TÌM HIỂU KINH BỘC LƯU
Tỳ Kheo Minh Điệp
“Như vầy tôi nghe.
Một thời Thế Tôn ở Sàvatthi (Xá-vệ), Jetavana (Thắng Lâm), tại vườn ông Anàthapindika (Cấp Cô Độc).
Rồi một vị Thiên, khi đêm đã gần tàn, với nhan sắc thù thắng chói sáng toàn vùng Jetavana, đi đến Thế Tôn. Sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi đứng một bên. Đứng một bên, vị Thiên ấy bạch Thế Tôn:
– Thưa Tôn giả, làm sao Ngài vượt khỏi bộc lưu?
– Này Hiền giả, không đứng lại, không bước tới, Ta vượt khỏi bộc lưu.
– Thưa Tôn giả, làm sao không đứng lại, không bước tới, Ngài vượt khỏi bộc lưu?
– Này Hiền giả, khi Ta đứng lại, thời Ta chìm xuống. Này Hiền giả, khi Ta bước tới, thời Ta trôi giạt; do vậy, này Hiền giả, không đứng lại, không bước tới, Ta vượt khỏi bộc lưu.
(Vị Thiên):
Từ lâu, tôi mới thấy.
Bà-la-môn tịch tịnh.
Không đứng, không bước tới,
Vượt chấp trước ở đời.
Vị Thiên ấy nói như vậy và bậc Đạo Sư chấp nhận. Vị Thiên ấy biết được: “Thế Tôn đã chấp nhận ta”. Vị ấy đảnh lễ Thế Tôn, thân phía hữu hướng về Ngài, rồi biến mất tại chỗ.”
II. TÁC GIẢ & TÁC PHẨM
1. Tác giả
Đức Thế Tôn xuất hiện trên cuộc đời như vầng ánh dương xua tan bóng đêm vô minh và đau khổ. Ngài sinh tại thành Ca-tỳ-la-vệ, phía bắc Ấn Độ. Cha Ngài là vua Tịnh-phạn, mẹ là hoàng hậu Ma-da. Ngài lập gia đình năm 16 tuổi với công chúa Gia-du-đà-la và sinh ra thái tử La-hầu-la. Vào năm 19 tuổi Ngài xuất tu hành. Sau 5 năm tầm đạo và 6 năm tu khổ hạnh, Ngài tìm ra con đường trung đạo và chứng đắc quả vị Toàn Giác năm 30 tuổi. Từ đó, trải dài suốt 49 năm Ngài đi khắp Ấn Độ để hoằng truyền chánh pháp. Đến năm 80 tuổi Ngài nhập Niết-bàn ở thành Câu-thi-na.
Gia tài pháp mà đức Phật để lại được kiết tập đầy đủ gồm Kinh tạng, Luật tạng và Luận tạng, gọi chung là Tam tạng Thánh điển.
2. Tác phẩm
Kinh điển nhà Phật được lưu truyền khắp nơi trên thế giới bởi đội ngũ Tăng-già hùng hậu. Mỗi quốc gia đều có sự dịch thuật theo ngôn ngữ và văn hóa riêng. Tại Việt Nam, kinh điển Đại thừa và Nguyên thủy gần như được dịch đầy đủ. Trong đó, 5 bộ kinh Nikaya do Hòa thượng Minh Châu phiên dịch đóng một vai trò rất quan trọng trong đời sống tu tập. 5 bộ kinh đó là Trường bộ, Trung bộ, Tiểu bộ, Tương Ưng bộ và Tăng Chi bộ.
Kinh Bộc Lưu được trích từ kinh Tương Ưng tập 1. Đây là bài kinh đầu tiên trong phẩm Thiên Có Kệ. Bài kinh này chỉ cho dòng thác đang chảy xiết mà đức Thế Tôn dụ cho sự chấp trước, dòng tâm thức trôi chảy từng sát-na sanh diệt và cách thoát ra khỏi chúng.
III. NỘI DUNG
1. Khái niệm đề kinh
Bộc âm Hán Việt nghĩa là thác nước, lưu nghĩa là dòng nước chảy. Nghĩa chung là thác nước chảy xiết.
Nghĩa ẩn dụ: dùng hình ảnh thác nước đang cuồn cuộn chảy để cho chúng ta có thể hình dung cuộc đời cũng có những dòng thác đổ vào chúng sanh rất khủng khiếp. Đó là dòng thác của cuộc đời. Dòng thác này xô đẩy chúng sanh tạo nghiệp sinh tử luân hồi không có lúc tạm dừng. Nếu không có phương pháp nhận thức và tu hành thì chúng ta sẽ không bao giờ giải thoát.
2. Dòng thác cuộc đời
a. Dòng thác dục vọng
Dục vọng là những điều ham muốn tùy theo vọng tưởng của mỗi người. Trên đời này có 5 món mà con người tham đắm nhiều nhất, đó là sắc, tài, danh, thực, thùy (ngũ dục). Con người vốn sinh ra từ dục nên ai cũng có bản chất hưởng thụ dục vọng. Khi con người ngày càng trưởng thành thì 5 món dục ngày càng tăng trưởng. Tùy theo nhân duyên và biệt nghiệp của từng người mà 5 món này biểu hiện nhiều hay ít khác nhau. Tuy nhiên, bản thân mỗi người đều có sự hiện diện đầy đủ của chúng.
Ngũ dục là 5 món không thể thiếu trong cuộc sống con người. Đối với người có nhận thức thì sử dụng chúng làm phương tiện sinh tồn, còn đối với những người thỏa mãn và lệ thuộc một cách quá mức thì chúng trở nên cực kỳ nguy hiểm. Cũng chính vì tiền tài, danh vọng, sắc đẹp, miếng ăn mà con người cấu xé lẫn nhau, sẵn sàng tạo nhiều ác nghiệp. Đây chính là lúc dòng thác dục vọng cuồn cuộn dâng trào trong tâm hồn và xô đẩy chúng sanh vào con đường sa đọa.
b. Dòng thác hành nghiệp
Nghiệp được định nghĩa là hành động có tác ý. Nghiệp được chia ra 3 phần: thân nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp, gọi tắt là Tam nghiệp.
Hành nghiệp có nghĩa là sự vận hành của nghiệp nơi thân, khẩu, ý. Sở dĩ gọi là hành nghiệp là bởi con người luôn luôn tạo nghiệp. Hành nghiệp đứng theo góc độ thời gian gồm có nghiệp trong quá khứ và nghiệp từ hiện tại.
Nghiệp trong quá khứ là những sự tạo tác đã qua. Thời gian này được tính từ giây phút hiện tại trải dài ngược lại đến vô lượng kiếp về sau. Có một điều chắc chắn rằng nghiệp từ quá khứ sẽ tạo ra quả báo ở hiện tại và tương lai. Kinh Pháp Cú, đức Phật dạy rằng:
Không trên trời giữa biển
Không lánh vào động núi
Không chỗ nào trên đời
Trốn được quả ác nghiệp.
Nghiệp từ hiện tại là sự tạo tác ngay trong giây phút này. Đây là sự kế thừa từ quá khứ và định hướng cho tương lai. Cuộc sống con người sẽ tùy theo đó mà chuyển biến theo chiều hướng ngày càng tốt hơn hoặc ngày càng xấu hơn.
Nói chung, dù là nghiệp trong quá khứ hay nghiệp từ hiện tại đều là dòng thác đưa con người vào đường tái sanh. Chỉ có những ai không tạo nghiệp ác, biết tạo nghiệp lành và tu tập theo những điều giác ngộ thì mới có thể chấm dứt con đường luân hồi mà thôi.
c. Dòng thác sanh, lão, bệnh, tử
Sanh, lão, bệnh, tử là một quy luật tất yếu không ai tránh khỏi dù là Thánh hay phàm. Tiến trình này đè nặng lên mỗi con người và mang đến đau khổ cho con người khủng khiếp nhất. Từ xưa đến nay có biết bao người chạy trốn cái già, cái bệnh, cái chết nhưng không bao giờ thoát khỏi luật vô thường này.
Phật giáo xây dựng giáo lý không mang đến cho con người sự bất tử mà chỉ khai mở trí tuệ để con người nhận thức được chúng. Rằng chúng ta không nên sợ hãi mà hãy đối diện với quy luật này. Hãy tận dụng giây phút còn sống để giúp ích cuộc đời. Tận dụng độ dài tuổi thọ để tu hành giác ngộ. Như vậy dù thân thể chúng ta có bị già, bệnh, chết chi phối nhưng tinh thần vẫn an nhiên tự tại. Đây là nhận thức giải thoát sanh tử vậy.
3. Nhận thức lời Phật dạy
a. Thế nào là “đứng lại” ?
– Về phương diện thời gian: Cuộc sống là một dòng sông trôi chảy không lúc nào ngừng nối tiếp từ quá khứ, hiện tại đến tương lai. Khi ta đứng lại tức là không còn theo dòng chảy, ngay trong hiện tại không để cho hồi ức về quá khứ trỗi dậy. Những ký ức về những tạo tác đã qua luôn mang đến sự hối hận, ăn năn và nuối tiếc. Đây chính là sự chìm đắm trong tâm thức khi để cho quá khứ sống dậy.
– Về phương diện tâm lý: người đứng lại mang biểu hiện của một lâm lý chấp nhận. Nghĩa là họ chấp nhận nghiệp của mình đã làm. Rằng tội lỗi là những điều không thể đổi thay, rằng bản chất mỗi người luôn luôn cố định. Xu hướng này sa vào sự cố chấp của tự ngã hoặc tự ti mặc cảm không thể hướng lên để tu tập và thay đổi những ác nghiệp. Từ thái độ chấp nhận nên con người vẫn giữ nguyên nghiệp cũ. Đây chính là sự chìm đắm trong chính ngã chấp của mình.
b. Thế nào là “bước tới” ?
Bước tới là sự hướng vọng về tương lai. Trôi theo vọng thức ở tương lai, con người thường mong cầu và mơ ước những điều tốt đẹp nhất cho mình. Đây là mộng ảo huyễn hóa không có thật. Nó chỉ khiến con người thêu dệt giấc mộng này đến giấc mộng khác, từ ý nghĩ này đến ý nghĩ khác, và xa rời hoàn toàn với thực tại. Khi rơi vào trạng thái như thế đó chính là sự trôi giạt trong tâm thức ngưỡng vọng về tương lai.
Người có biểu hiện bước tới cũng là người mang tinh thần sẵn sàng tạo thêm nghiệp báo. Từ một tội lỗi họ lấn tới tạo nhiều tội lỗi khác và trôi dạt mãi mãi trong ác nghiệp không bao giờ quay đầu lại nữa.
c. Thế nào là “không dừng lại, không bước tới”?
Đây là nhận thức của người giác ngộ. Người tỉnh thức không truy niệm về quá khứ vì biết chúng đã trôi qua, cùng không suy tầm về tương lai vì tương lai chưa đến. Chỉ có giây phút hiện tại ngay ở đây mới cần tư duy và tu tập. Khi chặn đứng quá khứ và tương lai, chúng ta sống trong từng giây từng phút không đắm trước và không hệ lụy gọi là hiện tại lạc trú.
Truy niệm quá khứ và suy tầm tương lai, đều là sự chấp trước ở đời. Cuộc sống dẫy đầy ngũ dục, hànhnghiệp và sanh, lão, bệnh, tử từ quá khứ đến tương lai luôn làm con người bị dính mắc vào những đắm say và hệ lụy. Buông bỏ được những chấp trước này con người sẽ không còn bị ràng buộc bởi bất kỳ một dòng thác nào của cuộc đời.
Chúng ta thấy rằng dục vọng, hành nghiệp và sanh, lão, bệnh, tử là dòng thác bên ngoài, bên trong ta còn có một dòng thác dữ dội hơn, đó là sự chấp trước. Do đó chúng ta phải có sự nhận thức đúng đắn về dòng tâm của mình và tu tập theo lộ trình giác ngộ để phá bỏ sự chấp trước về bản thân và các sự việc trên đời.
4. Nghệ thuật viết
Bài kinh được viết theo lời của chư vị Thánh Tăng trong các cuộc kiết tập kinh điển màđứng đầu trùng tụng kinh là Tôn giả A-nan. Đây là mô thức chung cho tất cả kinh điển Phật giáo. Chính vì lẽ đó mà phần đầu kinh bao giờ cũng có đoạn: “Tôi nghe như vầy…”
Kinh Bộc Lưu được trình bày theo thể thức vấn đáp trực tiếp: vị Thiên hỏi và đức Phật tùy theo đó mà giải đáp. Đức Thế Tôn không giải thích dong dài mà ngắn gọn, súctích để người nghe nhận ra ý nghĩa ngay lập tức. Lời dạy của đức Phật như xoáy sâu vào tâm hồn, làmđánh thức sự hiểu biết nơi mỗi con người. Đây là sự khai mở tâm giác ngộ cho chúng sanh.
Bài kinh này tuy không nói thẳng ra những điều trói buộc con người mà hầu như chỉ nói về bộc lưu (dòng thác nước). Thế nhưng người đọc, người nghe, người tiếp nhận có thể hiểu được trọn vẹn nghĩa ẩn dụ ở trong đó. Hình ảnh dòng thác nước ẩn dụ cho tất cả các điều tham đắm và chấp trước trên cuộc đời. Cùng lúc đó chúng ta cũng tiếp nhận được con đường tu hành là không sa vào hai cực đoan: “không đứng lại” và“không bước tới”. Như vậy, chúng ta sẽ vượt qua mọi sự trói buộc trong cuộc sống này và hướng đến đạo quả Niết-bàn.
V. TỔNG KẾT
Trong đêm dài vô minh, một giấc ngủ vùi sâu vào cuộc luân hồi làm cho chúng sanh không biết bao giờ tỉnh giấc. Nhờ giáo pháp của Phật-đà màánh sáng giác ngộ lan toả khắp muôn nơi và đánh thức giấc mộng của chúng sanh vạn loại. Nương theo ánh sáng giác ngộđó, chúng sanh sẽđược nhẹ nhành cất bước ra khỏi bến bờ sanh tử.
Cũng như tất cả các bài kinh khác, kinh Bộc Lưu là lời dạy bảo tận tình của đấng Từ Phụ Thế Tôn. Tuy không dạy trực tiếp cho ta nhưng những lời giải đáp của Ngài đã mở ra con đường cho chúng ta tu hành thoát khổ. Trên đời này, bản tính cố chấp luôn làm mê mờ căn tánh của chúng sanh. Nó làm con người xa rời nhau, thúc đẩy họ tạoác nghiệp và phải gánh chịu cho những quả báo của mình. Ngoài ra dục vọng và quy luật vô thường cũng từng bước xô đẩy con người vào sự huỷ diệt cũng được ẩn dụ trong kinh.
Học bài kinh này, chúng ta cần phải thức tỉnh tu hành, soi rọi lại tự tâm, dùng nghị lực và ý chí để hành trì tinh tấn giáo pháp nhà Phật. Có như vậy, mỗi hành giả mới có đủ khả năng vượt qua chính mình, chiến thắng bản chất khát ái, đập tan vỏ bọc cố chấp của bản ngã, tát cạn sông phiền não nhiễm ô, vững tay lái chiếc thuyền bát nhã vượt mọi dòng thác trên cuộc đời và thẳng tiến đến chân trời giải thoát.
Tỳ Kheo Minh Điệp (Đạo Phật Khất Sỹ)
Bài đọc thêm:
Vượt thoát bộc lưu (Thích Nguyên Hùng)
Discussion about this post