Đức Như Laì. Nếu theo các kinh
so sánh thì ta có thể thấy thần thông của các vị trời bay nhanh hơn tốc độ anh
sáng (300,000 km/giây). Theo khoa học hiện đại ta cũng biết khoảng cách từ mặt
trời đến trái đất khoảng 149 triệu km (cây số) và thời gian ánh sáng mặt trời từ
trái đất là khoảng tám phút. Nếu so thần thông của một vị trời và tốc độ ánh sáng
ta thấy các vị trời này đi nhanh hơn.
Câu chuyện thứ hai xin nói về tuổi thọ
hay thọ mạng (thời gian sống lâu hay mau)
của các vị tiên so với con người ở trái đất. Kinh A-hàm kể như sau: Có một tiên nữ đang đi hái hoa buổi
trưa, bất chợt cô cảm thấy mệt và ngủ thiếp đi hơn hai giờ. Thần thức của vị tiên
nữ kia sanh vào nhà người giàu có ở thành Xá Vệ. Nàng là con gái của một trưởng
giả có nhan sắc và được gả cho một công tử. Sau khi hạ sanh được một đứa con
trai, cô bỗng nhớ lại kiếp trước của mình là một vị tiên nữ đang hái hoa và cô
phân vân không biết làm sao để lên lại cõi trời? Cô cần phải có đủ phước đức mới
được trở lại kiếp làm tiên nữ. Nghe nói tu Bát Quan Trai Giới sẽ có nhiều phước
đức nên cô ráng tu để trở về chốn cũ. Sau vài năm tu tập, cô cũng hạ sanh thêm
vài người con cho công tử và cô chết khoảng tuổi 26. Lúc đó, ai cũng thương tiếc
và ngạc nhiên vì cô rất xinh đẹp, tánh tình dễ thương, chuyên làm việc thiện mà
sao lại chết quá trẻ, nên đến hỏi Đức Thế Tôn. Đức Phật trả lời vì cô ta muốn về
chốn cũ có người chồng trên trời mới là chính. Sau khi cô tiên nữ nhập hồn trên
trời đi về cung điện, người chồng tiên hỏi tiên nữ: “Nàng nảy giờ đi đâu?” Tiên
nữ trả lời: “Hồi nảy giờ thiếp đã xuống trần gian. Thiếp được gả cho một công tử
tại thành Xá Vệ và đã hạ sinh ba người con cho người chồng dưới thế gian ấy”. Vị
phu quân trời mới nói: “Sao mà mau thế!’
Thế nên, khi nói đến thời gian hay thọ
mạng sự sống, ta có thể nói tùy theo thế giới mà có thời gian và tuổi thọ khác
nhau, không nhất thiết căn cứ vào hành tinh trên trái đất chúng ta đang ở.
Tôi cũng xin trả lời câu nói Đức Phật
ít trả lời những câu hỏi về thế giới và vũ trụ rằng thế gian này thường hay vô
thường, hữu biên hay vô biên vv… Lý do là tùy theo trường hợp mà Đức Phật trả
lời hay không. Ngài thường im lặng với những người không có tâm học hỏi để tu tập
mà cốt để hí luận. Còn các vị nào đã hiểu và có tâm cầu giác ngộ như các Bồ tát,
thì Đức phật sẽ mô tả thế giới này kia như kinh Hoa Nghiêm, Pháp hoa mô tả. Vì
những vị này đã nhổ được mũi tên độc và đã uống thuốc trừ độc, đã được giải thoát
có được thần thông nhìn suốt, bay đi tự tại thì thấy được các thế giới rồi.
Xin cám ơn quý vị đã lắng nghe.
Kính tường,
Thích Nữ Giới Hương
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- · Sách The Universe and Beyond (Terence
Dickinson, 4th edition, 2004) - · Các bài viết về Phật Giáo và Khoa Học
của Trần Chung Ngọc - · Slice show: Mars, Universe Special
English Astronomy 2 with the Blue Wonderful Planet and Blue Beauty of Astronaut
Sunita Williams.
[1] The
Universe and Beyond, Terence Dickison, 4th Edition, 2004, trang 86,
123, 135 ff; Con người và Vũ trụ, Trần Chung Ngọc, xem Buddhismtoday.com
[2] Câu chuyện
“Big Bang”, Trần Chung Ngọc, (xem Buddhismtoday.com)
[3] The
Universe and Beyond, trang 21.
[4] Kinh Địa
Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện, Dịch giả Hòa Thượng Thích Trí Tịnh, Nhà Xuất Bản Tôn Giáo,
2008, trang 19.
[5] Kinh Thủ Lăng Nghiêm, Cư Sĩ Tâm Minh dịch,
tr. 290-1.
[6] Luân Hồi
trong Lăng Kính Lăng Nghiêm, Thích Nữ Giới Hương, Nhà Xuất Bản Văn Hóa Sài Gòn,
2008, trang 64-5.
[7] Nghi Thức
Cầu Siêu, Kinh A-di-đà, trang 21-22, Number-one print, 2009.
[8] Kinh Pháp
Hoa, Hòa thượng Trí Tịnh dịch, Chùa Bảo Quang, 1997, trang 371-2.
[9] Trích
trong “Phật Giáo trong Thời đại Khoa Học”, Trần Chung Ngọc (xem web: buddhismtoday.com)
[10] Vài Nét
về Phật Giáo và Khoa Học, Trần Chung Ngọc (xem web: buddhismtoday.com)
[11] The
Universe and Beyond, trang 99.
[12] The
Universe and Beyond, trang 117.
[13] Câu
Chuyện “Big Bang” , Trần Chung Ngọc, (xem web: buddhismtoday,com)
[14] Câu
chuyện “Big Bang”, Trần Chung Ngọc, xem Buddhismtoday.com
[15] The
Universe and Beyond, trang 120.
[16] The
Universe and Beyond, trang 86.
[17] The
Universe and Beyond, trang 146.
[18] Kinh
Hoa Nghiêm, Thích Trí Tịnh dịch, Phật Học Viện Quốc Tế xuất bản.
[19] The
Universe and Beyond, trang 55.
[20] The
Universe and Beyond, trang 119.
[21] The
Universe and Beyond, trang 41.
Discussion about this post