THỬ TÌM HIỂU
KINH NHÂN VƯƠNG HỘ QUỐC
Thích Nguyên Hùng
Lịch sử phát triển Phật giáo cho thấy, các nước Phật giáo Bắc truyền tiếp nhận chủ yếu tam tạng thánh điển bằng ngữ văn Sanskrit, nhưng không thấy lưu truyền và bảo tồn tam tạng thánh điển này, mà hầu hết truyền cho nhau bằng tam tạng đã Hán hoá, ngay các nước có tam tạng bằng quốc ngữ của mình như Cao ly, Nhật bản… đều được dịch lại từ Hán tạng.
Tam tạng thánh điển bằng Hán văn, có thể nói là rất đồ sộ, nhiều hơn hẳn tam tạng của Nam truyền. Trong quá trình biên tập tam tạng thánh điển Hán văn, chư vị tổ sư đã phát hiện ra trong kho tàng kinh điển đồ sộ ấy, có rất nhiều kinh văn đáng nghi ngờ, và đã xếp chúng thành một bộ riêng, gọi là nghi tợ bộ[1].
Trong cố gắng tìm đọc và đối chiếu kinh điển giữa hai truyền thống Nam và Bắc truyền, chúng tôi vẫn còn băn khoăn với một số kinh điển và đặt lại câu hỏi, tại sao có một số kinh điển đã từng xếp vào dạng khả nghi nay được đưa trở vào tạng Đại chính?!
Bằng tất cả tấm lòng phụng sự chánh pháp và cầu nguyện chánh pháp trường tồn, chúng tôi cẩn trọng giới thiệu Kinh nhân vương hộ quốc với mong muốn bạn đọc cùng soi sáng những dấu hiệu mà chúng tôi cho rằng chưa phù hợp với Phật giáo.
I. Tên gọi
1. Nguyên tác và truyền dịch
Nhân vương hộ quốc kinh có tên gọi đầy đủ là Phật thuyết nhân vương hộ quốc bát-nhã-ba-la-mật kinh, còn gọi là Nhân vương bát-nhã-ba-la-mật hộ quốc kinh, gọi tắt là Nhân vương bát-nhã kinh, Nhân vương kinh. Kinh này, trong Đại tạng chính, hiện còn hai bản dịch, một là của Cưu-ma-la-thập, đề Phật thuyết nhân vương bát-nhã-ba-la-mật kinh[2] (sau đây sẽ gọi là Tần dịch), bản kia là của Bất không, đề Nhân vương hộ quốc bát-nhã-ba-la-mật-đa kinh[3] (sau đây sẽ gọi là Đường dịch). Cả hai bản dịch đều có đủ hai quyển thượng, hạ.
Trong các ghi chép về quá trình phiên dịch kinh điển từ xưa, ngoài hai bản hiện còn kể trên, người ta còn thấy ghi chép về bản dịch của Trúc pháp hộ vào đời Tấn và của Chân đế vào đời Lương. Cụ thể, Trúc pháp hộ dịch Nhân vương bát-nhã kinh, 1 quyển, vào niên hiệu Thái thỉ thứ 3, đời Tấn vũ đế (267 tl)[4]; Chân đế dịch Nhân vương bát-nhã kinh, 1 quyển, niên hiệu Thừa thánh thứ 3, đời Lương nguyên đế (554 tl)[5]. Xuất tam tạng ký tập, quyển 4, đã xếp hai bản dịch này vào dạng tạp kinh, thất dịch.
Cuốn Kinh pháp lục (Mục lục kinh pháp, còn gọi là Chúng kinh mục lục) xuất bản đời nhà Tuỳ cũng xếp kinh này vào những kinh có nội dung đáng nghi ngờ, và có tên là Nhân vương kinh, 2 quyển, cuối kinh có ghi chú : “Những ghi chép khác nói kinh này do Trúc pháp hộ dịch, nhưng đầu quyển kinh lại ghi là do Cưu-ma-la-thập tuyển tập những lời Phật dạy, nay xem xét nghĩa lý, văn từ của kinh, trước sau đều nghi rằng không phải do hai vị Hiền tăng dịch (tức chỉ Trúc pháp hộ và La-thập), cho nên xếp nó vào tạng những kinh khả nghi”[6].
Từ khi Lịch đại tam bảo ký ra đời trở về sau người ta mới cho rằng, bản dịch đầu tiên của kinh này là bản Tần dịch của La-thập; còn bản dịch kia là Đường dịch của Bất không. Theo ghi chép của Trinh nguyên lục, Bất không phụng chiếu dịch Nhân vương hộ quốc kinh vào tháng Tư, năm đầu niên hiệu Vĩnh thái, nhà Đường (tức năm 765). Tuy nhiên, trong cuốn Du-già sư địa luận lược toản, quyển 10, Khuy cơ đã thuật lại lời của thầy mình là Huyền tráng rằng, (khi du học) ở Ấn độ Huyền tráng chưa từng nghe nói đến bản kinh này[7], do đó, có hay không nguyên bản tiếng Phạn cũng trở thành vấn đề khả nghi!
2. Các tác phẩm chú giải
Kinh này cũng có nhiều người giảng và chú giải, như thấy dưới đây:
– Đời Tuỳ, Trí nghĩ, Nhân vương hộ quốc bát-nhã kinh sớ, 5 quyển. Bản này Trí nghĩ sớ giải bản Tần dịch. ĐTK/ĐCTT, T.33, n°.1705.
– Đời Đường, Thiện nguyệt, Nhân vương hộ quốc bát-nhã kinh sớ thần bảo ký, 4 quyền. Bản này Thiện nguyệt biên soạn lại bản sớ của Trí nghĩ. ĐTK/ĐCTT, T.33, n°.1706.
– Đời Tuỳ, Cát tạng, Nhân vương bát-nhã kinh sớ, 3 quyển (mỗi quyển có thượng hạ, nên quen gọi 6 quyển). Bản này Cát tạng cũng sớ giải bản Tần dịch, ĐTK/ĐCTT, T.33, n°.1707.
– Đời Đường, Viên trắc, Nhân vương kinh sớ, 3 quyển. Sớ giải bản Tần dịch, ĐTK/ĐCTT, T.33, n°.1708.
– Đời Đường, Lương bôn, Nhân vương hộ quốc bát-nhã ba-la-mật-đa kinh sớ, 3 quyển. Bản này Lương bôn sớ giải bản Đường dịch. ĐTK/ĐCTT, T.33, n°.1709.
– Đời Đường, Ngộ vinh, Nhân vương hộ quốc bát-nhã kinh sớ pháp hành sao, 6 quyển. Sớ bản Đường dịch, lưu Tục tạng kinh, tập 26, số 519.
– Đời Tống, Tịnh nguyên, Chú nhân vương hộ quốc bát-nhã kinh, 4 quyển. Chú giải bản Đường dịch, lưu Tục tạng kinh, tập 26, số 520.
– Đời Minh, Chân quý, Nhân vương hộ quốc bát-nhã ba-la-mật-đa kinh khoa sớ, 5 quyển. Chú giải bản Đường dịch, lưu Tục tạng kinh, tập 26, số 517.
II. Nội dung
Nội dung chủ yếu của bản kinh trình bày những phương pháp hộ trì Phật quả, hộ trì Bồ-tát thập địa và cách thức giữ gìn quốc gia. Kinh gồm hai quyển thượng hạ, chia thành tám phẩm, mỗi quyển bốn phẩm. Chúng tôi tóm lược nội dung bản Tần dịch và đối chiếu đôi chút bản Đường dịch.
1. Phẩm tựa. Giới thiệu bối cảnh kinh được thuyết. Phật ngụ tại núi Kì-xà-quật, thành Vương-xá, cùng với tám trăm vạn ức chúng đại tỳ-kheo[8], chúng tỳ-kheo-ni, chúng đại bồ-tát, chúng tu hạnh thất hiền, chư phạm thiên, thiên tử, mười sáu vị quốc vương cùng quyến thuộc như vua Ba-tư-nặc…
Bấy giờ, Đức Phật nhập vào tịch tĩnh diệu tam-ma-địa, phóng đại quang minh; vua Ba-tư-nặc lần lượt hỏi chư đại chúng rằng, Đức Thế tôn đã dùng 29 năm[9] để giảng các kinh Ma-ha bát-nhã, Kim cang bát-nhã, Thiên vương vấn bát-nhã, Quang tán bát-nhã[10]…cho đại chúng, nay vì lý do gì Đức Phật lại phóng hào quang sáng lớn như vậy? Đại chúng không ai trả lời được.
2. Phẩm quán không. Đường dịch là phẩm Quán Như lai. Đức Phật biết mười sáu vị quốc vương muốn hỏi về phương pháp bảo vệ đất nước, nhưng trước hết, Phật vì chư vị Bồ-tát nói phương pháp hộ trì Phật quả và hộ trì Bồ-tát thập địa hạnh. Phẩm này thuyết minh rõ uẩn, xứ, giới, lục đại, tứ đế, thập nhị nhân duyên đều là Không, thiết lập thành mười tám lớp nghĩa Không, và lấy đó làm phương pháp tu tập mà hộ trì Phật quả.
3. Phẩm Bồ-tát giáo hoá. Đường dịch là phẩm Bồ-tát hạnh, chỉ dẫn Bồ-tát muốn hộ trì thập địa hạnh phải tu hành năm thứ nhẫn là phục, tín, thuận, vô sanh và tịch diệt nhẫn. Trong đó, bốn nhẫn vị đầu lại nhân thêm ba phần thượng, trung, hạ nhẫn, nhẫn thứ năm lại nhân thêm hai phần thượng, hạ nhẫn, vị chi tất cả có mười bốn thứ nhẫn vị.
– Hằng hà sa số chúng sanh, từ khi mới phát tâm, tu hạnh phục nhẫn, đối với Tam bảo, sanh tập chủng tánh, gồm đủ mười tâm, từ tín tâm đến hồi hướng tâm, gọi là tín nhẫn. Thứ đến hàng tánh chủng tánh, tu 10 tâm, gồm bốn ý chỉ, quán thân, thọ, tâm, pháp là bất tịnh, khổ, vô thường, vô ngã; ba thiện căn là từ, thí, huệ và ba ý chỉ là quá khứ nhân nhẫn, hiện tại nhân quả nhẫn, vị lai quả nhẫn. Thứ nữa là thập đạo đạo chủng tánh, quán sắc, thức, thọ, tưởng, hành đắc giới nhẫn, tri kiến nhẫn, định nhẫn, huệ nhẫn, giải thoát nhẫn; quán nhân quả tam giới đắc vô nguyện nhẫn, vô tưởng nhẫn; quán nhị đế hư dối, không thật, hết thảy vô thường, đắc vô thường nhẫn, hết thảy pháp không đắc vô sanh nhẫn.
– Tín nhẫn gồm có tam nhẫn là thiện giáo, ly đạt và minh huệ nhẫn[11].
– Thuận nhẫn gồm có tam nhẫn là diệm huệ, thắng huệ và pháp hiện[12].
– Vô sanh nhẫn gồm có tam nhẫn là viễn đạt, đẳng giác và huệ quang[13].
– Tịch diệt nhẫn gồm có hai nhẫn là quán đỉnh và viên giác.
4. Phẩm Nhị đế. Thuyết minh sự một và khác đối với đệ nhất nghĩa đế và thế đế; thuật lại những bài kệ của bảy Phật quá khứ; lại phân biệt tam đế: không, sắc, tâm để nhiếp vào nhất thiết pháp; đồng thời đặt tên cho kinh này và nói về công đức của nó.
5. Phẩm Hộ quốc. Trình bày phương pháp bảo vệ quốc gia. Nếu quốc thổ bị nhiễu loạn, chư vị quốc vương hãy trì tụng kinh bát-nhã ba-la-mật-đa này, thỉnh một trăm vị pháp sư, thiết lập một trăm toà cao, đốt một trăm ngọn đèn, một trăm loại hương, một ngày hai lần tụng kinh này thì mọi tai nạn đều tiêu hết. Vua Phổ minh đã y theo pháp trì tụng kinh này mà thoát được nạn mất nước, đồng thời cảm hoá các vua giao hoà với vua Ban túc (Kalmāṣapāda).
6. Phẩm tán hoa. Đường dịch là phẩm Bất tư nghì. Mười sáu đại quốc vương sau khi nghe phương pháp hộ quốc bát-nhã đã tung rãi vô số loại hoa để cúng dường, thỉnh nguyện chư Phật ba đời thường thuyết kinh bát-nhã, chư tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni thường hành bát-nhã. Khi ấy, Đức Phật vì chư vị quốc vương hiển thị năm thứ thần biến bất khả tư nghì.
7. Phẩm thọ trì. Đường dịch là phẩm phụng trì. Phật nhắc lại việc Bồ-tát nương theo các pháp tín nhẫn v.v… tu bất tịnh nhẫn, cùng mười ba quán môn, trải qua một kiếp, cho đến trăm vạn a-tăng-kỳ kiếp, sẽ được vào một trong mười ba ngôi vị pháp sư[14].
Lại nói khi tụng đọc kinh này, ở trong nước sẽ không có bảy nạn. Nếu quốc vương hộ trì tam bảo thì sẽ có năm vị đại lực bồ-tát đến bảo vệ đất nước[15].
Phẩm này cũng liệt kê tên gọi mười sáu quốc vương có mặt trong pháp hội lắng nghe và phụng trì kinh này, gồm có Kiều-tát-la, Xá-vệ[16], Ma-kiệt-đà, Ba-la-nại, Ca-di-la-vệ, Cưu-thi-na, Kiều-thiểm-di, Cưu-lưu, Kế-tân, Di-đề, Già-la-càn, Càn-đà-vệ, Sa-đà, Tăng-già-đà, Kiền-nã-quật-xà, Ba-đề[17].
8. Phẩm chúc luỵ. Phật đem kinh này phó chúc cho các vị quốc vương và tứ chúng đệ tử. Nếu có quốc vương nào tự cho mình cao quý, cấm đoán đệ tử của Phật không được xuất gia hành đạo, thiết lập ban tôn giáo và hệ thống tăng quan để quản chế tăng chúng, lãnh đạo tăng ni, không giữ giới Phật v.v… thì đó là những nhân duyên đưa tới phá hoại Phật pháp, đồng nghĩa với việc phá hoại quốc gia, chánh pháp chẳng bao lâu nữa sẽ diệt.
III. Những nghi vấn
Nội dung bản kinh có nhiều chỗ đáng nghi ngờ.
Thứ nhất, ở phẩm Tựa, nói rằng Đức Phật trước đây đã dùng khoảng thời gian 29 năm để thuyết bốn bộ bát-nhã là Ma-ha bát-nhã, Kim cương bát-nhã, Thiên vương vấn bát-nhã và Quang tán bát-nhã. Tuy nhiên, hai bản Ma-ha bát-nhã[18] và Quang tán bát-nhã[19] được kể ra đây không phải là hai bộ riêng biệt, mà nó chỉ là một, do vì Hán dịch bất đồng và có bản dịch đủ, bản dịch chưa đủ nên có tên gọi sai khác như thế (trong Hán tạng), chứ không phải Đức Phật nói hai bộ kinh riêng biệt!
Kinh Nhân vương bát-nhã nêu tên bốn bộ bát-nhã và thêm chính nó vào nữa để thành năm bộ, điều này chính Lương hoàng đế cũng không bằng lòng. Trong lời tựa chú giải kinh Đại phẩm, ông nói : “Người giảng kinh bát-nhã phần đông nói rằng có năm thời (giảng kinh bát-nhã), mới nghe qua tựa như có lý, nhưng nghiên cứu kỹ càng thì thấy phần lớn là không phù hợp, bởi chỉ duy nhất kinh Nhân vương bát-nhã là kể đủ năm bộ, mà ở đời đã lấy làm nghi ngờ kinh này[20].”
Thứ hai, kinh này dẫn các kinh khác không có thực. Chẳng hạn, trong phẩm Hộ quốc kể chuyện Đảnh sanh vương và nói “giống như kinh Diệt tội đã thuật”; kể chuyện Ban túc vương và nói “giống như Thập vương địa đã thuyết”. Theo chỗ chúng tôi tìm hiểu trong Đại tạng kinh Đại chính tân tu không có những kinh trên.
Thứ ba, về phương diện pháp tướng, kinh này nêu tên các pháp ngũ nhẫn, thập tứ nhẫn, thập tam pháp sư vị, tam đế, bát đế… đồng thời cho rằng bát-nhã ba-la-mật cũng có nêu các loại bùa chú như thần phù, bích quỷ phù, hộ quốc châu, thiên địa kính… nhưng theo tra cứu của chúng tôi, những tên gọi này chưa từng thấy trong các kinh điển chính thống và xa lạ với kinh điển Nikaya, A-hàm.
Thứ tư, bản Đường dịch của Bất không có nhiều dấu hiệu cho thấy sự sửa đổi, thêm bớt so với bản Tần dịch của Cưu-ma-la-thập. Chẳng hạn, ở phẩm Tựa, số lượng chúng tỳ-kheo tham dự là tám trăm vạn ức đã sửa thành một ngàn tám trăm người; Quang tán bát-nhã đã sửa thành Đại phẩm bát-nhã cùng vô lượng vô số bát-nhã…; bỏ bớt câu “Phật nói kinh bát-nhã 29 năm”. Trong phẩm Hộ quốc, bỏ tên các kinh Diệt tội, Thập vương địa[21]. Phẩm Thọ trì có nhiều thay đổi và thêm nhiều yếu tố mật giáo, như thay đổi nội dung tu tập để vào ngôi vị mười ba pháp sư thành tập chủng tánh cho đến pháp vân địa, đổi ‘hai mươi tám sao sai lệch’ thành tên gọi chung là ‘các sao sai lệch’, thêm hẳn phần kệ trùng tụng về mười hai hạnh, thêm các đà-la-ni. Trong đó còn thay tên gọi của năm vị đại bồ-tát thành ngũ phương kim cang bồ-tát của mật giáo…
Có thể nói, dấu hiệu biên soạn, sửa đổi, thêm thắt và cố gắng đánh đồng khái niệm Phật giáo thành mật giáo được nhìn thấy rõ trong phẩm Thọ trì này.
Thứ năm, trong phẩm Chúc luỵ, phần nói về các Quốc vương tự cho mình cao quý, lãnh đạo tăng ni, phá diệt Phật pháp… hình như là nhắm vào sự chỉ trích vương triều Bắc nguỵ thiết lập hệ thống Tăng quan để lãnh đạo hàng xuất gia, bức hại Tăng Ni và chế định luật pháp nhằm cấm đoán người dân xây dựng chùa tháp v.v… Về mặt lịch sử, quả thật Phật giáo Trung hoa từng trải qua nhiều pháp nạn, cho nên sự chỉ trích này rất có quan hệ với thực tế lịch sử. Tuy nhiên, nếu nguyên bản tiếng Phạn của kinh này cũng có đoạn kinh trên thì thật đáng nghi ngờ!
Dẫu vậy, phần đầu của phẩm Chúc luỵ lại phó chúc cho các Quốc vương trách nhiệm giữ gìn bản kinh: “kinh Tam Bảo này giao phó cho các Quốc vương, để kiến lập, thủ hộ, khiến cho bốn chúng đệ tử của ta thọ trì, đọc tụng, hiểu rõ nghĩa lý, vì khắp chúng sanh tuyên thuyết pháp yếu, khiến họ tu tập để lìa khỏi sanh tử”. Điều này lại củng cố thêm sự nghi ngờ của chúng tôi về độ trung thực của bản kinh.
IV. Đối chiếu phương pháp hộ quốc trong kinh tạng Nikaya, A-hàm
Trước hết, chúng tôi xin khẳng định: Đức Phật ra đời không nhằm mục đích bảo hộ cho một cá nhân, một tổ chức, một quốc gia nào hết! Ngài là con người đã giác ngộ, tỉnh thức và chỉ dẫn cho chúng sanh phương pháp để đạt được giác ngộ, tỉnh thức như ngài. Do đó, tin rằng Đức Phật có thể bảo hộ, gia hộ, độ trì cho bản thân, gia đình và thậm chí cho quốc gia, thế giới được bình an, hạnh phúc… là niềm tin rất sơ khai và hạn hẹp. Nhưng, mỗi cá nhân, gia đình, xã hội, quốc gia có thể thực tập theo lời Phật dạy thì đạt được an vui, hạnh phúc, hoà bình, phú cường… là điều có thể tin được! Chúng tôi xin dẫn ra đây mấy nguyên tắc xây dựng quốc gia hưng thịnh, phú cường rất trí tuệ và khoa học, chứ không mê tín và phi lý như những chỉ dẫn trong phẩm Hộ quốc.
1. Bảy pháp bất thối:
Nhân sự kiện quốc vương Ma-kiệt-đà A-Xà-thế muốn đem quân chinh phạt nước Bạt-kỳ, lệnh cho đại thần Vũ-xá đến tham vấn Đức Phật xem Ngài có chỉ dạy gì không, Đức Phật chỉ cho thấy Bạt-kỳ là một quốc gia bất khả xâm phạm, nhưng A-xà-thế đã không đủ bình tĩnh để nghe lời can gián ấy, nên đã chuốc lấy thất bại. Bạt-kỳ đã xây dựng một đất nước vững mạnh, với nền kinh tế, chính trị, giáo dục, xã hội… được thiết lập trên “bảy pháp bất thối”, đó là: 1. Nhân dân thường nhóm họp bàn những sự việc chân chính, 2. Vua tôi hòa thuận, trên dưới kính nhường nhau, 3. Nhân dân thường tôn trọng pháp luật, hiểu điều cấm kỵ, chẳng trái lễ độ, 4. Người dân biết hiếu dưỡng cha mẹ, kính thuận sư trưởng, thầy cô giáo, 5. Nhân dân thường tôn trọng tông miếu, kính nể quỉ thần, 6. Người dân giữ gìn khuê môn trinh chính, thanh khiết, không bậy bạ, cho đến sự vui đùa, nói năng cũng không tà vạy, 7. Người dân tôn thờ Sa-môn, kính người trì giới và thân cận ủng hộ chẳng biếng nhác[22].
Với “bảy pháp bất thối” này, bất cứ một quốc gia, một tổ chức nào cũng có thể trở nên giàu mạnh, vững chắc bất khả xâm phạm. Đó là một tổ chức nhà nước lý tưởng!
2. Bảo vệ biên giới
Đức Phật dạy, muốn bảo vệ tổ quốc phải bảo vệ biên cương. Nếu biên cương được bảo vệ bởi bảy điều kiện và bốn thứ lương thực sung túc thì không bị ngoại địch đánh phá, đất nước chỉ loạn lạc khi có sự phá hoại từ bên trong.
Bảy lớp bảo vệ biên cương là, 1. Xây vọng gác, đắp đất cho chắc; 2. Đào hào vét ao cho thật sâu rộng; 3. Đường giao thông ở biên giới được dọn dẹp cho bằng phẳng; 4. Tập trung bốn binh chủng ở biên giới; 5. Dự bị binh khí, khí tài đầy đủ; 6. Đại tướng trấn thủ biên giới phải sáng suốt, thao lược, cơ trí, tháo vát, dũng mãnh, cương nghị, giỏi mưu chước; 7. Doanh trại ở biên giới phải xây đắp tường cao cho thật kiên cố.
Bốn thứ lương thực đầy đủ là dự trữ nguồn nhiên liệu, dự trữ lúa gạo, dự trữ các loại đậu và dự trữ các nhu yếu phẩm như muối, đường, thịt khô[23]…
3. Cai trị bằng Thập vương pháp
Kinh Cứu-cứu-la-đàn-đầu[24] kể chuyện tiền thân của Đức Phật. Trong tiền thân đó, Ngài làm quốc vương hiền minh, khiến cho quốc dân an cư lạc nghiệp, bằng biện pháp kinh tế: cấp vốn cho người đi buôn, cấp bò, bê, thóc giống cho người làm ruộng; tạo điều kiện cho dân chuyên tu nghề nghiệp của mình. Kinh Đại thiên nại lâm[25] ghi lại tiền thân của Đức Phật Thích-ca, người đầu tiên mở ra truyền thống trị vì đất nước bằng chánh pháp rồi sau đó xuất gia tu đạo… Tất cả đều cho thấy quốc gia nào dùng chánh pháp để xây dựng thì đều được quốc thới, dân an.
Đức Phật cũng từng nêu lên phương sách trị nước bằng mười tiêu chuẩn gọi là Thập vương pháp, đó là : Bố thí, đức hạnh, hy sinh, công bằng, khổ hạnh, không oán hận, bất hại, kham nhẫn, nhu hoà, thuận lòng dân[26].
4. Nương tựa Tam bảo
Tiểu bộ kinh, tập 6, Kinh Châu Báu, Ratana Sutta, ghi lại sự kiện thành Vesali từng bị tam tai là bệnh tật, phi nhơn hoành hành và nghèo đói. Bấy giờ, hoàng thân Licchavi đã phái sứ giả đến Savatthi để thỉnh Đức Phật cùng Tăng đoàn về đây để giải trừ khổ nạn.
Khi về đến thành Vesali, Đức Phật xem xét và biết rõ khổ nạn này có nguyên do từ sự thiếu thốn thực phẩm, khiến dân chúng chết hàng loạt. Người chết nhiều quá, người ta không thể làm lễ tang chu đáo dẫn đến ô nhiễm môi trường, bệnh tật bùng phát, đồng thời chiêu cảm các loài phi nhơn, dạ-xoa, các loại ăn thịt tử thi xuất hiện, khiến dân chúng càng thêm kinh sợ.
Việc cứu nạn trước hết là Đức Phật cùng chư Tăng quét dọn vệ sinh, làm trong sạch môi trường và sai tôn giả A-nan đi khắp thành tụng đọc chân ngôn về Tam bảo, kêu gọi dân chúng quay về nương tựa trí tuệ của Đức Phật, oai lực của Chánh pháp và uy đức của Tăng chúng. Việc làm này khiến cho chư thiên, các sinh linh ở chung quanh và toàn dân hoan hỷ. Mọi khổ tai, ách nạn đều được đẩy lùi.
VI. Kết luận
Bối cảnh ra đời và lưu hành bản kinh Nhân vương hộ quốc phản ánh thực tế Phật giáo và chính trị ở Trung hoa thời phong kiến. Nó cho thấy sự mâu thuẫn trên hai phương diện, một mặt nó chuyển tải sắc thái hộ quốc rất mạnh mẽ, nhưng đồng thời nó cũng phản ứng, chống lại sự thống trị Tăng Ni của chính quyền thông qua hệ thống tăng quan.
Qua các bản dịch và chú giải, chúng ta còn có thể thấy bối cảnh lịch sử của sự tương quan giữa kinh điển hiển giáo và mật giáo đang dần xâm nhập vào Trung hoa, và có sự hỗ trợ, quan tâm của các bậc vương quyền.
Sau khi bản kinh này được lưu hành, tại Trung hoa, trải qua nhiều vương triều đều có thiết đàn Nhân vương pháp hội, hầu hết đều căn cứ phẩm Hộ quốc để thiết lập đạo tràng, tụng đọc kinh này để hy vọng quốc gia được bảo hộ, để mong giải trừ tai nạn…
Năm 559, nhằm niên Vĩnh định thứ ba, Vũ đế tổ chức Nhân vương đại trai đàn ở trong triều đình. Đến năm 585, niên hiệu Chí đức thứ ba lại thỉnh Trí nghĩ đến giảng kinh này tại điện Thái cực đến cả trăm lượt, liên tục bảy ngày đêm, đốt cả ngàn ngọn đèn.
Năm 629, niên hiệu Trinh quán thứ ba, Đường thái tông triệu tập tăng ni trong kinh thành về chùa Long điền, mỗi tháng hai mươi bảy ngày hành đạo chuyên về kinh Nhân vương này…
Từ triều nhà Đường về sau, khi Bất không dịch lại thì cho lưu hành bản dịch mới. Niên hiệu Vĩnh thái năm đầu (765), tại chùa Tư thánh và Tây minh ở Trường an, thiết lập một trăm toà cao, thỉnh một trăm pháp sư giảng và tụng kinh này.
Pháp hội hộ quốc này cũng thấy được tổ chức tại các nước Cao ly, Nhật bản.
Các triều đại phong kiến ở Việt Nam ta cũng từng tổ chức. Như năm Đinh Tỵ, Anh Vũ Chiêu Thắng, năm thứ 2 (1077 dl), , mùa xuân, mở hội Nhân Vương ở điện Thiên An. Đến Bính Ngọ, Thiên Phù Duệ Vũ, năm thứ 7 (1126 dl), mùa hạ, tháng 5, ngày Nhâm tuất, mở hội Nhân Vương ở Long Trì. Rồi Kỷ Tỵ, Đại Định năm thứ 10 (1149 dl), mùa hạ, tháng 4, mở hội Nhân Vương ở Long Trì[27].
Theo sa-môn Tuệ linh, một trong những người dịch kinh ở chùa Hưng thiện thì Bất không sau khi dịch Nhân vương hộ quốc còn dịch thêm Nhân vương niệm tụng nghi quy[28], Niệm tụng pháp[29], Đà-la-ni thích[30]… và giao cho đệ tử của mình là Lương bôn. Trong Nhân vương niệm tụng nghi quy trình bày rõ cách thiết trí đàn tràng, bày ngũ phương Kim cang bồ-tát với thân tướng oai đức, đồng thời chỉ dẫn cách thức chọn đất, thiết đàn, nhập tràng, quán tưởng, kết ấn… Chính những chỉ dẫn này đã làm phát sanh những nghi ngờ về mối quan hệ của Nhân vương hộ quốc với nghi quy của mật giáo, cho nên khi nhập tạng, bản Đường dịch đã không được đưa vào bộ bát-nhã mà xếp vào bộ bí mật[31].
Từ những tra cứu và đối chiếu trên, dù trình bày chưa đầy đủ, chúng tôi cũng mạnh dạn cho rằng, bản kinh này cần phải đưa vào lại tạng nghi tợ bộ, như người xưa đã từng làm.
[1] ĐTK/ĐCTT, T.85b, n°.2865-2960.
[2]佛說仁王般若波羅蜜經, 姚秦三藏鳩摩羅什譯, Đại chính T.8, n°245.
[3]仁王護國般若波羅蜜多經, 不空奉詔譯, Đại chính T.8, n°246.
[4] Khai nguyên thích giáo lục, quyển 14 : 仁王般若經一卷(或二卷三十一紙) 西晉三藏竺法護譯(第一譯) (Nhân vương bát-nhã kinh, 1 quyển (hoặc 2 quyển, 31 trang), Tam tạng Trúc pháp hộ dịch, đời Tây Tấn, (bản dịch đầu tiên).
[5] Khai nguyên thích giáo lục, quyển 14 : 仁王般若經一卷 梁天竺三藏真諦譯 (第三譯) 右前後三譯。一本在藏。二本闕。(Nhân vương bát-nhã kinh, 1 quyển, Thiên trúc tam tạng Chân đế dịch, đời nhà Lương (bản dịch thứ ba). Trước sau kinh này có ba bản dịch, một bản nhập tạng (tức bản của La thập), hai bản bị mất (tức của Trúc pháp hộ và Chân đế).
[7] Đại chính T43, n°1829, p.129b : 西方尋訪彼經。未聞有本。
[8] Bản Đường dịch: một ngàn tám trăm người.
[9] Đường dịch không có chi tiết này.
[10] Đường dịch gọi là Đại phẩm bát-nhã cùng vô lượng vô biên bát-nhã.
[11] Đường dịch thành tam địa là hoan hỷ, ly cấu và phát quang địa.
[12] Đường dịch thành tam địa là diệm huệ, nan thắng và hiện địa.
[13] Đường dịch thành tam địa là viễn hạnh, bất động và thiện huệ.
[14] Đường dịch là tập chủng thánh, tánh chủng tánh, đạo chủng tánh cùng thập địa, từ hoan hỷ địa đến pháp vân địa.
[15] Đường dịch còn thêm chi tiết thiết ngũ phương kim cang, và có các vị như Kim cang thủ bồ-tát… đến trước Phật nói các đà-la-ni.
[16] Các bản Tống, Nguyên, Minh ghi là Tì-xá-li (Vaiśālī).
[17]憍薩羅國、舍衛國、摩竭提國、波羅㮈國、迦夷羅衛國、鳩尸那國、鳩睒彌國、鳩留國、𦋺賓國、彌提國、伽羅乾國、乾陀衛國、沙陀國、僧伽陀國、健挐掘闍國、波提國. Không đồng nhất với bản Đường dịch.
[18] Ma-ha bát nhã kinh, 27 quyển, Cưu-ma-la-thập dịch, còn gọi là Ma-ha bát-nhã ba-la-mật kinh, Ma-ha bát-nhã kinh, Tân đại phẩm kinh, Đại phẩm kinh. ĐTK/ĐCTT, T.8, n°.223.
[19] Quang tán bát-nhã ba-la-mật kinh, 10 quyển, Trúc pháp hộ dịch, còn gọi là Quang tán ma-ha bát-nhã kinh, Quang tán kinh, Quang tán bát-nhã kinh. Đây là bản dịch tương đối và đầu tiên của kinh Đại phẩm bát-nhã. ĐTK/ĐCTT, T.8, n° 222.
[20] ĐTK/ĐCTT, T. 55, n°.2145.
[21] Lẽ nào Bất không biết được những kinh này không có thật nên loại bỏ, điều mà Cưu-ma-la-thập không thấy ?
[22] Trường A-hàm, kinh Du hành.
[23] Trung A-hàm, kinh Thành dụ.
[24] Trường A-hàm, kinh số 23. Tương đương Pāli: D. 5. Kūṭadanta-sutta.
[25] Trung A-hàm, kinh số 67. Tương đương Pāli: M. 83. Makhādeva-sutta.
[26] Thích Chúc Phú, Vài vấn đề về Phật giáo & nhân sinh, nxb. Hồng Đức, trang 138.
[27] Đại Việt sử ký toàn thư, bản kỷ, quyển III, IV.
[28] ĐTK/ĐCTT, T.19, n°.994, 仁王護國般若波羅蜜多經陀羅尼念誦儀軌(出金剛瑜伽經).
[29] ĐTK/ĐCTT, T.19, n°.995, 仁王般若念誦法.
[30] ĐTK/ĐCTT, T.19, n°.996, 仁王般若陀羅尼釋.
[31] Theo Trung hoa Phật giáo bách khoa toàn thư.
Discussion about this post