TÌNH BẠN
HT.Thích Trí Quảng
Bên cạnh sự ảnh hưởng trực tiếp của
gia đình, trong cuộc sống chúng ta, mối tương giao với bạn bè cũng đóng vai trò
rất quan trọng cho sự thành bại của mình. Trong mối quen biết ngoài xã hội, hay
trong đoàn thể cùng sống chung, ta có nhiều loại bạn hữu; nhưng tìm được người
bạn tốt, chân thật hiểu được ta, để có thể chia sẻ tâm tư là điều khó, huống
chi là hỗ trợ ta vượt qua những khó khăn trong đời sống thì càng khó gấp bội
phần.
Thực tế cho thấy có những người mà hạnh phúc gia đình
bị tan vỡ chỉ vì bạn phản, hoặc làm ăn bị phá sản, cho đến bị tù tội, vì bạn
lừa, bạn hại. Trái lại, cũng có người ăn nên làm ra là nhờ bạn hết lòng giúp
đỡ, hợp tác chân tình. Vì vậy, gặp được người bạn tốt là điều khó mà chúng ta
đã có được, thì cần giữ gìn cho tình bằng hữu này càng tốt hơn, không để bị sứt
mẻ hay tiêu tan tình bạn tốt. Làm như vậy chính là nuôi dưỡng kết quả tốt đẹp
về bạn hữu đã được gieo trồng từ kiếp quá khứ mà đời này chúng ta mới được gặp
lại họ trong mối tương giao thân thiện như vậy.
Ảnh hưởng tốt đẹp của tình bạn được dân gian ví von
một cách sống động qua câu “Ăn cơm có canh, tu hành có bạn”. Cơm khô, thức ăn
khô dễ được nuốt trôi nhờ có bát canh; cũng như những điều khó khăn, những nỗi
oan ức xảy đến trong đời sống tu hành có thể được hóa giải nhẹ nhàng nhờ những
lời an ủi, sách tấn, giúp đỡ của huynh đệ pháp lữ cùng tiến tu theo lý tưởng
Phật Đà. Trong Quy sơn cảnh sách, Tổ cũng nhắc nhở về ảnh hưởng tích cực
của người bạn qua câu: “Gần gũi người lành như đi trong sương móc, tuy không
thấy ướt áo, mà dần dần thấm nhuần”. (Quy sơn cảnh sách giảng giải,
trang 103, HT.Thích Thanh Từ).
Một tục ngữ
khác cũng nói lên lực tác động tốt đẹp của bạn bè: “Học Thầy không tày học
bạn”. Nhờ phước duyên, được gần gũi người bạn tốt, họ là tấm gương sáng, có thể
chia sẻ những sở đắc về Phật pháp, giúp cho ta vững niềm tin hơn trên bước
đường phạm hạnh, tinh tấn hơn trên bước đường phụng sự Chánh pháp.
Trong Tăng
chi bộ III, phẩm Chư Thiên, phần Bạn hữu (VNCPHVN ấn hành, 1996, trang
322), Đức Phật đã dạy Tỳ kheo cần thân cận người bạn như sau:
điều khó cho Làm những
điều khó làm Kham nhẫn
những lời nói Thật khó
lòng kham nhẫn Nói lên bí
mật mình Che giấu
bí mật người Bất hạnh,
không từ bỏ Khánh tận,
không chê khinh Trong
những trường hợp trên Tìm được
người như vậy Với ai cần
bạn hữu Hãy gần
bạn như vậy.
Qua bài kệ trên, Đức Phật đã đưa ra mẫu người bạn
tốt, đó là: Biết san sẻ, giúp đỡ, nhẫn nhịn, sống chân thật, không nói những
điều riêng tư của người khác, không bỏ bạn khi bạn gặp việc không may, không
khinh khi bạn khi bạn sa cơ thất thế. Người có đủ những đức tánh tốt như vậy là
người bạn tốt mà ta nên kết làm bạn thân.
Theo tinh thần Pháp Hoa, tình bạn được định vị ở
mức độ siêu tuyệt thường gọi là “Linh sơn cốt nhục”. Nghĩa là các bạn đồng tu
tự cảm thông với nhau một cách sâu sắc, dù mới gặp lần đầu. Thậm chí mỗi người
một màu da khác nhau, ngôn ngữ khác nhau, xứ sở khác nhau, nhưng đồng hạnh,
đồng nguyện trên bước đường thể nghiệm pháp Phật, cho nên không cần phải nói
lời nào mà trong thâm tâm, họ đã thấy nhau rất thân quen như ruột thịt, hiểu
lòng nhau một cách sâu sắc và hỗ trợ cho nhau mọi Phật sự trong cuộc sống này,
cho đến tương thông một cách miên mật trong thế giới tâm linh mà người ngoài
cuộc không thể nào biết được. Tất cả mối tương giao tốt đẹp vô cùng như vậy kết
thành tình bạn trong hiện đời, là do phát xuất từ tình huynh đệ pháp lữ nhiều
đời đã gắn bó ở hội Linh Sơn của Đức Phật Thích Ca vậy.
Mong rằng
chúng ta có được nhiều người bạn thật tốt trên cuộc đời này như Đức Phật đã dạy
trong Tăng chi bộ, cho đến gặp được những pháp lữ Linh sơn cốt nhục làm thiện
tri thức để cùng nhau xây dựng Tịnh độ ở Ta bà.
Nguyệt San Giác Ngộ 184
Discussion about this post