Hoa Kỳ ngày 16-6-2003
Kính gửi các bậc Tôn Túc, quý Hòa Thượng, Thượng Tọa, Đại Đức Tăng, Ni,
Kính gửi quý Cư sĩ Phật tử,
Kính thưa quý vị,
Trong những tháng vừa qua Phật tử cũng như không là Phật tử Việt Nam ở khắp nơi trên thế giới đã được tiếp cận với đạo Phật qua các bài thuyết giảng của Hoà Thượng Thích Thông Lạc, Viện chủ Tu Viện Chơn Như ở Trảng Bàng, Tây Ninh, Việt Nam trên mạng lưới điện toán toàn cầu và qua các sách in ấn của Tu Viện Chơn Như. Một số đông đã thư về cho ban biên tập chúng tôi hỏi ý kiến về pháp tu cũng như đường hướng hoằng pháp của Hoà Thượng Thích Thông Lạc. Họ bầy tỏ niềm hoang mang trước những lời giảng rất khác thường của Hoà Thượng, bởi vì Hoà Thượng Thông Lạc là một trong mười đệ tử đầu tiên của Hoà Thượng Thích Thanh Từ, mà HT. Thanh Từ lại chính là một đại Thiền sư của Phật Giáo Việt Nam, người hiện đang hoằng dương Đại Thừa Thiền Tông, rất nổi tiếng trên khắp thế giới. Ngoài ra, chính HT. Thông Lạc cũng tự xưng mình đã chứng Tứ Thiền, đắc Tam Minh và đã được Hòa Thượng Thanh Từ ấn chứng, đồng thời còn yêu cầu HT. Thông Lạc trụ thế, như sau:
“…Hòa Thượng Thanh Từ sau khi đã ấn chứng Thầy chứng quả Thiền Tông, yêu cầu Thầy trụ thế, và duyệt lại kinh sách để cùng Hòa Thượng CHẤN HƯNG THIỀN TÔNG. ..” [TL-0]
Vì sự trường tồn của Phật Giáo và trước những hoang mang của Phật tử, nên chúng tôi trân trọng kính gửi thư này xin quý vị từ bi hoan hỷ cho biết tôn ý về việc Hoà Thượng Thông Lạc cho rằng từ các kinh điển Đại Thừa như các kinh Pháp Hoa, kinh Kim Cang, kinh Viên Giác, kinh Bát Nhã, kinh Phạm Võng, kinh Duy Ma Cật; tới chư vị Tổ Sư như các Ngài Long Thọ, Vô Trước, Thế Thân, Mã Minh, Bồ Đề Đạt Ma, Huệ Khả, Tổ Vĩnh Minh Diên Thọ v.v. [TL-8] của các truyền thống Đại Thừa, Thiền Tông, Mật Tông, và Tịnh Độ là ngoại đạo, là Bà La Môn giáo, trà trộn vào Phật giáo để đánh phá đạo Phật, biến Phật Giáo thành một thứ tà giáo ngoại đạo. [ĐVXP-T2] Hoà Thượng Thông Lạc cho biết Hoà Thượng đã bị chư Tổ lừa gạt và lầm lạc pháp môn ngoại đạo (Đại Thừa, Thiền Tông, Mật Tông, Tịnh Độ Tông) và khuyên các Phật tử không nên đi vào con đường tu lầm lạc đó. [ĐVXP-T5]
Trước những cáo giác Phật Giáo Đại Thừa và chư Tổ Phật giáo từ Tây Trúc đến Việt Nam là tà giáo ngoại đạo, ban biên tập Thư Viện Hoa Sen và Nguyệt San Liên Hoa Điện Tử do chúng tôi chủ trương đã thận trọng và âm thầm tìm hiểu xem từ nguyên nhân nào mà bỗng nhiên lại có hiện tượng một vị sư phát biểu như thế, nhưng vẫn chưa tìm ra được manh mối một cách rõ ràng. Trong khi chờ đợi, chúng tôi đã không phổ biến các tài liệu diễn giảng của Hoà Thượng Thích Thông Lạc. Tuy nhiên, trước những lời mạ lỵ quá nặng nề của Hòa Thượng dành cho kinh điển và chư Tổ Phật Giáo Đại Thừa, nhiều đạo hữu đã gửi tới chúng tôi những tài liệu mà chúng tôi xin đính kèm sau đây, trích trong một số bài giảng tiêu biểu của Hoà Thượng Thông Lạc để quý vị tham khảo.
Chúng tôi rất mong quí vị hoan hỷ góp ý kiến vì đối với một tôn giáo thì vấn đề kinh điển và nhân cách của chư vị Tổ Sư truyền giáo là vấn đề lớn, cần phải được chiếu rọi cho rõ ràng, tránh cho Phật tử bị rơi vào tình trạng hoang mang.
Xin quý vị thư về cho ban biên tập chúng tôi.
Trân trọng kính chào và kính chúc quý ngài vạn sự cát tường.
Kính thư,
Ban Biên Tập
Tâm Diệu
Đính kèm:
Tài Liệu Thuyết Giảng Của HT. Thông Lạc WinZip File 236 KB
BẢN TRÍCH DẪN VÀI NÉT CHÍNH
TRONG CÁC BÀI THUYẾT GIẢNG CỦA HT. THÍCH THÔNG LẠC
1.. Phật Giáo Đại Thừa không phải là Phật Giáo chánh thống, mà là Phật giáo theo kiểu kiến giải giáo pháp của Bà La Môn. Hay nói cách khác, Phật Giáo Đại Thừa là đạo Bà La Môn lấy tên là Phật Giáo Đại Thừa để lừa đảo tín đồ Phật Giáo. Cho nên nghĩa lý toàn bộ kinh sách Đại Thừa là Giáo pháp của Bà La Môn chính gốc. .(ĐVXP-Tập 8)
2.. Thiền Đông Độ không phải là của Phật Giáo mà là của Lão Giáo Trung Hoa (Tiên Đạo) Tư tưởng Lão Trang Trung Hoa phát triển, có những điểm tương đồng với tư tưởng kinh sách phát triển Đại Thừa Giáo Ấn Độ. Vì thế, sau này Phật giáo Đại Thừa đồng hóa tư tưởng Lão Giáo lấy tên là Phật Giáo Tối Thượng Thừa” hay còn gọi là “Thiền Tông”. Chủ trương của Thiền Tông là kết hợp Lão Giáo và Đại Thừa, nên thường gọi là “Thiền Giáo đồng hành”. …(ĐVXP-Tập 8)
3..Khi về họp ở Tỉnh Hội Phật Giáo Tây Ninh, ông Trưởng Ban Tỉnh Hội đề nghị tôi biên soạn giáo án Tịnh Độ Tông, Mật Tông, Pháp Hoa Tông và Thiền Tông. Trong buổi họp hôm đó, tôi đưa ra ý kiến và vạch rõ bốn tông phái này không phải của Phật Giáo mà của Bà La Môn Giáo:
a- Tịnh Độ Tông là pháp môn mê tín, lừa đảo giới tín đồ bình dân, biến tu sĩ thành những ông Thầy tụng, Thầy cúng tế làm những điều mê tín, phi đạo đức. Các vị Thầy này phá giới luật Phật tận cùng, có một lối sống giống như người thế tục, có vợ con, làm tất cả các nghề nghiệp để sanh sống.
b- Mật Tông là pháp môn tà thuật, huyễn hoặc lường gạt tín đồ nhẹ dạ, ham mê thần thông, biến ông Thầy thành Thầy phù thủy, Thầy bùa, Thầy pháp, v.v…
c- Pháp Hoa Tông là pháp môn phi đạo đức, ngồi không mà muốn làm giàu, làm ác mà muốn trốn tránh tội lỗi, biến ông Thầy thành một vị Bà La Môn chuyên tế lễ, cúng bái, cầu khẩn van xin v.v… Biến Đạo Phật thành thần giáo. Biến tín đồ mất sức tự chủ, luôn luôn sống trong tha lực, tựa nương vào thần quyền, do thế mới sản xuất ra Quán Thế Âm Bồ Tát cứu khổ cứu nạn.
d- Thiền Tông là pháp môn ngã chấp, lý luận có logic, dễ lừa đảo giới trí thức, biến Phật Giáo vô ngã thành Phật Giáo hữu ngã trừu tượng, mơ hồ, biến thiền sư thành giảng sư, luận sư, v.v…
Sau buổi họp đó các Thầy trong Ban Tri Sự Tỉnh Hội báo cáo về Giáo Hội Trung Ương và Thầy tôi tức là Hòa Thượng Thanh Từ. Tôi biết rất rõ điều đó, nhưng tôi không ngại, là vì tôi xác định: Những gì tôi nói là sự thật, vì sự thật thì còn để mọi người suy ngẫm, chứ sự thật mà dối gạt được ai sao? … [ĐVXP-Tập 7]
4. Đức Phật dạy: “Tu là phải lìa xa ý muốn của mình”. Cái ý muốn của mình là gì? Là Bản Ngã Ác Pháp. Bản Ngã Ác Pháp không ly thì làm sao có Niết Bàn? Vô Ngã Ác Pháp là Niết Bàn, chứ không phải Vô Ngã là Niết Bàn, vì vô ngã cả ác lẫn thiện là cây đá. [trang 41 TCB1] Đạo Phật chủ trương lấy thiện diệt ác, lấy đạo đức nhân quả làm cuộc sống của mình không làm khổ mình khổ người. Từ chỗ này chúng ta suy ra để thấy Đạo Phật không mâu thuẩn, vì Đạo Phật “Vô ngã ác pháp chứ không phải vô ngã thiện pháp“. Nếu chúng ta tu hành vô ngã cả thiện pháp và lẫn ác pháp thì hóa ra chúng ta là cây, là đá; cây, đá là một loại vô tri vô giác, đó là cái vô ngã của Đại Thừa. Đạo Phật không có vô ngã như kiểu đó. (ĐVXP-Tập 8)
5. Một người toạ thiền thân không động, miệng không nói và ý không tư duy thì giống như cây đá, đó là thiền của Đại Thừa và Thiền Đông Độ, ngược lại thiền định của Đạo Phật thân không hành ác, nhưng thân hành thiện, miệng không nói lời ác, nhưng miệng nói lời thiện, ý không suy nghĩ điều ác, nhưng ý suy nghĩ điều thiện. Cho nên nên Đạo Phật không chấp nhận hành không, không chấp nhận hành ác, chỉ chấp nhận hành thiện. Vì vậy tu theo đạo Phật không trở thành cây đá, mà trở thành một con người hữu ích cho mình cho người, có nghĩa là không làm khổ mình khổ người, tạo cảnh sống thế gian thành cõi Cực Lạc, Thiên Đàng…..[trang 170 TCB 1]
6. Muốn triển khai Minh trí tuệ, các nhà Đại thừa và thiền Đông Độ dùng pháp hành ức chế niệm thiện niệm ác, cho tâm không niệm thiện niệm ác là định và do tâm định thì phát tuệ (chẳng niệm thiện niệm ác bản lai diện mục hiện tiền), bản lai diện mục hiện tiền là Phật Tánh, mà Phật Tánh là tánh giác, tánh giác tức là trí tuệ. Do những pháp hành tu tập để triển khai trí tuệ như vậy. Họ đã lầm, không ngờ đường tu tập ấy lại khai mở tưởng tuệ. Khi tưởng tuệ được khai mở thì lý luận của các nhà Đại thừa siêu việt tưởng, nên không tôn giáo nào tranh luận hơn được, nhất là lý Bát Nhã của Đại Thừa. Do lý luận siêu việt tưởng Bát Nhã nên nó đã phá luôn Phật Giáo chính gốc (vô khổ, tập, diệt, đạo). (ĐVXP-Tập 6)
7. Cái sai thứ nhất của kinh sách Phát Triển và Thiền Tông là: Khi tâm hết vọng tưởng do sự tập trung ức chế ý thức mà cho là định thì định đó không phải là định của Đạo Phật, mà là định của ngoại đạo.
Cái sai thứ hai là: Trong chỗ hết vọng phát sanh sự hiểu biết, mọi người đều lầm tưởng mà cho sự hiểu biết đó là trí tuệ. Sự thật đó là tưởng tri chứ không phải trí tuệ. Đức Phật đã xác định trí tuệ ở đâu thì giới luật ở đó; mà giới luật tức là đức hạnh, cho nên người có đức hạnh là người có trí tuệ, người có trí tuệ là người có đức hạnh.
Trí tuệ hiểu biết những tưởng pháp như hiểu biết trong kinh sách Đại Thừa và các công án của Thiền Đông Độ là tưởng tuệ. Sự hiểu biết đó không ích lợi cho mình cho người. Sự hiểu biết đó chỉ là một hý luận. Từ xưa đến giờ các thiền sư dựng lên trò hý luận công án nói Đông trả lời Tây, nói Nam trả lời Bắc và còn hơn thế nữa là la, hét, chỉ, trỏ, v.v…(ĐVXP-Tập 8)
8. Đọc suốt bộ kinh Kim Cang ta không thấy có một pháp hành nào cả, chỉ toàn là hý luận lý thuyết suông. Cho nên nói được nhưng chưa có ai làm được như trong kinh này. Kinh này từ xưa đến nay đã cho chúng ta ăn toàn thứ bánh vẽ……(ĐVXP-Tập 8)
9. Kinh Phạm Võng Bồ Tát Giới không phải là chánh pháp của Phật mà là của Bà La Môn có thâm ý muốn diệt Phật giáo nên mới chế ra Bồ Tát Giới. Mục đích của Bồ Tát Giới là bộ sách có hình thức tổ chức người cư sĩ thành một tổ chức để phục vụ cho Phật Giáo Đại Thừa. Phần thứ nhất là khuyến dụ người cư sĩ thọ Bồ Tát Giới để góp công góp của xây dựng đạo pháp của Bà La Môn, nhưng sự thật là phục vụ cho quý Thầy Đại thừa: Bồ Tát Giới là một bộ sách khuyến dụ Phật tử để lừa công sức và lừa của cải, tiền bạc của họ. Bồ Tát Giới là một loại kinh sách với thâm ý diệt Phật Giáo. Quý vị đọc cho kỹ lại bộ sách thì mới thấy rõ âm mưu thâm độc của Phật Giáo phát triển Đại Thừa. …(ĐVXP-Tập 8)
10. Kinh Duy Ma Cật là kinh phát triển của Đại Thừa. Kinh giáo Đại Thừa là kinh sách chịu ảnh hưởng của nhiều tôn giáo khác nhau và những phong tục tập quán của con người trên hành tinh này mà thành lập ra giáo lý của mình. Nó không có gì đặc biệt riêng của nó, chỉ khéo dùng những danh từ thật kêu và cũng giống như vẽ rắn thêm chân, thêm râu, khiến cho mọi người dễ bị lường gạt tưởng là rồng thật. Giáo lý Đại Thừa và Thiền Đông Độ cũng lường gạt tín đồ như vậy, tưởng là một chân lý siêu việt của Đạo Phật, nào ngờ là một giáo lý chắp vá, như chiếc áo may nhiều loại vải thô xấu….(ĐVXP-Tập 8)
11.Kinh Thủ Lăng Nghiêm đã lừa đảo mọi người. Tánh Biết, Tánh Thấy, Tánh Nghe, những tánh này là thường, lạc, ngã, tịnh, nó luôn luôn có trí tuệ diệu dụng, hằng giác, sáng suốt vô hạn, thế mà lại chui vào cái đải da hôi thúi. Thiền Sư Triệu Châu trả lời cho một thiền tăng hỏi đạo: biết mà cố phạm. Xưa Đức Phật cho những luận thuyết này là những loại luận thuyết trườn uốn như con lươn… Kinh Thủ Lăng Nghiêm là kinh phát triển của Đại Thừa, do người sau viết ra mạo nhận là Phật thuyết, nên lối lý luận thiếu chân thật, không logic, thường mâu thuẫn, v.v… Kinh này chỉ dạy cho chúng ta thấy Phật Tánh thường hằng sáng suốt từ vô thủy cho đến nay. Tất cả chúng sanh từ loài côn trùng, cầm thú đến loài người đều có, có mà ngu như con bò, nên thường chịu khổ từ kiếp này sang kiếp khác. Thà là chịu ngu như loài cầm thú còn hơn có Tánh Giác mà lại ngu thì mới buồn cười cho loại kinh sách xảo ngôn. Suy nghĩ chút xíu, chúng ta sẽ thấy rất nhiều cái sai trong kinh này ..[ĐVXP-Tập 8]
12..Kinh Viên Giác không phải kinh sách Phật thuyết mà do các Tổ thuyết, nhưng các Tổ khôn khéo gán cho Phật thuyết để dễ lừa đảo tín đồ Phật Giáo và tín đồ Phật Giáo cũng dễ tin tưởng là tất cả kinh đều do Phật thuyết vì kinh sách Đại Thừa tập kinh nào cũng bắt đầu bằng câu: Như thị ngã văn nhất thời Phật tại Xá Vệ Quốc, kỳ thọ Cấp Cô độc viên dữ … , chỉ nội câu này cũng đủ lừa đảo người khác rồi. Kinh sách Đại Thừa nào cũng có hai phần: 1- Dụ dỗ 2- Hăm dọa.
13..Đức Phật Di Lặc không có, đó chỉ là một Đức Phật tưởng tượng của các nhà Đại Thừa Bà La Môn. Đức Phật Di Lặc đã được kinh sách Đại Thừa nói đến rất nhiều. Đó là một thâm ý nham hiểm của các nhà Đại Thừa Giáo, đưa Đức Phật Di Lặc ra để làm một cuộc cách mạng Phật Giáo lật đổ Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni, thay thế bằng vị giáo chủ mới là Phật Di Lặc. .(ĐVXP-Tập 7)
14…Bởi vậy từ khi có sự hý luận của Ngài Long Thọ với Trung Quán Luận là một tai hại rất lớn cho tín đồ Phật Giáo từ thế hệ này đến thế hệ khác chỉ toàn là ăn thứ bánh vẽ cho nên không mấy vị tu sĩ đạt được giải thoát, đến khi chết không có vị nào mà không đau khổ cả, họ đều lăn lộn trăn trở trên giường bịnh một cách khổ đau không thua gì người thế tục. .(ĐVXP-Tập 9)
15. Trên đường hoằng hóa độ sanh, Thượng Tọa bộ tuy cố giữ gốc Nguyên Thủy, nhưng vì các vị tu hành chưa chứng đắc nên có sự kiến giải trong giáo lý ấy bằng trí tuệ học giả hoặc bằng những kinh nghiệm chưa đến nơi đến chốn như: Thiền sư Mahàsi, Thiền sư A-Chaan-chah. Hai Ngài có những bài kinh soạn theo kiến giải kinh nghiệm tu hành của mình như: Mặt Hồ Tĩnh Lặng, Thiền Minh Sát Tuệ, v.v… Làm sai ý nghĩa và giáo pháp của Đức Phật rất lớn..Vì tu hành chưa tới nơi tới chốn, nên các Ngài biên soạn những loại kinh sách này vô tình đã để lại cho loài người trong hiện tại và mai sau những tai hại rất lớn, làm hao tài tốn của và phí cả cuộc đời của hậu học chẳng ích lợi gì, khi họ theo tu những pháp môn này. Trong thế kỷ này, tín đồ Phật Giáo khắp năm châu bốn biển đua nhau tu tập thiền Minh Sát Tuệ. Tu tập thiền này phải tập trung theo cơ bụng (Phồng, xẹp) nhằm diệt vọng tưởng. Loại thiền ấy thuộc về thiền ức chế tâm nó không phải là thiền của Đạo Phật…..(ĐVXP-Tập 8)
Discussion about this post