THƯƠNG CHÚNG SANH
NHƯ CON MỘT CỦA MÌNH
Thích Phụng Sơn
Hạnh phúc là điều tốt đẹp ai cũng muốn có. Trong Kinh Từ Bi, đức Phật dạy:
“Ai khôn ngoan muốn cầu hạnh phúc
Và ước mong sống với an lành
Phải tài năng, ngay thẳng, công minh
Nghe lời phải dịu dàng khiêm tốn.
Như mẹ hiền thương yêu con một
Dám hy sinh bảo vệ cho con
Với muôn loài ân cần không khác
Lòng ái từ như biển như non.”
(Kinh Từ Bi, H.T. Thích Thiện Châu dịch.)
Thiền sư Thích Nhất Hạnh dịch đoạn trên trong Kinh Thương Yêu:
“Như một bà mẹ đang đem thân mạng mình che chở cho đứa con duy nhất, chúng ta hãy đem lòng từ bi mà đối xử với tất cả mọi loài.” (1)
Đức Phật dạy muốn có hạnh phúc thì cần thực hành hạnh từ bi vì tình thương và hạnh phúc đi liền với nhau. Lúc có tình thương yêu rộng lớn thì lòng chúng ta có rất nhiều an vui không khác gì người mẹ thương yêu con mình với tình thương bao la và cảm nhận niềm hạnh phúc sâu xa kỳ diệu.
Chúng ta thường nghe nói thương yêu với tất cả tấm lòng hay với tất cả con tim của mình. Thương yêu không phải chỉ là cảm xúc được tâm cảm nhận, làm cho lòng mình thấy sung sướng, rộn ràng và hứng khởi, mà còn là những hoạt động của các dòng điện và các chất hóa học trong bộ não con người. Điều này đã được các nhà thần kinh học tìm hiểu qua cuộc nghiên cứu mức độ hạnh phúc lớn lao trong lòng người mẹ thương yêu con mình thuận chiều với những hoạt động gia tăng trong bộ não.
Tiến sĩ Diener, chuyên gia nghiên cứu hạnh phúc hàng đầu và là giáo sư danh dự môn tâm lý học thuộc viện đại học Illinois, Hoa Kỳ, định nghĩa hạnh phúc là chính mình cảm nhận niềm vui ưa thích, là niềm sung sướng hay lạc thọ, khi có:
– Sự hài lòng về cuộc sống.
– Sự hài lòng trong các lĩnh vực quan trọng (như công việc làm hay đời sống gia đình).
– Cảm xúc dễ chịu thường xuyên và
– Ít các cảm xúc khó chịu.
Giáo sư Diener nói rõ đó là bốn thành phần riêng biệt kết hợp thành hạnh phúc vững bền. Nói khác đi, đây là tính duyên hợp của hạnh phúc: Nếu các thành phần này tăng thì hạnh phúc tăng, nếu chúng giảm thì hạnh phúc giảm. Ông cũng là người đầu tiên chủ trương hạnh phúc do niềm vui ưa thích mang lại cùng mỗi người cảm nhận các cảm xúc tích cực nơi mình và mức độ hạnh phúc có thể đo được một cách cụ thể. (2)
Có các cảm xúc tích cực là điều cần thiết, nhất là trong thời gian dịch bệnh Covid-19 làm cho rất nhiều người lo âu, sợ hãi và buồn rầu. Chuyên gia thần kinh học Sanda Dolcos, thuộc viện đại học University of Illinois, nghiên cứu và thấy rõ:
– Những người có cái nhìn tích cực hay có cái nhìn tươi sáng về đời sống thì ít bị chứng bất an (rối loạn lo âu).
– Khi có các ý tưởng tích cực, vui tươi thì vỏ não ổ mắt trước trán (Orbito Frontal Cortex), xin viết gọn lại là vỏ ổ mắt, gia tăng hoạt động. (3)
Hình vỏ ổ mắt, phía trên hốc mắt (nơi vùng màu đen), ở ngay phía sau huyệt Ấn Đường. Hình từ internet, xin cám ơn tác giả.
Qua các cuộc nghiên cứu thần kinh học, giáo sư Edmund Rolls thấy rõ vỏ ổ mắt chính là cái nôi làm phát sinh các cảm giác sung sướng trong bộ não. Ông nhấn mạnh đến khía cạnh cảm xúc của lạc thọ và cho rằng giống như bất cứ một cảm xúc nào, sung sướng là một phản ứng, một sự đáp lại khi giác quan bị kích thích. Vỏ ổ mắt là một trong những vùng tiếp nhận và xử lý các tín hiệu từ các giác quan như tai hay mắt chuyển vào. Như vậy, khi tai, mũi, miệng và thân chuyển các âm thanh, mùi, vị và cảm giác xúc chạm vào bên trong não thì các tín hiệu này đi vào vùng não cảm giác rồi từ đó đi thẳng đến vỏ ổ mắt (còn thị giác thì có đi hơi khác). Ngay sau đó, các tín hiệu ấy chuyển đến các mạch thần kinh làm phát sinh lạc thọ hoặc mạch thần kinh làm phát sinh ham muốn. (4)
Tâm chúng ta nhận biết lạc thọ từ các hoạt động trong bộ não. Trong một cuộc nghiên cứu về nơi phát sinh niềm vui ưa thích, các chuyên gia thần kinh Rolls, Kringelbach và Araujo chụp hình các hoạt động trong não những người tham dự bằng máy quét từ chức năng (fMRI), loại máy chụp quét rất tinh tế có khả năng ghi nhận các vùng não trao đổi những tin tức cho nhau, họ thấy hoạt động của vỏ ổ mắt gia tăng hay giảm thiểu hoạt động theo mức độ lạc thọ mà con người cảm nhận từ ăn uống, lúc được thưởng tiền hoặc lúc nghe âm nhạc hay thưởng thức nghệ thuật. Như thế, mọi lạc thọ từ loại được cho là thấp nhất đến loại cao nhất đều có gốc rễ nơi vùng vỏ ổ mắt. (5)
Mẹ nhìn con có rất nhiều hạnh phúc
Chúng ta đều biết các bà mẹ thương con mình và cảm nhận nhiều cảm xúc tích cực làm phát sinh rất nhiều hạnh phúc từ tình mẫu tử. Để biết rõ mức độ tình thương cùng các cảm xúc tích cực phát sinh từ tình mẹ thương con, chuyên gia thần kinh học Nitschke và các đồng nghiệp thực hành cuộc nghiên cứu về hạnh phúc các bà mẹ sau khi sinh đứa con đầu tiên. (6)
Lúc ở trong máy chụp quét não, các bà mẹ nhìn những bức ảnh thuộc ba loại khác nhau:
– Ảnh trẻ sơ sinh con mình,
– Ảnh một trẻ sơ sinh xa lạ và
– Ảnh một người trưởng thành.
Vào lúc ấy, các chuyên gia nghiên cứu thấy rõ vỏ ổ mắt nơi các bà mẹ kích hoạt rất nhiều khi nhìn ảnh con mình và cùng lúc ấy họ cảm nhận có rất nhiều cảm xúc tích cực.
Kết quả nghiên cứu cho thấy các bà mẹ có:
• Tâm trạng tích cực gia tăng, họ cảm thấy vui hơn lúc nhìn ảnh con mình so với lúc nhìn ảnh trẻ sơ sinh lạ thuộc con người khác.
• Vỏ ổ mắt ở hai bên trước trán tăng kích hoạt, phần nhiều bên trái, lúc họ nhìn trẻ sơ sinh con mình so với trẻ sơ sinh lạ.
• Sự liên hệ tích cực (là cái này tăng thì cái kia tăng) giữa kích hoạt vỏ ổ mắt và mức độ cảm nhận niềm hạnh phúc: Lúc kích hoạt vỏ ổ mắt tăng thì mức độ cảm nhận hạnh phúc tăng và các bà mẹ nhìn ảnh con mình thấy trong lòng có rất nhiều các cảm xúc tích cực như Hạnh phúc, Ấm áp, Thương yêu, Có tình mẹ con và Hào hứng. (xin xem thêm chi tiết trong Phụ đính A)
Cuộc nghiên cứu trên đi đến kết luận:
– Chính do có được niềm hạnh phúc lớn lao cùng với năng lượng phát sinh từ các cảm xúc tích cực nói trên giúp người mẹ có khả năng chăm sóc con mình từ tốn, lâu dài và chu đáo.
– Điều quan trọng hơn nữa là trong sự gắn bó với con mình, qua sự kích hoạt vỏ ổ mắt nơi các bà mẹ, làm phát sinh lòng trân quý mối liên hệ mẹ con cùng niềm hạnh phúc từ tình mẫu tử nên các bà mẹ không bị lôi kéo chạy theo niềm ham muốn xem con như vật sở hữu của mình. Nếu điều này xảy ra thì liên hệ mẹ con sẽ bị tác động tiêu cực bởi lòng vị kỷ. Do đó, tình mẹ con có tính cách rất vị tha. (7)
Tình mẹ con có nhiều phẩm chất vị tha ấy làm cho lòng người rung cảm sâu xa nên tình mẹ được đề cao trong nhiều bài thơ hay bài nhạc như trong tác phẩm Lòng Mẹ của nhạc sĩ Y Vân:
“Lòng Mẹ bao la như biển Thái Bình rạt rào, Tình Mẹ tha thiết như giòng suối hiền ngọt ngào, Lời Mẹ êm ái như đồng lúa chiều rì rào. Tiếng ru bên thềm trăng tà soi bóng Mẹ yêu.” (xin xem toàn bài hát trong Phụ đính B)
Trí tuệ và Từ bi
Đạo Phật khuyến khích phát triển tình thương và những cảm xúc tích cực như cảm thông, thương yêu, tha thứ hay biết ơn trong mối tương quan giữa con người trong gia đình và ngoài xã hội để giúp gia tăng hạnh phúc trong cuộc sống. Ngoài ra, do tâm con người hay bị dính mắc vào các thứ mình ưa thích làm phát sinh ra những ham muốn, giận dữ hay mê mờ nên đạo Phật không dừng lại nơi sự biểu lộ các cảm xúc tích cực mang lại hạnh phúc cho con người mà còn hướng đến sự phát triển trí tuệ qua các chương trình tu tập. Như trong tình thương của người mẹ, dù rất bao la đối với con mình, nhưng do bị giới hạn nơi các hoạt động thần kinh trong bộ não dưới dạng các dòng điện và các chất hóa học thần kinh làm phát sinh lạc thọ như cuộc nghiên cứu trên cho thấy, nên chỉ có khả năng thương yêu con mình và không thương yêu được con người khác. Đó là phản ứng tự nhiên trong bộ não con người làm phát sinh sự gắn bó mẹ con. Tình mẹ thương con là quá tốt, là một tâm hành thiện, nhưng còn bị giới hạn bởi chướng ngại của nhận thức (sở tri chướng) nói trên làm phát sinh ngã chấp nên có thể dẫn đến khổ đau khi liên hệ mẹ con bị trở ngại, vốn khác với Tâm từ bi, hay Đại bi tâm, là lòng thương yêu rộng lớn đối với mọi người và mọi loài phát sinh từ cái thấy biết bằng trí tuệ hay Đại trí. Do đó, đức Phật dạy chúng ta mở rộng tình thương đến mọi người và mọi loài.
Đạo Phật được ví như chim đại bàng bay trên trời cao với đôi cánh rộng lớn là Đại trí và Đại bi. Bồ tát Đại Huệ, trong Kinh Lăng Già Tâm Ấn, đã đọc bài kệ ca ngợi sự giác ngộ của đức Phật cùng diễn tả cốt tủy của đạo Phật là Trí tuệ và Từ bi và chính qua đó mà Phật tánh, là tánh giác vô sinh bất diệt có nơi mọi người, biểu lộ :
“Thế gian lìa sanh diệt
Ví như hoa hư không,
Trí chẳng thấy có, không
Mà khởi tâm đại bi.
Tất cả pháp như huyễ
Xa lìa nơi tâm thức,
Trí chẳng thấy có, không
Mà khởi tâm đại bi.
Xa lìa chấp đoạn thường
Thế gian hằng như mộng,
Trí chẳng thấy có, không
Mà khởi tâm đại bi.
Biết nhân pháp vô ngã
Phiền não và sở tri
Thường thanh tịnh không tướng
Mà khởi tâm đại bi. “ (8)
Bồ tát Đại Huệ đề cao cái thấy biết bằng trí tuệ siêu vượt hay Đại trí. Khi thấy biết các hiện tượng bằng trí tuệ siêu vượt lên tâm phân biệt – là tâm làm phát sinh cái thấy biết đối nghịch như ưa-ghét, thân-thù hay còn-mất rồi dính mắc vào chúng làm cho chao đảo và khổ đau – thì thấu suốt các hiện tượng đều do duyên hợp mà thành, không chấp chặc vào chúng mà nói chúng “có” hoặc nhắm mắt khước từ mà nói chúng là “không” có. (Ví dụ như lúc người mẹ thương con thì con làm gì cũng thấy vui hay không giận. Ngược lại, cũng người mẹ ấy lúc khởi lên lòng ghét con, do con không làm theo ý mình muốn, thì con mình làm điều gì cũng cảm thấy bực bội làm cho mình khổ đau).
Do đó, bồ tát Đại Huệ nói không để tâm dính mắc vào các cảm xúc làm phát sinh sướng khổ là lìa sinh và diệt, do thấu suốt các hiện tượng tuy có mặt nhưng chuyển biến không ngừng trong tiến trình duyên hợp, chẳng khác gì hoa đốm trong mắt. Sự thấy biết chân thật của trí tuệ siêu vượt thấu suốt tánh như thị, hay tánh không của các hiện tượng, nên tâm tự trở về cội nguồn uyên nguyên và ngay lúc ấy lòng từ bi rộng lớn bừng dậy.
Khi thấy biết các hiện tượng bằng trí tuệ siêu vượt thì thấu suốt chúng do duyên hợp mà thành, chúng xuất hiện rồi biến đi như trong chiêm bao, không thể nói chúng có mặt mãi mãi (thường kiến) hay bị tiêu mất (đoạn kiến). Do đó, không thể nói chúng “có” hoặc “không”, vì cả hai sự diễn tả đối nghịch này đều không đúng. Sự thấy biết chân thật của trí tuệ siêu vượt đưa tâm trở về cội nguồn nên lòng từ bi rộng lớn bừng lên.
Bồ tát Đại Huệ cũng nói rõ lúc thấy biết các hiện tượng bằng trí tuệ siêu vượt thì thấu suốt chủ thể nhận thức (nhân) và đối tượng được nhận thức (pháp) vốn do duyên hợp mà có và cả hai đều không tự chúng mà có, vốn là vô ngã và rỗng không. Do trí tuệ siêu vượt thấu suốt tánh không của các hiện tượng nên thấy rõ các khổ đau và những sự thấy biết sai lầm gây chướng ngại làm phát sinh khổ đau vốn rỗng không, trong sạch và vắng lặng. Sự thấy biết chân thật của trí tuệ siêu vượt đưa tâm trở về cội nguồn nên lòng từ bi rộng lớn bừng lên.
Trong phần kết bài kệ, Ngài nhắc nhở từ cái thấy biết ấy mà trải nghiệm thể tánh vắng lặng của tâm giác ngộ, tự tại ngoài vòng sanh diệt nên được thanh tịnh ngay đời này và đời sau:
“Quán Mâu-ni tịch tĩnh
Thế là xa lìa sanh
Ấy gọi là chẳng thủ
Đời này đời sau tịnh.”
Tài liệu tham khảo
1. Kinh Từ Bi. Thư Viện Hoa Sen.
2. Diener, E. (2000). Subjective well-being. The science of happiness and a proposal for a national index. American Psychologist, 55, 34–43.
3. Dolcos, S. et al. (2016). Optimism and the Brain: Trait Optimism Mediates the Protective Role of the Orbitofrontal Cortex Gray Matter Volume against Anxiety. Social, Cognitive and Affective Neuroscience 11(2):263-71.
4. Rolls ET (2005). Emotion explained. Oxford: Oxford University Press, p. 296.
5. Rolls ET, Kringelbach ML, de Araujo IE (2003) Different representations of pleasant and unpleasant odours in the human brain. Eur J Neurosci 18:695–703.
6. Nitschke, J. B., Nelson, E. E., Rusch, B. D., Fox, A. S., Oakes, T. R., & Davidson, R. J. (2004). Orbitofrontal cortex tracks positive mood in mothers viewing pictures of their newborn infants. NeuroImage 21(2), 583–92.
7. Như trên.
8. Kinh Lăng Già Tâm Ấn. HT. Thích Thanh Từ dịch.
9. Rolls ET, Kringelbach ML, de Araujo IE (2003) Different representations of pleasant and unpleasant odours in the human brain. Eur J Neurosci 18:695–703
10.Rolls, T. E., Grabenhorst, F. and Parris, A. B. (2008). Warm pleasant feelings in the brain. Neuroimage 18;41(4):1504-13.
11. Nitschke, J. B., Nelson, E. E., Rusch, B. D., Fox, A. S., Oakes, T. R., & Davidson, R. J. (2004). Tài liệu đã viện dẫn.
Phụ dính A
Cách chuyên gia thần kinh học trong cuộc nghiên cứu này đã đo hoạt động vỏ ổ mắt trước trán qua ba bước cụ thể như sau:
Bước 1. Đo hoạt động vỏ ổ mắt lúc não nghỉ ngơi, là lúc các bà mẹ chưa nhìn các em bé sơ sanh. (Màu xám)
Bước 2. Các bà mẹ nhìn hình em bé lạ. (màu đỏ)
Bước 3. Các bà mẹ nhìn hình em bé con mình. (màu vàng nhạt)
Hạnh phúc Ấm áp Thương yêu Có tình mẹ Hào hứng
Mức độ đánh giá nói trên các cảm xúc tích cực từ 1 là thấp nhất đến 9 là cao nhất.
Từ kết quả đánh giá mức độ các cảm xúc tích cực cụ thể nói trên, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy sự liên hệ mật thiết giữa sự cảm nhận hạnh phúc và mức độ kích hoạt vỏ ổ mắt của các bà mẹ khi nhìn ảnh con mình. Họ đã đi đến kết luận rất tốt đẹp từ cuộc nghiên cứu về hạnh phúc của các bà mẹ lúc nhìn ảnh con mình như sau:
• Vỏ ổ mắt liên quan mật thiết với những cảm xúc tích cực.
• Vỏ ổ mắt theo dõi và ghi nhận cường độ lớn, là mức độ rất mạnh mẽ, của các cảm xúc tích cực (bao gồm Hạnh phúc, Ấm áp, Thương yêu, Có tình mẹ con và Hào hứng) cùng tâm trạng phấn khởi.
• Vỏ ổ mắt các bà mẹ, trong sự gắn bó với con mình, liên quan đến sự trân quý mối liên hệ mẹ con và niềm hạnh phúc từ tình mẫu tử hơn là theo đuổi niềm ham muốn xem con như vật sở hữu của mình. Do đó, tình mẹ con có tính cách rất vị tha. (11)
Phụ đính B
(Ca sĩ Thái Thanh)
“Lòng Mẹ bao la như biển Thái Bình rạt rào,
Tình Mẹ tha thiết như giòng suối hiền ngọt ngào,
Lời Mẹ êm ái như đồng lúa chiều rì rào.
Tiếng ru bên thềm trăng tà soi bóng Mẹ yêu.
Lòng Mẹ thương con như vầng trăng tròn mùa thu.
Tình Mẹ yêu mến như làn gió đùa mặt hồ.
Lời ru man mác êm như sáo diều dật dờ.
Nắng mưa sớm chiều vui cùng tiếng hát trẻ thơ.
Thương con thao thức bao đêm trường,
Con đà yên giấc Mẹ hiền vui sướng biết bao.
Thương con khuya sớm bao tháng ngày.
Lặn lội gieo neo nuôi con tới ngày lớn khôn.
Dù cho mưa gió không quản thân gầy Mẹ hiền.
Một sương hai nắng cho bạc mái đầu buồn phiền.
Ngày đêm sớm tối vui cùng con nhỏ một niềm.
Tiếng ru êm đềm mẹ hiền năm tháng triền miên.
Lòng Mẹ chan chứa trên bao xóm làng gần xa.
Tình Mẹ dâng tới trăng ngàn đứng lặng để nghe,
Lời ru xao xuyến núi đồi suối rừng rặng tre.
Sóng ven Thái Bình im lìm khi tiếng Mẹ ru.
Một lòng nuôi nấng vỗ về những ngày còn thơ.
Một tình thương mến êm như tiếng đàn lời ca.
Mẹ hiền sớm tối khuyên nhủ bao lời mặn mà.
Khắc ghi bên lòng con trẻ muôn bước đường xa.
Thương con Mẹ hát câu êm đềm,
Ru lòng thơ ấu quản gì khi thức trắng đêm.
Bao năm nước mắt như suối nguồn.
Chảy vào tim con mái tóc trót đành đẫm sương.
Dù ai xa vắng trên đường sớm chiều về đâu.
Dù khi mưa gió tháng ngày trong đời bể dâu.
Dù cho phai nắng nhưng lòng thương chẳng lạt mầu.
Vẫn mong quay về vui vầy dưới bóng mẹ yêu.”
.
Discussion about this post